Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      


LÚA TRỔ ĐÒNG ĐÒNG



 

M ẹ đi trước Nga nối gót theo sau. Mẹ đã bảo phải quàng khăn rằn lên đầu rồi cột lại chỉ để lộ phần mặt chính diện, đội thêm một cái nón lá nữa che bớt cái nắng giữa trời. Nhưng, Nga không chịu nó chỉ thích đội mỗi nón lá thôi cho mát và vì nó nghĩ nó chẳng phải nông dân chính hiệu gì. Và mặc dù lo cho con nhưng mẹ không bao giờ ép buộc Nga làm theo ý mình.

Ba mất sớm từ khi nó còn trong bụng mẹ. Mười mấy năm nay chỉ có mẹ tảo tần hôm sớm lo cho nó ăn học. Nhà không khá giả cho lắm nhưng với tình thương của một người mẹ, mẹ đã luôn cố gắng để cho nó không phải thiếu thốn được ăn học như các bạn cùng trang lứa. Vì mẹ Nga biết rằng chỉ việc học mới có thể thay đổi được cuộc sống khó khăn này đây. Chứ ruộng rẫy đôi ba công chẳng biết có đủ ăn không nói gì đến gầy dựng cuộc sống ổn định mai sau. Vụ có vụ không giá cả thì như nổi như chìm theo thương lái. Đi tới chiếc cầu khỉ vắt vẻo qua con kinh xáng, Nga nhìn với đôi mắt ái ngại. Mẹ lên tiếng:

- Con qua được không?

- Dạ được. Trả lời như ăn bắp mà trong bụng nó thấy ớn làm sao. Ôi kìa, đây là cái cầu đi sao. Một cái cây hướng lên, nằm ngang, dọc xuống đen ngòm bóng lưỡn, đường cong lắc lẻo đúng nghĩa, giọt sương mai làm mềm khắp cả thân cây. Chỉ nhìn thôi đã run chân. Nga cố đưa chân nhanh bên này tay nắm chắc thanh cây bên ấy. Thở phù một cái như mới vượt qua thử thách nhọc nhằn lắm, nó buột miệng hỏi mẹ:

- Sao người ta không làm chiếc cầu đẹp và chắc chắn một chút hả mẹ ?

- Không cần thiết đâu con, những chiếc cầu này chỉ để qua một con kinh nhỏ nhỏ, bước vài ba bước là qua được làm chi chiếc cầu tốn kém chứ.

Nga nhẩm lại, đâu phải vài bước đâu, đối với nó là nhiều rồi đấy. Để qua được cây cầu như thế này nó phải làm gan dữ lắm. Mà chắc là mẹ nói đúng, dường như chỉ có những đứa chân chưa lấm mùi bùn như nó mới thấy sợ sệt như thế. Chứ những đứa trẻ ở trong đồng này nhỏ hơn nó nhiều tuổi mà tụi nó qua cầu trông như những chú khỉ đang sang nhánh chuyền cành không bằng, có đứa cứng hơn chạy te te một hơi từ đầu cầu bên đây sang đầu cầu bên kia thật lẹ. Thật là điệu nghệ quá đỗi.

Sau một đôi phút nghe mẹ chỉ dẫn, Nga căng ngang cọng dây thừng xuống mặt nước rồi từng lượt ôm bó rơm lại đặt lên, khi thấy đóng rơm đã vừa vừa sức kéo của mình nó quàng đầu dây bên kia qua và dùng sức xiết mạnh, thắt lại. Loay hoay bó buộc các kiểu để dư một đầu dây tương đối dài để chừa phần nắm kéo. Vừa xong nó thong thả nắm đầu sợi dây và bắt đầu dùng hết sức lực lôi bó rơm chầm chậm từng bước lướt trên các gốc mạ. Con nước lên tràn vào khắp cánh đồng, mực nước lưng chừng không tới bờ. Vắt vai sợi dây thừng, đôi tay nắm chặt, mặt cúi như đang đếm từng bước một, Nga đang rẽ nước tiến về phía con đê trước mặt. Ruộng đồng sau không như đồng trước, đất bùn không nhão mấy mà còn có phần khô cứng ở những nơi thiếu nước, mỗi bước chân lúng chừng tới đầu gối là cùng. Hôm nay đang trong kì nghỉ hè nên Nga mới được cơ hội trãi nghiệm công việc đồng áng cùng mẹ. Mẹ Nga nhanh nhẹn, hết quay bên này rồi lại hướng kia, đôi tay quơ vội đóng rơm, bàn chân thoăn thoắt tới lui đặt để ngay ngắn trên sợi dây đã sẵn. Xa xa các ruộng bên kia mọi người cũng đang tất bật dọn rơm lên các bờ để kịp xuống giống mùa vụ tiếp theo.

Ôm mớ rơm trên tay, Nga hỏi mẹ:

- Sao mình không đốt đống rơm này đi mẹ cho đỡ cực hơn.

- Đốt thì cũng được nhưng khó lắm con, phải mất thời gian rất lâu mới đốt được hết đống rơm to đùng như thế. Và mẹ Nga giảng thêm cho nó hiểu rằng nếu muốn đốt phải trải rơm ra cho mỏng mới dễ đốt, nhưng, ruộng ở hai bề chưa gặt nếu đốt không khéo lửa sẽ táp qua cháy lúa họ gây ra sự thất thoát không đáng có. Nga hiểu rằng cách tốt nhất bây giờ vẫn là làm cái việc dọn rơm cho sạch sẽ để còn kịp máy xới đánh ngang đánh dọc và những hạt lúa của vụ sau kịp ươm mầm trong những chiếc lu mà Nga thấy mẹ vẫn thường ngâm.

Xưa đó khi chưa có bóng dáng của những chiếc gặt đập liên hợp như bây giờ, chỉ có máy suốt lúa được di chuyển trên những chiếc xi-tẹt vừa vừa từ thửa ruộng bên đây sang thửa bên kia để làm nhiệm vụ tuốt lúa nhả rơm. Tiếng máy suốt mới quay xong nghe phành phạch, khói đen một góc bay lên nồng nực mùi dầu chạy máy. Người ta đưa vào bụng máy đầy những lưỡi sắt từng mớ lúa không nhiều, tiếng hạt lúa rào rào trong đó và ở sau đuôi máy một dòng lúa chảy vàng non lấp đầy những thúng. Mùi rạ ngai ngái mùi lúa nồng nàn. Giờ đây công việc thu hoạch lúa đã dễ dàng hơn nhiều, chỉ cần những chiếc gặt đập liên hợp loảng xoảng chạy dập dìu một loáng đã sạch, lúa căng đầy các bao rơi xuống sau mỗi làn máy chạy. Người thợ mần mướn xốt xắng vác lại chất đầy trên con đê một hàng ngay ngắn chờ lái đến cân. Thế là xong! Những đám rơm lác đác rơi từ phía sau, khi xong việc chủ nhà chỉ cần phực một tia lửa là giải quyết xong đám rơm đó nếu như không bán được cho người khác.

Nghe lời, Nga cứ miệt mài dọn rơm kéo lên bờ cùng mẹ. Lâu lâu nó lại quay sang trái, sang phải ngắm nhìn và thu vào trong đầu những động tác miệt mài trên cánh đồng của các cô chú nông dân. Từng đợt gió hây hẩy lướt qua mát rượi. Ánh nắng đã có phần nóng hơn, xoay người lại ông mặt trời đã lên cao khoảng bốn mươi mấy độ so với mặt đất. Giọt mồ hôi tuôn khắp người, rơm rớm trên khuôn mặt, nhịp thở nhanh hơn, Nga thấy mình đã thấm mệt. Riêng mẹ vẫn không nghỉ tay, mẹ cứ làm miết mấy giờ đồng hồ, chỉ nghĩ tới vụ mùa sắp tới mẹ đã lo không xuống giống kịp cùng mọi người vì cái đống rơm to đùng giữa ruộng. Nhưng mẹ vẫn không quên lo lắng cho con gái của mẹ.

- Con mệt thì nghỉ chút đi, để mẹ làm.

Nga nhìn mẹ mỉm cười như đáp lại tình thương của mẹ, nó bước lại hớp một miếng nước cho mát họng rồi tiếp tục công chuyện. Nga đã mười tám tuổi mà mẹ cứ nghĩ rằng nó còn nhỏ lắm, lúc nào mẹ cũng sợ nó mệt sợ nó làm quá sức vì cái tướng mảnh mai của nó. Một đứa chỉ biết học với học suốt ngày, làn da nhợt nhạt vì thiếu nắng, đôi mắt lúc nào cũng lim dim như sắp ngủ. Chợt mẹ từ đầu bên kia ới nó một tiếng:

- Bữa nay nhà mình sẽ có món cá rô con kho sả.

Nga trố mắt ngạc nhiên:

- Cá rô ở đâu vậy mẹ? Mẹ nó chỉ cười… Sáng nay mẹ có đi chợ đâu thì lấy đâu cá rô để ăn, rồi nhìn quanh, mình không có cần câu thì sao mà bắt được cá rô. Nga nghĩ bụng nhưng không thắc mắc với mẹ.

Ngước nhìn mặt trời đã lên cao chót vót mẹ bảo Nga dừng, còn một nửa kia chiều nay lại tiếp sẽ xong. Hai mẹ con thong thả bước trên con đê ngoằn nghoèo mọc đầy đám cỏ xanh, vì không thạo đi cho lắm nên lắm lúc Nga vẫn cứ hay cúi xuống dòm chừng lối đi, sợ hụt chân té. Mẹ đưa Nga đến cánh đồng gần đó đã gặt cách đây vài hôm, mẹ chỉ Nga nhìn vào những chỗ nước đục nơi các bước đi thành hình một chỗ trũng chừng ba mươi cen-timet. Trong đó, những cái đầu nhỏ nhỏ xám xám lượn qua vòng lại trong một diện tích eo hẹp ấy. A ! Một bầy cá rô con luôn mẹ ơi! Ừ. Mẹ vừa trả lời vừa đưa tay vớt lên từ cái vũng ấy rất nhiều con cá rô be bé đang cố vẫy vùng thoát thân. Nga thầm nghĩ đến bữa trưa ngon nguậy nực mùi sả ớt trên chiếc ơ cá kho. Ngon biết chừng nào.

Như có một cảm xúc nào đó dạt dào nơi lòng, hết ngó quanh đám ruộng lại nhìn lên mấy tầng mây, đưa tay vẫy nước từng hồi rửa những vệt bùn lấm trên mình, Nga như thấy được sự tươi đẹp của cuộc sống trước mắt. Những “hạt ngọc của trời” mai đây sẽ vàng ươm khắp cánh đồng, giữa cái nắng cao vợi, mây trắng lơ thơ gợn nhẹ mấy làn sợi manh mảnh. Không gian chan hòa cùng trời đất, nụ cười mãn nguyện trên môi các cô các chú nông phu, cả mẹ và nó, và mùi lúa mới thoang thoảng hương ngà.






VVM.06.2.2022

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
vietvanmoinewvietart007@gmail.com