N ăm nào gần ngày 20/11 hay những ngày cận Tết đám học trò cũ cũng tìm về trường chụp hình, quay phim post lên mạng. Bọn nhỏ kéo về theo từng lớp, từng khóa, mời thầy cô cũ cùng vào sinh hoạt, họp mặt, ôn lại bao chuyện vui buồn, bao kỉ niệm thời áo trắng sân trường. Có lần bọn nhỏ viết kịch bản, làm phim hẳn hoi rồi kéo cô giáo đi theo. Nào là lên bàn thờ “Sư đạo tôn” trên phòng truyền thống thắp nhang, nào là vào lớp học dựng lại một tiết học xưa, có học trò ngồi đầy bàn bên dưới, có thầy cô đứng trên bục giảng giảng bài, có gọi học sinh đứng lên ngồi xuống, thật vui. Rồi chúng lại kéo ra sân trường, nhờ vị thầy già dạy thể dục đứng làm giám khảo cho chúng chia phe kéo co, bên nào cũng kéo kịch liệt, té ngã lăn lóc trong tiếng cười giòn giả lấp đầy cả ngôi trường tỏa nắng, làm ấm lại từng dãy hành lang dài hun hút. Cuối kịch bản, bao giờ cũng là xúm xít bên nhau chụp hình lưu niệm. Cây phượng già ở góc sân, vỏm cửa tròn ở hai cổng ra vào luôn luôn là những góc ảnh được ưa thích, trân trọng nhất bởi đó là vẻ đẹp đặc trưng của ngôi trường bao lần gội rửa nước thời gian mà hơn trăm năm “Nước vẫn một dòng trong” này. Năm nay cơn dịch bệnh bùng lên, có thể chúng tôi không được gặp nhau trong ngày lễ này nhưng trong lòng tôi vẫn tràn đầy kỷ niệm với bao nỗi nhớ nhung, bồi hồi.
Cứ mỗi năm, khi từng cơn gió xuân vuốt ve trên tóc tôi lại về ngôi trường cũ, nơi tôi đã học tập, đã lớn lên và trở lại đứng trên bục giảng, nhìn xuống lớp đàn em bên dưới hơn ba mươi năm với bao nỗi cảm hoài. Bởi mái trường xưa cổ kính vừa mới được phục dựng vài năm nay. May mà trừ lớp sơn vàng rực trong nắng sớm, ngôi trường của thầy trò chúng tôi vẫn còn đâu đó nét thân quen. Mái vòm cổng tròn, hành lang xưa, cầu thang cũ và thênh thang mấy lớp sân trường… vẫn mái nhà xưa rộng cửa cho đàn chim nhỏ bay về. Mỗi năm một lần họp mặt đồng nghiệp cũ, học trò xưa vui mừng khôn xiết! Những ai còn, ai mất ngồi bên nhau nhắc nhỡ ngậm ngùi. Lại thấy lòng ngập tràn hạnh phúc, nước mắt rưng rưng tự hào khi cùng nhau xếp thành hàng dài đứng trên cầu thang gỗ nhìn xuống chen chúc học trò. Chợt nhận ra rằng dẫu đầu bạc đầu xanh xen lẫn, đội ngũ chúng tôi vẫn kéo dài, kéo dài không dứt như nắng kia vẫn lấp loáng trên sân trường, như những dòng chữ trắng trên khung nhỏ khắc tên thầy cô quá vãng cũng càng ngày dài ra và mái trường này đây dù mái ngói rêu phong, dù được phục dựng tươi mới vẫn hồn cốt đó, mãi mãi thanh xuân!
Mỗi ngày trên báo đài, trên các mạng xã hội, nhiều thông tin khiến những người từng một thời phấn trắng bảng đen như chúng tôi quay quắt, xót xa. Nào trò đánh chửi thầy, nào thầy cô bạo lực, bất công với học sinh.. Cả những trò buôn đen bán lận chữ nghĩa của những “Con sâu làm rầu nồi canh” cùng tiếng dè bỉu phỉ nhổ của dư luận quần chúng nữa. Cứ như nấm độc mọc lên mọc lên sau cơn mưa rào…Chẳng đau lòng, phẫn hận lắm sao! Thậm chí nhiều đồng nghiệp trẻ trước đây là học trò cũ của tôi một thời đan tâm nhiệt huyết theo nghề giờ cũng cố tình tìm mọi cách “Hưu non” với ý nghĩ vừa có quyền lợi, lại sớm thoát khỏi “Vòng kim cô” càng lúc càng nghiệt ngả! Ấy thế mà nhiều em tốt nghiệp xong, đơn xin còn chất chồng không một chỗ dạy. Nghĩ tới mà quặn thắt cả lòng! Chỗ đứng của người thầy, bục giảng thân yêu đã ngửa nghiêng đến vậy sao? Câu hỏi ném vào ai đây? Hay lại bắn vào chính mình qua từng đêm thao thức, suy tư?
Hôm nào đó một bạn đồng nghiệp cũ ghé nhà rủ vào trường. Đi, đi phát quà xuân cho học trò nghèo đi. Chợt nhớ ra, cái tháng sát Tết này hằng năm trường đều tổ chức “Cây mùa xuân” cho học sinh nghèo học giỏi. Đây là một truyền thống đẹp có từ mấy chục năm trước. Một cô giáo về hưu đã kêu gọi đám học trò cũ đóng góp giúp đàn em nghèo ăn Tết Lúc đầu quà Tết chỉ là bịt gạo, kí thịt, chục trứng phát tận tay. Sau phong trào mở rộng, thầy cô, học sinh trường đóng góp thành quỹ cây mùa xuân đến giờ. Cây Mùa Xuân! Cái tên đẹp làm sao! Ấm lòng người biết mấy! Cứ nghĩ về những điều tốt xấu lẫn lộn này lại thấy lòng mình cũng chao đảo ngửa nghiêng. Một thưở thanh xuân trong sáng của tôi, bao bạn đồng nghiệp tôi một thời bụng đói chân run kiên cường đứng trên bục giảng giờ có ngậm ngùi, xót xa vì sự xuống dốc của giá trị người thầy?
Vừa hết những ngày giản cách,tôi lại vào trường, lên phòng truyền thống thắp một cây nhang trước bàn thờ SƯ ĐẠO TÔN, hình bóng thầy cô cũ như thấp thoáng trên từng khung chữ trắng. Ừ, sao tôi có thể quên! Trường lớp có sóng gió, bục giảng có ngửa nghiêng, những con sâu có làm rầu nồi canh…Vẫn còn đó thầy trò tôi mỗi năm một lần họp mặt, còn đó những đồng nghiệp tôi vững vàng đi về dưới mái trường xưa một lòng dạy chữ, dạy người.
Bởi vì..đi qua cuộc bể dâu, chắc chắn vẫn còn lại đâu đó một niềm tin!