Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
         



NHỮNG MẨU CHUYỆN VỀ CHÓ !



Nghe tin anh Phạm Minh Hùng 49 tuổi cùng vợ mang đàn chó 15 con trên chiếc xe máy cà tàng vượt 300km về Cà Mau thì bị tiêu hủy!
Tôi xúc động quá, chỉ biết chia sẻ bằng vài câu chuyện cũ về chó…

1. LUYỆN ĂN…MỘC TỒN!

-“ Ở trên đời này làm gì có thằng con trai nào lại không biết ăn thịt chó? Tôi sẽ làm cho nó ( tức là tôi ) phải nghiện “Mộc tồn”! Đấy rồi xem…! “

Ông hàng xóm nhà tôi, hồi tôi còn nhỏ , ở trong làng Vân Hồ quả quyết như vậy! Nhà ông chỉ có hai người, Ông - thường gọi là ông Tân ( cách gọi dân gian theo tên con trai cả ) và anh Tân con trai ông. Cả hai cha con ông đều tốt bụng, sống vui vẻ chan hòa, nhưng họ lại khá kín đáo về đời tư, nên mọi người cũng ít ai dám hỏi. Ông là dân “ngụ cư” từ đâu đến và đến từ bao giờ tôi không biết. Theo mẹ tôi kể lại, ông Tân trước có một bà vợ xinh đẹp, đảm đang, nhưng không may bị bạo bệnh qua đời lúc anh Tân mới bốn tuổi. Ông ở vậy nuôi con từ đó đến nay anh Tân đã hai bốn, hai nhăm mà vẫn không “đi bước nữa”…Còn anh Tân ở cái tuổi ấy lại đẹp trai, hào hoa mà chưa lấy vợ chẳng hiểu vì sao. Ông Tân trạc tuổi ba tôi, thỉnh thoảng vẫn sang đánh cờ với ba tôi, lúc cao hứng hai ông lại đọc bằng tiếng Pháp các bài thơ của các Thi sĩ Pháp và luận đàm về Văn học Pháp có vẻ tâm đầu ý hợp lắm. Do vậy tôi thân với cả hai cha con ông Tân. Thỉnh thoảng tôi sang ngủ với anh Tân “để cho vui” theo “yêu cầu” của anh Tân. Một hôm vừa đi học về, chưa kịp cất cặp sách mẹ tôi đã bảo:

- Ông Tân bảo con sang ăn cơm, mau đi kẻo ông ấy đợi!

Tôi quăng vội chiếc cặp vào hộc bàn quay ra. Mẹ tôi gọi với:

- Nhớ phải ý tứ, cẩn thận đấy con nhé!

Vừa tới cửa phòng, nhìn vào tôi đã thấy hai cha con ông Tân, hai ông bạn của ông Tân và “ông Bếp” ( ông này ở sát ngay nhà ông Tân, giúp cho việc nấu nướng hàng ngày, Nghe nói trước “ông Bếp” là đầu bếp lừng danh của một tiệm ăn lớn của Hà Nội đã nghỉ hưu ). Tôi chào to:

- Cháu chào các bác ạ! Em chào anh Tân ạ!

- Đi học về rồi đấy cháu? Nhanh vào ăn cơm! Ông Tân giọng rất vui vẻ.

Tôi bước mấy bước rồi sững lại:

- Hôm nay nhà ta ăn thịt Chó ạ?

- Thịt Chó đâu mà thịt Chó, toàn thịt Lợn đấy chứ, xem này! Ông Tân nói

Tôi nhìn vào chiếc đĩa to ở trong mâm, quả là những miếng thịt, miếng gan được chọn và thái rất khéo trông cứ như…thịt lợn rất dễ lầm! Nhưng còn cái mùi! Cái mùi rất đặc trưng không thể lẫn, không thể dấu vào đâu được, mà tôi lại rất “thính” với mùi này!

- Cháu xin phép các bác và anh Tân, cháu không biết ăn món này ạ! Cháu xin phép về đây ạ! Tôi vừa nói vừa quay lại bước nhanh ra cửa!

- Ơ! Này này này…! Tiếng mọi người gọi sau lưng tôi.

Khoảng một tháng sau, lại cũng buổi trưa tôi đi học về, mẹ tôi nói:

- Ông Tân vừa ở đây về, ông ấy bảo hôm nay “Ông Bếp” làm các món toàn sườn: sườn rán, sườn xào chua ngọt, sườn nấu canh sấu…ngon lắm, ông ấy đợi con sang ăn cơm.

Tôi chạy vội sang, đến cửa phòng thì sững lại bởi…nhận ra ngay…cái mùi ấy !

- Cháu cảm ơn! Cháu không ăn được đâu ạ! Rồi chạy…như bay về nhà!

Lần thứ ba, chỉ sau đấy một tuần, ông Tân ngồi sẵn đợi tôi về để “dong” tôi sang

- Bạn anh Tân biếu một chiếc chân giò lợn rừng, “ông Bếp” nấu món giả cầy không chê vào đâu được! Chắc cháu cũng thích thôi…

Nhưng mùi riềng, mẻ mắm tôm không thể nào át được cái mùi đặc biệt ấy! Không kịp chào hỏi tôi chạy biến về nhà!

- Thôi! Thôi! Tôi xin chịu! Cái thằng quỷ này! Mũi nó thính cứ như mũi…chó!

Ông Tân giơ cả hai tay lên trời như…đầu hàng, nói to!

Ông Tân có biết đâu rằng Ba tôi không ăn thịt Chó! Còn mẹ tôi là một Phật tử rất mộ đạo, rằm, mồng một lễ chùa đều đặn ( nhà tôi ở gần chùa Vân Hồ ), nên cái món này tối kỵ! Có lẽ tôi mang “gien” của ba , mẹ tôi chăng?

2. MỰC, VÀNG LÀM TĂNG SỨC MẠNH!

Nhà tôi chuyển từ làng Vân Hồ ra ở cuối phố Bà Triệu; Đây là một ngôi nhà thờ Họ, ở phía sau hai nhà mặt đường, trong một khu vườn rộng. Người “Thủ từ” trước là một ông già trong Họ, không vợ không con, khi ông qua đời, cả Họ muốn gia đình tôi đến đấy ở, trông nom luôn, nhất là ba tôi lại giữ chức trưởng họ! Ngôi nhà đúng là to như cái Đình! Trừ gian giữa trang trọng bày bàn thờ, còn lại anh chị em chúng tôi mỗi người một chỗ mà như vẫn lọt thỏm!

Khu vườn rất rộng rãi, sạch sẽ và đẹp, trồng đủ loại cây ăn quả mùa nào thức ấy. Hồi đó ở đoạn cuối phố Bà Triệu không có điện lại rất vắng vẻ. Nhà rộng, vườn rộng nên ba tôi nuôi hai con chó, con đực lông đen tuyền được đặt tên là Mực; Con cái lông vàng óng mang luôn tên Vàng. Mực và Vàng lớn nhanh như thổi, to, cao lừng lững, ức nở, bụng thon, bốn chân như chân Ngựa chạy nhanh như gió…Tôi mê cả hai chú chó và khu vườn lắm! Trừ lúc tôi đi học, còn lại hai chú chó luôn quấn bên chân tôi. Ở sát khu vườn nhà tôi là nhà của “hai thằng quỷ sứ” ( mọi người vẫn gọi và ngay chính cả bố mẹ nó cũng gọi thế )- hai anh em tên là Phú và Quí. Phú hơn tôi hai tuổi còn Quí hơn tôi một tuổi cao lớn hơn tôi ( tôi chỉ đứng đến tai thằng Quí ). Chính vì vậy mà hai anh em nó chuyên môn bắt nạt tôi, nhiều khi tôi phải…chịu lép một bề! Khu vườn nhà tôi và nhà chúng chỉ được ngăn bằng bức tường gạch thấp, nên chúng trèo sang vườn nhà tôi cứ như bỡn! Ăn quả chán chúng lại ngắt lá, bẻ cành phá phách. Có lúc tôi ra vườn tình cờ bắt gặp chúng trên cây, tôi bảo chúng sao dám vào vườn thế này, chúng lại đặt ngón tay cái lên mũi, ve vẩy bàn tay…lêu lêu tôi! Biết không làm gì được chúng, tôi đành quay vào!

Một hôm nghe thấy tiếng động ngoài vườn, biết chắc “hai thằng quỉ sứ” đã đột nhập, tôi thả xích hai con chó. Mực và Vàng lao ra như tên bắn, chồm lên hai gốc cây Ổi nơi hai thằng đang vắt vẻo ăn Ổi, sủa ầm ĩ, hai chân trước lại cào cào vào thân cây như muốn leo lên! Hai thằng khiếp vía ôm chặt lấy thân cây sợ rơi xuống…mõm Chó!

Tôi hùng dũng bước ra, lấy chiếc ghế bạt xếp (anh cả tôi vẫn dùng khi đi câu cá) ngồi vênh mặt giữa hai cây không nói năng gì! Mực và Vàng cũng ngừng sủa nằm dưới gốc cây ngẩng đầu lên…nhìn!

Hồi lâu như vậy, thằng Phú lên tiếng trước:

- Thôi tao xin mày, cho chúng tao xuống. Tôi vẫn không nhếch mép!

- Tao lạy mày, tha cho chúng tao! Thằng Quí tiếp lời.

- Tha ư? Để rồi lần sau chúng mày lại ngang nhiên vào vườn nhà tao thích làm gì thì làm à? Tôi nói.

- Không! Không ! chúng tao xin thề! Cả hai đứa tranh nhau nói.

- Thề cá Trê chui ống! Tao chỉ cần chúng mày nói theo tao, có nói không? Tôi hỏi

- Nói, nói , nói chúng tao sẽ nói theo ngay! Cả hai đứa cùng trả lời.

- Chúng em biết lỗi rồi ạ! Tôi vừa dứt lời hai đứa nhắc theo luôn.

- Chúng em xin anh tha cho chúng em ạ! ( Lại nhắc không sai )

- Chúng em xin hứa không bao giờ dám thế nữa ạ! ( Hai đứa đồng thanh đều tăm tắp ).

- Thôi được rồi, lần này tao tha cho! Còn tái phạm thì chớ trách! Từ bây giờ tao thả Chó trong vườn đấy! ( Tôi dọa thôi chứ nhà tôi vẫn xích Chó ngoài hiên, cái hiên rất rộng để nhà tôi ngồi ăn cơm cho mát ).

Tôi gọi Mực và Vàng đến, vẫn ngồi ghế một tay ôm Mực, một tay ôm Vàng sát hai bên.

Phú và Quí tụt vội xuống, ba chân bốn cẳng chạy, leo phắt qua tường. Từ đó “hai thằng quỉ sứ” không dám bén mảng nữa, nhưng thỉnh thoảng tôi lại gọi ơi ới, lúc thì cho chúng vài quả Ổi, lúc dăm quả Khế ngọt hoặc Na. Mùa Mít , lúc mẹ tôi bổ Mít chín tôi lại mang cho chúng một miếng to tướng. Cứ thế hóa ra thành thân nhau.

Lại nói tiếp chuyện về Mực và Vàng.

Một hôm chờ mãi không thấy Vàng về ăn cơm tối ( Thường cứ chiều chiều là tôi thả chúng ra cho chạy rông để khỏi cuồng cẳng ). Suốt đêm, đến sáng hôm sau cũng không thấy tăm hơi!

- Thôi chắc là nó bị bắt mất rồi! Mẹ tôi thở dài.

- Chó nhà mình không đi đâu xa đâu, hay có khi nó vẫn quanh quẩn trong vườn? tôi nói.

Ăn sáng xong, tôi thả xích, theo sau Mực ra vườn. Mực chúi mũi xuống đất hít hít đánh hơi. Loanh quanh một hồi tôi thấy Mực chạy đến một bụi cây rậm rạp ở góc vườn , vừa rít vừa bới rồi quay lại sủa ầm ỹ!

Tôi và mẹ tôi tới nơi mới biết Vàng nằm trong bụi…chết tự bao giờ! Không hề có dấu hiệu ăn phải bả hay bị đánh! Chẳng hiểu nguyên nhân vì đâu nữa!

Tôi và mẹ tôi chôn cất Vàng chu đáo, mẹ tôi còn thắp hương khấn vái cẩn thận. Tôi buồn mất mấy ngày, cả Mực cũng vậy, thậm chí Mực còn bỏ ăn, nằm một chỗ không nhúc nhích!

Tôi và Mực càng thêm gắn bó quấn quýt. Thời gian trôi đi, đến một hôm Mực ốm, bỏ ăn mấy ngày thì…chết! Lại chẳng hiểu vì sao cả! Hai mẹ con tôi cũng “ma chay” cho Mực chu đáo.

Mỗi lần nhớ đến mẹ tôi lại chép miệng:

- Nhà mình nuôi được hai con Chó khôn cứ như người!Tiếc thật!


3. MÓN NGON NHẤT THẾ GIỚI!

Vào thập niên 60, Hà Nội có nhiều cuộc hội thảo khoa học, các nhà khoa học của nhiều nước trên Thế giới lần lượt đến dự. Đoàn các nhà khoa học Châu Âu nghỉ tại Khách sạn Bờ Hồ. Một vị trong đoàn ( có lẽ phụ trách hậu cần ) cùng với người Phiên dịch gặp ông Bếp trưởng. Sau cái bắt tay, chào hỏi xã giao, Vị này nói:

- Chúng tôi đã đi hầu khắp Thế giới, được ăn khá nhiều món ngon chế biến từ thịt các loài động vật của các nước. Nay đến Việt Nam chúng tôi muốn được thưởng thức món gì thật lạ, thật đặc biệt, mong ông lưu ý!

- Rất hân hạnh! Tôi sẽ cố gắng thưa Ngài!- Ông Bếp trưởng trả lời.

Đến đúng giờ ăn, các “Mơ nuy” lần lượt được đưa lên hơi bốc nghi ngút. Các vị trong Đoàn vừa ăn vừa tròn mắt nhìn nhau, hết ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác! Họ trao đổi với nhau có vẻ rất sôi nổi! Bữa đó vị nào cũng ăn khỏe gấp đôi bình thường!

Tàn tiệc, đích thân ông Trưởng đoàn cùng người Phiên dịch xuống gặp ông Bếp trưởng:

- Cảm ơn ông đã cho chúng tôi một bữa ăn thật ngon! Chưa bao giờ chúng tôi được ăn những món lạ đến thế, ngon đến thế! Đúng là những món ngon nhất Thế giới!- Ông Trưởng Đoàn nói.

- Cảm ơn ông đã hài lòng món ăn của chúng tôi! Hy vọng sẽ gặp lại các ông!- Ông Bếp trưởng đáp.

- Tôi không dám và không thể hỏi cách chế biến, nhưng xin ông cho biết đấy là thịt của loài động vật nào vậy? Ông Trưởng Đoàn lại hỏi.

- Đó là thịt con “Cây Tờ”!- Ông Bếp trả lời

- Cay To? Nó hai chân hay bốn chân? Và tên khoa học của nó là gì?- Ông Trưởng Đoàn lại hỏi.

- Bốn chân! Đấy là tên dân gian Việt Nam, còn tên khoa học tôi không biết! Ông Bếp Trưởng cười.

- Cay To! Tôi nhớ rồi cảm ơn ông! Ông Trưởng Đoàn bắt chặt tay ông Bếp Trưởng rồi ra về.

Lúc ông Trưởng Đoàn cùng người phiên dịch đi khỏi, đám nhân viên nhà bếp cả trai lẫn gái cười phá lên:

- Chịu bố già thật, bố biến báo giỏi quá!

- Hì hì…vì dân Âu Mỹ không ăn thịt Chó nên phải nói tránh đi kẻo họ sợ! Họ cứ nhầm lẫn với Chó cảnh của họ mà không biết ở ta Chó cảnh khác, Chó thịt khác!- Ông Bếp Trưởng cười.

Hóa ra “Cây Tờ” ông Bếp Trưởng nói xuất xứ là “Cờ Tây”-Cầy Tơ (thịt Chó) nói lái. Sợ dễ lộ, ông lại “đảo ngữ” một lần nữa rất tinh quái!

Ông Bếp Trưởng ấy chính là bố anh Qúy-bạn học của tôi trong trường Đại Học Bách Khoa lúc bấy giờ!

4. BUN PỚP

Tôi và Quốc thật có cơ duyên với nhau: Cùng học trong Trường Đại Học Bách Khoa, tốt nghiệp ra trường mỗi đứa nhận công tác một nơi, nhưng khi vào chiến trường lại cùng chung một đơn vị ở Trường Sơn. Và đặc biệt: đều không ăn được thịt Chó! Bộ Tư Lệnh X. của chúng tôi bản doanh đóng ở một vùng núi hẻo lánh của Hà Tĩnh, nhưng hoạt động suốt cả Đông và Tây Trường Sơn, Đường 9-Nam Lào. Một lần đi công tác bên Lào, Quốc mang về một con chó rất đẹp, cao to, lông màu đồng óng mượt, ức nở, bụng thon, chân mảnh và dài, lao vun vút như mũi tên! Tôi liền đặt tên cho nó là Bun Pớp*.

- Lấy tên một loại Tên lửa của Mỹ đặt cho nó có sao không? Quốc e ngại hỏi tôi.

- Chẳng sao cả! Tôi muốn nói lên cái nhanh nhẹn, dũng mãnh của nó!- Tôi trả lời.

Hai chúng tôi yêu quý Bun Pớp lắm, chăm bẵm hết lòng.

Tranh thủ những lúc ở nhà chưa phải đi công tác ( nhiệm vụ của chúng tôi là xuống các đơn vị trực thuộc trấn thủ ở các cung đường, huấn luyện, tổ chức rà phá các loại bom mìn của địch, ứng cứu các trọng điểm bị đánh phá ác liệt gây tắc đường và phối hợp với Cục Kỹ thuật nghiên cứu các loại vũ khí mới của địch ) tôi huấn luyện Bun Pớp ăn “có bát có đũa” hẳn hoi, không ăn bất cứ vật gì bên ngoài; Biết bắt tay, đi bằng hai chân, bò trườn như…Đặc công, Tìm các đồ vật giấu kín…và một số trò khác. Bun Pớp tỏ ra rất thông minh, biết vâng lời.

Thỉnh thoảng tôi và Quốc dắt Bun Pớp ra sông tập bơi. Sông mùa khô nước cạn chỉ rộng chừng 30m. Tôi đứng bờ bên này, Quốc ở bờ bên kia ném quả bóng, Bun Pớp bơi qua lại đẩy bóng về cứ thế, lúc cho lên bờ nghỉ, Bun Pớp mệt quá, đi ngã xiêu ngã vẹo trên bờ cát trông rất buồn cười!

Đến một lần tôi và Quốc cùng lúc đi công tác hàng tháng trời. Bun Pớp ở nhà nhờ anh chủ nhà trông nom hộ ( Trừ Sở chỉ huy và một số phòng làm việc của Bộ Tư Lệnh làm nhà riêng, còn chúng tôi ở cùng với dân, cứ 2 đến 3 người một nhà ).

Lúc chúng tôi hoàn thành đợt công tác trở về, anh chủ nhà buồn bã nói:

- Bun Pớp bị nó bắt mang đi rồi!

- Ai bắt? Bắt mang đi đâu?- Tôi hỏi

- Thằng Đọi làm nghề chở thuyền ở xóm mới!

Người tên là Đọi này làm nghề chở thuyền, cả gia đình gồm 4 người-hai vợ chồng hai đứa con sống lênh đênh trên mặt nước. Họ chở thuê hàng hóa dọc sông, cứ phiêu bạt hết chỗ này đến chỗ khác có khi đến mấy tháng mới về đây cắm sào nghỉ ngơi! Địa phương thông cảm hoàn cảnh, cấp cho mảnh đất ở “xóm mới” sát bờ sông, lại giúp làm một căn nhà “Tranh tre nứa lá” để có chỗ chui ra chui vào.

Khoảng ba tháng sau , chúng tôi được một người dân tốt bụng báo tin là họ đã về!

Ông Trưởng thôn bảo tôi:

- Nhà này ngang ngược lắm! ở đây không ai ưa cả! Để tôi đi cùng với anh xem sao.

Tôi với ông Trưởng thôn bước nhanh về phía bờ sông đến nhà Đọi. Cách một quãng tôi đã thấy Bun Pớp bị xích ở cái cột hiên nhà. Thấy tôi Bun Pớp chạy vội ra nhưng bị dây xích kéo giật lại như dựng đứng lên rít ăng ẳng, đuôi vẫy rối rít. Chúng tôi bước vào sân, Đọi cũng từ trong nhà bước ra, ông Trưởng Thôn hỏi:

- Con Chó này của ai?

- Của tôi, tôi nuôi lâu lắm rồi , tôi mua mãi trên rú kia! Đọi trả lời.

- Tôi nói cho anh biết, con Chó là của đồng chí bộ đội này ( ông Trưởng Thôn chỉ vào tôi ) cả xóm giữa mọi người đều biết, anh phải trả lại cho đồng chí ấy!

- Đúng là của tôi mà! Tôi đã cho nó đi theo mấy tháng nay rồi bây giờ mới về!- Đọi cãi.

Lúc này tôi mới lên tiếng:

-Tôi có thể chứng minh con chó này là của tôi, anh Quốc mang từ bên Lào về, chúng tôi đã huấn luyện nó cẩn thận. Chắc anh cũng đã tận mắt chứng kiến ngay từ đầu thấy tôi nó đã mừng như thế nào rồi? Nhưng để anh hết thắc mắc tôi sẽ bảo nó làm vài động tác để anh xem! Sau đó tôi đã bảo Bun Pớp bắt tay ông Trưởng Thôn, đi một vòng bằng hai chân, bò trườn kiểu Đặc công…

- Anh thấy chưa? Còn gì để nói nữa không? Ông Trưởng Thôn nói.

- Nhưng…nhưng…mụ nhà em đang đi bán mớ cá, chờ mụ ấy về…Đọi gãi tai ấp úng.

- Chờ đến bao giờ?Tôi nói cho anh biết anh phải trả lại con chó ngay, nếu không chúng tôi sẽ có biện pháp! Ông Trưởng Thôn khẳng định rồi kéo tay tôi về.

Tới chiều hôm sau, tôi nghe tiếng chó sủa ầm ỹ ngoài vườn, nhìn ra thì thấy một đàn chó nhâu nhâu vây quanh Bun Pớp nhưng không con nào dám xông vào! Thấy tôi đàn chó dạt ra, Bun Pớp lao thẳng đến chỗ tôi chồm lên như ôm chặt lấy chủ. Cứ như thế đến ngày tôi và Quốc có chuyến công tác dài ngày xuống các Binh trạm, anh chủ nhà nhắn cho chúng tôi biết tay Đọi lại bắt mất Bun Pớp rồi! Anh ấy đã báo cho ông Trưởng Thôn và cùng ông Trưởng Thôn đến nhà Đọi nhưng không thấy Bun Pớp đâu , chắc Đọi đã mang nó đi đâu mất rồi!

Sau này khi đã được ra Bắc chúng tôi còn nhớ tiếc mãi Bun Pớp…

* Tên loại Tên lửa không đối đất AGM-12 Bullpup của Mỹ hồi chiến tranh.
Ghi chú: Ảnh minh họa trong bài sưu tầm





VVM.16.11.2021

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
vietvanmoinewvietart007@gmail.com