Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      

MỘT NGÀY CHỦ NHẬT CỦA LIÊN THI



S áng sớm hôm qua, trước khi đi làm, Liên Thi bóc một tờ lịch treo trên vách tường ở phòng khách - thứ bảy, ngày 30 tháng 5. Sáng nay, Liên Thi cảm thấy vui, khi đưa tay nhẹ nhàng bóc tờ lịch của ngày mới: Chủ nhật - mồng một. Thời gian như trôi qua thong dong với nàng, từ ngày gặp Tâm; thời gian không còn là nỗi ám ảnh đau buồn như xưa nữa!

Một ngày đầu tháng, lại là niềm vui của một ngày được nghỉ làm, không đi đến công ty như mọi ngày. Liên Thi liền dự tính chương trình cho một ngày chủ nhật - sẽ hẹn Tâm cùng uống cà phê, sau đó sẽ cùng nhau lên chùa để vấn an Sư ông Giác Tánh đã bệnh hơn tuần nay, mà vì bận đi làm, chưa có dịp lên thăm Sư ông được.

Nàng lấy chiếc điện thoại trong túi xách, vội bấm máy gọi Tâm.

Nàng nghe giọng Tâm từ đầu dây xa xôi:

-Chào em! Chúc em buổi sáng an vui!

-Em chào anh! Sáng nay anh có dự dịnh đi đâu không?

-Anh đang chờ em đây mà!

Liên Thi cười vui vẻ:

-Ô! Vui quá! Anh đi cà phê với em, anh nhé! - nàng dừng một chút như lắng nghe, ở quán “Tre Xanh” như mọi bữa đó. Anh đến đấy trước đi, em sẽ đến liền. Mình uống cà phê một lát rồi sẽ cùng lên chùa “Từ Nhẫn” để vấn an sư ông Giác Tánh đã bệnh hơn tuần nay, anh thấy có đuợc không?

Giọng Tâm hào hứng:

-Được rồi em. Anh sẽ có mặt ở cà phê Tre Xanh mười phút nữa!

-Dạ! Cảm ơn anh, lát nữa mình gặp lại!

Liên Thi tắt máy.

Nàng vội vàng vào phòng lấy hộp trang điểm đến trước gương, thoa một lớp phấn trắng mịn lên má, tô chút son hồng lên môi, rồi đi thay quần áo. Liên Thi vẫn tự “làm đẹp” mình một chút như vậy mỗi khi đi với Tâm. Ngày thường đi làm, nàng không hề dùng đến son phấn, dầu rất nhẹ. Có lúc đang thoa lớp phấn lên đôi má, Liên Thi thoáng có ý nghĩ vui vui: “Từ ngày gặp Tâm - tỉnh yêu đã làm mình trở nên trẻ đẹp hơn!”.

Liên Thi trong chiếc váy dài màu xanh nước biển mới may, đứng ngắm nghía trước gương mỉm cười hài lòng, rồi lấy xách tay mang lên vai bước ra khỏi nhà.



Tâm đến quán, đi thẳng vào phía trong, chọn chiếc bàn gần mái hiên có mấy chùm hoa giấy lòa xòa đỏ hồng, mà hai người thường ngồi như những lần trước. Anh gọi một ly cà phê đen, ngồi dõi mắt ra con đường sỏi dẫn vào quán chờ Liên Thi.

Nhìn thấy Liên Thi vừa bước lên bậc tam cấp vào quán anh vội đứng dậy, bước ra đón.

Anh cầm lấy tay nàng, cùng vào.

Liên Thi hỏi - giọng nhỏ nhẹ:

-Anh đến đã lâu chưa?

-Mới một lát thôi em - Tâm nhìn nàng cười. Em uống gì?

-Cho em một cà phê nhiều sữa.

Anh quay gọi cô phục vụ:

-Cho một cà phê sữa nhiều, cô ơi!

-Dạ! Anh chị chờ một lát.

Tâm nhìn nàng, đôi mắt ánh lên tia lạ lẫm, hài lòng:

-Hôm nay trông em xinh lắm! Gương mặt rất tươi, em ạ!

Nàng thoáng cười - ngượng ngùng:

-Chắc là ngày chủ nhật được nghỉ ngơi, thư giãn, thăm viếng, làm mình tươi tỉnh - nàng liếc nhìn anh, cũng nhờ anh đấy!

-Trước kia, dù khi em vui cười, vẫn phảng phất cái buồn. Gần đây, lúc nào gương mặt em cũng sáng hồng, tươi vui. Có sự thay đổi “mầu nhiệm” đấy em ạ!

-Em cũng không biết nữa, nhưng nghe anh nói vậy, em rất vui và hạnh phúc! Từ thuở nhỏ, ai cũng nói em có khuôn mặt luôn đượm buồn, đấy anh!

-Khuôn mặt em đoan trang, có một chút nghiêm nghị thì đúng hơn. Cái buồn chỉ phảng phất thôi, đó là cái buồn cuốn hút người đối diện chứ không phải buồn bã, buồn thảm đâu em.

Cô phục vụ mang ly cà phê sữa và một tách trà đá ra đặt trên bàn. Tâm lấy muỗng khuấy đều cà phê, rồi bỏ đá vào.

Anh mời nàng:

-Em uống đi! Mời em!

Liên Thi cười khẽ:

-Cảm ơn anh!- nàng mỉm cười, buồn mà cũng nhiều loại thế hở anh? Thôi thì mình không buồn làm chi, cứ vui đón mỗi ngày đến, sống với nó hết lòng, và để nó trôi qua tự nhiên - nàng xoay xoay ly cà phê.

Tâm bỗng cười:

-Đúng rồi. Hãy mỉm cười nói với nỗi buồn: “Buồn ơi! Chào mi!” - ngồi yên nhìn Liên Thi một lúc, Tâm tiếp - anh nhớ hình như một bài hát có tựa như thế!

-Em cũng nhớ mang máng thôi - nàng cười, anh giỏi âm nhạc nhỉ!

-Giỏi gì đâu em. Có lúc anh hát chỉ muốn em vui mỗi ngày thôi. Âm nhạc làm tươi mát đời sống em ạ!

-Cảm ơn anh đã vì em!

Tâm nhìn sâu, thẳng vào mắt nàng, anh thấy long lanh một tình yêu thương dạt dào đang trào dâng. Anh nhớ nghĩ đến tâm trạng của mình từ ngày yêu Liên Thi - dường như ngày nào không nói chuyện với nàng, anh thấy buồn, thấy nhớ, và thấy một ngày trôi qua sao mà dài quá đỗi, dù là chỉ “gặp nhau” qua điện thoại. Vậy mà, mỗi lần gặp lại, anh không thể nói là anh yêu nàng biết ngần nào, mà chỉ nói những chuyện quanh lề đời sống. Nỗi e ngại không dám “chạm” đến cảm xúc riêng trước mặt Liên Thi như một mặc định, đương nhiên vậy! Nhiều lúc, dù có cảm thấy mình thật lạ trước mặt nàng, nhưng vẫn phớt lờ - có lẽ tình yêu chân chính tự nhiên đã làm anh trở nên như vậy?. Phải “sống” với nhau nhiều hơn “nói” chăng?

Theo dự tính từ trước, cà phê xong hai người đèo nhau trên chiếc xe máy lên chùa Từ Nhẫn.

Được ngồi phía sau xe anh, đi cùng với anh, Liên Thi cảm thấy thật an lành, hạnh phúc. Nhìn cánh đồng lúa trải dài xa tít hai bên đường, nàng thấy lòng phơi phới, bình yên. Liên Thi nghĩ, mình thật may mắn được gặp anh - một tình yêu thủy chung, trong sáng rất mực, mà mọi người đều mơ ước. Điều may mắn lớn nhất cho đời người, theo nàng - chính là điều ấy! Từ ngày quen biết anh, nàng như một con người mới, sống một cuộc đời mới - không còn buồn lo, nghĩ ngợi, chỉ biết yêu thương và chia sẻ, bằng lòng với những gì mình đang có. Nàng nghe lòng bâng khuâng, cảm nhận cuộc sống này thật tươi đẹp và ý nghĩa biết bao. Tâm hồn nàng như khoảng trời cao xanh lồng lộng gió mát. Bất chợt, đầu nàng ngã vào lưng anh khi qua đoạn khúc cua làm chiếc xe chao đảo; tim nàng đập “thình thịch”, rộn ràng; một cảm giác mới lạ, nồng ấm làm nàng ngây ngất.

-Anh chạy từ từ thôi, qua khúc cua làm người ta muốn ngã nè!

Anh cười, tự nhiên:

-Thì em cứ ngã vào lưng anh, ôm thật chặt vào, không té đâu mà lo. - tiếng anh cười thật thoải mái phía trước, nếu có té, thì hai đứa cùng ngã vào nhau.

Nàng đỏ mặt:

-Kỳ cục hà!

-Kỳ gì mà kỳ! Ôm chặt cho chắc ăn nhé!.

Liên Thi đấm vào lưng anh:

-Cái “ông tướng” này!

Từ xa, đã thấy một ngôi chùa cổ lặng lẽ hiện ra trong khoảng cây xanh nhỏ bé, nằm hiền hòa giữa cánh đồng lúa xanh mát. Tâm chạy xe trên con đường lát sỏi dẫn vào chùa. Dựng chiếc xe phía hông trái ngôi chùa, hai người đi ngang qua vườn hoa để vào chánh điện lạy Phật trước khi lên phòng riêng vấn an Sư Ông.

Trước tượng Phật trang nghiêm, Liên Thi chắp tay thành kính nguyện cầu. Nàng xúc động , nhớ lại ngày nàng đã thọ giới quy y thuở nào. Cũng tại nơi đây, Sư ông Giác Tánh đã làm lễ đặt cho nàng pháp danh Diệu Minh; và từ đó, nàng thường xuyên về đây lạy Phật rồi làm một số việc đã quen tay như tưới cây, quét dọn sân chùa, lau chùi, dọn dẹp. Những ngày nhà chùa có dịp cúng giỗ, tổ chức đón lễ - nàng luôn đến phụ giúp ở nhà bếp cùng với một số Phật tử gần xa của chùa hội tụ về.

Tâm đưa Liên Thi vào thăm Sư ông Giác Tánh đang nằm ở phòng phía sau chánh điện một khoảng trống, mà nhà chùa đã che mái vòm làm nhà ăn mỗi khi có cúng giỗ. Nhìn thấy Sư ông nằm yên tĩnh, hai tay duỗi thẳng trên giường bệnh, người gầy ốm; nàng thấy càng quý kính vị Thầy đã hiến dâng cả cuộc đời cho đạo pháp, dẫn dắt tăng ni, phật tử, trên con đường tu học để đạt được ước nguyện giải thoát cho mình, cho người, sống đời an lạc ở hiện tại và mai sau. Nhớ hôm nào lên chùa, Sư ông khỏe mạnh vui vẻ cười đón anh và nàng, hỏi han biết bao chuyện lớn nhỏ trong cuộc sống, mà nay thiêm thiếp, tiều tụy đến vậy - cuộc đời thật ngắn ngủi, mong manh biết bao!

Liên Thi thường được ăn cơm trưa ở đây mỗi lần về chùa làm công quả, hay những ngày có cúng giỗ. Những bữa cơm chay ấy làm nàng nhớ mãi, tuy thanh đạm, đơn giản, nhưng nàng thấy ăn ngon lạ lùng. Ăn nhiều, không thấy no. Nàng thích nhất là món cháo của chùa, mà dường như ai cũng thích món này chứ không phải riêng nàng; nó vừa béo, vừa thơm, đậm đà khó mà diễn tả. Bên cạnh món cháo “truyền thống”, có muối é, chao đậu, rau dền luộc, ai cũng thường nhắc nhở mỗi khi được ngồi vào bàn ăn. Lần đầu, vừa ăn một muỗng cháo hoa, nàng buột miệng khen, một người bạn đạo ngồi bên cạnh cười đồng tình: “ở đây, món cháo này như là “đặc sản” của chùa vậy, chị à. Lên chùa mà không ăn món này, thì thật uổng”.

Đang nghỉ trưa ở phòng khách, Liên Thi nghe tiếng điện thoại reo lên, nàng vội vàng bắt máy.

-Liên Thi! Cô Thành bị bệnh mười ngày nay. Tụi mình sẽ đi thăm cô vào đầu giờ chiều, bạn có cùng đi được không?

-Cô bệnh gì vậy, Kiều Mi? Có nặng lắm không? Mình sẽ đi cùng với các bạn nhé.

Tiếng Kiều Mi ở đầu dây như vội vã:

-Khoảng hai giờ rưỡi có mặt ở nhà cô Thành nhé! Mình đã hẹn với các bạn rồi. Cô bệnh thế nào mình chưa được rõ, nhưng có lẽ “hơi nặng” đó.

-Ừ! Mình sẽ có mặt đúng giờ. Thương cô quá!

Liên Thi vội vàng chạy qua phòng Tâm đang nghỉ trưa. Nàng gõ cửa:

-Anh Tâm! Anh Tâm!

Tâm đang nằm yên, thiu thiu chưa kịp ngủ. Nghe tiếng Liên Thi gọi, vội dậy mở cửa.

Anh hỏi:

-Gì vậy em? Sao em không nghỉ một lát rồi về cho khỏe?

-Cô Thành - cô giáo ngày trước của em bị bệnh, các bạn rủ em đi thăm cô. Anh có đi cùng tụi em không?

Anh sốt sắng:

-Anh sẽ đưa em đi thăm cô luôn, cô giáo của em cũng là cô giáo của anh mà.

Liên Thi giục:

-Vậy anh dậy rửa mặt rồi lên thưa Sư Ông, quý thầy, mình đi.

Nói xong, nàng quay về phòng.

Nhà cô Thành ở chỗ cũ - một ngôi làng quê, hẻo lánh; phải qua một đoạn đường dài, hai bên là ruộng lúa, cách thị xã hơn mười cây số. Những lần đến thăm cô trước đây, nàng cùng các bạn đi chợ mua cá, rau, lên nấu ăn trưa cùng với cô, để cô bớt hiu quạnh; bởi hai người con của cô đi làm ở Sài Gòn, ít có dịp về thăm mẹ. Sống một mình buồn, lâu lâu có học trò đến thăm, cô mừng lắm. Thấy cô vui, nên nàng thường rủ các bạn đến thăm cô, như một lời tri ân, cô đã từng dạy dỗ.

Xe đã chạy qua cánh đồng lúa, vào làng. Liên Thi nhìn thấy Thục, Kiều Mi, Thân và Hiên chạy xe phía trước.

Nàng giục anh:

-Nhanh lên một chút cho kịp các bạn đi anh!

Tâm cho xe chạy nhanh, đuổi kịp các bạn. Liên Thi nói vói theo các bạn phía trước, giọng lo lắng:

-Còn ai nữa không, Kiều Mi? Cô bệnh sao vậy?

Kiều Mi ngồi phía sau Thân, quay lại:

-Còn mấy bạn nữa, hẹn sẽ gặp ở nhà cô. Cô bệnh gì mình không rõ, nghe nói đau cả tuần nay thôi.

Thục chen vào:

-Nghe nói Quỳnh - con gái cô, về chăm sóc mới vô hôm qua để đi làm rồi. Không biết có ai lo cho cô không nữa?

Liên Thi chép miệng, xót xa:

-Thương cô quá! “Trẻ cậy cha mẹ, già cậy con cháu” mà có mấy ai được như vậy?

Đến nơi. Nhìn ngôi nhà mái ngói phủ rêu nằm giữa khu vườn rộng, chung quanh là bờ rào tre kín mít, trông quạnh hiu khiến ai cũng có cảm giác lo lắng về sự đơn chiếc của cô. Vừa bước vào nhà, cả nhóm đã trông thấy Hiếu - con trai cô, từ nhà dưới bước lên.

Liên Thi hỏi Hiếu, giọng thân tình:

-Cô đỡ chưa em? Em về chăm sóc cô thay chị Quỳnh hở?

-Dạ! Chị Quỳnh nghỉ cả tuần nay về chăm sóc mẹ. Em phải xin nghỉ một tuần về thay để chị vô đi làm. Mẹ em đang nằm trong phòng, mời các anh chị vào đi.

Mọi người bước vào phòng. Cô Thành đang nằm im vội gượng ngồi dậy khi thấy lố nhố bóng đám học sinh cũ. Cô nói giọng hơi run:

-Các em đến thăm cô đấy à! Cảm ơn các em! Lấy ghế ngồi đi. Ngồi đi.

Liên Thi vội chạy lại đỡ cô, khi thấy cô muốn ngồi dậy. Nàng nói:

-Cô cứ nằm cho khỏe, ngồi làm gì cho mệt. Tụi em đến thăm cô, mong cô mau bình phục.

Cô Thành lấy cái gối kê sau lưng ngồi tựa vào vách, tiếp chuyện học trò. Từ ngày cô nghỉ dạy về sống ở đây - ngôi nhà cũ của ông bà để lại, ít ai lên đây thăm; thỉnh thoảng mấy có cô học trò, tìm đến thăm cô vì quý mến.

Cô Thành cho biết, thỉnh thoảng các khớp xương của cô đau nhức không đi đứng được, nhất là khi “trở trời” đang nắng bỗng chuyển mưa. Bệnh của cô đã thành mãn tính, cho nên cô như cái máy đo thời tiết thật chính xác, không sai. Cô chỉ vào mình, rồi nói vui:

-Cái máy đo thời tiết này thuộc loại tốt, nhưng không ai mua. Nếu có người mua, cô bán cho rồi, để đau nhức không chịu được, các em à!

Thời gian được gần gũi cô, Liên Thi học ở cô rất nhiều về tính cách - vui vẻ, hòa đồng, yêu thương người. Là một cô giáo dạy văn nhiệt tình, lại gần gũi, yêu thương học trò, nên được học trò yêu mến. Trước khi vào phòng thăm cô, biết được hoàn cảnh cô khó khăn, Liên Thi trao đổi riêng với các bạn, nên quyên góp để giúp cô phần nào chi phí thuốc thang. Các bạn của Liên Thi, ai cũng vui vẻ hưởng ứng. Kiều Mi còn nói, sẽ gặp các bạn cùng lớp quyên góp thêm nữa, để giúp cô.

Tâm rất vui khi thấy Liên Thi và các bạn vui mừng cùng nhau làm một việc dầu nhỏ, nhưng rất có ý nghĩa sẻ chia, an ủi như vậy.

Anh nói:

-Anh không phải là học trò của cô Thành, vậy anh có thể “chung tay” với các bạn được không?

Kiều Mi cười lớn, nói vui:

-Anh không phải học trò của cô, nhưng anh có thể sẽ là “học trò rể” của cô. Tụi em rất hoan nghênh, anh cứ góp phần đi, càng nhiều, càng tốt, không ai có ý kiến gì đâu!.

Cả nhóm ai cũng cười vui vì câu nói của Kiều Mi. Tâm nói - giọng chắc nịch:

-Anh rất vui, nếu được làm “học trò rể” của cô Thành, em à!.

Tâm nói, mắt nhìn sang Liên Thi, làm các bạn cười khiến nàng đỏ mặt ngó sang nơi khác, giả bộ như không nghe lời nói của anh. Trước khi ra về, Liên Thi thay mặt các bạn trao cho cô Thành phong thư.

Nàng hai tay để trước ngực - lễ phép:

-Xin cô cho phép chúng em gởi cô một chút quà nhỏ, đó tấm lòng kính quý, biết ơn của học trò chúng em. Mong cô mau khỏi bệnh, chúng em sẽ thường xuyên đến thăm cô. Xin phép cô chúng em về!

Cô Thành tỏ vẻ bối rối, xúc động trước tấm chân tình của đám học trò cũ. Cô nói - ngập ngừng:

-Cô cảm ơn các em! Cô sẽ rất vui được các em đến đây thăm chơi với cô. Các em về vui nhé!

Liên Thi nghe lòng mình rưng rưng, nhớ nghĩ về cô với hình ảnh một người lái đò cần mẫn, sớm tối đưa đón khách sang sông; nay đã già nua, không còn sức để khua mái chèo, dầu bến sông vẫn vậy. Nàng nhớ lại hình ảnh cô giáo trẻ trung, xinh tươi khi mới về trường ngày nào; mà giờ đây tuổi đã xế chiều, không biết sẽ từ giã lúc nào, đời sống còn lại mong manh tựa sương khói.



Tâm đưa Liên Thi về đến khu phố nơi nàng đang sống thì đã hơn sáu giờ chiều. Anh là một nhà báo, vừa mới ra trường được vài năm, chưa có việc làm ổn định; đang cọng tác cho vài tờ tuần báo, nhật báo, để kiếm sống, chờ quyết định chính thức của Tổng biên tập và ban trị sự . Anh thuê nhà ở trọ một mình. Cả năm nay, anh sống cảnh “cơm nắm” (bánh mì - chữ Tâm thường nói)), cơm hộp. Anh thoáng nghĩ, về nhà rồi cũng ăn một mình, bây giờ có Liên Thi ăn cùng thì vui và hạnh phúc biết mấy; nên vội mời nàng cùng ăn bữa cơm chiều, trước khi về nhà. Nàng vui vẻ gật đầu, rạng rỡ nhận lời, bởi nàng cũng muốn được chia sẻ cùng anh những ước mơ, dầu nhỏ nhoi hay hoài bão lớn lao sau nầy trong cuộc đời.

Liên Thi cảm nhận ra lòng mình đang ngập tràn hạnh phúc khi được anh ân cần, chăm sóc từng miếng thức ăn. Nàng nghĩ, cuộc sống của nàng được như vậy là quá đủ, không có ước mơ gì hơn. Cuộc đời thật tươi đẹp và ý nghĩa trong từng giờ, từng ngày, từng giây phút, được bên nhau.

Tâm đưa Liên Thi về đến ngõ, nàng chớm quay đi để vào nhà, nhưng Tâm đã quay xe lại - gọi lớn:

-Liên Thi!

Nàng đứng sững, ngoái nhìn lại.

Tâm vội vàng chạy đến.

Anh ôm chầm lấy khuôn mặt của nàng:

-Anh yêu em! Liên Thi!

Nàng đang ngây ngất với nụ hôn dài bất chợt của Tâm. Nàng thì thầm:

-Em rất yêu anh! Yêu mãi mãi!

Buông nàng ra, Tâm nhìn khuôn mặt đang đỏ hồng yêu thương của Liên Thi:

- Anh rất biết ơn em, ngủ ngoan em yêu!

6/2019




VVM.15.8.2021

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
vietvanmoinewvietart007@gmail.com