Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      

TÂM TÌNH CÙNG CÔ EM HỌ



B uổi sáng hôm nay, trời bỗng trở lạnh. Tháng Giêng mà sao trời âm u, gía lạnh nhỉ! Ông Trời, đôi khi, cũng “bất thường”, huống chi lòng người?

Tôi nhìn ra ngoài sân, sương mù giăng và mưa lất phất bay, có chút gió lạnh, không thể đi bộ thể dục như thường ngày được. Suốt một ngày bận bịu chuyện con cháu, trang văn - tôi vẫn luôn dành thời gian đi bộ mỗi sáng chiều, như một thói quen không thể bỏ được.

Tôi đành ngồi thư giãn trước hiên nhà nhìn mưa - những hạt mưa xuân bay nhẹ nhàng, trắng trời, gợi cho tôi chút bâng khuâng nhớ về những tháng ngày sống giữa đèo Cả, heo hút, lạnh lẽo. Mưa ở núi rừng âm u, quạnh quẽ, làm tôi nhớ quê đến da diết, nao lòng. Mưa đã buồn, mà xa quê, sống lầm lũi tận trên đèo heo hút, lại càng thấm buồn hơn! Hình ảnh quê nhà chập chờn, thoắt hiện ra trong trí nhớ tôi qua màn mưa xuân mong manh, ngày ấy. Rồi tôi chợt nhớ đến Lê - người em họ, đang dạy học ở miền cao, có lẽ nhìn mưa, cũng sẽ nhớ quê như tôi ngày nào?.

Cách nay mấy tháng, sau khi giới thiệu và phát hành hai Tác phẩm mới - Tập tùy bút “Những Bức Thư Tình Chưa Hề Gởi” và Tập truyện ngắn “Hoàng Hôn Bên Dòng Sông Tắc” (NXB Hội Nhà Văn - 2019); tôi có gởi tặng Lê hai tác phẩm này của mình, như chia sẻ niềm vui với người em gái xa quê, đang mang “cái chữ” về miền cao như ước nguyện.

Đọc xong hai tác phẩm tôi gởi tặng, Lê gọi điện nói chuyện với tôi khá lâu; nhất là sau khi thăm hỏi biết được tôi chỉ viết được vào buổi tối (từ 7giờ đến 9giờ) và sáng sớm (từ 4giờ đến 6giờ), Lê có hỏi tôi: “Chị ơi! Em biết chị dành thời gian hiếm hoi trong ngày để viết, chị cặm cụi viết nhiều. Vậy chị viết vì Danh hay vì Lợi, hả chị?”.

Nghe xong câu hỏi, tôi có hơi ngạc nhiên, nhưng rồi tôi thấy vui, và hỏi lại “Em ơi! Em ra trường với tấm bằng xếp loại khá giỏi, sao em không xin dạy ở phố thị gần nhà, mà lại lên vùng cao, đi lại khó khăn, có đoạn đi bộ hơn 2 cây số? Chị nghĩ, đó là ước mơ của em, muốn mang kiến thức đến vùng đồng bào còn khó khăn, lạc hậu; mong đời sống người vùng sâu, vùng xa, được biết đến nền văn minh như phố thị, bằng cái chữ, phải không em?. Chị cũng vậy em ạ! Đó là vì đam mê và hoài bão, muốn chia sẻ cùng với tất cả về cuộc sống này qua những trang văn tâm huyết; đó còn là niềm vui lớn cho mình, cho người nữa mà không có tiền bạc nào có thể mua được em à!”.

Qua màn mưa mỏng, từng hạt lất phất; tôi như thấy cô em họ nhìn tôi, với đôi mắt đen tròn, long lanh niềm vui. Ai mà chẳng có niềm ước mơ, hy vọng cho cuộc sống của chính mình? Sống mà không ước mơ, như cây khô cằn cỗi, đời sống sẽ chóng già nua, coi như đã chết ngay khi còn sống, phải không Lê? Và tôi như nhìn thấy nụ cười của Lê thật hạnh phúc, bên đám học trò quây quanh trong ngôi trường mái tranh vách gỗ, chỉ vài lớp học, giữa vùng đồi núi xa xôi, quạnh vắng.

Một cơn gió mạnh thoảng qua, mang theo hơi lạnh của mưa xuân thốc vào mái hiên; làm tôi cảm thấy hưng phấn, muốn chia sẻ những gì mình suy nghĩ, ấp ủ từ lâu, với cô em ham đọc, ham học hỏi này!.

Thuở còn ngồi ở ghế nhà trường, tôi có đọc đâu đó một câu nói thâm thúy, làm tôi thích và nhớ mãi. Đó là: “Những lời chúc tụng như một đóa hương thơm, ta nên thoảng qua, đừng để cho nó thấm vào người”. Từ dạo ấy và cho đến bây giờ, tôi luôn tự dặn lòng mình, phải sống thật chân thành, tự chuyển hóa mình; không nên vì những lời khen ngợi (hay chê bai), mà vui mừng, tự mãn (hay buồn phiền, đau khổ). Câu nói ấy như một lời khuyên nhủ sâu sắc, theo mãi tôi, để tự mình nhắc nhở mình hãy tỉnh giác, nhìn lại mình, không cho những lời khen - chê “thấm vào người”.

Những lời ngợi khen, chúc tụng không chân thành, giống như một đóa hoa ni lông không có hương thơm; nhưng rất sặc sỡ, khiến ta say sưa, mê đắm, sống hoài trong ảo tưởng; để rồi tự mình sẽ giết chết mình, vì cái “hương thơm” ảo tưởng, không thực ấy; ví như cái “Danh” ảo, luôn lừa dối, quyến rũ, cám dỗ vậy.

Lê ơi! Trước tiên, chị muốn tâm tình cùng em về chuyện “viết vì Danh” nhé!. Theo thiển ý, chị nghĩ, những người viết vì cái “Danh”, là những người đã bắt đầu từ cái “gốc” không chân thật, không vì lợi ích số đông. Lê thử nghĩ lại coi, trong cuộc sống đầy dẫy những khổ đau, phiền não, bộn bề mọi thứ, thì “cái danh” như chiếc bánh vẽ ấy để làm gì, với đời sống giả tạm, ngắn ngủi này?. Cái “danh hảo” ấy, sẽ tồn tại được bao lâu? Có thể vài năm, năm, mười năm hay hơn thế nữa; cũng để lại được gì, cho bản thân, cho gia đình, cho mọi người, phải không em?

Còn cặm cụi mỗi đêm bên trang văn, chỉ vì “cái lợi” ư? Chữ “lợi” (tiền tài, vật chất) thường đi chung với chữ ”lộc” (quà tặng, khen thưởng) - thì chị đi buôn bán, kiếm đồng lời mỗi ngày, khỏe và vui hơn chứ em! Em cũng biết chị đã từng buôn bán (buôn gạo, phế liệu, quán cà phê, giải khát…); đã từng làm đủ nghề (làm ruộng, nấu rượu nuôi heo, làm gạch, làm rẫy…) để sống và nuôi con ăn học, trưởng thành (sau 1975) như thế nào rồi mà! Theo chị, những người viết vì lợi, là những người có lòng tham lớn, muốn được có tiền nhanh, dễ dàng; nên từ cái “gốc” lệch hướng ấy sẵn sàng vì cái lợi trước mắt, đem trí tuệ, cả tâm hồn bán rẻ, mà không hề băn khoăn?

Được một chút lợi trước mắt mà làm vậy, liệu có quá đắc không, hở em? Nên chị nghĩ - đơn giản là, nếu miệt mài viết, chỉ vì lợi, vì tiền, thì chị đi buôn bán, hay làm nghề, dùng cơ bắp để kiếm sống, không lợi và thoải mái hơn hay sao? Chị lại chợt nhớ đến câu tục ngữ rất xưa “Mua danh ba vạn, bán danh ba đồng”, là vậy, em ạ!

Như em đã từng biết, chị đam mê văn chương từ thời còn đi học. Năm cuối bậc Trung học, chị muốn viết một cái gì đó để tặng cho nhỏ bạn thân thiết ngồi cùng bàn. Trong chị cứ thôi thúc, muốn trải lòng mình với một đề tài khá lạ (so với lứa tuổi) rằng: - Chúng ta sẽ còn lại gì sau cuộc chiến?. Thế là chị bắt đầu viết, với cái tựa “Những Gì Còn Sót Lại”. Không biết chị viết hay dở thế nào, nhưng chị rất vui khi nhỏ bạn gật gù “bà học toán mà sao viết được bài này, hay vậy?”. Câu nói giản dị của nhỏ bạn, như lời động viên lớn cho con đường văn chương chị đang tiến bước, mỗi khi ngồi nhớ lại kỷ niệm dễ thương này, em à!

Chị trưởng thành trong gian khó, bất hạnh, trôi lăn theo dòng đời bề bộn với áo cơm; chị vẫn không ngừng mong muốn được viết, được trải lòng chia sẻ, tâm sự, như đã từng ước mơ, kỳ vọng thuở nào. Sau khi nuôi dạy các con khôn lớn, trưởng thành, ổn định; phần đời còn lại, chị muốn sống trọn cho ước mơ của mình; muốn chia sẻ những bất hạnh, nỗi đau, của mình, của những cảnh đời chung quanh mà chị nhìn thấy; góp phần xây dựng đời sống an vui và hạnh phúc thực sự; kêu gọi sự cảm thông, bao dung của những người có đời sống cao hơn, qua trang văn tâm huyết hằng đêm của mình. Em ơi, đó là niềm vui, niềm an ủi lớn, cho đời sống còn lại của mình nữa, em à! Chị mong rằng, những trang văn đã thao thức bao năm ấy, sẽ phần nào xoa dịu những bất hạnh, truân chuyên cho mình, cho người; và góp phần đem lại niềm vui cho tất cả - kể cả em - một cô giáo tài năng và rất nhiệt tình vì sự nghiệp dạy học đã chọn!

Trời đã sáng rõ, mưa vẫn cứ bay, gió vẫn thổi nhẹ; tôi cảm thấy vui, khi đã giải bày, chia sẻ, những ước mơ, công việc làm, cho đời sống còn lại của đời mình với Lê. Tôi đứng dậy, hít thật sâu, vươn vai vài động tác thể dục nhẹ nhàng, rồi vào nhà, bắt đầu một ngày mới như mọi ngày.

Tạm biệt Lê - người em gái thân thương! Chị hy vọng chúng ta sẽ gặp nhau vào mùa hè tới, để có thể tâm sự cùng nhau nhiều hơn những ước mơ, khát vọng của nhau, em nhé!

Những ngày cuối tháng 2/2020




VVM.08.9.2021

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
vietvanmoinewvietart007@gmail.com