Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      


NGÔI SAO ÂM U




S au khi tốt nghiệp tiểu học tại trường tiểu học Pháp Việt tôi ra Nha Trang để theo bậc trung học.
    Thuở đó trường học không có nhiều lắm. Trường Tiểu Học Pháp Việt có lẽ là trường tiểu học duy nhất của Quận Ninh Hòa, và những ai muốn đeo đuổi bậc trung học phải ra tỉnh mới có trường.
    Vào năm 1956 số lượng học sinh của xã tôi ra tỉnh để học hình như không đủ để đếm trên đầu ngón tay của một bàn tay. Ðây là nhóm học sinh đầu tiên của xã đi xa nhà để học và tôi là một trong số những người đầu tiên đó. Sở dĩ có tình trạng này vì bao nhiêu năm chiến tranh người dân quê ở đây bị quân đội Pháp thường xuyên càng quét không một ai có thể làm ăn sinh sống bình an. Mỗi lần lính Pháp đến thanh niên nam nữ phải vào rừng ẩn trốn, chỉ còn lại người già và trẻ con. Nhà cửa và ruộng vườn của người dân bị giặc phá hủy và hầu như mọi người không đủ hai bửa cơm mỗi ngày. Hiệp ước Geneve ký kết vào năm 1954 người dân trong xã mới có cơ hội làm ăm bình thường và mới chỉ có hai năm hầu như chẳng có mấy gia đình có đủ khả năng tài chánh cho con cái mình đi học xa.

    Sở dĩ tôi tôi may mắn được đi xa học bởi vì tôi có người cô sinh sống ở Nha Trang. Tôi chỉ nghe nói cô tôi quả là một người đàn bà can đảm, cô bỏ làng ra đi khi cô còn rất trẻ, mà thời đó xã hội quá nghiêm khắc, sự ra đi của cô mang biết bao nhiêu tai tiếng cho gia đình. Từ ngày cô ra đi cho đến ngày đình chiến cô chưa một lần về thăm gia đình và ngay cả sau ngày ngưng tiếng súng cô cũng rất ít khi về thăm lại làng xưa. Ngược lại sau năm 1954 dượng tôi hình như tháng nào cũng về thăm nội tôi.

    Dượng tôi gốc gác ở Chụt, môt xóm chài lưới nhỏ cách thành phố Nha Trang khoảng bốn hay năm cây số. Ông kể, ông học hết lớp nhì thì đi xin làm bồi cho Tây, ông làm cho nhiều người chủ khác nhau. Ông vui tính, có óc khôi hài dễ dãi, hoạt bát và nói tiếng Pháp thông thạo. Ông nói tiếng Pháp lưu loát có lẽ vì ông sống và làm việc cho người tây lâu năm. Khi người Pháp rút về nước, người chủ sau cùng của ông đã đưa ông sang làm công chức trong quân y viện Nguyễn Huệ Nha Trang. Tôi chưa bao giờ nghe ai nói dượng cô tôi gặp nhau như thế nào và hai người kết hôn ra sao? Có một điều tôi chứng kiến hai người sống với nhau rất hạnh phúc mặc dù họ chẳng có với nhau một mụn con nào và hình như họ chẳng quan tâm đến điều đó.

    Nhà cô dượng tôi ở đường Huỳnh Thúc Kháng không xa trường trung học bán công Lê Quý Ðôn, mỗi ngày tôi đi bộ đến trưòng. Vì ở bậc tiểu học tôi đã học tiếng Pháp hai năm ở lớp Nhì và Nhất cho nên tôi chọn môn Pháp văn làm môn sinh ngữ chính. Ðiều này làm cho dượng tôi vui lắm, vì ông có dịp biểu diễn tiếng Pháp với tôi. Ông hay thường kèm tôi học tiếng Pháp, ông giảng bài hoàn toàn bằng tiếng Pháp không pha trộn tiếng Việt một cách hùng hồn, hùng hồn hơn cô giáo dạy tiếng Pháp của tôi là cô giáo Huyên. Còn về phần tôi, nghe ông giảng bài “như vịt nghe sấm”, không tiếp thu được bao nhiêu. Tôi chỉ miễn cưỡng ngồi nghe ông giảng, rồi dần dà “lớp học” ở nhà này biến mất vào lúc nào tôi cũng không hay, tôi chẳng những không hối tiếc mà còn cảm thấy thoải mái nữa.

    Hai năm đầu tôi học hành chăm chỉ lắm, nhưng năm thứ ba, năm đệ ngũ, sự học của tôi bắt đầu đi xuống. Tôi đã lớn, bước vào cái tuổi mơ mộng. Vào lớp tôi lén nhìn những cô nữ xinh đẹp ngồi bàn phía trước. Xíu Anh mặt tròn da trắng chi lạ, còn Lưu Hoa đôi môi mộng đỏ một cách tự nhiên. Những người bạn học nữ mà tôi để ý, tôi âm thầm tìm xem họ ở đâu rồi sau đó tôi giả bộ tình cờ đi ngang qua nhà họ. Chỉ cần gặp chào họ và nói vài ba câu mà tôi cũng đủ cảm thấy sung sướng suốt cả ngày hôm đó. Tôi nhớ một lần thi Anh Văn vừa khi thầy Ngân không để ý tôi liệng bài nháp cho Xíu Anh, cô ta nhận được thế là cả đêm đó tôi không thể ngủ được vì sung sướng.

    Tôi hay thường đứng trước nhà vào mỗi buổi chiều chờ ngắm hai chị em Mỹ Ngân và Mỹ Chi. Mỹ Ngân và Mỹ Chi cùng học Lê Quý Ðôn nhưng khác lớp, nhà ở đường Núi Một nên trên đường đi về nhà phải đi ngang qua nhà tôi. Mỹ Chi trạc tuổi tôi hoặc nhỏ hơn nhưng cô chị thì lớn hơn. Hai cô dáng người gầy ốm mảnh mai có maí tóc thật dài qua khỏi mông và luôn luôn mặc aó dài trắng. Cứ nhìn hai cô sánh bước tôi liên nghĩ đến thiếu nữ đẹp trong tranh, tim tôi rạo rực với những mơ ước bâng quơ.

    Bạn học nam của tôi chỉ có hai người, Thành và Vinh. Vinh thì thích Hồng, nhưng nhút nhát chẳng dám tỏ tình, còn Hồng thì hình như có nhiều ước mơ lắm, tôi cố sức bắc nhịp cầu để họ gần nhau hơn nhưng không thành, tuy nhiên bộ ba chúng tôi rất thân và hay thường đi chơi chung. Còn Thành thì thích Thanh Nhơn, có thể nói Thành thầm yêu Thanh Nhơn thì đúng hơn. Thanh Nhơn trái hẳn với Xíu Anh, có nước da đen bánh mật, nhưng giống Mỹ Ngân và Mỹ Chi ở mái tóc dài. Thời điểm đó con gái thi nhau để tóc dài và để tóc dài như là cái “mode” thời trang. Tuy đen nhưng Thanh Nhơn có khuôn mặt trái xoan thật là xinh đẹp. Mỗi lần Thành muốn đến nhà Thanh Nhơn chơi anh chàng phải cầu cứu tôi đi chung. Những năm gần đây, tình cờ tôi gặp lại Thanh Nhơn tại Úc sau bao nhiêu thăng trầm và biến cố của cuộc đời. Tôi ỏm ờ hỏi :

    - Hồi đó tôi thương Nhơn nhiều lắm Nhơn có biết không?

    - Thôi đừng có xạo, Thành thương tôi thì có.

    Thì ra đàn bà rất thông minh trong tình yêu, họ biết nhưng lại giả vờ không biết gì.

    Tôi yêu Hồng Nhật, cô gái Hà Nội có giọng nói thật là ngọt ngào dễ mến, yêu mà chẳng dám nói, tình yêu đầu đời của chàng trai mới bước vào tuổi mười tám. Từ khi biết Hồng Nhật tôi bỏ thói quen đạp xe lang thang dọc theo bờ biển hay những con đường trong thành phố. Những con đường mà tôi thích nhất là những con đường có cây hai bên tỏa bóng mát thơ mộng. Mỗi khi đi qua đó tâm hồn tôi như muốn bay bổng lên tận trời cao quyện với gió mát, và với mây xanh nhưng tôi không quên vẻ đẹp lộng lẫy của thành phố đèn khi ngồi một nơi nào đó trên bãi biển dọc theo đại lộ Duy Tân nhìn ra xa. Tôi gọi Nha Trang là thành phố đèn bởi vì ban đêm ngồi trên bãi biển nhìn ra khơi thấy một rừng đèn bao la từ những chiếc thuyền câu giống như đèn điện của một thành phố.

    Cuối tuần tôi thường đến nhà Hồng Nhật, nhà ở trong một cư xá quân đội. Bố Nhật đóng quân ở xa hình như ngoài Dục Mỹ thì phải, lâu lâu mới về nhà một lần. Lúc đầu tôi chỉ đến thăm Nhật giây lát rồi ra về nhưng rồi Nhật gợi ý tôi mang luôn sách vở đến học với Nhật và trở thành thói quen. Có lần tôi rủ Nhật đi xi-nê, Nhật trả lời :

    - Không được đâu, me không cho đi.

    - Ðể anh xin phép me ?

    - Không được me đã có nói trước rồi, bố nữa, bố đã bảo mẹ không cho đi.

    Sự quen thân của chúng tôi như tình bạn học, luôn luôn trong tầm giám sát của gia đình và tôi có lẻ không đủ can đảm hoặc không có cơ hội nói một câu yêu Nhật.
    Mùa thi Trung học Ðệ Nhất Cấp năm đó tôi rớt và Hồng Nhật cũng rớt. Giấc mộng vào Võ Tánh của tôi tan tành. Những người cùng xã ra Nha Trang học như tôi đều rớt cả, có lẽ đây cũng là điều may mắn cho cả chúng tôi. Bởi vì nếu có người rớt và người đậu thì ai bị hỏng thi sẽ bị gia đình khiển trách chắc chắn rất là thậm tệ. Riêng tôi, cô tôi cho rằng tôi không chăm học nên mới bị rớt. Quả thật nếu tôi chăm chỉ học hành thì nhất định cũng không đến nổi phải rớt. Dượng tôi an ủi “học tài thi phận” mà. Nhưng nổi buồn lớn nhất của tôi không phải là thi hỏng mà là bố Hồng Nhật thuyên chuyển đi một đơn vị khác. Nhật được mẹ cho phép đi dạo bờ biển với tôi, có lẽ đây là ân huệ cuối cùng gia đình Nhật đã dành cho chúng tôi. Biển hôm đó thật êm lặng và buồn lắm, trời có nhiều sao, gió hơi lạnh, Nhật dựa sát vào tôi cùng bước chầm chậm trên cát. Nhật ngước lên nhìn bầu trời cao đầy sao khẽ nói :

    - Ngôi sao nào âm u nhất là ngôi sao của em.

    - Không, của anh.

    - Của chúng ta

    Tôi máy móc lập lại lời Nhật không bao hàm một ý gì.
    Hồng Nhật hứa đến nơi mới sẽ viết thơ cho tôi, nhưng đó chỉ là một lời hứa. Chờ tin maĩ không thấy, tôi mới nghiệm ra lời nói của Nhật là ngôi sao nào âm u nhất là của hai chúng tôi, nhưng tại sao ngôi sao tối tâm nhất lại là ngôi sao của chúng tôi cho đến giờ này tôi cũng không thể nào hiểu được ý nghĩa câu nói của Nhật muốn ám chỉ. Nhật đi rồi tôi xin gia nhập vào đoàn Thanh Sinh Công mặc dầu tôi không phải là tín đồ Thiên Chúa Giáo. Tôi hoạt động rất tích cực cho đoàn, không hề vắng mặt trong các buổi bán báo gây quỹ, đi cấm trại hay đi giúp lễ cho các đơn vị quân đội do cha tuyên úy Benoit Phương đảm trách. Không bao lâu sau ngày vào đoàn, tôi được tiến cử giữ chức vụ đoàn phó còn Loan thì đoàn trưởng. Ngày Loan lên đường vào trường Võ Bị Quốc Gia Ðà Lạt cũng là là ngày tôi từ giã Nha Trang để tìm một hướng đi mới.

    Một đôi năm tôi trở lại Nha Trang một lần và thường lưu lại đó đôi ngày rồi lại ra đi. Lần đầu tiên tôi trở lại Nha Trang sau hai năm kể từ ngày tôi rời thành phố biển này. Tôi đến căn trại gia binh nơi gia đình Hồng Nhật cư trú trước đây, giàn dây leo trước cửa nhà nơi mà hai chúng tôi thường ngồi học và trò chuyện, đã không còn nữa, người chủ mới đã vất bỏ nó đi rồi. Tôi đi qua những con đường cũ, những con đường có cây dài bóng mát, ra bãi biển để nghe tiếng sóng rì rào, nhìn thành phố đèn và nhìn lên bầu trời để tìm ngôi sao lu mờ nhất, ngôi sao của Nhật và tôi. Lần về Nha Trang nào cũng vậy tôi không bao giờ quên đi tìm lại dư âm của ngày cũ chỉ có một lần duy nhất tôi không đi đó là lần sau ngày tôi ra tù.

    Tôi trở lại Nha Trang với thân xác tả tơi đầy mệt mỏi sau những năm tháng dài lao động khổ sai trong các trại cải tạo Miền Ðông. Cô dượng tôi đều ra người thiên cổ, dãy nhà năm căn trên con đường Huỳnh Thúc Kháng đã đổi chủ. Tôi hoàn toàn bị bứng gốc.

    Khi đến Nha Trang tôi đổi xe khác về Ninh Hòa như một kẻ trốn chạy, tôi không còn đủ sức và can đảm để đi tìm những dấu vết của ngày xưa trong sự đổi thay chua chát. Tôi chỉ lưu với gia đình có vài ngày, nhưng luống khoai môn phía sau nhà bị nhổ đi nhiều hơn bởi vì có thêm một miệng ăn.

    Từ đó cho đến nay đã hai mươi mấy năm rồi tôi chưa một lần trở về lại chốn cũ. Nơi xa xôi này thỉnh thoảng vào những đêm hè ấm áp tôi ra bờ biển Williamstown ngồi nhìn ra khơi. Ở đây không có thành phố đèn như Nha Trang, bờ biển với nhiều chỗ là dốc đá, không có quán nước, cát không mịn, vì có nhiều sỏi đá xám xịt không trắng phau như cát Nha Trang, con đường ven biển thô nhám chạy quanh co không giống như đại lộ Duy Tân láng mướt và thẳng tắp từ nhà Bưu điện đến Cầu Ðá. Nước biển xông lên một thứ mùi của hóa chất hăng hắc được thải ra từ những nhà máy gần đó, thiếu vắng màu tím đậm nối liền với chân trơì và mùi tình tự ngọt ngào của biển quê hương nhà thuở xa xưa đó. Tuy nhiên nơi khung trời xa xứ này, đây là chỗ duy nhất tôi có thể đến để tìm lại ngôi sao âm u và một dư âm tình yêu của tuổi mới lớn.

Melbourne Hè 2004.





VVM.16.10.2021

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
vietvanmoinewvietart007@gmail.com