T
ôi mừng đến nỗi đi ríu cả chân khi được Tiểu đội trưởng Mẫn đọc danh sách những chiến sĩ được thưởng phép đột xuất ba ngày.
Không kịp ăn cơm chiều, tôi nhét hết quần áo vào chiếc ba lô vừa đi vào chạy ra đường quốc lộ đón xe. Đêm mịt mùng, chiếc xe bịt bạt kín nhảy long sòng sọc trên mặt đường lượn sóng, nứt vỡ. Mờ sáng hôm sau, tôi đã đứng ở ngã ba huyện, quyết định đi bộ tám cây số về nhà.
- Anh Phương!
Nghe tiếng gọi thảng thốt, tôi quay lại. Trời ơi, người tôi gặp đầu tiên trên đường quê lại là Cúc. Cúc buông xe đổ ềnh giữa đường, sách vở rơi tung toé. Cô chạy đến nắm thật chặt cánh tay tôi như sợ người trước mặt mình chạy bay chạy biến trong nháy mắt. Cúc sờ hai vai, gỡ ba lô rồi cô đứng ngây như phỗng, nhìn tôi không chớp mắt. Tôi toét miệng:
- Trông anh tựa than Quảng Ninh lắm phải không?
Bất ngờ cô ôm chặt lấy người tôi, miệng hổn hển: "Không, anh của em đẹp lắm. Em bất ngờ quá anh ơi!".
Như chợt nhận ra hai đứa đứng ở ngã ba đường, thật may mới loáng thoáng có vài ba người gánh hàng ra chợ. Cúc nắm tay tôi, giục về. Tôi mắng nhẹ:
- Em định bỏ học sao, không được đâu nhé. Năm nay thi tốt nghiệp rồi còn thi đại học, em phải cố lên! Anh về nhà được ba ngày, chúng mình tha hồ mà nói chuyện!
Đang hớn hở là thế, nghe tôi nói xong mặt Cúc trùng xuống. Cúc cắn môi, ngước đôi mắt đen láy, nhìn tôi đầy trách cứ:
- Em không đi học nữa đâu. Huyện đang tuyển nữ vào bộ đội. Em phải đi biết đâu chúng mình được ở cùng nhau!
Tôi vỗ nhẹ vào má Cúc:
- Em trẻ con quá, thôi anh về tối nay sang nhà nhé!
Cúc chạy lại thu sách vở trên đất, cho vào cặp, dựng xe đặt chiếc ba lô nhẹ tênh của tôi vào chiếc đèo hàng . Cô xăm xăm dắt xe quay về làng, mặc tôi van nài em cứ lặng thinh. Buổi sớm mai của mùa hè miền quê trong lành, thanh khiết quá. Những cơn gió thổi từ phía sông làm cho mái tóc của hai chúng tôi bay bay. Cả một triền bãi ven sông dọc đường đê về làng, ngô xanh mơn mởn. Những con chèo bẻo đi ăn sớm đang chao lượn, réo rắt gọi nhau. Chiến tranh còn ở đâu xa lắm, làng quê tôi vẫn được hưởng những bình minh êm ả như thế này đây ...
Nhà tôi đông như có hội, vậy mà không hề thấy bóng dáng Cúc đâu. Lòng tôi bồn chồn, bao câu hỏi thầm ló trong óc mà không trả lời được. Thấy tôi đứng ngồi không yên, cái Thảo em gái tôi ghé vào tai: "Này người ta bị ốm bỏ học hai hôm rồi đấy!". Ba ngày sắp trôi qua, sáng mai tôi sẽ trở về đơn vị, không biết bao giờ mới trở lại thăm quê. Tôi thầm nghĩ chắc còn lâu lắm. Tôi ngồi như pho tượng ở đầu hè, nhìn ánh trăng thượng tuần chênh chếch thấp thoáng sau rặng tre. Tiếng kẽo kẹt của thân cây cọ vào nhau mỗi lần một cơn gió ào qua. Mọi người đã về cả, làng xóm tôi đi vào giấc ngủ bình yên. Tôi lững thững đi xuống bến sông quê. Nơi ấy đã in đậm kỷ niệm của mình mười mấy năm trời. Ngồi trên bãi cỏ, tôi tút từng cọng hoa mai cho vào lưỡi tìm vị ngọt. Đôi mắt tôi lơ đãng nhìn dòng sông quê lấp loá dưới ánh trăng ... Ngày mai mình lại phải rời bến sông này biết khi nào trở lại. Bến sông quê này đã tắm cả tuổi thơ, mát dịu bao kỷ niệm thời niên thiếu. Tôi phải xa con sông ngàn đời nay vỗ về đôi bờ đất quê nhà. Con sông ấy đã đem phù sa bồi đắp cho ngô, khoai từ đời này sang đời khác, nuôi tôi lớn thành chàng thanh niên, thành anh bộ đội hôm nay ... Nhưng dòng sông này dù tôi có đi xa nhưng sẽ chẳng đổi thay còn Cúc xa tôi, chắc là tôi mất. Chẳng lẽ em thất thường như con nước lúc vơi lúc đầy kia sao ???
Bỗng một bàn tay mát và êm chịt ngang mắt. Tôi giật mình quay lại, Cúc đang hổn hển ở sau lưng.
- Sao Cúc không sang nhà cùng cái Thảo tiếp khách ?
- Khiếp, nhà anh đông thế em ngượng lắm!
- Sao em biết anh ở đây ?
- Anh tưởng hai đêm rồi em ngủ được sao. Đêm nào em cũng đứng ở góc sân nhìn ra dòng sông của chúng mình. Em nhìn sang phía nhà anh, em chờ một tiếng gọi nào có thấy. Nhìn thấy bóng anh xuống bến, em lén chốn bố mẹ đi theo anh đấy. Chúng mình đi xuống bãi đi anh!
Tôi và Cúc ngồi ở bờ cát sát mép sông mặc cho sóng xô những làn nước lên đôi chân. Cúc thì thầm:
- Tắm nước sông quê lần cuối để mai đi cho đỡ nhớ!
Vừa nói vậy, Cúc đứng dậy nắm tay tôi, hai đứa ào xuống nước. Chúng tôi ôm lấy nhau giữa dòng nước mát rượi của dòng sông quen thuộc. Dòng sông này đã chứng kiến cho tình yêu đầu đời của Cúc và tôi. Tôi mong cho trời đừng vội sáng. Đêm ấy hai chúng tôi quần áo uớt sũng, vương đầy cỏ hoa may. Khi hừng đông đã rạng, chúng tôi mới chia tay. Trước lúc rời bến sông, Cúc bắt tôi thề: "Hai đứa chúng con không được quên dòng sông quê dù có đi muôn nẻo". Chúng tôi lặng lẽ ghì chặt nhau trong vòng tay của tuổi hai mươi.
- Toàn, Hiến mạn trái, Thể, Luận mạn phải còn tôi và Huy phụ trách khoang lái. Từng tốp dời bờ nước cách nhau năm phút, khi nào tiếp cận tàu bật tín hiệu!
Phân công và kiểm tra các tổ vừa xong. Chiếc ca nô địch áp sát bờ, mở hết ga tốc ngược dòng. Nước từ sông hắt lên chúng tôi ướt sũng. Tôi ra lệnh cho tổ Toàn xuất phát.
Toàn, Hiến vừa lao xuống nước được mười phút, bỗng chiếc ca nô quay lộn lại xả đạn như xé nước.
Mười sau, hai mươi phút trôi đi không nhận được tín hiệu. Tôi khẽ rít lên:
- Thực hiện phương án hai!
Huy ở lại trên bờ, tôi cùng tổ của Thể lao mình xuống dòng sông ngay khi chiếc ca nô vừa vượt qua trước mặt. Chúng tôi tiếp cận tàu rất nhanh. Thể đã gài xong mìn phía mũi tàu, Luận trườn theo thân tàu lần đến đuôi tàu hỗ trợ cho tôi. Để đảm bảo chắc ăn, tôi ra lệnh:
- Đưa tất cả mìn dự phòng cho tớ, các cậu dời tàu ngay!
Luận thì thào :
- Anh Phương để em ở lại. Anh phải chỉ huy trận khác hơn nữa em đã có vợ và con trai rồi!
Tôi nghiến răng:
- Đưa ngay đây và rời tàu!
Thể và Luận rời mạn tàu, tôi gài mìn tăng cường phía bánh lái. Lặn ngụp vài phút để kiểm tra tôi mới vơ đám lục bình phủ lên mặt và trôi theo dòng nước. Bỗng hai chiếc ca nô chạy chéo cánh xẻ từ dưới lên, soi đèn pha lục lọi và xả súng bắn như vãi đạn trên mặt nước.
Tôi thấy đau nhói ở bắp chân trái, đầu gối chân phải như va vào thuỷ tinh sắc lạnh. Chân tôi không làm sao đạp nước được nữa. Tôi cố hết sức bám vào đám lục bình, tay kia vận động để không bị chìm xuống lòng sông. Cứ thế, dòng sông lặng lẽ đưa tôi trôi dạt. Một ánh chớp, hai ánh chớp loé lên phía con tàu, tiếng nổ long óc và sóng hất tôi tấp vào bờ lúc nào không hay. Khi thấy mình đau ê ẩm và choàng tỉnh. Cả người tôi bị sóng hất vào đám cây dừa đổ ven bờ. Tôi cố lết nhưng chân nặng như chì. Tôi đưa tay vuốt, khẽ rùng mình: "Thôi tôi mất hai cái chân rồi".
Tôi lê người vào phía bụi cây, đầu gối va vào mấy cái cọc lổm chổm, măt tối sầm. Cả người tôi vật xuống bùn và nước ... " Hai con thỏ trắng đang vờn chiếc lá cỏ ven sông. Con thỏ bé cứ ngậm chiếc lá, con thỏ lớn cũng sán lại đớp lấy và giằng bằng đợc. Bỗng con thỏ bé nhả chiếc lá, vụt chạy ra phía bãi cỏ bờ sông. Con thỏ lớn thấy vậy, bỏ chiếc lá lao theo con thỏ bé. Nó cất tiếng gọi: "Cúc ơi, chờ anh với!"...
- Anh Hai mê sảng quá trời!
Tôi he hé mắt nhìn, một khuôn mặt bầu bĩnh lờ mờ lúc ẩn lúc hiện. Khi tỉnh hẳn, thấy cô đang cầm khăn lau mồ hôi vã ra khắp người tôi. ánh sáng ngọn nến nhập nhoà, những người vây quanh tôi như đang nhảy múa. Tôi quờ tay thấy lạnh và nhớp nháp, mở căng mắt mới biết mình đang nằm trong lòng đất.
Thấy tôi gọi nước uống, người đàn ông đeo kính trắng nói nhỏ nhẹ:
- Phải cắt bỏ một chân thôi anh bạn. Chân kia chỉ tháng sau sẽ lành!
- Thưa ông ... tôi sẽ tàn phế ?
- Đành phải chấp nhận, nếu không tính mạng anh cũng không giữ nổi!
Tôi dãy dụa và cố đạp vào bờ đất để vùng dậy. Song tim tôi thắt lại, người mềm như cọng dưa gặp lửa và nằm bất động.
- Sao tôi không chết đi cho rồi!
- Anh Hai không được nói tầm bậy nào. Anh phải cố ăn cho chóng lành em và má mới ngủ! Má đang tính đưa anh về quê dưỡng bệnh đó!
- Tôi không đi đâu cả, cho tôi chết ở con sông này!
Sương dịu dàng nắm lấy tay tôi vuốt ve và nựng:
- Anh Hai giỏi quá đa. Các anh đánh đắm chiếc tàu cả ngàn tấn của địch!
Mắt tôi sáng lên, hỏi dồn Sương:
- Sao em biết ?
- Trời, em có cả báo Sài Gòn đây nè. Chúng tức tối lắm, cả tuần nay quần đảo bức hiếp bà con dọc hai bên bờ!
Sương đọc cho tôi nghe rõ từng câu. Tôi sung sướng khi biết mục tiêu chúng tôi chọn đã xoá được. Một chiến công ngay giữa mũi quân thù. Bỗng lòng tôi đau nhói, tức thở nghĩ đến Toàn, Hiến, Luận, Thể. Bây giờ chúng nó ở đâu, có đứa nào bị sao không ? Tôi cố gượng ngồi dậy hỏi Sơng:
- Em có nghe tin gì người đằng mình không ?
- Dạ, hổng có đâu. Người thì bảo hy sinh hết cả rồi. Người lại bảo : "Đặc công mình giỏi quá, đánh xong là biến mất tăm chẳng để lại dấu vết gì!". Thấy vậy, bọn địch càng ruồng bố dữ dội ...
Tôi lặng người, đổ ềnh xuống tấm liếp kê làm giường. Sương sợ quá, ôm lấy vai tôi vừa lắc vừa gọi: "Anh Hai, anh Hai đừng chết!".
Sương lấy khăn chấm những giọt nước mắt ứa ra trên hai khoé của tôi.
- Trời ơi, anh Hai khóc như con nít nè!
Bỗng tôi ôm choàng lấy Sương, gục đầu vào lồng ngực em tức tưởi gọi tên từng đồng đội. Sương đờ đẫn, cứng người khẽ gỡ đôi tay tôi và cầm khăn lau nước mắt.
Má Sương đưa cháo xuống, nói với hai đứa:
- Không thể để thằng Hai ở trên này được nữa. Ngày mốt bố trí cho nó về dưới quê ngoại mới yên!
Biết mình không còn ích gì cho cuộc chiến đấu này. Tôi cắn môi đến bật máu rồi thưa với má:
- Con gửi cuộc đời còn lại của mình cho má và em. Khi nào khỏi con sẽ tính sau, con ơn má!
- Thằng này nói tầm bậy tầm bạ chi mày. Bà con tìm mọi cách cứu sống và bảo vệ con. Ngày mốt mạnh giỏi, nước nhà thống nhất nhớ về thăm má là được! Tôi đành im lặng tuân theo sự xếp đặt của số phận.
- Cô Sương ơi, trẻ quá ha mà chịu lấy một thằng phế binh. Bỏ quách đi theo bọn anh cho sướng đời!
Tôi nghe thấy thế vừa tức vừa hận. Nhìn cái ống quần buộc túm lõng thõng bên chiếc chân cụt mà uất. Nhiều khi chịu không nổi, cái tức ập đến bất thường, tôi lại chửi đổng :
- Tổ cha chúng mày, tao tàn phế để cho chúng mày lành lặn đi chọc gái hả ?
Sương sợ tôi cuồng, vội vã chạy ra dìu vào trong nhà.
- Anh kêu chi cho khổ, kệ người ta em có bỏ anh đâu mà la hoài!
Chúng tôi trở thành vợ chồng từ lúc nào không hay và bé Thuỷ Chung ra đời bên một dòng sông xa quê tôi cả ngàn cây số. Đã bao đêm tôi thức nghe sóng vỗ, nghĩ như xẻ óc mình. Bao đêm nằm quạt cho mẹ con Thuỷ ngủ, còn tôi dán mắt vào đêm đen nghĩ về bến sông quê.
Đất nước mình giải phóng đã bốn năm rồi. Tôi xa đất quê nhà đã chọn chục năm. Tôi biết bố mình, em Thảo đang ngồi đếm từng ngày và sống trong vô vọng. Còn tôi đang chôn vùi tên mình, cái tên Phương ở một dòng sông xa lạ. Tôi đã trở thành một kẻ bội bạc với em. Dòng sông vẫn lặng lẽ trôi, còn tôi cứ sống lặng lẽ như những hạt phù xa nhỏ bé. Những người thân của tôi vẫn sống trong khắc khoải đợi chờ ...
Nhìn dãy cây gạo ven đê đỏ rực hoa. Nhìn cánh đồng ngô xanh ngan ngát, từng đàn én chao mình trên cánh đồng lúa thì con gái ... Xa xa phía dưới kia là cây đa làng tôi ẩn hiện trong mây. Sương để hai bố con tôi đứng đó, cô chạy vào cửa hàng bên cạnh mua mấy thứ lặt vặt.
Ấp mái đầu con Thuỷ vào má, tôi xúc động trào nước mắt.
- Ba ơi, sao ba lại khóc nè ?
- Ừ, ba sung sướng quá khi về đến quê nhà. Ba thầm ơn ngoại, ơn má Sương đấy!
- Ba đi đánh Mỹ chắc nội không mắng ba đâu!
- Ba có tội với nội, với mọi người, với quê hương vì ba để mọi người phải đợi chờ!
- Con sẽ bảo với nội là ba bị bệnh nên ba không về ngay được. Chắc nội thương ba lắm!
- Ừ nội thương ba, thương má Sương và thương cả con nữa!
Tôi thấy lồng ngực mình như bị chèn ngang đến tức thở khi xe dừng ở gốc đa đầu làng. Chúng tôi lấy đồ, chiếc xe quay đầu về huyện. Bọn trẻ thấy người lạ bu đến. Tôi hỏi bọn chúng:
- Các cháu ơi, cô Thảo nhà ông Tính lấy chồng chưa ?
- Lấy lâu rồi, chú quen cô Thảo à ?
Một thanh niên niên đi xe đạp đến, nó chố mắt nhìn tôi và kêu thật to:
- Ôi! Chú Phương nhà bác Tính chúng mày ơi!
Nó rẽ bọn trẻ con, lao đến lật mũ tai bèo của tôi để ngắm, rồi nó ôm chầm lấy tôi khẳng định:
- Đúng chú Phương đây rồi! Chú Phương còn sống thật đây rồi!
- Cháu con nhà ai ?
Chàng trai không trả lời tôi, chạy như bay vào làng vừa đi vừa la đến khản cổ :
- Chú Phương còn sống, chú Phương về đây rồi!
Mọi người đổ xô quây lấy chúng tôi. Mỗi người nói một câu :
- Khổ quá, năm báo tử chú ông cụ chết đi sống lại mấy lần. Nhờ bà con, chính quyền cứu chữa chăm lo nên thoát được nhưng mờ cả hai mắt rồi!
Tôi nghe được thế, khuỵ người xuống đường. Sương vội ôm ngang người tôi cố nâng dậy. Mọi người dìu chúng tôi về tận đến nhà...
Cuộc hội ngộ bất ngờ đã đem lại đôi mắt cho ông cụ. Nhìn lên tấm ảnh trên bàn thờ, ông chậm rãi nói với tôi:
- Mấy hôm sau ngày truy điệu anh, chị em cái Cúc, cái Thảo lập bàn thờ anh đấy! Hôm nào chúng nó về cũng để hoa thắp hương hàng nửa giờ!
Tôi lặng câm ngồi đốt thuốc như hun chuột. Tôi biết Cúc đã lấy chồng sau ngày tôi "mất" một năm. Bây giờ em đang là Hội trưởng Hội phụ nữ huyện nhà. Mấy đêm liền, tôi lang thang như kẻ mộng du ở bến sông quê. Sương vừa ân hận, vừa lo tôi gục ngã vì bệnh tật và suy nghĩ thái quá.
Ngày mai chúng tôi tổ chức lễ cưới sau sáu năm chung sống lặng lẽ bên nhau. Trăng đã lên, mọi người xúm xít bàn chuyện ăn uống. Tôi lững thững chống nạng men theo con đường làng xuống bến sông.
Sóng vỗ ì oạp vào bờ đất. Dòng nước lấp lánh ánh bạc. Dòng sông quê vẫn hiền hòa êm trôi mà sao đời tôi đầy sóng. Cúc ơi, em tha thứ cho anh. Dòng sông ơi hãy xoá lấp lời thề của tôi cùng em một đêm nào ... Tôi cứ đi lại trên bờ cát cho đến khi Sương đến bên cạnh lúc nào không hay.
- Anh, về đi kẻo ốm!
- Cứ để anh ở đây một mình!
- Thôi, anh tha thứ cho em. Em đã thú tội với ba và cô Thảo về chuyện dấu tất cả thư anh gửi về ngoài Bắc. Chỉ vì em ích kỷ, em sợ mất anh!
Tôi đứng lặng nhìn dòng nước êm trôi, Sương vẫn ôm chặt lấy tôi thì thầm to nhỏ. Không , tôi không thể trách Sương. Tôi quay lại ghì đầu Sương vào lồng ngực ốm yếu của mình.
- Em đừng nghĩ ngợi nhiều. Tình nghĩa vợ chồng đâu phải hương hoa để chia đều. Anh có em là toại nguyện lắm rồi!
Sương dìu tôi bước đi, cát mát rượi dưới bàn chân. Cát và phù xa ở dòng sông nào cũng giống nhau, chỉ có cuộc đời mỗi con người là một khác. Sương khe khẽ reo lên:
- Anh à, sáng nay em và cô Thảo vào cơ quan chị Cúc. Chị hẹn ngày mai sẽ về thật sớm. Lúc tiễn hai chị em ra cổng, Chị Cúc ôm mãi lấy em nhắc đi nhắc lại: "Nhất định mai chị sẽ về!".