Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      


TIẾNG CHIM HÓT TRÊN CAO




T ừ khi hết giãn cách lại phong toả rồi lại giãn cách… tôi thu lu trong chiếc tổ nhỏ, tóc trên đầu mọc rậm và dài thượt như một chú chó Afghan. Lông mày chẳng còn tỉa tót, bộ móng hết sơn hồng xanh đỏ tím trở về trắng ngà nguyên thủy. Móng vuốt loài chim vốn để bám vào cành cây thôi chẳng đi đâu được thì cắt gọn vậy. Có lẽ khi bám vào sự sống không cần móng vuốt nhỉ.    Hồi nhỏ cha mẹ đi tìm đồ ăn về mớm cho ăn rồi lớn lên chúng tôi lại bay tìm đồ ăn mớm cho con mình …còn bi giờ trong chiếc tổ chật xung quanh đầy dây nhợ ngăn cách với thế giới và ngăn luôn cả gặp gỡ đồng loại, thì tự thân mình biết điều gì là cần thiết. Chúng tôi trở thành kẻ tích trữ như loài gậm nhấm.

 Một là tha thực phẩm về chất vào những ngăn trong chiếc tổ chật dành cho những ngày dịch bệnh kéo dài chưa biết khi nào dừng lại.

 Hai nữa là nhờ trợ giúp của đồng loại tức bà con lối xóm, bạn bè gần xa, những nhà hảo tâm, thiện nguyện vv và vv…

 Lối xóm mặc dù phong toả vẫn ngọt ngào làm sao,  nhà này ới nhà kia chuyền qua cho nhau chút thực phẩm duy trì sự sống ... Để tránh lây nhiễm cộng đồng, thực phẩm được để bên thềm không tiếp xúc. Cảm động lắm những tấm lòng và tình đồng loại dành cho nhau các bạn ạ.

  Có cô chim mẹ láng giềng rất dễ thương, trước đây cô không biết cây gì tên gì, bây giờ sân thượng cô chim nhỏ đang dần phủ xanh  sau mấy tháng giãn cách, họ đã có những thu hoạch ban đầu cho những bữa ăn đạm bạc trong chiếc tổ nhỏ be bé, ấm áp, xinh xinh của cô. Ở đó sáng chiều vẫn vang lên tiếng hót trong trẻo của bầy chim nhỏ.

  Phố yên lặng, không có nghĩa là phố chết. Sức sống xanh và tiếng hót không gì ngăn được. Hạt yêu thương được gieo trên mảnh đất đau thương vẫn bật mầm chắc khoẻ và giai điệu bài ca của loài chim chúng tôi là bất tận.

    Những ngày này nếu lo âu buồn phiền thì cũng không thay đổi được gì, thay vào đó ta dành thời gian để chống lại thứ vô hình đáng sợ bằng các biện pháp phòng vệ. Dành thời gian thừa trau dồi thêm cho bản thân mình hoặc chăm sóc tổ nhỏ.  

  Tôi xếp đôi cánh vào một góc không buồn rầu nữa và tìm những bản viết trên những chiếc lá lưu giữ ngàn năm nay. Kho Tri thức vô hạn, biết bao điều mà cái đầu bé nhỏ của tôi chưa biết tới. Có những đam mê thời trẻ thui chột bởi lo toan cuộc sống  bây giờ tôi đem ra xem lại. Tôi luôn nhắc mình: “ Người ta làm được thì loài chim mình cũng làm được”  

  Có nhiều thứ để học, từ nấu ăn, đến viết lách, đàn, sáo vv… Kiến thức là con đường vô  tận chắc bay mấy kiếp cũng không có điểm cùng, phải không bạn nhỉ.

                  “Đôi bên là kẻ thuộc quen
                        Trong cơn tối lửa tắt đèn có nhau.” -                                         

 Ca dao Việt Nam luôn xem nặng tình nghĩa xóm làng,  bất kể nông thôn hay thành thị. Tình cảm tốt đẹp giữa lối xóm với nhau là nét đẹp của văn hoá Việt. Chính trong những ngày khổ nạn vì dịch này mới thấy câu: “Tối lửa tắt đèn có nhau” như thế nào.

 Phong toả không thể ra ngoài nhưng tổ này chuyền tổ kia mớ hạt. Sáng nhà bên phải vừa cho hạt cỏ chiều nhà bên trái kêu cho bao thóc. Mọi nhà cứ vậy ai có nhiều đem chia nhà không có. Lá lành đùm lá rách, lá rách đùm lá te tua … nhờ vậy bữa ăn của loài chim chúng tôi vẫn tươi ngon đảm bảo được sức khỏe chờ ngày bình yên lại bay vút giữa bầu trời bao la.

  Chúng tôi truyền hơi ấm trái tim qua cho nhau duy trì sự tồn sinh ( là học theo cách nói bác học )

 Thực ra tính cách chim Việt thuần hậu dễ thân, dễ mến, miễn là bạn đối xử thực lòng, không xạo như loài chim giẻ cùi lại còn bắt chước tiếng hót loài khác lừa nhau…

 Vậy đó. Phải sống thôi, mà sống thì bình tâm dù bất cứ chuyện gì xảy ra, phải không!

 Kìa, bạn có nghe tiếng hót của loài chim chúng tôi không vách tường nào ngăn được đang véo von thả vào mênh mông giai điệu dịu dàng của ngày mới…

27. 8.2021





VVM.15.9.2021

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
vietvanmoinewvietart007@gmail.com