Vài Hàng Về Tác Giả:
Sinh năm 1944 tại Cairo, Nabil Naoum Gorgy tốt nghiệp ngành Công Chánh tại Đại Học Cairo, làm việc và đi du lịch nhiều nơi tại Bắc và Nam Mỹ,
Âu Châu, Ấn Độ và Tích Lan. Ông nghiên cứu nhiều nền văn học tây phương, Hồi Giáo, văn minh Ai Cập, huyền thoại cũng như các tôn giáo vùng viễn đông. Khi trở lại Cairo, ông dùng hết thời giờ cho việc sáng tác. Một số truyện ngắn của ông được dịch sang Pháp ngữ.
Truyện ngắn “Cái Giếng” trên đây đã được đưa lên đài truyền hình Pháp Quốc.
B ác Sĩ Imad lấy chiếc ống nhòm trong bao ra rồi hướng về phía khối đen ở phía thật xa. Tại nơi đơn độc giữa bãi sa mạc mênh mông với chiếc xe hơi hỏng máy mà nước uống lại gần hết thì đây là tia hy vọng cuối cùng để bám víu vào.
- Có lẽ là người Bedouin sống ở đằng kia. - Ông bực tức nói với người vợ. (Chú thích: Bedouin là giống dân Ả Rập du mục sống trong các túp lều rải rác trong sa mạc). Đây là lần đầu tiên Sumayya theo ông đi xa kể từ lúc hai người cưới nhau vào mấy tháng trước và cũng là chuyến đi tới vùng sa mạc chết như thế này. Phản ứng của Sumayya trước những sự việc là giận dữ, còn ông thì gán cho bà vì ngu dốt, không chịu hiểu tình thế trước mắt.
- Có thể là một cái giếng hay một túp lều. - Ông nói trong khi chân tiếp tục bước, còn Sumayya khó khăn chạy theo vì chân lún xuống cát.
- Tại sao mình không ở đây đợi chiếc xe vận tải nào chạy qua?
- Để chết dần chết mòn à? – Imad trả lời như quát lên. - Đợi suốt đêm qua rồi cả sáng hôm nay, giờ thì mặt trời đã lên tới đỉnh đầu rồi mà có thấy chiếc xe nào qua lại đây đâu.
Ông đứng lại, đưa chiếc ống nhòm lên. Bây giờ ông có thể nhìn thấy một ngọn cây nhỏ bên cạnh khối đen kia.
- Sumayya, mình đi trật đường, không đi con đường chính mà lại lạc sang con đường khác. - Imad nhắc lại câu mà ông ta đã nói không biết mấy lần rồi. Qua ánh sáng của ngọn đuốc, đêm qua ông ta đã chỉ cho cô con đường chính ra phải đi, nhưng họ lại nhầm đi vào con đường đã bị bỏ hoang.
- Anh không biết là mình đã đi lạc bao nhiêu dặm đường
Thình lình Imad im lặng, việc cố nói, cố bước trên cát cộng vào sự kiệt sức cùng lo âu làm cho ông ta chóng mặt. Đặt bàn tay lên ngực, ông ngả người về phía sau và cuối cùng ngã ngồi xuống. Tiếng nói thật yếu của ông thoát ra khỏi cổ họng khô nóng:
- Huyết áp của anh xuống thấp quá, sợ là chết mất thôi.
Sau vài phút, Sumayya giúp ông ta đứng lên: - Cố tiếp tục đi đi. - Cô ta khuyến khích ông. Hai vợ chồng dìu nhau bước đi, lúc này trong đầu ông muốn nói với chính mình: Nơi đó có cái giếng mà nước thật mát, hoặc là có người Bedouin ở. Họ sẽ chỉ cho mình làm sao tới con đường chính. Có thể là chẳng có ai ở, hoặc là nếu có thì họ sẽ chỉ cho mình và hai vợ chồng cùng đi hoặc là mình sẽ đi trước, Sumayya đợi mình tới đón sau vậy.
Imad thì thào:
- Tháo nhẫn và đồng hồ ra, Sumayya.
Vừa nói ông ta vừa tháo chiếc đồng hồ đeo tay và sợi dây đeo chuyền vàng có chữ Allah ra. Sumayya thì chẳng thấy có gì phải sợ nhưng cũng nghe lời vì không muốn cãi vã với ông.
Giờ thì khoảng cách giữa họ với niềm hy vọng ngày càng gần, họ có thể nhìn thấy lùm cây mọc phía xa cùng túp lều nhỏ màu xanh, chung quanh có vài con dê. Rõ ràng nhất là một bức tường bằng đá vòng quanh một cái giếng. Dù cho chưa nhìn thấy nước nhưng hình ảnh chiếc giếng làm khuôn mặt Imad rạng rỡ và có lẽ đây là giây phút hạnh phúc nhất trong đời của ông ta:
- Giếng nước. - Ông ta reo lên vui mừng. – Cám ơn Thượng Đế, cám ơn thần Allah! - Tiếp theo là lời cầu nguyện thầm thì trong miệng ông.
- Vậy thì đi nhanh lên, mình cần đến nơi trước khi trời tối.
Bây giờ những câu than vãn, những lời quở mắng lại trở lại. Sumayya chỉ im lặng cúi đầu bước theo sau ông. Cô đã quá mệt mỏi nghe những lời cằn nhằn này. Trên đường đi, ông chẳng ngừng nói về sự tài giỏi, về kinh nghiệm sống của mình. Với cô, sự vui mừng khi nhìn thấy giếng nước, thấy chiếc lều chỉ là một niềm ấm áp nơi hưu quạnh này mà thôi. Từ lúc chiếc xe bị hư, ý tưởng về chết ngoài sa mạc không hề có trong ý nghĩ của cô vì trong xe vẫn còn một ít nước đựng trong chiếc can và một ít thức ăn khô.
Ngay từ đầu, cô không hứng thú gì về chuyến đi này cả. Imad biết tất cả, quyết định mọi việc và nói như ra lệnh cho cô đi. Cô đã tỏ ý không tán thành nhưng cuối cùng để tránh việc gây gổ, cô đã phải nghe lời ông.
Chỉ còn vài phút nữa là tới chiếc lều nhưng nhìn từ bên ngoài vào thì không thấy dấu hiệu nào chứng tỏ có người ở trong đó. Imad rút chiếc dao găm dắt bên thắt lưng ra. Chiếc dao này thường dùng để bóc vỏ cam và cắt phó mát.
- Phải cẩn thận. – Ông ta nói với Sumayya rồi thầm thì với giọng run run. – Không có con chó nào, chẳng lẽ chiếc lều bị bỏ hoang hay sao? Mà còn những con dê kia thì sao?
Giờ đây cô ta chẳng nghe những câu nói của ông ta vì tâm hồn cô đang bị cảnh trí vĩ đại chốn sa mạc thu hút. Ai đã dám dựng một căn lều giữa chốn sa mạc rộng lớn khắc nghiệt như thế này? Họ đã sinh sống ra sao?
Chậm chậm từng bước, Imad tiến dần tới bên căn lều, ông vỗ tay vài cái và lớn tiếng gọi vài câu nhưng cũng chẳng nghe tiếng trả lời. Ông quay lại nhìn Sumayya. Cô bước tới chiếc cửa rồi khẽ mở ra. Bên trong đèn thắp sáng, cô liếc mắt nhìn quanh và nhận ra trong một góc có người nằm như đang ngủ. Tuy mặt người này chùm kín nhưng cô nhận ra ngay đây là một người đàn ông. Cô ra hiệu cho Imad, ông ta tiến lại gần hai tay vỗ mạnh để đánh thức người này dậy.
- Nhẹ thôi, người ta đang ngủ mà.
Imad nói to:
- Mình gọi người ta dậy. Bộ tộc Bedouin muôn năm!
Với dáng điệu mệt nhọc khó khăn, người nọ mở mắt ra nhìn hai người lạ mặt đang đứng bên cửa. Imad cúi đầu miệng hô to:
- Mong thượng đế ban phước lành cho người. Bộ tộc Bedouin muôn năm.
- Và xin mang lại sự bình an cho người. - Người nọ yếu ớt lên tiếng, trong khi lấy tay gạt tấm vải che mặt qua một bên, bây giờ một khuôn mặt một thanh niên trẻ hiện ra. Anh ta cố gắng ngồi dậy nhưng quá yếu lại ngã xuống.
- Người này đang bệnh, Imad. – Nói xong Sumayya chạy lại phía anh ta, nhưng Imad nhanh tay kéo cô trở lại.
- Từ từ … Bộ tộc Bedouin muôn năm. Chúng tôi bị lạc đường và hết cả nước uống. Anh có nước không? Anh có biết lối nào đi tới đường Farafra không? Anh có dầu hôi không?
Câu hỏi nọ nối tiếp câu hỏi kia làm người nọ không biết trả lời ra sao. Anh ta nhắm mắt lại và thiếp dần. Sumayya quay nhìn Imad.
- Anh ta đang bị bệnh mà.
Nói xong cô tiến vào bên trong rồi qùy xuống bên cạnh chiếc giường gỗ.
- Cầu xin thượng đế ban phước lành cho người.
Mệt nhọc, người nọ mở mắt ra: - Và xin mang sự bình an cho người. - Nói xong anh ta lại cố gắng ngồi dậy nhưng vô hiệu.
- Anh bị bệnh sao? – Nói xong cô đặt tay lên trán người thanh niên. Thân nhiệt quá cao làm cô rụt tay về.
- Lại một tại hoạ khác xẩy đến. - Imad lẩm bẩm. - Người cứu nạn cho mình lại cần được cứu giúp.
Sumayya đứng lên, nói với ông:
- Khám cho anh ta đi, Imad.
Quỳ xuống bên cạnh giường, tay đặt lên trán người thanh niên, ông hỏi:
- Anh bị bệnh gì vậy? Trong người thấy sao?
Vừa hỏi mắt ông đảo quanh căn lều. Một chiếc hộp nhỏ, vài chiếc chăn, củi và vài chiếc bình nhựa để rải rác quanh lều.
- Chiếc giếng ngoài kia có nước không?
- Có. - Thanh niên trả lời.
- Anh có biết lối đi tới con đường Farafra không?
- Biết.
- Chỗ này là nơi nào đây? Gần đây có trại lính nào không? Anh có biết có người nào lai vãng tới đây để cứu mình không?
Ông lập lại câu hỏi lần nữa. Sau cùng, thanh niên nọ cố gắng trả lời:
- Trại lính? Đi về hướng tây khoảng hai tiếng đồng hồ.
Bây giờ Imad cảm thấy thật thoải mái. Ông đứng dậy ra hiệu cho Sumayya rời khỏi nơi này.
- Anh ta đang bệnh cần sự giúp đỡ. Anh phải chữa cho anh ta chứ.
- Hắn bị sốt nặng mà mình lại không có thuốc men gì cả. Bây giờ hãy tới trại lính trước đã, có thể khi trở lại mình sẽ ghé qua đây xem sao.
- Không, mình không biết trại lính ở đâu cả, còn ở nơi này thì an toàn rồi. Có thuốc trong xe thì sao không tới lấy để giúp cho anh ta?
Ông quắc mắt nhìn cô:
- Em có biết là từ đây tới chỗ xe đậu bao xa không?
Người thanh niên mở mắt ra và chạm vào cặp mắt của Sumayya. Cô quay về phía Imad:
- Phải cứu người thanh niên này.
Imad cười gượng:
- Anh ta chẳng sao cả, chỉ hơi bị sốt một chút thôi. Phải đi nhanh cho kịp trước khi mặt trời tắt hẳn.
- Vậy là để mặc cho anh ta chết ở đây hay sao?
- Không chết đâu, bà con người Bedouin sẽ tới đây cứu anh ta.
Thanh niên nọ nhắm mắt lại, quay đầu đi như không muốn nghe lời trao đổi của hai người. Sumayya lớn tiếng với giọng giận dữ:
- Anh có biết đi đâu không?
- Biết chứ, như anh ta nói, cứ theo hướng tây, đi khoảng hai giờ sẽ tới trại đó.
- Trại nào? Tốt nhất là nghỉ ở đây và đợi tới sáng mai.
- Không, mình phải đi ngay trong tối nay.
Có tiếng rên nhẹ của người thanh niên do cơn đau hay do cơn nóng lạnh. Bước ra khỏi căn lều, Imad lấy chiếc la bàn ra. Khi đã định xong phương hướng, ông ta nói với Sumayya:
- Nhanh lên, đi nào.
Cô nói với giọng cương quyết:
- Em không đi đâu cả. Em không còn hơi sức nào nữa. Nếu anh nhất định đi thi khi trở lại, nhớ ghé qua đây đưa em về.
- Em còn dư sức đi mà. Bộ em tính ở lại đây với người lạ mặt hay sao chứ? Ra khỏi lều rồi đi với anh nào.
- Không, nếu anh muốn đi thì cứ đi đi. Em sẽ đợi anh ở đây. - Giọng nói của Sumayya tuy nhẹ nhàng nhưng cũng cho ông hiểu là sự cương quyết của cô như thế nào. Ông giận dữ la lên:
- Thật là điên rồ, em điên thật rồi mà. - Rồi với một giọng tránh trách nhiệm mà ông vẫn thường nói với bệnh nhân khi họ từ chối dùng thuốc mà ông đề nghị: - Cái đó tùy em thôi.
Rồi ông cất bước đi về hướng tây.
Sumayya thức suốt đêm đó, dùng khăn thấm nước trườm lên trán cho người thanh niên Bedouin nọ để hạ nhiệt độ trong người anh ta.
Ngày qua ngày, thanh niên kia đã phục hồi lại sức khỏe và Imad chẳng bao giờ quay lại đón người vợ trẻ cả.