Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      


TIẾNG XƯA

MỜI QÚY VỊ MỞ NGHE TRISTESS CỦA F. CHOPIN







S uốt tuần nay chiều nào trời cũng mưa, Phố núi mà mưa là coi như "thúi cả đất, mốc cả người". Cơn mưa nhỏ hạt nhưng kéo dài âm ì mãi không dứt cho đến tận giờ này, chắc cũng đã khuya lắm rồi, trong đêm thanh vắng những giọt mưa rơi tí ta tí tách đều đều trên mái tole tạo nên một âm thanh vừa buồn buồn, vừa đơn điệu. Cô nằm trên giường cố dổ giấc ngủ nhưng không tài nào ngủ được, tiếng ếch nhái trong ao rau muống bên kia đường đua nhau kêu to:"ồm... oạp... ồm... oạp..." cộng thêm tiếng dế nỉ non, tiếng các loại côn trùng rã rích... dội vào tai cô, tất cả chúng nó đang cũng nhau hợp xướng một bài ca không có sự điều khiển của nhạc trưởng, mạnh loài nào ca theo loài ấy. Cô trăn qua trở lại, hết duổi chân lại co chân, hai tay hết gát lên trán lại để lên bụng, đôi mắt mở to nhìn lên đỉnh mùng, với ánh sáng vàng vọt chiếu ra từ những chuồng nuôi gà, trời ơi! cô kinh hải rùng mình khi thấy "binh đoàn rệp" đen thui đang đua nhau bò ra, chúng tiến về phía cô đễ tấn công da thịt của cô, là món mồi ngon thơm phức của chúng! Đồng hồ ngoài phòng khách trổi lên một điệu nhạc vui, sau đó thong thả vang lên những tiếng gỏ, cô đếm được mười hai tiếng, ôi chao! đã mười hai giờ khuya rồi.

Đây là đêm thứ năm cô ngủ trong căn nhà xa lạ này, trên cái giường nhỏ trải tấm chiếu và một cái gối kê đầu có mùi hôi ngai ngái, thum thủm ghê ghê, có lẽ từ lâu lắm không được giặc sạch. Cô không ngủ được vì vừa lạ chỗ, vừa tanh mùi hôi của phân, của lông gà và những tiếng kêu "ục...ục... ọc... ọc... ót... ót..." phát ra từ cổ họng của chúng, mà đã không ngủ được thì thao thức suốt, mà đã thao thức thì lại trằn trọc, trăn trở rồi suy nghĩ miên man, hết suy nghĩ miên man đến nhớ lung tung, và khi đã nhớ lung tung thì chuyện gì cũng nhớ, từ chuyện nhỏ cho tới chuyện lớn, chuyện ngắn rồi chuyện dài, chuyện vui cũng như chuyện buồn... tất cả nối kéo dính lại với nhau như một cuốn phim dài nhiều tập chiếu đi rồi chiếu lại, chiếu xuôi rồi chiếu ngược cho đến khi đầu óc của cô mệt nhoài, lúc đó cô mới có thể chợp mắt, quái ác là vừa chợp mắt được một tí thì đàn gà trống trong chuồng bắt đầu cất tiếng gáy inh ỏi, con nọ nối tiếp con kia, thế là cô choàng tỉnh dậy, mệt mỏi đón một ngày mới.

Bắt đầu từ đâu mà cô đến ở trọ nơi căn nhà này? nó chẳng có phòng ốc gì cả, cô ngủ trên một chiếc giường kê gần chuồng gà, thật ra đây là chỗ ngủ của bé Hiền, con của bác Vinh làm kế toán của trường cô dạy, bác Vinh kêu bé Hiền nhường cái giường này cho cô, bác đem cái giường khác kê vào phía trong cho nó. Nhà bác nuôi rất nhiều gà, chuồng nọ nối tiếp chuồng kia, một bên là chuồng nuôi gà trống, một bên là chuồng nhốt gà mái, ở giữa chừa ra một lối đi hẹp, đàn gà mái mỗi lần đẻ trứng xong thì hả họng kêu "cục tà cục tác" inh ỏi, còn bầy gà trống thì khi bình minh chưa ló dạng chúng nó đã rướn cổ gáy vang. Trời ơi! cô có bị khùng không vậy? Nhớ khi Bác Vinh ngỏ lời đề nghị cô đến ở trọ nhà bác, vợ bác nói với cô:

- Nhà bác cũng gần trường, các con bác ở luôn trong trường với bác để phụ bác bán nước, bánh kẹo cho học sinh, vì vậy ở nhà cũng chẳng có ai nên rất yên tỉnh, tiện cho cháu soạn bài, chấm bài, nghỉ ngơi...

Thế là cô đồng ý ngay, hơn nữa cô cũng không muốn ở lại "căn phòng" có lắm kỷ niệm, ngày nào cũng nghe những bản nhạc tình của Pháp, của Mỹ đầy kỷ niệm từng làm cô say đắm phát ra từ rạp chiếu bóng thanh Bình, nay thì ngược lại nó làm cho cô nhức nhối tâm cang, cô đâm ra sợ, rất sợ.

Cô không quên được ngày cô đặt chân lên thành phố rất thơ của "Phố núi cao phố núi đầy mây" này, ấy là vào một buổi chiều trời cũng mưa tầm tả lê thê, bùn đỏ đặc quánh bám lấy đôi giày làm nặng bước chân nhỏ nhắn của cô. Pleiku vào mùa mưa thật là "hết ý", vừa lạnh vừa buồn tênh, phố xá vắng ngắt vì mọi người chỉ biết ngồi trong nhà nhìn mưa rơi bên ngoài rồi chép miệng thở dài, nhưng cô thì rất vui vì bên cạnh cô đã có " người ấy của cô". Đầu tiên cô ở trọ nhà của anh chị Hinh là người quen của ông hiệu trưởng, ông giới thiệu cho cô, nơi cô ở trọ là một căn gác xép. Mới ra trường chân ướt chân ráo, lại đến một nơi được khen là "phố xá không sang nên phố tình thân" này, cô chẳng quen biết ai nên đồng ý, nói cho đúng cái gác xép của nhà anh chị Hinh là một cái kho chất đủ thứ lung tung xà beng, vợ chồng anh chị cho dọn dẹp sơ sài, dồn những thứ lung tung xà beng ấy vào một góc của cái gác, chừa ra được một khoảng trống khiêm nhường chỉ vừa kê được một cái giường cá nhân loại nhà binh và một cái bàn để cô "làm việc", thế thôi.

Cô ở trọ nhà anh chị được năm tháng, buổi trưa trên gác xép nóng hầm hập vì mái tôn không có plafond, buổi tối nghe tiếng mưa rơi tí tách, nhỏ từng giọt rớt vào cái thùng phuy tạo nên một âm thanh đều đều trong đêm vắng nên buồn ơi là buồn. Chị Hinh đề nghị nấu cơm tháng cho cô, nhưng chị là người miền Bắc, ngày nào cũng cho cô ăn món canh trứng nấu với mẽ, rau muống luộc và tàu hũ kho tương, họa hoằn lắm mới có món thịt kho! còn cá thì lúc nào cũng là món... khô cá mối chiên, cô ăn không quen nên khó mà nuốt nổi. Tháng đầu tiên sau khi lãnh lương, cô liền đóng tiền thuê nhà, tiền ăn suốt tháng cho chị Hinh, sau đó còn lại bao nhiêu thì để tiêu xài, may sắm áo quần, giày dép... nhưng thật sự cô chỉ về nhà trọ để tắm rửa, chấm bài cho học sinh và để ngủ, còn ăn uống? chao ơi là khổ vì cô không nuốt nổi những món ăn chị nấu theo kiểu bắc kỳ của chị, thôi thì cứ ra quán bình dân, ra chợ ăn tầm bậy tầm bạ, chỉ khi nào cuối tháng anh ấy lãnh lương, lúc đó mới thật đúng là được ăn những món "cao lương mỹ vị" ở những nhà hàng, quán ăn lịch sự, thế nhưng những ngày huy hoàng ấy chỉ kéo dài được chừng hai tuần, chàng bị nhẹ túi còn nàng thì túi rỗng không! Vậy là "mì gói trở thành bạn đồng hành!". Qua tháng thứ hai thì cô không ăn cơm tháng ở nhà chị Hinh nữa.

Đâu phải cuộc tình nào cũng đi đến đoạn kết được trải thãm bằng hoa hồng. Thế rồi một đêm mưa rất to, hai người chia tay nhau, lần chia tay đó cô khóc nức nở, nước mắt nhiều như nước mưa. Cô biết cơn mưa nào dù có lớn cách mấy cũng phải tạnh, nỗi đau trong tâm hồn cô dù nhức nhối cách mấy cũng phải nguôi ngoai, khổ nổi trời mưa thì mau tạnh còn vết thương trong lòng cô thì lâu lắm mới lành lại được.

Cô tâm sự nỗi lòng mình với Thúy Nhiên, người bạn gái đồng hương đang là thư ký của trường, cô kể cho Nhiên nghe về lời đề nghị của bác Vinh, Thúy Nhiên khuyên:

- Đừng tiếp tục ở căn phòng đầy kỷ niệm làm cho mình nhớ nhung rồi đau khổ hoài, Bác Vinh đã nói như vậy thì bồ cứ thuê phòng nhà bác, sau giờ làm việc mình sẽ đến chơi với bồ cho vui.


Ôi trời đất ơi"Phòng ở của nhà bác Vinh"! là thế này đây, nó đầy mùi hôi từ cái chiếu, cái mền, cái gối và nhất là những con rệp... rồi thì mùi lông, mùi phân tanh tưởi của một bầy gà hơn trăm con vừa trống vừa mái nhốt trong hơn chục cái chuồng.

Mấy đêm nay vào khoảng chín giờ tối khi cô vừa lên giường thì tiếng gỏ " cờ lóc cóc cóc... cách cờ lách cách cách..." xen kẻ với nhau khi nhanh khi chậm, khi réo rắc vui tươi, khi trầm trầm đều đặn vang lên từ nơi xa rồi đến gần như một điệu nhạc ngắn được lập đi lập lại nghe thật vui tai, đó là tiếng gỏ của thằng bé theo phụ bán hủ tíu, nó cầm hai cái phách bằng tre hay gổ gì đó, vừa đi vừa gỏ từ đầu đường đến cuối phố. Cô hình dung đôi tay điệu nghệ, dẻo quẹo của nó khi điều khiển hai miếng phách để gỏ vào nhau. Từ nhỏ cho tới giờ cô chưa bao giờ ăn hủ tíu gỏ bởi vì cô không hề để ý đến chiếc xe hủ tíu đẩy đi từ làng trên đến xóm dưới, tận trong hang cùng ngỏ hẽm ra đến đường nhựa rộng thênh thang, cuộc sống của cô vô tư hồn nhiên đến độ vô tình!

Nếu cứ phải ở trong căn nhà của bác Vinh, gần gủi với bầy gà, lây ám cái mùi tanh của phân, của lông gà, và rồi... biết đâu mai kia mốt nọ cô sẽ lây cách nói chuyện của chúng nó bằng những tiếng "ọc ọc... óc...óc... ót... ót...". Sáng sớm giống như bầy gà trống vổ cánh phành phạch, họng hả to ra gáy rộn ràng "ó... o... ò... chào ngày mới", hơi trưa trưa một tí thì như mấy ả gà mái rướn cổ lên gào thật to"...cục... cục... cục...tác... tôi đẻ rồi nè!" Cô thở dài than thầm:" Kiểu này chắc chết quá, tiêu đời mình luôn!". Chỉ vì không ngủ được nên chi cô nghĩ ngợi lung tung không đâu vào đâu, nghĩ tầm bậy tầm bạ theo kiểu mẹ cô thường nói là "tào lao dịt bột", đến khi sự suy nghĩ không còn gì tào lao hơn, đầu óc cô mệt mỏi, lúc đó giấc ngủ mới chịu đến với cô. Suốt tuần nay cô bị ánh mắt của một cậu học sinh trong trường dõi theo hoài, cậu học trò này có cặp mắt đẹp, nó đen láy mướt rượt với hàng lông mi dài, rậm như mắt của con gái, ướt át trông rất đa tình, cô không dạy lớp của cậu ta, hình như cậu ta chỉ thua cô chừng bốn năm tuổi, cô vẫn còn mang dáng vẽ sinh viên mới vừa ra trường rồi lên Pleiku nhận nhiệm sở.

Cô không thể phủ nhận rằng ánh mắt của cậu học trò này làm cho cô có phần nào bâng khuâng xao xuyến và nó trở nên quen thuộc, ngày nào không có sự dõi theo của ánh mắt đó, cô cảm thấy như là thiếu thiếu một cái gì... chà chà! như thế này thì thật là thiện tai thiện tai!

Thế rồi một buổi sáng khi cô vừa đổi lớp, đổi giờ dạy, cậu học trò đứng lóng ngóng chờ cô ở trước cửa văn phòng, vừa thấy cô, cậu ta ấp a ấp úng nói:

- Thưa cô... em... em là Bằng học lớp 12C, em muốn... muốn... được trò... trò... chuyện với cô.

Cô tròn xoe mắt nhìn cậu ta:

- Có chi mà em muốn trò chuyện với cô?

Lại đỏ mặt ấp úng:

- Chỉ vì... chỉ vì... em... em... ái mộ cô!

Cô bật cười tuy rằng hơi lúng túng một tí:

- Trời đất!... cô đâu phải là diễn viên điện ảnh hay ca sĩ nổi tiếng mà được em ái mộ?

Cậu học trò một tay đưa lên gải đầu, một tay cầm cuốn tập ấp vào ngực, có lẽ vì chưa bình tỉnh nên cậu vẫn còn lúng túng:

- Từ lúc cô... về dạy ở...trường này, em... em... đã... em cũng thuộc hết... thời khóa biểu... dạy học của cô ở trường.

Cô cắt ngang câu nói của cậu học trò vì không muốn bị những lời của cậu ta làm cho mình bối rối:

- Cô phải vô lớp, có gì để lần sau nói tiếp.

Rồi cô cười cười, hơi nheo mắt nói đùa với cậu ta:

- Chịu khó học hành tử tế, coi chừng bị đi lính đó nghe!

Bước chân của cô hình như hơi nhẹ hơn ngày thường và muốn bay bổng, có gì lạ đâu chứ khi một cô gái được nghe một người con trai nói là"em ái mộ cô!", dù bây giờ trái tim cô đang bị chết đi một nữa.

Sau giờ dạy sáng nay, Thúy Nhiên nói với cô:

- Chiều nay tôi không tới chơi với bồ được vì có chuyện riêng của gia đình, xin lỗi nha.

Cô xịu mặt, buồn buồn:

- Vậy là hai đứa mình không cùng nhau đi là cà, không ăn bánh bèo, bún thịt nướng, nem nướng... chiều nay là thứ bảy.

Nhiên cười vỗ về:

- Chịu khó ăn mì gói, bánh mì thịt... thiếu gì thứ để ăn.

Cô nhìn Nhiên than thở:

- Buồn chết đi được!

Và cũng thật bất ngờ khi tối nay thứ bảy Nhiên không tới mà cậu học trò đến thăm cô lúc cô đang tắm, cậu ta kêu cửa:

- Cô ơi... cô!

Cô ngạc nhiên, thoáng bối rối khi nghe tiếng cậu học trò kêu thêm lần nữa, giọng gấp gáp nhưng vẫn còn lắp bắp:

- Cô ơi! em... em... là Bằng đây... em đến thăm cô...

Cô ra mở cửa cho cậu ta, mùi xà bông trầm trên người cô tỏa ngát không gian, đồng hồ treo tường gióng lên một điệu nhạc, sau đó nó đều đều gỏ lên từng tiếng, cô đếm được bảy tiếng, vậy là đã bảy giờ tối, cô chưa ăn cơm, định rằng tắm xong sẽ thả bộ ra ngoài kiếm một quán phở nào đó, bây giờ cậu học trò này đến... thăm một cách bất ngờ, thiệt tình... khó chịu quá đi! Bằng ngồi hoài, cậu ta kể những chuyện không đầu không đuôi, câu nọ xọ câu kia, còn cô thì càng lúc càng đói bụng và rồi cơn buồn ngủ kéo đến làm ríu đôi mắt, cô che miệng ngáp cố ý đuổi khéo cậu học trò, nhưng làm như được ngồi nói chuyện với cô giáo mà mình ái mộ, Bằng không muốn ra về mặc dù cậu ta biết cô giáo muốn đuổi khéo mình, cậu ta nghĩ thầm trong bụng:" mặc kệ! ba mình từng nói đẹp trai không bằng chai mặt, mình cứ ngồi lì đến khi nào cô lên tiếng đuổi, lúc đó mình mới về!". Cô thấy cậu học trò cứ tủm tĩm cười nhưng không biết cậu ta cười điều gì.


Những tiếng gỏ của hai miếng phách từ đằng xa đang tới gần, âm thanh của những tiếng gỏ ấy thật vui tai... "Cờ lách cách cách... canh cờ lách... lóc cóc... lanh canh... lóc cóc..."

Bằng reo lên:

- A! may quá em đang đói bụng mà có hủ tíu gỏ, em mời cô ăn với em, ngon lắm đó cô, đêm Pleiku trời lạnh mà ăn hủ tíu gỏ là tuyệt nhất trên đời!

Không đợi cô trả lời là có đồng ý hay không, cậu học trò đi vội ra cổng, kêu lớn:

- Hủ tíu... hủ tíu... cho hai tô đặc biệt.

Cô không dám thú thật đây là lần đầu tiên cô được ăn hủ tíu gỏ, sống trong một gia đình nề nếp như gia đình cô, sáng trưa chiều tối muốn ăn gì chỉ việc nói với bà vú, không có chuyện ăn ngoài đường ngoài xá, lên đại học ở ký túc xá, tiền mẹ cho chỉ vừa đủ đóng tiền phòng, tiền cơm, buổi sáng đi học mua một cái bánh mì pagette, hoặc ăn một tô mì gói... hai tuần một lần mẹ kêu bà Vú làm thức ăn gởi lên cho cô, cứ thế cho tới ngày ra trường rồi lên Pleiku dạy học, lúc đó cô mới biết đi ăn quán này nọ, nhưng hủ tíu gỏ thì đây là lần đầu tiên! Ngon quá là ngon, dù rất muốn húp hết chỗ nước lèo còn lại trong tô nhưng cô phải giữ kẻ với cậu học trò này.

Bằng hỏi:

- Ngon không cô?

Cô cười gật đầu:

- Có lẽ vì đói nên ăn có cảm giác ngon, cám ơn em nghe.

- Vậy tối nào em cũng mời cô ăn hủ tíu gỏ nha.

Cô lắc đầu từ chối vì cô không muốn Bằng có lý do để đến gặp cô thường xuyên:

- Thôi khỏi, nếu tối nào cũng ăn một món hủ tíu gỏ, cô sẽ phát ớn lên tới tận cổ. Khuya rồi, em về để cô còn ngủ mai phải đi dạy sớm.

Bằng có vẻ lưu luyến bịn rịn, ngập ngừng như muốn nói một điều gì đó, nhưng thấy cô hơi nghiêm sắc mặt làm cậu ta ái ngại không dám nói, đành phải đứng lên chào tạm biệt, nói một câu khách sáo:

- Chúc cô... cô... ngủ ngon.

Cô gật đầu:

- Cám ơn em, cô cũng chúc em ngủ ngon.

Suốt một tuần sau đó đêm nào cậu học trò cũng đến "thăm cô giáo" vào một giờ nhất định, và món ăn mà cậu ta đãi cô cũng chỉ là món hủ tíu gỏ làm cô phát ngán, vừa ngán món hủ tíu gỏ, vừa ngán phải ngồi nói chuyện với Bằng, cậu ta hỏi cô:

- Cô có biết là hủ tíu gỏ vừa rẻ lại vừa ngon không?

Lúc này thì cô không còn kiên nhẫn nổi nữa rồi, cô nói thẳng với Bằng:

- Em đừng đến thăm cô nữa, kể từ ngày mai cô rất là bận rộn, còn em thì ráng lo học , năm nay là năm thi lấy bằng tú tài rồi, cô không muốn em mất thì giờ vì cô, cũng đừng nên tốn tiền với món hủ tíu gỏ... cô ngán lắm em biết không?

Bằng sụp mặt, đôi mắt đẹp buồn hiu làm cô thoáng chút chạnh lòng, nhưng nếu không thẳng thắn để nói một cách phũ phàng với Bằng thì cô sẽ rất rất là khó thoát được những lần đến "thăm cô giáo" của cậu ta, mà cô thì rất rất là không muốn bị cậu ta đến thăm.

Bằng ra về với lời chúc như một điệp khúc:

- Em về đây, chúc cô ngủ ngon.

Cô gật đầu:

- Ừ thôi em về, chúc em ngủ ngon!


Ai ngủ ngon thì không biết, nhưng cô không mấy dễ dàng đi vào giấc ngủ, bởi vì bên tai cô lúc nào cũng là những tiếng "ục ục... ục ục... óc óc..." phát ra từ cổ họng của bầy gà. Thật là ngộ quá chừng, ban đêm bầy gà cũng đi ngủ nhưng sao trong cổ họng chúng nó cứ phát ra tiếng "...óc óc... ọc ọc... ục ục..." làm cô muốn khùng, cô lấy hai tay bịt hai lổ tai mình lại để khỏi phải nghe những âm thanh ấy, nhưng càng cố ngăn chặn thì nó càng xoáy mạnh vào trong đầu cô, lúc này thì cô không kềm chế được nên để mặc cho hai hàng nước mắt chảy dài, rồi khi quá mệt mỏi, giấc ngủ chập chờn đến với cô, sau đó đưa cô vào một giấc mơ vô cùng kinh dị, cô mơ thấy hai vai mình mọc ra hai cái cánh gà, hai chân cô dậm dậm trên nền đất rồi miệng cô chu ra, há to hết cở như miệng con gà mái kêu lên những tiếng "cục... cục... cục... tác... cục... cục... tác... tui đẻ trứng rồi nè...", sau đó trên đầu cô nhô ra một cái mồng màu đỏ sậm, cô lại vổ hai cái cánh phành phạch vào lưng của mình, chu mỏ gáy om sòm " ò...ó...o...o... trời sáng rồi... trời sáng rồi... dậy đi thôi bà con ơi!". Bà con chưa thấy ai dậy nhưng cô thì giật mình thức giấc, người toát mồ hôi vì sợ hãi, cô quyết định phải kiếm một chỗ ở khác, phải ra khỏi nơi này chớ nếu cứ tiếp tục ở đây chắc cô sẽ biến thành gà, vừa là... anh gà trống sáng sớm vổ cánh bành bạch, gân cổ gáy "ò... ó... o...o... sáng rồi dậy đi thôi... " mà cũng vừa là ả gà mái dậm chân xuống đất kêu..." cục...cục... cục... tác... tui đẻ trứng rồi nè"...

Phố núi Pleiku với những cây thông già cao vút, những làn gió lạnh cuống quýt trong nắng hồng tươi của buổi sáng, và những cơn mưa chiều buồn rủ rượi, gợi nhớ gợi thương về những người đi xa, phố núi cao êm đềm dễ thương với những cô sơn nữ ngực trần màu nâu bóng loáng. Cô sống với Phố núi, hòa mình cùng Phố Núi, tan ra trong Phố núi, những buổi sáng với nụ cười rạng rỡ trên mắt trên môi, những buổi chiều với nỗi buồn khi thì có tên, khi thì không tên, tất cả vây quanh cào xé làm rách nát trái tim cô, có những đêm dài với nỗi cô đơn đặc quánh trong tâm hồn, cô tự hỏi"Tại sao và biết đến bao giờ ?"

Cậu học trò đúng là "đẹp trai không bằng chai mặt", mấy đêm sau cậu vẫn đến "thăm cô giáo" dù cậu biết rằng cô không muốn có những cuộc thăm viếng như thế này, cậu không mời cô ăn hủ tíu gỏ nữa, thay vào đó mỗi lần đến thăm cô, cậu đem theo khi thì bịt bánh bèo, bánh ướt, bánh nậm... mà cậu đã cất công mua từ chợ mới, có lần cậu ta mang đến cho cô một cà mên bún bò Huế, rồi thì để thay đổi khẩu vị, cậu ta đem cho cô mấy cái bánh pate chaud với một ly sữa đậu nành nóng hổi của tiệm bánh Cao Nguyên.

Tuy có ít nhiều cảm động, nhưng cô vẫn nói đùa sau mỗi lần "nhận lấy tấm chân tình" của cậu ta:

- Bộ cô gầy ốm lắm sao mà em cứ vổ béo cô hoài, nếu ăn những thứ em mang đến, lâu ngày cô sẽ mập như cái thùng phuy cho mà xem.

Bằng cười sung sướng khi cô giáo biết được tấm chân tình của cậu dành cho cô, cậu ta muốn len lỏi vào trái tim của cô, "ngự trị" nó thông qua đường vòng là cái bao tử.

Không hiểu sao thời gian sau này trong lòng cô luôn có cảm giác chán chường lẫn bực bội, không vui cho lắm mỗi lần Bằng tới chơi, nhìn dáng vẽ con nít nhưng muốn tỏ ra người lớn của cậu ta làm cho cô vừa khó chịu, vừa có chút thương hại, cô miên man suy đi nghĩ lại, cuối cùng cô có một quyết định dứt khoát là không nên kéo dài tình trạng "ởm ờ" này, không nên tiếp tục gặp gở làm cho cậu ta nghĩ rằng cậu đang dần dần chiếm được trái tim cô giáo. Tối nay trước khi cậu ra về, cô nghiêm trang nói với cậu học trò quyết định của mình, lời nói của cô rất cương quyết và cứng ngắt:

- Năm nay em thi rồi nên chi đừng phí thời gian với cô nữa, với lại... em có biết cô  rất rất là chán mỗi khi em đến thăm, cô mỏi mòn lẫn mỏi mệt ngồi nghe em nói những chuyện... không đâu vào đâu mà người ta thương gọi là chuyện nam tào bắc đẩu ? từ nay cô không muốn gặp em nữa.

Cô không ngờ phản ứng của cậu học trò khi nghe cô nói như vậy, đó là hai hàng nước mắt trào ra từ đôi mắt đẹp:

- Tại sao cô... cô tàn nhẫn... với em... với... với em quá vậy? Em ái mộ cô... lắm... lắm... mà sao cô...

Thật tình thì cô có đôi chút xót xa chạnh lòng, nhưng vì không muốn tình trạng này tiếp tục, cô sợ đêm dài lắm mộng, lâu ngày chày tháng thế nào cũng đi tới chỗ không hay ho gì cho lắm, không làm sao tránh khỏi những lời dị nghị, đàm tiếu nhắm vào cô. Chuyện này sẽ không đi đến đâu, nó chỉ có thể là một làn gió mát thoãng qua, nhưng không thể nào để cho nó trở thành một cơn bão được, gió thoãng qua làm cho người ta mát mẽ nhưng bão thì... sẽ làm tan nát và cuốn phăng đi mọi thứ.

Bằng ngỡ ngàng ra về với hai hàng nước mắt và lời nói thầm:" Sao cô nói gì mà ác quá vậy, bao nhiêu thứ em mang đến cho cô ăn, nghĩ rằng em sẽ lọt vào trái tim cô bằng con đường bao tử, em nghe má em nói với mấy bà hàng xóm như vậy nên em làm theo, ai ngờ cô ăn no rồi cô... đá đít em. Cô ơi! em ái mộ cô thật lòng mà... "

Kể từ hôm đó Bằng không đến thăm cô nữa, lòng cô cảm thấy có đôi chút trống vắng với ít nhiều trông chờ, tuy nhiên tâm hồn cô lại nhẹ nhỏm như thoát được một gánh nặng, có điều mâu thuẩn là gánh nặng ấy nó vừa làm cho lòng cô khó chịu đồng thời cũng làm cho tâm hồn cô cảm thấy vui vui. Mỗi lần tình cờ gặp Bằng ở sân trường cô ngó lơ đi nơi khác dù tim cô đập hơi nhanh một chút và có hơi rộn ràng hơn bình thường một chút, còn Bằng thì đưa mắt nhìn cô với cái nhìn đầy trách móc kèm thêm đôi chút buồn rầu đau khổ, cậu ta như muốn trao gởi tấm chân tình của mình cho cô giáo. Thời gian trôi qua nhanh, mọi thứ đi vào quên lãng, hơn nữa cũng không có gì "quá đà" để cô phải vấn vương lưu luyến, Bằng chỉ là một cậu học trò trong trường như bao cậu học trò khác, chỉ được cái là cậu ta đẹp trai hơn, có đôi mắt nhung đen biết ngầm thố lộ những câu si tình!

Thời gian sau này đêm đêm trong giấc ngủ cô thường nằm mơ thấy mình biến thành một nữa là con gà trống, một nữa kia là con gà mái, nó như một nỗi ám ảnh trong đầu ngày càng lớn dần lên, đến nổi có nhiều lần đang giảng bài cho học sinh cô bỗng giật mình khi nghe bên tai vang lên những tiếng " cục... cục...tác... cục... cục... tác... ọ... ó... o... o...! "

Sáng nay gặp Thúy Nhiên cô kể cho Nhiên nghe về những đêm cô nằm mơ thấy mình biến thành... nữa gà mái, nữa gà trống, Nhiên ôm bụng cười ngất, cô nhăn mặt đập vào lưng Nhiên:

- Người ta sợ quá chừng vậy mà bồ còn cười nhạo, mau tìm cho tôi một nơi ở khác, nhưng phải gần trường mới được.

Nhiên thôi cười:

- Phải chi ba tôi dễ dãi một chút, tôi đưa bồ về nhà tôi, ở chung với tôi thì tốt quá chừng, nhưng ba tôi khó quá, chuyện xin bồ về ở chúng không khác chi... "tề thiên bắn đại liên".

- Bồ giúp tôi kiếm chỗ khác cho tôi, càng sớm càng tốt, để chậm tôi biến thành con gà... pê đê cho bồ xé phay!

Hai đứa ôm nhau cười ngặt nghẻo, vui thiệt là vui!. bỗng dưng Nhiên nhìn cô, hỏi rất là nghiêm trang:

- Trong trường có một đứa học trò học lớp 12C để ý tới bồ phải không?

Cô giật mình:

- Bậy, ai nói tầm bậy với bồ? bồ biết trái tim tôi đang tan tành banh chành như xác pháo, chưa ráp lại được thì làm sao...

- Tui biết vì "hắn" thường hay hỏi thăm về bồ, hắn nói với tôi là hắn rất ái mộ bồ.

Cô khoát tay:

- Nếu hắn có hỏi thêm về tôi thì bồ trả lời là hè này tôi về quê lấy chồng rồi.

Phải một tuần sau Nhiên mới tìm được phòng trọ mới cho cô, đó là nhà bà Minh, nhà bà có năm phòng trọ dành cho các giáo sư mướn, nằm trên một con đường nhỏ đối diện với cổng trường, chỉ cần bước qua bên kia đường là đến trường rồi, thật tiện lợi hết sức. Ngày cô mới về trường nhận nhiệm sở nhà bà không còn phòng nào trống, nay thì thật may mắn cho cô là hai ngày trước ông giáo sư dạy Anh Văn "được" thuyên chuyển về Nha Trang, cô liền nhanh chóng "điền vào chỗ trống".

Tiền ăn ngày ba buổi và tiền phòng, cô đóng một lần như bên nhà bác Vinh, số dư cô dành để đi uống cà phê, ăn quà vặt với Nhiên, mua sắm những thứ cần thiết.

Kể ra ở nhà bà Minh cô được thoải mái nhiều vì phòng sạch sẽ, gần trường, thích nhất là không còn nghe những tiếng "óc...óc...ọc...ọc..." phát ra từ cổ họng của bầy gà, không còn nghe những tiếng gáy ò... ó... o...của bầy gà trống, tiếng cục ta cục tác của đám gà mái...

Phố núi cao đang vào mùa lạnh, cái lạnh từ nỗi lòng bên trong toát ra ngoài, cái lạnh của khí trời từ bên ngoài thấm vào trong, nơi gặp nhau là da thịt của cô làm cô buốt giá, dù có đứng ngoài trời phơi nắng nhưng nắng cũng không làm ấm được da thịt và nỗi lòng của mình, cô run lẩy bẫy.

Cô và Nhiên vẫn thích lang thang sau mỗi buổi chiều tan trường, thích ghé vào một hàng quán để ăn một thứ gì đó, ăn xong hai đứa tà tà thả bộ vào tiệm cà phê quen thuộc có cái tên rất dễ thương: Cà Phê Vị Thủy để nhâm nhi ly bạc xỉu và nghe nhạc. Thật buồn cười là có nhiều khi hai đứa đi bên nhau nhưng không nói với nhau lời nào. Một ngày như mọi ngày. Cậu học trò tên Bằng vẫn đưa mắt dõi theo cô giáo, cậu cố làm sao cho cái nhìn của cậu ngày càng thật tha thiết, thật trìu mến, nhưng đối với cô thì cậu vẫn chỉ là một cậu học trò nhỏ mà thôi, không hơn không kém.

Cô không bao giờ nghĩ rằng sẽ có một ngày cô phải rời xa phố núi, đem theo trong lòng mình những cây thông già lặng đứng bên đường hứng bụi xa, đem theo những góc phố, những tháng ngày đầy ắp kỷ niệm. Ngôi trường những ngày đó im vắng buồn hiu, không còn bóng dáng của thầy cô, của học trò. Cô và rất nhiều người của Phố Núi vội vã ra đi, thành phố Pleiku sáng hôm đó có nắng hồng tươi và gió lạnh, có rất nhiều những dấu chân kỷ niệm của một khoảng thời gian và không gian vô cùng nên thơ như huyền thoại.

♣ ♣ ♣

Mùi thơm của cà phê G7 bay đến tận nơi bà ngồi, thì ra chồng bà đang đứng bên cạnh, đưa cho bà tách cà phê mới pha còn nóng hổi, ông ân cần nói với bà:

- Uống cà phê lúc còn nóng thì ngon hơn, mình đang suy nghĩ gì vậy? anh trông mình có vẻ buồn buồn, đăm chiêu tư lự, các con có đứa nào làm phiền lòng mình hay sao?

Bà nhìn ông, đòn tách cà phê từ tay chồng, giọng bà vương chút tiếc nuối:

- Mình à! tự nhiên em nhớ chuyện ngày xưa lúc em còn là một cô giáo trẻ măng, ngày đó đã xa quá là xa, bây giờ em là một... bà già xấu hoắc, tuổi xuân và sức khỏe bỏ rơi em, may mà em còn có mình.

Ông cười:

- Hồi đó anh theo "cua" mình cũng khó khăn lắm lắm, mình cứ chọc phá anh, nhớ cái ngày anh mượn xe gắn máy của người bạn trong phi đoàn tới thăm mình, ai ngờ mình với con bé Diệp đem dấu nó làm anh tưởng đâu xe bị mất, sợ xanh mặt.

Bà hớp một ngụm cà phê, thích thú vì vị ngọt của đường, vị đắng của cà phê, vị bùi bùi béo béo của sữa hòa tan trong ly G7, bà nói với ông:

- Lúc đó em đâu có thích mình, em cố ý chọc mình chơi cho bỏ ghét. À mình ơi! tự nhiên hôm nay em lại nhớ tới cậu học trò lớp 12C ngày đó cứ "đánh đu" theo em, thật buồn cười.

Một khoảng im lặng kéo dài, sau đó ông nghe tiếng thở dài của bà, rồi bà nói giọng ngậm ngùi:

- Đã bốn mươi năm rồi, thời gian trôi qua nhanh quá. Em nghĩ đến câu hát của Trịnh công Sơn: một ngàn năm nô lệ giặc tàu, một trăm bị tây đô hộ, ba mươi năm nội chiến từng ngày... Thế mà người dân Việt Nam mình vẫn đánh đuổi được giặc ngoại xâm, vẫn gìn giữ được đất nước. Nhưng bốn mươi năm nay đất nước mình được "bình ổn" không còn chiến tranh nhưng lại có nguy cơ bị mất nước một cách nhẹ nhàng êm ái? Chỉ nghĩ đến điều đó thôi mà lòng em cảm thấy cay đắng xót xa buồn và lo sợ lắm mình ơi! Nước mắt bà trào ra lăn dài trên má rồi rơi vào tách cà phê, à há! bây giờ thì tách G7 có thêm vị mặn của những giọt nước mắt, ông thầm nghĩ "chắc là tách cà phê của bà ngon lắm, đặc biệt lắm đây "

Thành phố Sài Gòn đang chuyển mùa nên không khí nóng bức ngột ngạt khó thở, những người lớn tuổi như bà hầu như ai cũng ê ẫm cả thân mình như bị đánh đòn, các cơ xương khớp đau nhức dữ dội, trong cơn đau nhức đó, Bà ngồi bên hiên nhà nhớ lại chuyện ngày xưa, lòng thầm ước một điều:

Ước gì thời gian quay trở lại bốn mươi năm trước!





VVM.27.12.2021

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
vietvanmoinewvietart007@gmail.com