Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      


NGÀY ẤY, BÂY GIỜ ...



C hị nhận được tin nhắn gửi qua điện thoại vào lúc ba giờ sáng. Chỉ có nước ngoài mới gửi tin vào giờ này. Và đúng như chị nghĩ.

“Em là Phú, con của bố Hoà. Em sắp qua Pháp ngày… Em có thể gặp chị được không? Em muốn thăm các cháu và thăm mộ anh luôn”.

Chị trằn trọc soi tìm trí nhớ. Phú là ai?

Cuối cùng chị cũng nhớ ra.


♣ ♣


Chẳng biết có thể gọi nơi ấy là làng hay xóm. Con đường ngoằn ngoèo chỗ rộng chỗ hẹp. Nhà cửa xen lẫn ruộng nương. Bên những ruộng cói khô cằn còn có những ao rau muống xanh mơn mởn. Người tài xế Taxi phải ngừng cho ba mẹ con chị xuống vì xe không thể tiếp tục chạy vào khúc đường trước mặt, bề rộng của nó chỉ có thể chứa được hai chiếc xe gắn máy.

Mọi sự đã được sắp đặt trước. Ðã có hai thiếu niên một trai, một gái, đang chờ sẵn để đón ba người. Chị nhỏ thó, được ngồi giữa bà chị chồng và đứa con gái. Mẹ chồng chị đi theo xe với cậu con trai.

– Ở đây không có công an, mình chở được ba người. Chị đừng sợ nhé!

Cô gái nói khi thoáng thấy ánh mắt rụt rè của chị.

Một dãy ba căn nhà liền sân, liền vách đã hiện ra. Nhà ngói, tường xanh và nền nhà được tráng xi măng láng lẩy. Trước hiên, có vài chiếc ghế đá như ghế công viên, trên lưng ghế có khắc đậm một cái tên, dường như thương hiệu của một công ty nào đó.

Bà chị chồng thì thầm,

– Nhà cậu mới xây lại, chứ trước còn mái tôn, sân đất. Không được sạch sẽ như bây giờ đâu.

Có lẽ đây là lần thứ nhì chị đến ngôi nhà này. Lần đầu ấy là sau ngày cưới, chị theo chồng về ra mắt họ hàng của anh. Rồi sau đó không lâu, vợ chồng chị đi Pháp. Cả hơn mười năm, chị mới trở về. Chị không nhớ trước đó ngôi nhà ra sao? Mọi người đã đối xử với chị như thế nào. Nhưng giờ thì chị như một quý khách.

Bà mợ nhắc cậu con trai bật thêm cái quạt điện. Nhắc cô con gái rót nước, mang trái cây ra mời khách.

Bà nhìn chị ân cần.

– Vợ Duy đi đường có mệt không? Vào rửa mặt cho mát, nghỉ ngơi chút rồi dùng cơm.

Chị tự hỏi, may mà chị không trang điểm phấn son. Nếu có, chẳng hiểu bà mợ có nhắc chị vào rửa mặt không?

Thời đất nước mới mở cửa. Những người Việt di tản ra nước ngoài chưa mấy ai về. Nên dù chị ốm nhom, ốm nhách, có che giấu cỡ nào khi đi ra phố, chị cũng bị nhận diện ngay là «Việt Kiều», cũng bị hỏi han xem có cần đổi tiền hay có thuốc Tây để bán không ? Nơi này cũng thế. Chị thấy loáng thoáng những đôi mắt len lén nhìn chị từ căn nhà kế cận.

Bữa ăn mừng chị về, không riêng đại gia đình của ông Cậu, bà Mợ mà luôn cả vài người hàng xóm cũng được mời qua. Hai ba cái chiếu được trải xuống nền nhà mới đủ cho thực khách. Bao nhiêu thức ăn được bày biện ngon mắt. Chị được tiếp thức ăn liên tục, như thể lâu lắm rồi chị chưa từng được ăn.

Hình như mọi con mắt đều hướng về chị trầm trồ. Ở xứ lạnh nên nước da chị mịn màng.

Một cậu khác chắc là anh của đứa con trai chở mẹ chồng chị sáng nay. Nhìn cậu có vẻ chững chạc nhưng lạnh lùng hơn thằng em. Cậu chỉ hỏi chị, anh Duy đã có xe hơi chưa, bên ấy anh chị đi xe gì vậy? Trong khi cô bé chở chị sáng nay thì đang ôm lấy chiếc áo len mỏng chị vắt lên chiếc ghế cạnh đó.

Cô hít hà:

– Quần áo bên ấy thơm thơm làm sao. Em ngửi thích ghê chị ạ.

Sau bữa cơm, khách khứa lục tục ra về. Bà mợ có lẽ mệt mỏi vì suốt buổi sáng chiến đấu với hai con gà nào cắt tiết, nhổ lông. Mợ xin phép ngả lưng trên chiếc võng, sau khi chị từ chối là không quen ngủ trưa, cũng không cần nằm võng. Cả mẹ và bà chị chồng cũng đã tìm một góc giường nào đó, trong góc phòng phía sau nằm nghỉ.

Buổi trưa, không gian im ắng. Ở trong nhà cũng nghe thấy cả tiếng ruồi vo ve ngoài hiên nắng. Mấy đứa trẻ đã biến đi đâu mất. Chỉ còn lại chị và ông Cậu ngồi trò chuyện.

Ðiều làm chị nhớ mãi về ông Cậu, một người đàn ông có một gương mặt hiền lành, chất phác. Dáng cậu cao to, nước da ngăm ngăm đen, rắn rỏi. Vài chục năm trước có lẽ cậu là khuôn mẫu cho câu hát «chàng là thanh niên, mạch sống phơi trên luống cày» (1).

Cậu hỏi thăm chị về công việc đời sống của vợ chồng chị, trong khi ngồi mân mê những ngón chân.

Không biết nơi đầu ngón chân ấy, vì cái móng chân quá dài hay bị vật gì đó vướng vào mà ông đã dùng con dao trên dĩa cam gọt béng đi cái miếng chướng ngại ấy và búng nó ra hè. Cử chỉ hành động «chân lấm tay bùn» này làm chị thấy vui vui. Nhưng khi kể lại cho bà chị chồng nghe, bà đã rú lên:

– Khiếp sao cậu lại mất vệ sinh đến thế! Sau đó còn gọt thêm cam nữa không ?


♣ ♣


Phú là ai? Cậu lớn hay cậu nhỏ trong bữa cơm ngày ấy?

“Chị ở xa Paris cả một trăm sáu mươi cây số. Không biết làm sao gặp em.

Em đi với ai?

Chị đừng lo, em biết rồi, em tới được mà, có người đưa tới”.


♣ ♣ ♣


Chị nhớ tới những người bạn của chị ở Mỹ qua. Chị vẫn thường đưa họ tới mấy nhà băng Tàu ở quận mười ba để đổi tiền. Nhanh chóng, vì không phải làm thủ tục giấy tờ và giá cả bao giờ cũng cao hơn ở phi trường hay các nhà băng khác. Chị lại ân cần dặn dò.

“Nhờ ai đó đưa đến khu mười ba đổi tiền cho cao.

Chị đừng lo, lính em lo hết rồi”.

Chị đã thức luôn cho tới sáng. Câu hỏi vẫn lặp đi lặp lại trong đầu. Phú là ai, có cả lính lo, làm gì mà ngon lành dữ vậy!

Ðến ngày hẹn chị cũng không yên tâm.

“Em nói người đưa em đến nếu không tìm ra nhà thì cứ coi bản đồ, đến ngôi nhà thờ ngay trung tâm đợi chị. Chị sẽ ra đón”.

Giờ nghĩ lại chị thấy mình quê mùa, chậm chạp với những tiến bộ của khoa học. Máy GPS định vị đã có từ lâu, chỉ có chị là không biết.

Những tin nhắn được gửi đi gửi lại nhiều lần. Phú chỉ điện thoại cho chị khi xe của cậu đậu trong parking trước cửa chung cư.

Chiếc Mercedes đời mới màu đen bóng loáng và người tài xế mặc complet đen, thắt nơ đen trên cổ, nhìn như những người tiếp viên, phục vụ ở những quán ăn sang trọng của Sài Gòn ngày trước.

Hai người bước ra chào chị. Không cần Phú giới thiệu, nhìn vẻ e dè của người thanh niên chị cũng hiểu ngay anh ta là một tài xế. Chị không biết Phú đã như thế nào trong suốt chặng đường dài với anh tài xế người Lào không nói được tiếng Việt, và Phú thì không biết lấy một câu tiếng Anh hay tiếng Pháp.

Chị lịch sự nói với cậu tài xế.

– Sợ chị em chúng tôi lâu ngày mới gặp, trò chuyện hơi lâu. Anh có thể lên nhà dùng chút cà phê.

Cậu tài xế từ chối. Có lẽ làm tài xế, vô hình trung cũng phải giữ luôn chiếc xe. Xe đâu, người đấy.

Phú nói:

– Kệ nó chị, nó quen vậy rồi!

Bây giờ chị mới nhìn ngắm kỹ khuôn mặt của Phú. Khuôn mặt chữ điền có chút gì ương ngạnh, cứng cỏi. Cũng nước da ngăm đen như bố, cũng cái dáng to cao có phần nào thô kệch.

Chị nhìn chiếc dây thắt lưng và đôi giày có chữ H tự hỏi, Hermes thời trang thượng thặng của Paris hoa lệ đây sao? Nó chẳng phù hợp với phong cách dáng vẻ của Phú một chút nào.

Chị hỏi không ngần ngại:

– Chị nghe bà nội mấy cháu nói sau này em làm ăn khấm khá lắm, nhưng chị không nghĩ em ngon lành dữ vậy nhe!

Phú cũng rất thành thật với chị. Cậu nói cậu may mắn quen với con của một ông chủ là Giám đốc công ty bia ở Sài Gòn. Người bạn này đã cho cậu một việc làm là đi phân phối, giao bia ở khắp mọi tỉnh thành. Ðó là cái nghề của cậu. Ngày xưa khi chị về cậu đi giao than, giao củi. Bây giờ giao bia. Cậu được nhiều tiền là nhờ số lượng bia đi giao mỗi ngày. Lần này công ty muốn giới thiệu bia Việt Nam với Ðức và Pháp. Bữa nay cả phái đoàn đi gặp đối tác. Nên người bạn phái anh tài xế chở cậu đi gặp chị vì cậu nào biết đi đâu cả ngày giữa cái vùng đất xa lạ này.

Chị cười cười nói với Phú dù cảm thấy đau lòng.

– Vậy, dân nhậu ở Việt Nam càng nhậu nhiều em lại càng giàu phải không ?

Phú vẫn vô tư:

-Chị biết không, em tiếc là khi em phát tài thì anh Duy không còn nữa. Nếu không em sẽ đưa anh đi chơi, ăn nhậu khắp bốn miền. Bia Sài Gòn giờ ngon lắm. Không như thuở chị về đâu. Ði với em thì chỉ ở resort cao cấp.

Sau khi đi thăm mộ người chồng vắn số của chị, Phú mời chị đi ăn trưa.

Lúc xe vào trung tâm phố, chị lật đật nói người tài xế ngừng xe vì nhác thấy có một chỗ đậu trên con đường trước nhà thờ. Chị nghĩ, sinh trong một gia đình Công Giáo di cư, từ nhỏ lại sống trong một xóm đạo. Chị muốn cho Phú thấy kiến trúc của ngôi nhà thờ cổ, được xây từ thế kỷ mười ba. Và chị cũng muốn vào mua những tràng hạt hay mẫu ảnh để Phú mang về làm quà cho gia đình, hàng xóm. Nhưng khi tiến vào khuôn viên của nhà thờ, Phú không muốn vào trong nữa với một lý do vì quá nhiều du khách.

Bất ngờ Phú mở điện thoại:

– Bố hả? Bố khoẻ không ? Con đang đi với chị Duy nè. Bố nói chuyện với chị ấy nhe!

Chị cầm điện thoại, nhưng chỉ dạ dạ vâng vâng, thăm hỏi vài câu ngắn ngủi vì chung quanh chị đầy người, đầy tiếng động. Chị phải nói to, nói lớn mà chị không quen như thế.

Phú nói, chị chọn cái quán nào ngon ngon, đẹp đẹp nghe chị.

– Ừ thì ngon, thì đẹp. Chị lẩm nhẩm trong đầu.

Quán Flo nằm ngay đầu đường, trong khu vực công trường Drouet d’Erlon. Con đường chính của khu phố. Ðường ngắn, nhưng rộng lớn. Nơi quy tụ những hàng quán, cửa hiệu sang trọng, nên cấm xe ra vào, chỉ dành cho khách bộ hành.

Mùa Hè, khách không thích ngồi bên trong quán, mà hầu như tất cả đều dồn trên tầng lầu lộ thiên và vỉa hè ngay phía trước để hưởng ánh nắng mặt trời quý báu, hiếm hoi trên xứ sở này.

Chị chọn một chỗ ngồi, dưới một tán dù.

– Phú hỏi ở đây có bia gì chị?

Chị cười cười, nhìn vào tấm thực đơn.

– Gì cũng có nhưng chắc không có bia Sài Gòn hay bia Hà Nội đâu nhé…

– Heineken, Leffe, Stella Artois. Em muốn thứ nào

– Có bia hơi không chị?

Chị ngẫm nghĩ, “bia hơi” là thứ gì nhỉ? Chắc là bière pression…

Ít khi chị uống bia, nhưng bữa nay chắc cũng nên uống với Phú cho vui.

Trong khi chờ người phục vụ mang bia ra, Phú lại dán mắt vào tờ thực đơn. Chị không biết Phú tìm gì vì chị đã chọn cho cậu một món cá như cậu yêu cầu.

Tìm tòi một hồi Phú ngước lên.

– Ở đây có con hàu không chị?

Hàu là con gì nhỉ? Lại suy nghĩ tiếp và may mắn là chị nhớ ngay đến chai dầu hào chị hay mua ở chợ để làm món mì xào.

Cái khay inox với chín con hàu be bé. Một miếng thịt bifteck entrecôtes nướng, kèm đậu haricots vert trộn bơ cho chị. Một đĩa cá cabillaud ướp mù tạt và ngò estragon đút lò cho Phú.

Bữa ăn với những ly bia lạnh, tươi vàng, lăn tăn sủi bọt. Lớp bọt trắng, mỏng như kem vỡ sẽ ngon môi, ngon miệng biết dường nào nếu chậm rãi thưởng thức từng món một. Tiếc thay!

Phú chặc lưỡi xuýt xoa bảo chưa bao giờ ăn được con hàu nhỏ mà lại béo đến thế.

– Dzô chị!

– Ngon hả chị

– Ừ ngon,

– Dzô chị!

– Ừ dzô!

Tiếng ly cụng canh cách. Chị không biết mình đang hò hay đang uống. Tiếng dzô dzô như một nhịp phách vô tiết tấu, mà chị cứ phải chạy theo cho kịp. Chị cũng không biết làm sao ngưng nó lại. Từ con hàu rồi đến miếng cá, cứ xong một gắp Phú lại dzô. Những người khách ngồi ở bàn chung quanh nhìn hai người một cách ngơ ngác lạ lùng.

Chị không hiểu người phục vụ đã từng chứng kiến bữa ăn rộn rịp như hát như hò này chưa. Thay vì đến bàn lịch sự hỏi xem món ăn có vừa ý ông hay bà không, thì anh ta lại hỏi chị:

– Comment ça va, vous allez bien madame? (2)

Chị không nhớ chị đã ăn được bao nhiêu con hàu, nhưng miếng thịt bò của chị còn hơn phân nửa.

Phú hỏi,

– Chị ăn ít vậy?

– Ừ, uống bia dễ no bụng.

Phú đâu biết cứ dzô dzô miết, đang cắt miếng thịt chị cũng phải ngưng để dzô, còn thì giờ đâu mà chị ăn. Hơn nữa, nết ăn của chị vốn rất nhỏ nhẻ, chậm rãi.

Bình thường, chị chỉ uống một ly rượu đỏ khi ăn thịt nướng. Bữa nay chị uống bia. Tính ra chị uống không nhiều nhưng chị cảm thấy nhức đầu, hoa mắt. Có lẽ chị đã hò dzô ta nhiều quá.

Khi tiễn Phú lên xe, bắt tay từ giã người tài xế. Nhìn chiếc xe chậm chạp rời khỏi bãi đậu và Phú ngồi ngả ngớn phía sau. Chị lại nhớ ngày xưa…

Có lẽ nhìn căn chung cư chị ở nên Phú đã chẳng cần thắc mắc xem chị đang chạy xe gì ? Và nếu giờ chị có trở về thăm Cậu-Mợ, không biết căn nhà ấy ra sao? Nhưng chắc một điều, chẳng có con bé nào ôm lấy chiếc áo của chị, đưa lên mũi hít hà cái mùi xà bông giặt và nước xả làm thơm quần áo nữa.

Theo thời thế mùi hương đã hết còn thơm.

(07/2020)





VVM.17.10.2021

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
vietvanmoinewvietart007@gmail.com