Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      


DÒNG SÔNG KHÔNG CÔ ĐƠN




B ốn giờ chiều sát biên giới Campuchia, cái nóng của lòng chảo Đức Cơ có thể ví với Phan Rang trong những ngày hè rực lửa. Hai chiếc quạt gió trong phòng khách của công ty 72 thuộc binh đoàn 15 chạy hết công suất mà vẫn không xua nổi cái nóng ra khỏi bốn bức tường như đang âm ỉ cháy. Áo quần dài có vẻ thừa thãi, cánh nhà văn bọn mình chọn y phục nghèo nàn nhất của đàn ông để có thể thoải mái ngồi viết lách vu vơ.

Ba trăm cây số từ Quy Nhơn lên căn cứ địa xưa này không đến năm tiếng đồng hồ xe chạy quả là thần kỳ. Phố núi Đức Cơ hiện ra trong dáng vẻ uể oải của nàng sơn nữ với nhọc nhằn nặng trĩu trên vai. Hoa Bằng lăng đang mùa nở tím. Cái tím rầu rĩ dưới cái nắng, cái gió, cái khó của các buôn làng đang vào mùa khô. Thị trấn bé nhỏ màu chàm bởi khói bụi, bởi hơi nóng từ mặt đường bốc lên ngùn ngụt. Một làn hơi mỏng tưởng như sương khói trên con lộ óng mượt như có nước đó, sẵn sàng thiêu đốt mọi thứ như đôi bàn chân trần của bất cứ ai. Xe không máy lạnh như thách thức gan dạ cánh công tử bột thị thành. Thiếu nữ giới nên không khí rặt mùi thuốc lào, thuốc điếu, chả trách cái nóng cứ như bà góa không chồng chẳng nể nang ai. Chắc nghĩ, cánh văn chương toàn bọn ăn không ngồi rồi khó mà chịu nổi cái nóng long trời lở đất như thế, mà không ăn không ngồi rồi thì viết lách đách nào được, anh trưởng đoàn cho xe ghé vào Biển Hồ đang mùa thoi thóp nước để nghỉ ngơi. Khoái quá đi chứ, biển mà lị, biển thì bao giờ cũng mát và có bao giờ cạn nước được đâu. Nằm trên võng đu đưa ngắm những cặp tình nhân đọc “ tiểu thuyết nhiều kỳ ” cho nhau nghe mà thèm cái thời lưng trâu thổi sáo. Bên ly nước mía ngon nhất nước hỏng chừng, ngọt mà thanh mùi quốc đồng bằng, mùi phù sa sông Hậu, sông Tiền, mùi hương tóc thoang thoảng đâu đây đã xua tan mệt mỏi của mọi người.

Ai đó hỏi một câu cực kỳ chưng hửng :

- Đố ai biết con gái xứ này có gì đặc biệt ?

- Da trắng.

- Không hẳn.

- Lùn

- Không hề

- Vậy thì cái gì.

- Bộ ngực.

- …..

- Các ông cứ nhìn xem.

À há, có lần mình nghe ai đó nói ngực to như núi, ăn như hổ, uống như voi chẳng lẽ để ví với con gái xứ này ư. Hay là họ đang nói về ông thần núi, thần sông nào đó.. Nhưng rồi ai cũng bảo đúng, mình cũng thấy đúng. Thế là cả bọn cười vang. Biển Hồ mênh mông, sâu thăm thẳm. Sâu đến nỗi chưa ai đo được. Cô chủ quán hình như cũng khoái câu ví von của bọn mình, giá mà Núi Đôi đem úp vào cái hồ này chắc là sít sịt, nước trào lênh láng Pleiku. Người Gia Lai có vẻ tự hào về cái biển bé tẹo của mình. Cũng đúng thôi, bởi xứ núi mà. Còn bọn mình là dân miệt biển chính thống. Bọn mình ví biển Quy Nhơn như cái hồ lớn vậy. Biển Quy Nhơn ít sóng. Ít sóng thì sao gọi là biển được, gọi là hồ mới phải. Đã là hồ Quy Nhơn thì Biển Hồ Gia Lai không có cửa để so bì.

- Lý sự cùn…tận cán.

- Ô hô, cậu là người bản địa đấy à. Sao không hiểu tiếng nói của người Giá Rai ?

-

Nhà My trong con hẻm nhỏ, qua mấy khúc quanh kiểu phố. Nhà đẹp thoáng mát có hồ cá, có vườn cây. Hồ cá đặt phía trước, phía sau theo kiểu lưỡng long chầu nguyệt. Chắc am tường long mạch. Nhà cũng có giàn lan phía trước, phía sau kiểu lưỡng long tranh châu. Chắc mười mươi cao tay phong thủy. My ở chung…làng với mẹ, với em trai và chẳng mấy khi giao du với ai. Thảo nào, mấy tay văn nghệ, văn gừng Đức Cơ mù tịt khi có ai đó hỏi nhà cô nàng.

- Cô ba dữ lắm. Cháu của My nói thế.

- Sao dữ hả cháu.

- Cô ba nói mấy ông văn nghệ sĩ chỉ biết hát hò, nhậu nhẹt mà chẳng lo cho vợ con gì. Thời buổi này cả nước làm thơ chớ có riêng gì mấy ổng đâu. Lại còn mèo mả gà đồng này kia nữa chớ. Cấm. Cấm. Cấm tất. Thấy ai tóc tai bù xù, dơ dơ, hỏi cô thì nói cô không có ở nhà.

- Vậy hôm nay cô cháu có ở nhà không ?

- Dạ, cháu hỏng biết.

- Thế thì cháu mở cửa cho các chú, các thím vào nhà đi.

- Không, cô ba cháu nói khi nào cổ nấu cơm xong, cổ lên mở.

-- Thế thì gay rồi, các chú về vậy…

Cả bọn cười thầm trong bụng. Đúng là ra đường hỏi già về nhà hỏi trẻ mà. Cũng may là My hẹn nên bọn mình là khách mời, chứ không, đành xấu hổ…lui có trật tự.

Cái nắng Đức Cơ quả là khủng khiếp, người cứ muốn cởi trần toàng toạc. Bữa cơm chiều được My dọn trên chiếc chiếu Nhật Bản trải giữa nhà. Có bánh hỏi heo quay, xoài chua, thịt bò xào và bánh tráng Bình Định. Món bánh không thể thiếu với cư dân vùng này, có thể ăn với bất cứ thứ gì từ rau tới cá, từ thịt tới mắm đều ngon. My kể, My gốc Phú Yên, ba mẹ ngày xưa khổ lắm, cuốc mướn làm thuê nuôi My ăn học tới nơi tới chốn còn mấy em thì không qua nổi lớp ba, lớp bốn trường làng. Cuộc sống ngày ấy rất khó khăn, nhiều bữa gia đình phải thay cơm bằng khoai sắn là chuyện thường. Ngày đó, My đang học lớp mười hai trường huyện thì nghe bạn bè rủ đi Tây Nguyên làm công nhân quốc phòng của quân đội. Là gái, My cũng ngại nhưng nhà quá nghèo, em lại đông, My không muốn cha mẹ chịu thêm nhiều vất vả. My ký đơn lên đường.

Nông trường 701 có tiền thân là đoàn 733 thành lập ngày 20.11.1973 với nhiệm vụ ban đầu được xác định là sản xuất lương thực, thực phẩm tại chỗ phục vụ chiến đấu và chiến đấu, đồng thời sẵn sàng chi viện cho lực lượng bộ đội chủ lực. Từ sau ngày 30-4-1975 đơn vị tiếp tục thực hiện nhiệm vụ sản xuất kết hợp với quốc phòng an ninh, xây dựng các cụm dân cư tiên tiến trên địa bàn chiến lược.

Đó là những năm tám hai của thế kỷ trước. Xe của binh đoàn về xã tuyển công nhân rồi chở thẳng vào đây. Rừng núi hoang vu bạt ngàn, cảnh tượng chiến chinh như còn đâu đó. Sân bay Đức Cơ điêu tàn bên con lộ lởm chởm hố đạn, hố bom giặc thù. Vài chiếc M113 cháy nám gục đầu xuống đường băng như đang tạ tội với đất trời. Đài kiểm soát không lưu hứng đạn đại bác của tăng T54 vỡ vụn. Bụi đường xa làm mắt My xon xót, cay cay…Cái xon xót, cay cay của người nô lệ có người thân hy sinh trong cuộc chiến tranh này đều đau đớn như nhau, mất mát như nhau. Bởi dù địch hay ta thì cũng là da vàng máu đỏ, cùng một tổ tiên, cùng con Lạc cháu Hồng. My vốn tính nhút nhát, dịu dàng, đây có lẽ lần xa nhà duy nhất trong đời ? My có nghĩ nhưng My không trả lời được là tại sao mình chọn nơi này để yêu và sống. Một số bạn bè của My không chịu nổi cảnh khó khăn, thiếu thốn đã trốn về. Có đứa chạy thoát, có đứa bị bắt lại. Nghĩ tới cảnh trốn chui trốn nhủi ngày đó, giờ My vẫn rùng mình. Ngày đó làm gì có nhiều xe cộ qua lại, gửi thư về nhà có khi hàng tháng mới đến. Muốn trốn thì phải khẳng định mình có đủ sức vượt qua vài ba chục cây số đường rừng đầy ắp nguy hiểm hay không đã. Đêm Đức Cơ đen như mực, đó là thời khắc thuận tiện cho ai đó trốn đi. Đó cũng là thời khắc vất vả của cánh cảnh vệ cơ quan. Khi thấy ánh đèn pin của cảnh vệ thì phải ba chân bốn cẳng chạy vào rừng tìm bụi rậm ẩn mình. Rắn rít hồi ấy còn nhiều lắm, có đứa ngồi yên trong bụi rồi, cảnh vệ cũng vừa quay lưng đi thì rắn rít ở đâu bò đến. Hoảng quá, la làng, đành vác rương theo cảnh vệ về ngồi cô-nét. Nhốt vài tiếng gọi là, để giữ kỷ cương phép nước. Có anh chỉ cầm roi dọa chứ không đánh hoặc có đánh một vài roi nhè nhẹ, kiểu giơ cao đánh khẽ cũng đủ để chị em sợ vãi đái ra rồi. Đôi khi các anh cũng mềm lòng khi thấy chị em thoải mái khóc thút thít như con nít lên ba, lên năm. Hai lần chạy trốn không thành My không trốn nữa. Ở lại lấy chồng thôi. My cười, nụ cười thách thức. My ở lại và lấy chồng thật, nửa năm sau đó.

Hồi ấy còn bao cấp, muốn mua cái gì cũng phải có giấy giới thiệu của cơ quan hay tem phiếu. Cưới hỏi thì chắc chắn là chẳng có trong thương mục của tem phiếu rồi. Vài cân kẹo, mấy lạng trà, cây thuốc Tam Đảo là oách lắm. Chuyện này cơ quan lo được. Còn chuyện xoong nồi, chén đũa, phòng the thì quả là bài toán hóc búa. Muốn sướng thì tự mình lo chớ ai lo cho mình. Chén đũa thì không nói, chuyện nhỏ mà, phòng the mới là chuyện to tát. Giường thì miễn bàn, ai cũng được cấp từ hôm nhận việc. Nó là tài sản cá nhân của từng người, đi đâu phải mang vác theo. Lấy hai giường đơn ghép lại thành giường cưới cũng ổn. Còn chiếu ? Ai đời cưới nhau mà chiếu ai nấy nằm, bởi chẳng tìm đâu ra chiếc chiếu đôi và cái màn đôi. Mấy bữa đầu thì phải chịu cảnh giường nhà ai nấy tỏ. Nhưng tỏ thế nào được, chui qua chui lại suốt đêm cũng vui vui. Riết, thấy tù túng chật hẹp quá, cô nàng mới chịu bung cái màn ra khâu lại.

Bao nhiêu năm gắn bó với nơi này chưa thể gọi là nhiều so với các đàn anh, đàn chị đi trước. Nhưng chừng ấy năm, với một cô nữ sinh đồng bằng quê mùa dấn thân lên chốn rừng thiêng, nước độc để lập nghiệp thì mấy ai làm được. Bao nhiêu buồn, vui lẫn lộn trong gần ba mươi năm đó, làm sao My có thể quên. Thương chồng tần tảo, chỉ mong sống được với nhau tới ngày răng long tóc bạc, nhưng ước mơ nhỏ nhoi ấy cũng không thành. My không có con. Mười năm bên chồng, với My là mười năm lo âu thắt thỏm. May mà chồng My cũng hết dạ thương yêu vợ hiền, nên cuộc chăn gối mới tròn trĩnh mười năm. Tiếng lành đồn xa, tiếng dữ cũng đồn xa. Giặc bên Ngô không bằng bà cô bên chồng. My khóc thương thân phận mình, khóc lòng người nhỏ nhen ích kỷ. My hy sinh cho chồng làm tròn chữ hiếu với họ tộc, bởi chồng My cũng là hàng độc, không có con nối dõi tông đường thì không xong. Họ chia tay nhau. Giờ, My sống với hai đứa con gái nuôi kháu khỉnh và hai héc ta cao su nhận khoán. Đủ ăn, đủ xài, đủ tiện nghi của cuộc sống nhàn nhã. My vẫn đi về trên con đường ngày nào, vẫn thầm lặng với những công việc ngày nào. Ở cái tuổi ngoài bốn mươi trông My còn mặn mà dữ lắm. Không sắc nước hương trời, nhưng My đã hóa mềm bao tâm hồn xơ cứng, khiến nỗi niềm thơ phú của họ cứ thế mà dâng trào. Có lẽ tại hai đứa con gái nuôi rất dễ thương và hiếu thảo kia đã làm xáo động cả cuộc đời của My vốn rất lặng thầm.

Ngày đó, bom đạn xứ này còn nhiều lắm. Người ta kiếm tiền bằng những trái đạn thối và những quả bom chờ. Cưa ra lấy thuốc nổ, lấy sắt bán phế liệu. Trúng được quả bom vài trăm cân là thịt cá ăn mệt xỉu. Có hai gia đình trẻ cuối xóm thường làm việc này. Hôm đó, hai người đàn ông nghỉ tay khi cưa một trái đạn 105 li. Họ ngồi dưới tán cây dầu đôi hút thuốc, uống nước. Có lẽ sốt ruột, hai người vợ thay chồng làm cái việc chết người kia. Thường thì khi cưa trái đạn người ta phải đổ nước liên tục vào mạch cưa để ngăn sự ma sát tạo ra tia lửa gây nổ. Hai người đàn bà mãi vui chuyện con cà, con kê nào đó bẵng quên đổ nước và rồi chuyện gì đến đã đến. Một tiếng nổ long trời lở đất, xác hai người đàn bà nát vụn, bay tứ tán. Mảnh đạn cũng đã cắt lìa một cánh tay người đàn ông nọ và một bàn chân của người đàn ông kia. My đem hai đứa con thơ dại của họ về nuôi nấng khi cha chúng nằm viện…Bây giờ, vườn cây cao su nhận khoán của My là to nhất xóm. Hai người đàn ông tự nguyện trao hết vườn đất của họ cho My và nhận làm không công. Căn nhà của My cũng to nhất xóm, bởi hai người đàn ông cũng đã vác cả cơ ngơi của họ nhập vào nơi này. Mặc, ai nói gì nói. Cuộc sống của họ thật sự hạnh phúc. My trở thành bà chủ, bà nội trợ giỏi giang, còn chuyện có là vợ của họ hay không chỉ có trời mới biết. Chỉ biết là bữa cơm gia đình họ bây giờ thật nhiều hương vị, nhiều tiếng cười, nhiều tiếng má ơi, My hỡi…Hạnh phúc xiết bao.

Hôm đãi bọn mình, hai người đàn ông thật lịch lãm, hoà nhã. Họ gọi nhau bằng thứ, và dĩ nhiên xếp hai cô con gái ngồi hai bên mẹ My. Không thấy My mời khai vị bằng món nem chả như bao gia đình khác, anh em thấy lạ dò hỏi. My bảo :

- Người ta nói nem là món dành cho phụ nữ nhưng My không thích, vì My sợ mai này người ta ăn chả ? Khổ lắm.

Câu nói của My hàm chứa nhiều ý nghĩa xa xôi, không biết ai là người ta đang ngự trị trong lòng My, ai là người ta đang được My ám chỉ.

- Kinh nghiệm nhỉ.

- Một lần là nhớ đời, anh ạ.

- Vậy mà vẫn yêu và yêu hết dạ hết lòng.

- Không thì già mất, tiếc.

Có trời mới biết phụ nữ nghĩ gì, My nghĩ gì.

Đêm Đức Cơ nóng kinh người, cả bọn kéo ra sân; trải chiếu ngồi uống rượu, hát và ngâm thơ. Uống rượu với món xoài mà bà Trần Lệ Xuân trồng những năm sáu mươi của thế kỷ trước mới thích thú làm sao. My cho biết những ngày mới đến, rau rừng nhiều vô số kể, đủ loại đủ thứ. Thứ nào không biết thì hỏi đồng bào. Nhưng rau nào mà chả giống rau nào. Mò mẫm cả buổi mới kiếm được vài bát canh. Thấy tội nghiệp, đồng bào hái cho gùi rau to tướng, cả bọn ăn mấy ngày mới hết. Rồi rau cũng hết, rau tàu bay là thứ có mưa là mọc cũng chẳng còn. Trái xoài lên ngôi. Nó là thực phẩm chiến lược làm mắm để dùng quanh năm, bóp gỏi hay nấu canh đều được…Đọt xoài non, đinh lăng, lá lộc vừng, xoài băm nhỏ cuốn với bánh tráng và cá lăng hay cá rô râu nướng tỏi thì không gì ngon bằng. My nuốt nước bọt. Cả bọn tôi hít hà. My tiếp, chưa chắc nhiều đại gia ở Hà Nội, Sài Gòn có dịp thưởng thức những món trên đâu nhá. Mà thật, chỉ có ai dấn thân đến nơi này một lần mới thấy thiên nhiên đích thực là người bạn đồng hành với người dân còn khốn khó nơi đây. Cá sông công lính, chỉ cần có lưới, có cần câu, có công là có cá để ăn, để phơi khô, làm mắm. Ngày đó chẳng ai thèm ăn cá bé. Lưỡi câu làm bằng tăm xe đạp Trung Quốc, móc con ếch to tổ bố kéo lê trên mặt ao đầm vài ba lượt là có cá lóc, cá dưa để mang về. Cá lóc nơi này rất ăn tạp, hàm to, miệng lởm chởm răng nhọn. Chúng là sát thủ tàn bạo dưới nước mà không loại cá sông nào dám nghinh chiến. Có con nặng đến vài cân, người thấy cũng sởn tóc gáy. Cá lóc mẹ dữ dằn nhất khi nuôi con. Chúng chỉ quanh quẩn quanh đàn con của chúng. Khi thấy ổ ròng ròng lăn tăn trên mặt nước là có cá mẹ. Không làm kinh động để cá mẹ lo sợ ngậm bầy con chạy mất. Khi cá cắn câu phải quần cho nó mệt, có khi hàng tiếng đồng hồ mới dìu được cá vào bờ. Chắc ăn hơn, phải có người lặn xuống cho cá vào lưới kéo lên. Cá sông ăn ngọt, thịt thơm, ăn hoài không chán. Cá sông quấn lá sả, lá chanh, bó đất sét rối nướng trên lửa than cho vàng là ngon nhất. Mà đâu chỉ có cá sông, ba ba, kỳ đà, heo, thỏ…xứ này cũng không hiếm. Cơm no rượu ngà ngà say, lửa tàn thì chẳng có gì nữa để làm. Đi ngủ để có niềm vui là chuyện thiết thực, hậu quả là nhà thiếu gạo cho đàn con nheo nhóc. Đàn ông đau lưng. Đàn bà teo tóp. My là ngoại lệ. My sống bằng nội tâm nên cái nhìn của My rất thơ, rất thánh thiện. Đến với My mà cái tâm không sáng thì có khi phải dò dẫm suốt đời mà chẳng đến đâu. Không gian nơi My ở cũng trầm lắng, sâu thẳm. Nó làm cho My cảm thấy bơ vơ trơ trọi, cần gần gũi chăm sóc.

Nhìn cánh rừng cao su bạt ngàn, đen thẫm án ngữ trước chân trời, rờn rợn. Một luồng gió lạnh chạy dọc sống lưng. Tiếng đàn guitar của Trần Dũng sao nghe buồn tha thiết. Hình như ai cũng đang nghĩ về mình, riêng My lại nghĩ về đoàn 733 ngày nào, nghĩ về mối tình đầu ở nơi này. Ấn tượng mãi là hình bóng cây sung cổ thụ trong sân nông trường, nơi tập kết những di hài liệt sĩ chờ quy tập. Làm sao My có thể quên hình ảnh người thanh niên nông dân vạm vỡ, áo quần bê bết đất, ôm choàng từng chiếc hòm liệt sĩ miệng không ngớt kêu gào thảm thiết cha ơi, cha ơi…Người thanh niên ấy lần lượt ôm hôn tất cả những chiếc hòm có hôm đó. Phủ phục xuống sân đất đỏ bazan mặc cho áo quần bê bết, đầu tóc mặt mũi nhàu nhĩ. Dưới cơn mưa rừng ào ạt, trông anh chàng như một thiên thần gục ngã trước sự hy sinh quá lớn của người thân, của đồng đội của cha mình. My cũng có người thân hy sinh như thế, nhưng ở chiến tuyến bên kia. Thời chiến, người con trai hầu như không có quyền lựa chọn một cuộc sống riêng tư nào cho mình. Muốn hay không muốn, cầm súng hay không cầm súng là điều mình không thể định đoạt. Chết hay sống là điều mình không thể né tránh. Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng. Muốn sáng mà đèn không tới cũng đành chịu. Tối thui tối mò, bước chân sao khỏi sa sẩy. Chiến tranh là thế, có người thắng, có kẻ thua. Thắng thua thì con người vẫn đến với nhau, yêu nhau, lấy nhau mà tồn tại. Cuộc chiến nào cũng sẽ khép lại, hôm qua là quá khứ. My đưa cho anh chàng chiếc khăn tay. Anh chàng gạt phắt đi, chiếc khăn tay rơi xuống đất. Chiếc khăn tay thấm đỏ màu đất lẫn nước mắt, nước mưa, cùng nỗi niềm xót xa của người con gái. Nhận thấy mình cư xử không phải, anh chàng cúi xuống nhặt lên nhưng bẩn cả rồi. Không dám trả lại và không biết phải làm gì. Chàng và nàng như hai pho tượng đứng nhìn nhau mà không nói được lời nào. Trời vẫn mưa, trong lòng hai người vẫn mưa nhưng ánh mắt đã trao nhau lời muốn nói. Chẳng có một tia sét nào trong cơn mưa ấy, nhưng tia sét ái tình đã hằn vết trong tim họ. Họ đến với nhau bằng một buổi chiều như thế. Thật cảm động.

Không ai có thể đoán được ngày sau đời mình sẽ ra sao. Ông trời hình như không biết lẽ công bằng. Với người này, ông bắt họ không được cùng nhau gian lao, vất vả. Với kẻ kia, ông cho họ quá nhiều ngọt ngào, thừa mứa sung sướng. Mắt My âng ấng nước, nhìn về khung trời kỷ niệm như xa thật xa mà gần thật gần. Với My, ngày xưa người thanh niên ấy, người chồng ấy là không thể thay thế. Còn bây giờ mọi chuyện đã khác, thời thế đã khác, cái nhìn của người ta cũng phải khác đi. Bao dung hơn, rộng lượng hơn. Có lẽ điều này đúng và My đã thật sự sống cho mình. My xứng đáng là ngọn Chư Pông sừng sững bên dòng Ia Drang thơ mộng. Xứng đáng để ai đó cảm phục. Như ngọn núi kia, như dòng sông kia, từng khắc ghi những chiến công oai hùng của binh đoàn Tây nguyên ngày nào, với những trận đánh khét tiếng của Cao điểm năm trăm, Tu-mơ-rông, Pleimer, đồi Phượng Hoàng…giờ cũng kẻ nhớ người quên. My cũng vậy lặng lẽ, âm thầm nhưng dữ dội. Nếu có ai đó hiểu về My, như ai đó hiểu về cuộc chiến này thì mới cảm nhận được sự hy sinh cao cả của những người đã mãi mãi ra đi để sống có ích hơn. Để hiểu rằng, cuộc sống cần một tấm lòng, một trái tim khoan dung hơn là những điều nhỏ nhen, ích kỷ. Đêm như nén lại, tiếng hát của My thật hay nhưng buồn.





VVM.06.2.2022

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
vietvanmoinewvietart007@gmail.com