Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      

MẢNH ĐỜI




C hú Tư đạp xe đi suốt buổi sáng, từ phường Hội Thương, Hội Phú rồi đến Hoa Lư  mà chẳng có mối nào. Tháng này chưa phải là tháng chạp, nên ít người mài dao, mài kéo, thời buổi hiện đại, người ta đi rao bán bánh, mua máy móc hư cũ cũng bằng loa điện, chỉ có chú Tư mài dao, mài kéo và đi mua đồng nát là còn lạc hậu rao khan cổ. Chú Tư đi từ sáng đến gần trưa thì bụng đã thấy đói cồn cào, sáng  nay chú ăn một gói mì tôm để dằn bụng, nhưng dắt xe lên mấy con dốc đã tiêu tan hết rồi.

   Chú vào quán bên đường ngồi nghỉ chân, chú mặc bộ đồ màu xám cũ kỹ đã sờn, mua ở đống đồ xổ, đầu đội mũ vải, quần xăn tới ống quyển. để lộ đôi chân đen sì, lông chân lổm chổm, vì nơi ấy mỗi lần mài dao, mài kéo xong, chú đều đưa chân ra cạo thử.  Hành trang chú đem theo là một cái bao nhỏ, gồm có hai cục đá mài, cục lớn mài nước đầu, còn cục nhỏ là đá tốt nhất, mài nước sau cho dao sắc bén, lon múc nước khi mài dao, giẻ lau và chai nước mang theo để uống. Chú ngồi trầm ngâm nhớ cục đá mài này được một  ân nhân cho đã lâu, chú mở chai nước đem theo chậm rãi uống mấy hớp rồi nghĩ đến cuộc đời của mình, vợ chồng không có nghề nghiệp ổn định, vợ chú buổi sáng sớm đến tiệm phở rửa chén, ngày kiếm mấy chục, hai con gái, một đứa đi bán bánh rán, còn đứa lớn đi bưng cafe, vợ chồng chú mong cho sức khoẻ dồi dào, trong nhà đừng ai đau ốm, vì nhà nghèo quá, nếu đau ốm thì khổ lắm. Chú đi suốt ngày may ra được năm, sáu chục ngàn bạc, có ngày chẳng có đồng nào. Chú mong ước, bao thầu được ba, bốn chợ thì may mắn biết bao, nhưng mà mỗi chợ có một người, chú nhớ cứ hai tháng chú đến chợ Biển Hồ một ngày, ngày đó chú mài luôn tay, mấy người bán thịt, bán cá, bán rau, giao cho chú hết cái dao này đến cái kéo khác, ngày đó chú kiếm gần đủ tháng gạo ăn cho cả gia đình. Chú còn nhớ một hôm ế quá, chú đi lang thang trên một con đường hơi vắng, bỗng một chiếc xe tải chạy vụt qua, trên xe rơi xuống cái túi xách, xe chạy một đoạn xa, chú không thấy ai xuống, chú đến gần cúi xuống vừa lượm lên, bỗng có người nói bên tai, như ra lệnh:

     - Đưa cái túi xách đây.

 Chú ngước mặt lên và nói:  

   - Phải chuộc chớ

  Người ấy vội nhét vào tay chú hai chục ngàn và nói:

    -  Chuộc nè  

  Nhanh như chớp, một cái tát nảy lửa vào má chú, rồi giựt túi xách chạy theo cho kịp xe trước, chú choáng váng một bên má và tai nóng bừng, chú không khóc nhưng nước mắt, nước mũi ứa ra, chú nhìn theo chiếc xe lòng đầy căm tức, một nỗi ấm ức, buồn tủi trãi dài miên man, chú đoán thằng bé phụ xe ấy khoảng tuổi đáng con, đáng cháu mình  mà tàn nhẫn quá. Thật ra, trong tâm chú chỉ nói giỡn vậy thôi, chứ chú đã có ý trả lại  khi vừa mới nhặt được. Chú nghĩ hai chục bạc đáng giá năm gói mì tôm giá rẻ chớ mấy, mà chú phải trả giá quá đắt, một cái tát đến bùng lổ tai, đồng tiền đối với kẻ nghèo sao mà to tát quá. Hôm ấy, chú đạp xe đi thẫn thờ, miệng chẳng muốn rao...  

 Hôm nay chú cũng đi từ sáng đến trưa mà chẳng có đồng nào, chú nghĩ sắp đến ngày giỗ mẹ rồi mà tiền không có, không biết mẹ nó ở nhà có dành dụm được chút ít gì không? Nghĩ đến Mẹ lòng chú bỗng trào dâng một nỗi buồn thấm thía, mẹ chú lúc sanh tiền cũng nghèo khổ, Cha đi làm mướn quanh năm, trong nhà có ba đứa con, chẳng may người chị đầu bị đau rồi không có thuốc men đầy đủ đã bỏ mạng. Còn em chú bây giờ có chồng, có con, vợ chồng đi làm công nhân ở xí nghiệp gỗ, nhưng chỉ đủ sống.    

  Thuở ấy nhà nhà chưa có giếng riêng như bây giờ, phải dùng nước máy công cọng, mỗi sáng sớm trời còn mờ sương, cái lạnh mùa đông của thời tiết cao nguyên cắt da, cắt thịt, lạnh đến tê cả tay chân, mẹ chú đi gánh nước mướn cho các nhà xung quanh phố, có khi chú phải đi theo để hứng nước, vì nhà có hai đôi thùng, khi mẹ gánh nước đi thì chú phải ở lại hứng đôi nước khác, để mẹ gánh liên tục, rảnh máy cho người khác gánh. Nhớ lời nói của mẹ như còn ngân vang trong tìềm thức của chú không bao giờ tắt: “Những buổi sáng mùa đông, có khi gánh ba đôi nước rồi mà chưa ấm lên được chút nào” . Mẹ một đời vất vả, nuôi con khôn lớn, chú chưa bao giờ mua tặng mẹ một món quà, hoặc mua đem về cho mẹ được mười cân gạo, gọi là đóng góp một phần nhỏ gánh nặng của mẹ. Trong gia đình, nghĩ về mẹ lòng chú lại trào lên một mối thương cảm xót xa, hình ảnh của mẹ với đôi gánh nước trên vai còn chập chờn trong tâm trí chú. Có một lần, khi ấy chú khoảng mười  tuổi, đi học về thấy mẹ ngồi bệt bên gánh nước đổ tan hoang, thùng lăn mỗi nơi một cái, chân tay trầy sước, chảy máu, chú vội chạy đến đỡ mẹ dậy, mẹ chú phải đi cà nhắc một lúc lâu mới bình thường lại được, còn chú đi bên mẹ thút thít khóc…Khi được mười hai tuổi, cha mất, đôi vai của mẹ càng oằn thêm vì một mình phải gánh vác việc gia đình, lúc đó chú đi ở mướn cho một nhà buôn bán đồ điện, chú chỉ được sai vặt, suốt ngày bị sai như chong chóng, ở mướn kiếm cơm ăn chớ không có lương.      

Bấy giờ đã là mùa Đông, cái lạnh của thời tiết cao nguyên thật thấm thía, chú nhìn đâu đâu cũng thấy người ta đang chuẩn bị Lễ Giáng Sinh, áo quần đẹp, đồ ấm la liệt,chú nghĩ đến vợ con và gia đình, ngày thường cũng như ngày Tết, gia đình chú toàn mua đồ cũ để mặc, nghĩ mà tủi thân. Có một hôm chú đến mài dao, mài kéo cho một gia đình khá giả, người chủ nhà thấy thời tiết lạnh lẽo mà chú chắng có manh áo ấm nào, nên họ đã cho chú cái áo ấm còn rất tốt, chú để dành chẳng dám mặc nhưng trong lòng chú cứ xôn xao mãi một niềm vui. Chú suy nghĩ vẩn vơ đến một quán quen khi nào chẳng hay, đói bụng quá, chú mua gói mì tôm, xé ra ăn khô, rồi uống thật nhiều nước cho no bụng, chú ngồi chẳng bao lâu thì trời đổ mưa , sấm chớp liên hồi, trời mưa rất to, chú thấm lạnh, chú vào quán mua hai ngàn rượu trắng uống cho ấm bụng, rồi ngồi co ro một xó, nghe những người núp mưa tán gẫu. Có một người khoảng trạc bốn mươi tuổi, tay xách cặp, có vẻ sang trọng, hỏi hoàn cảnh của chú rồi hứa sẽ xin cho chú một chân bảo vệ  ở trường học, lương tháng khoảng hai triệu đồng. Lời nói ấy không biết kết quả ra sao, có thực hiện được không? Nhưng mà chú mừng rơn, một nỗi vui mừng cứ bập bùng trong tâm khảm chú, làm cho chú nôn nao cứ trông cho đến ngày mai, ngày mốt, để được biết kết quả (vì người ấy có cho địa chỉ và dặn đem giấy khai sinh cùng hộ khẩu để người ấy làm hồ sơ xin dùm). Mưa cứ kéo dài, kéo dài mãi, những người núp mưa lần lượt mỗi người mua một cái áo mưa ra đi, còn mình chú, cứ đắn đo suy nghĩ mãi, chú nghĩ có nên mua áo mưa không? Khi trong túi chỉ có bốn chục ngàn đồng. Người chủ quán là một chị trung niên, cũng thường biết mặt chú hay ghé quán, chị lấy cho chú mượn cái áo mưa đã cũ, chú nói:  

  - Tôi sợ ngày mai, ngày mốt tôi không đi qua đường này, rồi ở nhà lỡ mưa như chiều nay, chị không có áo mặc.  

 Chị chủ quán cười và nói: 

  -  Không sao đâu, nhà nhiều áo mưa mà, áo này đã cũ, thôi tặng anh luôn đó.  

   Chú cám ơn rối rít rồi mặc áo mưa lên xe đạp đi, trong khi trời đang mưa tầm tã, nhưng tâm tư chú đang phơi phới, với bao niềm hy vọng đang trải dài mênh mang... Chú tự vẽ ra cảnh mình sẽ thanh thản, sẽ đi lui, đi tới trong sân trường, săn sóc các luống hoa và nhìn nó lớn lên từng ngày, từng nụ hoa khoe sắc, mỗi buổi sáng chú sẽ ngắm cây, ngắm lá xanh non, đang lay động trong gió như chào đón chú, mỗi buổi chiều chú sẽ cầm ống nước tưới cây, tưới hoa. Mới nghĩ thôi mà lòng chú đã ngập tràn niềm vui, niềm phấn chấn  đang chấp chới trong lòng...  

   Sáng hôm sau có hai ba người đến quán, họ bàn tán xôn xao, một người thốt lên:  

 - Ông mài dao, mài kéo bị xe tông hồi nào mà nằm chết ở mé cầu ri, sáng nay lúc còn rất sớm, mấy người đi bộ thể dục mới phát hiện, chắc bị chiều hôm qua khi trời mưa to quá!  

  Một người nữa nói:  

 - Chắc khi bị nạn chưa chết, nhưng vì mưa to quá không ai biết để đưa đi cấp cứu, nên máu ra nhiều quá…  Một nỗi đau xót không thể diễn tả bằng lời. Chú Tư ra đi mang theo niềm hy vọng đổi đời, mang theo biết bao niềm vui vừa mới chớm nở trong tâm khảm...





VVM.27.12.2021

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
vietvanmoinewvietart007@gmail.com