Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      


TUYẾT RƠI



B ản tin thời tiết của băng tần số 8 trên truyền hình loan báo cơn bão tuyết sẽ đến vào trưa và chiều hôm nay, nhiệt độ có thể xuống đến mười độ F.  Điều này cũng chẳng có gì là lạ đối với vùng mà Kim đang sinh sống.

Ngày còn ở Việt Nam, Kim luôn mơ ước có một ngày cô được đi lang thang dưới trời tuyết đang rơi.  Quang cảnh ấy quả thật lãng mạn làm sao!  Những tấm post cards và thiệp Giáng Sinh với những hình ảnh đẹp đẽ của những ngôi nhà chìm trong mùa trắng xóa và những chú nai kéo xe trượt tuyết có chở ông già Noel càng thêm thôi thúc mơ ước của nàng.

Sau ngày 30 tháng tư năm 1975, Kim đang học năm thứ nhất trường Đại Học Văn Khoa Sài Gòn, nàng chưa có một dính líu gì đến chế độ Việt Nam Cộng Hòa.  Gia đình Kim thuộc tầng lớp buôn bán trung lưu, Kim lại là con một trong nhà. 

Rồi bao nhiêu sự kiện xãy ra khiến Kim cùng các bạn phải gác bỏ việc học để bắt tay vào ‘lao động để xây dựng chủ nghĩa xã hội’, xây dựng các công trình ‘thủy lợi’, các ‘vùng kinh tế mới’. 

Lúc đầu Kim rất phấn khởi, những phấn khich của tuổi trẻ khi nhìn thấy đất nước hòa bình khiến nàng tham gia một cách nhiệt tình vào những sinh hoạt để xây dựng nước nhà.  Những khẩu hiệu như ‘Nơi nào cần thanh niên có, nơi nào khó có thanh niên’ hoặc ‘Bàn tay ta làm nên tất cả, có sức người sỏi đá cũng thành cơm’ hấp dẩn và thúc giục Kim cùng các bạn lao vào những sinh hoạt của tuổi trẻ một cách không cần suy nghĩ.  Ai cũng muốn góp bàn tay mình vào việc xây dựng một đất nước giàu đẹp trong thời hậu chiến.

Tuyết bên ngoài bắt đầu rơi, những bông tuyết trắng xoá giống như những chùm bông gòn lất phất bay xuống các cành cây ngọn cỏ trông thật đẹp mắt.  Những thân cây trụi lá lần lần bám đầy những bông tuyết nhẹ.  Những loại cây evergreen cũng được bao phủ những màn tuyết trắng trông thật nỗi bật.  Nhưng tuyết càng lúc càng nặng hạt hơn; bầu trời trở nên xám xịt.  Lớp tuyết trên driveway càng lúc càng dầy thêm, một inch rồi hai inches.  Kim không còn hứng thú đứng ngắm nhìn tuyết rơi nữa.

Trở lại với những ngày xưa, sau thời gian phấn khích của lúc đầu, Kim và các bạn bắt đầu nhận ra sự thật.  Tất cả những gì mà Kim và các bạn hăng hái bắt tay xây dựng đều trở nên vô ích và vô nghĩa.  Những nông trường được xây dựng xong rồi bỏ hoang.  Các công trình ‘thuỷ lợi’ đã trở thành ‘thuỷ hại’.  Những người dân ra đi xây dựng ‘vùng kinh tế mới’ lần lượt lục tục bỏ về thành phố và nằm đầy các vĩa hè.  Nông dân rời bỏ ruộng vườn lên thành phố để làm những công việc tạp nhạp.

Rồi kế đến là các công cuộc cải tạo ‘ngụy quân, ngụy quyền’, cải tạo ‘công thương nghiệp’, cải tạo xã hội.  Người dân càng ngày càng phải ‘thắt lưng buộc bụng’ để xây dựng Xã Hội Chủ Nghĩa trong khi đó thì nhà cửa, đất đai, tài sản của người dân đều lần lượt được ‘hiến dâng’ cho những con người tự xưng là ‘cách mạng’.

Gia đình Kim cũng không thoát khỏi; căn nhà của ba má Kim bị liệt vào hạng ‘quá rộng’ đối với một ‘hộ’ chỉ có ba người.  Do đó ‘họ’ cấp cho một căn nhà khác nhỏ hơn và buộc phải giao căn nhà lớn ấy cho ‘nhân dân’.

Tiếp theo nữa là những vụ đổi tiền rồi lại đổi tiền.  Gia đình Kim và mọi người dân đều trở nên ‘bình đẳng trong nghèo đói’.  Thế là Kim đã thật sự vỡ mộng, cũng giống như hiện giờ đây Kim đã hết thấy được vẻ đẹp của cảnh tuyết đang rơi!

Kim buồn cười với sự so sánh này.  Nhưng dù sao thì tuyết cũng chỉ là tuyết, chỉ là một hiện tượng tự nhiên của trời đất, trong khi những gì xãy ra trong đất nước thì lại do một tập đoàn dùng chính sách dối trá và bạo lực tạo ra.  Tuyết rơi chỉ làm con người khó chịu vì lạnh, vì khó di chuyển, nhưng lúc nào trông cũng vẫn đẹp trong khi những lời cổ vũ dối trá càng lúc lại càng trở thành trơ trẽn.  Nghỉ đến đây bỗng dưng Kim thấy những hoa tuyết trông dễ yêu hơn.  Cái lạnh bên ngoài kia không thể làm giảm sự ấm áp trong lòng nàng và cũng không thể làm giảm được nét đẹp của cảnh tuyết đang rơi.

Chính sách phân biệt đối xử đối với ‘ngụy dân’ càng lúc càng rõ ràng hơn.  Người dân bắt đầu tìm mọi cách rời bỏ đất nước.  Đi học thì phải có lý lịch gia đình ‘cách mạng’ chứ không cần đến trình độ học vấn.  Học trình thì toàn là ‘chính trị Marx–Lenin’ và ‘tư tưởng Hồ Chí Minh’, ‘tư tưởng Mao Trạch Đông’ chứ không cần kiến thức chuyên môn.  Tất cả những gì thuộc về ‘tư bản’ đều là sai, thuộc về ‘xã hội chủ nghĩa’ đều là đúng, không cần phải biện minh.  Lý luận thì chỉ có một chiều, nói ngược lại tức là chống đối chế độ.  Tư tưởng cũng như cuộc sống của mọi người dân đều được kiểm soát chặc chẻ bằng những buổi họp tổ, họp phường, kiểm điểm lẫn nhau.

Rồi gia đình Kim cũng không thể chịu nỗi mà phải tìm cách ra đi.  Sau mấy lần thất bại, cuối cùng Kim và cha mẹ cũng đến được thành phố Elkhart thuộc tiểu bang Indiana để cho Kim thoả mãn cái mơ ước ngây thơ của mình là được đi lang thang dưới trời tuyết đang rơi.

Bên ngoài tuyết đã ngưng, cũng đã đến giờ ba má đi làm, Kim phải giúp ba đem cái snowblower ra để thổi tuyết cho sạch driveway.  Từ ngày sang đây, ba má Kim tìm được việc làm chung giờ trong một cơ sở sản xuất đồ phụ tùng mobilhomes nên cả hai đi làm cùng một xe, tiết kiệm rất nhiều cho gia đình.  Riêng Kim thì vừa đi học vừa đi làm waitress cho một nhà hàng Tàu, cũng tạm đủ để xoay xài; tiền học và sách vỡ thì đã có financial aid và student loan.  Chỉ còn hai semesters nữa là Kim đã xong bằng BS về IT.

Ngày mới sang đây, Kim rất lưỡng lự và cũng gặp không ít khó khăn.  Mặc dù ở Việt Nam Kim thuộc loại khá về English nhưng qua đến đây Kim gần như ‘điếc’.  Đến khi có ý định bước vào đại học, Kim lại không biết mình nên theo ngành nào.  Vốn kiến thức của trường Văn Khoa ở Việt Nam, nhất là sau 1975 giờ đây dùng để làm gì?  Ba má Kim thì để con gái tự ý chọn lựa, chỉ có một lời khuyên là nên chọn ngành nghề có liên hệ đến kỹ thuật và tránh những ngành mà khi ra làm việc có nhiều tiếp xúc với khách.  Ông bà cho rằng dù tiếng Anh của mình có giỏi đến đâu cũng vẫn không thể so sánh được với người bản xứ.  Thế là Kim đã chọn ngành IT và nàng bỗng say mê với ngành học mới mẻ này.

Chiều nay Kim có giờ học ở trường IUSB (Indiana University of South Bend).  Nhìn thấy tuyết phủ đầy trên con đường phía trước nhà Kim thấy lưỡng lự khi phải lái xe đến trường, nhưng rồi Kim vẫn quyết định ra đi.  Ra khỏi đường nhánh, con đường Main Street đã được các xe ủi tuyết dọn xong và đã được rắc muối nên cũng dễ lái hơn.  Khi quẹo trái vào đường nhỏ để vô trường, chiếc xe chạy phía trước bỗng bị trượt và quay hẳn một vòng.  Kim đạp nhẹ thắng và bẻ nhẹ tay lái vào phía lề.  Qua năm mùa tuyết Kim có chút ít kinh nghiệm lái xe hơn chứ lúc đầu xe nàng cũng bị xoay vòng không biết bao nhiêu lần.  May mắn là đường xá thường vắng vẻ nên Kim cũng chưa bị tai nạn bao giờ.

Ngồi trong nhà nhìn trời tuyết rơi thì thật là đẹp, nhưng lái xe dưới trời tuyết thì không ‘đẹp’ chút nào.  Cũng như nghe những lời dối trá của bọn Việt Cộng thì rất hay nhưng chạm trán với thật tế thì mới ‘vỡ mộng’.

Kim lại thả hồn về những việc quá khứ nữa rồi.  Đem những việc xãy ra ở cái xứ Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam mà so sánh với cảnh tuyết rơi thì quả thật là tội nghiệp cho ..... tuyết!  Dù tuyết có lạnh, có trơn trợt thì Kim cũng sẳn sàng đi trong tuyết một cách tự nguyện.  Đó chỉ là những khó khăn trước mặt để dẫn đến một chân trời tốt đẹp; ngoài ra khi tuyết tan hết rồi thì cỏ xanh lại sẽ hiện ra.  Trong khi đó sự lừa dối của một tập đoàn chỉ có thể dẫn con người đến sự lầm than cơ cực. 

Khi tuyết ngừng rơi, mùa Xuân sẽ đến, những chồi hoa ngủ yên dưới lòng đất sẽ nẫy mầm để nhuộm cho đời một nét đẹp khác.   Ngược lại những lời dối trá trơ trẽn khi đã bị khám phá thì càng thấy kinh tỡm hơn, càng làm cho dân tộc đi đến sự cùng cực hơn.   Nghĩ đến đây Kim không còn thấy ghét tuyết rơi nữa.  Nếu quả thật tuyết không đẹp thì đã không có những vầng thơ ca tụng.  Kim mĩm cười khi nghe cái CD player trong xe nàng bắt đầu bản nhạc "Tombre La Neige".





VVM.16.11.2021

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
vietvanmoinewvietart007@gmail.com