Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      



MỜI QÚY VỊ MỞ NGHE VĂN VƯỢNG VỚI NHẠC KHÚC HÀ NỘI TRONG MẮT AI


KỶ VẬT




    T ốt nghiệp ra trường, tôi về dạy học ở một huyện vùng trung du, cái thị trấn nho nhỏ, thanh bình. Ngôi trường ngự trên đồi cao. Từ đây có thể nhìn bao quát thị trấn: những mái nhà lô xô, cái mái ngói, cái lợp lá gồi, lá cọ, trông đến vui vui mắt; xa xa nữa, là những vạt chè xanh, trải dài ngút ngát - một thị trấn mơ màng, yên tĩnh đẹp!

   Lớp tôi chủ nhiệm, lũ trò hiền lành, chăm chỉ. Cứ nhìn chúng mắt tròn xoe, lắng nghe từng câu, từng chữ, như nuốt lấy lời cô giảng, tôi thấy đám trò đáng yêu quá. Công việc, cuộc sống chỉ đến thế là cùng, mình còn ước mơ gì nữa. Năm dạy đầu qua đi tốt đẹp. Cuối năm ấy, tôi có người yêu, anh công tác ở cơ quan trong huyện, hơn tôi dăm tuổi. Năm thứ hai, mọi việc diễn ra suôn sẻ, nếu như không có chuyện, cậu học trò kia, trong lớp đôi khi gây ra sư khó chịu cho tôi. Ngay tiết học đầu năm, lên lớp  chừng dăm phút, đang giảng bài, chợt nghe tiếng thưa rành rọt:

- Thưa cô, em xin phép vào lớp ạ!

Nhìn ra cửa, một cậu học trò cao to, không cặp và nhất là cái đầu - cạo trọc lốc - nghênh nghênh trước cửa lớp. Trong lớp nổi lên tiếng cười khinh khích. Tôi khó chịu, song kìm nén, cất tiếng hỏi:

   - Cậu... tên gì?

   - Thưa cô, em là Lê Tùng Sơn, tức cây tùng và cây lê trên núi cao, mười tám tuổi, học sinh tổ bốn, ngồi bàn cuối, nhà ở thôn Chùa,....

   Cả lớp rộ tiếng cười

   - Cậu vào lớp cho!

   Trường hợp này, chỉ còn cách xử lý vậy, giằng co, mất hết tiết học, mà lại là tiết học đầu năm. Cậu học sinh khuỳnh khuỳnh, vừa đi vừa đưa tay nhứ nhứ trò này, hất hàm trò kia. Tôi cố nén, tiếp tục tập trung vào bài giảng. Một lúc nhìn xuống, thấy cậu ta cũng kiếm đâu ra cây bút, hý hoáy ngồi viết vẽ gì đó. Giữa tiết học, cái đầu trọc lốc gục lên mặt bàn, ngủ. Cho đến tận lúc ra chơi, cậu ta vẫn ngủ ngon lành. Biết làm gì với thứ học trò này đây, loại cứng đầu, cứng cổ. Tôi băn khoăn tự hỏi, cần áp dụng biện pháp cứng rắn, hay mềm dẻo? Ở văn phòng, nghe tôi phàn nàn, cô giáo dạy văn năm trước của cậu ta, nhún vai:

   - À, cái cậu Lê Tùng Sơn chứ gì? Chịu! Đến tài thánh cũng chịu. Loại đó, chỉ có chước đuổi.

   Đuổi thì đơn giản, tôi nghĩ. Trong những tiết học tiếp theo, cậu ta còn nghĩ ra nhiều trò quỷ quái khác. Cả lớp đang cắm cúi chép bài, bỗng dưng có chiếc máy bay giấy phi vèo vèo, truy hỏi thủ phạm, cả lớp im lặng. Hay có lần, trên mặt bàn giáo viên, thấy tờ giấy nguệch ngoạc những hình vẽ bậy bạ. Một hôm tôi đang giới thiệu về phần tác giả, cậu ta đứng lên:

   - Thưa cô! Cô cho em hỏi…

   - Cậu hỏi gì?

   - Thưa cô! Thế nhà thơ Nguyễn Khuyến ở đâu ạ?

   - Cậu học chương trình văn lớp dưới chưa?

   - Thưa cô, rồi ạ! Sách viết, ông Nguyễn Khuyến quê ở Hà Nam, đỗ tam nguyên, ra làm quan,... Thế mà nay ở làng em, hàng ngày vẫn thấy ông ta - ông Nguyễn Khuyến ấy, dắt trâu ra đồng?

   Cả lớp rộ lên cười. Không kìm nổi, tức quá, tôi quát to:

   - Ra, ra ngay khỏi lớp!

   - Thưa cô, em phải ra ngay ạ? Cô bảo em về mời ông ta đến đây ạ! Vâng, em đi nhá!

   Nói rồi, cậu ta tót thẳng khỏi lớp. Tôi chỉ còn biết nhìn theo, uất ức. Cố kìm nén, mà nước mắt cứ trào ra. Học trò cả lớp im lặng, mặt các trò gằm cúi. Ngay ngày hôm sau, theo kiến nghị của tôi, Ban Giám hiệu nhà trường yêu cầu cậu ta lên văn phòng kiểm điểm. Tối ấy đang ngồi chấm bài, đây là bài kiểm tra môn văn đầu tiên của kỳ đầu năm học. Nhìn cái tên cậu học trò, tôi định cho con ngỗng rõ to, song chợt dừng lại. Kể ra chữ viết cũng khoáng đạt, đọc thấy văn chương mạch lạc. Chữ nghĩa thế, sao lại có những hành động vậy nhỉ? Tôi chậm rãi đọc kỹ lại bài văn lần nữa. Đang vu vơ nghĩ ngợi, chợt nghe tiếng động cửa, ngẩng lên, thấy cậu học trò tai quái đó:

   - Thưa cô...

   Khác mọi khi, cậu học trò lúc đó rụt rè. Tôi nghĩ bụng, hóa ra biện pháp cứng rắn, lại có tác dụng. Tôi bảo đến mấy lần, cậu ta mới lúng túng ngồi xuống ghế.

   Thấy cậu ta cứ ấp a ấp úng, tôi đành chủ động:

   - Cậu.... em thấy khuyết điểm của mình chưa?

   - Dạ... thưa cô!...

   - Tôi vừa đọc bài văn của em xong. Sơn ạ, tôi thấy buồn và hơi lạ, một học trò viết được những điều như vậy, sao có thể....

   - Thưa cô! Em....

   - Em làm sao?

   - Dạ.... Em xin nghỉ học.

   Cậu học trò vốn có vẻ phớt đời, ngông nghênh, giờ lại hiền khô, nom đến tội nghiệp. Tôi thoáng ái ngại, mủi lòng:

   - Sao, sao Sơn nghỉ học?

   - Thưa cô.... hoàn cảnh nhà em. Hôm nay em đến xin lỗi… và chào cô giáo.

   Sơn đặt bản kiểm điểm lên mặt bàn. Bất ngờ khi biết ý định bỏ học của Sơn, tôi bảo cậu ta ngồi xuống, định có đôi lời khuyên nhủ. Cậu chàng ngập ngừng đứng lên, lý nhí chào và dứt khoát ra về. Khi cậu ta đi rồi, tôi thoáng ân hận. Có phải vì mình, mà cậu ta bỏ học? Vài ngày sau, vào sáng Chủ nhật, hỏi thăm địa chỉ, tôi đạp xe đến thăm nhà cậu ta. Nhà Sơn nằm lưng chừng đồi, căn nhà ba gian lợp lá cọ, vườn chè bao quanh. Sơn cởi trần, đang lúi húi sửa chiếc xe cải tiến. Nhìn thấy tôi, cậu ta khá bất ngờ, miệng ấp úng chào. Trong khi tôi tìm nơi dựa xe, Sơn vội chạy vào nhà. Tôi ý tứ đứng ngoài sân, đợi cậu học trò mặc xong quần áo. Trong nhà, người đàn bà xấp xỉ tuổi năm mươi, tong tả chạy ra:

   - Cô giáo đến chơi. Thằng cháu Sơn nhà tôi chẳng báo trước gì cả. Mời cô, mời cô giáo vào nhà!

   Căn nhà tềnh toàng, nền đất gồ ghề, giáp tường có dăm bao sắn, thóc, xếp chồng đống lên nhau. Tài sản đáng giá nhất là tủ thờ và chiếc giường gỗ rẻ quạt. Người đàn bà lúng túng giải thích, nhà chỉ có hai mẹ con, nên chẳng nước non gì. Nói rồi, bà ta tong tả xách ấm xuống bếp. Từ trong buồng, Sơn ngập ngừng bước ra:

   - Sơn, sao mấy hôm rồi không thấy em tới lớp?

   - Thưa cô...

   Chưa hết lúng túng, cậu học trò tay vân vê gấu áo.

   - Có điều gì Sơn lại nghỉ học? Hay tại tôi...

   - Dạ không, thưa cô. Nhà em… có chuyện khó nói.

   - Khó, thì mới phải cố gắng. Còn dăm tháng nữa. Sơn không nghĩ tới tương ư?

   Chúng tôi đang dở dang câu chuyện, từ dưới bếp xách ấm nước lên, bà mẹ ngỡ ngàng, khi hay tin con trai bỏ học:

   - Báo cáo cô giáo! Thảo nào mấy hôm nay, thấy nó ở nhà. Hỏi, thì ậm à, ậm ừ.

 Sơn cắt ngang lời mẹ:

   - Kìa mẹ! Mẹ biết gì mà... Con quyết rồi!

   - Chết thật không cơ chứ! Đến đận gì đâu, phải bỏ học. Việc của bố mày, là việc của bố mày…

   Qua câu chuyện, vừa kể bà vừa rấm rứt khóc: Bố Sơn là thợ nề, thường đi vùng nọ, vùng kia xây cất nhà cửa. Trước đây ông ta còn trách nhiệm với gia đình, thi thoảng mang về chút tiền cho vợ con. Hai, ba năm nay, đã ít về, mà tiền nong cũng tịnh chả có đồng nào. Mãi gần đây, mẹ con mới hay, ông ta có vợ bé. Giờ đây, mọi công việc đều trút lên vai người mẹ, bà lại hay đau ốm. Thương mẹ, Sơn quyết định bỏ học, định kiếm công việc gì đó.

   Tôi ngồi lại qua trưa, ăn bữa cơm đạm bạc với mẹ con họ, rầm rì khuyên nhủ Sơn. Sau buổi tôi đến nhà, Sơn trở lại lớp học. Từ ấy Sơn như người khác lạ. Cậu học trò ngỗ ngược ngày nào, nay trầm tĩnh. Cậu ta là một học sinh có năng khiếu môn văn: những ý tưởng mới lạ, mơ màng, những bài phân tích, bình luận sắc sảo. Trong những giờ tôi lên lớp, cậu học trò yên lặng, chăm chú nghe giảng bài. Một lần đang ngồi xem sổ điểm, trong khi cả lớp cắm cúi làm bài luận, bất chợt ngẩng lên, vô tình tôi bắt gặp ánh mắt nhìn của Sơn, cậu ta lúng túng, chuyển nhanh sang hướng khác. Tôi đâm nghĩ ngợi, hình như gần đây Sơn, ánh mắt nhìn tôi khang khác.

   Lại một đợt chấm bài kiểm tra. Xem đến bài của Sơn, tôi hơi bất ngờ. Cậu ta không làm theo đề bài ra, mà kể câu chuyện yêu đương: chàng trai nọ yêu cô gái kia tha thiết. Thế là linh cảm của tôi chính xác, Sơn đang yêu tôi, yêu cô giáo chủ nhiệm lớp. Xử lý thế nào đây, một chàng trai mới lớn? Tôi đâm ra lúng túng. Không thể mang ra kiểm điểm, hay công khai trước lớp. Khi trả bài kiểm tra, giữ bài của Sơn lại, tôi bảo cậu ta ở lại. Nhìn cậu học trò mặt mũi đỏ rừ, ngắc ngứ ngồi sau bàn, tôi nhẹ nhàng nhắc nhở, làm lại bài kiểm tra, còn câu chuyện như cậu ta viết, thì ở lứa tuổi và thời điểm cuối cấp học này, không nên nghĩ tới. Sau buổi ấy, Sơn tránh giáp mặt tôi. Nhưng đôi lần vô tình, tôi vẫn bắt gặp ánh mắt của cậu chàng, từ xa xa, dõi nhìn theo tôi.

   Giữa năm học đó tôi xây dựng gia đình. Đám cưới diễn ra vui vẻ, nào bạn bè, đồng nghiệp, rồi học trò các lớp. Trên hội trường khi cùng chồng đến các bàn chúc rượu và cảm ơn, sau khung cửa sổ, tôi bắt gặp ánh mắt đượm buồn của cậu học trò, dõi theo vợ chồng tôi. Năm học kết thúc, học trò tập trung vào kỳ thi tốt nghiệp, thi đại học. Trong buổi chia tay, lớp tổ chức cuộc liên hoan, đàn hát đến khuya. Tránh chúc tụng ồn ào, tôi bước ra sân trường. Đêm hè yên tĩnh. Cái nóng gắt gao ban ngày đã dịu bớt. Lâu lắm rồi, có lẽ từ khi ra trường, tôi mới có dịp ngắm bầu trời sao. Nghĩ nhanh thật đó, ngày nào còn là cô sinh viên mơ mộng, bao lần cùng bạn bè leo lên sân thượng ký túc, ngồi tán gẫu và ngắm bầu trời sao. Đang thả hồn vẩn vơ giữa bầu trời đêm thăm thẳm, chợt sau lưng loáng thoáng tiếng bước chân. Linh tính mách bảo, đó là ai. Một lúc khá lâu, vẫn không thấy cậu ta lên tiếng. Hình như còn có tiếng thở dài, tôi đành chủ động quay lại:

   - Sơn đấy hả? Sao không trong lớp vui vẻ với bạn bè?

   - Dạ....

   - Chuẩn bị thi cử tốt chứ? Cố gắng lên, em nhé!

   - Dạ...

   Rồi cả hai im lặng. Thời gian trôi đi. Chắc đã muộn, tôi quay mình định vào chào mọi người, đến lúc này Sơn mới ngập ngừng:

   - Dạ... thưa cô! Cho Sơn gửi....

   Sơn trao nhanh cho tôi lá thư, rồi vội vã bước vào khoảng tối sân trường. Lá thư tỏ tình chứa chan lời yêu đương. Sau mùa thi, Sơn trúng vào trường sĩ quan. Tiếp đó, thi thoảng tôi nhận được thông tin rời rạc về cậu ta. Ra trường, Sơn được điều động về một đơn vị công binh. Đơn vị không đóng ở một địa bàn cố định, mà nay đây, mai đó, đến những công trường miền Trung, làm công việc rà gỡ bom mìn còn sót lại. Còn tôi, do bề bộn công việc và chuyện chồng con, ít có thời gian nghĩ về cậu học trò bướng bỉnh một thuở.

   Số phận con người ai biết được đâu. Cuộc đời tôi tưởng như êm đềm, bất ngờ đảo lộn. Chồng tôi không may mắc căn bệnh hiểm nghèo, bao thuốc thang, anh không qua khỏi. Tháng ngày đó tôi như kẻ mất hồn. Ban ngày vì công việc có thể nguôi ngoai, đêm xuống, trong căn nhà vắng lạnh, nhìn con nhỏ, tôi tưởng như không thể vượt qua nổi. Để dịu bớt nỗi đau, tôi chỉ còn biết lặng lẽ thắp nén nhang lên ban thờ, tâm sự cùng chồng. Nhìn làn khói hương chao lượn, cảm giác trong tôi như thấy anh về cùng mẹ con tôi. Sau lễ cúng trăm ngày, lúc đó khoảng bảy rưỡi, tám giờ tối, tôi nghe tiếng ngập ngừng gõ cửa. Thật bất ngờ, Sơn sừng sững đứng trước hiên nhà. Bộ quần áo sĩ quan làm Sơn già dặn. Đặt bó hương, đồ lễ lên ban, Sơn thắp nén nhang cho chồng tôi. Tôi đứng khóc lặng sau cậu học trò. Đến lúc này, cảm giác trong tôi càng thấy, mình mất mát lớn quá. Sơn lung túng nói lời chia buồn, rồi lặng lẽ ngồi đó hút thuốc. Tôi cũng ngồi đó yên lặng. Tối hôm sau Sơn lại đến, một tối nữa, một tối tiếp, cho đến hôm trước khi trở lại đơn vị:

   - Lan.... tôi yêu Lan. Biết Lan đau khổ. Nói chuyện vào lúc này, thật không hợp, nhưng...

   - Thôi, đừng nói nữa. Tôi biết…Sơn. Nhưng, không thể. Tôi không quên được anh ấy. Hãy hiểu cho Lan.

   - Không,... Sơn sẽ đợi. Dù bao lâu, anh sẽ đợi.

   Qua những lá thư nhận được, tôi biết Sơn đang ở đâu, khi thì một thị xã miền Trung, lúc rà soát bom mìn một công trường cao nguyên. Nhận thư Sơn, tôi không hề đáp từ. Có lẽ, ấy là câu trả lời tốt nhất. Tháng tháng vẫn những lá thư Sơn đều đặn gửi cho tôi. Bẵng đi một, hai tháng, tôi không nhận được thư của cậu ta nữa. Thôi, thế cũng là hay, có lẽ Sơn đã hiểu lòng tôi. Một buổi chiều đang đứng lớp, thấy học trò lao xao. Ngó ra sân trường, ông bảo vệ đang đi cùng một anh bộ đội. Tự dưng tôi nghĩ tới Sơn. Hết tiết học, đang ngồi trong lớp, thì có học trò chạy vào báo, tôi có khách, đang đợi ở văn phòng. Tôi chợt nghĩ, hay là Sơn. Bước vào văn phòng, tôi biết mình nhầm. Anh bộ đội từ tốn đứng dậy:

   - Chào cô giáo!

   - Chào anh!

   - Cô là Nguyễn Thị Huyền Lan?

   - Dạ … vâng!

   Anh bộ đội vẻ ngần ngừ, chưa biết bắt đầu chuyện ra sao. Rót chén nước mời anh ta, tôi chủ động:

   - Có việc gì thế ạ?

   - Dạ…. Tôi cùng đơn vị với Sơn.

   Anh bộ đội tần ngần lôi từ trong cặp ra cuốn sổ.

   - Đây là sổ tay của Sơn.

   Tôi thấy hơi bực mình, nghĩ cậu học trò còn bày vẽ ra trò gì nữa đây. Thư từ gửi mãi rồi, vẫn chưa đủ sao. Giọng hơi bừng bực, tôi hỏi:

   - Sao? Gửi cho tôi sao?

   - Đây là kỷ vật của Sơn. Cậu ấy hy sinh mất rồi! Hai tháng trước nhận nhiệm vụ tháo gỡ mìn. Trước lúc tắt thở, Sơn trăng trối, muốn trao kỷ vật này đến tận tay Lan.

   Thế là một người nữa ra đi! Đặt cuốn nhật ký lên ban thờ, bên tấm ảnh của chồng, tôi thắp nén nhang. Chắc chồng tôi, anh ấy sẽ rộng lượng, cảm thông cho nén nhang thắp chung này: thắp cho một người đàn ông và một chàng trai, một người tôi yêu tha thiết và một người tha thiết yêu tôi./.                                                    


  


VVM.11.1.2022

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
vietvanmoinewvietart007@gmail.com