Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      

QUANH NỒI CHÁO VỊT



T ừ ngày được ra trại, ông Thẩm thầm lặng, ít nói, không sôi nổi như xưa - ông như một con người khác, thay đổi tính cách gần như hoàn toàn. Mọi việc đồng áng từ bâm bang, gieo sạ, đến nhổ cỏ, dặm lúa, ông đều làm hết, còn phụ giúp vợ công việc nhà; không như trước kia chỉ có việc đi làm ngoài tỉnh, việc nhà, chăm sóc con đều một tay bà Thẩm.

Ngoài vụ mùa, ai thuê gì ông cũng lãnh làm thêm - khi phụ hồ, khi cải tạo đìa nuôi tôm chuẩn bị thả giống, khi làm công cho vựa phế liệu để kiếm thêm tiền chợ, mua sắm áo quần, sách vở cho các con.

Bà Thẩm yêu thương, kính phục chồng lắm! Có lẽ những ngày ở trong trại, ông đã nhận ra sự hy sinh của bà Thẩm, một mình nuôi ba đứa con ăn học; còn lặn lội năm, sáu trăm cây số thăm nuôi ông thường xuyên, dù cuộc sống buổi giao thời rất khó khăn, tàu xe đi lại khan hiếm; và nhất là luôn dành cho ông tình yêu thương chân thành, thủy chung hết mực qua những lời tâm sự dặn dò, khi gặp được nhau dù rất ngắn ngủi!.

Tuy làm đủ thứ việc, nhưng gia đình ông vẫn thiếu trước hụt sau, bữa ăn thường chỉ rau quả trong vườn là chính. Ông thương con Thỉ, con Chố, thằng Bế lắm, ngày nào cũng rau luộc, canh bầu, canh bí, với ít cá nục, cá cơm kho; ông ước thầm trong bụng, hôm nào có việc làm nhiều tiền một chút, sẽ mua cặp vịt nấu cháo cho các con ăn một bữa.

Ước là có. Ông Tư ở Phú Lạc nhờ ông xuống cải tạo đìa để chuẩn bị thả tôm. Ông Thẩm mừng lắm, quyết định chiều nay về sẽ ghé lại nhà chú ba Nhàn ở xóm Vịt, mua một cặp, cả nhà sẽ được một bữa cháo vịt ngon phải biết!.

Ông Thẩm treo cà mèn cơm trên ghi đông vừa đạp xe vừa nghĩ ngợi. Trước kia, chủ nhật nào vợ chồng ông cũng mua cho các con một bữa ăn ngon, không cháo vịt, cũng cháo gà, phở bò, hoặc chả dông cuốn bánh tráng. Thuở ấy, việc mua sắm đối với ông chẳng có gì khó, một mình ông làm nuôi cả nhà vẫn đầy đủ, con ông không phải nhịn thèm thứ gì. Còn bây giờ, dù ông cố gắng làm việc đầu tắt mặt tối vẫn cứ thiếu, muốn mua món gì ngon một chút cho con ăn phải tính toán kỹ, lâu thật lâu mới mua được. Không chỉ riêng gia đình ông, mà mọi nhà trong xóm Gò Tre nầy cũng vậy thôi; hoàn cảnh khó khăn chung, chứ không riêng gia đình nào cả. Thôi thì, cứ ráng cố gắng, chứ biết sao được, “tay làm hàm nhai - tay quai miệng trễ” thôi!.

♣ ♣

Ông Thẩm tay xách cặp vịt, dựng chiếc xe đạp ngoài sân.

Con Chố, thằng Bế thấy có cặp vịt to, đang kêu “quạp, quạp”, ùa chạy ra mừng rỡ.

Ông cười vui với các con:

-Bữa nay ba mua cặp vịt về nấu cháo cho tụi con ăn một bữa. Mừng không?

Thằng Bế lấy tay sờ đầu làm con vịt sợ la quang quát. Con Chố cười vui vẻ:

-Thiệt hả ba? Lâu lắm rồi mới được ăn cháo vịt, ngon quá! - bỗng nó nghiêm giọng, nhưng mà ba mua vịt có còn tiền cho má đi chợ không đấy? Coi chớ má la à!.

Ông Thẩm bẹo má con Chố:

-Thôi đi “bà cụ non”! Mai ba đi làm nữa, lo gì! Tụi con ăn một bữa cho ngon, lâu rồi không được ăn.

Thằng Bế chạy vào nhà la lớn:

-Má ơi! Ba mua vịt về nấu cháo nè! Ra mà coi!

Bà Thẩm đang lau dọn bếp để nấu cơm chiều, nghe thằng Bế chạy vào kêu dừng tay bước lên nhà trước. Ông Thẩm xách cặp vịt vào nhà, nhìn vợ - cười vui:

-Bữa nay, tui mua cặp vịt về nấu cháo cho mấy đứa nhỏ, lâu rồi không có món gì ngon. Bà xuống bắt nước, để tui làm nghen, má Thỉ!

Bà Thẩm nhìn chồng ân cần:

-Được rồi, để tui xuống bắt nồi nước. Ông đi tắm thay đồ cho khỏe, rồi mới làm!

Thỉ đi học về đến cửa đã nghe thằng Bế từ nhà chạy ra ngõ khoe, miệng cười hả hê:

-Chị Hai, bữa nay ba mua vịt về nấu cháo đó nghen!.

-Vậy à? Em đi tắm rửa rồi lát nữa ăn cháo vịt, bữa nào cũng chờ nhắc hoài, hư lắm nghen!

-Dạ! Em đi tắm liền, chị Hai!.

Thằng Bế cười ré lên rồi chạy ra nhà sau, vừa chạy vừa líu lo. Lâu lắm rồi không thấy nó mừng vui như thế. Thỉ cười nói vói theo:

-Từ từ, đừng có chạy vấp ngạch cửa té à! Tắm cho sạch, còn dơ là khỏi ăn đó.

-Dạ! Chị Hai.

Thỉ xuống nhà dưới, nhìn ông bà Thẩm đang nhổ lông vịt ngoài ảng nước, khẽ thưa:

-Thưa ba má con đi học về! Ba má để đó, con thay đồ rồi làm cho.

Bà Thẩm nói rõ lớn:

-Mầy thay đồ, rồi ra vườn hái ít rau sà lách, é trắng, hành ngò để lát tối không thấy đường hái à con!.

-Dạ!

Ông Thẩm làm vịt xong, rửa sạch sẽ mang vào bếp cho vợ, rồi lên nhà trước lau bàn, quét nhà. Cả ngày làm việc nặng nhọc nhưng ông vẫn không cảm thấy mỏi chút nào mà lại rất vui. Có lẽ ao ước bấy lâu, nay ông đã làm được. Nhìn thấy niềm vui của thằng Bế, con Chố, ông bổng dưng thấy xót xa, thương con càng nhiều hơn. Phải chi, có việc đều đều, thì ông sẽ cho các con ăn uống đỡ hơn, không kham khổ như lâu nay.

Nghe tiếng cãi nhau của ai ngoài sân - “nhà này chớ nhà nào, tui nhớ có cái hồ cá nhỏ năm cạnh ở trước nhà kìa! Đúng rồi đó!” - “Đâu phải, tui nhớ từ trên ngã ba đi xuống, nhà anh Ba Thẩm cái thứ năm. Nhà này đã tám, chín cái rồi”.

Ông Thẩm bước ra ngoài cửa.

-Anh Ba kìa! Lâu quá không lên, hổng nhớ cái nhà nào, tìm nãy giờ. Đúng như tui nói, thấy chưa, cái hồ cá trước nhà kìa, chú mày cứ cãi!.

-Thì ai có biết đâu giờ người ta làm nhà nên tui tính không phải cái thứ năm - quay qua ông Thẩm cười chào: Anh Ba!

Ông Thẩm mừng rỡ bắt tay ông Bá, ông Hàn, con của cậu ông và một người bạn của họ nữa từ Ba Lò đến thăm mình.

Ông mời tất cả vào nhà:

-Bận bịu quá không về dưới thăm mấy cô chú được - ông Thẩm phân trần, vào nhà đi! Trước kia là nhà thứ năm, bây giờ người ta cất thêm mấy cái, lâu không lên mấy chú không nhớ là phải rồi.

-Tụi tui muốn lên thăm cô Tám, anh chị và mấy cháu lâu rồi, nhưng cứ việc này níu kéo việc kia, giờ mới lên thăm được. Cô Tám đâu anh?.

-Cảm ơn mấy chú! Mẹ tui vẫn khỏe, đôi mắt hơi nhòe một chút thôi, tuổi già chắc ai cũng vậy mà!.

Bà Tám - mẹ ông Thẩm, nghe tiếng nói chuyện ở nhà trên, vội bước lên. Ông Bá, ông Hàn chạy lại nắm tay bà mừng rỡ:

-Cô Tám! Khỏe không cô? Biết đứa nào đây không?

Bà Tám nheo nheo đôi mắt:

-Thằng Bá, thằng Hàn chớ đứa nào, làm như tao lú lẫn lắm không bằng. Bữa nay tụi mày không đi biển sao lên đây?.

-Lâu lâu nghỉ một bữa lên thăm cô nè! Bữa nào cho tụi con xin ít tre về làm chà nghen cô?

-Ừ! Đứa nào cần thì cứ vô chặt, xong rong dọn cho sạch sẽ giùm cô.

-Dạ!

Bà Tám nói chuyện một lúc với hai người cháu - con của em trai bà, rồi xuống nhà dưới nằm tòng teng trên chiếc võng. Con Chố phụ mẹ chụm lửa nồi cháo. Thỉ lặt rau ngoài ảng nước. Thằng Bế chạy lên chạy xuống lăng xăng. Bà Thẩm lên chào anh em ông Bá và bạn của họ rồi xuống thăm chừng nồi cháo, giã chén mắm gừng.

Ông Thẩm pha bình trà mời khách. Anh em hàn huyên một hồi lâu, ông đi lên rồi lại đi xuống, một lát đưa tiền sai thằng Bế chạy đi mua cho ông xị rượu. Lâu ngày anh em mới gặp nhau, mời họ ở lại chung vui cùng ông chén rượu, rót chén rượu suông ông thấy hơi thiếu thiếu, bèn đi xuống bếp.

Giọng ông ngập ngừng:

-Có gì mằn mặn cho chút, má Thỉ?

Bà Thẩm ngước nhìn ông mỉm cười:

-Ông lên trên đó đi, tui đem lên liền.

Bà Thẩm chặt nửa con vịt, ướp gia vị rồi bắt chảo lên bếp. Bà xào thịt cho săn, nêm nếm lại cho vừa. Thịt chín, bà múc ra cái đĩa, vội vàng bưng lên đãi khách.

Thằng Bế nhìn theo đĩa thịt thơm lựng, thèm thuồng. Bà nói nhỏ với nó:

-Chờ chút cháo chín, má cho con ăn. Mình làm một chút cho mấy ổng uống rượu trước đã.

Ông Hàn đi ra nhà sau rửa tay rửa mặt, bước vào bếp cười với các cháu:

-Chà! Mấy đứa lớn nhòng hết rồi. Thỉ học lớp mấy rồi cháu?

-Dạ! Cháu học lớp mười rồi chú!

-Vậy mày học trước con Nhàn của chú một lớp.

Bà Thẩm cười:

-Thì con Nhàn nhỏ hơn con Thỉ một tuổi mà chú!

-Con Thỉ càng lớn, càng giống anh Ba. Ra đường, ai gặp cũng biết là con ổng liền. “Con gái giống cha giàu ba họ” đấy nghen cháu!.

-Dạ! Thiệt hông chú? Con chỉ mong có được cuộc sống vừa đủ không đói nghèo, sum họp hạnh phúc thôi à!.

-Chắc chắn là vậy rồi - ông cười thoải mái, mai mốt cuộc sống sẽ tốt hơn bây giờ, mỗi ngày một đổi mới mà cháu.

Nói chuyện với mẹ con bà Thẩm một hồi, ông Bá đi lên nhà trên. Cháo đã chín. Bà Thẩm chặt thịt sắp ra ba đĩa. Bà múc ba tô cháo và hai đĩa thịt đặt lên mâm, để lại một đĩa thịt cho các con rồi bưng lên nhà trên. Bà nghĩ, không mấy thuở anh em tìm đến thăm mình, thôi thì cũng đãi họ ăn chén cháo cho vui, đạp xe mười mấy cây số lại ngược gió nữa, không ăn thứ gì làm sao đạp xe về nổi.

Bà Thẩm vui vẻ mời khách:

-Mời mấy chú ăn cùng nhà tui chén cháo rồi về. Lâu ngày gặp bữa, ăn lấy thảo cho vui thôi!.

-Dạ! Cảm ơn chị! Anh Ba thiệt có phước, có người vợ đảm đang lại yêu thương anh hết lòng.

Ông Thẩm cười mãn nguyện:

-Nói thiệt với mấy chú, tui biết ơn và yêu thương bà ấy nhiều lắm. Lúc ở trong trại, khổ thì khổ, bả luôn thăm nuôi tui hằng tháng nên tui mới còn sống mà trở về đó chớ.

Ông Thẩm cảm thấy thật an vui, thầm nhớ nghĩ đến những tháng ngày còn ở trong trại. Đường thì xa, tàu xe thì khan hiếm, nhưng tháng nào bà Thẩm cũng thăm nuôi ông. Lúc nào cũng một giỏ bánh tráng đầy, một bịch thuốc hút, một thẩu đường đen, một thẩu thịt thưng cá thưng, một bịch bột ngũ cốc. Lúc ấy, ông mới cảm nhận được tình yêu thương của vợ đã hết lòng vì mình. Và ông nguyện trong lòng, sẽ yêu thương và chăm sóc vợ thật chu đáo, để bù lại những tháng ngày bà cơ cực vì thiếu vắng ông.

Bà Thẩm xắc bộ đồ lòng của hai con vịt bỏ vào đĩa, múc một tô cháo rồi bưng ra phản mời bà Tám.

-Mẹ ăn cho nóng lát nữa nguội mất ngon.

-Để đấy. Mấy mẹ con mày cũng ăn đi.

-Dạ! Con cho tụi nhỏ ăn liền đây.

Bà Thẩm múc hết cháo ra cái thau nhỏ bưng lại phản, rồi gọi con Thỉ dặn:

-Con cho các em ăn đi.

Mấy chị em Thỉ ngồi xúm xít trên phản, múc cháo ra chén cùng ăn với bà Tám.

Tâm - em trai bà Thẩm vừa từ Nha Trang về, cười nói vui vẻ ở nhà trước:

-Nhà làm gì mà đông vui vậy, anh Ba?

-Làm gì đâu cậu, mấy anh em ở dưới Ba Lò lên thăm chơi ấy mà.

Nghe tiếng em trai về, bà Thẩm chạy lên mừng rỡ:

-Cậu đi xe gì mà giờ mới tới?. Về chơi, hay có chuyện gì?

-Em đi xe Thuận Thành, chạy như rùa bò, sao sớm được chị?. Em về mai giỗ họ nè, chị không nhớ à?

-Ủa! Mai hai mươi rồi à? Chị làm miết, có biết ngày tháng là gì đâu cậu.

Ông Thẩm chạy xuống nhà dưới lấy thêm chén đũa, kéo Tâm ngồi xuống bàn:

-Cậu ngồi xuống ăn chén cháo rồi có về dưới nhà họ thì về.

Nhìn thấy hai đĩa thịt còn vài miếng, bà Thẩm vội chạy xuống nhà dưới lấy chén sớt đĩa thịt của mấy chị em Thỉ đang ngồi ăn. Bà nói nhỏ:

-Má xin lỗi! Cho má sớt một ít cho cậu Tâm nghen. Lâu lâu cậu về không có gì, kỳ quá à!

Thằng Bế phụng phịu:

-Má sớt hết rồi, còn gì ăn đâu nà!?

Thỉ an ủi em:

-Thôi mà em, bữa khác ba mua nữa về chị em mình ăn, đừng vậy coi kỳ lắm.

Con Chố lầm bầm:

-Vậy mà ba nói mua về cho các con ăn một bữa!

Bà Tám thấy các cháu phụng phịu, dỗ dành:

-Đưa chén nội bỏ lòng vịt cho ăn nè! Nhiều quá nội ăn hổng hết.

Vừa nói, bà Tám gắp bỏ cho thằng Bế, con Chố một ít gan, mề. Con Thỉ đưa tay cản:

-Nội ăn đi. Cho hai đứa nó bao nhiêu đó được rồi.

Ba chị em cùng ăn cháo. Thằng Bế húp sì sụp, khen:

-Cháo ngon thiệt đấy. Lần sau chị em mình tha hồ ăn thịt vịt hở chị Hai, chị Ba?

Con Chố cười:

-Biết lần sau có còn để chị em mình ăn không hay cũng như vậy?

Thỉ cười xòa:

-Bậy nà! Lần sau nhất định được ăn rồi.

Ba chị em vừa ăn vừa chuyện trò vui vẻ. Hoàng hôn buông xuống nhanh ngoài sân vườn, mới đó mà tối rồi. Thỉ lại bật điện, ánh điện sáng trưng hòa cùng tiếng cười nói của những người khách ở nhà trên và của mấy chị em Thỉ, thành thứ âm thanh vui nhộn, ồn ào.

Một ngày đã trôi qua!.

♣ ♣ ♣

Ông bà Thẩm rất áy náy với các con về bữa cháo vịt chiều hôm ấy. Tháng sau, ông gắng nhận phụ lên xuống hàng cho vựa phế liệu, rồi đi phụ hồ kiếm tiền mua phân bón ruộng, còn dư chút đỉnh để dành cả tháng mới đủ mua được cặp vịt. Ông nghĩ, sáng chủ nhật các con nghỉ học, mua cặp vịt về nấu cháo bù lại lần trước.

Ông đi xăm xăm vô chợ mua cặp vịt, hớn hở mang về. Thằng Bế chạy ra đón cười tít mắt:

-Bữa nay ba mua vịt về nấu cháo nữa hả ba?.

-Ừ! Ba mua cặp vịt về nấu cháo cho tụi con ăn một bữa.

Con Chố hờn dỗi:

-Thiệt hông đó, hay cũng như bữa trước?

Ông Thẩm cười cầu hòa:

-Thiệt mà! Bữa nay nhất định là cho tụi con, ba đâu mời gọi ai?.

Cả nhà vừa làm vịt nấu cháo, vừa cười nói vui vẻ, người chụm lửa người lặt rau, người giã mắm gừng. Ông Thẩm nghĩ thương các con, bao giờ cũng chịu thiệt thòi. Lần này, các con ông sẽ được ăn ngon, bù cho lần trước. Ông bồn chồn đi lên đi xuống theo dõi.

Vịt luộc chưa kịp chín, lại có khách. Mấy người bạn ngày trước ở cùng trại với ông Thẩm có dịp vào Phú Yên tìm thăm ông. Ông Thẩm vui mừng đón tiếp những người bạn năm xưa cùng nằm chung một láng với ông, gia đình thăm nuôi có món gì cũng đều chia sẻ cho nhau. Ông Thẩm, luôn chia sớt từng cục đường đen, đến điếu thuốc rê cho anh em; bởi ông là người được gia đình thăm nuôi thường xuyên, có nhiều món ăn hơn người khác.

Gặp lại nhau, ai cũng mừng vui, trò chuyện thăm hỏi nhau về sức khỏe, công việc làm sau khi ra khỏi trại. Ông Thẩm sai thằng Bế chạy đi mua xị rượu mừng hội ngộ, rồi đi xuống dưới bếp.

Nhìn vợ đang nêm nồi cháo, giọng ông ngập ngừng:

-Có gì mằn mặn cho chút, má Thỉ?.

Cũng như lần trước, bà Thẩm chặt nửa con vịt ướp gia vị rồi bắt lên bếp xào cho chín, múc ra đĩa bưng lên mời khách uống chén rượu. Bà Thẩm nghĩ, đường xa họ chẳng ngại, tìm thăm chồng mình thật tình nghĩa. Thôi thì, thay vì nấu cơm, sẵn có cháo dọn họ ăn chung vui với nhà mình. Thế rồi, bà Thẩm chặt thịt ra ba đĩa, múc cháo ra tô bỏ vào mâm với hai đĩa thịt, chừa lại cho các con một đĩa thịt nhỏ, rồi bưng lên đãi khách.

Con Chố, thằng Bế nhìn theo cái mâm trên tay của bà Thẩm mặt buồn hiu. Con Chố lầm bầm:

-Lần nào cũng nói cho tụi con ăn một bữa, ăn một bữa mà chờ mãi, mỏi cổ, chẳng được gì trọi!.

Bà Thẩm quay lại nói nhỏ với các con:

-Kệ đi con! Mình đãi khách, lần sau nhất định không như vậy nữa mà.

Thằng Bế vùng vằng:

-“Quài”!

Nói xong đôi mắt nó đỏ ửng, rưng rưng. Bà Thẩm thương con, nhưng bấm bụng làm lơ coi như không nghe thấy gì hết. Ba chị em Thỉ cũng như lần trước, chỉ húp chút cháo với vài miếng thịt trong cái đĩa nhỏ bà Thẩm chừa lại. Nhìn thằng Bế, con Chố húp cháo sì sụp bà Thẩm xót xa, nhưng đành vậy chứ biết sao. Rồi bà tự an ủi, thầm nghĩ, mai mốt ông bà thương, làm khá hơn một chút sẽ cho các con ăn uống đỡ hơn cho chúng chóng lớn thôi.

Ông Thẩm ái ngại khi nhìn vào đôi mắt đỏ hoe của thằng Bế, gương mặt tiu nghỉu của con Chố. Ông nghĩ, mình đã thất hứa với con, nhưng mà sự bất đắc dĩ ông đâu muốn thế. Thôi thì, ráng cố gắng làm và để dành tiền để mua cặp vịt khác bù lại cho các con thôi.

Thế rồi, qua mấy tuần cật lực làm thêm chỗ nầy, chỗ nọ - ông cũng mua được một cặp vịt mang về cho các con. Lần này, ông hứa trong lòng nhất định không đãi khách nữa, dù thế nào cũng để cho các con ăn.

Như những lần trước, thằng Bế mừng nhất, nó nhảy cẫng lên vui hát luôn mồm. Ông Thẩm cười với các con:

-Lần này, nhất định là của các con, ăn một bữa cho đã.

Con Thỉ, con Chố, thằng Bế cũng tin là vậy. Chúng phụ giúp mẹ lặt rau, giã mắm, chụm lửa.

Cháo sắp chín, lại có khách.

Lần này, khách là mấy người em của ông Thẩm từ dưới quê lên thăm, đạp xe gần hai mươi cây số. Ông Thẩm liếc nhìn các con lo lắng. Ông quyết định không đãi khách, nhưng nói chuyện một hồi ông cảm thấy thiếu thiếu, trống trãi làm sao. Thế rồi, ông sai thằng Bế chạy đi mua xị rượu rồi quay xuống bếp.

Ông ngượng ngùng, lúng túng nhìn vợ:

-Có gì mằn mặn, cho chút, má Thỉ?.

Bà Thẩm giận dỗi:

-Có muối hột mặn chớ thứ gì mặn, hở ông?.

Ông Thẩm lủi thủi đi lên. Bà Thẩm nghĩ thương chồng, chắc ông khó xử lắm. Thôi thì, lâu lâu anh em mới tới nhà, chẳng lẽ cứ uống nước trà suông ngồi nhìn nhau. Thế rồi, bà Thẩm chặt nửa con vịt ướp gia vị xào như những lần trước rồi bưng lên mời khách. Một lát cháo chín, bà chặt thịt và múc cháo bưng lên, chừa lại cho mấy chị em Thỉ một đĩa nhỏ.

-Các con ăn đi. Má xin lỗi! Nhường cho khách nghen con. Miếng ăn có mập béo gì để người ta cười cho rằng mình lạnh nhạt, không biết quý khách.

Con Chố “hứ” một cái cắc. Thằng Bế rưng rưng nước mắt. Thỉ an ủi:

-Thôi mà em. Người ta thấy cho là mình ham ăn đấy!

Thế là ba chị em Thỉ lại sì sụp húp chén cháo suông với hai ba miếng thịt bà Thẩm chừa lại.

Tiễn khách ra về, ông Thẩm xuống nhà dưới nhìn các con, giọng ngập ngừng:

-Ba rất xin lỗi! Để ít bữa có tiền, ba sẽ mua cặp vịt về cho tụi con ăn một bữa.

Con Chố hờn dỗi:

-Thôi đi ông ba! Khỏi có mua vịt nữa đi, bữa nào cũng cho tụi con ăn ngon một bữa. Không ăn nữa đâu!.

Ông Thẩm lúng túng, bàng hoàng, ứa nước mắt nhìn các con - rồi thở dài, bước vội ra sau giếng nước.

Những ngày cuối tháng 3/2019




VVM.28.12.2021

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
vietvanmoinewvietart007@gmail.com