Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      

LITTLE SAIGON -
THĂM MỘT LẦN CHO BIẾT



M ột lần đi vạn lần khó,đến Hoa Kỳ mà không ghé thăm Little Saigon(tiểu bang Cali),dường như có điều gì thiếu ...thiếu - nghĩ vậy nên khi đặt chân đến Seattle được mấy hôm gia đình lên tour thăm Orange county tôi đồng ý ngay dù cái đầu vẫn còn bần thần trạng thái lệch múi giờ.

Thập niên 80,90 sau 75 của thế kỷ trước,các bạn biết rồi đó đời sống trong nước cực kỳ khốn đốn,mạng truyền thông toàn cầu chưa có.Không gian bên trong đóng khép.Thế giới bên ngoài mù mịt.Cuộc “xuất biên” hỗn loạn - “cũng liều nhắm mắt đưa chân/thử xem con tạo xoay vần đến đâu”.Và,mãi cho đến bây giờ nghĩ lại thật không thể hình dung nổi lịch sử nghiệt ngã đã dồn chúng ta vào thế trận liều lĩnh ném mình vào ngàn khơi.Để rồi cách một đại dương -“đứng bên này nhìn bên kia trào nước mắt !”(ca từ bài hát hải ngoại).

Không biết tâm trạng dân tình thời Nam/Bắc triều(1533–1593) ,Trịnh/Nguyễn phân tranh(1627 -1672) ra sao? - chứ từ thuở trời đất nổi cơn gió bụi (1975),đồng bào - cả Nam lẫn Bắc mỗi miền một kiểu tâm trạng - mắc kẹt giữa trạng thái ngặt nghèo của lịch sử dân tộc - điều mà cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt gọi là :“một triệu người vui” chồng khít lên “một triệu người buồn” ! Riêng ở Miền Nam, những ai có mặt thời kỳ đó đều rơi vào trạng huống bi kịch – chẳng biết cắt nghĩa sao,ngước mặt nhìn ông Xanh gào to - một câu hỏi lớn không lời đáp ! – “Trời”buộc chúng ta phải nốc cho bằng hết chén thuốc đắng - không được phép nhổ ra.Giờ đây,thế cuộc đã trôi qua 45 năm! Tôi đoán chừng có lẽ dãy “Pyrénées”(*)nằm vắt qua cổng thương xá Phước Lộc Thọ khu Little Saigon,cũng dần tan băng !? Những nghĩ suy“cực đoan”đến từ trong hay ngoài nước theo quy luật “dâu bể” - thời gian ra sức mài mòn,có lẽ ít nhiều đã“hạ nhiệt” - để chỉ còn là tình tự dân tộc - chung cội - chung nguồn.Do vậy được đến đây từ “nghìn trùng xa cách” gặp lại đồng bào,đồng chủng tha hương “ngàn dặm”,với riêng tôi - thật mầu nhiệm hạnh phúc và vô cùng ý nghĩa.

Sau hành trình hai tiếng rưỡi bay từ Seattle đáp xuống Los Angeles,cộng thêm một đoạn ô tô 46Km,tôi về đến khách sạn Residence inn Anaheim – trên đường Harbor,Boulevar- Garden Grove,California,đúng ngày lễ Độc lập Hoa Kỳ (4/7/2019).

Cảm giác đầu tiên,tôi không mấy bỡ ngỡ với hệ thống cầu đường bên này khi quê nhà VN dăm bảy năm trở lại đây cũng đã xuất hiện cao tốc,hầm chui,cầu cạn,cầu vượt,cầu dây văng…Điều đáng chú ý là giao thông ở đây rất văn minh trật tự - vi vu trên đường toàn ôtô tốc độ >100Km/h,thận trọng khi vào ra cao tốc - nhường nhau khi đến giao lộ chờ đèn rẽ trái – ưu tiên cho xe đưa rước học sinh,người đi bộ qua đường – đặc biệt không thấy bóng dáng cảnh sát chốt chận kiểm tra - (có lẽ vì vậy cũng giảm được nạn “làm luật”, tiêu cực vặt !) – xe máy 2 bánh tuyệt nhiên không thấy,do vậy cũng tránh luôn cảnh ùn tắc,ô nhiễm khói bụi,giảm tai nạn giao thông lắc nhắc như ở VN.

Nhà phố ở đây phần lớn xây dựng mái thấp,đầy đủ tiện nghi,cách xa mép đường khiến toàn cảnh không gian rộng thênh.Người ta giải thích lý do ít công trình cao tầng là vì Cali nằm trên đường đứt gãy - nơi các mảng kiến tạo gặp nhau mà San Andreas là đường đứt gãy lớn nhất, kéo dài khoảng 1.200km, có nguy cơ xảy ra động đất.

Tìm hiểu được biết Đặc khu Little Saigon(Sài Gòn nhỏ) chính thức làm lễ ra mắt ngày 17/6/1986 - nơi có nhiều người Việt định cư lâu đời,lớn nhất bên ngoài lãnh thổ Việt Nam sau khi Chiến tranh VN kết thúc (30/4/1975).

Westminster cũng như các thành phố gần đó,trước kia là vùng đất trồng trọt lớn.Người Việt đầu tiên đến đây từ trại Pendleton (cách 50 dặm về hướng Nam) và từ các tiểu bang khác như Pennsylvania, Arkansas, Florida…

Năm 1978, đại lộ Bolsa trở thành khu trung tâm của Little Saigon .Nhiều cơ sở thương mại do người Việt lập nên : siêu thị mua sắm,nhà hàng bán các món ăn Việt - Á như cơm tấm, phở, bánh mì, bánh cuốn. Các văn phòng dịch vụ y tế, luật pháp mở ra,tập trung bác sĩ, nha sĩ, luật sư, kế toán phục vụ thân chủ đồng hương.Chợ Hòa Bình,nhà sách Tú Quỳnh,và nhà hàng Thành Mỹ là những bảng hiệu đầu tiên.Cùng năm, Nhật báo Người Việt được phát hành tại thành phố Garden Grove.Cộng đồng người Việt phát triển tràn ra những thành phố lân cận như Garden Grove, Stanton, Fountain Valley, Anaheim và Santa Ana.

Chợ búa thường phản ánh “kinh tế”địa phương, muốn biết đời sống của người Việt xa xứ ra sao hãy đến tham quan các mall,siêu thị.

Thả dạo khu Phước Lộc Thọ,tôi gần như mất hẳn cảm giác “tha hương viễn xứ” khi chung quanh mình toàn là đồng hương,đồng chủng da vàng,dùng chung “ngôn ngữ Việt” – Phải nói rất vui khi trông thần thái bà con mình,phần nhiều ai cũng thể hiện sự sung mãn,xe hơi vào ra Parking nườm nượp.Tất nhiên đâu đó cũng còn vương vãi những mảnh đời bất hạnh - (xem youtube - Clip Phượng Cali,Thúy Nga… phóng sự về người vô gia cư ở Mỹ).

Phước Lộc Thọ - điểm hội tụ thiêng liêng,như thỏi nam châm thu hút người Việt những vùng lân cận về đây cuối tuần,dịp lễ Tết Việt. Họ tụ về đây không chỉ đơn thuần mua sắm,giải trí khuây khỏa mà thâm tâm dường như để tìm bâng quơ đâu đó khúc ruột của chính mình…

Tôi được dịp tham quan phiên chợ đêm nhóm trước sân PLT - một nét sinh hoạt văn hóa tha hương ấm áp.Hòa vào dòng người đi loanh quanh các gian hàng - thấy thương quá mảnh tình quê đau đáu.

Mỗi gian hàng có một thực đơn riêng, ngoài món thịt,hải sản nướng và bánh tráng trộn, các món khác hầu như không trùng lặp bắp xào bơ, chè bưởi, bánh mì nướng muối ớt,các món miền Tây,từ bánh ống lá dứa, bắp nướng,chuối nếp nướng - Có gian hàng giương bảng hiệu“đệ nhất bánh tráng”với gần chục món biến tấu từ bánh tráng, nào là bánh tráng nướng,bánh tráng cuộn sốt me,bánh tráng ngũ vị…

Tha hương ngộ cố tri - nơi đất khách quê người - tôi rất vui được gặp lại bạn già đồng nghiệp trường THPT Gia Định(Tp HCM),và cũng là đồng song Petrus Ký.Chúng tôi kéo nhau ra Coffee Jypsi,thăm hỏi hàn huyên đủ chuyện gần xa.Nói về cuộc sống ở Mỹ bạn cho biết sống bên này cũng gian truân lắm,buộc phải ra sức cày bừa,không làm thì lấy tiền đâu mà lo hàng loạt chi phí, thuê nhà,bill mỗi tháng tới tấp - nghĩa vụ thuế, bảo hiểm các loại... - Có người may mắn thành đạt nhanh chóng ổn định cuộc sống mới,trở thành đại gia,nhưng cũng không ít người trầy trật sấp mày,sấp mặt –ngày hai bữa cơm đèn – ra đi khi trời còn mờ mờ,trở về nhà lúc màn đêm buông xuống. Họ không nề hà bất cứ công việc gì miễn có tiền: đầu bếp,thợ hồ, thợ may,cắt tóc,làm nail,rửa xe,tạp vụ bệnh viện,trường học,bưng bê hầu bàn trong các tiệm ăn,nhà hàng… Cuộc sống không ngừng diễn ra - lực tàn theo tuổi tác chồng chất - mọi ước mơ ngoài tầm với, tương lai khép lại – “thế hệ F0” cuối cùng đành thôi mang xuống tuyền đài - hơn 45 năm rồi còn mong gì nữa !

Đứng tần ngần giữa phố Bolsa,trong tôi bừa bộn những ý nghĩ chồng lấn lên nhau…Thương lắm những số phận làm thân lưu vong bất đắc dĩ - tôi thấm thía lời nhà thơ người Ý Dante Alighieri (1265-1321) : “Ôi,miếng cơm ăn nhờ nuốt vào nghe cay đắng – ngưỡng cửa nhà người bước qua sao quá cao !”

Cuộc sống vẫn không ngừng vận động – tôi cầu mong mọi sự an lành,hạnh phúc tốt đẹp cho những cảnh đời còn khốn khó nơi xứ lạ quê người.Câu chuyện lịch sử nói mãi,nói nhiều rồi. Nó là như thế đó. Dù muốn hay không quá khứ đã khép chặt.Ngẫm lại dưới gầm trời này – trong cõi Ta bà này,chúng ta không hơn con rối cho đời giật dây.Hãy bao dung,buông xả.Thôi thì tùy hoàn cảnh - sống ở đâu,trong hay ngoài,an ổn là tốt rồi.Quê hương mình vẫn còn đó,ngày mỗi ngày thanh tân – nhật nhật tân, hựu nhật tân (chữ của cụ Phan Bội Châu) – không ngừng đổi mới phát triển.Chúng ta không thể chối bỏ,né tránh lịch sử - nhưng nếu có phải nhắc lại chuyện cũ thì chẳng qua giống như tác giả Trịnh Niệm(**)trong Hồi ký“Sống và chết ở Thượng Hải”,cũng là để thấy VN mình có một thời như thế .Và,mong sao đời sau đừng lặp lại.Mọi ý kiến,hành động tích cực hướng về đất nước giờ đây cũng không nằm ngoài tác động như thanh gỗ chặn không cho bánh xe lịch sử thụt lùi,luôn giữ trớn lăn về phía trước : Hùng mạnh – Thanh bình – Thịnh vượng !

Chào Little Saigon – khúc ruột ngàn dặm.

Khép lại bài viết này,trời đất cũng vừa vặn sang xuân – “Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận/Đình tiền tạc dạ nhất chi mai” (Đừng tưởng xuân tàn hoa rụng hết / Đêm qua sân trước một nhành mai ) - (Cáo tật thị chúng - thiền sư Mãn Giác (1052–1096) - Ngô Tất Tố dịch)

(Viết từ Tp mới Thủ Đức,22/01/2021)

(*)"Chân lý bên này rặng núi Pyrénées, bên kia rặng là sai lầm"(Vérité en deçà des Pyrénées, erreur au-delà) - Blaise Pascal (1623-1662) (**) Trịnh Niệm tên thật Du Niệm Viên sinh năm 1915.Bà bị đày đọa bảy năm trời thời kỳ Cách mạng văn hóa,đến1973 mới được trả tự do.Tháng 9-1980 rời Trung Quốc sang Ottawa(Canada) - Ba năm sau định cư tại Washington (Hoa Kỳ).Hồi ký “Sống và chết ở Thượng Hải” nguyên tác tiếng Anh “Life and Death in Shanghai” do NXB Penguin Books ấn hành 1987.Bản dịch của Đặng Thiền Mẫn – NXB Tác phẩm mới - Tp HCM, 1989.Trịnh Niệm đã viết với giọng văn đượm nỗi u uất không sao rũ được.Bà không hề oán trách những kẻ đã gieo tai họa lên gia đình bà,lên bè bạn bà - tầng lớp trí thức rất đáng kính trọng,mà chỉ thuật cho mọi người biết,ở Trung Quốc - tổ quốc thân yêu của bà,đã có một thời như thế !





VVM.07.9.2021

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
vietvanmoinewvietart007@gmail.com