V –LẶN LỘI PHÙ SA
-Anh phải nhớ cho mẹ điều này: Dân tình xưa nay thường nghĩ làm quan thì thằng nào cũng ăn. Không ít thì nhiều. Không ăn cũng mang tiếng là ăn. Nên nhiều người được cơ hội làm quan là tranh thủ ăn của dân, bòn rút của làng. Nhiều kẻ ra vẻ bố thí cho dân, nhưng kỳ thực bốc mớ “của ruộng đắp cho bờ”... Riêng con phải chứng minh ngược lại! Tự mình làm lấy mà ăn mới ngon, mới quý giọt mồ hôi của mình, của thiên hạ! Bà Lễ Đĩnh gọi con trai lại khuyên răn.
-Dạ! Cha vẫn dạy con: Con chim bay qua để lại tiếng!
-Phải đấy! Con quạ bay qua để lại tiếng kinh sợ, đàn gà con nấp vội vào cánh mẹ. Con họa mi bay qua để tiếng véo von, đứa trẻ con cũng reo cũng thích…
Mẹ bàn với anh thế này: Mình phải giàu có, mới có lực để gánh vác việc làng…
Nhưng giàu có chưa đủ, mà phải nhân đức mới không sinh lòng tham lam bớt xén của dân! Tấn chậm rãi bày tỏ:
-Dạ! Thưa mẹ! Quan cũng là cái họa của dân! Con nghĩ làm quan phải giữ mình như giữ lửa! Cái chức lý trưởng, chánh tổng cũng chẳng chắc bướu gì. Không khéo còn mắc tiếng mắc họa…
-Thế là phải con ạ! Quan nhất thời, dân vạn đại! Phải sắm cây gậy mà chống. Mai kia nhỡ có xảy ra hệ trọng, thất thế, mình cũng có chốn ăn, chốn ở, chốn làm một cách ung dung… mà “qui cố viên”…
-Con cũng đã trù tính “Làm quan phải giữ cái thón đó”.
-Hay ta đắp đầm Nhà Mạc bắt cá nuôi tôm hả con?
-Ôi! Con chịu mẹ! Xưa nay mới thấy dân làng Hương Hạc, Quỳnh Bảo đắp cạp chắn đọn ven sông. Chứ chưa có ai dám đắp đầm rộng lớn thế!
-Thì nhà ta làm! Cũng như tổ tiên ta từ kinh thành ra tận cửa sông đây lấn biển khai hoang mới có xóm ấp, làng mạc bây giờ cho con cháu… Được mẹ gợi ý và khích lệ, Lý Tấn liền rủ hai ông anh rể cất công chèo thuyền đi thăm thú, khảo sát luồng lạch, rừng bãi trên các nhánh sông Vân Cừ. Phạm Khê, anh rể lấy chị gái cả vốn từng làm thủ đê giàu kinh nghiệm đào đắp và quản lý đê điều. Vũ Thành, anh rể lớn bên vợ vốn giỏi nghề đánh bắt cá tôm. Hai người sẽ giúp anh việc nhìn nhận rừng bãi, con nước, đoán biết nơi cá tôm sinh tụ và khoanh vùng đắp đê đặt cống…
Lần đầu tiên chèo thuyền trên sông nước, Tấn mới có dịp quan sát từng khúc sông, khúc bãi và những đoạn đê chạy ven sông bao quanh vùng làng đảo quê hương. Sông như vòng tay mẹ hiền ôm ấp lấy những đứa con. Những đứa con chính là những làng mạc trong kia. Vòng đê xanh ngút mắt những cánh rừng ngập mặn chạy dài xuống mép sóng. Cánh rừng nào cũng cơ man những đàn cò từ khắp nơi bay về như cơ man những mảnh giấy trắng trên vòm trời đáp xuống.
Trên nền sông nước mênh mang, Tấn ngây ngất ngỡ mình lạc vào một bức tranh thủy mặc vô cùng sống động. Giữa kỳ nước nổi, từng bầy cá đối nhảy như cơn mưa bóng mây chạy ào ào từ đầu sông đến cuối sông. Những vàng lưới dụi tung trên mặt nước đón những bầy cá từ ngoài thềm vịnh Bắc Bộ theo thuỷ triều vào ăn nơi cửa sông, vụng bãi. Tiếng giũ lưới rộn ràng, tiếng gõ phàng cốc cốc bập bung kéo theo tiếng hò, tiếng cười sóng sánh cả một quãng sông. Những lạch bãi dưới tán rừng sú vẹt, mắm đước… tiếng cá bống đớp tom tõm cùng tiếng tôm búng, tiếng cua cáy đùn bọt lao xao. Dòng sông lăn tăn như được dát lên muôn vàn những vẩy vàng, vẩy bạc. Đây đó bên các ghềnh đá thấp thoáng những con thuyền nhỏ nổi rõ tấm lưng cong của những lão ngư ngồi câu cá. Mỗi độ hạ tàn, thu sang, các ngư ông trong làng lại ra sông câu cá vược, cá sủ. Nước trên các nhánh sông đổ xuống mang theo phù sa, phù du cùng nước mặn dưới biển dâng lên giao nhau thành từng vệt xuôi ngược.
-Ô kìa! Cá heo! Tấn kêu lên khi thấy mặt sông bỗng cồn lên những vệt sóng xô như những đường cày. Những con cá heo lớn bằng con nghé từ ngoài biển đang bơi qua sông Tranh tới sông Vân Cừ. Chúng còn nhào lộn sau những chiếc thuyền vận tải căng buồm lướt sóng, như thể muốn bơi thi. Thành anh rể trên Tấn bảo:
-Chú biết không? Hôm nay anh em mình đi vào ngày mười tư. Vào những ngày này tuần đầu tháng, tuần rằm, cá heo bơi như hội. Người đứng trên bờ thích chí vỗ tay, chúng càng nhào lộn ngoạn mục… Quả như vậy. Tấn thử vỗ tay một chập, y rằng chúng bơi sát tới mạn thuyền nhào lộn, phơi lên những cái bụng trắng xoá rất điệu đàng...
Tấn đã rất chú ý khu vực phía tây làng đảo. Trong dân gian người ta thường gọi đây là đầm Nhà Mạc. Tên gọi đầm Nhà Mạc có thể có từ sau thời nhà Mạc. Nhà Mạc (1527-1677), một vương triều có nhiều đóng góp quan trọng trong tiến trình phát triển của lịch sử dân tộc. Theo sách “Ô châu cận lục” thì vương triều Mạc đã tạo ra một xã hội ổn định, no ấm, có kỷ cương và pháp luật. Sách ghi khá cụ thể những cảnh sinh hoạt phồn thịnh của thời kỳ này. Tác giả bộ “Đại Việt sử ký toàn thư” cũng ghi nhận: “Mạc có lệnh cấm các xứ trong ngoài người ta không được cầm giáo mác và binh khí hoành hành ở đường sá, ai trái thì cho pháp ty bắt. Từ đó những người đi buôn bán chỉ đi tay không, không phải đem khí giới tự vệ, trong khoảng mấy năm, trộm cướp biệt tăm, súc vật chăn nuôi tối đến không phải dồn vào chuồng, cứ mỗi tháng một lần kiểm điểm thôi. Mấy năm liền được mùa, nhân dân bốn trấn đều được yên ổn”... Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm là một trong nhiều danh nhân hiền tài xuất hiện trong thời này…
Anh rể Phạm Khê ngạc nhiên hỏi Tấn:
-Sao cậu lại thuộc sử thế?
-Năng dùi mài đèn sách anh ạ! Tấn buông chèo hạ giọng: Tuy nhiên, do ảnh hưởng bởi cái nhìn thiên lệch, chủ quan của các sử gia phong kiến, việc ghi chép, nghiên cứu cũng như đánh giá về vương triều Mạc không được đầy đủ, chân thực nên đã gây ra cái nhìn chủ quan, phiến diện về vương triều này. Theo dân gian thì Mạc Đăng Dung từng sử dụng các rừng bãi ngút ngàn, hiểm trở nơi đây để ém quân và sau đó mở rộng chính sách khuyến ngư khuyến nông chỉnh trang bờ cõi. Sau quen gọi là đầm Nhà Mạc... Anh rể Vũ Thành gật gật đầu:
-Điều này thì tôi có biết. Mỗi khi ông nhà tôi đánh lưới về, các cụ ngồi uống rượu cá luộc với nhau thường nói chuyện …
Vào kỳ nước kém. Thủy triều rặc mạnh. Các cánh rừng ngập mặn lặng thít gió. Nghe rạo rực tiếng sông chảy, tiếng cá quẫy, tiếng chim hót ríu ran, tiếng cáy còng đùn bọt và cả tiếng những bầy ong rì rào, vo ve. Các nhánh sông Rút, sông Lai Dương, sông Ruột Lợn… chảy len lỏi giữa những vạt sú vẹt, bãi phù sa như những ngón tay bấu chặt lấy nắm cơm. Ngòi lạch chảy róc rách, chỗ nào cũng đọng lại nhung nhúc cá tôm, cua ghẹ... Mấy anh em reo lên: Tiền rừng bạc bể từ đây mà lấy lên chứ đâu xa!
Vui mừng quá, về nhà, để cả hai bàn chân lấm bùn đất chạy vào sân, Lý Tấn bàn với mẹ: Vùng sông nước bãi Nhà Mạc làm ăn được mẹ ạ! Chỉ có khoanh vùng đắp đầm, đặt cống, chặn giữ các loài thủy sản lại để khai thác và lấy giống nuôi tại chỗ là thượng sách! Cái “thón đó” là đây chứ đâu!
Bà Lễ Đĩnh gật đầu. Môi bà đỏ tươi trong miếng trầu đang nhai. Thắp ba nén nhang cắm lên bát hương, bà lầm thầm khấn vái. Hai đồng tiền múa, rơi đánh keng trên chiếc đĩa men xanh ngọc. Lúc quay ra, gương mặt bà hồng rực hẳn lên: Được rồi! Cứ thế mà làm con ạ!
Kỳ nước kém sau, bà đích thân cùng con trai chèo thuyền sang tận nơi xem xét. Khấp khởi mừng, bà vạch công việc cho Tấn lo trình quan huyện An Bang và xem ngày chuẩn bị khởi sự. Mồng Một tháng Tám, hai mẹ con sắm hoa quả ra chùa Lụa làm lễ. Lúc về, vào nhà thờ họ, lên miếu Tứ Xã, vào Nghè Lụa thắp hương. Phấn chấn, Tấn cầm dùi gõ một hồi chiêng. Tiếng chiêng đồng trầm đục, ngân nga vọng vào không gian. Khói trầm ấm áp, hương hoa ngan ngát lan tỏa khiến cõi lòng thanh tịnh, bâng khuâng. Tự dưng trong phút giây thiêng liêng ấy, trước mắt Lý Tấn vụt hiện bóng dáng các tiền nhân, các thế hệ thời mở đất lập làng... Những người đàn ông lưng trần, đóng khố, đầu vấn khăn đầu rìu, hì hụi xẻ mai, bốc đất... Những người đàn bà vận xống đen vải đũi, phất phơ dải yếm đào, vấn khăn mỏ quạ, đôi mắt long lanh, đang gồng gánh, chèo đẩy... Những con thuyền hạ buồm nghiêng mạn. Những ngọn đuốc lửa cháy bập bùng. Người người chuyền tay nhau hoặc vác những hòn đất ném xuống biển cả. Biển tung lên bọt nước trắng xóa. Tiếng cười râm ran mặt sóng. Những câu hò biển, hát đúm đối đáp ngân nga. Con đê như một vệt mơ hồ theo năm tháng... rồi vững vàng thành lũy. Bãi sú vẹt hoang vu thu hẹp dần. Vạt lúa mướt xanh vẫy gió. Trong lều cỏ, bỗng bật lên tiếng đứa trẻ chào đời. Tiếng khóc vang mặt sóng, vọng trên biển khơi. Con nghé con gọi mẹ đâu đây. Canh khuya tiếng chày giã gạo nện đằm mịn đêm sương!...
Buôn có bạn, bán có phường. Để tạo thêm sự vững chắc như một thế trận liên hoàn, Lý Tấn tranh thủ vận động các ông lý trưởng đương thời, các ông cựu chánh tổng các làng Quỳnh, làng Vị, làng Đông, làng Giữa… cùng chung sức. Nhìn nhận ra nguồn lợi quý báu của thiên nhiên, nhiều người đã xắn tay vào cuộc. Họ chia nhau một dải từ bắc xuống nam đầm Nhà Mạc quai đê khoanh vùng, đón lõng dòng cá tôm trong vụng bãi, ngòi lạch.
Tháng hai năm sau, sự nghiệp đắp đầm Nhà Mạc của gia đình Lý Tấn được bắt đầu. Của cải và dân công được huy động, thuê mướn. Lợi dụng các kỳ con nước, mọi phương tiện sắp sẵn đợi thủy triều xuống cạn để tranh thủ tạo cốt và lấy đất vật lên. Hệ thống chẫy tre cắm thành từng vách nối nhau, đóng thành từng “xay”, từng chuồng giăng hàng làm cốt. Hàng trăm rọ tre lèn chặt đá hộc cùng những con thuyền chở đất trút xuống. Lý Tấn xoay trần lặn lội dưới làn nước đục, hò hét dân công đến khản cổ. Thấy một toán người loay hoay đóng cọc, để mũi cọc ngã xuôi theo dòng nước, ông nhảy xuống vít xoay cọc trở lại:
-Các chú phải đóng thế này: nghiêng mũi cọc ngược ngọn nước đổ xuống, vì thủy triều rút, sức nước rất mạnh. Đất đá ném xuống sẽ tạo thành khối ngược chống lại cả sức sông đang dồn, thì đê mới vững chân…
-Ôi! Bác Lý giỏi quá! Mọi người ồ lên thán phục trong tiếng hò reo, tiếng trống thúc vang dậy cả một vùng. Từng đoạn, từng đoạn một, những khối đất nổi lên như một đàn cá heo bơi vòng tròn cắn đuôi nhau. Con đê nhỏ hiện dần. Qua nhiều lần vỡ phải đắp đi đắp lại, khu đầm mênh mông đã hình thành dưới những tán rừng sú vẹt.
Gọi là đầm, nhưng thực ra chỉ là những khoảng rừng bãi rộng khoanh lại. Đầm thủy sản khai thác quảng canh, chẳng khác gì cái bánh đa mỏng manh trên mặt sóng, chẳng khác gì một con mồi nhỏ trước miệng hàm bão gió. Vậy mà mỗi kỳ tháo đầm, cá tôm đông đặc như trong chiếc chậu khổng lồ. Đủ thứ tôm rảo, cá vược, cá tráp, cua bể, ghẹ, ốc, rau câu... Nhiều đêm đổ túi, vục tôm cá lên thuyền đến chán cả chân tay. Chim trời thì vô kể. Nơi đây chẳng khác gì một thế giới các loài chim. Chúng bay chao chát, dày đặc khoảng trời, va cả vào người. Rạng đông hay lúc hoàng hôn, từng đàn cò, vịt trời, ngỗng trời, le le, bìm bịp kêu âm vang, náo động. Cả một vùng rừng bãi, sông nước hỗn loạn muôn thứ âm thanh tiếng chim bay, tiếng cá quẫy, tiếng lá rừng, tiếng sóng vỗ miên man… Ban đêm, từng đàn vạc bay về gọi nhau như kéo thấp cả vòm sao. Nằm dưới lều thò tay cũng túm được cẳng chim đậu ngay trên những cành cây la đà...
Đầm áng ngày một sinh lợi. Có bát ăn bát để, Lý Tấn đã trang trải được hết các khoản nợ. Với hai chân đồng ruộng và đầm thủy sản, cuộc sống dần dà trở nên giàu có, lo được bao nhiêu công ăn việc làm cho người trong gia ổ và làng xã. Gia đình Lý Tấn đã đi lên từ nguồn lợi vớt dưới lòng nước rừng bãi cửa sông Vân Cừ. Lý Tấn đã là chức sắc đầu tiên ở vùng làng đảo nghĩ tới và thành công một thời việc khai thác bãi triều đầm Nhà Mạc, theo bước chân các tiền nhân quai đê lấn biển.
Trông coi, quản lý đầm Nhà Mạc, Lý Tấn giao cho anh cu Giáo, cháu gọi bằng cậu ruột và chú câm Ba Xâm. Đến nước tháo đầm, ông cùng các gia nhân chèo thuyền sang, kiểm tra, đôn đốc, rồi xúm vào giúp việc. Anh Giáo người chắc đậm, khỏe mạnh, nhanh nhẹn, thực thà và chịu khó. Vốn quen việc đồng áng, mò cua bắt ốc, lội rừng lội bãi từ nhỏ, nên anh rất thông thạo thời tiết, con nước, thông thạo lờ đó, lưới chài… Cậu Tấn tin tưởng, coi cháu như con trai. Ba Xâm tuy câm điếc nhưng làm được nhiều việc. Cá tôm đánh bắt đến đâu lại chở đi giao bán đến đấy.
Sang đầm, Lý Tấn cởi trần lội bãi xem xét cống máng, rồi chặt sú, chặt đâng đem lên gò chất đống làm củi. Ông còn nhặt những quả đâng quả vẹt già do sóng tấp vào, đem cắm xuống các vạt bãi lầy bùn. Chỉ vài hôm sang đã thấy những mầm non vươn lên lấp ló mặt nước. Vừa mài lại con rựa cho sắc, ông vừa dặn Giáo:
-Làm gì cháu cũng phải nghĩ đến việc phòng xa mưa gió thất thường. Gạo muối, củi nước, dầu đèn phải đi với nhau! Những chỗ rừng chặt củi nhớ cấy thêm cây mới cho con tôm con cá có bóng mát, có khí nó thở. Giống vật nó cũng như người. Nắng lửa, rét buốt không chỗ ẩn trú, không chịu nổi là nó phải chết…
Ông kéo lưới, tháo túi rất thành thạo. Ngồi ăn cơm, Lý Tấn vui đùa, kể chuyện tiếu lâm khiến ai cũng cười sặc sụa. Những đêm tối trời, gió thổi lộng. Hai cậu cháu chèo thuyền nan thả lưới trên đầm. Một lần do vội vã, Giáo cầm chèo, chèo ngược gió, cây đuốc cháy bùng bùng táp vào mặt cậu, suýt cháy xém tóc. Ông vội ôm mặt, bảo Giáo: Chúc ngọn đuốc xuống. Chèo nhanh lên đoạn trên, rồi quay mũi thuyền lại! Giáo chợt tỉnh làm theo. Y rằng con thuyền thả trôi xuôi theo chiều gió.
Ngọn đuốc cháy cũng xuôi theo chiều gió, không táp lại mặt. Cứ thế tha hồ vớt lưới. Giáo cười thán phục:
-Cháu chịu cậu! Tưởng cậu chỉ sành chữ nghĩa, ai ngờ cậu thuộc việc hơn cháu!
-Nhìn thì biết chứ! Chèo kiểu ấy lửa đốt hết mặt, khói tạt vào mắt làm sao mà nhìn thấy lưới? Có bữa oan gia…
Buổi sáng ở đầm thoáng mát một không gian mênh mông. Nắng mai rực rỡ, sóng nhẹ lăn tăn. Chim cò bay phơi phới. Tấn thích thú lội bãi bắt cáy còng, cua ốc... Giữa thiên nhiên, giữa những khoảnh khắc vô tư, Tấn như sống lại tuổi thơ, hòa mình vào sông nước. Bãi đầm có nhiều loài ốc quí. Ốc đẽ, ốc vôi, ốc xoắn, ốc mút, ốc cu lơn… Nhất là con bông thùa, nhiều như thùn mũn trong đồng làng. Bông thùa là loài nhuyễn thể, nhỏ như ruột con ốc đẽ, ăn rất ngon và bổ dưỡng. Tấn thấy mẹ thường xuống chợ Lưu, chợ Đình mua bông thùa về nấu. Bông thùa sống rửa sạch, để ráo. Phi hành mỡ, cà chua rồi cho bông thùa vào nấu cùng rau sam. Rau sam cha hay gọi là rau tập tàng, vặn xắt khúc, hoặc để nguyên cộng. Tấn thấy mẹ dạy các chị: “Khi nấu đun lửa nhỏ, đừng cho nước. Bông thùa chín, tự nó tiết ra nước cốt. Không xào quá kỹ, sẽ giảm mất chất ngọt béo của bông thùa và hỏng vị chua nhôn nhốt của rau sam”… Biết tính mẹ, lần nào Tấn cũng không quên lội bãi móc bông thùa. Khi bãi cạn xăm xắp, chỉ nhìn các lỗ tròn xoe là Tấn phát hiện ra hang của nó. Bông thùa lên ăn thường xòe miệng trên cửa lỗ giống như một đóa hoa nhỏ nở lập lờ mặt nước. Lúc này chỉ việc thọc hai ngón tay thật nhanh xuống bùn, chặn đường rút là móc được nó lên, cho vào giỏ…
Từ đầm Nhà Mạc chèo thuyền sang cảng Hải Phòng rất gần và thuận tiện. Cá tôm mang lên chợ bán được, Lý Tấn cho mua vải vóc chở về làng buôn lại, cung cấp cho dân làng. Một buổi chiều tháng ba, từ cảng Máy Chai, cậu cháu chở đầy ắp một thuyền vải vóc về qua đoạn làng Lư An. Đang đi giữa sông, bị lính một bốt gác trên bờ gọi giật lại. Chúng hô hét bắt quay thuyền vào bến kiểm tra. Lý Tấn hỏi Giáo: Cháu có giấu hàng lậu lạ gì không? Dạ không! Chỉ toàn vải súc với quần áo như cậu đã mua! Tưởng giấu thì bảo rõ để cậu còn lựa đường…
Thuyền buộc phải áp mạn. Bọn lính và trương tuần xộc xuống, bắt mọi người khiêng toàn bộ đám vải lên bờ. Số vải được tập kết vào sân một ngôi nhà. Đám đông kháo nhau: Mẹ kiếp! Không có gì ngoài những vải là vải với quần áo!
-Dân Hà Yên, buôn hàng tấm à?
-Ừ! Lấy mẹ nó một ít về may quần áo cho vợ con… cho bõ…
Mấy tên khuân một cuộn vào trong nhà. Nghe rõ tiếng xé vải xoàn xoạt, mấy đoạn liền. Giáo ghé tai Lý Tấn: Bọn chúng nó ăn bớt vải cậu ạ! Xé toàn vải đẹp! Xót ruột lắm, nhưng ông bấm tay cháu: Lặng yên! Cố nhịn xem sao!
Ba Xâm thấy vậy, liền chạy xông vào giằng lại đám vải. Anh chui vào cuộn vải, kéo luôn cả khối bùng nhùng, rối tung rối mù chạy ra ngoài. Một gã mặt dài đen, râu xồm đuổi đằng sau, định cướp lại. Vừa lúc đó thì lý trưởng làng đến. Lý Tấn bình tĩnh trình bày:
-Dạ bẩm ông lý! Chúng tôi chỉ là người làm ăn chân chỉ… làm đầm làm áng lấy tay vày lỗ miệng. Đánh bắt được ít tôm cá, nhịn ăn nhịn uống mà đem bán. Rồi mua ít vải đem về. Chứ không buôn lậu, trộm cắp của ai… Xin ông xem xét cho chúng tôi về. Lý trưởng săn mặt, hỏi giấy tờ. Ông chìa bàn tay: Tôi chỉ có tay trắng. Người thực, việc thực, ông nhìn bàn tay thì biết thực hay không!
Nói vậy, nhưng ông vẫn rút ra tấm thẻ căn cước và tờ giấy thông hành. Xem xong, bỗng dưng lý trưởng khom người xuống chắp tay:
-Ối! Bác Lý Tấn làng Lụa An Bang! Tiếng lành đồn xa tiếng dữ đồn xa! Văn kỳ thanh, bất kiến kỳ hình. Nghe tên huynh đã lâu mà chưa biết mặt! Hôm nay mới có cơ tôm tép gặp rồng!... Quyền sinh quyền sát như huynh sao phải đi buôn từng mớ vải thế này?
-Dạ thưa! Tay làm hàm nhai! Tay quai miệng trễ. Có làm thì mới bảo được dân. Đây tôi mua về cũng chỉ là để cho dân có cái mặc, cái ăn… Dân làng tôi nghèo khó, toàn vận áo đũi bao gai, biết đâu đường sá mà sang đây mua vải với lụa. Nên chúng tôi, cậy kẻ có tai có mắt phải vào chợ mua lại, mang về. Lo cho dân là cái cốt yếu. Lờ lãi chả được bao nhiêu…
Lý trưởng Lư An vội quát đám gia nhân, trương tuần thu lại những cuộn vải xếp xuống thuyền. Ông ta vồn vã kéo tay Lý Tấn và đám con cháu: Mời thầy cùng mọi người hạ cố về đình làng chúng tôi! Hôm nay ta cùng nhau tiếp kiến… Chúng tôi xin đền ông số vải mà gia nhân trót xé... Lý Tấn vội xua tay: Không không! Không cần phải thế! Họ đã trót xé thì để vợ con người ta có miếng mà mặc. Coi như biếu họ. Vài thước đó không sao! Cái tình mới trọng!...
Chiều muộn. Mặt trời chỉ còn độ ngọn sào. Chiếc thuyền quay mũi rời bến. Lý Tấn tự tay chèo lái. Anh cu Giáo chèo mũi, lướt ra, nhằm sông Ruột Lợn. Khi về chạm sông Rút, thì xẩm tối. Bỗng một chiếc thuyền nan trong rặng lậu lao nhanh tới đón đường định áp sát thuyền Lý Tấn. Một tiếng hô nhỏ và gắt: Tất cả buông chèo! Im! Một thoáng sững sờ. Bọn cướp à? Lý Tấn từ từ buông chèo. Thuyền mất lái xoay nửa vòng. Nhanh như cắt, ông ngoái lại sau lưng vớ luôn con rựa tộp, lấy thế: Quân ăn cướp! Tao chém! Nếu chúng mày sang đây!
-Bình tĩnh đã bác! Người chèo thuyền bên kia bỏ nón xuống, cười khanh khách: Cháu đây! Lý Tấn nhận ra gương mặt trẻ măng, một thanh niên cùng làng:
-Thằng Tuấn! Phùng Tuấn? Sao mày lại ở đây? Làm cướp sông à? Phùng Tuấn ghì mái chèo sang thuyền Lý Tấn, ghìm lại: Vâng! Cháu đây! Nhưng làm việc khác! Cơ này bác mới về ư?
-Ừ! Thuyền tớ bị giữ ở Lư An. May quá gặp người quen, họ giữ lại chén chú chén anh một chặp, giờ mới được về… Tuấn bụm tay nói ghé sang: Bác cho chúng tôi xin dăm cuộn vải dưới cùng!
-Sao? Vải của tao. Chúng mày định…
-Không! Thưa bác! Chúng tôi chỉ lấy chỗ vải màu xẫm xấu xấu bẩn bẩn kia thôi! Toàn “tài liệu bí mật” bên trong! Do “cơ sở” ở chợ gửi ra. Nhiều thứ quan trọng lắm. Bác thông cảm!
-Vậy mà cháu không nói trước một lời. Nhỡ ra…
-Có thế mới qua được các bốt…
-Suýt… suýt nữa cậu em mất… mất mạng đấy anh ạ!... Cu Giáo gác chèo lập cập rút những cuộn vải phía dưới chuyển sang cho Tuấn. Tuấn cười hềnh hệch: Nói trước, cho bác với thằng em thêm run ấy ư…
-Nhưng mà… biết trước để tùy cơ đối phó… Chứ ta có tiếc gì…
-Thế mới gọi là Cộng sản chứ bác! Xuất quỷ nhập thần mà! Thôi, lọt rồi! Thay mặt Cách mạng, cảm ơn bác với các em… Tôi phải về “Áng” ngay!
Hai chiếc thuyền tách ra hai phía trong hoàng hôn hắt xuống dòng sông tím ngắt ánh dẻ quạt.
…....... CÒN TIẾP