Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      


CÔ BÉ HAY NHẶT HOA NHÀI




C húng tôi dọn về căn nhà này ngày hôm trước, thì ngay chiều hôm sau, có một cháu gái khoảng mười lăm, mười sáu tuổi xuất hiện trước cửa, lúc tôi đang sắp xếp đồ đạc ở phòng khách. Nghe tiếng động, tôi nhìn ra và mắt tôi như bị hút vào khuôn mặt thánh thiện của cô bé. Với bộ điệu rụt rè, cháu cho biết nhà mình ở phía sau, gia đình có nuôi heo…Tôi hiểu ngay. Thêm nữa thấy cháu có vẻ lúng túng quá nên thương và vội đỡ lời: “Được. Nhưng chắc cũng phải vài hôm nữa, cô mới chợ búa cơm nước. Giờ bận lo dọn dẹp, cứ ăn cơm bụi cho tiện đã”. Cô bé lí nhí câu gì đó trong miệng. Chắc là cám ơn. Lời thì chẳng nghe mà chỉ thấy cái xô cháu cầm, cứ được chuyển từ tay này sang tay khác. Cái xô chắc chưa có thức ăn cho heo, nên hẳn nhẹ. Bởi nhẹ thì mới chuyển được như thế chứ nặng có mà…Trông cháu bối rối mới đáng yêu làm sao! Và tôi nhận ra mình có cảm tình với cô bé này, dù mới gặp lần đầu. Nhưng không hề nghĩ, từ lúc đó, cô bé đã thật sự bước vào cuộc đời của tôi với biết bao là thân thương và gắn bó.

Mẹ cháu là Ngọc Anh. Tên một loài hoa trắng và hương chỉ…lãng đãng. Bố bảo bởi thế nên ở giữa đám đông, mẹ cứ hay bị lẫn vào và luôn nhoà lấp. Nhưng bố vẫn nhận ra và bắt gặp được một nửa của đời mình. Thế là yêu và cưới. Thế là có Anh Chi. Cháu vẫn hay phụng phịu: “Sao bố mẹ không đặt tên cho nó có ý nghĩa ấy. Chứ Anh Chi, Anh Chi…Con chả thích…”. Nghe. Bố nhìn mẹ tủm tỉm cười. Nghe. Mẹ quay đi hướng khác. Vẫn là cười. Có điều hết sức…bâng quơ. Không phải tên của Anh Chi không đẹp nhưng nó làm sao ấy. Cái chữ lót là “Anh” làm người ta dễ tưởng là con trai. Giả dụ như anh Hoàng, anh Khương, anh Phước gì đấy mà. Bởi đó mấy tên đực rựa trong lớp cháu mới có căn cớ, để hở một tị là: “thằng Chi”, “thằng Chi”. Nghe. Tức chết đi được. Người ta con gái như thế này mà dám mở mồm ra trêu tỉnh queo như vậy, mà nào có phải là trêu một lần, để còn nín – nhịn được. Đây cứ trêu mãi, trêu mãi…

Anh Chi luôn đi lấy nước cơm vào buổi chiều, cỡ ba giờ. Cháu thường bắt đầu ở một nhà nào đó và luôn kết thúc ở nhà tôi. Cháu ý tứ lắm. Luôn để cái xô có nắp đậy ngoài đường luồng và bưng thức ăn trong nhà ra đổ, để tránh mùi hôi và gạch sàn khỏi bẩn. Tôi thường bảo cháu ở lại. Hình như cháu cũng chỉ chờ có thế và không mấy khi chối từ. Cháu rửa tay sạch, rồi mới ra kệ xếp báo, chọn lấy một tờ và cắm cúi đọc. Gặp lúc chồng tôi chơi đàn, cháu ngồi nghe mê mãi. Cũng có khi cháu ngồi trước chồng CD, mân mê hết cái này sang cái khác. Có hôm cháu hỏi: “Cô chú có vẻ thích nhạc hoà tấu nhỉ?”.

Bố cháu mê nhạc không lời lắm. Bố bảo nghe loại này mình có thể đẩy trí tưởng tượng đi…lung tung. Có thể thấy biển từ một gợn sóng nhỏ. Có thể hiểu được sự phẫn nộ, từ những âm thanh hung bạo. Có thể nhận ra tiếng gió lùa trên những hàng cây, bởi những tiếng động lô xô…Có thể…Bố đang nói say sưa, thì mẹ đi đến, ngồi cạnh hai bố con và cướp lời: “Có thể thấy được ánh lửa từ một nồi canh chưa nấu và có thể nhận ra được thảm cỏ mượt xanh, từ những bó rau chưa nhặt. Và có thể…”. Thế là bố nhún vai, đứng dậy ngay, không quên nói vội: “Một lối nhờ vả kỳ diệu không đến từ nhạc không lời nhưng đến từ…ngôn ngữ”. Nhưng phải công nhận nhờ mẹ mà ngay tức khắc bữa cơm đựơc làm xong. Thì mỗi người một tay. Bố chỉ thích nhặt rau. Mẹ ưa ngồi bếp. Còn các việc vặt vãnh khác không phải là của Anh Chi thì còn của ai vào đây đã chứ!

Cả đêm qua, tôi không sao chợp mắt được vì câu chuyện với bà hàng xóm vào lúc tối. Mùa hè. Trời nóng nực, khó chịu. Như thường lệ tôi đem hai cái ghế mây ra trước cửa để ngồi với chồng. Ngoài hiên, may ra thoáng mát được chút nào chăng, chứ trong nhà có mà phát ngốt lên vì oi bức. Mong quá một cơn mưa cả tuần nay mà chưa thấy. Đang định ới lên một tiếng “anh”, mới chợt nhớ ra chồng tôi tối nay vắng nhà. Anh ấy về quê từ lúc sáng, mai mới vào. Đang nghĩ ngợi vẩn vơ thì nghe tiếng của bác Thanh, nhà ở sát cạnh :

- Cô ngồi có một mình à? Thế chú đâu? Mọi tối vẫn thấy cả đôi. Khiếp! Ít có cặp nào khăng khít được như cô chú ở cái xóm này đâu nhé!

- Bác cứ bảo thế, chứ chúng em thì có khác gì mọi người. Nhà em về quê. Mời bác vào chơi đã…

- Không có chú thì may ra tôi mới được thế chỗ đấy nhỉ? Tôi thấy cô chú có vẻ gần gũi với cháu Chi, con bé nhà Ngọc Anh ở phía sau?

- Vâng ạ! Anh Chi ngày nào mà chả vào nhà em lấy nước cơm. Được cái cháu nó ngoan, nên chúng em quý…

- Ối giời! Đến lúc này mới ngoan đấy. Chứ trước á? Kiêu thì có…

- Sao bác nói thế…?

- Cô mới đến không biết, chứ chúng tôi ở đây thì còn lạ gì.

- Bác…Bác cứ…

- Đã đến nước mẹ một xô xóm trên, con một xô xóm dưới. Chiều nào cũng rạc người ra vì mấy cái thứ thức ăn thừa. Rồi còn rạc người ra vì một bầy heo nó quần cho. Rồi lại rạc người ra vì thiếu ăn. Vì trả nợ. Vì thăm nuôi ông chồng đi tù bởi ăn cướp tiền của dân, của nước… Có muốn kiêu cũng đành chịu. Chứ cái ngữ “con ông cháu cha” ấy chẳng phải như chúng mình đâu, cô ơi!

- Thôi! Bác ạ! Chuyện của người khác. Mình đã chắc gì rõ hết mọi sự. Thế hồi trước bố mẹ Anh Chi cũng ở đây?

- Cũng gần đấy. Nhà hồi trước ở chẳng khác gì biệt thự đâu nhé! Thì cô cứ con đường này, đi ra tới biển, thấy ngôi nhà nào to nhất, đẹp nhất là nhà của con bé Chi hồi trước đấy. Giờ đã có gia đình khác ở. Mẹ con nó qua xóm này, kiếm đỡ chỗ chui ra, chui vào. Rồi thấy cả xóm nuôi heo, cũng mua lấy một đôi về chăm bẳm. Nhắm được nên cơi nới chuồng trại thêm. Giờ cả bầy. Kể ra thì cũng tội. Cũng là dân ăn trắng mặc trơn, sướng từ trong trứng nước vậy mà khổ nhọc đến thân vẫn đâu từ. Chịu khó ít ai bằng. Heo nhà ấy, cứ gọi là nhất xóm, dân lái thích mua lắm.

Bố cháu rất thích uống trà ướp hoa nhài. Bố bảo hương hoa nhài không đậm mà cũng chẳng thoảng. Vừa phải nên dễ chịu. Đã thế hoa nhài lại không kén trà. Trà ngon ướp nhài sẽ trội thêm rất nhiều lần cái ngon. Trà dở, nhài sẽ giúp cho trà được ngon. Nhà cháu ngày trước cũng có mấy gốc. Trồng dưới đất hẳn hoi chứ chẳng phải trồng trong chậu như cô chú thế này đâu. Mà cũng phải. Nhà cô chú chỉ có mỗi cái giếng trời be bé, lấy đâu ra khoảng rộng. Trồng ở ngoài, cây mau lớn và có nhiều hoa lắm. Hoa rơi đầy sân. Hai bố con cháu, chiều nào cũng ra nhặt. Hoa nhẹ lắm cô ạ! Gặp phải gió là bay lả tả. Bay chán thì lại rớt xuống đâu đấy, khiến cả khu vườn nhà cháu trắng xóa. Có hôm hai bố con đứng trên thềm nhìn cảnh ấy. Bắt sững cả người ra vì quá đẹp. Bố bảo hoa bé quá chứ lớn hơn sẽ giống những bông tuyết ở Nga. Bố cháu đã từng đi học ở Nga. Sách văn học của Nga, nhà cháu nhiều vô kể. Bố bảo chỉ thích sống cả đời với Ngọc Anh và Anh Chi của bố. Và cả nữa với nhạc không lời, truyện ngắn của Nga và uống trà ướp hoa nhài. Sao bố cháu lại có thể như thế nhỉ? Sao một người tốt với gia đình như bố cháu lại có thể?..Nhưng sau tất cả mọi chuyện, cháu vẫn rất yêu bố. Nghe ra còn yêu bố hơn. Cô cho cháu những bông hoa nhài rụng này nhé! Giá như được nhiều hơn cô nhỉ? Để cháu thử ướp trà cho bố uống. Cháu đã thấy bố làm nhiều lần rồi mà. Cháu cũng có thể bắt chước…Chắc bố cháu sẽ rất ngạc nhiên. Bố không thể ngờ con gái bố khéo đến thế. Cũng sắp tới đợt mẹ con cháu đi thăm bố rồi.

Chồng tôi nói tôi bị…làm sao ấy, khi đi mua thêm một chậu hoa nhài nữa. Cái giếng trời là một khoảnh đất nhỏ bằng cái bàn tay, người chủ cũ đã cố tình làm, để cho phòng dưới bớt ngột ngạt, bít bùng. Có một tí đấy mà nào là mấy giò lan, vài ba chậu kiểng, đã một gốc nhài lại còn thêm một gốc nữa, thì: “Thẩm mỹ của em ở đâu nhỉ? Đã chật thêm mà lại còn xấu hẳn cái không gian ấy đi nữa”. Tôi cũng biết thế chứ! Nhưng nghĩ có đến hai gốc nhài, dù hoa không đủ để rơi trắng cả khoảng đất hẹp, nơi cái giếng trời nhà tôi nhưng vẫn đủ, chắc là vậy, để Anh Chi ướp trà cho bố. Bây giờ vào mỗi buổi chiều, sau khi đi xách nước cơm ở những nơi khác, Anh Chi đến nhà chúng tôi với những nỗi vui không hề biết dấu che và tôi cũng chẳng muốn đậy điệm làm gì những yêu thương ngập lòng, mỗi lúc đăm đắm nhìn Anh Chi cúi mình lom khom trên nền đất, nhặt nhạnh từng cánh hoa rơi. Cái hình ảnh ấy sao mà quá đẹp.

Trước đây lúc bố cháu còn ở nhà, thì cháu gần gũi với bố hơn còn bây giờ cháu lại thân thiết với mẹ. Mẹ bảo hồi mới để ý đến mẹ, bố tìm hiểu và biết mẹ thích đọc truyện ngắn của Đinh Tiến Luyện. Nhà bà ngoại mở “pharmacie” và mẹ luôn phải trông hàng cho nhà, vào lúc trưa. Thế là mười trưa như một, bố tới, đặt lên quầy một quyển truyện nào đó của Đinh Tiến Luyện và mua một vỉ thuốc vớ vẩn như cảm, ho, nhức đầu…Mọi chuyện bắt đầu từ buổi trưa bố tới, với “Anh Chi yêu dấu”. Mẹ rất thích quyển này nhưng lại chưa có. Thế là bố cho mượn với một lá thư nhỏ kẹp bên trong. Mẹ trả sách. Cũng thế. Cũng với một lá thư nhỏ. Và bắt đầu cho một thời kỳ dài “Anh Chi yêu dấu” được truyền qua, truyền lại. Để rồi Anh Chi hoá thành kỷ niệm. Trở nên một dấu ấn khó phai mờ trong cuộc tình của bố mẹ. Ngày ấy bố mẹ đã mơ ước đến lúc lấy nhau, sẽ có bé gái để được đăt tên là :Anh Chi. Đấy, đại loại những chuyện mẹ hay kể cho cháu nghe là như thế. Đều liên quan đến bố: những yêu thương, hờn giận, những thói quen, cách nghĩ, lối sống và thật nhiều. Rất nhiều là kỷ niệm. Cũng như cháu, mẹ luôn tin bố là một người tốt. Có thể vì một cái gì đó khiến bố bị sa ngã, cám dỗ…và bố phải trả giá cho những lầm lạc của mình, bằng những năm tháng tù tội. Giai đoạn này rồi sẽ đi qua nhưng liệu bố cháu có còn giữ được mình, có thể tồn tại, đứng vững và vươn lên, sau những thử thách này chăng???. “Cái chính là bố thôi, còn mẹ con mình có lúc nào mà không luôn ở bên bố, hỗ trợ cho bố hết mình”. Mẹ luôn nói với cháu câu ấy, sau những nhắc nhở và nghĩ suy về bố. “Cô thấy mẹ cháu đúng chứ?. Mẹ cháu, biết nói với cô như thế nào về mẹ cháu nhỉ? Đúng như bố cháu hay đùa mẹ là Ngọc Anh, một loài hoa trắng ngát và hương chỉ… lãng đãng, luôn lẫn vào đám đông nên hay bị nhoà lấp. Chỉ riêng với bố con cháu, mẹ rất là nổi trội. Mẹ là duy nhất và mẹ trên cả sự tuyệt vời”.

Vừa thấy người phụ nữ ấy, tôi đã biết ngay chị là mẹ của Anh Chi. Chị lấy nước cơm thay cho con gái. Nó được nhà trường cho đi tham quan ĐàLạt, vì là học sinh giỏi niên khóa vừa rồi. Chị mang sang biếu tôi một ít trà, Anh Chi ướp thử lần đầu. Chị hơi bối rối, khi nói: “Tôi đã pha một bình, uống cũng được, chỉ phải cái anh trà gốc hơi …yếu nhưng bố cháu ở trong ấy, có thứ này uống đã là tốt lắm rồi”. Chị cho biết Anh Chi rất bướng. Cái gì người khác làm được, thì mình cũng phải làm bằng được mới chịu. Rất thương bố và biết thông cảm. Cũng rất hiểu mẹ và sẳn sàng chia sẻ. Chị ngậm ngùi: “Bố cháu bị như thế đã hai năm, lúc Anh Chi đang chuẩn bị thi tốt nghiệp cấp hai. Cháu nó bị “sốc” dữ lắm. Cái dễ sợ nhất vẫn là miệng tiếng đầy ác ý của người đời. Anh Chi phải đến trường, ra phố, đi bơi…Phải gặp gỡ, đối diện, phải hứng chịu…Phải… Tất cả…Tôi đã nghĩ là nó gục, thế mà không ngờ người quỵ ngã lại là tôi. Chính cháu đã vực tôi dậy, đã thay bố cáng đáng mọi chuyện trong nhà như một thằng con trai, mà phải như cháu lớn lao gì cho cam. Mới có mười sáu, mười bảy tuổi. Cháu nó đâu có chịu đi Đà Lạt. Bảo: “Nhà mình nhiều việc lắm, không làm sao một mình mẹ xoay trở hết. Con không yên tâm”. May sao có dì cháu dạy trên Gia Lai, nghỉ hè về thăm, thế là cháu mới dám vắng nhà. Có dì nó, tôi cũng được đỡ đần cho hằng bao nhiêu là việc. Dì cháu làm tất chẳng nề hà nhưng xách xô đi lấy nước cơm, thì…Nghĩ đến việc này mà thương Anh Chi hơn. Quá thương bố mẹ và lo cho kinh tế của gia đình, nên nào dám xấu hổ, ngại ngần…Chứ cháu hãy còn chúng bạn, lại đang tuổi mới lớn sao không khỏi thẹn thò!”.

Chiều ấy mẹ Anh Chi về đã lâu mà tôi vẫn còn bần thần mãi. Rồi cả buổi tối hôm ấy, đêm ấy. Khuya. Tôi ngồi rất lâu nơi cái giếng trời nhà mình. Lại bần thần. Lại nghe rất nhiều nỗi niềm. Vì sao đây chứ? Có thể vì những gì mà người phụ nữ ấy đã kể về con gái của mình. Có thể là sự cảm phục, những yêu thương dành cho Anh Chi. Có thể vì những cánh hoa nhài, rớt đầy nơi đây, đã một ngày qua mà không có ai đến nhặt.





VVM.14.12.2021

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
vietvanmoinewvietart007@gmail.com