Việt Văn Mới
Việt Văn Mới





DÒNG ĐỜI








Đôi lời tâm sự Nay đã qua ngưỡng ngũ tuần, sau mấy mươi năm miệt mài làm thơ, trên bước đường phiêu lãng, gửi nỗi niềm trong gió bụi muôn phương. Chợt một chiều tôi muốn nhờ giấy bút kia, ghi lại chuyện đời mình, với những buồn vui, thăng trầm trong cuộc sống. Vốn là kẻ tự tuổi thơ, đã thích sống đời phiêu lãng. Nên khi bước vào đời, chán chường cho sự nghiệp công danh,tôi đã dứt áo ra đi,thả chân vào gió bụi, sống rầy đây mai đó,phiêu bạt bốn phương trời. Tôi muốn gửi lại nơi đây, những điều mà thơ tôi chưa nói hết,những biến cố nổi chìm, đôi lúc không theo trình tự thời gian, khi viết liền một mạch, về những người thân thuộc sống quanh tôi.

Nghĩ thế mà mấy tháng nay, chưa viết được chữ nào. Bỗng một đêm, hay tin đứa em bạn xe ôm ra đi đột ngột. Tôi đã viết về em, với tất cả những gì tôi biết,cùng tình cảm của mình, dành cho em suốt mấy năm qua. Câu chuyện có thật về em viết xong, tôi lại viết tiếp chuyện đời mình. Để lỡ đâu mai kia, vì một lý do nào đó, khiến cho ta không kịp viết, những điều ta muốn viết. Và những ý tưởng kia, sẽ mãi mãi là ý tưởng, đến muôn đời cũng chẳng thành văn. Bởi thế đêm qua, khi bài viết đầu tay “Tập thơ tặng muộn” vừa khép lại, khui một lon bia giải khát, phì phèo đôi khói thuốc xong, ngồi vào bàn viết liền một mạch, chẳng hay bình minh đã bừng lên, ấm áp tự khi nào.

Sài Gòn mùa đông 2013




VIII : Vợ anh ngày ấy


Sau một năm, biển giã được mùa trên đất Bắc, đoàn thuyền Quảng Ngãi lũ lượt trở về, giã biệt bến cảng xôn xao, ca khúc khải hoàn. Nói thật khó tin, sau những tháng ngày cuối cùng, nhớ vợ con không chịu nổi. Ba ngày ba đêm, lênh đênh trên sóng nước, từ Cát Bà về Quảng Ngãi, với cái lạnh thấu xương, mà hầu như tôi thức trắng, không nằm chợp mắt một phút giây nào. Và cũng chỉ trong ba ngày ba đêm ấy, tôi đã làm xong bài thơ " Tâm tình thiếu phụ", dài mấy trăm câu nhưng chỉ ở trong đầu, không hề ghi ra giấy. Bởi vừa lái thuyền vừa làm thơ, không buồn ngủ, nên tôi cầm tài gần như suốt đêm ngày. Lắm lúc chẳng hay biết, anh em họ í ới những gì, chỉ việc đói ăn khát uống, và lái thuyền thôi.

Vừa đặt chân lên cát biển quê hương, tôi đã vội vã tạm biệt anh em. Đón đò ngang cùng Thế Vũ, cuốc bộ một mạch, đến nhà thờ, là nơi ở của bác Chín tôi. Thắp cho tiên linh ông bà một nén hương, sau gần một năm trời xa xứ. Xong tôi tranh thủ, ghé đến nhà thơ Viên Chính,bởi sợ về gia đình, vợ con quấn quýt khó viếng thăm. Viên Chính mừng rỡ tiếp đón tôi, bằng một vò rượu mạnh, với đĩa mồi là cu hủ heo dưa leo, anh vừa mới mang về, sau phiên chợ sáng. Anh em hàn huyên chưa được tiếng đồng hồ, tôi đã sốt ruột cáo từ, để về với vợ dại con thơ, với mẹ cha già yếu. Vừa đi được khỏi khúc quanh, ngờ đâu vợ tôi, đã hay tin chồng về, nên nóng lòng dẫn con đi đón. Cảm động quá! Mãi muôn đời không thể nào quên, hình ảnh mình hạc xương mai của vợ tôi, tay dắt đứa bé đi lẩm đẩm, đứa lớn chạy lon ton phía trước, đẹp như hai nàng công chúa tí hon. Tôi vừa thấy có lỗi, vừa vui đến rơi nước mắt. Bé nhỏ đã thôi nôi, khi tôi còn mãi lênh đênh giữa biển trùng, ngơ ngác nhìn ba, đang thả chị đứng xuống đất, đến dang tay rồi, mà bé chẳng đòi ôm. Phải chăng phần nào, do ba của bé tóc dài quá vai, râu ria tua tủa, chẳng giống lúc ở nhà. Có lẽ hình bóng của người cha, chưa đủ in sâu vào tâm trí, của một sinh linh bé bỏng, mới bảy tám tháng tuổi, nên giờ bé quên, chẳng nhận được ba mình. Ngay cả vợ tôi, sau mấy hôm liền ngất ngây, trong hạnh phúc tràn đầy, nàng vẫn còn cảm giác rằng, nằm với tôi mà như thể, nằm với một người đàn ông xa lạ, đến độ đôi lúc phải giật mình, vì tôi quá khác xưa.

Thế rồi! Một mùa xuân, đầy ắp hạnh phúc yêu thương, đã về với mái ấm gia đình, trong áo cơm tạm ổn. Nhiều anh em, sau một năm vật lộn với sóng gió của đại dương, bao lao lung khổ ải, dành dụm mang về cho vợ, được dăm ba chỉ vàng, còn rủng rỉnh tiền tiêu tết. Riêng tôi, chỉ mang về, kính cha mẹ mười thang thuốc bổ, còn lại đủ cho em, sắm được cái bàn ủi điện, khi điện đã về với thôn xóm quê tôi. Nghĩ lại mà thấy, cái thằng tôi thật tệ. Trải qua bao sóng gió gian nan, cũng chẳng biết quý đồng tiền, khi hoàn cảnh gia đình, đang thiếu trước hụt sau. Cái Tết dài thậm thượt, mấy mươi ngày của tôi, rồi cũng trôi qua, lại đến lúc chuẩn bị, khăn gói lên đường, hành phương Bắc chuyến thứ 2, chứ chưa thể ở nhà. Cha mẹ thì mỗi ngày một yếu, chỉ quỵch quạc trong nhà, lo cơm nước cho con cái, vui cùng đàn cháu nội sớm chiều. Khổ đến thương cho vợ tôi. Nào phải con nhà nông thứ thiệt, mà suốt một năm chồng đi xa, phải một mình một bóng, sáng đồng chiều bãi. Với tấm thân thuở ấy, tong teo chưa đầy 40kg, mà một mình thồ cái máy Koler, với cả vòi gàu thau giỏ, lệ kệ từ trên dốc xuống vực sâu, rồi tự mình giàn dựng, bôm nước từ dưới dòng sông chết, lên tưới hoa màu. Cái máy Koler 6 phân, của nhà tôi giựt nặng lắm. Phải đủ lực, giựt năm ba cái liền mới nổ, có khi nằm ì ra đó, chẳng củi lửa gì. Vậy mà em một thân một mình, gắn bó với nó quanh năm, chưa kể bao nỗi nhọc nhằn khác, tôi sẽ viết sau đây. Chỉ nghĩ về hình ảnh em, của những ngày tháng đó, chưa viết nên câu, mà mắt đã âm thầm nhỏ lệ, nhòe cả trang giấy trắng, chưa ghi được mấy dòng.

Dù đã dành riêng cho em một truyện ngắn "Vợ anh". Nhưng ở đây tôi vẫn muốn, viết thêm về vợ mình, với những gì cụ thể hơn, đời thường hơn, không trau chuốt văn vẻ, như trong truyện ngắn.

Chẳng biết, những người đàn ông khác như thế nào. Riêng tôi, khi chưa lấy vợ, tôi chẳng hình dung nổi, hình dáng mặt mũi, của vợ mình ra sao cả. Chỉ có điều tôi luôn mơ ước, vợ mình sẽ là, một cô gái tóc dài óng mượt, sở hữu cái vòng eo cực nhỏ, chiếc cổ cao quý phái, mắt môi gợi cảm, mặt mũi dễ coi thế thôi, chứ không cần đẹp lắm. Thế rồi trải qua, vài mươi cuộc tình dài ngắn, cũng chưa thấy bóng dáng vợ mình đâu. Bởi khá điển trai, một điều dứt khoát là, những cô bé bình thường, không dám mộng đến tôi rồi. Nên tất cả các em, đều là dạng trung bình khá trở lên, mới dám ve tôi. Cô thì đẹp gái cao ráo, nhưng suông đuộc khô khan quá. Cô thì sắc sảo mặn mà, nhưng lại múp míp tròn như hột mít. Cô thì da dáng khỏi chê, nhưng mặt mũi chẳng có duyên thương. Cô thì có suối tóc mê hồn, nhưng khuôn trăng đầy đặn quá. Cô thì mặt mũi thanh tú, nhưng thân hình múp míp chẳng còn eo. Cô thì mắt môi quyến rũ, nhưng sở hữu hai trái núi Hỏa Diệm Sơn, tôi chúa ghét. Cô thì ba vòng cân đối, nhưng lại chiều cao hạn chế, vai cổ không đạt chuẩn. Cô thì mặt mày cực đẹp, tóc mượt cổ cao, nhưng bàn chân, trái chân to quá, phá hỏng nét yêu kiều. Cô thì tất cả đều khá, nhưng đôi bàn tay thù lù, ngón tay chìa đục xấu tệ, chiều cao hạn chế… Tất cả làm tôi mỏi mệt ngao ngán, chẳng biết chọn ai, và đôi khi muốn gác kiếm giang hồ, giã biệt tình trường.

Bỗng một hôm! Trong số mấy chục khách hàng, xuất hiện một cô gái, có vòng eo lý tưởng, làm tôi cảm mến ngay, liền nhiệt tình giúp đỡ. Nào có ngờ đâu hôm sau, lại xuất hiện cả hai chị em. Cô em bé bỏng hơn, chiếc cổ cao thanh lịch, bờ vai thon gầy quý phái. Và cuối cùng, là cái vòng eo nhỏ dễ thương, không thể tìm đâu ra được nữa.

Nói chẳng phải ngoa, có người có thể không tin. Từ xưa tới giờ, chỉ có con gái để ý đến tôi, ve tôi, chứ tôi nào cần để ý, đến con gái trước đâu. Vậy mà lúc đó, tôi ngỡ ngàng nhìn không chớp mắt. Lấy gói Ruby ra châm lửa hít vài hơi, rồi ngậm vắt vẻo, một bên khóe miệng theo thói quen, tôi nheo mắt cười xã giao, và xác định rằng, đây chính là người, mình mong đợi bấy lâu nay.

Nói một cách thiếu khiêm tốn, hơi tự hào về mình một tí, là xưa nay phái đẹp, chưa hề có ai từ chối một lời mời, đi uống nước hay gì gì đó của tôi, và em không ngoại lệ. Chẳng cần biết em, từ bé đến lớn ra sao, xuất thân trong một gia đình như thế nào. Từ giây phút đó, tôi chỉ biết rằng, cám ơn thượng đế đã ban tặng cho tôi, một người con gái tuyệt vời, với vòng eo lý tưởng, môi cười chúm chím, đang chờ đợi một tình yêu, với chiếc cổ kiêu sa, bờ vai thon thả, những ngón tay búp măng, đầy hứa hẹn tương lai.

Quen nhau chưa được bao lâu, tôi đã nôn nóng, đưa em về ra mắt gia đình. Thật không ngờ, gia đình đã làm tôi, cụt hứng và nổi cáu. Các chị chê em bé quá, yếu ớt quá, làm sao sau này cáng đán, công việc nặng nhọc của nhà nông. Không phải là thiếu tôn trọng ý kiến gia đình, nhưng trước sau, tôi vẫn giữ vững lập trường, lựa lời mà nói cho lọt lỗ tai, để ba tôi cùng anh Hai đến thăm nhà. Rồi nhờ thầy coi ngày, đến dạm hỏi trầu cau, khi em mới vừa lên mười chín. Nhìn thấy tôi đưa em, đi đó đi đây, những chị em muốn mà không được, đã bảo rằng tôi phỉnh trẻ nít, chẳng xứng đôi. Nực cười thay! Tôi lớn hơn em mấy tuổi hung vậy, mà bảo rằng tôi phỉnh trẻ nít, là cớ làm sao. Thây kệ, em nào muốn nói gì thì nói. Nhưng có điều, những tháng ngày sau đó, thật quá khổ cho thân tôi. Các em chẳng hẹn, mà luôn tìm đến gặp tôi, như máy bay oanh tạc trên bầu trời, khi diễn ra chiến sự. Có nhiều đối thủ hăm he, đã làm em phát khóc, được sự bảo bọc của tôi, nên sóng lặng gió dừng.

Tôi yêu em! Em yêu tôi! Không một trở lực nào, có thể ngăn cản chúng tôi, đến với nhau được nữa. Và em đã mừng nhỏ lệ, khoác áo cô dâu sánh bước bên tôi, trong ngày vui pháo đỏ rượu hồng. Rồi đến năm em hai mươi mốt tuổi, trời phật đã ban cho chúng tôi, một bé gái đầu lòng, dễ thương kháu khỉnh vô cùng. Tôi xin nghỉ phép, đến chăm sóc cho em, ở bệnh viện tỉnh đúng một tuần. Dù bị sanh hút, nhưng bé gái đầu lòng của tôi, dễ thương đến nỗi, tất cả y bác sĩ trong khoa, và những ai nhìn thấy, đều trầm trồ khen ngợi. Ngày ngày chờ gọi đến tên, đưa bé đi tắm, là tôi ôm chạy te te. Các cô hộ lý vui vẻ tắm cho bé, rồi nựng nịu và bảo rằng, đây là hoa khôi tí hon của khoa sản. Nằm nhìn thấy con gái, giống ba thật đáng yêu, em mừng rơi nước mắt. Tôi thương vợ thương con, chăm chút hết sức mình, đến khi nào buồn ngủ quá mới thôi. Nhưng rồi sau đó, công việc của tôi không thuận lợi như trước nữa. Bé Nguyễn Bội Như Ý, đã lớn lên trong thiếu thốn eo nghèo, của vợ chồng tôi. Từ ngày lập gia đình, công ty đã cho tôi một mảnh đất, dựng nhà riêng ở một góc, của khu vực cơ quan. Khi con gái vừa tròn ba tháng tuổi, tôi đã xin phép mẹ cha, được đưa vợ con lên ở, trong căn nhà nhỏ bé của mình. Em vốn là một thợ may, theo tôi phải bỏ nghề. Bấy giờ nằm nhà chăm con nhỏ, bị túng thiếu bủa vây, khi tôi phải làm việc, với những tháng không lương. Vợ chồng vui bữa cháo, bữa rau tự cải thiện. Đất của cơ quan khá rộng, cả một hecta, tôi xin vài sào xen canh tự túc, dưới bóng dừa đào, mới vừa ra những quả đầu tiên. Với sức khỏe trời ban, cứ rỗi việc công, là thả cày day bừa, tôi cuốc xới ngày đêm. Nào trồng chuối trồng khoai, trồng mì, trồng đu đủ, cùng bí bầu rau cải, từ lúc em chưa sanh nở, đã ở cùng tôi, trong căn nhà bé bé xinh xinh. Nên khi bồng con lên ở cùng, ngày ngày em phải đi chợ Chùa, cách đó 500m, để bán những gì tôi thu hoạch được. Vì không quen xa mẹ, nên một hôm em bán ế về trễ, thiên thần bé bỏng Như Ý của tôi, đã làm khổ ba nó. Mẹ vừa ra khỏi nhà, bé đã hào phóng, tặng cho tôi một bãi, nào ị nào tè, bẹp nhẹp hết tã lót, còn vấy cả ra nôi. Tôi lúng túng vụng về nhận lấy, rồi tắm rửa cho con sạch sẽ, thay tã mới, ôm hôn hít nựng nịu. Chắc là từ nhỏ, đã xấu tính đói hay sao chẳng biết, mới được dăm ba phút, Như Ý nhà tôi, đã khóc bù lu bù loa. Oe oe mãi, dỗ dành sao cũng chẳng nín, còn tè bồi thêm lần nữa. Bực quá, thay tã xong vẫn khóc, hết cách rồi, tôi đành bỏ con nằm xuống nền nhà, lấy cây choái mì, đập mạnh xuống đất một cái, bảo con có nín không. Kết quả thật không ngờ! Như Ý mới vừa hơn ba tháng tuổi, biết nhìn ba ngơ ngác, rồi tủi thân mếu máo. Tôi cúi xuống bế con lên, mà mắt lệ lưng tròng. Phải chi bao năm làm ăn khấm khá, tiền vô như nước, tôi biết để dành để dụm, thì có đâu, vợ con phải khổ thế này. Đằng này, tôi sống như một lãng tử phong lưu, một vương tôn công tử, xài tiền quá mát tay, thì trách hờn chi số phận, khi lên voi xuống chó biết đâu lường.

Rồi sau đó là những năm tháng, đối với tôi như là ngày tàn, của một lãng tử hào hoa. Đã kéo theo em, một thiên thần diễm lệ, bị dập vùi trong mưa gió tả tơi. Còn đâu những đêm đông, dìu em đi xem xi nê, ca múa nhạc kịch xiếc ảo thuật. Còn đâu những ngày thu, chở em đi thăm viếng, ngoạn cảnh đó đây, ăn uống dư thừa. Lắm lúc em nhìn tôi, tôi nhìn em, hai đứa cùng nhỏ lệ, rồi thao thức an ủi nhau, trong vòng tay lỏng lơi, vì cơm áo gạo tiền. Từ một kẻ ăn chơi phóng khoáng, ngửa mặt nhìn đời ca hát ngêu ngao. Sau cuộc đổi thay, tôi lủi thủi lầm lì, chẳng muốn ngước mặt nhìn ai. Từ cái gu hút Ruby, Capstan, tôi chuyển dần xuống Du lịch, rồi Đà Lạt xuất khẩu, rồi cả đến Đà Lạt đen cho hợp túi tiền.

Chẳng hay em được lấy tôi, hay là bị lấy phải tôi, không biết nữa. Mà lắm lúc em âm thầm, lặng lẽ sống bên tôi, với hình thể chóng hao gầy. Tính tôi không hề gia trưởng, hay phong kiến chút nào. Mà chẳng hiểu sao, từ ngày về với tôi, em hầu hạ chăm sóc chồng, chu đáo đặc biệt, với tất cả lòng yêu thương, ấm áp nghĩa tình. Nên dẫu lúc lận đận sa sút, hay hồi thịnh vượng an khang, tôi luôn được chăm chút, nâng niu cung phụng, như một đấng quân vương nho nhỏ.

Ngoại trừ khi tôi làm việc thì thôi, đến lúc nghỉ ngơi, là cơm dâng nước rót. Chiều tối lo cho con xong, là tắm rửa gội đầu cho tôi. Mỗi khi muốn đi đâu, là áo quần em chuẩn bị sẵn sàng, mang giày mang vớ hộ. Tỉa chấn râu ria cho chồng, một cách khéo léo, chẳng khác nào một thợ cạo thâm niên. Những bữa cơm có cá, em chịu khó ngồi mút xương lọc thịt, chăm bón cho chồng cho con, rồi mới ăn sau. Trong nhà trăm thứ việc lớn nhỏ, đều nhờ vào một tay em. Vắng em một bữa, là cha con tôi, như chẳng còn sức sống. Nên cuối cùng tôi chỉ còn, những việc phải tự làm, là đi toalet và đi cắt tóc mà thôi. Thử hỏi trên đời này, có mấy ai được vợ chăm, sướng như tôi không ? Chăm vui vẻ một cách tự nguyện, luôn giành việc về mình, không than vãn kêu ca, nên tôi lắm lúc rất tự hào, và yêu quý vợ vô cùng. Em quá quan trọng, đối với cha con tôi. Nhưng cũng từ đó, em làm cho tôi hư, mỗi ngày một lười hơn, chẳng biết tự chăm sóc mình, kể cả giờ ăn giấc ngủ, hay viết lách chơi bời. Tất cả em đều luôn nhắc nhở, và canh chừng tôi như một đứa trẻ. Đi đâu thì thôi, ở nhà chưa cần tới 3 phút, mà không nghe em gọi ba tiếng "anh Toàn ơi!" mới là chuyện lạ. Thật hạnh phúc biết bao, khi đời tôi có em bên cạnh.

Và cũng nhờ có em, mà khi dần thích nghi, với cảnh thiếu thốn thời sa sút, tôi đã có niềm tin yêu trở lại. Thường đàn hát cho em nghe, trong căn nhà nhỏ của mình. Rồi bè bạn văn nghệ đến lui, đàm thơ luận chuyện cổ kim, hay nhâm nhi ca hát, vui vẻ như ngày nào. Thế mà một thời thất chí, tôi đã từng say sưa quậy phá, làm tổn thương em biết mấy. Em luôn biết rộng lòng tha thứ, khiến cho tôi phải ân hận suốt đời, mỗi khi nhớ lại. Nhưng rồi lười quá, chỉ biết yêu thương thôi, chớ chẳng biết làm gì, để bù đắp lại cho em, những tổn thương thiệt thòi mất mát.

Rồi khi cục cưng Như Ý, háu ăn lắm bịnh, vẫn còn báo mẹ bao phen kiệt sức, tôi lùng bùng lỗ tai, khi nhận được tin em lại có bầu. Thôi trời sanh voi sanh cỏ vậy. Vì dầu phần nào được bình tâm, tôi vẫn chưa tìm ra cho đời mình, một lối thoát hẳn hoi. Khi Nguyễn Bội Kim Ái, đứa con gái thứ hai chào đời, cũng là lúc công ty, làm ăn thua lỗ, có nguy cơ phá sản và giải thể. Vợ chồng tôi rơi vào hoàn cảnh, nội ngoại đôi bên phải giúp đỡ đủ điều. Xót con gái, thương chàng rể, gia đình phía vợ cho tôi, một mảnh đất tương đối, gần bên chợ, với ít vốn liếng để làm ăn sinh sống, nhưng tôi đã chối từ. Chẳng phải bởi câu  « Thà ở xó chuồng heo, còn hơn theo quê vợ », mà vốn tính tôi không thích dựa dẫm, luôn muốn đứng lên, bằng hai chân của chính mình. Cũng vì thế mà bao phen, tôi bỏ em bơ vơ, ngoài đồng sâu ruộng cạn, rồi mẹ con hắt hiu, nơi quán gió bên đường. Đêm về tái tê, xuân thì héo hắt, khi chồng mãi còn trôi nổi bước phiêu linh.


IX : Lại ra đi


Sau hai năm nổi trôi ngoài biển Bắc, chẳng mang lại kết quả gì, chỉ tổ gieo thêm muộn phiền, cho phái đẹp thêm thôi. Tôi quyết lòng tạm gác đời phiêu bạt. Chuyện tình cảm ấy, nói nhiều nào có hay ho chi, nên sau khi viết truyện Người em đất Bắc, và Đôi mắt Thủy Nguyên, phần còn lại, tôi xin được quên đi, cho nhẹ gánh ưu phiền. Thương vợ con côi cút, chốn quê nghèo vạn thuở, tôi đã neo đời nơi quán nhỏ, tự nguyện chẳng than van. Thấy việc bán buôn năm cọc ba đồng của em, không thể nào nuôi nổi đức lang quân, xem tiền như lá mít. Tôi đã đi học nghề, rồi mở tiệm cắt tóc, mở bàn bi da, bi lắc, bóng bàn, và khuếch trương việc bán buôn ngày một lớn. Không đủ vốn, tôi phải vay mượn anh chị em, mỗi người một ít, và cố gắng thiện chí làm ăn. Thời gian đầu, ban ngày tôi cắt tóc, tối lại vẫn dạy đàn, cho các em thanh niên trong xóm, chủ yếu là tụ tập đàn hát, cho vui cửa vui nhà. Đến khi gần xa đều biết, tôi mở bàn bi da bi lắc, thì khách mỗi ngày một đông. Tôi phải giúp em, trông coi tính tiền giờ. Có một độ, hầu như khách chơi 24/24, đứng chật trong chật ngoài, chờ đến lượt được cầm cơ. Mới hơn nửa năm, đà thu hồi được vốn, và khách nợ tiền giờ, ngày cũng một nhiều hơn. Những ngày tháng ấy, khu viên của tôi, trở thành tụ điểm vui chơi giải trí, bên đường làng rợp bóng tre xanh. Nên các em thanh niên, thường gọi đùa là : Câu lạc bộ thành phố Lũy tre làng. Và khu vui chơi, cũng là nơi thu thập thông tin tốt nhất. Chỉ quanh quẩn vuông sân, mà chuyện lớn nhỏ xa gần gì, tôi cũng được thông báo ngay, kể cả những chuyện tầm phào tầm đế, chẳng muốn nghe.

Thật bực mình cho cái thằng tôi, đụng đến cái gì là mê cái ấy. Lúc đầu, mỗi khi khách ra về hết, tôi thu gom bi đem cất, đặng ngủ vài tiếng, sáng ra còn cắt tóc. Dần dà về sau, có hôm khách nghỉ sớm, tôi bắt đầu cầm cơ luyện một mình. Ba hòn bi thấy thế, mà hấp dẫn mê hoặc lạ, khiến tôi sút người cầu gì cả chục cân. Theo ngày tháng, tôi mê đến độ bỏ ngủ quên ăn. Đến bữa cơm, em phải đem dâng tận bàn. Khách đến cắt tóc, phải chờ tôi chơi hết cơ rồi mới cắt. Khách đến chơi bi da, gặp tôi đang lỡ độ, cũng phải chờ đến ngáp ngắn ngáp dài. Bởi thế, khách cắt tóc, mỗi ngày một thưa thớt, cha mẹ la rầy khuyên bảo cũng chẳng nghe. Em thì hiền quá, suốt đời chỉ biết cung phụng phục tùng, đấng quân vương của riêng mình, nên mỗi ngày tôi một hư hơn. Cái thú chơi bi da thật là khó bỏ, một khi đã đam mê, đến độ như tôi, thì dẫu trời có sập xuống, mà đang lỡ cơ lỡ độ, vẫn chúi đầu chúi cổ vào chơi. Tôi có khuyết điểm, là chơi gom bi không được, và dễ bị quê cơ. Nhưng bất cứ thế bi nào, từ tam bân tứ bân, cho đến giò gà sơn mỏng, tôi đều chơi rất sướt mướt, ép phê vi vu đẹp mắt vô cùng. Kể cả trô hay kéo gì, cũng là nghề của chàng. Tôi đánh rất lẹ. Một khi vô hệ, tôi đi vèo vèo một cơ, vài chục điểm như chơi trong tích tắc. Nhưng đôi khi, chỉ cần sẩy trái tứ bân, hay một bân về bị lòn, là tôi quê cơ đến độ, năm bảy cơ liền, chẳng ghi lấy được một điểm. Trong khi chỉ cần vài điểm nữa thôi, là buông cơ uống mừng chiến thắng, mà đành nhìn đối phương, kém hơn mình phân nửa điểm, từ từ ngoi lên, lật ngược thế cờ. Và những lúc như thế, tôi say máu cầm cơ, sáu bảy tiếng đồng hồ liền chẳng để cho khách chơi. Chưa đầy ba năm, tôi chỉ còn như bộ xương di động, cân nặng yếu 50. Khách mỗi ngày một vắng, vì ở thôn quê, phần lớn là dân lao động, làm chi có tiền nhiều, mà chơi suốt quanh năm. Phần mình vẫn mê chơi không bỏ được. Tức khí, vào mùa xuân 1998, tôi bẻ cơ bán bàn, bay vào Long Khánh Đồng Nai, theo giàn khoan giếng đá Minh Phụng, là anh vợ của tôi. Một lần nữa lại bỏ mẹ con em, bơ vơ côi cút, nơi miền Trung bão lũ, nắng bụi mưa bùn.

Sau bốn năm giam mình trong quán nhỏ, đôi tay chỉ biết cầm cơ, cầm kéo chơi đàn, trông tôi thật là thiếu sức sống. Chẳng còn chi tướng tá dáng vẻ, phong độ hiên ngang, hào khí ngút trời, của một đấng nam nhi, đội trời đạp đất, nhuộm lắm phong trần. Của một lãng tử hào hoa, bốn biển là nhà, tình ngệ sĩ giang hồ, trang trải khắp muôn phương. Tôi bấy giờ, da dẻ trắng bạc tạng, như người mười năm, trong cổ mộ mới bước ra. Anh em giàn khoan, đang chờ tiếp đón thành viên mới. Những thanh niên vạm vỡ, nhìn thấy tôi xanh xao teo tóp, vác cây đàn bước đến, chúng không khỏi phì cười. Anh Phụng giới thiệu tôi với anh em xong, còn dặn dò nho nhỏ, riêng với chúng : « Hãy chỉ việc, hướng dẫn cho anh ấy làm. Được cái gì được, nhớ đừng khó chịu, có gì không ổn, hãy báo cho anh ». Vì có hai giàn khoan, nên anh không trực tiếp ở đó, mà giao phó cho cậu em vợ, toàn quyền định đoạt quản lý lấy. Anh chỉ ký hợp đồng khoan giếng với chủ rẫy, chủ nhà, rồi giao việc cho làm. Nhìn thấy anh em, cầm đồ nghề to tổ bố, tôi đã sợ đến xanh mặt rồi. Phải chi như thời phiêu bạt, chưa bị mất sức, thì cái vụ này nào có ngán chi. Suốt ngày đầu tiên, tôi chỉ biết ngồi không xơi nước, cà phê thuốc lá, và đàn hát cho anh em nghe, khi chúng yêu cầu, trong những lúc giải lao. Có muốn dọn dẹp thôi, tôi biết mình cũng không làm nổi, với cái chân bị thần kinh tọa, cái lưng ngồi không cũng đã đau. Mà những ống sắt, toàn là mấy chục ký. Nội cái cùm to chà bá, dùng để mở mũi khoan, cũng đã nằm chình ình cản lối, như thách thức tôi. Lính giàn khoan có hai ê kíp, thay nhau làm liên tục suốt ngày đêm, đến khi nào xong một cái giếng, mới ngưng nghỉ, rồi chuyển đi giếng khác. Có những giếng sâu đến 125 thước, với địa tầng phức tạp. Nào đất cát, đất sét, đá ong, đá cuội, đá xanh, sỏi sạn, khoan cả tuần lễ mới có nước. Có những tầng đá cứng, không thể dùng mũi thường được, mà phải dùng đến mũi răng nanh, mũi kim cương, mới khoan thủng được. May sao hôm ấy, anh em đang khoan dở một giếng cạn, chỉ khoảng chừng yếu ba chục thước, nên quá nửa khuya đã xong rồi. Khi tất cả đều tắm rửa, ăn uống ngủ nghỉ, tôi khẽ khàng ngồi dậy, bước đến giàn khoan. Ngó quanh thử, có ai còn thức không, tôi mới ngồi xuống cầm thử, cái cờ lê mỏ lết gì ấy. Chao ôi ! Nó nặng quá ! Một tay không nhúc nhích, tôi phải xách bằng hai tay, ì ạch đi dăm bảy bước, rồi quay lại trả về chỗ cũ, mà nổi đôm đốm, lùng bùng lỗ nhĩ, mồ hôi rịn ra, ngồi thở phì phò, nước mắt chực trào ra. Thế này thì mình làm được gì, ở giàn khoan kia chứ ! Chỉ có ai gần gủi tôi trong thời kỳ ấy, mới tỏ được sức khỏe tôi, sa sút đến mức nào. Nhiều người còn nói đùa, sợ không qua khỏi con trăng. Buồn quá, đến cái giếng thứ hai, tôi uống rượu rồi ngủ vùi bất biết. Khi thức dậy, thấy anh em đã ăn bữa cơm chiều. Thấy tôi ngồi bù xụ, em Nguyệt Đặng Dưỡng, người đồng hành với tôi từ Quảng Ngãi vào, đến vỗ vai tôi : « Anh buồn làm gì, từ từ sẽ quen việc thôi. Cứ tập làm việc nhẹ đi, việc nặng đã có em, anh khỏi phải lo. Hơn nữa ở đây, chẳng anh em nào, dám hiếp đáp anh đâu. Thôi rửa mặt đi rồi ăn cơm kẻo nguội. Giếng này gặp toàn đá ong, khoan phay pháy sắp xong rồi. Tối nay được nghỉ, anh em mình đi dạo chơi cho biết. Nếu không thích, em sẽ ở lại đàn hát với anh. Tụi nó cũng mê, nghe anh đàn lắm đó ». Thay vì rửa mặt, tôi tắm luôn một cái cho nhẹ người, xong bỏ áo vào trong quần, trông cũng rất ngon cơm. Ngồi xuống ăn một chén thấy đã vừa, tôi đứng dậy uống cà phê hút thuốc, rồi xách cây đàn đến nằm trên võng, được mắc dưới gốc xoày, đàn hết bản này đến bản khác, mặc anh em làm sức gì làm. Khi giếng đã có nước, chủ nhà mở tiệc rượu, thếch đãi giàn khoan, cùng bà con lối xóm ăn mừng. Mấy năm liền thiếu vận động mạnh, tôi rất kém ăn và ngại uống, nên không quá mười lăm phút, đã bỏ đũa, ra nằm trên võng đàn hát khơi khơi. Khoảng nửa tiếng sau, em Nguyệt bước ra lễ phép :  «  Thật tình em không dám ép anh, nhưng anh em trong nhà, nghe anh đàn ngọt quá, họ nổi máu văn nghệ lên cả rồi. Đi tha phương cầu thực, mình phải hòa đồng với bà con bản xứ, mới tốt anh ạ ! Hãy vì em và vì mọi người, vào giúp vui văn nghệ đi anh ! Để họ thấy lời nói của thằng em này, có trọng lượng chút đi mà. Đi anh ! ». Tôi ngồi dậy : « Điều đó anh hiểu. Thôi được ! Anh sẽ vào với em ». Đi rửa ráy mặt mũi, vuốt lại mái tóc theo thói quen, tôi bước vào với mọi người. Em Nguyệt mang cây đàn đến cho tôi, và nói đôi lời phi lộ : « Chẳng phải tôi không biết chơi đàn, mà không dám múa rìu qua mắt thợ. Xin giới thiệu với anh em, đây là anh Toàn, người dẫn tôi đến, với giàn khoan Minh Phụng. Dù công việc trong giàn khoan, anh chưa làm được gì cả, nhưng về văn nghệ, nếu thiếu anh, là một điều đáng tiếc, cho anh em ở những miền, anh đã bước chân qua. Hôm nay, tôi rất vinh hạnh, xin được gửi đến quý anh em, bài ca mở màn, được mang tên Thu hát cho người, nhạc và lời của Vũ Đức Sao Biển, anh Toàn mới chỉ cho tôi chơi, thời gian gần đây. Xin quý vị cho một tràn vỗ tay khích lệ tinh thần ». Sau tràn pháo tay rôm rả, Nguyệt ta làm dáng như ca sĩ chuyên nghiệp, cất lên giọng ca cũng rất có hồn, hòa quyện với tiếng đàn rất ăn ý của tôi. Lại một tràng vỗ tay đầy thán phục, và họ chân thành mời tôi giúp vui một bản. Nhưng tôi đã chối từ, xin dành trọn thời gian, nhiệt tình phục vụ hết mình. Thì ra trong Nam cũng như ngoài Bắc, không cần gì người của giới văn nghệ, những người dân quê mùa mộc mạc, cũng có những tâm hồn chẳng phải vừa, những tài năng bẩm sinh, không được may mắn đào tạo qua trường lớp. Họ đã chinh phục được trái tim, với cửa lòng đang khép lại của tôi. Và chẳng khác chi, những đêm giúp vui ngoài đất Bắc, tôi đã chơi một cách hào hứng, tận tình đến tàn khuya, mới chấm dứt cuộc vui. Đã để lại trong lòng, bà con dân rẫy Thọ Hòa, mối cảm tình không nhỏ, với giàn khoan như đoàn lưu diễn, rày đây mai đó của chúng tôi. Và cũng từ đó, tôi bị lọt vào tầm ngắm, của phái đẹp ở Đồng Nai, trên những vùng dần lê bước phong trần, gần xa đỉnh Chứa Chan. Chợt nhớ lời của một em gốc Huế, đã nửa đùa nửa thật rằng : Ai bảo anh quá điển trai, mà chị nhà chẳng bỏ vào tủ kính khóa lại, thả đi lông nhông nhông thế này, làm sao tránh khỏi bị những nữ đạo chích, chôm về trang trí chốn phòng the kia chứ. Em mà là vợ anh, thà chấp nhận sống thiếu thốn về vật chất, chứ chẳng chịu rời xa anh nửa bước đâu…Tự nhiên tôi nghe lòng buồn khó tả, và thương vợ quá đi thôi.

Nhớ lại thời ấy, nghĩ cũng tội cho năm Độ, em của chị Liêm, là em vợ của anh Phụng. Dù bước đầu tôi chưa làm được việc gì, để đáng gọi là làm, nó vẫn đối xử với tôi, vô cùng tử tế, quý như anh của nó ở trong nhà. Sáng cà phê tối giải khát, đi đâu cũng chở tôi đi cùng, hầu mong tôi vui vẻ, mà làm quen với cái nghề này. Đã vài tháng trôi qua, tôi vẫn chưa quen với những thao tác vận hành, bởi các em thường chen ngang gánh lấy, chỉ chừa lại cho tôi những việc gì nhẹ nhất có thể. Với cái đà này, biết đến bao giờ mình mới đứng máy, điều khiển một ê kíp, như ý nguyện của anh Phụng. Buồn quá, một hôm nhậu xỉn về, thấy Năm Độ đang lấy mẫu, để kéo một hiệp khoan lên. Tôi bước đến hất nó sang bên, và buộc nó phải chỉ cho tôi tập kéo. Nó khóc lóc van lơn, hãy để cho nó làm việc, muốn học thì hôm khác, chứ hôm nay có men rồi, thử việc rất nguy hiểm. Tôi vẫn nhất quyết rằng, hôm nay chả học thì thôi đi, không còn có hôm khác. Và buộc nó phải đứng sát bên, chỉ từng động tác một, cho tôi tập kéo tời. Sau một hồi, nó dần bình tĩnh lại, kinh ngạc trố mắt nhìn tôi, đang chầm chậm kéo mẫu lên. Đến thời khắc quan trọng nhất, là điều khiển tời, cho anh em ôm ống sắt 130, có mẫu đá bên trong rất nặng, mà suốt mấy tháng qua, chưa ai dám cho tôi, ôm cái ống ấy mà chạy bao giờ. Nó bước vào kịp thời thay thế, và bảo tôi hãy chú ý, nhìn kỹ thuật điều khiển tời của nó. Khi mẫu đá xanh được gõ ra, rơi xuống đất, với đoạn dài nhất khoảng chừng trên 1m, nó điều khiển cho anh em ôm ống chạy, nhẹ nhàng đặt nằm xuống đất một cách an toàn. Tôi nhìn không chớp mắt, với vẻ mặt đầy thán phục. Xong nó đứng dậy ôm lấy tôi, xúc động bảo rằng tôi giỏi lắm. Nếu sớm biết tôi tiếp thu nhanh thế này, nó đã dạy từ lâu. Hãy thông cảm cho nó. Tôi cám ơn nó, và xin được làm luôn đến sáng.

Chẳng biết tối qua, đứa nào điện mách với anh Phụng, mà mới sáng ra, anh đã hầm hầm dựng xe cẩu thả, rồi hùng hổ bước về giàn khoan. Mấy đứa bảo anh Phụng đến, tôi nói biết rồi, nhưng vẫn ngồi bình tĩnh, tay nhẹ nhàng điều khiển kéo ống lên, cho lính ôm chạy ra xa một cách an toàn. Chỉ còn mươi bước nữa là đến chỗ tôi, nhưng anh dừng lại, đứng nhìn thằng em rễ ốm yếu, lâu nay chỉ biết chơi đàn giúp vui, giờ đang ngồi điều khiển ê kíp vận hành, như những tay thợ thâm niên. Kéo ống lên xong, giao cho tụi nó khoan tiếp, tôi tắm rửa rồi đi cà phê ăn sáng với anh. Chẳng những không la rầy tôi, vì chuyện say rượu làm càn, anh còn đưa tôi về trụ sở giàn khoan, lục lọi kiếm tìm, rồi trao cho tôi một số tài liệu, của giàn khoan địa chất cho tôi tham khảo. Chủ yếu là giúp tôi hiểu tường tận hơn, về các lớp trầm tích trong lòng đất. Để mỗi khi khoan đến đâu, chỉ ngồi trên máy, tôi đã dần cảm nhận được, mũi khoan đang chạm đến lớp gì, một cách chuẩn xác. Và một thành quả chưa từng có trong giàn khoan, chỉ sau một tháng đứng máy. Từ một tên lính lác chưa hiểu việc, tôi đã đốt cháy giai đoạn, nghiễm nhiên được đề bạt thành kíp trưởng, tương đương với những anh em, đã có bốn năm năm kinh nghiệm trong nghề, chỉ vì cứu nguy cho giàn khoan hai lần. Một lần bị kẹt cần ống dưới giếng, đang khoan bị bí nước, bể vòi bôm, vì thằng kip trưởng không biết, kịp thời xử lý tình huống. Một lần nữa tôi đang ngủ, nó chạy vào cầu cứu, vì đang khoan đến lớp đất sét quá dẻo, nó hạ ga không khéo, máy bị ngợp tắt đột ngột. Nổ máy lên lại, đất sét đã lóng đông cứng xung quanh, cần ống không nhúc nhích được, lại bí bôm, đành phải tắt máy, bất lực nhìn giàn cần ống khoang, bị chôn như trời trồng trong lòng giếng. Tôi không kịp rửa mặt, đã bước vội ra khảo sát nắm tình hình. Dù chưa gặp tình huống này lần nào, nhưng thông qua anh Phụng và tài liệu tham khảo, tôi đã nghĩ ra cách xử lý tình huống. Tức tốc bảo người nhà mượn cho tôi hai máy bôm, đào hố lấy nguồn nước sạch, từ giếng của rẫy láng giềng. Và vài bó sẹc cứng cáp, người dân ở đây đang dùng làm choái cắm, cho các hoa màu có thân dây leo, cùng cuộn dây mấy chục mét ống bôm nước, cỡ độ ống 34, hoặc nhỏ hơn để bôm cho mạnh. Đào hố bôm nước xong, mọi người chưa biết phải làm gì, nhưng sẵn sàng làm theo hướng dẫn của tôi. Sau khi bảo họ lựa những cây sẹc chắc chắn thẳng thớn, buộc vào đầu cuộn ống dây xong, tôi giao cho ba người, có nhiệm vụ dịch chuyển ống dây một cách hợp lý, chờ sẵn ngay miệng giếng. Tôi bắt đầu cho nổ máy. Ống nước soi xuống tới đâu, thì hai người bên ngoài, tay cầm sẹc, buộc nối tiếp vào đến đó, giữ cho ống nước thẳng, thọc sâu dần xuống đáy giếng, đưa bao nhiêu là thứ, cùng với đất sét trào ra lênh láng, đặc quánh trông phát khiếp. Khi thấy chắc chắn là có thể, tôi cho nổ máy khoang. Bôm không bí nữa, giàn cần ống bắt đầu xoay. Tôi đứng dậy điều khiển máy lấy mẫu, rồi kéo lên luôn. Xong bảo lính nạo vét, hết sình trên mương nước, trên hố nước khoan, rồi mới được khoan tiếp. Chẳng bao lâu sau thì nước sụp, dấu hiệu giếng đã có nước tốt. Mọi người cùng thở phào nhẹ nhõm. Tiệc rượu mừng được mở ra giữa đêm khuya, và tôi như người hùng, trong đêm vui tưng bừng hôm ấy. Nên khi tôi lên làm kíp trưởng, những anh em có bốn năm năm trong nghề, đều tuân thủ theo sự chỉ bảo của tôi, khi gặp những trở ngại , và đều phục tôi sát đất, hiện ra mặt. Thế là từ ấy, tôi không còn lông nhông, muốn thì làm không muốn thì nhậu nữa, mà túc trực ở giàn khoan 16/24, để Năm Độ có thêm thời gian chạy vòng ngoài giúp cho anh Phụng. Được chừng độ khoảng 3 năm, thì nghề khoan giếng đá hết thời. Năm Độ cùng anh Phụng phải nhận thổi rửa, khoan thêm giếng cũ, kết hợp với khoan giếng mới, mới đủ việc cho lính làm.

Số mình khổ thiệt ! Đi đâu được ít lâu rồi cũng thế. Vốn dĩ là người biết đến khi cần thiết, và biết đi đúng lúc đúng thời điểm, trước khi mình sẽ không còn được trọng dụng. Nên sau sự kiện Y2K, lỗi thiên niên kỷ( Sự cố lỗi máy tính toàn cầu, Tết Tây năm 2000). Chúng tôi 6 đứa, trên ba chiếc xe máy, từ Bảo Chánh Xuân Lộc Đồng Nai, đến xem cho biết, cây cầu Mỹ Thuận bắc qua sông Tiền Giang, nối liền với Vĩnh Long. (Cầu được xây dựng từ 06/07/1997 và khánh thành vào 21/05/2000). Sau khi về lại Bảo Chánh, tôi làm bữa tiệc chia tay, giã biệt Đồng Nai thân mến, trở về Quảng Ngãi quê hương. Chẳng bao lâu, lại bay vào thành phố, giúp việc cho cửa hàng INOX Trần Hùng ở Tân Bình. Năm sau, chán cảnh làm thuê chốn phố phường, tôi trở lại Thanh Hóa, vui đời biển cả hai năm nữa, từ Lạch Bạn cho đến Cát Bà. Khi còn ở Tân Bình, thấy nhiều cặp vợ chồng, đi lên từ nghề làm bánh tráng. Thấy đời biển giã chẳng còn vui chi nữa, tôi quyết định trở về, hội ý cùng vợ, rồi tiến hành mời thợ xây lò ngay, vừa học vừa làm. Từ chỗ không biết gì về nghề này, bước đầu còn nhiều sai sót, bỏ bánh quán nào cũng chê. Chỉ hơn ba tháng sau, làm bánh không kịp bỏ, tôi liền mời thợ xây lò sấy, làm suốt sáng trưa chiều tối, chẳng ngại nắng mưa. Hơn một năm trôi qua, bánh tráng của vợ chồng tôi , đã làm nên thương hiệu độc nhất vô nhị trong làng xã, nhờ học hỏi có sàn lọc và đầy sáng tạo. Nhưng phải nói rằng, ngày mưa tháng gió mà làm được dăm ba trăm bánh trong ngày, là mặn đắng mồ hôi và nước mắt. Ngoài trời thì mưa lạnh, mà tôi từ lò sấy bước ra, mặt mày hừng hực lửa, mồ hôi nhễ nhại tấm lưng trần, người lính xính liêu xiêu. Vì cả ngày đêm tôi chỉ ngủ vài tiếng đồng hồ, làm việc 22/24, suốt ba tháng mùa đông, nhớ lại mà rùng mình, thật kính nể cho mình. Ba mùa đông liền, tôi tự đày đọa mình, làm bán sống bán chết, khi con cái ngày một lớn, đủ thứ phải lo toan. Cha mẹ tôi xót xa lắm, nhưng khuyên tôi không được, đành phải lắc đầu bất lực, nhìn con trai ngày một hao gầy.Nói thật cả đời tôi chưa bao giờ cần tiền như lúc đó. Lúc mà Như Ý nhà tôi vào đại học năm nhất. Mỗi tháng phải lo gửi cho con mấy triệu bạc. Thu nhập của người dân quê, trừ những nhà khá giả, nghe nộp tiền học phí học kỳ không, đã lùng lùng lỗ nhĩ. Vì con, tôi có thể làm tất cả, có thể bán hết sức lực của mình, chỉ cầu mong một mai, con ra trường thành đạt, không lao khổ nhọc nhằn như đời cha mẹ nó. Nhưng sức người có hạn, bốn năm giam thân trong bốn bức tường lò bánh, chẳng đàn địch ngao du, chẳng thi phú rượu trà, tôi bất ngờ đổ bệnh. Từ trung bình lúc ấy là 61 kg, tôi nghe người bắt đầu mệt mỏi, thèm ăn là lạ, tay hơi run, người sút ký từ từ. Chưa đến nửa năm, tôi chỉ còn như bộ xương biết đi, với trọng lượng cơ thể là 49 kg, người xanh xao vàng vọt, đứng đi không nổi, trông thật là suy kiệt. Thế mà ở Quảng Ngãi thời ấy, từ bệnh viện đa khoa tỉnh, cho tới các phòng khám tư nổi tiếng, năm lần bảy lượt đều chẳng tìm ra bịnh. Cuối cùng anh em trong gia đình hội ý, đưa tôi đi bệnh viện Hoàn Mỹ ở Đà Nẵng. Vừa khám xong, bác sĩ đã dám kết luận rằng, tôi bị bướu độc Basedow ( Cường giáp). Đến khi có kết quả siêu âm và xét nghiệm, tôi thấy lời bác sĩ chẩn đoán quả thật không sai. Thế mà ở Quảng Ngãi mấy tháng liền, mò tìm không ra bịnh. Thật quá ư là tệ. Dù bịnh chỉ còn thân tàn ma dại, gối mỏi tay run, nhưng chỉ trừ những ngày đi khám bịnh ra, tôi vẫn không chịu nghĩ một ngày nào, mặc cho người nhà ra sức can ngăn. Năm ấy bé Nguyễn Bội Kim Ái nhà tôi vừa học xong lớp mười. Cậu Ninh mợ Trang nhận nuôi hộ cháu ba năm, như đã từng nuôi chị nó. Ở nhà út Huyền Như còn tí tẹo, phải ngày ngày phơi bánh phụ cho tôi. Thế mà bé Như Ý vừa về nghỉ hè xong năm nhất, tôi đã nghĩ đến chuyện ra đi. Đúng thời điểm đó, bà chị vợ mới mua nhà ở quận 7 về thăm. ( Chị là nhà thơ Sóng Thu). Tôi đã nhờ chị giữ nguyên phòng trọ, chị đã thuê 7 năm qua, và nhờ chị giúp những gì cần thiết, cho một gia đình buổi đầu đi lập nghiệp.

Phen này như quyết qua sông dìm thuyền. Tôi gọi em Thủy, cùng làm nghề bánh tráng đến, chia lại cho em những gì có thể. Những gì còn lại, trong gia đình ai cần thì cho. Mẹ già khóc lóc xuýt xoa, bảo rằng thân mang trọng bịnh, đi đứng còn chưa xong, mà đòi đi lập nghiệp cái nỗi gì. Nhưng chí tôi đã quyết, thì khó mà lay chuyển được. Tôi sẽ vừa chung lưng đấu cật với vợ, lo cho con ăn học, vừa điều trị ở bệnh viện ung bướu thành phố, sẽ tốt hơn ở Quảng Ngãi nhiều.Tiền không có để mang theo, tôi đành xuống ủy ban, vay 5 triệu bạc, trong quỹ nông hội thì phải. Anh chị em nội ngoại, cho kẻ ít người nhiều, chỉ đủ vé xe vô. Gửi bé út Huyền Như ở lại, cho chú thím nó nuôi, bởi bước đầu chưa biết sẽ ra sao, mà đèo bòng con nhỏ.Tôi còn nhớ như in ! Rạng sáng ngày 28/08/2007, tôi cứng rắn chào tạm biệt gia đình. Mẹ già sụt sùi bịn rịn, chẳng chịu buông đứa con trai. Tôi nói với mẹ già một câu, trước khi rời xa mái ấm gia đình : « Xin ba má tha lỗi cho đứa con trai bất hiếu. Phen này ra đi ! Ngày nào chí chưa thành danh chưa toại, thì ngày ấy con trai má chưa trở về. Mong ba má giữ gìn sức khỏe ! Hãy tạm quên con đi ! Cho con trai cảm thấy yên lòng, mà cất bước ly hương ».Nhìn quê hương Quảng Ngãi lần cuối cùng, tôi cùng vợ bước lên xe, dưới bầu trời ảm đạm, lất phất hạt mưa thu.


X : Neo đời miền đất hứa


Người xưa có câu  « Vạn sự khởi đầu nan », quả thật chẳng sai. Vừa đặt chân lên đất thành phố, bước vào căn phòng trọ, tôi đã hình dung ra lắm nỗi khó khăn rồi. Giờ vợ chồng mình sẽ làm gì đây ? Thôi thì bán trái cây như anh chị vậy. Nhưng anh chị có quày trái cây đắc địa ngay cổng chợ, còn tôi phải thuê, mà chỉ được một nửa vỉa hè của người ta, bày bán ủm thủm, trông thật là thảm hại. Trái cây nào phải hàng nằm. Bán không chạy là xuống nước ngay, tồn đến ngày thứ ba là phải lén mang đi đổ vào thùng rác. Túi tiền mang theo mỗi ngày một bé lại, mà bán buôn thì ế ẩm vốn cạn dần. Được hơn một tháng, tôi thấy anh chị chẳng giúp được gì nhiều, ngoài việc giữ lại giùm cái phòng trọ. Mình phải mạnh mẽ, phải kiên trì, phải tự lực cánh sinh thôi. Một hôm tôi nhìn thấy, chị bán bánh tráng vò Tây Ninh sao mà đông khách quá, còn trái cây mình thì nhặng bám ruồi bâu. Đêm về tôi bàn chuyện cùng vợ, hay là mình chuyển qua bán trái cây xẻ bánh tráng vò. Vợ tôi thuận ý, nhưng khổ nỗi biết lấy bánh tráng ở đâu đây. Thôi thì trước mắt chuyển sang, vợ bán trái cây xẻ chồng bán mía, thấy người ta bán cũng được lắm. Chưa đến một tháng, túi tiền mang theo đã đầy hơn lúc mang đi. Tôi liền gửi về quê, nhờ em tôi trả hộ tiền vay cho nông hội. Sau nghe người ta nói, bánh tráng Tây Ninh cả khối ở vùng chợ lớn, phải có xe lấy về mà bán. Giờ chẳng còn lo, chuyện chi tiêu ăn ở hằng tháng nữa, tôi điện về quê nhờ chú Một mấy đứa, dẫn út Huyền Như và mang hộ chiếc xe cup cánh én cà tàng của tôi vào, đặng mà có phương tiện đi đó đi đây lấy hàng. Xe ngoài quê chưa đưa vào, mà sáng hôm ấy tôi vừa nghe « Chú mía ơi ! Công an », chưa kịp đẩy xe đi, đã bị mấy thằng trật tự đô thị hốt đưa về phường rồi. May nhờ có anh Tùng, là anh ruột của anh Đỗ Anh Văn, chồng Thu Ba, là chị vợ của tôi, làm bí thư phường nói một tiếng, chúng mới tha cho. Nhưng phơi ngoài trời nắng non cả buổi, mía ướp lạnh chua lè, đành phải vứt đi thôi. Hôm sau thấy bán mía hết ăn, vì có thêm thằng nhỏ bán, tôi liền chuyển sang bán củ sắn, thu nhập có phần khấm khá hơn. Mấy hôm sau, em tôi dẫn bé út và mang hộ xe vào. Anh em gặp nhau giữa Sài thành hoa lệ, mà tấm thân đầu đường xó chợ, nào đã biết vui chi, đành nhìn nhau bên ly men, lòng xa xót ngậm ngùi. Ôi ! Con gái út bé bỏng của tôi ! Làm sao cho con tôi sống vui trong cảnh đời tạm bợ. Rồi đây có lẽ con sẽ bị cuốn vào, vòng lao khổ nhọc nhằn cơm áo mất thôi. Vốn đã khổ, từ ngày có xe máy, vợ tôi càng khổ hơn nữa, vì bán thêm bánh tráng vò Tây Ninh. Cứ ba bốn hôm đi chợ Lớn một lần, tầm ba bốn giờ sáng, để lấy bánh tráng cùng những thứ cần thiết khác, đặng về kịp lo soạn hàng ra bán sớm. Đôi chân tôi nào đã khỏe, không dắt nổi một tủ nhỏ mía đầy, hay một giỏ củ sắn lớn. Nên vợ tôi sáng nào cũng dậy thật sớm, lo cơm nước cho cha con tôi xong, chạy xe lên lấy hàng, sửa soạn đâu ra đó, dựng ở một vị trí nhất định, chờ tôi lửng thửng đi lên, chỉ còn việc đứng bán thôi. Xong em mới đi lo phần việc của mình. Bởi chân tay quá yếu, nên mỗi hôm phường đi hốt, dẹp lấn chiếm lề đường vỉa hè, mà tôi chưa bán gần hết hàng, chỉ còn nước bó tay chịu tội mà thôi. Nhớ lại buổi ấy, thấy chúng làm kinh khủng quá. Xin hoài cũng ngại, chỉ mấy tháng mùa đông, mà chúng hốt của tôi 6 chiếc xe đẩy. Hốt xe này tôi mua xe khác, nên một phần thu nhập nhỏ nhoi, đành tiêu tan vì chuyện mua xe đẩy hoài. Thường tôi bán đến gần trưa là xong. Nhưng có hôm phường làm dữ, phải nhờ những người lân cận, đẩy hộ xe chạy trốn, bán đến quá trưa còn chưa lấy được vốn, vợ tôi phải đẩy về chỗ em, cách chỗ tôi khoảng hơn trăm mét, dồn về một mối, rồi vợ chồng cùng bán trái cây xẻ bánh tráng vò, gần đến nửa đêm, mới dọn dẹp ra về. Và quanh năm, hiếm khi nào thiếu vắng, út Huyền Như cùng chị hai Như Ý của nó. Bốn người lớn nhỏ, lầm lũi bước đi, giữa phố phường vắng lạnh, kẻ ngáp ngắn người ngáp dài, mới thương thân tủi phận làm sao. Thường ngày, khi khâu chuẩn bị xong xuôi, vợ tôi sẽ đẩy xe ngang qua chỗ tôi đứng bán, rồi mới đến chỗ em. Cứ đều đều cả niên học, sáng thứ bảy và chủ nhật, là út Huyền Như đẩy xe phụ bán cùng má. Nhìn hai mẹ con tong teo cũ kỹ, giữa phố phường rực rỡ đông vui, của phiên chợ cuối tuần, là lòng tôi se lại, lệ chực trào tuôn. Biết làm thế nào cho vợ con bớt khổ đây ! Vì nào khổ công tảo tần buôn bán, nào chăm chút cho tôi hằng ngày, bởi bệnh tật mà vất vã quá, không có điều kiện tịnh dưỡng, nên càng ngày em càng ốm đến thương, đến có hẳn biệt danh là cô Ròm, không lẫn lộn với bất kỳ ai. Nhờ ơn trời phật độ trì, từ khi bán trái cây xẻ bánh tráng vò cùng củ sắn, thu nhập hằng ngày tăng lên gấp bội. Kỳ lạ thay ! Tôi chỉ bán phụ buổi chiều đến tối với em thôi, thao tác thì chậm chạp, mà phần lớn khách hàng thủy chung, thích ăn bánh tráng tôi vò, trái cây tôi xẻ, mới ngộ làm sao. Làm lâu, khách vẫn đợi một cách vui vẻ. Và mỗi ngày khách đến một đông hơn. Nên dù bị hốt liên tục, vợ chồng tôi cũng đã dư được ít nhiều, khi cái Tết đầu tiên nơi đất khách quê người, buồn đến tím ruột bầm gan, đã về khắp chốn nhân gian.

Sáng mồng một Tết, để vợ con ở nhà, một mình tôi đẩy một ít trái cây cuối năm còn thừa lại đi bán. Đứng hơn một tiếng đồng hồ, chỉ có hai bé gái, đến mua một trái xoài. Cặp chân của tôi nào đủ sức đứng lâu. Cứ đứng mươi lăm phút, tôi lại ngồi bệt xuống lề đường, duỗi cả hai chân ra ngơi nghỉ. Liền có hai cô bé, ăn mặc lịch sự sạch sẽ, rà xe tới. Cô ngồi sau nheo mắt cười chào, chúc mừng năm mới. Tôi cũng cười chào lại. Chợt cô bé hỏi tôi còn nhớ cô không ? Tôi cười lắc đầu. Cô bé mếu môi, bảo rằng trước đó ngày nào, cũng mua một bịch mía, mà sao tôi mau quên quá. Đoạn cô bé hỏi sao tôi, không ở nhà ăn Tết, mà đi bán thế này. Tôi cười méo xệch bảo rằng, ba ngày Tết mà không về quê đoàn tụ với gia đình, không viếng mộ, thắp cây hương cho tiên linh ông bà, mà ở trong dãy trọ, nhìn phòng phòng đóng cửa, chú chẳng thấy Tết là chi, nơi đất khách quê người. Bởi vậy chú mới đi bán cho đỡ buồn đó thôi. Cô bé nhìn tôi với vẻ mặt cảm thông, và bảo rằng muốn mua hết, cả tủ trái cây của tôi. Miệng nói tay làm, cô bé vui vẻ lấy một bịch xốp bự, lùa hết trái cây trong tủ vào, đoạn hỏi giá bao nhiêu. Tôi tình thiệt bảo khoảng ba chục nếu bán lẻ, giờ mua trọn con đưa chú hai chục thôi. Cô bé cám ơn, rồi móc ra bỏ lại vào tủ kính, khoảng dăm bảy trái đủ loại, bảo chú mang về cho mấy em ăn lấy thảo. Tưởng đã xong, tôi vui vẻ cám ơn, chờ cô bé đang móc ví. Không ngờ cô bé dúi vào tay tôi, và nói một câu dài mà tôi nhớ mãi tới giờ : «  Số còn lại cho con xin được mừng tuổi chú. Con cầu mong ơn trên phù hộ độ trì cho chú và gia đình được mạnh khỏe, công việc làm ăn ngày một đi lên. Chú sẽ không còn đi bán hàng rong nữa. Kính chúc chú năm mới, sẽ có nhiều niềm vui mới. Sẽ là một ông chủ cửa tiệm gì gì đó. Tướng chú không phải người làm thuê, hay đi bán hàng rong. Con hy vọng một ngày nào đó, chú sẽ thành công. Chúc chú năm mới vui vẻ ! Thôi chú về ăn Tết với vợ con đi ! Chiều nay đừng đi bán nữa nha ! ». Vừa nói, cô bé vừa bước lên xe, vẫy tay tạm biệt. Chẳng hiểu sao tôi không chào lại, cũng chẳng một lời cám ơn, mà đứng như trời trồng, cầm tờ bạc một trăm, nhìn cô bé đi dần khuất, đôi dòng lệ tủi thân chợt trào, rơi lã chã giữa một ngày đầu năm. Ông chủ ư ! Haha ! Cái tấm thân đầu đường xó chợ này, mới biết làm ông chủ gì đây ! Lòng ngậm ngùi nhớ lại, lời cô sinh viên tên Mai, mối mua củ sắn hôm nào, giờ đã đi nơi khác : « Mỗi người đều có quyền chọn cho mình, một công việc thích hợp, đúng với khả năng có thể. Con nghĩ rằng chú đang chọn nhầm, hoặc lấy ngắn nuôi dài. Chú có dáng dấp như một giáo sư, một văn nghệ sĩ đĩnh đạt, hay chí ít là một ông chủ doanh nghiệp nho nhỏ nào đó, con không biết nữa. Chẳng hiểu vì sao lại đi bán hàng rong. Con mong một ngày nào đó, con trở lại nơi này, không còn thấy chú rao bán củ sắn nữa, mà chú đang làm ăn khấm khá, ở một nơi nào đó ». Thì ra hai cô bé khách hàng, kẻ mua mía người mua củ sắn, đều có cách nhìn cách nghĩ giống nhau về tôi, đều cầu mong tôi đổi đời, không còn là chú hàng rong nữa. Lòng bỗng nhớ lại đêm Noel, tôi uống lâng lâng, rồi lang thang khắp phố phường, bước chân bị cuốn đến bên giáo đường lúc nào chẳng biết. Hồi chuông thánh lễ ngân vang, tôi nghe lòng lắng dịu thâm trầm. Lồng ngực tôi như mở ra, uống cạn từng tiếng chuông thánh thót. Nuốt sâu vào hồn, chợt thấy mình bay lên , bay lên đến cửa thiên đường. Bài thánh ca vang lên, tôi bềnh bồng giẫm lên bóng giáo đường, mà thấy mình như lạc chốn thiên thai. Đêm ấy tôi ngủ ngay cổng chợ. Chẳng biết vì khấn nguyện, và thường mơ ước hay sao, mà trong mơ tôi thấy rất rõ ràng. Cả chúa phật trên trời, đều phán rằng tôi sẽ được bình yên, sẽ có ngày cơm no áo ấm. Tôi đã chọn đúng, đây là nơi đất lành chim đậu. Hãy tin tưởng ngày mai như một phép mầu. Ôi ! Phép mầu đâu chẳng thấy ! Giữa ngày đầu năm, nắng phố phường vẫn còn in bóng chú hàng rong, cùng chiếc xe đẩy thân quen chậm chạp ra về. Nhưng từ trong sâu thẳm, tôi nghe thấy mình, vẫn ôm ấp vững một niềm tin, rồi sẽ một ngày.

Cái Tết thảm đạm đầu tiên, nơi đất khách quê người, rồi cũng chậm chạp qua đi, trả mọi thứ về như vốn có của nó. Giờ đôi chân đã khá hơn, tôi thay vợ đưa đón út Huyền Như, sáng sáng chiều chiều, trên chiếc xe rách nát, còn gắn cái ba ga, to tổ bố để chở hàng. Vậy mà trông con bé rất vui, khi được ba đưa đón. Chỉ có một điều khiến tôi lấy làm buồn. Vì cuộc sống kham khổ, dãi dầu nắng mưa, vì bịnh tật ốm đau, đã hằn lên da thịt bóng dáng tôi, một vẻ khắc khổ già trước tuổi quá nhiều. Nên mỗi chiều tôi đến trường đón cháu, chúng bạn bảo với nó rằng : Ông ngoại mày đến kìa Như ơi ! Tôi nghe chừng xót xa buồn nhỏ lệ.

Đời nào ngưng sóng gió ! Bán buôn tạm bợ làm sao yên. Chẳng biết do chỉ thị từ trên xuống hay sao, mà tụi phường làm dữ quá. Chúng thực hiện đường thông hè thoáng, dọn dẹp tháo gở xử phạt, hốt lên xe tải, phương tiện hàng hóa những ai, lấn chiếm lòng đường vỉa hè, một cách gắt gao ráo riết, làm dân hàng rong, cùng những người bán buôn tạm bợ, đều xấc bấc xang bang, tơi tả te tua. Và tôi ! Sau khi bị tịch thu chiếc xe đẩy cuối cùng, đã thuê lại chỗ hồi bán trái cây, đối diện với cổng chợ, cũng là nơi em đứng bán ngoài vỉa hè. Giờ không được nữa, nên thuê phần phía trước nhà người ta, độ chừng hơn vài mét, đóng thêm tủ kệ, vừa bán trái cây xẻ bánh tráng vò, vừa mua thêm nước non sữa sùng, ở siêu thị về, bắt chước người ta, ướp lạnh bán kiếm lời. Càng bán tôi càng thấy, nhu cầu của khách hàng ngày một nhiều hơn. Họ hỏi thứ gì, là hôm sau vợ tôi mua thứ đó về bán ngay. Mới đâu được hơn tháng, con bé trà sữa, cùng thuê phía trước với tôi, nhưng phần ai nấy bán. Thấy vợ chồng tôi làm ăn được, nó ghen ăn tức ở, nịnh hót bà chủ nhà, nói xấu để bà ấy đuổi tôi đi. May cho tôi ! Chưa biết dọn về đâu, thì cô bác sĩ Tuyết người Bắc, làm ở bệnh viện An Bình, nhà sát vách nhà tôi đang thuê, hiểu rõ sự tình, thông cảm hoàn cảnh, đã bàn chuyện với chồng, rồi vui vẻ cho tôi dọn hàng, sang bên cô mà buôn bán. Giờ có mặt bằng rộng hơn, dù chỉ là phần vỉa hè phía trước nhà, vợ chồng tôi hội ý mở như quày tạp hóa nhỏ, với đầy đủ bia rượu nước giải khát, cà phê thuốc lá và nhiều mặt hàng thông dụng khác nữa. Phía trước vẫn chưng trái cây xẻ bánh tráng vò. Chưa đầy một tháng, vợ chồng tôi phỏng tính, thấy thu nhập tăng gấp đôi, so với trước đây rồi.

Vui nào được bao lâu ! Chẳng biết rắp tâm chuẩn bị từ lúc nào, đùng một phát,con bé trà sữa mở quày tạp hóa giải khát, đẹp và đầy đủ hơn cả quày tôi. Cuộc chiến cạnh tranh bắt đầu nổ ra, khốc liệt đến độ vợ tôi đổ bịnh, vì bị nó cướp mối liên tục. Thời lang bạt ngoài đất Bắc, tôi đã có dịp gần gũi người Hải Dương, quê của con bé trà sữa, nhưng họ đâu có hung hăng hỗn láo như con bé này. Cả vợ chồng tôi, từ nhỏ đến lớn giờ, chưa hề nghĩ phải trang bị cho mình, vốn luyến từ ngữ thô tục, để đấu khẩu ăn thua đủ, với lời lẽ hàng tôm hàng cá như nó. Cũng vì vợ tôi hiền quá, chẳng những bị nó cướp mối trắng trợn, mà còn bị chửi ngược te tua thậm tệ, xối xả ngày ngày. Còn thằng chồng nó người Vĩnh Phúc. Tôi nào có tranh chấp hơn thua với ai, mà nó cũng tạt vào mặt : « ĐM thằng già kia ! Nhìn nhìn gì ? Có muốn ông đập cho một phát, vỡ sọ không thì bảo ». Ôi ! Chàng nghệ sĩ giang hồ, từng « Dọc ngang nào biết trên đầu có ai », mà lúc ấy đành ngó đi chỗ khác, nhẫn nhục chịu thua, một thằng tép riu đáng tuổi con mình. Đời cơm áo bon chen, trong cái cõi xô bồ này, sao mà dễ sanh phiền não. Tức thay cho dì dượng, thằng con của bà chị vợ tôi, đã dạy cho chúng một bài học, nhưng phải bồi thường cơm thuốc, và bị xử phạt tạm giam mấy ngày.

Sau vụ đó, tình hình chiến sự có phần im tiếng súng, nhưng tôi đã ngao ngán não nề. Như qua một cuộc chiến tranh, út Huyền Như còn mất ăn mất ngủ, tong teo hơn vì con nhỏ trà sữa, huống chi là má nó. Đôi khi xong việc nhìn nhau, tôi phải quay đi rơi lệ âm thầm. Thấy hoàn cảnh vợ chồng tôi như thế, cô đại lý gạo cách đó hai căn, lại thương tình giúp đỡ, bảo tôi dời sang bên cô mà buôn bán. Cũng như bác sĩ Tuyết, cô chẳng lấy một xu nào, còn mang đồ ăn thức uống hằng ngày cho tôi nữa. Kể từ khi mở quày tạp hóa giải khát vỉa hè, khuya lại một mình tôi phải bán đến hai giờ sáng, mới ngả lưng trên ghế xếp, ngủ tại chỗ ba tiếng đồng hồ. Hừng đông đã dậy mở ra bán tiếp, nên người khô khốc tiều tụy đến thảm thương, tóc đã bạc càng thêm bạc. May mà sống trong tình thương yêu, chăm sóc ân cần chu đáo hết mực của em, không thì khổ công việc, cộng hợp với ốm đau bịnh tật, tôi ngã quỵ tự lâu rồi.

Hơn một năm trôi qua, kể từ lúc đặt chân đến phố chợ này, vợ chồng tôi đã gầy dựng, được một nền móng, phải nói là tương đối vững chãi, và nhanh hơn nhiều, so với những anh em đồng hương, đang cầu thực tha phương. Nhưng phải nói rằng câu thơ của ai đó : « Cơm áo không đùa với khách thơ », quả thật là thấm thía. Chỉ hơn một năm thôi, tôi đã nếm quá đủ ngọt bùi cay đắng, tủi hổ và lo âu, khiến lòng chẳng yên bình. Và cũng chẳng mấy khi, làm trọn được bài thơ, trong những tháng năm này. Mà nào đã yên đâu ! Công việc làm ăn đang thuận buồm xuôi gió, đầu óc cũng hết căng thẳng, khi không còn cảnh ngày ngày, va chạm với con nhỏ trà sữa Trân Châu. Sau một thời gian, tương đối thanh thản thư thái, vợ chồng tôi dần có da có thịt trở lại. Thì đùng một phát hay tin, chủ nhà sắp lấy lại mặt bằng để bán nhà. Vợ tôi vừa nghe đã tối tăm mặt mũi. Đúng là trời cao vẫn còn đùa, chưa dễ gì tôi được bình yên, mà vững bước đi lên.

Giờ dầu gì cũng đã có ít vốn, đủ sức thuê mặt bằng để mở tiệm rồi. Điều quan trọng là thuê ở đâu ? Bán buôn có đắc địa như ở đây không ! Thật là không đơn giản. Không đến nỗi như vợ mình, nhưng thực tình tôi cũng bị sốc. Không thể chần chừ được, tôi đi dạo ba tuyến đường, sung nhất của quận 7, vừa lúc có bốn điểm, để bảng cho thuê mặt bằng. Tôi bỏ ra ba ngày liền, nắm sát độ sung của từng điểm một. Không ngờ hai điểm tháo bảng, chỉ còn lại hai. Người ta nghĩ tôi điên, không chọn mặt bằng ngay gần cầu Tân Thuận 5m x 34m, 1 lửng, chỉ có 3 triệu rưỡi đồng/ tháng. Mà lại đi chọn mặt bằng bé tí xíu, ở 242 Nguyễn Thập, chỉ 3m x 9m, chưa tới 30m vuông, không có gác, mà giá thì ở trên trời, 6 triệu/ 1 tháng. Nhưng đó mới là sự lựa chọn sáng suốt, nếu ta biết nhìn vị thế. Mặt bằng kia tuy lớn gần gấp sáu lần, nhưng ở sát chân cầu, xe thường thẳng trớn chạy luôn, ít khi mà dừng lại mua này nọ. Đằng này mặt bằng tuy bé, nhưng cách ngã ba sầm uất, chỉ có một shop quần áo lớn. Bên hông là con hẽm, vào ba dãy nhà trọ lớn, có đến mấy trăm phòng. Đó là một vị thế khá tốt, rất thích hợp cho việc mở tiệm tạp hóa, khi cách đó không xa, có hai tiệm quá lèo tèo, không thể là đôi thủ của vợ tôi.

Thế mà sau một tuần hì hục, đóng kệ xong, chuyển hàng từ chỗ cũ sang, dọn hàng ra bán, thật là ảm đạm. Suốt cả chục ngày đầu tiên, chỉ có lai rai, những người mua mì tôm thuốc lá, mắm muối chuối tiêu. Thu nhập ôi năm cọc ba đồng, mới chán làm sao. Từ ngày vào thành phố đến giờ, vợ tôi chỉ quen ngủ nghỉ, ở nhà trọ yên tĩnh, chứ chưa hề nếm mùi, ngủ đầu đường xó chợ như tôi. Nên giờ ở ngoài mặt tiền, tiếng xe cộ ồn ào, náo nhiệt suốt ngày đêm, làm em không ngủ được. Cọng hợp với bán buôn ế ẩm, làm em căng thẳng. Mới vài mươi hôm, mà trông em xuống sắc đi nhiều. Một khuya nọ không ngủ được nữa, em ngồi dậy bậc khóc tức tửi, thở than đủ điều, rồi đòi về quê, có đói ăn đói no ăn no. Nghèo mà vui, không khí trong lành, công việc làm ăn không bị áp lực như ở nơi này. Tôi không nói ra, nhưng cũng đang rất là căng thẳng, mà phải gắng dỗ dành em, như tự trấn an mình. Từ ngày về tiệm mới, tôi mở cửa 24/24, đã dọn trả phòng trọ, nên bốn mẹ con cùng ngủ dưới sàn nhà. Riêng tôi bốn mùa, mưa nắng gì cũng vỉa hè, như là đại bản doanh. Và vị thống lĩnh tôi, đêm đêm túc trực, để điều binh khiển tướng ở đó, ngày mới lui về, nghỉ ngơi tí đỉnh cho lại sức. Hết tháng tới tháng liền liền, thời gian qua nhanh đến chóng mặt. Quần đi quần lại đã ba lần phải lo, tiền điện tiền điện tiền nước tiền nhà, mà bán buôn thì không đủ chi tiêu, khiến tôi càng lùng bùng lỗ nhĩ. Từ nơi này đến chợ, chưa đầy 400m, mà khách quen ngày xưa chẳng ghé lại mấy người. Đến tháng thứ tư, tôi gồng mình chịu đựng, khi việc bán buôn chẳng có gì khởi sắc, mà ngày lo thanh toán tiền hằng tháng đã gần kề. Đêm đêm ngoài vỉa hè, tôi đi qua đi lại mãi, đốt thuốc liên tục, cà phê tự chế đậm đặc liền mấy cử, rất ít đường, không bao giờ uống sữa, uống đến khô người, khi lòng chẳng bình yên. Mình từng coi đồng tiền rẻ rúng, sao giờ lại để nó thao túng mình kia chứ ? Vì ngày xưa mình chẳng kinh doanh, chẳng nghĩ suy gì đến đói no thiếu đủ. Chẳng gần gũi với môi trường, đồng trên đè đồng dưới, nên không bị áp lực đồng tiền, đè lên tâm hồn lãng tử, đang mai một dần giữa chốn phồn hoa. Giờ làm được một đồng, muốn có hai ba đồng. Khi làm được năm bảy đồng lại muốn có chín mười đồng. Chẳng biết bao nhiêu là đủ, thì làm sao mà thư thái an vui được. Gặp lúc làm không được, người nặng như mang xích xiềng. Càng nhiều nỗi lo toan, càng căng thẳng, ăn không ngon ngủ không yên, là lẽ đương nhiên. Ngột ngạt quá, đêm đêm tôi xách đàn ra, ngồi đàn hát một mình dưới mái hiên, cho quên đi bao sầu lo đang đè nặng. Có khách thì bán, không khách thì chơi, chẳng nghĩ ngợi nhiều. Kỳ lạ thay ! Bốn tháng ròng tôi mỏi mòn mong mà chẳng được, khách vẫn thưa vốn luyến cạn dần. Đến khi tâm trạng tôi, chẳng còn như ngồi trên đống lửa nữa, khách mỗi ngày một đông, lúc nào tôi cũng chẳng hay. Và niềm vui bỉ cực thới lai, đến với tôi, như là một lẽ đương nhiên. Tháng thứ năm nhẹ trôi chầm chậm, thanh toán tiền hằng tháng xong, còn dư được ít nhiều. Lần đầu tiên gần nửa năm trời, vợ tôi bước ra ngoài hiên, môi nở nụ cười mọng thắm dưới đèn khuya, ngồi nghe tôi đàn hát. Phố xá lung linh lấp lánh, màu gì như hạnh phúc ngút ngàn, đang chan hòa ngập tràn, trong đáy mắt em tôi.

Thế rồi một tháng hai tháng ba tháng, một năm hai năm ba năm, công việc làm ăn mỗi ngày một thịnh. Nhiều khách hàng nam nữ thanh niên, đã nói với tôi rằng, một khi đã đến với vợ chồng tôi, họ không thể nào bỏ đi mua nơi khác được. Nếu phải lỡ mua, mặc dù tôi không biết, họ vẫn cảm thấy rằng, đang làm một điều, có lỗi với vợ chồng tôi. Nhờ thế mà bao năm, tôi vẫn giữ được lượng khách thủy chung, giúp cho nguồn thu nhập, luôn tương đối ổn định. Và chẳng mấy năm trôi, từ một chú bán hàng rong, bị phường quận hốt lên hốt xuống, tôi đã có nhà lớn nhà nhỏ, nơi Sài thành hoa lệ. Điều mà những người, đi lập nghiệp trước tôi, đến nay vẫn còn buôn gánh bán bưng, chồng vợ lang thang thang ngoài phố chợ. Với họ suốt đời, chỉ là trong mơ ước mà thôi. Thật là không phải dễ. Thì ra tôi cũng là người may mắn. Phải cám ơn trời phật ông bà, đã phù hộ độ trì cho tôi, có cuộc sống sung túc an lành, vui vẻ bấy lâu nay.


ĐOẠN KẾT


Như đã từng nói trong thơ của minh : « Đời là một bài thơ không đoạn cuối ». Giờ tôi cũng xin gửi chuyện đời mình, không đoạn cuối ở nơi đây. Dù mai kia, dòng đời có cuốn tôi, trôi về đâu đi chăng nữa, tôi vẫn mong rằng, người đời chỉ biết về tôi đến bấy nhiêu thôi. Chỉ bấy nhiêu thôi ! đã đủ cho tôi, một lãng tử hào hoa, cảm thấy ấm lòng, trong những tháng ngày còn lại của đời mình. Và mai kia, khi về nơi chín suối, chẳng biết có còn ai nhớ về, một thi sĩ hào hoa, đã sống gần như cả một đời lãng tử, mãi ray rứt về chữ hiếu, của một kiếp con người. Tuổi trẻ mê chơi, thỏa thú tiêu dao du sơn ngoạn thủy, khắp cùng trời cuối đất, để mẹ cha già, nơi cố xứ mỏi mòn trông. Thời trung niên bị cuốn vào cơm áo, biền biệt mười năm mới trở lại quê nhà. Bà con gần xa kẻ còn người mất, bè bạn bao năm ai vẫn ai đà. Ngắm mẹ nhìn cha hình hài thay đổi, mười năm nén dồn, ứ trào tuôn dòng lệ xót xa. Ta đắm vào áo cơm, ta mê đời phiêu lãng, ta thả hồn nổi trôi, bồng bềnh trong hư thực. Ta quên rằng, thời gian không đứng đợi. Mẹ cha ngày một yếu, nào muốn chờ ta, công thành danh toại mới trở về. Dẫu có đổi đời, mẹ cha nằm một chỗ, chẳng biết chi là hưởng thụ, ta dâng tặng muộn màng, nào ý nghĩa gì đâu. Đời nào cho ta trở lại thời thơ ấu, để học đạo làm con, biết phụng dưỡng mẹ cha, khi bóng xế chiều tà. Đời nào còn kiếp sau, để ta không làm một đứa con bất hiếu. Vì mê chơi, mà vui đời phiêu lãng, vì đói nghèo mà cất bước ly hương. Giờ ngồi nhẫm lại, sáu mươi năm cuộc đời, ta ở bên mẹ cha được mấy ngày, trừ cái thời niên thiếu ấu thơ xưa. Ôi ! Đứa con hư, chỉ biết tìm về nhà khi sa cơ lỡ vận, Chỉ biết ở bên mẹ cha, những tháng ngày chừng mỏi cánh giang hồ. Giờ ngoãnh lại nhìn, ta thấy bao năm qua, chăm chút được gì cho cha cho mẹ, ngoài việc gửi ít đồng về, góp của góp công cùng chị em, chăm sóc mẹ cha già. Đồng tiền quý thật, nhưng cái mà cha mẹ quý hơn, đó là bầu không khí ấm cúng, của gia đình đoàn tụ. Ít nhất một năm một lần, ông bà già yếu, được nhìn tận mặt con cháu đủ đầy, hưởng niềm hạnh phúc đoàn viên, khi Tết về rộn ràng, khắp xóm thôn phố thị. Chỉ cần giả dụ như con ta, đi công tác xa vài ba tháng thôi, mà ta đã nhớ thương và lo lắng ra sao. Thì đủ hiểu lòng mẹ cha ta, buồn tủi héo hắt thế nào, khi mỏi mòn mong ngóng trông con, đôi khi biền biệt sơn khê, đến năm bảy năm ròng. Than ôi ! Một kiếp người ngắn ngủi, lỡ dại hoang phí rồi, biết lấy gì đáp đền, cho cha mẹ được đây !

Truyện viết đã xong ba năm về trước, giờ mới ngồi đây viết phần đoạn kết, và thấy trong mình có chút gì nhìn nhận, về đời về người khác với ngày xưa.

Sài Gòn cuối thu 2017






VVM.21.11.2021

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
vietvanmoinewvietart007@gmail.com