Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
         



ÔNG ADAM VÀ TÔI
1-1=0      1+1=1



T rời nhớ ai mà nước mắt ngắn dài làm lụt lội cả mấy con phố vẫn chưa hết sụt sùi. Mặt trời buồn với ai mà bỏ đi biệt, chỉ thấy gió và gió, lồng lộn như con ngựa bất kham chui luồn qua lòng những con phố hẹp ngơ ngác như chưa từng biết đến mặt trời đã từng xuất hiện trước đây cùng với lũ chim bơ vơ vì thiếu ánh dương. À thế ra thời tiết đã vào tháng Chạp rồi nhỉ, thế mà em không nhắc anh, như vẫn thường nhắc trong những giấc mơ một ngày mới quen nhau khi giàn Montana đang đơm hoa báo trước nàng xuân đang rón rén gõ cửa nhà em , mọi người có vẻ nô nức như đang chuẩn bị cho một mùa lễ lớn, giờ này những con chiên ngoan đạo đang là tới nhà thờ vì là buổi trưa ngày Chúa nhật. Tiếng chuông trên tháp nhà thờ chính tòa vừa vang lên trong bầu khí nhột nhạt ảm đạm và ngậm đầy hơi nước, cây thánh gía trên nóc đỉnh lầu chuông chìm trong màn sương lúc tỏ lúc mờ như phép mầu của đấng tối cao đã một lần hy sinh nằm chết treo trên đó.Tôi bước ra khỏi thánh đường sau giờ lễ sớm dành cho người lớn, ngón tay nhúng vào bồn nước thánh lạnh buốt như vừa đụng vào trái tim ai đó vừa bị người yêu ruồng bỏ, hững hờ chỉ còn thoi thóp, ra tới hè phố tôi chọn con đường vắng nhất đi xuôi theo chiều gió chiếc áo mưa bay nghe phần phật như một cánh buồm có cảm giác đang lướt tôi đi theo mà không cần phải nhắc chân lên cũng có thể đưa tôi đến điểm hẹn là quán café Roméo et Juliette tại góc đường Robson và Pacific Ave. với một đôi vợ chồng xa lạ, không rõ từ đâu đến và vì đâu mà họ biết tôi, ( có lẽ tôi đã gặp họ tại Emergency Department trước đây chăng ) lời mời trong điện thoại nghe thật ấm cúng và lịch sự như đã từng biết nhau, tôi không muốn từ chối họ vì bản tính của tôi trời phú như vậy cũng một phần lương tâm chức nghiệp cần phải vồn vã và hết lòng với mọi người cần đến tôi, không phải do tính hiếu kỳ hoặc tò mò như các bà các cô thường làm, người ta từng cặp đi lại thưa thớt gói kín gọn gàng trong những chiếc áo mưa màu sậm, ánh đèn vàng hắt ra ngoài từ những hàng quán hai bên đường nghe ấm áp như mời mọc những hàng cây trụi lá hai bên đường dửng dưng chẳng thèm nhìn tôi, hàng cột đèn cũng vậy rất kém vui gục đầu tránh những cơn gió bất lịch sự chẳng coi ai ra thể thống gì.

Mở cửa bước vào, quán ấm quá thảo nào đầy những người là người, nhìn lướt qua một vòng, hầu hết toàn là dân Executive thường tới đây ngồi đồng sau giờ làm việc hoặc để hẹn hò, mùi café thơm phức lẫn với mùi bánh nướng từ phía trong quầy hàng vương vãi ra tận ngoài đưỡng làm cho cơn đói bị đánh thức như bọn du kích Arab xông lên tấn công tôi, nó đang bò lan ra cả ngoài da tay làm ngứa ngáy không chịu được. Ai đó nhỉ mà lại kiếm đúng cái giờ này mà mời thì cứ là tốn khối tiền chứ chẳng chơi. Phiá cuối phòng thấy hai ông bà tay chống cằm như đang đợi chờ ai, tôi tiến về phía đó, hai người không nhận ra mặc dù tôi đã đến rất gần:

-Ông bà tới lâu chưa ? Xin lỗi, tôi hơi trễ

-Ông đâu có trễ, còn sớm mà, phải ông từ thánh đường tới đây ? Ông bà ném qua tôi cái nhìn rất thân mật làm ngạc nhiên sao ông đoán ra điều này làm như ông bà nhận ra tôi ở trong nhà thờ.

-Chúng tôi cũng vừa mới tới thôi, ngồi đi, đã gọi café lẫn cả bánh mặn ăn sáng cho ông rồi. Lại thêm lần nữa làm tôi ngạc nhiên về thái độ nồng ấm của họ vừa chuyển qua tôi một lò than hồng mà tôi đang cần sưởi ấm trong mùa đông này, họa may ông bà là hai người duy nhất còn sót lại trên hành tinh. Đã từ lâu tôi phải chen chúc qua những dòng đời chật hẹp những con tim càng ngày càng nhỏ lại không còn chỗ dành cho những nụ cười hoặc ánh mắt ngây dại trẻ thơ. Tôi đón lấy cái khay do cô gái hầu bàn mang đến, cô ta đi đứng như một điệu nhẩy làm cái đuôi ngựa vàng óng cũng lắc đồng điệu theo bước chân, nàng đeo cái apron trắng cài đầy hoa đỏ ném cái nhìn đầy dấu hỏi lên ba người chúng tôi có lẽ do bởi cái order mà bà đã đặt, không riêng gì cô ta cả tôi nữa vì những món bà order đủ cho năm người, trong lúc bà nhỏ thó như một người mẫu. Tôi đặt hai ly café giống nhau trước mặt hai người còn ly kia khác kiểu tôi hiểu là ông bà có ý dành cho tôi, trong lúc ông cẩn thận gắp một viên đường hình khối vuông bỏ vào ly cho bà và dùng thìa quậy lên, viên đường tráng muốt ngọt ngào như người vợ kề bên và bà cũng làm như vậy cho ông, trong lúc ông bắt đầu gợi chuyện với tôi, hỏi về công việc hằng ngày của tôi trong bịnh viện. Người đàn ông này biết nhiều về tôi hơn là tôi nghĩ, còn tôi mù tịt về họ, não bộ tôi như suơng khói, tôi cố đào bới những hình ảnh chất chồng trong đống kho liệu để tìm ra một bóng hình tương tự để gán cho họ rằng tôi đã có lần hân hạnh va vào họ ở đâu đó trên mặt hành tinh, dẫu sao tôi cũng cảm thấy cái gì đó ngồ ngộ nhưng bình an hơn là ngồi chung với những người khác, cả ba chúng tôi cùng mời nhau và hân hạnh được gặp nhau trong một bối cảnh ấm áp và tình nghĩa. Hai người đàn ông chúng tôi ngồi gần nhau hơn, áo sơ mi cũng như áo choàng ngoài dành cho lớp xã hội trưởng giả thuộc tây Âu, ông cao lớn có làn da bánh mật, tóc mầu xám tro quăn tự nhiên rất hợp với khuôn mặt sáng sủa đức độ và đàng hoàng, môi dầy vừa phải lúc nào cũng như sẵn sàng biếu không những nụ cười, đôi bàn tay to với những ngón tay nặng và thô thiển, móng tay bị mẻ sứt nhiều chỗ như suốt đời làm lụng công việc nặng nhọc, nhưng toàn thân lại toát ra một phong độ rất thanh nhã và lịch thiệp làm tôi bị thu hút như nam châm và cảm mến như chưa từng gặp được ai trong đời như vậy, ông vừa chiêu một ngụm café nóng vừa săn sóc cho bà từng miếng ăn đặt vào dĩa thật là chu đáo, mỗi lần được chồng săn sóc bà không quên cám ơn, bà da trắng hơn gầy và cao ráo mềm mại như thiên nga gương mặt tươi vui như chưa từng nếm trải những vất vả khổ đau, nếu vào tuổi mới cưới nhau thì nhan sắc của bà phải đáng gọi là tác phẩm mỹ miều của tạo hoá, bà ăn vận toàn đồ mùa thu đủ nhẹ nhàng nhưng cũng đủ ấm áp dù đã ngoài sáu mươi nhưng những nét đẹp giai nhân ngày xưa vẫn còn tồn tại nơi ánh mắt trong sáng và sâu thăm thẳm chôn dấu không biết bao nhiêu là gian nan thống khổ và bể dâu nhưng cũng không thiếu những thành công yêu đương đắm đuối trong đời, ít nói nhưng không tiếc để rơi những nụ cười trên làn môi mầu phượng xinh như mộng, thơm ngọt như đường thốt nốt. Đó là đôi môi thỏa mãn những nụ hôn. Cả hai đều làm cho người đối diện một nhận xét tươi đẹp về họ mang trong người hai trái tim tha thiết với đời hài hoà trong cuộc sống dù sóng gió hay nổi trôi trong lòng thuyền của đời họ vẫn chật chội những tiếng cười.

Bà nhấp ngụm café nóng rồi quay qua ông cười vẻ bí mật:

“ Hình anh trong ly café chiều nay trẻ đẹp như hồi anh ở thế kỷ thứ 18, anh còn nhớ chứ ?”

Ông cũng hóm hỉnh không kém trêu lại bà:

“ Còn em hiện ra nguyên hình nữ hoàng Elizabeth I sống cùng thời với em thế kỷ thứ 15, khuôn trăng đầy đặn, nét ngài nở nang” . Rồi nhìn bà cười tủm tỉm. Không khí trong bàn hạo hực như đôi vợ chồng đang trong thời kỳ hồi xuân.

Bà ngồi sát bên tường treo toàn tranh của Vincent Van Gogh, hai chúng tôi bên này đối diện với bức tranh mang tên The Beginning. thấy ông cũng chăm chú vào bức tranh, tôi lên tiếng:

“ Bức tranh tuyệt đẹp phải không ông, nhưng nội dung của nó tại sao lại là beginning mà không là một cái gì khác ?”

Ông nhìn vào tôi với đôi mắt nâu sáng đầy nghị lực nó đủ để xẻ phiến đá ra làm hai hoặc chẻ cọng tóc ra làm tư mà không cần đến máy móc, vì có lẽ trong đời chỉ có người hiếm hoi như ông mới biết tận dụng sức mạnh có sẵn trong thiên nhiên như sức gió, sức nóng của mặt trời sức mạnh của trùng khơi để tạo ra nội lực cho chính mình, giống như than đá đã tạo ra nội lực kéo được chiếc xe lửa nặng hằng triệu tấn đi theo nó, như dò xét như đã đọc được điều gì trong mắt tôi:

“ Tôi hiểu thâm ý câu hỏi của ông, ông có thể gọi tên nó là The Ending, không có gì sai cả, tôi đồng ý, nhưng cuối của mỗi ending chẳng phải là để bắt đầu cho một new beginning sao ông, giống như bánh xe quay tròn để dẫn ông vào tương lai, chúng ta cả ông và tôi đều nhận ra vòng quay nào cũng đều là beginning và đó là mục đích của người tạo ra nó là như vậy”.

“ Vâng, ông có lý, vậy ông có đồng ý với tác giả về ý nghĩa của bức tranh này không và tại sao ?”

Lại một lần nữa ông nhìn tôi, lần này ông ngó tôi lâu hơn:

“ Câu hỏi này dẫn ông và tôi quay về cái thời xa xưa đó, ông cần phải đặt mình vào cái thì hoang sơ đó mới hiểu được. Đó là lúc bắt đầu cho một new beginning, khi hai nhân vật đầu tiên hiện diện trong vũ trụ này bị đuổi ra khỏi vườn địa đàng vì tội bất phục tùng, nét mặt họ không buồn rầu như ông thấy đó, chỉ duy có phảng phất trong ánh mắt đôi nét ngỡ ngàng mà thôi, nhưng ngược lại hai người ra đi dáng điệu rất khoan thai tay trong tay nhìn nhau âu yếm ra khỏi vườn điạ đàng họ không ngoái lại tỏ ý luyến tiếc. Chính người đàn ông biết người vợ mình trốn ra chỗ cây Yavê đã cấm và chiều theo cơn cám dỗ, khi chàng tới nơi thì nàng đã hái ăn rồi. Một sự dằng co, một trận chiến hung hãn bắt đầu đặt ra cho người chồng khiến ông tiến thoái lưỡng nan vì ông muốn trung thành với Yavê Thiên Chúa như lời Người đã dạy, ngày nào ngươi đụng tới nó ngươi sẽ phải chết. Lời Ngài đã trở nên luật thành văn. Đàng khác ông lại rất yêu vợ, vì sau nhiều trăm năm sống co ro một mình, ông thất bại đi tìm cho mình một đối tác tương xứng, khi Yavê Thiên Chúa hiểu lòng ông, thấy ông ngày đêm rầu rã kém vui nên đã mượn tạm cái xương sườn của ông và Ngài đã đắp thịt vào dẫn nàng đến cho ông for free ! Mắt ông rạng ngời, tim ông nhẩy nhót lỗi nhịp. Một niềm vui. Lần đầu tiên ông biết thế nào là niềm vui, từ đó hai người yêu nhau như đôi bồ câu và ông đặt tên cho nàng là Eve - con bồ câu nhỏ bé của anh- Ông dành cho vợ những phần ăn ngon nhất không bao giờ để cho vợ phải vất vả chiều chuộng khi ngủ cho nàng gối đầu tay, hằng ngày ông tạo cho vợ nhiều niềm vui. Lần kia, bà nhìn lên mặt trăng hình bán nguyệt thấy mặt trăng rầu rĩ, bà hỏi chồng: “ Anh à, đêm nay sao mặt trăng lại kém vui anh nhỉ”. Thấy thế, ông trả lời: “ Mặt trăng vui sao được khi nó thiếu mất nửa kia, người ta cũng vậy chỉ vui khi có đôi, như trước đây anh chưa có em và nếu sau này không còn em vì bất cứ lý do gì, nhìn anh cũng buồn như ánh trăng đêm nay, và đó là mầu nhiệm của riết lý: Hai-Đã -Trở -Nên Một”.

Ngừng một lát, sau ngụm café ông tiếp:

“ Chính vì người chồng yêu quý triết lý bất khả phân ly của Yavê một khi hai người đã trở nên một thân xác và được Yavê chúc lành, bài toán cộng trừ của Yavê như ngọn đèn vừa được thắp sáng trưng lên trong não bộ của người chồng 1-1=0, cả hai mảnh đời đang bên nhau sẽ trở nên vô nghĩa khi cả hai một đi một ở lại, họ trở thành số không, chi bằng ông chọn bài toán cộng 1+1= 1. (cả hai vẫn trở nên một như thiên ý của Ngài đã tác hợp vợ chồng để họ bên nhau tạo hạnh phúc cho nhau ) nên ông quyết định ăn trái cây ấy sau hàng trăm năm đắn đo để dẫn đến đáp số sau cùng mà bà vợ trao cho ông để được gánh chịu cùng một hậu quả chung với vợ, chung một kiếp lưu đày, giả sử như đó là hình phạt dành cho kẻ bất trung. Nhưng tôi muốn làm sáng tỏ với ông một điểm, khác với đàn bà thời nay, ngày đó người đàn bà chỉ sa ngã sau nhiều cơn cám dỗ, còn bây giờ ma quỷ chưa kịp cám dỗ, người đàn bà đã sa ngã rồi”.

Ông vẫn không rời ánh mắt trên tôi và đọc được vài áng mây không hẳn là mây trắng lang thang nhưng là một áng mây vẩn đục, nhưng ông không nói gì. Trong lúc đó đôi mắt bà long lanh rộn rã như sao trời hài lòng với chồng( tôi đoán như vậy). Bên ngoài mưa vẫn rơi tầm tã, những hạt mưa ném vung vãi lên cửa sổ như nghững giọt nước mắt của người thiếu phụ trong cơn hờn dỗi. Tiếng bánh xe ướt nhẹp hối hả bỏ lại phía sau những luồng khói đen mệt mỏi như muốn chạy trốn cơn mưa. Thảng ba đang tìm về. Từ chỗ tôi ngồi nhìn qua khung cửa sổ hẹp ngã tư đèn vàng luân phiên chớp tắt, như dòng đời luôn vội vã, người ta chia tay nhau ở ngã tư đường, trao nhau những nụ hôn ướt át vội vàng dưới mưa, dù ngồi trong này, tôi cũng cảm thấy tâm hồn tôi không được khô ráo, tiệm café mỗi lúc một đông hơn, mỗi người là một ốc đảo, những giọt café đen sánh mang lại cho họ những dòng tâm sự khác nhau, họ lấy vị đắng trong ly để làm dịu bớt vị đắng trong lòng. Ánh mắt tôi đang quét nhanh trên một bức tranh khác có tên là: E minor, tôi không giỏi về âm nhạc, nhưng cũng biết nhận ra một bài ca viết dưới E minor chord thường diễn tả tâm sự buồn. Tác giả đã đặt hai nhân vật trong một khung trời mùa thu toàn thể là mầu vàng úa của lá của cây thậm chí vầng trăng thượng tuấn và mây trời cũng vàng úa như lá vàng nâu héo hắt dưới chân nàng đủ che đi một vạt áo, nhưng tôi tự hỏi bao nhiêu lá thu đủ để che lấp được nỗi buồn trên gương mặt nàng. Bỗng ông cắt ngang dòng tư tưởng của tôi:

“Ông thấy người đàn bà trong tranh đang đàn một khúc nhạc buồn vì khuôn mặt nàng đang thú nhận điều ấy, trong lúc ông chồng trong lòng đầy tư lự chìm đắm trên những ngón tay ngà của vợ đang thả hồn vào cây đàn Harp, họ chính là Adam và Eve ngồi dưới vành trăng thượng tuần, trong một chiều thu lá vàng u uất rơi xung quanh họ. Với nàng, thân đàn chính là người chồng, còn nàng là những sợi dây tơ, sợi dây tơ chỉ làm nên cung bậc khi chúng được căng ra trên cơ thể của người kia. Mỗi phiến lá xung quanh nàng mang một tâm sự, lá còn đeo đẳng trên cành cũng chứa một tâm sự riêng, mỗi ngón tay nàng cũng vậy có những ngón muốn khơi lại những kỷ niệm trong mùa thu xa xưa có ngón tay chỉ là để sưởi ấm cho lòng thu bớt điêu tàn. Ông thấy đó khi cung đàn vừa cất lên đã làm cho sắc mầu bỡ ngỡ, thời gian như ngừng trôi khiến những lá thu năm cũ giật mình thức dậy làm xôn xao những kỷ niệm đã bị chôn vùi theo thời gian. Giả như đôi mắt nàng để rơi đôi dòng lệ thì tiếng gọi của mùa thu sẽ thêm thống thiết biết bao. Điều mà Vincent Van Gogh muốn diễn tả trên tác phẩm này là họ đang dệt nỗi buồn trên tấm thảm hạnh phúc của đời mình, đang muốn đồng hoá mình tháp nhập mình vào với nỗi buồn của thiên nhiên nghiã là họ là một phần của thiên nhiên của rừng rú, núi non sông biển, giữa họ và thiên nhiên vũ trụ không có ranh giới”.

Sự hiểu biết và thông thái của ông làm tôi kinh ngạc và đầy kính phục, ông từ đâu tới và gót chân đã lưu dấu ở những nơi đâu trên tinh cầu này sự khôn ngoan hiểu biết của ông là do học hỏi hay thiên bẩm, dòng sông Nile (Nyabarongo ) dài 7088 Km liệu có đủ chỗ để chứa hết kho tàng mà ông đang thủ đắc hay không ?

Sau ngụm café nóng, tôi nhận ra dáng điệu bà nôn nao như muốn góp chuyện với hai người đàn ông chúng tôi. Bà từ nãy giờ đang đợi cho dòng tư tưởng của ông vừa đủ cạn trong lúc bà đang xoáy mắt nhìn qua tác phẩm thứ ba có lẽ đang làm bà say sưa, nó có tên G major. Nếu tác phẩm vừa rồi mang tên E minor gói ghém cả một mùa thu tràn trề trên khung vải và vương vãi trong mắt môi nàng thì bức lớn kia G major hẳn mang một tâm sự khác tác gỉa đặt nó trong một bầu trời có nắng lụa gió mềm bố cục cũng như triết lý ẩn chứa bên trong tôi không dám nói vì tôi không biết nhiều. Mắt tôi dõi theo ngón tay chỉ của bà, đó là một họa phẩm khổ lớn thuộc loại Mural painting được trang trọng treo cao hơn chiếm một chỗ quan trọng nhất mà ai đi ngang qua đều không thể bỏ qua. Cả ông và tôi ngó nhau trao nhau một tín hiệu về cơ hội lên tiếng của bà:

“Hai ông xem ra cùng cường độ đam mê về nghệ thuật. Tuy nhiên bức họa lớn nhất kia lại là kiệt tác của Van Gogh vào cuối đời ông, và chỉ để lại ba tác phẩm về đề tài này mà may mắn nhà hàng này có cả ba, tôi rất tiếc trước khi ra đi, ông đã không kịp hoàn thành giấc mơ trọn vẹn của ông dành cho đề tài này, nên hậu thế không biết thêm gì về đời sống tinh thần cũng như vật chất của Adam và Eve, và nhất là mối tương quan giữa con người với Thượng Đế trước sau vẫn nguyên vẹn, người đời chỉ dựa trên lăng kính hạn hẹp của vài trang Bible đơn sơ trong sách cưụ ước mà ước đoán về thân phận lưu đày của họ qua sự hiểu biết nông cạn làm mất đi cái nhìn trung thực như thế nào là lòng thương xót của Yavê. Đây không phải là một cuộc lưu đày theo nghĩa chua chát tầm thường của chữ nghĩa thế gian mà chính là con người không đủ chữ nghiã để diễn tả lòng thương xót của Ngài đối với hai người trong suốt hàng bao thế kỷ. Nhưng có thể nhà danh họa này đã biết ngày ra đi của mình đã gần nên khi thực hiện tác phẩm sau cùng này ông đã cố gắng gởi gắm tâm sự qua nhiều mầu sắc thay lời và nét cọ khi mềm mại lúc hạo hực để nói với hậu thế càng nhiều. Nội dung tác phẩm không có gì là bề thế khó hiểu cả đó chỉ vỏn vẹn hình bóng một gia đình hạnh phúc ở giữa cảnh thiên nhiên sau mùa gặt, một ngày Thanksgiving với những của lễ hoàn hảo nhất qua sự chúc lành của Yavê làm của lễ toàn thiêu trên cánh đồng khô cạn giữa một thảo nguyên bát ngát hương trời, xa xa là những vườn nho sai trái còn xanh, những đàn súc vật thảnh thơi gặm cỏ, mặt trời cũng như đang ngó xuống chung một niềm vui, cái điểm làm cho tác phẩm trở thành master piece chính là mầu sắc ở mỗi vị trí diễn tả một tâm tình, ánh sáng và bóng tối mà tác giả diễn tả chính là color value exel, che dấu nửa kín nửa hở những dâu bể những băn khoăn, những phong ba bão nổi,những bài học đắt giá nhằm chế ngự thiên nhiên trong đời, trước khi nhìn thấy mặt trời tươi cười buổi sáng và hoàng hôn nhung nhớ ban chiều, nhưng toàn thể tác phẩm bố cục thật chặt chẽ hài hoà một bài hùng ca sau những thử thách gian nan. Hôm nay dẫu cho tuyết sương vẫn ngập tràn mỗi độ đông về, gió vẫn thổi hoa vẫn rơi, trùng khơi vẫn vật vã, gầm gừ như không biết mệt, rừng thiêng vẫn ngậm miệng giữ kín những điều bí hiểm cố hữu của nó, hoả diệm sơn vẫn phun trào những đe dọa ngày đêm, nhưng không vì thế mà họ thiếu hạnh phúc, ngược lại họ xem đó là điều chúc lành của Yavê, vì Ngài đang không ngừng cải thiện bộ mặt của hành tinh trở nên mầu mỡ tốt tươi hơn tạo cho họ sống dồi dào viên mãn hơn. Không có gì đáng gọi là tai ương hoặc thiên tai vì những công việc của Yavê làm nhưng con người hôm nay sống trong ích kỷ và hẹp hòi đã bóp méo khuôn mặt của Ngài đó thôi.”

Hai gò má trên khuôn mặt nữ lưu của bà rạng ngời trong lúc trình bày đã nói thay cho Van Gogh và chắc là từ thế giới vô hình bên kia nhà danh hoạ đã hài lòng phần nào vì một người đàn bà ở thế giới hữu hình đang tiếp tục cái công việc của ông vẽ lên những bức chân dung cùng một đề tài. Chúng tôi như quên mất thời gian đang qua mau. Cơn mưa đã lặng hạt từ hồi nào, trời đã quang vài cánh chim đang rúi rít đi tìm nhau. Café hôm nay quá đậm đà tôi đọc được sự hài lòng của ông bà trên những nụ cười. Nét đẹp nữ lưu làm ông nhớ ra điều gì đáng nói với tôi:

“ Bánh xe thời gian thường khi lăn qua đời người thường để lại những vết bạo hành trên khuôn mặt mỗi người, điều này trớ trêu như một định luật làm tàn phai nhan sắc do những vết chân chim len lén cào lên khuôn mặt làm người ta già đi, đã bao thế hệ đã qua đi có khi nào con người gióng lên câu hỏi: có thật đó là định luật không hay bởi một nhân tố nào khác?

Chúng tôi không nghĩ nó là một định luật của thiên nhiên, người ta không phải là cây cối bén rễ sâu vào lòng đất lớn lên do thời tiết đổi thay bốn mùa chịu áp lực bởi thiên nhiên mưa nắng. Con người sống còn là nhờ một nhân tố khác, trí khôn, sự thông thái biết dùng những sức mạnh của thiên nhiên sẵn có để tạo cho mình một nội lực, cục than đá vứt ra đường chẳng ai thèm lượm vậy mà nó có sức mạnh làm quay chân vịt đẩy chiếc tàu nặng hằng ngàn tấn. Hai luồng điện làm nên tiếng sét đủ chẻ cây cổ thụ ra làm đôi, chiếc gương cầu hình thù thô thiển vậy mà đủ nhiệt lượng đốt cháy thành phố New York ra tro. Sức gió làm căng buồm kéo theo nó chiếc tầu Viking. Ngọn thác đủ sức để làm quay nhiều turbine phát điện hằng triệu kilowatt. Sức nóng của mặt trời là một bằng chứng. Nội lực dù rất nhỏ trong một tạo vật cũng đủ giúp cho nó bung ra sức sống, bông hoa sen tự nó chui ra khỏi lớp bùn hôi tanh trồi lên khỏi mặt nước để sau cùng toả ra mùi hương thơm thơ ngào ngạt giữa những cánh hoa tươi hồng.”

Rồi ông chiêu một ngụm café nóng, chỉ vào bà vợ: “ Nhờ nội lực mà nàng giữ được sức khỏe và nhan sắc rất lâu bền bánh xe vẫn lăn đều theo chiều kim đồng hồ, nhưng không hề lưu lại những vết bạo hành, dường như thời gian trôi rất chậm trong đời sống của nàng và tôi. Nhờ có nội lực chúng tôi quân binh được đời sống nội tâm, luôn vui tươi, không có gì làm tắt được ngọn lửa yêu thương trong lòng nhau, bánh xe có thể lăn qua những miền trù phú no nê, nhưng cũng nhiêu khi lăn vào khu vực mất mùa đói kém, nghịch cảnh hoặc đói rách không phải là hình phạt chỉ là giai đoạn sau cơn giông trời lại sáng bởi tình xót thương của Yavê thì tồn tại đến muôn đời. Nơi đây là lục địa rất trù phú, may mắn cho ông và dân tộc của ông”.

Ông kết luận bằng câu nói xác định ông không thuộc về lục địa này hoặc cũng có nghiã là tất cả hành tinh này đều thuộc về ông làm tôi đi từ ngạc nhiên này qua ngạc nhiên khác, ngày đời của tôi không mấy khác lời ông nói bánh xe của đời tôi thường lăn qua những con đường không mấy phẳng phiu vì phần đông tôi phải luồn lách qua những khung cửa hẹp, hẹp và lồi lõm như lòng người đầy những xu nịnh và dối trá cho tới bữa nay bánh xe dừng lại nơi quán café này được chung bàn với cặp vợ chồng hào sảng với tâm hồn rộng rãi bình yên như lòng sông cái mà dòng chẩy chở chuyên những phù sa đặc quánh những triết lý nhân bản mang lại mầu mỡ cho cõi lòng đã xơ cứng niềm tin nơi cộng đồng nhân loại của mình.

Ánh mắt của hai ông bà vừa chạm nhau sau khi tôi ngỏ những lời cảm ơn, đã để rớt cái message lộ ra ngoài:

“Ông đã làm cho chúng tôi có cảm tình với thành phố này qua lối tiếp khách lạ thân mật và đầy cảm tính, thật là một buổi gặp gỡ hào hứng, đêm nay chúng tôi rời chốn này không rõ bao giờ chúng ta mới gặp lại, tới nơi đâu chúng tôi cũng ghé vào thăm một đại thánh đường và luôn ước ao được gặp gỡ và cùng mâm với một người địa phương giầu tình cảm, chân thành như ông. Ông là vị thầy thuốc tài giỏi và giầu lương tâm chúng tôi sẽ lưu trữ hình ảnh ông và giây phút đáng nhớ này mãi mãi.”

Trời chiều nay đã khô ráo những cơn gió từ phía biển vẫn hắt vô những con phố chênh vênh hong cho hè phố có vẻ mặt khô ráo hơn, tôi tiễn hai ông bà một đoạn đường. Sau lúc chia tay, bà còn tặng thêm tôi nụ cười rất ấm nở trên đôi môi rất son trẻ như cặp môi của một cô gái xuân thì, tôi đứng lặng quên cả gió lạnh nhìn hai người sánh vai tay trong tay bên nhau đi về phía con đường có nhiều hotel làm tôi đồng hoá họ ngay với Adam và Eve trong tác phẩm The Beginning.

Một sự trùng hợp đến lạ lùng, nếu đây không phải là mơ, thì tại sao người được chọn chiều nay lại là tôi tại đúng quán café với những bức danh hoạ Adam và Eve?

Câu trả lời nếu có, chỉ duy một mình tôi biết.

Ông bà tuy không giới thiệu tên với tôi, nhưng tôi đã rõ họ là ai, cho tới khi viết bài này, lòng tôi vẫn còn ngập tràn tư lự về thái độ chọn lựa của người chồng như ông trước nhan Yavê. Trong mắt tôi giờ đây đã ngập tràn mây trắng lang thang hay chưa ?

Vừa bước vào tới trong cửa, cô nhà tôi đã hỏi dồn: “ Anh đi uống café với ai lâu vậy ?”.

Tôi đưa nàng vào một hoàn cảnh khó tin: “Đi với ông Adam”. Nàng chẳng tỏ thái độ gì nghi ngờ dù bên ngoài trời vẫn u ám, nhưng tôi lại thấy ánh mắt của nàng chiều nay nhiều nội lực có lẫn tiếng hót của loài chim corella gọi mùa xuân trở về giữa lòng tháng Chạp.

(Tháng 3-2021)




VVM.08.9.2021

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
vietvanmoinewvietart007@gmail.com