T ết Nguyên Đán năm 1969, trường Luật ngưng dạy hai tuần, Nam rảnh rỗi chạy xe về Long Khánh thăm gia đình anh Hai và ở chơi vài ngày. Anh Hai hiện là Trung Úy của Tiểu Khu, Long Khánh. Một Tỉnh lỵ vừa mới được thành lập vào thời Đệ Nhất Cộng Hoà. Đây là một khu phố nhỏ nằm giữa khu rừng toàn những con đường sình lầy đầy cát bụi. Chỉ có một số nhà gạch lớn được xây cất ở trung tâm thành phố mà đa số là văn phòng làm việc của các cơ quan Chính Phủ hay của các công ty tư nhân. Đường xá ở đây thì đã được tráng nhựa, hai bên đường có các cửa hàng buôn bán. Một ngôi chợ tuy nhỏ nhưng khá sầm uất, lúc nào cũng tấp nập người qua lại.
Đi sâu thêm nữa thì là những con đường cát, bụi mù đất đỏ, có những căn nhà gỗ xây cất đơn sơ dọc theo hai bên đường, giữa các ổ nước đọng--sau những trận mưa to. Những chiếc xe gắn máy, xe ba bánh chở khách chạy dập dìu qua lại. Cả thành phố nằm giữa khu rừng và một vườn cao su mênh mông.
Sáng hôm sau, Anh Hai rủ Nam đi ăn Phở, anh khoe: “Phở của quán này ngon và đông khách lắm”. Thật vậy, đến nơi Nam đã thấy khách ngồi chật cả quán, Nam nghĩ bụng: “nhất định là Phở ở đây phải ngon rồi nên mới đông như vậy”.
Quán tuy thô sơ, giản dị nhưng rộng rãi và sạch sẽ. Phần đông khách đến ăn là những người lính trẻ, đa số họ đều mặc quân phục. Anh Hai gọi ‘hai tô xe lửa”...
Tô phở thật hấp dẫn, mùi thơm của xương bò bay lên ngào ngạt, những lát thịt cắt mỏng sắp đều trên bánh phở tươi, mềm mại và trắng toát, nước lèo thì trong veo, loáng thoáng một ít nước béo, vàng óng trên mặt, một ít quế, ngò gai với những lá dài, xanh mướt, vài miếng chanh mọng nước nằm cạnh những cọng giá trắng tinh, thêm vài lát ớt xắt mỏng, cạnh bên có chai tương ớt màu đỏ tươi…chỉ nhìn thôi cũng đủ thấy ngon rồi. Đúng là món Phở Bắc do chính người miền Bắc nấu. Phải công nhận Phở của Quán này rất ngon.
Chủ quán là một ông lớn tuổi, thỉnh thoảng hay ra vô nơi quầy tính tiền. Trong khi vừa ăn vừa trò chuyện với anh, Nam chợt nhìn thấy một người con gái khoảng 16-17 tuổi (đoán chắc là con gái của ông chủ Quán) đang đứng sau quầy tính tiền cho khách.
Cô gái có một làn da trắng mịn, hồng hào, gương mặt sáng sủa và một đôi môi thật xinh xắn luôn mỉm cười, nhìn rất dễ thương. Cô bé vừa tính tiền vừa tiếp chuyện với khách rất lịch sự và duyên dáng. Tuy đang thưởng thức món Phở ngon tuyệt vời mà lâu lâu Nam phải ngửng đầu lên để lén nhìn cô bé, anh đam mê vì vẻ xinh xắn, hồn nhiên của nàng. Tự dưng Nam thấy vui vui, lòng giao động, tim anh xao xuyến, “nhất định muốn làm quen với cô bé này”. Không biết có phải vì mình chưa có người yêu hay đây chính là một cơ duyên mà hôm nay Nam đã may mắn gặp được.
Hôm sau, Nam đến tiệm Phở một mình, lòng hớn hở không phải vì sắp ăn tô phở ngon mà thật ra anh chỉ cố ý đến để̉ được nhìn cô bé. Nam đi trễ hơn hôm trước, anh nghĩ: “giờ này chắc quán vắng khách nên anh có thể ngồi lâu hơn, như thế mới có cơ hội gợi chuyện với cô bé được”.
Vừa đến quán, mắt Nam đã đảo quanh tìm cô bé. Hôm nay Nam được nhìn kỹ dung nhan người con gái. Phải công nhận là cô ta rất đẹp, từ vóc dáng đến khuôn mặt, nhất là nụ cười tươi luôn nở trên cặp môi xinh, làm tim Nam rung động. Vì chưa hề ngỏ lời làm quen một người con gái lạ nên Nam hơi ngại, nhưng tự nhủ:
“Đây là cơ hội duy nhất cho mình làm quen với cô bé, nếu không, chắc sẽ không có dịp”…“Cứ thử ra quân lần đầu xem sao!”
Nhờ vào dịp nghỉ Tết, nên cô ra quán ngồi quầy thâu tiền giúp Bố mẹ. Nam chờ lúc không có người đến trả tiền, anh đi ngay đến chỗ cô ngồi. Tuy không run, chỉ hơi ngại vì sự chênh lệch về tuổi tác, anh nghĩ: “Mình lớn tuổi thế này mà lại đi “cua” một cô bé còn quá trẻ”.
Đang lúng túng, chưa biết mở đầu ra sao? Bỗng Nam nhìn thấy trên cổ cô bé đeo một sợi dây chuyền có hình thánh giá. Biết gia đình cô theo đạo Công Giáo, Nam nói ngay:
- Chào cô. Xin hỏi, nhà thờ có gần đây không?
- Thưa, cũng gần chú ạ.
- Nhờ Cô chỉ hộ tôi đường đến nhà Thờ được không?
- Vâng, Chú biết chợ Long Khánh không? Nhà thờ ở phía sau cách chợ nửa cây số.
- Cám ơn cô bé. Chắc cô cũng hay đi lễ tại nhà thờ này chứ?
- Vâng, cả thành phố chỉ có một nhà thờ này thôi chú ạ.
- Lễ bắt đầu lúc mấy giờ cô?
- Thưa, có hai xuất Lễ chú ạ: Lúc 8:00 giờ và 11:00 giờ.
- Chắc chú vừa đổi về đây làm việc?
- À không, tôi từ Saigon đến thăm anh của tôi đang làm việc ở Tiểu Khu Long Khánh.
Vừa nói đến đây thì có khách đến trả tiền nên câu chuyện phải ngừng lại.
Nam vô cùng hớn hở, mới lần đầu làm quen mà đã được cô bé lịch sự, sốt sắng, đối đáp một cách chân tình và thân mật như thế làm Nam ấm lòng. Anh nghĩ bụng “Chắc là điềm tốt”.
Hôm sau Nam lại ghé quán, lần này anh gọi một cơm diã. May mắn sao hôm nay anh lại được chính cô bé bưng diã cơm đến cho anh. Không bỏ lỡ cơ hội Nam nói ngay:
- Quán này có cần người làm không cô? Làm việc gì cũng được: Rửa chén, lau bàn hay mang thức ăn đến cho khách, tôi đều làm được.
- Chú chỉ nói đùa, Chú còn phải đi làm nữa chứ.
- Tôi nói thật đó, Tôi còn đang đi học.
- Cô bé cười rồi đi vào trong.
Diã cơm hôm nay thật ngon, không biết có phải do cơm ngon hay là do lòng Nam vui vì được nói chuyện nhiều hơn với cô bé?. Chắc cả hai…
Ra khỏi quán, Nam quay đầu nhìn lại, quan sát Quán Phở. Đúng là một Quán ăn đông khách mà đa số là những người lính trẻ. Có những anh lính mặc quân phục chỉnh tề, thẳng nếp, bên cạnh những chàng lính phong sương với đôi giầy đinh bết bùn, dính đầy đất đỏ, áo đẫm mồ hôi, Nam đoán có lẽ họ mới đi hành quân ở gần đâu đây. Họ chuyện trò râm ran, tuy ồn ào nhưng đầy tình thân đồng đội, họ thật gắn bó, thắm thiết như tình huynh đệ. Càng nhìn họ, Nam càng cảm mến, anh phục sự chịu đựng gian khổ của những người con yêu của Tổ Quốc này… và rồi còn có biết bao nhiêu người chiến sĩ đã hy sinh cả tính mạng để bảo vệ quê hương mà không đòi hỏi, họ chỉ mong đem an bình cho dân chúng hậu phương, mong dân sống an lành, hạnh phúc... mà trong đó có cả Nam nữa. Nam được bình yên, ngày ngày cắp sách đến trường, vui vẻ học hành, tung tăng Sài Gòn-Long Khánh mong gặp cô bé quán Phở…cũng là nhờ công sức của các anh lính bảo vệ biên cương này đó.
***
Sáng hôm sau, Nam đi Lễ vào lúc 8:00 giờ, anh đoán chắc gia đình cô bé cũng sẽ đi lễ vào giờ này. Anh cố ý đến trễ để ngồi phiá sau cùng, vì là người ngoại Đạo nên anh sợ lỡ ngồi phía trước anh không biết mình phải theo nghi lễ như thế nào?. Nam thì thầm:
“Lạy Chúa, con là người ngoại đạo, nhưng lòng con đang thầm nhớ cô bé ngoan đạo trên kia”.
Tan lễ, Nam nhìn thấy cô bé đi cùng Bố mẹ và anh trai. Cô mặc chiếc áo dài trắng nữ sinh thật xinh xắn, dễ thương.
Chiều hôm sau, Nam đến quán Phở lúc 3:00 giờ, tiệm vắng khách. Nam đi thẳng đến quầy gặp cô bé gợi chuyện:
- Hôm qua, tôi thấy cô và gia đình đi lễ.
- Chú cũng có đi lễ?
- Có, Tôi đến trễ nên ngồi phía sau. Hôm qua cô mặc áo dài trắng học trò trông xinh lắm.
Cô cười e thẹn.
Ăn xong, chờ lúc vắng người Nam đến nói chuyện với cô bé. Nhìn thấy gần bên có quyển sách Toán lớp đệ Tứ, Nam bắt chuyện:
- Cô đang học lớp đệ tứ trường Trung Học công lập Long Khánh phải không?
- Sao chú biết?
- Tôi thấy quyển sách toán của cô để phía sau.
- Cô bé gật đầu.
- Cô nhất định phải là hoc sinh thông minh lắm.
- Cháu không thông minh đâu chú ạ.
- Quyển sách toán cô đang học khó lắm, chỉ có người khá về toán mới học toán trong quyển nầy thôi.
Sáng nay, trước khi về Sài Gòn, anh ghé Quán Phở thật sớm để từ giã cô bé. Cô đón anh với nụ cười thật tươi. Nam nói vội:
- Tôi đến chào cô, tôi phải trở về Sài Gòn, ngày mai trường khai giảng trở lại rồi.
- Chú học trường nào?
- Tôi đang học năm thứ ba “Đại Học Luật Khoa Sài Gòn”.
- Chú giỏi quá.
- Cám ơn cô quá khen. Cô đón tiếp khách hàng rất lịch sự và vui vẻ. Nếu có thể, cô cho tôi xin tên, địa chỉ Quán để lần sau tôi sẽ ghé thăm cô đồng thời được thưởng thức tô phở thơm ngon của Quán nhà.
Cô bé viết tên, địa chỉ vào miếng giấy nhỏ trao cho Nam rồi hỏi:
- Thưa, tên chú là gì ạ?
- Tôi là Nam.
Chợt thấy mấy cô chạy bàn có vẻ để ý hai người, Nam vội chào cô bé ra về. Mở mảnh giấy nhỏ, Nam thấy nét chữ con gái thật đẹp với tên nhẹ nhàng dể thương:
Lâm Thanh Xuân
Số..., Phở Long Khánh
Về đến Sàigòn, Nam lại lo vùi đầu vào sách vở, chỉ còn vài tháng nữa là đến kỳ thi vấn đáp. Thỉnh thoảng nhớ đến cô bé dễ thương ở quán Phở Long Khánh, Nam muốn biên thư cho Xuân nhưng lại ngại. Đã mấy lần Nam lấy giấy ra viết được vài chữ: “Cô Xuân mến…,” rồi xé bỏ, chỉ sợ là mình quá vội vàng, đành thôi.
Vừa thi xong, Nam phóng xe đi Long Khánh, lại ghé ăn Phở tại Quán Cô Xuân… Ăn gần hết tô mới thấy cô bé xuất hiện. Cô rất ngạc nhiên và có vẻ vui mừng khi gặp lại Nam, bước đến gần anh, cô hỏi:
- Chú về Long Khánh từ bao giờ?
- Tôi vừa mới tới là ghé vào ăn phở liền. Cô Xuân khỏe chứ?
- Vâng, cháu khoẻ.
- Ngày mai, cô Xuân vẫn đi lễ lúc 8:00 giờ phải không?
- Vâng, gia đình cháu hay đi lễ lúc 8:00 giờ, chú ạ.
- Ngày mai tôi cũng đi lễ lúc 8:00 giờ để gặp được người mà tôi quen mấy tháng trước.
- Người nào vậy chú?
- Thì cô bé với chiếc áo dài trắng học trò, xinh xinh của quán Phở Long Khánh đó.
-Cô bé lại cười, vẫn nụ cười duyên dáng, xinh vô cùng…
Nam vừa bước vào nhà đã bị anh Hai hỏi liền.
- Em mới đến hả? Hôm nay em đến thăm con bé quán Phở phải không?
Nam chỉ cười.
- Bao giờ em về lại Sài Gòn
- Dạ trưa mai.
- Sao về sớm vậy? Mai đi ăn sáng với anh rồi về nghen ?
Sáng hôm sau đi lễ, Nam gặp gia đình Xuân. Cô bé hơi mắc cở, bẽn lẽn quay lại nói vói Bố-Mẹ:
- Chú này là khách quen hay đến quán nhà mình ăn phở lắm. Hôm qua chú cũng có đến.
Nam gật đầu chào Ông Bà rồi xin phép ra về.
Buổi trưa Nam trở lại quán Phở, lần nầy Bố cô đến nói chuyện với Nam:
- Anh làm việc nơi nào?
- Thưa bác, cháu từ Sài gòn đến đây thăm anh của cháu đang làm việc ở Tiểu Khu Long Khánh. Tiệm của Bác nấu phở ngon quá, mỗi lần về đây, cháu đều phải ghé để được thưởng thức món phở tuyệt vời này.
- Cám ơn anh. Thế anh đang làm việc ở Sài gòn à?
- Dạ không. Thưa Bác, cháu còn đang đi học.
Chợt có tiếng gọi, ông bỏ lỡ câu chuyện vội nói:
- Thôi, anh ngồi chơi nhé, tôi phải vào trong, chắc có việc.
Sau khi ông chủ quán đi rồi, Nam lấy lại bình tĩnh, đến chào tạm biệt Xuân.
- Tôi đến chào cô để về lại Saigon.
- Chúc chú đi đường bình an.
- À, tôi còn quên mất một chuyện rất quan trọng.
- Chuyện gì vậy chú? -
- Tôi quên “ăn cắp” nụ cười duyên dáng cuả cô đem về cho đỡ nhớ.
Cô bé đỏ mặt nín thinh. Nam tiếp:
- Nếu không có gì trở ngại, cô có thể cho tôi xin một tấm hình của cô để tôi không bị mang tội “ăn cắp” được không?
- Hình cháu không đẹp đâu chú ơi!
- Người đẹp như thế này thì hình nhất định phải đẹp mà. Cô xem có tấm hình nào mà cô không ưng ý nữa thì cho tôi xin cũng được.
Cô bé vào trong, khi trở ra, cô trao cho Nam một tấm hình, có viết cả tên của cô phía sau nữa, cô còn dặn:
- Hình cháu đây, chú nhớ cất kỹ, đừng làm mất nhé.
- Cô yên tâm, tôi quý tấm hình này còn hơn bản thân tôi nữa đó, mà còn nữa, cô có cho phép tôi biên thư về thăm cô được không?
Xuân mỉm cười.
- Thôi chào cô, hy vọng Hè đến tôi sẽ trở lại thăm cô.
Rời khỏi Long Khánh, khoảng 8 cây số, Nam thấy bên đường có cái bảng với mũi tên chỉ quẹo mặt “Suối Tiên”.
“Suối Tiên?” Cái tên nghe thật đẹp, Nam chạy xe vào xem thử. Mới đi độ một cây số, bất ngờ có hai thanh niên mặc nguyên một bộ bà ba đen chận xe Nam lại. Nhìn cách ăn mặc Nam cũng biết chắc họ là ai rồi, lòng tuy run, nhưng vì đã lỡ, Nam cố giữ bình tĩnh. Một người hỏi:
- Đi đâu đây?
- Dạ nghe tên “Suối Tiên” đẹp quá nên tôi muốn vào xem thắng cảnh.
- Anh biết đây là đâu không?
- Dạ không.
Nơi này thuộc vùng kiểm soát của chúng tôi, không ai được vào cả.
- Ồ! Xin lỗi. Vậy tôi xin phép trở ra.
- Anh đi đi, ra ngoài anh không được nói chuyện gì trong này nghe chưa?
- Cám ơn hai anh.
Nam vội phóng xe thật nhanh thẳng ra xa lộ:“Thế là Họ đã vào gần thành phố rồi, nguy qúa.”
Nam bắt đầu viết thư thăm Xuân. Anh thường kể cho nàng nghe những chuyện học hành ở trường Luật, chuyện phố xá xầm uất của Sài Gòn, kể về những chiều mưa buồn nhớ nhung, những ngày nắng tung tăng qua những phố xá tráng lệ và nhất là tâm sự vui, buồn, của chàng trai trẻ hay đi ăn phở tại quán Long Khánh mà mắt thì không thể rời cô bé đứng bên quầy tính tiền.
Anh thổ lộ với cô rằng: Anh rất hạnh phúc khi có dịp được tiếp chuyện cùng cô-- cô con gái Bắc Kỳ nho nhỏ của quán Phở Long Khánh, và càng vui mỗi khi có dịp được ngắm dung nhan xinh đẹp của cô bé mang tên mùa Xuân với nụ cười hồn nhiên luôn nở trên môi... Trong cô như chứa đựng cả một Trời Xuân kiều diễm, chính cô đã cướp hồn anh từ buổi ban đầu.
Một năm sau, Nam tốt nghiệp trường Luật, anh may mắn kiếm được việc làm trong cơ quan Chính Phủ. Trước khi nhận nhiệm sở, Nam đi Long Khánh thăm Xuân. Vẫn cô bé dễ thương, dễ mến của quán Phở Long Khánh và nhờ thư từ qua lại mà bây giờ hai người đã trở nên thân thiết hơn nhiều, đã viết cho nhau những câu yêu đương nồng ấm.
Chiến tranh càng ngày càng khốc liệt, Nam cũng như những người trai sống trong thời chiến, anh phải thi hành nghiã vụ quân sự, Nam nhập ngũ vào học tại trường Bộ Binh Thủ Đức.
Suốt thời gian anh huấn nghiệp trong quân trường Thủ Đức, tuần nào Nam cũng nhận được thư của Xuân. Cô bé bây giờ bắt đầu biết nhớ, biết thương và rất mong ngóng người khách quý thường hay ghé thăm cô tại quán phở ngày trước, mà bây giờ thì khó có dịp. Những bức thư đong đầy tình cảm, thương yêu với nét chữ nghiêng nghiêng xinh màu mực tím. Thư Xuân viết cho Nam, lúc nào cũng chan chứa ân tình, với lời thương yêu, gắn bó... Đọc thư Xuân, Nam cảm thấy lòng mình như đang được sưởi ấm nhất là người lính trong quân trường. Biết Nam cô đơn và nhớ nhà lắm nên trong thư Xuân thường xuyên an ủi để Nam nguôi ngoai bớt buồn. Xuân thật tế nhị.
Khi Quân Trường cho phép thân nhân đến thăm các Sinh Viên Sĩ Quan, Xuân là người đầu tiên đến thăm Nam. Xuân nhờ anh của nàng chở đến Quân Trường thăm Nam, anh ngồi chờ ở cổng. Lâu quá không gặp nhau, cả hai đều mừng rỡ, Nam ôm Xuân thật chặt và hơi lâu, nàng mắc cở vội đẩy anh ra.
Nam nhận ra sau những ngày, tháng vắng xa. Xuân của Nam hôm nay lớn hẳn lên, cô đã trưởng thành và xinh xắn hơn nhiều so với cô bé của ba năm về trước. Cô đang sửa soạn thi Tú Tài hai. Xuân bây giờ đã là một thiếu nữ đương thì, nàng tự nhiên chuyện trò thân mật bên Nam suốt hai giờ đồng hồ. Xuân mang đến cho Nam nhiều thức ăn khô: Thịt chà bông, thịt hộp, cá hộp, bánh và những loại thuốc cảm, cúm nữa..., Nam cảm kích vô cùng trước mối chân tình quý hóa này.
Hai tháng sau, cũng vào ngày được đi thăm Sinh Viên Sĩ Quan, thì Lan—em gái của một thằng bạn thân bất ngờ đến quân trường thăm Nam mà không báo trước. Trong lúc hai người ngồi ăn dưới bóng mát của một tàn cây cao trong sân trường, thì Xuân đến. Nhìn thấy Nam đang vui cười với một người con gái lạ, Xuân không vui, nàng chỉ lẳng lặng trao cho Nam giỏ quà, rồi bỏ ra về. Không một lời từ giã.
Nam chạy theo nắm tay Xuân định giữ lại, nhưng Xuân vùng vằng la lên “buông ra” rồi đi thật nhanh ra cổng. Nhìn bóng Xuân khuất dần mà lòng Nam tan nát…Khi Nam trở về chỗ cũ, lại thấy Lan với cặp mắt đỏ hoe, cô cúi mặt, đôi dòng lệ vừa trào qua khóe mắt.
Thế là mất vui, Lan cũng từ giã ra về. Nam im lặng tiễn Lan ra cổng, nhìn Lan lặng lẽ bước dần xa, Nam buồn bã, buông tiếng thở dài.
Thật ra thì tình cảm giữa Nam và Lan chỉ là tình anh-em. Anh quý Lan như một cô em gái hiền hậu, dễ thương, thỉnh thoảng ghé thăm nói chuyện cho vui chứ Nam chưa hề tỏ tình yêu thương gì với Lan cả vì tim anh đã trao trọn cho Xuân rồi. Lan chỉ bất chợt đến thăm Nam chứ không hẹn trước.
Hai tuần sau, Nam nhận được một lá thư dài hai trang giấy, người gửi lại là anh của Xuân, anh ấy đã dùng những lời lẽ thật nặng nề, mắng Nam thậm tệ:
Anh gọi Nam là “đồ lưu manh, đểu giả, mày đã lừa dối em gái tao, tốt nhất là đừng cho tao gặp mặt mày lần nữa, lần sau tao sẽ đánh cho mày một trận.”
Nam không trách gì anh ta, cũng vì quá thương em gái, nếu như em gái của Nam gặp trường hợp này thì chắc Nam cũng sẽ làm như vậy.
Nam buồn lắm. Thời gian huấn nghiệp trong quân trường thật vô cùng cực khổ, phải tuân theo mọi kỷ luật, tập luyện thân xác để tạo cho mình một thân thể khoẻ mạnh, một khí phách oai hùng của người lính Việt Nam Cộng Hòa tràn đầy dũng khí.
Hàng ngày các Sinh Viên Sĩ Quan trong quân trường phải trải qua bao gian nan, học đủ các môn, phơi mình dưới nắng cháy của núi đồi, trèo non, lội suối, bò qua các chướng ngại vật…ai nấy đều mệt nhoài, tối về đến doanh trại thì thân thể rã rời, chỉ còn biết ngả dài ra giường ngủ vùi mà thôi. Mấy lần Nam định viết thư cho Xuân để giải bày sự thật cho nàng hiểu, nhưng suy nghĩ lại, thấy cũng chỉ vô ích, vì dù có nói bao nhiêu, dùng những lời lẽ văn chương, hoa mỹ thế nào đi nữa thì cũng khó xóa bỏ được những gì mà chính mắt Xuân đã nhìn thấy, sự thật quá rõ ràng.
Tình hình nhiều nơi trong nước bất ổn, và cũng vì sự an ninh cho bản thân, Nam không dám chạy xe Honda đi Long Khánh như trước nữa. Nam bây giờ là nhân viên của Chính Phủ, và là một Sĩ Quan, Nam có trách nhiệm phục vụ Quốc Gia.
Công việc của anh là không được tự ý rời khỏi Sài Gòn nếu không có sự vụ lệnh do cấp trên ban cho. Chính vì sự an toàn cho cá nhân cũng như công vụ, kể từ bây giờ Nam không thể đi Long Khánh nữa, sợ chẳng may lại đụng đầu hai chàng áo đen năm trước thì chắc chắn lần này chúng sẽ không tha cho Nam và biết đâu lại bị chúng tặng cho Nam một “viên kẹo đồng!”
Càng buồn, Nam càng hối hận, tự cho là do chính Nam đã gieo tình cảm vào lòng cô gái trẻ hồn nhiên, ngây thơ đó và rồi chính Nam lại làm đổ vỡ tất cả, anh đã không hoàn thành những gì anh đã hứa.
Ba tuần sau, Nam ghé nhà Lan, cô lạnh lùng không tiếp, đóng cửa lại bảo “Anh về đi”. Anh cố năn nỉ mà Lan nhất định không mở cửa, không chịu gặp anh và cũng không muốn nghe anh phân trần.
Thôi thế là hết. Lỗi tại mình tất cả... “Cũng đáng đời. Mình làm mình chịu, ngay cả Trời cũng không cứu được mình”.
Thế là lại thêm một người con gái nữa hờn giận và bỏ anh! Nam bây giờ chẳng còn ai nữa, anh đã mất tất cả: Mất một nàng Xuân xinh đẹp đã vì anh mà ngậm ngùi, xót xa. Mất luôn người em gái dễ thương--một cành Lan ẻo lả... Nam đã mất hồng nhan và mất luôn cả tri kỷ!!!
Nam thẫn thờ chân bước lang thang như một người không hồn. Bây giờ anh chỉ còn biết trở về chu toàn công việc của mình mà Thượng cấp giao phó. Lòng cố quên đi những tình cảm do mình làm đổ vỡ để hòa mình vào công vụ và làm tròn phận sự của một người trai trong thời chinh chiến.
Viết tại Houston...