Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      


NHANG TÀN THẮP KHUYA …



Đó buồn có chốn thở than
Đây buồn như ngọn nhang tàn thắp khuya
( Ca dao)

N gày mạ sinh Thường bị băng huyết cũng chính là ngày ba vào bệnh viện vì xe tông. O Bốn vừa bới chén yến chưng cho mạ ở khoa Sản vừa mua cháo cho ba nằm khoa Ngoại. Mệ nội đi coi bói thầy nói tuổi hai cha con xung khắc. Cha tuổi Dần, con tuổi Thân đúng vào Tứ hành xung, chưa chết là do phước đức ông bà phù trợ, với lại may có mạ gánh dùm đại hạn. Trước Thường đã có một anh trai hai chị gái cho nên ba mạ cũng không trông ngóng con cái chi lắm. Nói theo từ hiện đại, đây là một đứa con “ngoài kế hoạch”. Bà nội hóa giải xui xẻo bằng cách đặt cho con bé mới sinh một cái tên đơn giản không sang trọng, quý phái như các anh chị nó: Nguyễn thị Thường. Ngày ba xuất viện chắc thấy cái tên cụt ngủn quá, dù sao cũng không xứng với vai vế một viên chức cấp cao trong thành phố nhỏ như cái lỗ mũi nhưng nhiều người săm soi này nên thêm vào đằng sau chữ thị một chữ Bình. Vậy là con bé có một cái tên lớn lên đi học thầy cô dễ chú ý, hay bị gọi lên bảng là Nguyễn thị Bình Thường. Thường thầm cám ơn ba đã không đặt thêm chữ “Tầm”. Nguyễn thị Bình Thường dù sao nghe cũng tạm ổn hơn Nguyễn Thị Tầm Thường!

Như ý thức được số phận của mình, Thường dễ nuôi, suốt ngày nằm trên võng im thin thít. Đói lắm thì ọ ẹ vài ba tiếng như mèo kêu. O Bốn có thương thì cho bình sữa Ông Thọ. Khi o bận quét nhà, nấu ăn thì dúi đại vô miệng bình nước lọc cũng xong. Mạ lại tiếp tục có bầu, đẻ tiếp một cậu trai út. Thế là con bé Thường hiện diện như có như không trong căn nhà của vợ chồng ông Chủ sự Tòa Hành chánh Tỉnh. Trong những gia đình thời trước, năm con không phải là nhiều nhưng đứa con thứ tư này bị bỏ quên, nhất là khi nó có “tiền án” ngay từ ngày ra đời…


Ba tuổi, Thường ốm o như một con mèo hen, đứng trong cũi ở nhà bếp cho o Bốn tiện một công đôi việc, mũi dãi chảy lòng thòng, ruồi đậu trên mép không buồn xua.

Bốn tuổi, vẫn cái mặt buồn hiu hắt, lê la sau chái nhà, hái hoa nhặt lá làm trò bán hàng, đồ chơi là cái nắp keng, con búp bê bị vứt bỏ, chỉ còn một tay một chân. Thường đối thoại với chính mình, lầm thầm những câu trong cổ họng và im bặt khi có người đi ngang.

Anh chị em của Thường- ngoài tên đi học- còn có những cái tên ở nhà, mới kêu lên đã nghe rốp rốp như Tây: Ti Na, Ti Ni, Bôm, Bốp…Còn Thường thì vẫn là “Thường”.

Thường thèm một cái vuốt ve của mạ, tia nhìn âu yếm của ba, những câu nựng nịu của mệ nội với anh chị em. Còn quá nhỏ không hiểu gì nhưng Thường vẫn tự biết mình không được yêu thương!

Một trưa nọ, thằng Bốp chập chững ra chái bếp. Có lẽ đã chán những món đồ chơi công nghiệp, Bốp thích thú nhìn Thường chơi đồ hàng với hoa, với lá, với đất, với cát…Thường ôm em trong cánh tay bé bỏng của mình, hít hà mùi thơm của phấn rôm, của bộ áo quần mới tinh tươm thoang thoảng mùi nước hoa.Thường yêu em biết bao nhiêu. Thường đã có người để nói chuyện. Thường nói như chưa bao giờ được nói!

Bốp đưa tay cầm viên gạch vỡ Thường kê làm bếp. Một con rít lớn bò ra chích một phát vào tay thằng bé. Thằng Bốp ré lên thất thanh. Mọi chuyện sau đó như một cơn lốc kinh hoàng trong trí nhớ của Thường… Cát tát bỏng má của Ba; mạ chu chéo “Ai cho mi dám chơi với em? Nó có chuyện chi thì mi chết!”; cặp mắt sắc lạnh của mệ nội “Đồ yêu nghiệt! ”

Bác sỹ được mời tới nhà. Thằng Bốp nằm thiêm thiếp trên chiếc giường trải nệm trắng, ngón tay trỏ sưng vù. Cam táo chất đầy trên bàn. Bao nhiêu người tới thăm hỏi và nhìn Thường như thủ phạm qua lời kể của mạ. Vâng, thủ phạm không phải là con rít, thủ phạm chính là “con yêu nghiệt”!

Thường ước ao phải chi con rít chíchThường chứ không phải là em trai! Thường thèm thuồng tưởng tượng ra mình đang nằm đó, được mọi người vây quanh. Thậm chí Thường muốn được chết trong tiếng khóc tiếc thương của gia đình!

Qua lời to nhỏ của một bà thư ký cấp dưới của ba, tuần sau bà nội đưa “ con yêu nghiệt” đi bán khoán. Nếu không, “cái gia đình này còn lụn bại”. Thường được đưa đến ngôi đền thờ Đức Thánh Trần, người coi sóc là một pháp sư “cao tay ấn” như lời truyền tụng.

Suốt một tuần liền, Thường được vây bọc trong mùi nhang trầm. Phủ một chiếc khăn đỏ trên đầu, Thường đắm mình trong những điệu nhảy của ông Hoàng Mười, của Bà chúa Thượng Ngàn, lời ca tiếng đàn của anh chàng cung văn có những móng tay dài chuốt nhọn.Từ đây, Thường không phải là con của Ba Mạ. Thường không được gọi là “Ba Mạ”. Thường phải gọi họ là “Chú Mợ”.

Bà nội làm một cái am sau vườn, tối tối o Bốn đưa Thường ra thắp ba cây nhang. Khi Thường đã lớn, đủ chiều cao cắm được những cây nhang thì Thường tự đi một mình.

Thường ngủ với o Bốn trong căn buồng sát nhà bếp, có cái cửa sổ nhìn ra cây khế chua trĩu trái cuối vườn. Sau một ngày làm việc mệt nhọc, o Bốn đặt mình xuống là ngủ say sưa. Còn Thường “nói chuyện” với cây khế, với những đốm nhang cháy lập lòe trong bóng tối.

Thường còn diễm phúc là được đi học, cho dù không phải là trường Tây như anh chị em. Thường không được ở Bán trú, không có xe đưa rước, không có đồng phục, không có bảng tên. Trường Thường theo học chỉ là một ngôi trường nhỏ, nam nữ học chung. Ba mẹ chúng là ông xích lô, bà bán bún, bà nhặt chai bao nhôm nhựa… trong những căn nhà lụp xụp của xóm Bờ hồ Tịnh Tâm nhưng Thường sung sướng vì được nói chuyện, được các bạn cho hội nhập vào cộng đồng. Không ai biết Thường là con của một viên chức cao cấp trong thành phố!

Thường học chăm dù không có ai kèm cặp, đặc biệt nổi trội trong các môn nữ công, gia chánh. Giờ thêu, cô giáo khen những mũi thêu đột thưa, đột dày đều đặn như máy. Giờ nấu ăn, cô xuýt xoa trước trái cà chua quấn thành đóa hoa hồng, trái ớt được tỉa như đầu con chim phượng…Không ai biết năm tuổi, Thường đã lụi hụi nhặt rau cho o Bốn nấu ăn . Đặc biệt có lần bức tranh của Thường trang trí bằng rong rêu, với những cây dương xỉ trong vườn và những bông hoa phượng được chưng bày ở phòng giáo viên. Ông thầy dạy vẽ đã từng khen con bé có mười cái hoa tay đều chằn chặn. Thường sống tự nhiên như cây cỏ trong vườn, bình thường như cái tên, không vui không buồn. Ước mơ lớn nhất là được làm cô giáo tiểu học, nựng nịu những em bé. Phải chăng đó là khát vọng được tích tụ của một người chưa từng được nâng niu?

Như quy luật tự nhiên, hoa đến kỳ thì hoa nở. Sau khi sợ hãi khóc với o Bốn về những vệt máu trong lần kinh nguyệt đầu tiên năm đệ lục, Thường lớn vụt lên như chồi biếc gặp mưa xuân. Cặp mắt lé kim thuở nhỏ trở nên mơ màng, cái mũi hếch thon gọn như Tây, mái tóc xanh mướt chưa một lần uốn dịu dàng xõa xuống bờ vai. Người phát hiện ra điều này chính là mệ nội trong một buổi sáng ngồi súc miệng thấy Thường đi học qua sân. Mệ nói với mạ: Con ni trổ mã rồi đó. Coi chừng nó đi rượng bây chừ. Mạ cười: Ai mà thèm. Khi o Bốn già, cho nó kế nghiệp !

Mà thiệt, cả nhà đã biết tài nấu nướng của Thường. Hôm ba Thường đau, mua bún phở chi cũng chê, chỉ thèm cá bóng thệ kho khô ăn cháo gạo hẻo rằn. O Bốn cũng ươn mình nên chỉ bày qua quít, để mặc con bé mười lăm tuổi xoay xở. Thường kho một nồi cá “cho Chú” thơm phức mùi tiêu, mười con ngó đuôi cả mười, màu nâu sánh. Ba Thường ăn một lúc hai chén cháo tỉnh người. Từ đó Thường kiêm thêm bếp núc với o Bốn. Ít bạn bè, không chơi bời, nấu ăn trở thành niềm vui. Đặc biệt, hôm đám cưới cô chị Ti Na với anh chàng sinh viên trường Y, cả đám tiệc trầm trồ về những bình hoa được cắm trên dãy bàn dài trải khăn trắng. Mạ nở mày nở mặt: Con Ti Na trang trí đó. Không ai biết Thường thức cả đêm với hoa lá tự mình tìm kiếm.

Đêm đêm, sau khi cắm những cây nhang trên trang thờ, Thường đi thơ thẩn trong vườn. Thường thì thầm với cây nguyệt quế, nâng niu cành dạ lý hương bị gãy một nhánh, vuốt ve đóa tường vy mới hé nụ. Có lần gần nửa đêm, mệ nội đi tiểu sau hè đã ré lên vì tưởng ma khi thấy bóng Thường ngồi lúi húi bên cây hoàng anh. Bởi vậy, khi Thường khép nép xin đi sinh hoạt Gia đình Phật tử bên Khuôn hội Tịnh Bình, mệ nội đã đồng ý ngay “để cho bớt tà ma ám khí trong nhà”.

Có thể nói đây là những ngày hạnh phúc nhất trong cuộc đời Thường. Cô học và thao tác rất nhanh những bài học về hoạt động thanh niên. Cô giúp các huynh trưởng dạy các em oanh vũ về mật thư, truyền tin, thắt gút, văn nghệ…Cô sôi nổi hòa giọng cùng các em trong các bài ca Phật giáo Việt Nam, Trầm hương đốt, Dòng Anoma… Mặt cô sáng rỡ như trăng rằm. Một vẻ đẹp hiền lành, thánh thiện trong chiếc áo dài lam khiến người đối diện dễ có cảm tình. Và như quy luật của tự nhiên, cô đã có những rung động đầu đời với một chàng trai…

Vốn dĩ thua thiệt trong gia đình, Thường không có những ước vọng lớn. Mẫu người lý tưởng của Thường không phải là “ đẹp trai, nhà giàu, học giỏi” như hai cô chị.Tất cả chỉ gói gọn trong hai chữ “hiền lành”. Và Tuệ, người làm cô rung động hội đủ yếu tố đó..

Tuệ nhà nghèo, cha mất sớm, nhà lâm cảnh “mẹ góa con côi”. Căn nhà tranh gần cống Lương Y là nơi hai mẹ con sinh sống. Mạ Tuệ ngày ngày cúi đầu chằm nón, được chục cái thì đem bỏ mối bên chợ Đông Ba. Tuệ đã đậu tú tài bán, học đệ nhất Quốc Học, đi dạy kèm tuần bốn buổi, sinh hoạt Gia đình Phật tử từ nhỏ, nhà ăn chay một tháng mười ngày.

Thường học lớp đệ tam. Một ngày đầu Xuân, vui miệng sau khi nhấm lát mứt gừng ấm ruột, “Chú” đã hứa cho Thường thi vô Sư phạm Tiểu học nếu đậu Tú tài bán. Thường mừng lắm. Cô cố gắng chu toàn mọi việc trong nhà để không ai phải kêu ca, để cô được đi học và đi chùa, để thực hiện ước mơ làm cô giáo. Và để gặp Tuệ.

Hai người chưa một lần nắm tay, chưa một lần hò hẹn. Chỉ có những tia nhìn rực sáng. Và chỉ như thế cũng đủ cho Thường thao thức suốt đêm, nhìn trăng nhìn sao qua ô cửa sổ.

Tuệ hay đi xin những giống hoa lạ về cho Thường. Cô gieo trồng, tưới tắm. Khi hoa nở thì đem lên chùa cắm bàn Phật hoặc kín đáo bỏ vào giỏ xe đạp của Tuệ. Mùi hương hoa như tín hiệu nhẹ nhàng giữa hai người.

Hai ngày cuối tuần, nhà ông Chủ Sự hay tổ chức chơi bạc. Xì phé cho quý ông và tứ sắc cho quý bà. Những lúc như vậy thường có ăn khuya cho các ông bà có sức chiến đấu với các quân bài. Quanh quẩn là những khuôn mặt quen thuộc của thành phố nhỏ. Mấy ông bên Tòa Hành chánh quen chỉ tay năm ngón cho cấp dưới, một ông kỹ sư Thủy Lâm hói đầu góa vợ thừa tự do; một vài bà buôn bán ngoài phố vòng vàng đỏ chóe. Những đêm đó, o Bốn vừa vặt lông gà vừa càm ràm luôn miệng. Thường phải phụ o bưng bê, dọn dẹp chén bát rồi mới học bài được. Có lần, bà hiệu buôn Nghĩa Lợi hỏi Thường là ai, mạ liếc xéo trả lời “ con yêu nghiệt nhà tui”. Thường cúi mặt muốn khóc.

Chị Ti Na lấy chồng nhưng thi thoảng vẫn về thầm thỉ khóc lóc với mạ. Và lần nào mạ cũng dấm dúi cho một gói nhỏ. Nghe chị nói ông chồng bác sỹ muốn mở clinique bên Bến Ngự. O Bốn trề môi nói: Thằng bác sỹ ni kiêm thêm nghề kỹ sư. Thường ngơ ngác: Kỹ sư chi? O Bốn cười: Kỹ sư đào mỏ!

Ba Thường về hưu. Sòng bài mở với quy mô rộng hơn. Cả một phòng lớn với bốn tụ. Có đến hai sòng xì phé cho mấy ông. Người chơi quen mặt nhất là ông kỹ sư đầu hói. O Bốn nói ba mạ mi vừa chơi vừa để lấy tiền xâu. Không chỉ chơi đêm mà còn chơi ngày. Thuê cả một cô để chia bài tứ sắc cho quý bà. Thường với o Bốn ngày càng tất bật hơn. Cô phải thức khuya đến tận gà gáy để học bài. Buổi sáng dậy sớm rửa một chồng chén bát lớn. Có ngày Thường đi sinh hoạt trễ, các em oanh vũ đứng ngóng tận ngoài đường. Thường cũng nhận ra ánh mắt lo lắng của Tuệ. Biết nói răng được với cái quầng thâm dưới hai con mắt!

Một bữa nọ, Thường nghe ồn ào ở nhà trên. Có tiếng vỡ của cái tách trà bị ném xuống nền gạch. Ba bước ra sân, nét mặt cau có: Tiêu chi mà vô hậu! Tui về hưu rồi. Bỗng lộc không có. Vợ con chỉ ăn với phá! Mạ dài môi: Một mình tui phá chắc! Ai đêm qua thua hết hai cây vàng? Bài xấu mà còn tố tố! Mệ nội la vọng xuống nhà dưới: Đứa mô lên dọn cái coi! Thường cầm cái chổi bước lên. Chưa kịp quét, mạ đã háy: Đẻ con ni ra, nhà ngày càng mạt!

Cô hầu bài ốm, xin nghỉ mấy hôm. Lấy ai chia bài cho các bà bây chừ? Chỉ còn con Thường. Thường mô, Thường mô, lên đây tau biểu. Đang chuẩn bị vo gạo, Thường lật đật bước lên.

Ôi, hai bàn tay với mười cái hoa tay đều chằn chặn chia bài mới gọn, mới khéo làm sao. Mỗi tay bài năm con ném từ bên này xéo qua bên tê không lật con nào. Một trăm mười hai cây bài tứ sắc xanh, vàng, trắng, đỏ cuối ván được xóa nhanh nhẹn và xóc gọn gàng. Bà vợ ông Tham sự xuýt xoa: Ui chao, con ni xóc bài quá khéo, không cần đếm lại.

Cứ thế, Thường chạy từ sòng bên này sang sòng bên kia. Hết xóa bài đến chia bài. Thỉnh thoảng còn phải lấy cái gạt tàn thuốc cho mấy ông, chế thêm nước sôi vô mấy bình trà, bưng những tô cháo sườn cho quý ông giải lao…Và đến khi sòng bài tan thì kim đồng hồ đã chuyển qua số bốn. Đó cũng là lần đầu tiên Nguyễn thị Bình Thường không thuộc bài khi cô kêu lên bảng.

♣ ♣

Hai người nán lại sau buổi sinh hoạt cuối tuần. Tuệ thương xót nhìn gương mặt xanh xao của Thường. Gặp Thường lần đầu, anh không nghĩ đó là con ông Chủ Sự Tòa hành chánh quyền uy. Bà mẹ kiểu cách, những đứa con kênh kiệu…hoàn toàn xa lạ với cô gái nhỏ hiền lành, nhẩn nhục kia. Anh không thể giúp được gì cho cô ngoài những lời dịu dàng thân ái. Nhưng anh không biết rằng cô đã đón nhận lời nói của anh như dòng nước mát ngọt ngào. Xưa nay, đâu có ai nói cho cô những lời êm dịu đó. Toàn là lườm nguýt, gắt gỏng, chê bai. Những câu nói đi vào giấc ngủ của cô, tạo nụ cười trong đêm và là động lực giúp cô vượt qua gian khổ để hướng về tương lai. Cô đã mơ màng nghĩ tới căn nhà tranh xóm Lương Y có bà mẹ anh tần tảo và người thanh niên hiền lành…

Tuệ đưa cuốn vở cho Thường. Anh đã ngồi chép giúp cô những bài toán khó để Thường có thể học thêm những lúc rảnh rổi. Anh đã nghe cô kể về ước mơ của mình. Và anh hứa với lòng sẽ giúp cô thực hiện nó. Anh cầm tay Thường. Cô đỏ mặt và bàn tay run nhẹ trong tay anh.

♣ ♣

Những cuộc khẩu chiến giữa “Chú Mợ” xảy ra thường xuyên. Căn nhà nặng nề và u ám. Những đứa con bỏ nhà đi chơi đêm. Mê nội cáu kỉnh. Thường cố gắng nói thật khẽ, đi thật nhẹ nhưng vẫn hay bị trút giận, nhất là khi mạ thua bài.

Thường đã lên đệ nhị. Cuối năm ni cô sẽ thi tú tài Bán. Sau đó cô sẽ vào Sư phạm Tiểu học. Nhất định cô sẽ thi đậu. Khi người ta có động lực, người ta sẽ quyết tâm.

Dạo này cô hay bị mạ kêu chia bài. Kể cả khi đã có cô hầu bài thuê tháng. Không chỉ chia bài tứ sắc, thi thoảng cô còn bị chia bài xì phé cho mấy ông. Nhất là khi ông nào than thở mình bị xui, mười ván chưa thắng ván nào. Những chiếc áo cũ của chị Ti Ni vứt bỏ, qua bàn tay khéo léo của Thường, ráp vạt này với vạt tê thành những hình lập thể ngồ ngộ không giống ai nhưng lại làm cô nổi bật giữa mấy bà tứ tuần, ngũ tuần phì nộn. Thỉnh thoảng cô phải ý tứ kéo lại cổ áo khi thấy những con mắt hau háu của các ông chú mục vào ngực mình. Những lần chia bài sau, cô mang chiếc áo dài cũ màu trắng đã ngã vàng.

Những buổi đi sinh hoạt Gia đình Phật tử cuối tuần cũng bị gián đoạn. Tuệ và Thường ít được gặp nhau. Có nhiều tối,Tuệ đi ngang chỉ thấy thấp thoáng bóng Thường ở nhà bếp. Nhưng những đốm nhang vẫn lập lòe trong đêm.

Một hôm mạ đưa hai xấp vải ngọt nhạt bảo Thường: Cầm lấy mà may áo. Con gái con lứa lớn rồi. Mang áo cũ chia bài người ta cười! Thường ngạc nhiên mở to mắt. Mạ thương mình rồi a. Cô nghe lòng chùng xuống. Cảm ơn trời phật đã ngó lại.

Hai xấp lụa hồng hoa thiệt đẹp. Càng đẹp hơn dưới bàn tay khéo léo may vá của Thường. Hôm đầu tiên mặc áo mới chia bài, mấy ông nắc nỏm xuýt xoa. Một ôn chủ nhà hàng nói bửa ni có nàng tiên lộ diện rồi nghe. Ôn kỹ sư Thủy Lâm già cười hềnh hệch nhìn Thương đầy dục vọng. Hôm đó cô bị mạ đặc cách ngồi chia bài cho các ông. Quá nửa đêm cô vẫn đi tắm vì không chịu được mùi thuốc lá bám vào da vào tóc.

Một chiều nọ đi học về Thường ngạc nhiên vì nhà không có ai. Phòng chơi bài cũng đóng cửa. Cô thay áo và phụ o Bốn cơm nước như thường lệ. Mạ bước xuống tam cấp kêu Thường lên nhà trên. Cô bước theo, lòng hồi hộp. Có khi mô mạ biết chuyện mình với anh Tuệ!

Cả mệ nội, ba mạ ngồi chĩnh chện trên bộ salon. Thường khép nép đứng trước mặt. Mệ nội cho phép Thường ngồi trên chiếc đôn ở trong góc. Không khí như đặc quánh lại. Thường hồi hộp không biệt chuyện chi sẽ xảy ra. Mạ lên tiếng trước: Hôm ni chú mợ có chuyện quan trọng muốn nói với con. Năm ni con đã mười chin tuổi rồi. Cũng đã đến lúc tính chuyện chồng con. Hồi mợ lấy chú còn mới mười tám…

Tai Thường như ù đi. Cô lắp bắp: Chú hứa cho con thi tú tài rồi học Sư phạm mà. Ông Chủ sự về hưu có vẻ hơi ngượng. Ông trấn áp bằng một câu: Hồi nớ khác hồi ni khác. Như được trớn, mạ nói tiếp: Chú về hưu, các anh chị chưa có ai thành tài. Vài năm nữa chú mợ già yếu không lo cho con được. Chú mợ thu xếp cho con trước để yên thân. Mệ nội nhã miếng trầu vào ống nhổ: Con gái học chi cho lắm rồi cũng lấy chồng. Mười chín tuổi rồi, nít nôi chi nữa. Người ta cũng chỗ gia thế, một bước lên bà, còn đòi chi hè! Mạ cười: Chồng hắn làm còn to hơn ôn nhà này mà. Rồi tha hồ mà diện nhé! Thấy Thường còn ngơ ngác, bà nói luôn: Ôn kỹ sư Thủy Lâm muốn xin con và chú mợ đã nhận lời.

Thường quỵ xuống trên nền nhà…

Ba ngày Thường vật vờ không ăn không ngủ. Cô bềnh bồng giữa hư và thực, chân và ảo. Cô có nghe lầm không. Cô sẽ làm vợ lão già trán hói, góa vợ có nụ cười khả ố mà cô không dám nhìn thẳng mặt? Ba mạ ơi nỡ lòng nào? O Bốn thì thầm ba mạ mi lậm lắm rồi. Phần thì bù chì cho con gái đầu để lấy tiếng tăm với sui gia, phần thì thua bạc rồi vay mượn mà lão kỹ sư già kia là chủ nợ. Muốn xóa nợ thì gả mi cho lão là xong hết.

Thường ôm đầu, lắc qua lắc lại như một con điên!

♣ ♣

Hai người ngồi phía sau ngôi biệt thự cũ của ông Hoàng Tùng Đệ, bên cạnh khuôn hội Phật giáo Tịnh Bình. Tuệ xoay xoay cọng cỏ gà đã nát bét trong lòng bàn tay. Thường gục mặt vào đầu gối. Họ im lặng đã lâu. Gió nam phần phật trên mấy tàu lá chuối rách bươm.

Tuệ nhỏ giọng: Chừ em tính răng? Thường thở dài nhìn xa xăm, không trả lời. Cô biết tính sao đây khi ngày nào cũng bị đay nghiến, thúc ép, dằn vặt. Cô tìm đến Tuệ mong anh tìm cho cô một lối thoát nhưng cả hai đều bất lực. Trời đã ngã sang chiều.

Một đốm lửa rực cháy trong mắt Thường: Anh ơi, hay mình trốn đi thật xa. Em biết đan, thêu, may vá. Em sẽ làm lụng nuôi anh suốt đời. Khổ cực em chịu hết, miễn khỏi làm vợ ông ta…Thường ơi, anh thương em nhưng anh chỉ là một thằng sinh viên tay trắng. Anh làm răng bỏ được mạ, Thường ơi!

♣ ♣ ♣

Nhà trai đã dẫn lễ vật, ngày mai làm lễ vu quy. Bàn thờ lau chùi sáng loáng. Con gái thứ tư của ông Chủ sự đi lấy chồng!

Thường làm mọi việc rất bình thường. Bà nội thở ra: Tau tưởng khó mà té ra cũng dễ. Mạ bỉu môi: Nhà ni xưa nay có phép có tắc, đố dám cãi. Ba chải lại bộ Vest. Dù sao cũng phải tinh tươm để “quan trên ngó xuống người ta trông vào”. Chị Ti Na cười: Lấy chồng giàu sướng bắt chết còn làm bộ. Thường đâu có làm bộ. Thường vẫn ăn uống,đi lại, ngủ nghê. Vẫn không quên thắp nhang trên trang thờ ngoài vườn mỗi đêm.

Đêm cuối ở nhà. Mạ đưa cho Thường cái khăn vành dây và bộ áo Nhật Bình màu xanh lục. Vua chúa,hoàng hậu màu vàng, người già màu đỏ, cô dâu chú rể thì màu xanh. Đúng lễ nghi đó. Ông anh trai nói: Ôn ni lấy vợ lần hai có kinh nghiệm rồi cười hăng hắc. Cả nhà cười theo.

Mạ nói lên nhà trên mà ngủ cho đàng hoàng nhưng Thường xin ngủ với o Bốn vì xưa ni quen rồi. O Bốn bỏ mùng, ngáp rồi nói với Thường: Đi lấy chồng đừng quên o. Thường cười nhẹ: O đừng lo. Làm răng con quên o được!

Thường bước ra vườn. Mùi ngọc lan nồng nàn. Cô hôn đóa trà mi, vuốt ve cành phù dung Tuệ chiết cành cho cô mấy tháng trước. Hoa phù dung đẹp nhưng sớm nở tối tàn!

Thường thắp nhang trên trang. Thường đã tự thắp hơn mười hai năm rổi. Đây là những nén nhang thứ mấy chục ngàn Thường không đếm nổi. Thường chắp tay vái bốn vái. Vái thứ nhất con hướng về Quan Thế Âm Bồ Tát. Vái` thứ hai con tạ ơn Đức Thánh Trần, người đã giúp con thành đứa dễ nuôi. Gươm thiêng của Ngài chém được tà Phạm Nhan nhưng không giải thoát con khỏi vòng trói buộc của gia đình. Vái thứ ba con tạ ơn sinh dưỡng của “Chú Mợ” mười chín năm. Phải chi ngày ấy ba đặt cho con cái tên Tầm Thường có khi còn khá hơn. Con muốn sống bình thường mà có được đâu. Vái thứ tư con gởi chút tình cho người con trai nghèo bên cống Lương Y.Tuệ ơi, nếu còn có kiếp sau…

Thường tháo chiếc khăn vành dây dài vắt lên cây khế. Cô bước lên ghế đẩu và lắc chân. Cành cây rung rất nhẹ…

Những nén nhang lụi tàn. Đêm ướt đẫm sương.




VVM.28.12.2021

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
vietvanmoinewvietart007@gmail.com