C ây kơ nia đứng sừng sững trên khoảnh đất rộng, trải thảm xanh rì với đàn bò đang nhởn nhơ gặm cỏ. Phía sau là một nhà rông cao ngất có cầu thang đi lên ở hai bên. Ông bạn Tạ Văn Sỹ dẫn đường cho biết đây là phạm vi buôn làng Konrwang, chỉ cách thành phố khoảng 1 km về phía đông. Trong xóm nhỏ ngoài kia là các nhà của người dân tộc Ba Na, nhánh Brơngao. Đến chụp hình trước cây kơ nia mà nghĩ về thời gian đã trôi qua trên lớp vỏ sần sùi trăm năm tuổi này. Bao lớp phế hưng, bao lần thay đổi. Giống như những căn nhà trong xóm tôi rảo qua ban nãy, hầu như đã là nhà gạch hết rồi. Tìm một căn nhà sàn như xưa cũng khó. Chỉ còn gian nhà rông đầu làng như biểu tượng cho khách tham quan vậy thôi. Dù sao cảnh trí vẫn êm ả, không khí vẫn trong lành khi ta hít sâu vào lồng ngực, nghe gió núi như len vào từng hơi thở.
Trở lại Kon tum sau mười năm từ lần di trước, đứng trước ngôi nhà thờ gỗ tuyệt vời mà tưởng như mình vừa đến đây hôm qua. Bởi mọi thứ vẫn nằm nguyên đó. Mái nhọn vút cao, nước gỗ mun đen mướt, từng dãy hành lang với hàng cột tròn cổ kính, vòm trần cao lấp lánh, rực rỡ bên trong thánh đường, những con chiên quỳ trên hàng ghế, rì rầm tiếng cầu nguyện như mọi khi…Tất cả, tất cả vẫn như hình ảnh cũ còn nằm sâu trong kí ức cũng như cây cầu treo Konklor phía trước thánh đường này. Chạm tay vào thành cầu, vuốt nhẹ sợi dây văng, kỉ niệm lại ùa về như đang cất lên bài hát “Mười năm tình cũ” từ ai đó. Hình như ngay lần đầu đến đây, khi đứng trên cầu chụp hình tôi đã có cảm giác ngây ngất về sự hài hòa, thanh thoát của cây cầu “Đẹp như một giấc mơ” này. Và bây giờ vẫn vậy. Ngôi nhà thờ gỗ độc nhất vô nhị luôn gắn liền với cầu dây văng đẹp đẽ vẫn nằm trong nỗi nhớ một thời…Chưa kể cây cầu treo bắc ngang sông Đăk Bla, con sông duy nhất bao quanh thung lũng Kon tum xưa còn mang theo một huyền thoại đẹp đẽ về tình yêu như lời kể của ông bạn nhà thơ, người được xem là “Nhà Kon Tum học” của vùng đất này. Rằng sông Đăk Bla là “con sông chảy ngược” từ Tây sang đông bởi chuyện tình bi thương của cô gái Banar và chàng trai J’rai ở hai bên sông. Vì thù hận của hai dân tộc, họ đã hẹn nhau cùng tự sát bên sông, máu của họ đã chảy xuống dòng Đăk Bla hòa vào nhau và do tục mẫu hệ nên sông đã đổi dòng chảy theo hướng buôn làng của cô gái tức chảy về phía tây thay vì về phía đông. Thêm vào đó con sông đã trở nên uốn khúc cong queo như sự trắc trở của mối tình sâu đậm kia chứ không phẳng lặng, thẳng tắp như trước… Giai thoại anh bạn kể khiến người nghe cảm động rưng rưng và dòng Đăk Bla hiện ra trước mắt bỗng trở nên lung linh, kì ảo đến lạ lùng.
Điểm mới lạ vừa thấy hôm nay là những bông hoa hình như mới trồng phía sau nhà thờ. Những dây hoa vàng rựa rỡ, hoa tím mộng mơ cứ nở đầy và rủ xuống như những vòng hoa tuyệt đẹp khiến ai cũng muốn đứng vào đó chụp hình. Ôi hoa vàng mấy độ, hoa tím ngày xưa đây mà! Khách lãng du lòng trí lại bâng khuâng cảm hoài. Còn nhớ lần trước đến đây, mấy cây bằng lăng vẫn đứng trong sân nhưng chưa vào mùa bông, giờ nhìn lên bông đã đầy cành, lại toàn một màu trắng xóa mới lạ. Xưa giờ mình chỉ biết bông bằng lăng với các màu hồng, tím chứ chưa gặp loại bông trắng này, đúng là mê mẫn thiệt! Chụp vào hình càng nhìn càng thấy lạ lẫm, thú vị.
Buổi chiều tà, nắng nhạt Kontum đón chúng tôi vào quán cà phê Indochine nổi tiếng. Lần trước bạn dẫn vào quán Eva ở đâu đó cũng rất đẹp, lần này phát hiện quán mới xem sao. Đập vào mắt là một hồ nước trong xanh, mấy pho tượng trắng bày trí đẹp mắt. Bước ngang cây cầu nhỏ, mấy chiếc bàn và ghế đều bằng cây láng bóng. Đặc biệt nhất là mái vòm của quán mở ra như hình rẽ quát, nhiều tầng, nhiều lớp sâu hút vào trong làm bằng những sợi mây kết lại, những sợi mây cứng được sơn pơ mu nâu bóng thật ấn tượng. Nghe các bạn địa phương giới thiệu đây là một trong vài quán nổi tiếng của thành phố. Vậy là sau một ngày ngắm nhìn đã mắt lại có dịp ngồi nhâm nhi ly cà phê thơm phức hàn huyên tâm sự cùng bạn xa vừa gặp lại và cảm nhận chút hương đêm của phố núi. Tiếc là đang đầu hè nên chưa có mưa và cũng chưa có sương mù đệm thêm vào chút lãng mạn nên thơ của xứ này.
Sáng hôm sau ông bạn lại dẫn đường vào tham quan chùa cổ Bác Ái cũng nằm không xa thành phố lắm. Ngôi chùa được xây từ năm 1933 và đã được vua Bảo Đại “Sắc tứ Bác Ái Tự”.Theo lời kể, chùa được xây sau phong trào chạy loạn của cư dân miền Trung ào ạt kéo vào Kon Tum và cái tên Bác Ái xuất phát từ 40 mẫu ruộng tốt mà nhà chùa từng canh tác và giúp đỡ gạo thóc cho dân nghèo. Ngôi chùa từ xa xưa vẫn không phân biệt người Kinh hay người dân tộc đều đến đây cúng bái, đến năm 1990 được trùng tu và trở thành danh lam thắng cảnh của vùng này. Đến chùa Bác Ái khách có thể nghe giai thoại về một con bạch hổ ba chân từng đến nghe kinh vào những năm chùa mới thành lập, cả hơn mười năm trời, bạch hổ mới biến mất.
Chỉ hai ngày trên cao nguyên mà mắt thấy tai nghe bao điều. Nhắm mắt lại, Kon tum nắng và gió, Kon Tum uốn mình theo dòng chảy của con sông Đăk Bla tuyệt vời như mấy câu thơ : sông Đăk Bla như một tiếng tù và/ Thổi vào lòng xanh thị xã ( Với Kon Tum- Trần Mạnh Hảo).
Nhưng đâu chỉ có vậy, Kon Tum còn vương vấn lòng tôi bởi một bóng hình thân thương quanh quất đâu đây. Trước khi ra về, chúng tôi đã ghé nhà cô con gái, bước lên lầu thắp hương cho một anh bạn thơ. Cả một đời anh bạn lang bạt khắp nơi, cuối cùng đã nằm xuống và được thờ phụng nơi này. Nhìn lên ảnh trên bàn thờ, bạn vẫn trẻ trung, tươi tắn với nụ cười hiền hòa như đang ngồi tán dóc với bạn bè trong một quán cà phê nào đó miệt đồng bằng sông Hậu. Vậy mà hơn chục năm rồi bạn đã vắng xa. Có phải bạn đã như “Nốt nhạc trầm rơi bên dòng Dăk Bla” trong nỗi ray rứt, ngậm ngùi:
Anh bất lực trước dòng sông chảy ngược
Hoài công tìm vớt lại tiếng đàn xưa
Những nốt nhạc nằm im trong cát ấm
Bỏ lời chim rơi dấu lặng khuôn chiều
(Thơ Nguyễn Bạch Dương)
Rời Kon Tum đi về hướng bình nguyên, trong tôi đã ngập tràn hình ảnh như vậy. Núi tiếp núi, đồi tiếp đối, suối chảy hai bên đường đi, nỗi nhớ lại trào dâng với lời hứa sẽ có ngày trở lại…trở lại…