B uổi sáng trời trong xanh. Ngày bừng thức, lao xao bởi tiếng chim ríu rít trong những tàn cây rậm lá trên cao. Những ngọn cỏ rối, những bông hoa và ngay những tay lá thấp hai bên vệ đường cũng mạnh mẽ vươn lên như muốn níu cả trời mây, chụp bắt từng dải nắng đang điệu đà rót mật.
Mùa Hè gần như đã hết, vậy mà những tấm áo diệp lục vẫn ngan ngát màu xanh. Chưa thấy một dấu hiệu nào của tàn phai chờ đón một mùa rụng mới. Mọi thứ dường như vẫn tươi vì vắng bóng con người. Vắng bóng những đứa trẻ đùa nghịch, chạy nhảy trên cỏ. Ðôi khi vặt nhổ lặc lìa những bông hoa không thương tiếc.
Thời dịch bệnh, mọi người chôn chân trong nhà tránh bệnh, hầu như chẳng ai ra đường trừ khi có việc cần thiết, nên cây lá được yên ổn với đời thiên nhiên của nó. Không cần nghe tin tức, bình luận của bộ giao thông, môi trường. Từ cửa sổ nhìn ra tôi đã nhận được điều kỳ diệu này. Sự ô nhiễm giảm đi thấy rõ.
Và bây giờ tôi đang đi trong không khí thanh khiết của một ngày mới bắt đầu. Ngày thì luôn mới nhưng mình thì đã cũ. Ý nghĩ này thường đến vào những buổi sáng thức dậy, ra hiên nhìn ngắm đất trời.
Ðêm qua đầu nhức bưng như búa bổ. Tôi phải dùng một phần tư viên Lexomil, để ngủ. Nhưng rồi lại bị đánh thức giữa đêm vì những ngón chân bị cụp lại, tê điếng. Căn bệnh gọi là vọp bẻ này cũng thường thôi, tôi đã tập quen với nó từ lâu.
Bác sĩ nói tôi thiếu magnésium, thiếu vitamin D, tôi cần ánh nắng, cần tập thể dục hay ít nhất phải đi bộ mỗi ngày. Nhưng tự tôi biết, cái tôi thiếu chính là tuổi trẻ, là tam, tứ, ngũ… những con số, những mốc thời gian tương quan chặt chẽ để giữ vững xác và hồn. Thiếu ở đây cũng là mất, vì tất cả đã ra đi không trở lại.
Nơi này, những ngôi biệt thự gần như giống nhau. Ðược xây lưng lửng trên cao, vì bên dưới dùng làm hầm chứa xe. Bước vào nhà phải đi qua một vườn đầy hoa cỏ với lối đi lót gạch.
Cửa chính vô nhà được chia làm hai lối bởi một bờ tường, cong vòng từ bên này qua bên kia. Bờ tường như cái lan can thấp, hàng rào là những khối hình trụ mỏng. Nhìn từ phía xa nó như một cây cầu, hai đầu có những bậc tam cấp để bước lên.
Tôi chưa thấy, hoặc chưa có dịp thấy một ngôi nhà như thế ở Việt Nam. Vậy mà những người bạn ở Mỹ qua, khi tôi đưa đi dạo trên con đường sau nhà này, ai cũng bảo sao giống những biệt thự ở Việt Nam quá! Vài cậu sinh viên kiến trúc qua đây du lịch, đã tỏ ra thích thú, chụp lấy chụp để những tấm hình, từng góc cạnh của ngôi nhà.
Những vòm mái, khung cửa, cột trụ, hành lang cùng những phù điêu chạm trỗ tinh xảo thường thấy nơi những ngôi trường xưa, những căn nhà cổ… Có phải cái hồn Tây Phương trong những công trình xây cất mà người Pháp để lại Việt Nam cả một thế kỷ dài đô hộ vẫn còn thấp thoáng, hiển hiện trong những kiến trúc hiện đại nơi này.
Với tôi, cái giông giống, hao hao mà bạn tôi nói là những bờ tường phủ kín lá xanh, bởi một loài dây leo chằng chịt bám cứng. Khi nhìn thấy, nó khiến tôi nhớ những ngôi nhà đẹp trên đường bà Huyện Thanh Quan, đường Tú Xương hay Trần Quý Cáp tôi thường chạy xe ngang qua thời đi học. Cũng có những tường vách đầy dây leo đeo bám.
Tôi không đi tìm ánh nắng, thứ vitamin D miễn phí trời đất ban cho. Tôi dạo trên những con đường hẹp này chỉ vì thích ra khỏi nhà. Vì cơn nhức đầu đêm qua còn váng vất. Hậu quả để lại từ những suy tư bất thường.
Ký ức tôi giống như hai bàn tay, những ngón tay đang chơi trò nắm bắt.
Những ngón tay xoè ra rồi đóng kín. Ký ức là những cái có, cái không.
Tôi đã làm gì suốt một khoảng đời dài? Thời thiếu nữ, rồi hai mươi, ba mươi, bốn mươi? Kỷ niệm của tuổi trẻ là sân trường, là phố vui hàng quán, là khuôn mặt bạn bè, và người yêu nữa. Tôi nhớ hết, sao duy nhất chỉ có người yêu là tôi không nhớ? Lại là người yêu đầu đời.
Tôi nhớ tuổi mười lăm, mười sáu.
Mỗi buổi trưa vào lớp học, trước khi cất sách vở vô ngăn bàn, tôi luôn tìm kiếm một mảnh giấy được xếp kỹ càng làm ba làm bốn, được nhét trong một khe hở của hộc bàn. Thư của Soái, một anh bạn học buổi sáng. Chúng tôi quen nhau vì cùng học chung lớp năm trước. Nhưng năm sau Soái học sáng, tôi học chiều. Lớp sáng lớp chiều đều cùng một phòng. Cũng cùng những giáo sư giảng dạy.
Cơ duyên của chúng tôi là lớp sáng, dãy bàn của nữ sinh nằm bên trái, nam sinh bên phải và buổi chiều thì ngược lại. Soái đã dặn tôi là hãy chọn ngay chỗ Soái ngồi. Cũng vì thế mới có những tờ thư buổi sáng gửi cho buổi chiều. Không phải thư tình, thư học trò thăm hỏi vu vơ. Nhưng chúng tôi có một bí mật mà nếu các thầy biết, Soái sẽ lãnh một mức phạt cao nhất. Vì Soái đã tiết lộ cho tôi những đề bài kiểm, nếu như lớp của Soái thi trước tôi vài ngày. Nhất là đề toán, Soái giỏi toán mà!
Khi lên trung học đệ nhị cấp, tôi đổi trường vì chọn ban C. Soái chọn ban B, và qua học trường Hồ Ngọc Cẩn. Tôi không hiểu sao cả mấy năm học trường Tư thục, Soái lại vào trường Công lập một cách ngon lành như vậy.
Tôi còn nhớ rõ, Soái có đến nhà thăm tôi vài lần khi có dịp đi đâu đó ngang qua nhà tôi. Nhưng gọi là thăm, chứ hai đứa chỉ đứng trước cửa, vài câu bâng quơ trao đổi. Soái lúc nào cũng mặc sơ mi trắng, quần tây đen, rất nề nếp thư sinh.
Nhiều năm qua rồi. Có lúc tôi nghĩ tới Soái, thầm hỏi không biết bây giờ Soái ở đâu? Tôi nhớ Soái, Soái là bạn, không phải người yêu.
Tuổi thiếu nữ điệu đàng của tôi chẳng có một phong thư tình nào để giấu vào cuối vở. Dù tôi nhận được mỗi tuần một phong thư gửi qua đường bưu điện. Có tuần nhận tới hai cái. Thư của Nhật, một cô bạn gái ở Ða Kao. Cũng chỉ có với nhau một năm học chung rồi chia tay. Lê Văn Duyệt- Sài Gòn và Nguyễn Huy Tự -Ða Kao không gần. Nhưng Sài Gòn xưa vắng vẻ, cần gặp nhau chỉ lấy xe honda chạy cái vèo là tới. Vậy mà hai đứa cứ thư với từ cả một thời gian rất là dài.
Nhật yêu người bạn của anh trai mình. Tôi yêu anh hàng xóm ở mãi tận cao nguyên về xóm tôi trọ học. Thư chúng tôi chất đầy tâm sự của hai mối tình một chiều. Tình đơn phương mà chẳng có một giọt nước mắt nào chảy ra.
Giờ nghĩ lại, tôi cười. Hai cô thiếu nữ chỉ đua đòi, cố tìm cho mình chiếc áo tình yêu. Nó chỉ là một chiếc áo tôi và Nhật tự may, mặc vào làm dáng.
Kỷ niệm thời học trò, tuổi trẻ không chỉ từng ấy để nhớ.
Lớn hơn một chút, chuẩn bị làm cô tú, cậu tú. Thời ấy, tuổi Sài Gòn tưng bừng nhạc trẻ, những cours de danse(1) mọc lên như nấm. Ðám học trò tụi tôi lại tập tành, đua đòi. Có bữa xin ông hiệu trưởng mượn lớp làm văn nghệ. Dẹp hết bàn ghế, giăng hoa kết đèn. Sân khấu chỉ có cái máy thu băng Akai, những cuộn băng nhạc và chút bánh kẹo gọi là. Vì chúng tôi nào có hát có hò, chỉ là nhảy nhót. Tôi nhớ mãi ánh mắt của anh bạn học, anh trừng mắt nhìn tôi, khi tôi giẫm vào chân anh vì trật nhịp…
Ðâu phải tôi chỉ nhớ Soái và Nhật.
Sang sông, rồi tôi vượt cả đại dương. Xa quê hương, tôi nhớ nhà, nhớ bạn, nhớ khu xóm nhỏ. Thời gian với những đổi thay. Ký ức chất chồng kỷ niệm, lớp này lớp khác. Buồn vui gì tôi vẫn nhớ, không quên.
Cớ sao tôi lại không nhớ anh?
Nhà ngay hướng mặt trời. Bao nhiêu cái nóng của mùa Hạ tràn hết vào nhà. Buổi trưa, tôi kéo kín mít những tấm màn đêm để cản nắng. Nằm trong bóng tối, trong im lặng không một âm thanh, ngoài tiếng động rù rì và làn hơi mát toả ra từ máy điều hoà không khí. Cảm giác thật thoải mái, song trong cái mát lạnh mơn man da thịt này dường như có điều gì gợi nhớ, buồn buồn.
Tôi đã nhìn ra nó, một không gian đầy sách của thư viện mà chúng tôi thường vào ôn bài, cũng để trốn nóng vào những ngày hạ xưa…
Và tôi ngủ thiếp đi. Giấc ngủ trưa ngắn ngủi như mọi ngày mà sao hôm nay tôi vật vã như đang bệnh. Tôi đã từng vật vã như thế vào một buổi chiều trên căn gác nhỏ, trong tiếng mưa rì rào phía ngoài. Vật vã vì buồn, không phải vì bệnh.
Tôi không biết anh đã ngồi dưới nhà để chờ tôi. Không ai gọi tôi xuống gặp anh. Tôi hiểu có một sự cố tình, nhưng anh không hiểu. Anh đã chờ tôi bao lâu rồi buồn bã bỏ đi, tôi nào biết.
Những ngón tay ký ức lúc khép, lúc mở, xoè ra bao nhiêu quá khứ tôi. Sao bây giờ tôi mới thấy lại tuổi mười bảy của mình.
Mười bảy tuổi, tôi như nắng, như mây rơi vào mắt anh. Anh cho tôi dịu dàng tình yêu mới lớn. Tôi nào nghĩ gì về chiến tranh đang diễn ra càng ngày càng khốc liệt. Tôi nào hiểu con người đã sợ hãi cái chết đến dường nào và cố gắng tìm được một chỗ ngồi an toàn trong chiến tranh không phải là điều không thể. Nhưng tôi hiểu những gì anh đã làm và làm ngoài ý muốn. Nếu chiều đó anh gặp tôi, thì như thế nào. Có thay đổi được định mệnh không? Tại sao anh không tìm tôi thêm một lần nào nữa.
Những điều tôi vừa nghĩ là của tôi bây giờ, không phải ngày xưa.
Ngày xưa, tôi không nhớ tôi đã chống chọi như thế nào với những oan ức, những thất vọng, tàn nhẫn mà cuộc đời gửi đến. Cái nỗi đau quá lớn với một đứa con gái chưa trưởng thành chín chắn và tràn ngập lòng tự ái. Có thể vì thế mà tôi đã quên nhanh, đã sống bình thản cho đến bây giờ. Sống đủ đầy với những hạnh phúc- niềm vui, cả những nỗi buồn – tuyệt vọng. Vì đời đâu phải chỉ có những nụ cười.
Tôi không cũ như tôi tưởng. Tôi đang là một người mới, một người lạ với quá khứ của mình, do ký ức vực dậy. Tôi gõ tên anh trên màn hình. Những ngón tay chợt run rẩy và tôi xúc động ứa nước mắt. Có bao giờ tôi như thế đâu. Cái tên hình như chưa bao giờ tôi có cơ hội viết lại, kể từ ngày tháng đó. Và trong vòng vây thân ái của tôi cũng chẳng ai có danh xưng như anh, để nhắc nhở tôi rằng đã có một thời tôi yêu ái, tôi dịu dàng gọi tên một người như thế.
Bàn tay ký ức vừa mở ra rồi lại đóng kín. Tôi cố gắng tìm lại anh, tìm lại tôi bằng những bản nhạc đã nghe vào thời điểm đó.
“Anh hai mươi vào quân ngũ, em mười sáu đến vũ trường” (2)
Sao lại rơi trúng vào bản nhạc này ? Mười bảy xưa nghe buồn vì đó là tình ca của riêng anh, sau khi anh bỏ tôi đi. Giờ bài hát là kỷ niệm như bao kỷ niệm. Những lời lẽ rót vào tai, tôi bình thản nghe, chỉ xao xuyến nhớ.
Mùi cỏ tươi xộc lên mũi khi tôi ngang qua ngôi nhà mà chủ nhân đang cắt cỏ trong khu vườn rộng của ông. Lối đi này luôn ngát hương bốn mùa. Mùi cỏ tươi, cỏ khô, rơm rạ. Mùi lá khô, lá chết ẩm mục trên mặt đất. Mùi ẩm ướt sau những cơn mưa. Mùi nào cũng đều có mang theo hơi hướm của đất. Chẳng phải là cây cỏ thơm tho sống chết cùng với đất và đất dậy mùi bởi những cơn mưa. Sao chẳng bao giờ tôi nghĩ đến mùi đất.
Tôi bóp những vốc đất mềm trong lòng bàn tay. Trồng cây với tôi là “thiền” là “tịnh”.
Cỏ xanh còn ấp má những đêm buồn. Dế giun còn tiếc mùa ân ái… (3)
Cỏ xanh rồi giun dế! Có chút tình nào của đất trong thứ ngôn từ phù thuỷ này không?
Chưa bao giờ tôi ao ước thèm một chuyến đi, trở lại quê nhà như trong lúc này. Tôi sẽ bốc một nắm đất, đất của nghĩa trang, mộ chí. Tôi sẽ giữ nó thật lâu trong lòng bàn tay, trước khi ném trả đất về với đời của nó.
Ðiều, lẽ ra tôi phải làm năm tôi mười bảy tuổi.