T ôi không biết có nên kể cho Sơn nghe về buổi sáng hôm qua, một sáng mùa đông tôi lang thang trong một cánh rừng.
Trên bản đồ ngoại ô Paris, vùng đất này được định vị như một công viên lịch sử. Nhưng với tôi nó là rừng vì quá bao la, rộng lớn. Nếu không có những bức tượng các vị chức sắc tên tuổi của triều đại vua chúa từ thế kỷ mười lăm-mười sáu, những bờ tường xi măng kiên cố bọc quanh dòng kênh, bờ hồ, thác nước thì quang cảnh nơi đây có khác gì rừng và sông suối. Những vị kiến trúc sư, hoạ sĩ lỗi lạc thời ấy khi vẽ kiểu cho khu vườn vua-chúa này cũng còn biết chừa lại những khu đất rộng, thoai thoải như đồi. Có lẽ dành cho nhà vua cưỡi ngựa dạo chơi. Tuy không hoang dã nhưng còn đậm nét thiên nhiên. Cây cao, cây thấp, cành lá giao nhau che kín bầu trời.
Tôi đã tả cho Sơn nghe về tòa lâu đài trên cao, viện bảo tàng, hoa viên với nhiều loại hoa có màu sắc đặc biệt, ít khi nhìn thấy ở những tiệm bán cây cảnh. Hồ nước không tròn hay như hình bán nguyệt mà tẻ ra nhiều nhánh dài, lan tỏa như từng khúc sông nhỏ, có cả cây cầu biên giới bắc ngang nối kết đôi bờ. Những lối đi khuất dưới vòm cây thấp. Con đường chính dẫn vào công viên như một khu triển lãm lộ thiên, hầu như bốn mùa đều có những bức ảnh nghệ thuật với đủ mọi chủ đề được phóng to, treo trên những bờ rào đón chào du khách.
Tôi còn quả quyết công viên này đẹp không thua gì Tuileries, Luxembourg của thành phố Paris. Nhưng thật ra tôi nào biết được bao nhiêu, nào đi được đến tận cùng ngõ ngách của khu vườn. Dù nó chỉ cách nơi tôi ở độ một ngàn bước chân. Thời này, điện thoại thông minh còn có một chức năng đếm được bước đi của người dùng, và tôi thường theo dõi mình đi được bao nhiêu bước sau những buổi đi dạo. Tôi hẹn một tháng tư nào đó, nếu anh đến được nơi này, tôi sẽ lái xe đưa anh đến một khu đặc biệt đầy hoa anh đào mà hàng năm khi hoa nở, người Nhật sống ở đây thường họp mặt như một lễ hội truyền thống của đất nước họ.
Vòng đai công viên được bao bọc bởi những thị trấn, nên có nhiều lối để vào. Trước những cánh cổng đều có bãi đậu xe. Tiện cho du khách đến từ phương xa. Hơn nữa, làm sao có thể đi bộ xuyên suốt từ hướng này qua hướng kia. Mỗi ngày đi bộ quanh hồ, dọc theo kênh nước, bước lên những bậc tam cấp về phía lâu đài, vào vườn hoa, rồi quay về đường chính ngắm tranh, xem những thông tin về những cuộc triển lãm nghệ thuật sẽ được tổ chức đâu đó… Tính ra tôi đi được năm cây số, khoảng hơn năm ngàn bước chân. Tốt cho sức khỏe như lời khuyên của bác sĩ. Và tôi chỉ biết từng ấy.
Tôi thích đi trên những con đường đất ngoằn ngoèo dưới bóng mát của những vòm cây hơn là những con đường rộng phẳng phiu tráng nhựa phía ngoài. Mùa nào cũng thế, lá rụng đầy trên mặt đất. không khí cảnh vật làm tôi nhớ tới tựa một cuốn truyện của cố nhà văn Mai Thảo. Lối đi dưới lá, một trong những cuốn sách trong tủ sách của gia đình tôi thời đó. Tôi không còn nhỏ, nhưng chưa đủ lớn để đọc, hiểu những loại tiểu thuyết thời thượng. Tôi chỉ nhớ cái tựa. Kể với Sơn điều này anh cười: thế mà cũng nhớ!
Không biết tôi có nên kể cho Sơn nghe, sáng nay tôi đã thử tô lên môi một màu son đỏ. Cây son được mua cách đây vài hôm. Phải chăng sau những tháng ngày “mặt nạ buồn” che giấu dung nhan, son phấn cũng trở thành lạ lẫm. Tôi nhìn tôi lạ lùng, sắc sảo. Từ nào tới giờ tôi chỉ dùng son màu cam, nó hợp với màu da không được trắng trẻo của tôi. Son đỏ là màu môi mùa đông, sẽ làm sáng khuôn mặt khi tô màu mắt nhạt. Sang trọng và nhuốm vẻ liêu trai tùy theo màu áo tôi mặc, chiếc khăn tôi quàng. Cô bán hàng trong tiệm mỹ phẩm đã khuyến khích tôi mua cây son. Cô nào biết màu đỏ, như một chiếc chuông đỏ reo vui thánh thót trong lòng tôi từ khi gặp lại Sơn dù chỉ qua Email, điện thoại.
Sơn nhắc tới cây phượng đỏ rực hoa mùa hè nơi cư xá chúng tôi ở. Cây phượng là bóng mát cho đám con nít chơi đùa những buổi trưa ngập nắng. Sơn nhắc tới những quả trứng cá chín đỏ mà có lần anh Sơn đi học về, thấy đám trẻ trong đó có tôi đang cố gắng hái bằng một cây tre. Đầu cây được chẻ ra từng nhánh, đặt trong đó một cái “nút phéng” (1) cho những nan chẻ bung ra như trái cầu nằm ngang, rồi cột túm lại khúc đầu để thành một cái lồng. Muốn hái trứng cá phải kiên nhẫn, nhắm sao cho trái nằm ngay khe hở của chiếc lồng rồi giật khẽ để trái rớt vào trong mà không bị hư dập. Sự sáng tạo này không biết do ai làm ra, nhưng lũ con nít ngày xưa có lẽ đứa nào cũng biết. Cây trứng cá rậm rạp, cành thấp cành cao. Anh Sơn cao nhòng như sếu đã ráng nhảy lên, với xuống một cành cho lũ nhỏ vây quanh reo mừng như được kẹo. Anh nói, không biết sao tôi lại có thể nhai nuốt ngon lành thứ trái cây lợn gợn những hạt li ti như thế.
Màu đỏ đầy ngập trong quá khứ của tôi và anh. Và tôi vào công viên rừng sáng nay để tìm hoa, một loại nào đó màu đỏ trang trí nhà cửa để đón anh.
Tôi nghĩ đến hoa trạng nguyên trong bức tranh của một họa sĩ trẻ đã vẽ tặng tôi vào dịp Giáng sinh năm trước. Chỉ là những mảng màu đỏ tươi vui bên những phiến lá tượng hình một đôi mắt đen muồi, một đôi môi thanh xuân chúm chím. Người hoạ sĩ đã nói với tôi đó là hoa trạng nguyên, thứ hoa được người Pháp gọi là “những vì sao Noel”. Hoa tượng trưng cho mọi may mắn, an vui hạnh phúc như lời cầu chúc cậu dành cho tôi. Tôi có chụp hình gửi khoe với Sơn. Anh nói, anh cũng rất thích hoa trạng nguyên và yêu bức tranh với những cây cành gai góc lại vẽ lên chân dung một thiếu nữ mơ mòng, lãng mạn.
Giáng sinh qua lâu rồi. Tôi đã đến vài tiệm hoa gần nhà nhưng không thấy bày bán trạng nguyên nữa. Giá như Sơn qua thăm tôi mùa hè, tôi sẽ tìm cho được những cành bignone, một loại cây leo, hoa đỏ nhạt, có nhụy nhìn như những cánh phượng xưa.
Bây giờ là cuối đông, cận xuân. Trời không còn băng giá, nhưng nhiệt lạnh vẫn còn ở mức thấp trên ống hàn thử biểu. Hoa dại trong rừng, loại vivace chịu đựng được khí hậu lạnh lẽo khắc nghiệt, sống đủ bốn mùa hầu như toàn một màu tim tím hay vàng. Có khó khăn gì nếu muốn mua một chậu hoa đỏ nào đó ở tiệm hoa. Nhưng thật lòng tôi bỗng thích những bông hoa hoang dã, tự hái, tự cắm. Hái một vài cành ở những lùm cỏ cây hoang dại, nhân viên chăm sóc khu vườn có nhìn thấy hẳn cũng không làm khó dễ tôi. Có ai nghĩ là tôi đi trộm hoa trong một tinh sương rét mướt.
Cynorhodon, một loại trái có màu cam, màu đỏ. Vào dịp Giáng sinh, lễ Tết các tiệm hoa thường chêm vào những chậu hoa cho thêm phần hương sắc. Tôi không hề nghĩ đến nó, nhưng nó đang hiện trước mắt tôi giữa một bụi cây um tùm. Trái mạnh mẽ bám cứng trên thân cành đầy những nụ gai nhỏ. Những trái hồng dại còn đọng sương long lanh, đẹp như những hạt ngọc đính trên một vương miện. Tại sao không là những trái tầm xuân đỏ này? Nó không tròn trịa nhưng nhỏ bé, và màu sắc có khác gì những quả trứng cá ngày xưa.
Nhìn hình tôi, Sơn nói:
- Em đẹp hơn hồi còn bé.
- Em biết mình đẹp lão mà! Xưa ngây ngô, chẳng biết làm duyên làm dáng, vẽ mắt, tô môi lấy đâu mà đẹp. Nhưng anh làm như anh lớn lắm. - Hơn em vài tuổi chứ mấy!
Tôi cảnh cáo thêm:
- Coi chừng, hình không phải là người đâu nhe. Em ăn ảnh thôi.
Bao nhiêu năm dài bặt tin. Có lẽ chúng tôi không hề nghĩ chuyện tìm nhau. Bỗng dưng Sơn xuất hiện như một món quà tôi được tặng từ vị thần mang tên kỷ niệm. Tôi không biết bây giờ Sơn ra sao? Với cách nói chuyện đầy lạc quan, tôi không tin Sơn là một ông già lụ khụ. Mà già thì đã sao. Tôi cũng đâu còn trẻ nữa. Nhưng dù thế nào chúng tôi cũng phải gặp nhau như anh nói.
– Súng đạn chưa giết nổi anh, biển động tàu chìm thập tử nhất sinh, dịch bệnh tràn lan cướp đi bao nhiêu mạng người, vậy mà anh vẫn còn sống sờ sờ để gặp em đó. Phải gặp lại nhau một lần trước khi chết chứ!
Tôi cười vui khi nghe anh nói, nhưng nghĩ lại thì điều anh nói có gì sai. Thế giới vừa trải qua một cơn đại dịch lấy đi bao nhiêu mạng người. Chúng tôi đã sống dưới một bầu trời âm u, ngập tràn sợ hãi bởi những tin buồn dồn dập, những con số tử vong được đưa lên truyền thông báo chí hàng ngày.
Bây giờ những đám mây u ám đang dần bay đi. Tất cả mọi sinh hoạt của cuộc sống đang được hồi phục, quá khứ êm đẹp bị lãng quên của chúng tôi cũng vừa được hồi sinh. Ừ thì gặp!
Tết năm nay sớm hơn mọi năm. Cây đào Nhật và mai forsythia trên những lối đi gần nhà chỉ vừa đơm nụ. Nếu muốn, có lẽ tôi sẽ tìm thấy chúng ở một tiệm Á châu. Nhưng mai và đào ngày Tết có lẽ với tôi không còn quan trọng nữa.
Sơn hỏi:
– Em nấu món gì đãi anh ngày Tết?
Tôi trả lời gọn bâng:
– Trứng cá!
– Caviar hả?
– Em không có tiền mua caviar đâu. Trái trứng cá thiệt mà!
Tôi sẽ ăn một trái cho Sơn thấy. Vì qua những nghiên cứu y học, Cynorhodon đã được chế biến thành trà và thuốc bổ.
Ngày mai tôi sẽ ra phi trường đón anh bằng tình hàng xóm, anh em, bè bạn. Hay còn một thứ tình nào khác tôi chưa biết. Quà mừng anh là một
vòng tầm xuân trái đỏ. Đỏ như kỷ niệm một thời. Xuân “tha hương ngộ cố tri” sẽ tràn đầy những hạ hồng thơ mộng.
(1) Nắp của những chai nước ngọt, bia làm bằng kim loại.