Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      

BÂY GIỜ CÁC BẠN Ở ĐÂU ?




L àng tôi ba phía ruộng liền bờ tiếp đến bãi cỏ xanh triền miên vắt qua quốc lộ tới những đồi cây lúp xúp. Xa hơn nữa, cánh rừng bạt ngàn một màu xanh âm u chứa bao điều huyền bí mà tuổi thơ chúng tôi chưa hề dám đặt chân.

Bãi cỏ xanh ngày ấy là nơi bọn trẻ trâu chúng tôi thường tụ tập. Đàn trâu của hợp tác, mỗi nhà nhận nuôi một hai con. Buổi chiều đi học về, bỏ mặc trâu nhẩn nha gặm cỏ quanh những chiếc cọc đóng vội vàng, chúng tôi kéo đàn kéo lũ đi lang thang hay tụ tập đánh khăng, đánh đáo. Nhiều khi mải chơi trời xẩm tối, nhìn đến trâu mới biết con dứt thừng, con kéo cọc đi lung tung tận đâu đâu. Tôi vốn nhát, sợ nhất khi chưa thấy trâu của mình trong lúc bạn bè lần lượt dắt trâu về mà trời càng lúc càng thêm đặc lại. Có lần, tôi phải về tay không để người nhà sấp ngửa đốt đuốc đi tìm. Tôi đã ngủ trong đầm đìa nước mắt, trong tiếng lao xao gọi hỏi của người tìm trâu.

Chứng nào tật nấy. Chuyện trâu lạc xảy ra không hiếm. Sau chúng tôi bàn nhau, chọn mấy đứa con gái trông coi, khen nịnh nó, còn mình tha hồ tụ tập, nô nghịch, ném đất ném đá, làm những trò tai quái có thể kể mấy đêm không hết.

Bọn con gái lúc đầu nhận lời. Chúng ngồi đánh chuyền đánh chắt, chơi ô ăn quan không phải đi cắt cỏ nhưng mãi rồi cũng buồn cũng chán. Đấy là những chiều yên tĩnh, nắng trộn mật vào cỏ. Gặp khi trâu giật cọc, dứt thừng, chúng loạn lên, gọi khản cổ mới thấy chúng tôi.

Bởi thế, chúng tôi thường phải hái ổi, vặt sim, kiếm quả dọc, quả bứa, tìm quả trâm, quả cu ca... về lấy lòng bọn chúng. Chúng giả bộ không muốn cầm, không muốn ăn nhưng tôi biết trong đầu bọn nhãi ranh ấy đầy tiếng hò reo. Khi một đứa cầm, cả bọn giằng nhau, cãi nhau chí chóe.

Vào đầu tháng sáu, tiếng ve ran ran là học sinh được nghỉ ba tháng hè. Chúng tôi hăm hở nấu cơm, giặt dũ, chăm lợn, nhào than ( than cám trộn với đất đồi đổ và khuôn đóng bánh phơi khô ) lấy củi, cuốc đất trồng rau... Làm các việc xong, với thời gian rỗi rãi đi hái sim, bắt cua cáy hoặc lang thang đồi rừng vác cây, chặt tre, chặt róc. Da đen nhẻm, tóc râu ngô và trên người chỉ một chiếc quần đùi. Rừng ngày đó hoang sơ, cây cối um tùm. Những cây lim, cậy, giổi, trâm… dễ hàng chục năm tuổi. Tiếng chim ríu ran suốt ngày đêm. Con chim " bắt cô trói cột "sáng sớm tinh mơ đã cất tiếng. Chim chích, sẻ, chào mào, liếu điếu, chích chòe… rộn rã. Tiếng chim bìm bịp tiễn chiều đi. Tiếng cuốc cuốc buồn buồn nhắc nhở. Có những con chim hót hay. Giọng hót làm cho cả một khung trời bừng tỉnh, vui tươi, rạng rỡ. Mà lạ lắm. Không loài nào hót giống loài nào. Những tiếng hót chen chúc, đan xoắn, tết bện vào nhau. Chúng tôi vẫn nhận ra. Có con hót thánh thót, Có con hót véo von. Có loài chim gõ kiến dùng mỏ gõ vào thân cây lụp cụp. Có loài chim màu đất sáng, màu đất tối, màu đất đen. Có con xanh, đậu trầm ngâm một mình trên cọc giữa ao. Không thiếu loài có bộ lông mượt mà, nhiều màu sặc sỡ. Bây giờ, chỉ ầm ầm nhịp sống đô thị khiến lòng ta nao nao nhớ nhung.

Đồi đất trải dài. Bạt ngàn sim. Từng chùm quả chín mọng. Lũ chúng tôi tay hái, mồm nhá, mải mê thưởng thức những trái sim ngọt lịm đầu mùa. Mát lành như được cắn được nhai, được nuốt những bầu mật ngọt. Mỗi đứa cầm cái làn (đan bằng ruột ràng ràng) leo đồi. Chỉ vài ba tiếng sau cũng khoác về một xách nặng. Tối tối, chúng tôi có mặt trước cửa rạp Công nhân, rạp Bạch Đằng… đặt rổ bán với giá hai hào một bò. Ngày ấy, lon sữa bò đã dùng, đục hở một đầu thường đong gạo nấu cơm. Vào năm học mới, sách vở áo quần đều được góp nhặt từ tiền bán những bò sim ấy. Rồi những tổ ong vàng, ong đất chen giữa từng lối đi. Chắc chúng bạn không quên. Nhiều vết ong đốt mãi chẳng chịu lành, sưng phồng, chảy nước, ngứa kinh khủng... Mùa thu, lá rụng đầy gốc. Chả ai nhớ đến những chiếc lá vàng hết cả mùi thơm, khô dần. Chúng tôi hững hờ chờ đến mùa hoa sim năm sau mà nhắc nhở… Những vạt chiều rưng rưng nắng, chảy vàng vọt trên đồi núi quê hương…

Nhưng cây chỉ có mùa. Bọn chúng tôi lại hái ít, phá nhiều. Quả non quả già, nụ hoa lả tả. Những đồi gần dần dà hiếm hoi. Cây gãy, lá cành xác xơ. Xa nữa, không dám vào, không dám đến, nhỡ gặp hổ báo hay ma quỷ. Nghĩ đến đã thấy khiếp.

Để được rong chơi nhiều hơn, chúng tôi đi ăn trộm. Mùa ngô chui rúc trong vườn người ta. Hai tay lần tìm nắm lấy hai bắp. “Roạc”, “roạc”... Tất cả cùng bẻ rồi mạnh ai nấy chạy bán sống bán chết ra khe Ba toa, gom góp lại, giấu vào chân tre. Hôm sau đi học về, đánh trâu ra ngõ. Đưa thừng cho đứa nào đấy, lộn về, bỏ bắp vào quang giành, gánh đi cắt cỏ. Nhiều lần chưng hửng vì chuột tha lôi, phá phách tung tóe. Đến bãi, giao cho bọn con gái đào hố đốt lửa. Khi lửa to, bỏ bắp ngô vào, nhặt phân trâu khô phủ lên. Khói bay nghi ngút. Nghe gọi, chúng tôi mới về, xuýt xoa, lăn lăn bắp nướng trên tay cho khỏi bỏng. Mùi ngô nướng thơm lừng. Lật lớp vỏ bẹ, những hạt ngô xém lửa, dau tóp lại, thơm ngọt và dẻo bùi đến tận hôm nay.

Nhiều đận cũng khổ. Xôi hỏng bỏng không. Tôi nhớ lần vào ăn cắp mía. Cầm dao phay cứa khoanh vào gốc (giá khôn ra, cầm dao bài tiện một vòng vừa nhẹ vừa nhanh) lựa nâng gốc mía lên khỏi dây chằng giữ thấp nhất rồi rút thật mạnh để ngọn mía chui qua lượt dây chằng giữ phía trên, lao ra đường. Có tiếng quát:

- Chết! Chúng mày ăn cắp mía!

Còn hơn thấy trời sập núi lăn, chúng tôi ba chân bốn cẳng ù té. Khi hoàn hồn quay lại đã thấy ông ta nấn ná nhìn ngược nhìn xuôi rồi đạp chân vào phần ngọn, tay cầm phía gốc bẻ ngược lên “cắc” “cắc” ung dung vác đi. Chúng tôi nhìn theo, ngơ ngẩn tiếc không đủ lẽ, không đủ sức đòi lại.

Những chuyện nghịch ngơm trộm cắp ấy có thể đổ tại tụi con gái thích ăn, vì tụi chúng xúi bậy. Còn chuyện này thì hết cách.

Ông Cam là người trồng cây cảnh lâu năm, từ thời cụ kị tôi còn. Chúng tôi đi học, ông đã già. Nhà ông trước đây thấy bảo nghèo lắm, mái lợp lá mía rồi lợp rạ. Đến thời chúng tôi, nhà ông mái tranh và tường xây, tường bọc chung quanh.

Ngày ấy, khắp nơi đang cấm nuôi chó. Sợ chó điên gây tai họa khủng khiếp, người ta báo chính quyến ở nơi ấy, phía ấy đêm đêm vẫn nghe tiếng sủa. Thế là nhắc nhở, ngăn chặn, răn đe, cấm đoán. Người ta đập chết lấy thịt ăn, lấy tiền thưởng do những gia đình có chó ra đường bị đập, dại dột đến nhận. Ngày đêm không nghe tiếng chó sủa.

Nhà tôi cách nhà ông Cam dăm bảy chục mét. Ông sống độc thân, cô đơn, suốt ngày luẩn quẩn bên những chậu cây cảnh. Chúng tôi hay đến chơi với ông. Ông lởi xởi, vui vẻ và tốt tính không càu nhàu, cách biệt như những người độc thân khác. Dạo ấy, mọi người còn nghèo, coi thú thú chơi cây cảnh là lạ lẫm, xa xỉ, vô tích sự. Ông Cam cặm cụi tỉa tót, tưới vun cho vui tuổi già. Ông kể lai lịch, nguồn gốc, giải thích tường tận từng thế cây. Nào Giáng long, phụ tử, thác đổ, lộ căn...Nhiều lúc hình như ông nói với chính ông. Có khi giọng ông trầm xuống, thủ thỉ nhắc nhở với người nào xa lắm, ở tận nơi nào vậy.

Chúng tôi nghe cũng thích nhưng lại ngờ nghệch, dại dột tìm cách lấy trộm. Đêm ấy, chúng tôi trèo vào vườn nhà ông khuân năm sáu chậu cây đến sát tường. Tôi nhảy ra. Thằng Nam, thằng Bắc lễ mễ bưng chậu lên. Tôi đứng ngoài, nắm lấy thân cây, kéo rồi đỡ xuống. Kéo ra được thì cây bật gốc. Chậu đổ tung tóe. Cả mấy cây đều thế.

Chia nhau xong, tôi hí hởn mang cây canh châu, cây sung rụt trồng ngay trước cửa, mơ tưởng đến ngày nhà tôi chật những sắc hoa, những thế cây độc đáo. Tôi sẽ vun bón, xén cành tỉa lá để khi bạn bè tới đứa nào đứa nấy cũng phải rối rít, trầm trồ, lác cả mắt.

Chiều hôm sau, chúng tôi qua nhà ông. Ông đang lúi húi nhổ cỏ. Chúng tôi chào, ông ngửng lên. Tôi sững người bắt gặp một gương mặt héo úa và đẫm địa nước.

Đêm khuya, chúng tôi lại nhảy tường vào. Những chậu cây đã được thu gọn, đặt lên hiên cạnh cửa sổ, sát chỗ ông nằm. Chúng tôi không ăn cắp mà tự giác mang trả ông những chậu cây đã lấy trộm. Nghe tiếng ho, chưa biết đặt vào đâu, chúng tôi bỏ cả đấy. Chạy!

Mấy hôm sau nữa có việc, tôi lại tới nhà ông. Thấy tôi thập thò ngoài ngõ, ông niềm nở gọi vào. Chờ việc xong xuôi, đến khi ra về, ông mới bảo:

- Ông thừa biết mấy đứa nhổ cây vườn nhà ông mang đi trồng những đâu. Nhưng thôi, các cháu rất ngoan, biết sai thì sửa. Ông còn chưa biết phải cảm ơn các cháu thế nào. Hà hà...có điều những cây các cháu mang trả, chết gần hết. Ông cố gắng tìm đủ cách chữa chạy, may được hai cây. Đây cháu xem.

Ông dẫn tôi ra vườn. Hai cây còn lại ngọn rủ, lá úa vàng. Ông băng bó như người bị thương trong chiến tranh. Khi tôi kéo cây qua tường, vỏ cây tróc lở, sứt sát. Cành gãy và thân xơ tướp.

Tôi bối rối nhìn ông. Vuốt ve những tán lá, không muốn nhìn thấy tôi khó xử, ông chậm rãi:

- Muốn trồng phải hiểu rõ tính cách từng loại cây cháu ạ! Ông không tiếc đâu. Thích cây gì, cháu cứ mang về mà trồng. Có điều, phải chăm chút, yêu thương nó. Cây cũng như người ấy, thích được tin cậy, che chở, nâng niu.

Không biết nói gì, tôi ra về trong niềm kính trọng ông.

Rồi chúng tôi lớn lên. Bom đạn bời bời. Đất nước đầy lửa khói chiến trường. Không còn dịp thăm ông nữa. Từ nơi xa xôi nhận thư thày tôi báo tin ông Cam đã xây nhà ngói và gửi lời hỏi thăm tôi.

Hôm nay trở lại thăm quê. Làng cũ đã thành phố thành phường, không nhận ra dấu xưa. Ông Cam đã chết. Đất ông ở bây giờ chót vót ngôi nhà ba tầng. Chó Béc lù lù chắn giữ cửa. Xích sắt, cổng khóa im ỉm suốt ngày.

Trong tôi, ông Cam vẫn còn. Bạn bè tôi ngày xa xôi ấy vẫn còn mặc dù qua chiến tranh tàn khốc, hủy diệt đến nền móng từng căn nhà. Nối gót cha anh, chúng tôi đứng lên chặn bom đạn rơi vào quê hương. Đứa lên tầng cao, đứa ra mặt trận. Đứa mất tích, đứa chỉ còn lại dòng tên. Đứa thương tật đầy mình, đứa lên quan lên chức. Trong dịp kỷ niệm trường được truyền miệng nhau và thông báo kỹ càng trên các phương tiện thông tin đại chúng hàng tháng trời, khóa tôi vẻn vẹn còn hai mươi tám người. Ngày ấy khóa tôi có chín lớp. Lớp tôi có bốn mươi bảy học sinh. Ba hai nam, mười lăm nữ. Bây giờ các bạn ở đâu?





VVM.08.9.2021

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
vietvanmoinewvietart007@gmail.com