Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
         



NHỮNG NGƯỜI THẦY ĐÁNG KÍNH




C uộc đời một con người, từ khi bắt đầu cắp sách đến trường, học những vần vỡ lòng đầu tiên, rồi qua các cấp học, vào Đại học, có khi còn cao hơn nữa; Đã trải qua bao nhiêu trường, lớp, bao nhiêu là thầy, cô dạy dỗ. Chắc chắn ai cũng có những ấn tượng, những kỷ niệm đẹp về thầy cô. Với tôi, có lẽ những điều đó ghi dấu ấn đậm nhất là vào hồi học cấp III ( lớp 8, 9, 10 hệ mười năm ).

Khi tôi học lớp 8, Thầy Nguyễn Cương dạy môn Sinh Vật. Lúc dó, chúng tôi là những đứa trẻ đang lớn, khi học bài “ Giải phẫu sinh lý người” đều muốn tìm hiểu sâu về cơ thể con người. Được Thầy cho phép, chúng tôi đã hỏi rất nhiều câu hỏi và thầy đã giải đáp khá tỉ mỉ cho chúng tôi; Thầy bảo thầy đã phải tham khảo thêm rất nhiều sách báo. Khi chúng tôi lên lớp 9, thầy chuyển sang dạy môn Hoá Học. Thầy dạy hay nên chúng tôi học say mê. Riêng có mấy bạn sợ môn này nên khá lơ là học tập. Thế là mỗi khi giảng bài, ngoài việc thầy nói rất to:

- Đấy! nó có hiểu gì không nhỉ?

Cả lớp đồng thanh đáp lại:

- Có ạ !

Thầy lại quay sang hỏi:

- Minh Quý, Minh Sương, Đinh Sa, Đông Pha… có hiểu gì không?

Đây như là một câu “:khẩu hiệu” thầy “hô” thường xuyên, quả là có tác dụng. Mấy bạn học kém môn Hoá đã chăm chỉ hơn, dần dần đạt được điểm trung bình trở lên. Sau này vài bạn trong số đó đi học Đại Học Sư Phạm và trở thành giáo viên dạy Hoá!

Tôi không rõ thầy Nguyễn Cương bao nhiêu tuổi, nhưng trông thầy già nhất trong số giáo viên nhà trường, có lẽ phải ngoài 60 tuổi ( lúc đó rất thiếu giáo viên và chế độ hưu trí chưa chặt chẽ như bây giờ ). Tuổi cao, lại giảng dạy suốt mấy chục năm, nhưng giọng thầy vẫn sang sảng. Thầy bảo nhờ thầy tập thể dục thường xuyên rèn luyện thân thể nên có sức khoẻ rất tốt. Giọng thầy giảng đã to, thỉnh thoảng thầy lại quát:

- Đấy! nó có hiểu gì không nhỉ?

Làm những bạn đang mơ màng thiếu tập trung và những bạn đang rì rầm nói chuyện riêng giật bắn mình, phải chú ý nghe Thầy giảng. Quả là một phương pháp sư phạm độc đáo!

Đến cuối lớp 9, một hôm Thầy đang giảng bài, chúng tôi thấy thầy giọng trầm hẳn xuống:

- Sang năm thầy được giao một nhiệm vụ nặng nề, không biết thầy có hoàn thành được không…

Chúng tôi ai cũng tưởng thầy chuyển đi trường khác nên tranh nhau hỏi, thầy chậm rãi trả lời:

- Sang năm các em sẽ biết!

Chúng tôi đều hồi hộp chờ đến “sang năm”. Hoá ra Thầy được phân công theo chúng tôi dạy Hoá Học lớp 10. Một việc tưởng như đương nhiên mà thầy lại lo lắng đến thế!

Hoá học lớp 10 có phần hoá hữu cơ rất khó. Từng dãy công thức dài rồi lại “đồng đẳng”, “đồng phân”…thế mà chúng tôi thấy Thầy chẳng cần nhìn sách, vừa liên tục viết ra, vừa giảng cho chúng tôi…


Suốt những năm cấp III, thầy Thung là giáo viên Thể Dục dạy môn thể dục cho chúng tôi. Đây là một “môn phụ” nhưng chúng tôi không ai dám coi thường vì thầy rất nghiêm khắc. Thầy cũng vào hàng nhiều tuổi, nhưng Thầy có một cơ thể lực sĩ rất đẹp, đúng là con nhà Thể Thao. Chúng tôi đứa nào cũng khoái ngắm nhìn khi Thầy cởi trần. Ngoài việc dạy chúng tôi các môn thể dục thể thao rất tận tuy, Thầy còn rèn cho chúng tôi từ cách đi đứng và lời ăn tiếng nói. Thầy dậy bảo chúng tôi như một người cha. Thầy có uy tín lớn ở Sở thể dục thể thao nên Thầy xin cho chúng tôi, thay vì đi lao động, được vào sân Hàng Đẫy lúc ấy mới được xây dựng xong rất đẹp và hiện đại, làm các việc soát vé, hướng dẫn và một số việc lặt vặt khác. Thế là không có trận thi đấu bóng đá, bóng chuyền…nào chúng tôi không được vào. Lại còn sung sướng nằm trên thảm cỏ rất êm của mặt sân…

Vào những năm đầu của thập niên 60, người có học vị cao ở nước ta chỉ đếm trên đầu ngón tay, Nhưng thầy Vũ Bình dạy toán chúng tôi lại là một trong số người đó. Thầy là phó tiến sĩ Toán L‎ý. Thầy không cho chúng tôi biết, nhưng qua 1 số báo, tạp chí và qua các thầy cô của trường chúng tôi mới được biết. Rất nhiều trường Đại học mời Thầy về giảng dạy nhưng Thầy từ chối. Thầy bảo thầy thích dạy Phổ thông để có nhiều thì giờ nghiên cứu, và tiếp xúc với các em học sinh hồn nhiên, trong sáng, vô tư Thầy rất dễ chịu.

Thầy dạy môn Toán rất hay và sinh động chứ không khô khan như người ta tưởng. Chúng tôi phục Thầy sát đất bởi Thầy chỉ cần cầm viên phấn ngoằng một cái là trên bảng đã hiện ra một vòng tròn to tướng…tròn vo như quay bằng com pa; Hay Thầy vừa nói, vừa đi, vừa kẻ 1 đường thẳng ro suốt từ bên này đến bên kia tấm bảng! Hoặc có bạn nào rì rầm nói chuyện, Thầy nhắc không được, Thầy cầm mẩu phấn ném bao giờ cũng chính xác đến chỗ đó, lập tức trật tự được lập lại! Hầu như giờ Thầy giảng chúng tôi im phăng phắc, tập trung cao độ.

Thầy cũng coi chúng tôi như con, không chỉ dạy toán mà còn dạy cách làm người.

Thầy có một cuộc sống riêng khá đau buồn vì con Thầy hoặc mất luôn lúc sinh ra hoặc đến một tuổi nhất định thì không nuôi được…( sau này tôi mới biết do rối loạn nhiễm sắc thể gì đó…).


Một Thầy có học vị cao nữa dạy chúng tôi môn Trung Văn đó là thầy Vũ Ngọc Quỳnh. Thầy được đào tạo bài bản, nhiều năm ở Trung Quốc. Trình độ của Thầy tương đương với Thạc sĩ ngày nay. Thầy dạy giỏi, có lối diễn đạt mạch lạc, dễ hiểu, cuốn hút học sinh. Thầy luôn tươi cười có chút hài hước, thỉnh thoảng lại kể cho chúng tôi những câu chuyện hay, vui vẻ; Không ai biết trong lòng Thầy ẩn chứa một nỗi buồn sâu thẳm: Thầy có một cuộc tình lỡ dở, không lấy được người mình yêu vì nhiều lý do ( tôi được Thầy tâm sự ). Thấy tôi chăm chỉ học môn của Thầy, luôn đứng đầu lớp, Thầy hài lòng lắm, thỉnh thoảng bảo tôi đến nhà Thầy dạy bảo thêm. Thầy hay đọc từ nguyên bản bằng tiếng Trung, “tiếng” Hán Việt, tiếng Việt cho tôi nghe các bài thơ của các nhà thơ Bạch Cư Dị, Đỗ Phủ, Lý Bạch, Thôi Hiệu…Tôi nghe mà cứ như uống từng lời, như ngây như dại, không hiểu sao các vị ấy lại nghĩ ra được những áng thơ tuyệt vời đến thế. Nhìn vẻ mặt của tôi, Thầy đâm ra quý thằng học trò cảm thụ tốt; Thế là Thầy dạy luôn cho tôi thơ Đường Luật. Khi đã nắm được phần cơ bản, Thầy ra các đề tài cho tôi viết rồi Thầy lại “chấm bài” chỉ dạy cho tôi từng ly từng tý! Những lần đến nhà Thầy, tôi hay gặp một số người Trung Quốc, họ là những du học sinh, thậm chí có cả các nhà Văn, nhà Nghiên cứu đến hỏi Thầy những Hán tự cổ, những điển tích xa xưa rất ít người biết! Họ đều tỏ ra bái phục trước những kiến thức và giọng như người Bắc Kinh của Thầy ( Họ hầu hết là người các địa phương không phát âm được “chuẩn Bắc Kinh” như Thầy ).

Cách đây cũng khá lâu, Báo chí ồn ào về một chuyện có liên quan đến Thầy:

Số là Thầy có một người học trò chức sắc ở một Nhà Xuất Bản, tay này nhờ Thầy ( nói đúng là thuê ) dịch một cuốn sách cổ của Trung Quốc, khó đến mức nhiều Dịch giả đã…lắc! Thầy hứng thú nhận lời, “nộp bài” đúng hạn rồi…quên luôn. Cuốn sách sau đó được xuất bản, có vài người học trò khác của Thầy trong đó có nhà Báo phát hiện ra Dịch giả là Thầy mà lại mang tên tay học trò kia! Họ lên tiếng trên mặt báo. Gã “học trò quý” này cãi chày cãi cối bảo là bản dịch của Thầy không dùng được vì thế nọ thế kia, Y phải sửa chữa nhiều nên…đề tên mình! Đến lúc này Thầy mới biết chuyện, khi Phóng viên đến phỏng vấn, Thầy trả lời rất khách quan, đúng mức về sự việc. Chắc là Thầy muốn…tha cho thằng học trò “Tôn Sư trọng Đạo”…ngược! Nên tôi thấy Báo chí thôi luôn. Sau “ồn ào” đó vài năm, Thầy đã quy tiên do tuổi cao, sức yếu. Tôi không hiểu chuyện này có ảnh hưởng gì đến sức khỏe Thầy không?


Hai Thầy dạy Văn của tôi hồi đó là hai nhà văn lỗi lạc, hai người đã định hướng “Văn nghiệp” của tôi sau này đó là Thầy Phùng Quốc Thụy và Thầy L.N.C. Thầy L.N.C. tôi xin phép không nêu rõ tên, lý do gì sẽ nói ở cuối bài.

Hai Thầy là bạn thân của nhau, các thầy viết rất nhiều dưới nhiều bút danh. Cả hai thầy đều giỏi tiếng Pháp và Hán Nôm. Cũng nhiều trường Đại học, Viện nghiên cứu mời hai thầy về làm việc, nhưng hai thầy đều từ chối với lý do dạy Phổ thông để có nhiều thời gian viết, và học ở học trò nhiều điều!

Lúc đã “thân” được với hai thầy tôi hỏi:

- Em nghĩ là các thầy khiêm tốn quá, chứ chúng em là học trò của các thầy, đang học còn chưa xong, mà các thầy lại bảo học ở chúng em!

Cả hai thầy đều có chung câu trả lời:

- Các em viết ra những dòng mộc mạc hồn nhiên vô tư, rất thật, có nhiều ý hay như những nguyên liệu thô rát quí. Đọc những dòng ấy rất thích! học được nhiều chứ!

Thầy Phùng Quốc Thụy có một bút danh là Tú Sụn ( thầy đùa bảo là em ông Tú Mỡ ) thầy viết các bài thơ trào phúng rất hay đăng trên các Báo, và tôi cũng ảnh hưởng thầy nhiều.

Thầy L.N.C. ngoài các tác phẩm văn thơ, Thầy còn là nhà nghiên cứu, nhà lý luận phê bình văn học xuất sắc. Mỗi khi lên lớp, Thầy không đóng khung trong bài giảng mà mở rộng ra nhiều. Tiết giảng của Thầy tôi say mê đến mức ngồi ngây ra mà nghe không biết gì đến xung quanh. Đến nỗi các bạn trong lớp người bảo tôi như kẻ mất hồn, người bảo tôi như…Phạm Ngũ Lão, giáo đâm vào đùi không biết!

Tôi có may mắn là ở rất gần nhà thầy L.N.C. Nhà tôi và nhà Thầy ở góc hai con phố giao nhau, như tựa lưng vào nhau. Thỉnh thoảng tôi lại đi bộ khoảng vài chục mét vòng sang nhà Thầy. Thầy rất quí tôi và bảo làm bài vở xong, nếu rỗi thì sang nhà Thầy “đàm đạo”. Chao ôi! tôi nghe hai chữ “ đàm đạo” tôi thấy ngượng nhưng lại…sung sướng, mang chút hãnh diện vừa vô cùng lo lắng. Thế là tôi lao vào học, vào đọc để có chút vốn còm hầu chuyện Thầy. Mỗi lần tôi sang, Thầy xưng hô với tôi ông ông, tôi tôi cứ như là với bạn. Ngoài học ở lớp, tôi đã học được ở Thầy nhiều…

Cả hai thầy Phùng Quốc Thuy và L.N.C. đều coi tôi là trò yêu, nhưng cả hai thầy thấy tôi định thi vào Tổng Hợp Văn, đều khuyên tôi không nên đi theo con đường văn nghiệp. Cả hai thầy đều bảo tôi rằng có thể em sẽ trở thành một cây bút xuất sắc, nhưng con đường văn nghiệp nó ghập ghềnh lắm, chông gai lắm, vất vả khổ sở lắm và…bạc bẽo lắm! Em học khá cả các môn tự nhiên, em nên thi vào một trường Kỹ thuật, khi ra trường vừa làm vừa viết là hay nhất!

Vâng lời hai thầy tôi vào Đại học, học ngành kỹ thuật nhưng cũng liên quan nhiều đến nghệ thuật. Và vẫn viết tuy không được liên tục như bây giờ.

Khi vào Đại học, nhà tôi chuyển đến đầu phố, cách nhà thầy L.N.C. một quãng và tôi vẫn đến thăm thầy.

Tốt nghiệp Đại học, đi công tác, rồi vào chiến trường, tôi bặt tin Thầy. Đến khi trở về Hà Nội tôi mới được bạn bè kể lại thật khủng khiếp: Vợ thầy đã phản bội thầy, và trong lúc đau khổ tột cùng, với sự mong manh lại rất nhạy cảm của một tâm hồn nghệ sĩ, Thầy đã ra đường tầu hoả quyên sinh! Thật là một kết cục quá bi thảm!

Những người Thầy đã dạy tôi, dù ở cấp bậc nào cũng đều rất đáng kính. Nhưng để lại trong tôi những ấn tượng sâu sắc, những kỷ niệm đẹp, đáng ghi nhớ là những người Thầy tôi đã kể.

Cho đến bây giờ những gương mặt, giọng nói, những lời dạy dỗ của các Thầy vẫn còn in sâu trong tâm trí tôi không phai mờ, dù các Thầy đã lần lượt quy tiên từ lâu lắm rồi…





VVM.28.11.2021

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
vietvanmoinewvietart007@gmail.com