N gười ta thường bảo: “Đã là văn nghệ sỹ, nhà phát minh thì đa phần đều biết uống rượu”. Ngẫm ra cũng đúng. Mấy ông thầy của chúng tôi như thầy Sử học Trần Quốc Vượng, thầy Giải phẫu Nhân học Nguyễn Quang Quyền, thầy Dân tộc học Từ Chi và các bậc nghệ sỹ như nhà thơ Hoàng Trung Thông, ca sỹ Quang Thọ, nhạc sỹ Ca Lê Thuần...đều là những người biết uống rượu và hay rượu. Ông anh vong niên của vợ chồng tôi là nhạc sỹ Huy Du cũng là người hay rượu. Tôi có nhiều lần được hầu rượu ông anh nhưng chưa thấy anh say bét nhè bao giờ. Nói như vậy không có nghĩa là cứ anh nào uống rượu thì mới là nghệ sỹ, là nhà khoa học, cũng không phải để biện hộ cho cái “thói xấu” thích bia, thích rượu của chính tôi. Tôi chỉ muốn kể một vài kỉ niệm về rượu của tôi với anh Huy Du.
Từng tham gia Thanh niên Cứu quốc từ năm 1944, vào bộ đội từ năm 1945 và cả đời theo suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, bảo vệ biên cương, hải đảo, xây dựng tình yêu hòa bình, hữu nghị giữa các dân tộc bằng vũ khí âm nhạc, anh Huy Du đã để lại cho đời biết bao bài ca mà tôi tin rằng sẽ đi cùng năm tháng với dân tộc Việt Nam.
Thưởng “quý tửu Trung Hoa”
Nhớ một sáng chủ nhật năm ấy, anh Du nhắn vợ chồng tôi đến chơi. Chẳng là có bạn thân bên Trung Quốc gửi tặng một chai rượu quý (anh Huy Du nguyên là Phó chủ tịch Hội hữu nghị Việt Trung).
Chai rượu thật cầu kì được nặn bằng gốm và nung cao lửa có màu sành rất sang trọng được đặt trong hộp nhung quý. Anh bảo tôi mở rượu. Trông cái nút chai lạ quá, tôi chưa từng thấy bao giờ. Loay hoay một lúc rồi cũng mở ra được. Anh rót cho tôi một ly và anh em cùng nhâm nhi thưởng thức cái hương vị lạ lùng của thứ rượu quý mà tôi và anh cũng chưa từng uống bao giờ. Cái hương vị của những tấm lòng bạn bè chân thành.
Anh kể lại đôi kỉ niệm đẹp về những người thầy, người bạn ở Nhạc Viện Bắc Kinh trong thời gian anh còn đang học ở đó (1956-1962)…
Trong tôi lại vang lên những lời ca mượt mà của tình hữu nghị giữa hai dân tộc đã sát cánh cùng nhau, sống hòa thuận bên nhau, núi liền núi sông liền sông trong những năm tháng gian khổ cùng chống kẻ thù chung. Những hàng Mộc miên là thứ cây từ bao đời xưa dân Việt vẫn trồng như những cột mốc của biên giới, xóm thôn. Tuy ngăn cách không gian nhưng không ngăn được tình người. “Hồng Hà ơi! Dương Tử ơi! Đôi ta mang mối tình trong trắng. Đem theo phù sa tới bốn phương trời”… Mối tình “theo thời gian ngân mãi trong lòng ta”. Những kỉ niệm đẹp của một thời mà ai nấy trải qua đều vô cùng trân trọng.
Nghe anh kể, tôi càng thấm thía cái tình yêu nhân loại giữa những con người thuộc các dân tộc khác nhau. Dù ở nước nào, dù làm nghề gì, công nhân, nông dân hay nghệ sỹ đều là những người yêu chuộng hòa bình, yêu thương nhau và mong muốn sống trong hòa bình, hữu nghị lâu dài.
Như trong bài hát mà anh đã viết năm 1949 khi đang ốm nằm trên nhà sàn cùng nhà văn Mai Ngữ, trong lúc giặc Pháp đang đổ bộ lên nhiều vùng đồng bằng ở liên khu ba. Bài hát thể hiện lòng mong ước sao cho nhân loại trên thế gian này luôn yêu thương nhau, yêu hòa bình, yêu độc lập tự do bất kể là dân tộc nào trên trái đất này.
Anh nhẩm lại lời bài hát mà ngày mới hòa bình lập lại năm 1954, lũ trẻ chúng tôi ở Hà Nội đứa nào cũng thuộc. Lời bài hát lặp lại giai điệu ngắn dễ nhớ, có những câu:
“Tôi yêu hòa bình như đôi chim xanh ríu rít ca bình minh…
Tôi yêu quê nhà sức sống chan hòa như nước sông Hồng
Hà …
Tôi yêu hòa bình, yêu sông Von Ga xanh biếc chân trời xa…
Tôi yêu hòa bình như bao thanh niên anh dũng đất Triều Tiên…
Tôi yêu hòa bình, tôi yêu nhân dân thắm thiết như mùa xuân…”
Báu vật từ Bạch Long Vĩ
Bẵng đi một thời gian, làm nghề khảo cổ bôn ba khắp nơi, tôi ít có thời gian ở nhà. Lần này, chị Nhung vợ anh Du lại nhắn vợ chồng tôi đến chơi. Lúc này, anh Du sức khỏe không tốt. Tuy bị căn bệnh ung thư hiểm nghèo hành hạ phải điều trị truyền hóa chất mấy đợt, anh vẫn vui cười với cuộc sống, vẫn xuất hiện giao lưu với công chúng, trò chuyện với bè bạn và những người yêu âm nhạc của anh một cách vô tư và yêu đời. Lần này, anh không uống được rượu nữa vì đang phục thuốc.
Vào buồng lấy ra bình rượu quý do Huyện đảo Bạch Long Vĩ đem từ đảo xa về biếu anh để bồi bổ sức khỏe. Anh bảo: “Lẽ ra anh em mình cùng uống để nhớ tấm lòng của bà con, anh em đồng đội nhớ đến mình, nhớ đến những ngày vật lộn nơi đầu sóng ngọn gió năm xưa. Tớ tặng cậu để rủ anh em cùng uống”.
Ôm bình rượu bào ngư anh cho mà lòng tôi đau nhói. Đời tôi đã bao lần đau khi ngồi với bè bạn để chia tay người đã ra đi. Cái buổi trưa hôm ấy, thầy trò chúng tôi, cụ Trần Quốc Vượng cùng lũ trò của thầy Vượng, thầy Quyền cùng ngồi bên gốc sấu Tăng Bạt Hổ, bia rót tràn ly mà không ai buồn uống khi nghe tin thầy Quyền vừa bị tai nạn qua đời. Khóc bạn, thầy Vượng đập tan ly bia vào gốc sấu già như gửi nỗi tiếc thương cho người bạn thân ở phương nam xa vời! Rượu rót ra rồi ai uống đây?
Rồi lại đến lượt lũ chúng tôi thần người bên bàn rượu mà nước mắt nhòe mi, nuốt đau vào lòng khi thầy Vượng qua đời.
Lần này ôm bình rượu mà lòng buồn mênh mang dầu rằng anh Du của chúng tôi vẫn ngồi trước mặt, vẫn thản nhiên trước định mệnh, thản nhiên và vô tư sống những giây phút cuối cùng mà biết rằng thế nào cũng sẽ ra đi ngày một ngày hai.
Anh kể lại cho tôi nghe những ngày vật lộn với bom đạn giặc Mỹ trên đảo xa Bạch Long Vĩ suốt mấy tháng trời cùng đoàn văn công và đoàn làm phim tư liệu ra công tác, phục vụ đồng bào và chiến sỹ trên hải đảo. Kể về những giây phút hoàng hôn yên lành khi tạm dứt tiếng bom, một mình lang thang quanh mép nước bốn bề sóng vỗ dạt dào, gặp những chàng trai lưng trần lặn mò bào ngư, gặp những cô gái reo mừng khi đoàn văn công đến bên những rặng cây trúc anh đào xanh thắm. Những phút giặc trút bom đạn khói lửa mịt mù… Và trong lửa bom, anh sáng tác những bài ca đầy tình yêu thương biển đảo, yêu thương con người, yêu thương từng mảnh đất, hòn đảo nhỏ xa xôi hiên ngang đứng trên đầu sóng ngọn gió của tổ quốc ta.
Bạch Long Vĩ đảo quê hương!
Em đứng trên biển đông.
Thôn xanh Phù Thủy Châu
Mênh mông sóng bạc đầu.
Gió rì rào năm tháng
Bạch Long Vĩ đảo quê hương
Sóng vỗ bao tình thương, gió mang đi ngàn phương
Quê hương “đuôi rồng trắng”
Quê hương của hải bào.
Tiếng hát em vang trời cao.
Bạch Long Vĩ đảo quê ơi!
Nghe sóng xô biển khơi
Thôn xưa nhiều khổ đau
Nay cao lương đẹp mầu
Trúc anh đào xanh thắm
Bạch Long Vĩ đảo quê ơi!
Nắng mưa trên đồi cây
Súng em không rời tay
Quê hương ta gửi gấm canh cho yên biển dài.
Tiếng hát em ngân càng cao.
Từ tháng tám mùa thu nghe tiếng mẹ ru.
Sớm nắng chiều mưa
Tiếng hát tuổi thơ, tiếng hát ngày xưa
Bao đời ngân vang.
Bão táp không sờn, nắng cháy mưa dầm
Vẫn chung một lòng giữ đảo quê hương.
Thiết tha tình thương tháng năm bừng lên
Trăng treo đầu súng lung linh biển trời
Tổ Quốc đang mong chờ.
Bạch Long Vĩ đảo quê hương
Em đứng trên biển đông
Thôn xanh Phù Thủy Châu
Mênh mông trời sóng bạc đầu
Gió rì rào năm tháng
Bạch Long Vĩ đảo quê hương
Sóng vỗ bao tình thương, gió mang đi ngàn phương
Quê hương ta gửi gấm
Quê hương của hải bào
Tiếng hát em ngân càng cao.
(Bạch Long Vĩ đảo quê hương, sáng tác tại Bạch Long Vĩ năm 1965)
Anh Du đã ra đi vào một ngày cuối năm 2007. Tôi ở xa không về tiễn anh “lên đỉnh Trường Sơn và bay vút lên trời cao” để gặp hiền nhân. Ngày về lại Hà Nội, ngậm ngùi thắp nén hương lên mộ anh, nước mắt dàn dụa. Tôi định đến ngày giỗ anh, trước đông đủ bè bạn sẽ xin thay mặt anh mời anh em cùng nâng ly uống chén rượu tiễn biệt từ đảo xa mà tôi gìn giữ bấy lâu. Ý định như vậy nhưng chẳng ai đồng tình.
Anh em bảo “rượu rót ra mà không có anh Du thì uống làm gì?”
Có người nêu ý kiến: “hay đem bán đấu giá lấy tiền giúp bà con nghèo mắc bệnh nan y?”. Tôi không quen chuyện mua bán nên cũng chẳng muốn làm thế.
Có ông bạn thân mới được bổ nhiệm làm giám đốc Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam đang vận động giới khoa học và nhân dân gửi hiện vật quý đến để xây dựng kho hiện vật và trưng bày trong bảo tàng. Tôi nhiệt liệt hưởng ứng.
Bình rượu ngâm bào ngư Bạch Long Vĩ anh Du tặng nên để trang trọng trong Bảo tàng. Đó vừa là mẫu tài nguyên quý giá của biển đảo chúng ta, vừa là cái tình của nhân dân biển đảo đối với người nhạc sỹ có một trái tim yêu hòa bình, trọng tình hữu nghị giữa các dân tộc. Một chiến sỹ cống hiến cả đời mình cho cuộc đấu tranh giành độc lập, thống nhất toàn vẹn cho tổ quốc.
Tiếc thay, cái quyết định thành lập và xây dựng Bảo tàng Tự nhiên Quốc gia Việt Nam đã có hàng chục năm nay nhưng xin năm lần bẩy lượt người ta vẫn chưa cấp đất xây dựng trong khi biết bao công trình tâm linh hoành tráng và tốn kém thì đã mọc lên khắp nơi.
Tôi thành kính gìn giữ báu vật vô giá chờ đến ngày dâng hiến cho Bảo Tàng để lưu giữ cho khoa học và cho muôn đời sau.
Biết đến bao giờ?