G a nằm cách trung tâm phố cả hơn ba mươi cây số. Mùa đông, ngoại ô vắng vẻ, thị trấn thưa thớt dân cư. Hầu như bao nhiêu băng giá, sương sa đều đổ xuống chốn này. Tất cả mọi vật bên ngoài như chìm trong một màn sữa loãng.
Sân ga đầy nghẹt người, nhưng hơi người toát ra vẫn không ngăn nổi cái lạnh len lỏi từ phía ngoài. Từ những cánh cửa mở đóng khi có ai đó ra vào sân ga. Nơi có lò sưởi điện tỏa được chút nhiệt ấm thì không thể nào còn dư một chỗ trống. Người ta đứng chen chúc chỉ để hơ nóng những bàn tay lạnh.
Ghế ngồi không đủ cho lượng hành khách. Kẻ ngồi, người đứng, hành lý ngổn ngang. Họ ngồi bệt xuống sàn, trên những bậc thang, trên những hàng song sắt phân chia bến đỗ. Ngồi bất cứ chỗ nào có thể ngồi được. Thỉnh thoảng lại nhìn lên những màn ảnh treo trên cao, theo dõi những chuyến tàu đi, đến.
Tàu đi Bruxelles sẽ nằm ở bến 4.
Tôi lướt theo dòng người đang từng đoàn nối đuôi nhau. Chúng tôi chẳng khác nào một lớp sóng người di tản. Điểm đến là đây, những con tàu vừa cập bến, đang đổ người xuống. Thân tàu nơi bến 4 dài ngoằng, ngút mắt. Chẳng thấy đâu là đầu, đâu là cuối. Ai cũng phải nhanh chân, nhanh chóng lên tàu, tìm một chỗ ngồi. Phải rời khỏi sân ga này vì ngày mai, ga sẽ ngừng nghỉ hết mọi hoạt động. Ngày đình công của sở Hỏa xa đã được thông báo từ nhiều ngày trước.
Những ngày cuối năm, cận kề lễ Giáng Sinh, lại nằm trong chu kỳ nghỉ phép thường niên. Một mùa hứa hẹn nhiều những cuộc sum vầy, vui chơi. Nên những ai có gia đình, thân nhân ở xa, muốn về sum họp vào những ngày lễ như lúc này, đều lo lắng không có tàu để đi đúng vào thời khắc mong muốn. Vì vậy, sớm muộn gì cũng phải thu xếp để đi.
Không phải là một kẻ rày đây mai đó, tất bật với công việc bên ngoài, song sự sắp đặt của cuộc đời đã khiến tôi phải đi đi về về trên những sân ga. Những lần đi và đến, xuống tàu hay đợi giờ lên luôn là những buổi mà ngày còn thật đầy. Sớm lắm khoảng mười giờ sáng, và trễ lắm cũng chỉ vừa chớm hoàng hôn.
Chưa bao giờ tôi đến ga vào một tối muộn màng như bây giờ. Lại là một nhà ga lạ, chưa từng đặt chân tới.
– Không cần phải đưa vé, lên tàu đi hẳn vào phía trong, để lối cho người khác lên. Chúng tôi sẽ sắp đặt tìm chỗ cho mọi người.
Người phụ nữ da đen có nhiệm vụ soát vé, ổn định trật tự đã xua tay khi hành khách chìa vé cho bà xem. Dĩ nhiên trừ những hành khách khởi hành từ một nơi khác đã ngồi sẵn trên tàu, đám hành khách vừa lên, rất ít người có số ghế. Mọi cái vé, mọi chỗ ngồi, ngày giờ trong lúc này đều vô giá trị, nhưng ai cũng có thể lên tàu nếu đã mua vé trước. Vì cuộc đình công không chắc chỉ có riêng ngày mai, mà sẽ kéo dài qua những ngày khác.
Một tiếng động khô khan bất ngờ bật lên, một va đập dữ dội làm chao đảo đám hành khách đứng lố nhố giữa lòng tàu, trong đó có tôi, suýt ngã nhào vào người khác. Con tàu chòng chành và như thể đứt đôi trước khi chuyển bánh.
Trong khi chờ những nhân viên hỏa xa xếp đặt chỗ ngồi. Tôi đứng nép vào một nơi có thể nhìn thấy phía ngoài. Những ngọn đèn vàng trong sương hiu hắt, ánh sáng lan man huyễn hoặc, không đủ soi tỏ hết cảnh vật hai bên đường. Ga lạ, tất nhiên hướng đi cũng phải lạ. Tôi không biết tàu sẽ đi về hướng nào, nhưng chắc chắn đường xa, tàu sẽ băng qua làng mạc, đồng cỏ, rừng cây.
Tôi nghĩ đến những khu rừng đêm, hẳn bí ẩn buồn rầu.
Tôi ngắm từng bức ảnh xếp ngay ngắn trên tủ thờ. Những di ảnh mờ, khuôn mặt người quá cố như bị che phủ bởi một lớp sương. Hình như chân dung của những người đã chết đều được lưu lại với hai màu đen trắng. Màu của sương mù và bóng tối, của tro và than. Họ đang ở đó, im buồn trong những khung kiếng. Đa số trạc tuổi tôi. Có người già hơn. Nhưng bây giờ trẻ và già không còn ranh giới nữa. Nhìn họ rất giống nhau, hệt những bức ảnh tôi nhìn thấy trong quá khứ. Những bức ảnh của người yêu, người anh, người bạn, người hàng xóm, người quen, cả người không quen, và rõ ràng nhất là chân dung của cha tôi. Cha tôi và họ, những người trong ảnh kia cũng trạc tuổi nhau. Tất nhiên, vì tôi mất cha từ những ngày thơ ấu. Tất cả đã ra đi bằng cách này, cách khác. Đi trong chiến tranh, đi vào những cánh rừng.
Có một nỗi bùi ngùi lạ lùng chợt dấy lên. Mà không, đó là một thứ cảm xúc rất cũ, một tình cảm quen thuộc nằm sâu trong tâm tưởng tôi. Một ám ảnh, một ngọn lửa hiu hắt, dai dẳng không gì có thể dập tắt và chỉ bùng lên với gió. Gió ở đâu, gió từ rừng. Những cánh rừng tôi đã đi qua nhiều lần, và sẽ còn nhiều lần khác trong quãng đời còn lại.
Phải, rừng trong tôi là một nỗi buồn1.
Đó là một giấc mơ miên man, trong một giấc ngủ mệt nhoài vì đầu óc căng thẳng, âu lo. Tôi thấy mình đứng trước những di ảnh. Có lẽ trong một buổi tưởng niệm những anh hùng vị quốc vong thân. Nhưng mơ hay thực đều như nhau, bởi tôi luôn ngậm ngùi khi nhìn thấy đâu đó ảnh của những người quá cố, nhất là những người lính đã chết trong cuộc chiến bảo vệ đất nước. Bảo vệ miền Nam, bảo vệ đời sống, tuổi trẻ êm đẹp của chúng tôi. Và những di ảnh đó luôn làm tôi nhớ về cha mình. Dù ông không phải là một quân nhân.
Buổi sáng không như những buổi sáng khác. Tôi thức dậy mở ngăn bóp đựng giấy tờ tìm tấm hình của cha. Cha, trong một tấm hình khổ nhỏ đã ngả màu theo năm tháng. Tôi nhìn ông và nhớ đến một người, một người lạ tôi gặp đêm qua.
Chỉ mới vừa đêm qua, nhưng nếu tả từng nét trên gương mặt người đàn ông này thì không thể nào tôi nhớ rõ. Có lẽ hoàn cảnh cấp bách lúc đó không cho phép ông trò chuyện lâu hơn để tôi nhìn rõ ông. Và thực ra, tôi cũng chẳng còn đầu óc nào để quan sát người đối diện.
Người đàn ông đưa tay lên che nửa mặt. Oh mon dieu! Ông nhìn tôi với một vẻ đau khổ khi tôi chìa tấm vé. Còn tôi không biết phải cười hay khóc ?
Ông nói, cô đã đi nhầm xe.
– Nhưng tôi đã nhìn rất kỹ, đi Bruxelles là chuyến tàu này, nằm ở bến 4 mà!
– Cô không biết là bến 4 còn 4a, 4b nữa hay sao? Đáng lý cô phải lên chuyến tàu trước. Chuyến tàu nối liền với tàu này và đã tách ra từ lúc nãy. Tàu đó đi thẳng B và tàu này sẽ rẽ đường đến Strasbourg.
– Chết thật! Đi theo tôi, ông nói và dẫn tôi vào một căn phòng nhỏ có cửa đóng kín dành cho nhân viên.
Người đàn ông tra tìm những lằn vạch xanh đỏ trên màn ảnh điện toán rất lâu.
– Không còn cách nào khác. Đêm nay cô sẽ đến Strasbourg. Hãy trọ tại khách sạn ngay trước ga cho gần, vì sáu giờ sáng sẽ có chuyến xe lửa về Lille. Từ Lille sẽ có nhiều phương tiện cho cô đến B. Nhớ nhe, sáu giờ sáng.
Strasbourg, một thành phố vùng đông bắc nước Pháp. Tên nghe thì quen nhưng chưa bao giờ tôi đến đó. Ngoài cái ví đeo trên vai, tôi không có hành lý, không mang theo một đồ dùng cá nhân nào cả. Quần áo ngủ, son phấn, những thứ vật dụng vệ sinh tôi đều có đủ ở nhà đứa con gái, ở B. Gần mười hai giờ đêm tàu mới cập bến. Mỗi năm, Strasbourg đều có tổ chức những phiên chợ Giáng Sinh. Nhưng chắc gì có quán hàng bách hóa nào mở cửa sau tám giờ tối. Và khách sạn có còn chỗ hay không ? Khách sạn bình dân thường chỉ có khăn lau, xà bông tắm gội, không chắc có bàn chải đánh răng. Tôi sẽ ngủ với bộ đồ đang mặc và thức dậy với một bộ vó bèo nhèo xơ xác, rồi ra ga từ sớm tinh sương. Hay tôi sẽ ngủ gà ngủ gật ở một góc nào đó trong sân ga giữa những cơn gió lùa buốt giá? Hàng loạt dấu hỏi xoay trong đầu.
Người đàn ông không còn đứng với tôi nữa, ông phải đi lo cho những hành khách chưa có chỗ ngồi. Nhưng tôi đã được an vị trên một cái ghế êm ái, ngay trong phòng mà ông đưa tôi vào.
– Cô ngồi luôn ở đây đi cho đỡ mệt. Không chắc gì phía ngoài còn ghế cho cô.
Một ân huệ, một sự thương hại mà người đàn ông này đã dành cho tôi trong cơn “bĩ cực.” Tôi đang phiêu lưu, làm một người lữ hành bất đắc dĩ.
Đầu óc lơ mơ, cả thân người như đổ xuống lòng ghế, lắc lư thụ động, rập rình theo chuyển động của con tàu. Bây giờ thì tôi chẳng nghĩ ngợi gì cả. Không cần biết bên ngoài ra sao. Đồng ruộng, thôn xóm, rừng rậm nào tôi đã đi qua.
Và tôi đã mở cửa phòng, lao ra ngoài. Tôi chạy nhanh ra cửa, bước xuống xe.
Có thể nào như thế! Những gì tôi vừa nghe thấy thật không tin nổi. Người đàn ông lúc đó đang ở đâu tôi không biết, nhưng khi tôi ngoái lại thì nhận ra ông đã đứng sau lưng tôi. Hành khách xuống ga này thì gần như đã đi khuất vào sảnh ga. Người lên tàu cũng đã lên hết rồi. Ga vắng chỉ có hai chúng tôi.
– Đây không phải là Strasbourg, còn hơn hai tiếng nữa chúng ta mới đến Strasbourg. Cô lại nhầm nữa rồi, leo lên tàu đi, tàu sắp chạy.
Hẳn ông nghĩ tôi là một người điên. Tôi nói hổn hển, đây là vùng tôi ở. Tôi vừa nghe rất rõ ràng, tiếng loa phát ra thông báo rằng còn vài phút nữa, xe sẽ ngừng ở ga Champagne Ardenne, xin quý khách đừng quên hành lý khi xuống xe.
– Cô có chắc không nào ?
– Tôi ở Reims, cách đây vài cây số thôi mà.
Người đàn ông vẫn chưa rời tôi. Tôi bước đi, ông bước theo. Ông vẫn nhìn tôi với đôi mắt đầy nghi hoặc.
– Cô có biết tàu nhỏ về trung tâm phố không ? Nó nằm ngay kia kìa!
Lời nói cuối cùng khi ông chào tôi, vội vã lên xe, huýt còi cho tàu rời bến.
Từ lúc tàu khởi hành cho tới lúc tôi xuống xe, một lộ trình dài bốn mươi lăm phút. Sao tôi không tìm cách trò chuyện cùng ông, biết tên ông, một người đã tử tế, lo lắng từng chút cho mình. Một người lạ nhưng quen, quen lắm. Người, tôi đã gặp thường xuyên ở những sân ga, những chuyến tàu và đôi khi trong những giấc mơ. Những người đàn ông mặc đồng phục màu xám đậm, áo sơ mi tím, mũ lưỡi trai cũng có đường viền tím như màu áo. Cũng có khi viền màu đỏ, cà vạt đỏ, áo trắng. Bộ đồng phục được may cắt khéo léo với huy hiệu SNCF2. Nhìn họ oai phong, lịch lãm như những người lính sĩ quan mới ra trường. Tôi luôn nhìn ngắm họ, vì họ luôn làm tôi nhớ đến cha tôi.
Có một điều là tôi thường xúc động khi đọc những bài viết về Cha. Người đời thường sánh ví lòng Mẹ như biển Thái Bình. Riêng tôi, hai chữ “cha tôi” nghe cũng êm đềm và bao la như biển. Tôi cảm nhận như thế dù tôi không biết mặt cha. Ông mất khi tôi chỉ vừa được bốn tháng tuổi. Chị cả tôi nói, cha tôi là một người nhân ái. Có những ngày tan sở, ông mang về nhà bao nhiêu là bánh trái, đậu phụng rang, kẹo cốm… Toàn những món quà rẻ tiền. Cha tôi mua, cũng chỉ vì muốn giúp những đứa trẻ bán quà vặt mà ông gặp trên đường, và mẹ tôi phải mang đi phân phát cho trẻ con hàng xóm. Tôi có một người anh nuôi cũng đã qua đời, đó là một đứa trẻ mồ côi mà cha mang về nuôi nấng. Ông thường giúp đỡ những người lỡ đường, hay gặp hoạn nạn. Khi nhớ về cha, nhớ về cái chết thảm khốc của ông, chị cả luôn nhắc đến hai chữ Việt Minh với lòng căm thù, dù ngày ấy tuổi chị chỉ mới mười ba.
Những hình ảnh còn lại trong album lưu niệm của gia đình, tôi thấy cha tôi là một người lúc nào cũng ăn mặc lịch sự, tươm tất. Âu phục complet, mũ nỉ trên đầu và thường mang một chiếc gậy ngắn gọi là ba toong khi ra đường. Thứ trang phục của những người lịch thiệp vào thập niên bốn mươi, năm mươi. Những người làm việc cho Pháp, ảnh hưởng nhiều văn hóa của xứ sở này.
Là một nhân viên của sở Hỏa xa. Controleur de route, một công việc là đi xem xét, trùng tu lại những gì thuộc về an ninh giao thông đường sắt. Công việc ấy đã biến ông trở thành một phó nhòm. Vì ông phải thu lại qua ống kính hình ảnh những gì cần sửa sang, tu bổ. Công việc đưa ông đi hết tỉnh này đến tỉnh khác. Sân ga này đến sân ga khác. Trên con đường xuyên Việt thời chưa chia đôi đất nước. Ga Mường Mán, ga Phan Thiết, rồi Đà Nẵng, Nha Trang. Tôi hay nghe mẹ tôi kể về những nhà ga. Ga lớn, ga nhỏ cùng những kỷ niệm với cha tôi. Có lẽ vì thế mà tôi yêu những sân ga. Tôi muốn được đi qua những sân ga thời sinh tiền của cha tôi. Tôi muốn nhìn thấy những cánh rừng dọc theo đường rầy xe lửa ở quê nhà. Nhưng khi tôi trưởng thành, có thể đi được nơi nọ nơi kia thì tôi đã rời xa đất nước. Dù thế nào thì những gì đã có trong thời đại của cha tôi đã là quá khứ. Và rừng quê hương, những sân ga tỉnh lỵ chỉ là sự tưởng tượng miên man.
Tôi mường tượng ra nhiều hình ảnh khi ngang qua rừng.
Rừng Trung Nguyên, giữa vùng trùng điệp xanh ngăn ngắt là một con đường độc đạo, chỉ dành cho những đoàn tàu hỏa xuyên Việt. Mỗi ngày, khi những chuyến tàu đi ngang, đỗ vội, thì có một người đàn ông còn vội vàng hơn. Ông đã cố giấu dưới những hốc cây, những đám lá mục từng gói lương thực và thuốc men cho những người mà ông coi là anh em, trước khi tàu chuyển bánh. Tuổi già, mẹ tôi nhớ nhớ quên quên. Nhưng bà vẫn thường kể đi kể lại với con cháu rằng, cha tôi đã giúp đỡ họ như thế đó, nhưng cuối cùng ông lại bị sát hại vì những thứ chất nổ họ cài đặt trên tuyến đường, ngay trong toa tàu của ông. Chẳng riêng gì cha tôi, thời đó, cả hàng hàng lớp lớp thanh niên yêu nước bị lừa gạt và cho đến vài chục năm sau họ vẫn còn bị thù hằn, áp bức1.
Người đàn ông xa lạ đêm qua, hẳn chỉ trạc tuổi cha tôi thời ấy.
1 Trích từ một bài viết của Tú Anh.
2 SNCF (Societe Nationale Des Chemins de fer Français), Sở Hỏa Xa Pháp Quốc.