Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      

TÁCH CÀ PHÊ SỐ TÁM

B ốn người chúng tôi gần như vứt xe máy cho chú nhóc bảo vệ rồi chạy lúp xúp vào quán. Địa điểm cà phê Trung Nguyên ở quãng đường nầy cũng rộng bề ngang, thêm tầng gác lửng và bày biện nhiều đồ gỗ để gây cho khách cảm giác cao nguyên. Mưa mịt mùng rầu rĩ, thứ mưa cuối đông dầm dề dai nhách làm cho phố phường xao xác và bẩn thỉu như cả Hà Nội là một đại công trường dang dở.        

   Chúng tôi nhanh chóng OK một chiếc bàn phía trong khi cả bốn người đều không còn thích một chỗ quá yên tĩnh hay quá phơi bày. Chỗ nầy xa cầu thang, được, hơi bị được, ông bạn nho nhã nhất trong ba gã bạn của tôi nghiêm mặt phán rồi chăm chú lấy khăn tay lau qua đầu tóc trước khi ghé cánh tay lên mép bàn – gã kỹ ăn kỹ nói và một trong những việc ưa thích mỗi khi vào quán là rút giấy ăn lúc nào cũng sẵn trong người ra miết trong miết ngoài ly cốc chén đũa cho tất cả bốn người. Gã bạn thứ hai trợn trợn đôi mắt trố sục sạo thẩm định cả gian quán rồi kéo ghế ngồi lùi ra một chút – gã là người bị văng ra khỏi guồng máy biên chế khá sớm và không có lương hưu, vì vậy gã thường im lặng lảng ra mỗi khi ba người còn lại gọi món, nghĩa là theo gã, ai là chủ chi thì người đó mới thực quyền. Luân, gã thứ ba đứng xoa xoa tay vào nhau một hồi, như mọi lần, gã muốn phát ngôn mà lại muốn im lặng, có khi còn muốn hát rống lên nữa, nói chung, gã là người muốn gây ấn tượng, thậm chí muốn để lại dấu vết ở mọi chỗ. Tôi ngồi xuống chiếc ghế cạnh Luân, tôi nhướng nhướng với mọi lời trêu đùa an ủi hay kê kích của họ, tôi không phải là con cá rô đực nhưng nói theo cách nói của Luân, tôi là một gã chiều gàn, một người đàn bà vừa xế chiều vừa gàn dở thì miễn phê phán, chính vì vậy mà tôi thân thiết một cách yên ổn với cả bọn họ.            

 Quả tình, nội thất màu cánh gián của các quán cà phê Trung Nguyên dễ khiến người ta se mềm khi chạnh nhớ màu vàng mãnh liệt của hoa cúc quỳ trên màu nâu phồn thực của đất ba-dan. Cái nghề xê dịch lôi tôi đi khắp, tôi thả nổi gia đình cho số phần và đất cao nguyên là một trong những nơi thường quyến rũ tôi trở lại. Cô gái chạy bàn nền nã nhà lành lễ phép đứng chờ với giấy và bút, không phải bàn luận nhiều, sau một bữa ăn ở đâu đó, nhóm chúng tôi thường tạt vào một gian quán bất kỳ của hệ thống Trung Nguyên và gọi cà phê đen nóng số bốn. Số một thì xoàng, cà phê chồn số tám thì đắt, chúng tôi hùa theo chủ nghĩa hoài nghi cố hữu của Luân là nên chọn khoảng giữa để nếu bị lừa thì chỉ bị lừa in ít thôi. “Theo chú, số bốn hay số tám cứt chồn đều như nhau cả, từ rày về sau hễ thấy ba ông muối tiêu đi với một bà sồn sồn thì cứ cà phê đen số bốn mà bê ra, cháu nhá !”. Cô gái cười tủm với câu nói của Luân, không quên ném lại cho tôi cái nhìn an ủi rằng sồn sồn mới hợp với phong độ cà phê số bốn chứ. Đang là buổi đứng, khách vào quán mỗi lúc mỗi đông chứng tỏ gu Trung Nguyên đang được chuộng và dân công sở của Hà Nội giờ cũng rủng rỉnh lên nhiều.         

    Trong khi chờ cà phê, tôi kể cho ba gã bạn nghe một đêm Buôn-mê-thuột, tôi cùng hai cô bạn và hai người đàn ông mới quen rắp tâm đội mưa tìm một cái quán cà phê vào lúc không ai ra đường nữa. Mưa cao nguyên mùa thu nghiêng ngả, ban đêm nó xô dúi người ta vào nhau, nương tựa và bộc bạch. Bọn đàn bà chúng tôi đã thay nhau kể về mình, thì ra ai cũng có một cảnh, cái mà nhân gian gọi là phận người, kiếp người ấy mà. Cười, gã bạn nho nhã của tôi nghe chưa hết đã bật cười :“ Ba mụ mà chỉ có hai lão thì thu xếp làm sao nhỉ ?” Luân ngồi lắc lư và đưa hai bàn tay hộ pháp lên miệng nói phù phù :“Hai cái lão ấy là khán giả của các bà, nếu không, các bà cắn nhau chứ ở đó mà tâm với sự !” Phải công nhận rằng Luân sâu sắc, luôn luôn sâu sắc vì thật ra đêm ấy, hai người đàn ông mới là cà phê của bọn tôi, họ khiến chúng tôi muốn giải bày, và bọn tôi đã giải bày một cách ngây ngất. Gã bạn vô công rồi nghề không bình luận cũng không cười tán theo như mọi khi và hình như còn lơ đãng với cái gì đó trong tầm mắt. Hồi lâu gã hất hàm với cả nhóm và chúng tôi cùng lấy làm lạ sao nãy giờ mình không phát hiện ra “vật thể” ấy.         

   Đó là một người đàn bà ngồi ở chiếc bàn ngoài, nhìn từ thềm vào, chỗ ấy bị khuất vì nó nép bên cái cột ngăn hai gian cửa, nhìn từ trong ra thì chiếc lưng áo măng-tô của nàng chưa nói lên điều gì cả. Có lẽ hồi đầu là vậy nhưng để nhìn thấy rõ màn mưa, nàng đã xoay người và chúng tôi đã “bắt gặp” nàng trong tư thế nghiêng dẫn đến sự phát hiện như một dòng điện vừa xuyên qua từng người rồi xâu chúng tôi lại. Nàng, tôi thầm gọi và cảm thấy nếu tôi a lên cái từ đó thì ba gã bạn sẽ lập tức tán thành vì sự phù hợp xứng đáng ấy. Khỏi nói ba gã trai luống tuổi của tôi rùng rùng thán phục như thế nào, là đàn bà, tôi còn không thể rời mắt ra được nữa là. Nàng ngồi một mình, đương nhiên, gương mặt thơ thẩn với làn da đẹp đặc trưng của gái Hà Nội, mái tóc xoăn bồng đổ dài như một giấc mơ trên bờ vai mảnh dẻ và chắc chắn là cô đơn. Dù áo măng-tô chất liệu dạ thịnh hành nhưng đi với nó là chiếc mũ bê-rê cùng màu ca cao sữa, trông nàng vừa vương giả cách biệt vừa xa xôi như một thiếu phụ thời Sê-khốp. Nàng ngồi tréo ngoảy, tư thế của quý bà, bên dưới, làn váy nhung đen loà xoà gợi cảm trên đôi bốt da không khoá, nếu có khoá, nó sẽ làm cho nàng có vẻ cưa sừng làm nghé và sẽ bớt bí ẩn đi. Tôi thuộc loại dốt về cái khoản trang sức nên những thứ lóng lánh trên tai và trên cổ tay nàng khiến tôi không phân biệt đó là những viên đá có mồ hôi nước mắt và xương máu con người hay là đá công nghiệp Mỹ nhưng trông nàng nhung lụa đến mức tôi cứ đưa mắt ra lề đường xem ô-tô của nàng đậu ở đâu, da thịt, sống áo và mưa gió thế nầy, người như vậy sao cỡi trên xe máy được ? Nàng không có vẻ đợi ai, cũng không chăm chú với sách dù nàng có chăm chú với nó thì cũng không có gì lạ. Và nàng cũng như tôi, một điếu Cravelna giữa hai ngón tay và một cà phê phin trước mặt, với mưa.        

   Phải nói rằng người đàn bà ấy kỳ bí như một viên ngọc trong tủ kính với sức mạnh cám dỗ, hoàn hảo và đầy vẻ hiểm nguy. Nhưng không thể cưỡng nổi nó dù chỉ được săm soi bằng mắt, bằng lời rồi sau đó thì muốn huy động cả khướu giác nữa. Gã nho nhã của tôi đang cân nhắc với sĩ diện của mình nên thỉnh thoảng chỉ đưa mắt nhìn về phía đó rồi cúi xuống xem cái phin cà phê inox đã xong nhiệm vụ chưa. Gã mắt lồi bên tay phải tôi thì sòng sọc bình luận và không che giấu vẻ thèm muốn bắt chuyện dù tôi biết, nếu có diễm phúc đó, gã cũng chỉ có thể xía vào những câu bậm trợn nhát gừng cục mịch như chính gã. Không hiểu sao tôi chú ý đến Luân và cảm thấy cái gì đó đang áp vào anh ta, đúng hơn, cánh tay vô hình của anh ta đã vươn ra tận chỗ người đàn bà kia để dò dẫm với sự ham muốn nung nấu và nghẹn thở. Luân là người có giá trị nhưng không gặp thời, theo tôi, gã ta hay gây gổ, hay tranh luận, hay lục lạo mọi vấn đề bằng sự hiếu động sôi sục nhưng cũng hay bất chợt ngồi thần đi, lúc ấy trông gã nguy hiểm không khác gì một con gấu. Chừng như hai mối nguy hiểm âm dương ấy đang đi lướt qua nhau và hứa hẹn sẽ nổ tung vào một lúc nào đó.            

Sự im lặng của ba gã muối tiêu là đáng ngờ và đầy vẻ rón rén tự nhiên trước một công trình có tên là quyến rũ. Cầm bằng như tôi đã là Thị Nở trước mặt họ rồi. Sự thán phục bồn chồn của họ khiến tôi phấn khích, thương hại nên rất muốn làm một hành động đầu têu.  “Đố các vị người đẹp kia đang dùng cà phê số mấy ?”.“ Bà ra đề rồi sang đó xin đáp án à ?” – gã nho nhã hỏi lại với nụ cười thâm thuý quen thuộc. “ Tôi đoán cỡ số bốn vì xem chừng cô nàng cũng ranh như bọn mình” – gã cục mịch tiếp luôn và cười khục khục đỏ cả mặt vì không dám cười to hơn. Luân bật tới bật lui nhè nhẹ trên ghế như anh ta đang ngồi trên xích đông, bàn tay gõ gõ theo một giai điệu của Nguyễn Cường trên loa và vẫn im lặng như thể tận hưởng chất cà phê  đang ngấm trong người. Quý nàng phía vẫn lặng lẽ rít thuốc bằng sự lơ đễnh hết sức điệu nghệ và chìm đắm. Tôi vẫy cô gái chạy bàn lại : “Người đẹp ngồi gần cửa kia kêu cà phê mấy vậy cháu ?” Cô nhỏ tít mắt cười ranh mãnh:“ Cháu nói thì có được thưởng không ạ ?” Luân xoay người ngước nhìn cô nhỏ với vẻ chăm chú van cầu. “Cháu có biết ít nhiều gì về người đó không ?” – tôi tiếp. Cô gái cười nghiêm, tự hào: “Cô là khách ruột của bọn cháu mà. Nhà cô là cái bốn tầng ở đầu đường ấy”.“ Làm sao có được cái cạc của người đẹp nhỉ ?” - tôi chép miệng. Cô gái ngạc nhiên nhưng vẫn sốt sắng :“ Cô ấy không đi làm nhưng cháu có số phôn vì tháng nào bọn cháu cũng giao cà phê tại nhà cho Công ty của chồng cô ấy !” Cô gái bỏ vào quầy, hồi sau trở ra với tấm giấy nhỏ : Cô Cẩm Nhung, số máy... Tôi gật gù đắc thắng và mở xắc xé sổ tay chia trang giấy ra làm ba mảnh để ghi lên đó những thứ mà cô nhỏ vừa đưa cho rồi phân phát tận tay từng gã một như người lớn chia kẹo. Gã nho nhã cười tủm từ từ nhét mảnh giấy vào túi áo, gã cục mịch đưa xa rồi dí gần săm soi như thể gã đang cần một cái kính còn Luân thì tì hai cùi tay xuống bàn ngượng ngùng vo vo nó thành điếu thuốc và không để lộ sẽ đối xử tiếp như thế nào với nó. Tôi thấy như gã đang tiếp tục tận hưởng một cái gì chưa gọi tên được dù biết rằng, trước sau gã cũng sẽ nói toạc điều đó ra với tôi vào một lúc nào đó, mười năm nay, chúng tôi đã xác lập cùng nhau một tình bạn tận tường và sẵn sàng trong mọi tình huống. Tự dưng tôi thấy hối hận bởi cái trò gài đầu vừa rồi. Trong ba gã bạn, nếu gã nho nhã xem gia đình như một sợi dây được nới lỏng dần theo thâm niên vợ chồng nhưng nó sẽ không đứt được, dứt khoát nó không thể nào đứt được vì khoảng cách sách vở ấy thì gã cục mịch lại biến nó thành nghĩa địa, ở đó, ở dưới mái nhà thê lương đó vợ chồng gã sống yên trong nấm mồ của mình vì sự thoả thuận vừa thành văn vừa bất thành văn mà người đời thường gọi là ổn định, ràng buộc, nghĩa vụ và nhiều cách mỹ miều khác nữa. Với Luân, tôi từng thấy chị San vợ gã sửa cái bâu cổ và phủi gàu trên vai áo mỗi khi gã ta ra đường, thấy chị ngồi nép bên chồng trong khi gã khuỳnh chân cắm cổ tận hưởng những món ăn với khẩu vị độc tôn của mình, thấy chị mỉm cười bao dung một cách thông minh mỗi khi gã ta hung hăng lỡ lời hay bừa phứa về vấn đề gì đó. Nói chung, gã nho nhã chỉ thích vui miệng chứ không đi xa hơn vì gã còn một cái chức nho nhỏ trên quận và đang “kiếm” được, gã cục mịch thì cũng chỉ hướng ngoại bằng mắt bởi túi tiền của gã vốn trống rỗng như đôi mắt ếch kia mà ái tình phí thời nầy thì không thể qua loa như thời bao cấp được. Tôi khoanh linh cảm của mình vào Luân vì sự im lặng như là đớ lưỡi của gã. Tôi nhớ có lần ai đó đã kể rằng cũng trong một cái quán nước, hai gã trai đã tia được một cô gái đẹp, trong khi gã nầy gồng lên huy động tất cả từ ngữ và sự duyên dáng phong tình ra để tán tỉnh thì gã kia ngồi im. Cuối cùng, một lần gã mồm mép cúi xuống nhặt giúp điếu thuốc lá cho cô gái thì thấy bàn tay của bạn mình đang run rẩy lần sâu vào cái chỗ mà gã đã không chọc thủng được bằng lời. Ông bạn Luân của tôi thuộc loại người khi đã ngồi im thì sự im lặng của gã cũng là để chọc thủng một cái gì đó. 

       
  
      ♣ ♣  ♣

         

   Lần nầy, rất nhiều tháng sau buổi trưa mưa gió ấy, tôi, một mình tôi lại ngồi vào cái quán Trung Nguyên có ngôi nhà bốn tầng ở đầu phố. Như đã hẹn trên mobi, tôi đến đúng giờ và Cẩm Nhung đang chờ tôi ở cái bàn chắc chắn là chỗ ngồi ưa thích lâu nay của cô. Không cần hỏi, hai suất cà phê phin một số tám cho cô nàng và một số bốn cho tôi được cô gái chạy bàn quen thuộc đặt đúng chỗ kèm thêm lời chú thích cẩn thận. Tôi từ chối điếu thuốc của cô nàng và nghiêm trang đặt gói thuốc của mình lên bàn. Giữa tôi và cô ta chẳng những chưa có gì có thể gọi là bạn mà còn có quá nhiều hình ảnh thân thiết của chị San, vợ Luân. Thú thật, đến bây giờ tôi mới có dịp ngồi đối diện với nàng và tôi càng hiểu rằng Luân không hoàn toàn có lỗi, vì một người vợ quá tuyệt vời như chị San là một cái xiềng vàng và với cuộc phiêu lưu nầy, anh ta bế tắc là phải.        

   “Chị chưa từng là người tình của anh Luân sao ?” cô nàng lên tiếng trước, như để tự vệ bằng cách tấn công đó. Giọng nàng ráo lạnh và đôi mắt đẹp lại hay nhìn chếch sang tôi bằng khoé. “Tôi có một nguyên tắc là không yêu cái người đàn ông mà mình biết rõ vợ của anh ta !” Cái khoé ấy lại nói với tôi : Thế à, lạ nhỉ ? Nàng nhếch cười, nụ cười theo tôi là ghê gớm: “Ông bạn Luân của chị ngây thơ hơn tôi tưởng, quá ngây thơ”. Tôi ném mạnh điếu thuốc hút dở, dựa hẳn vào lưng ghế để chuẩn bị lắng nghe đầy đủ những lời phán xét cỡ bự. “Tôi chưa bao giờ yêu cầu anh ta điều gì cả, chưa bao giờ !”- cô nàng nhún vai kịch sĩ, mười chiếc móng tay mê hồn vầy vò khổ sở cái vành tách cà phê. Tôi chột dạ: “Bộ Luân yêu cầu Nhung bỏ chồng à ?” Cô nàng lại cười khẩy :“Chưa đến mức như thế nhưng...anh ấy không quan niệm đây là trò chơi. Mà trò chơi nào mà chẳng có lúc kết thúc hử ?” Tôi cảm thấy mặt mũi nóng bừng như chính tôi bị xúc phạm. Tôi cố ý im lặng và tra tấn lại cô ta bằng ánh mắt sắc nhọn, nói về sự sắc nhọn chắc cô ta còn phải cắp cặp đến học tôi đã : tất cả sự sang trọng nhàn rỗi và u buồn cố hữu nầy hẳn phải được bọc trong sự giàu có tất bật nào đó, nếu lột hết mọi thứ làm nên sự lóng lánh khác thường kia thì cô ta trơ ra cái gì ? Tôi nhớ chị San, lúc nào chị cũng gây cho tôi cảm giác chị là một đoá trà, khi tôi biết chị thì chị giống cái nụ khuất trong lá và dần dà, trong mắt tôi, cái nụ ấy nở bùng với tất cả những phẩm chất lặng lẽ biển trời của một người vợ lý tưởng. Lúc đầu tôi thấy mình chính là Luân trong cuộc đối thoại nầy nhưng giờ thì tôi đã biến thành chị San lúc nào không biết. Tôi gài lại nút áo khoác, thời tiết đang heo may, nó làm cho người ta dễ chạnh lòng mà cũng dễ bị tổn thương vì cái cớ gì đó. Nhóng tới để chuẩn bị một cách bỏ về có chút cay độc thay cho chị San, tôi nói : “Cô em có biết vì sao cà phê số tám nó mắc không ? Người miền trong của tôi nói mắc là đắt đó, biết không ? Nó mắc vì nó là cứt chồn, không có con chồn ăn cà phê rồi ỉa ra sẽ không có nó, hiểu không ? Cô em đừng tưởng mình là cà phê số tám mà chính là cứt chồn của chồng mình đó, hiểu không ?”       

    Tôi hả hê ra về và định sẽ bỏ mặc Luân với những cơn ngồi bất lực của gã ta mỗi khi than thở với tôi về cuộc phiêu lưu của mình. Nhưng tôi không thể không đến với chị San được. Chị không trách tôi đã a tòng với Luân hồi đầu, cũng không gạn hỏi tôi một cách tầm thường về cô nàng đó và cũng không nhè tôi để trút bầu tâm sự, chị vẫn là một đoá trà kín đáo và tinh khiết lạ lùng.        

Chị ra cửa đón tôi vào căn gác nhỏ đầy mùi sách trên giá và sự thơm thảo rất khó định nghĩa của chị, cái mùi tôi thường nghe thấy ở má tôi hay chị tôi vào lúc nhà túng bấn, lạ thế, chỉ khi nào nhà túng bấn thì cái mùi ấy như rõ hơn. Tôi ôm nhẹ đôi vai chim sẻ của chị trấn an :“Nhân lúc không có lão dê đực ở nhà mình nói cái chuyện ấy đi, nói một lần cho nhẹ bụng đi, chị!” Chị San cười, tiếng cười mộc mạc đau đớn : “ Thôi em, họ không phiêu lưu lúc nầy thì sẽ phiêu lưu lúc khác, đàn ông mà !” Rồi chị tong tả vào trong và lại lục tủ kiếm cho tôi cái gì đó để uống với nước trà. Và có lẽ chị sẽ khóc và chờ đợi chồng, chờ đợi để mà tha thứ. Với người đàn ông, một người đàn bà đáng trọng cũng là bi kịch, không hiểu sao điều ấy lại rất gần với chân lý. Có lẽ tôi sẽ nói, nhất định tôi sẽ nói với Luân điều nầy vào cái lúc mà anh ta không còn thấy ngượng ngùng với cả nhóm bởi sự kiện cứt chồn kia nữa.    

Tháng 12 năm 2001





VVM.16.11.2021

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
vietvanmoinewvietart007@gmail.com