Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
         



HẠNH PHÚC



T hầy ốm! Cả lớp xôn xao. Những ánh mắt nhìn nhau rất vội. Nhiều cánh môi chu lại, thì thầm. Ngoài hai nhỏ lớp trưởng và phó, còn lại, tất cả đều vui mừng.

Vậy là thoát! Tiết kiểm tra Địa đình chỉ bất ngờ. Đứa nào cũng mừng quýnh. Bao nhiêu đất nước trên thế giới nầy và những con số chết tiệt về nó. Rồi những con sông, ngọn núi, con người với bao đặc điểm…thầy Địa cứ “nhét” hết vào đầu chúng tôi. Mỗi lần sắp có giờ Địa chúng tôi phờ phạc vì phải học ra rả như cuốc kêu mùa hè. Nhớ được dăm điều, xong kiểm tra, quên tuốt. Chúng tôi trả lại gần hết cho thầy. Mãi đến lúc thi học kỳ, thầy phải quay chúng tôi như quay dế, mổ banh những bộ óc chật hẹp, nghèo nàn ra, nhồi đầy kiến thức trọng tâm.

Hôm nay lại có kiểm tra. Bảo đảm chẳng mấy đứa thuộc bài. Hay tin thầy xổ mũi, nhức đầu, đứa nào đứa nấy hí hửng mà cố nén.

Nhỏ Thương lớp trưởng vẻ mặt căng thẳng:

- Thầy bệnh, coi bộ các bạn vui hơn buồn.

Hồng Lém chớp mắt:

- Hổng dám đâu! Tụi nầy đau khổ gần chết đây!

Thương bỉu môi:

- Đau khổ mà mặt tươi như hoa mùa xuân vậy hả?

Như bay bổng tận chín tầng mây, Hồng Lém nghiêng đầu làm dáng:

- Mặt của mình có cỡ vậy sao! Chúa ơi, con vô cùng biết ơn người.

- Lãng xẹt!

Hùng bực bội gắt:

- Bà đẹp lắm, có thể làm giáo cụ dạy môn Sinh vật.

Cả lớp cười vang. Ai mà chẳng nhớ chuyện ngày xưa của Hồng Lém. Trong lúc giảng bài, thầy tìm trong cặp chẳng có giáo cụ, chắc ông để quên ở nhà. Thầy đi đi lại lại trên bục giảng. Một tay gát lên mông, bàn tay còn lại sờ cằm tìm…râu. Bỗng mắt thầy sáng lên khi nhìn xuống bàn tôi. Ông gọi Hồng. Chúng tôi ngạc nhiên chẳng hiểu chuyện gì thì thầy chỉ cái bục rồi bảo:

- Em hãy đứng đó!

Xoay sang chúng tôi, thầy nghiêm trang:

- Các em, con người là một sinh vật tuyệt vời của tạo hóa. Nếu không kể dáng dấp bên ngoài thì còn có cả một kho tàng bí ẩn nép mình bên trong cơ thể.

Ngừng lại, thầy dùng thước chỉ về phía hông của Hồng:

- Dưới bộ sườn nầy, em nào biết có những gì?

Tôi đưa cao tay, thầy gọi:

- Thưa thầy, đó là “bộ đồ lòng”.

Cả lớp cười ầm ĩ, thầy cũng cười:

- Được, nhưng nên nói rõ hơn về từng bộ phận!

- Thưa thầy, núp sau bộ sườn của bạn là tim, gan phèo phổi ạ!

Cả lớp lại cười. Thấy không xong, thầy ra hiệu:

- Em ngồi xuống! Các em nên dùng thuật ngữ Sinh học cho quen. Bây giờ, ai có thể cho biết hệ tuần hoàn giữ chức năng gì trong cơ thể?

Chắc thầy trông thấy Tài đang nhìn ra khoảng trời xanh ngoài khung cửa sổ, ông gọi lớn:

- Tài!

Giật nẫy mình, Tài đứng bật dậy, ấp úng:

- Dạ, chi ạ?

Có tiếng cười khúc khích, thầy lặp lại câu hỏi:

- Hệ tuần hoàn giữ chức năng gì?

Tài gãi đầu:

- Nhưng…hệ tuần hoàn là cái gì, thưa thầy?

Thầy Chinh cố nén cho đừng mất bình tĩnh, ông đỏ mặt, ghìm giọng nói để không quá chát chúa:

- Là tờ kiểm điểm! Ngày mai, em phải nộp tờ kiểm điểm cho tôi và phải học thuộc tất cả những gì về hệ tuần hoàn.

Hồng đứng co rúm người trước cơn giận dữ của thầy. Hồi lâu, nó lễ phép thưa:

- Thưa thầy, còn em…thì sao?

Thầy Chinh trở lại chỗ ngồi, ông phất tay:

- Về chỗ! Thật là thất vọng!

Từ đó, ngoài cái tên Hồng Lém, chúng tôi còn gọi nó là Hồng Thất Vọng, dù biết trạng thái tinh thần kia không phải do Hồng gây ra.

Hôm nay, nghe Hùng gợi lại, tôi chợt nhớ, bảo Hồng:

- Nhìn mày là tao đã thấy thất vọng rồi!

Vừa lúc đó, thầy giám thị vào lớp, ông nghiêm khắc ra lệnh:

- Trong lúc chờ đợi học tiết kế các em phải im lặng cho lớp khác học. Ai muốn giỡn, xuống căn tin hoặc về nhà!

Dĩ nhiên chúng tôi chọn căn tin. Giờ học, căn tin vắng khách. Mấy chị “quản lý ăn uống” đang ngồi tán gẫu. Thấy bọn tôi, mấy chị tươi ngay nét mặt. Loáng cái, ba chiếc bàn chật ních người ngồi. Con gái chiếm hai bàn đặt trong góc cho tiện việc ăn uống. Chị Hạnh đến bên vui vẻ hỏi:

- Các em dùng chi?

Tôi hỏi:

- Có cocacola không chị?

Chị Hạnh mừng rơn:”Có”

Nga chớp mắt làm dáng:

- Có cà phê sữa đá không chị?

Chị vui vẻ bảo có.

Hoàng ra vẻ e lệ:

- Có So – da hột gà không chị?

- Có.

Tôi phát hoảng liền đặt vấn đề “trọng tâm”:

- Ai trả tiền?

Im lặng!

Hồng Lém tuyên bố:

- Vậy thì cho 20 ly đá bào! Mạnh ai nấy trả tiền.

Cả bọn cười rộ. Chị Hạnh cũng cười dễ dãi, lắc lắc mái tóc dài mướt rượt. Chị đi ra sau quầy, chiếc máy bào nước đá xoay tít trong tay chị. Tiếng sẹt sẹt vang lên liên miên và từng ly đá bào xuất hiện trước mặt chúng tôi. Vừa nhấm nháp vị lành lạnh ngòn ngọt của đá bào tôi vừa quan sát . Ôi, đủ loại bánh. Từ bánh “quí tộc” đến bánh “bèo”. Từ đồ mặn đến đồ… chua. Không thiếu thứ gì trong cái căn tin này. Tôi nhìn mấy trái cóc ngâm đường với ánh mắt cảm tình”

- Cóc ngon ghê!

Hồng Lém liếc sang bọn con trai:

- Hùng, Tài, Lợi, Lộc…cóc kìa!

Nhóm Tứ Tiên làm tỉnh:

- Kệ nó!

Tôi bĩu môi:

- Thật là keo kiết!

Lợi cười cười:

- Hổng dám hào phóng đâu!

Nhỏ Hoàng Chua lên giọng chanh:

Làm trai chẳng đáng nên trai
Cóc ngâm hỗng dám mua vài trái…ăn!

Bài thơ có tác dụng ngay, Lộc gào lên:

- Cho 20 trái cóc đi chị Hạnh!

Tiếng vỗ tay hòa lẫn tiếng cười ròn tan như nhai cóc. Rồi thi nhau tán tỉnh:

- Hào hoa ác ôn!

- Vừa đẹp trai vừa…học yếu!

- Vừa mo-den vừa…có tiền mua cóc!

- Vừa hào phóng vừa…đau khổ!

Cứ thế, đến khi những trái cóc chỉ còn trơ cái hột gai góc thì bọn con gái mới ngừng tán tỉnh. Đúng lúc đó, tiếng chuông đổi tiết vang lên, cả nhóm lại kéo nhau về lớp.

Giờ học kết thúc. Cô Tiếng Anh vừa đi ra, Thương lớp trưởng chạy vội lên bục giảng:

- Các bạn hãy nán lại ít phút cho mình trình bày một việc!

Chờ cả lớp xếp tập bỏ vào cặp xong, tiếng ồn đã lắng xuống, Thương nói:

- Thương nghe nói thầy dạy môn Địa bệnh nhiều lắm! Gia đình thầy lại ở xa, chắc hiện giờ không ai chăm sóc thầy. Thương đề nghị cả lớp đến thăm thầy! Có tiếng nhao nhao:

- Đúng! Chiều đi thăm thầy.

- Chủ nhật hẳn đi.

Thương có vẻ buồn, cặp mắt loáng loáng nước:

- Đi ngay bây giờ được không các bạn?

Im lặng, bỗng dưng tôi xốn xang nỗi gì rất lạ! Đúng rồi, sao không đến thăm thầy ngay mà phải chờ đến chủ nhật. Tôi buột miệng:

- Thương, mình sẽ đi với bạn ngay bây giờ.

Cả lớp hình như cũng hỗ thẹn như tôi, các bạn kêu lên:

- Ừ đi, đi ngay đi!

Nhà thầy đứng khép nép, khiêm tốn, lặng lẽ tận cùng trong khu chung cư. Rêu phủ dầy trên mái tôn thâm thấp. Tường vôi vàng xỉn có vài đường nứt ngoằn ngoèo, chằng chịt. Dường như thời gian đã ghi lên đó nét tàn phá của tháng năm. Ngôi nhà cũ kỹ đứng ủ rũ giữa những căn hộ đã được tân trang sáng sủa, trông nó như một người bệnh hoạn ho hem, mất sức... đứng cạnh những dáng dấp lực lưỡng, khỏe mạnh.

Chỉ tay vào ngôi nhà trắng có cửa sổ xanh lơ, phất phơ rèm ren trắng muốt, Thương giải thích:

- Người ta phân phối cho thầy ngôi nhà đó nhưng thầy đã nhường cho thầy Tuấn và cô Lan.

Tôi kêu lên:

- Trời, uổng vậy!

Thương chớp mắt để ngăn những giọt mước lóng lánh chực rơi ràn rụa xuống má:

- Cô Lan bảo thầy tốt lắm. Thầy biết vợ chồng cô Lan đông con, cần phải ở chỗ tốt . Thầy có một mình, nếu nó sập bất tử thì…

- Thì chết cô đơn chứ gì!

Câu pha trò của Lợi chẳng ai cười mà có vài bạn lau nước mắt. Hồng gõ nhẹ lên cánh cửa khép hờ, lát sau có tiếng dép lê. Cửa mở, thầy Địa hiện ra hốc hác, suy sụp khác thường, giọng run run vì cảm động. Thầy bảo:

- Các em, các em vào nhà ngồi nghỉ!

Bên trong căn nhà càng thảm hại hơn. Tối và chật hẹp, bề bộn hết sức. Chỉ có một cái giường cá nhân. Chăn chiếu cũ mèm. Bốn chiếc ghế vây quanh một cái bàn gỗ tạp đã cũ. Cái tủ áo nhỏ bằng thiếc sơn màu lam đã bị bong tróc lở lói. Chắc lâu lắm rồi thầy không “ thay áo mới “ cho nó. Cạnh đó là cái kệ sách to tướng. Ở đây, sách chiếm chỗ gần hết. Cái kệ không còn chỗ trống. Sách phải nằm tạm trên đầu tủ áo và chui xuống gầm giường. Ngôi nhà đã hẹp lại càng thêm hẹp. Bây giờ, có thêm chúng tôi chen vào mùi ẩm mốc hòa lẫn mùi mồ hôi của các bạn gây cảm giác nóng bức, khó thở.

Thầy lúng túng, mặt bừng đỏ như bị sốt, đưa tay phải vò đầu:

- Nhà hẹp quá, thầy lại không có ghế cho các em ngồi.

Thương lễ phép thưa:

- Dạ không sao, tụi em đứng được.

Để thầy khỏi ngại, một số bạn đi ra sân, ngồi bẹp xuống thềm, duỗi chân thoải mái. Thấy vậy, thầy cũng ra theo, ông ngồi xuống cạnh Tài. Lập tức chúng tôi tràn ra vây quanh thầy rồi đua nhau hỏi thăm:

- Thầy khỏe chưa thầy?

Thầy mỉm cười:

- Đã đỡ rồi nhưng còn nặng ngực.

Tài sốt sắng nói:

- Cô hay tin thầy ốm chưa thầy? Thầy cho em địa chỉ, em gửi mail báo tin nha thầy?

Bỗng dưng thầy tựa người vào Tài, ông đưa tay vuốt ngực, mặt biến sang sắc tím tái, hơi thở nặng nhọc, chúng tôi hoảng hồn tưởng như nghẹn thở theo. Tài run giọng:

- Thầy…Thầy có sao không thầy?

Giây lâu, gương mặt thầy đã có sắc hồng. Chúng tôi thở phào nhẹ nhõm. Thương đứng dậy:

- Để tụi em đưa thầy vào nhà nằm nghỉ nha thầy!

Lắc đầu, thầy ôn tồn bảo:

- Cảm ơn em, thầy đã khỏe rồi, không sao đâu, chỉ hơi xúc động.

Thầy trầm giọng:

- Thầy và cô đã thất lạc nhau. Năm năm rồi mỗi người mỗi nơi. Mỗi người theo con đường mình tự chọn để tìm kiếm hạnh phúc. Niềm vui và lẽ sống của thầy là mảnh đất thân thương hình chữ S nầy đây. Thầy chỉ sung sướng khi được đứng trên bục giảng, nói với các em về những điều kỳ diệu của trái đất. Từ ngọn núi cao chót vót đến biển cả mênh mông. Thầy hài lòng với đời sống hiện tại. Dù dời sống còn khó khăn, thiếu thốn về vật chất. Còn cô, mơ ước của cô là vùng đất xa xôi bên kia bờ đại dương. Ở đó, những ngôi nhà nhiều tầng cao vòi vọi. Phương tiện phục vụ đời sống hiện đại vô cùng. Vật chất xa hoa là hạnh phúc của vợ thầy. Vì thế, cô đã ra đi cùng với cha mẹ ruột.

Thầy trầm ngâm giây lâu. Chúng tôi cũng lặng im trước nỗi niềm của người thầy đáng kính. Tôi tưởng như mình không dám thở vì sợ nhịp đập trái tim làm cơn đau của thầy thức giấc. Dù vậy, thầy vẫn khổ sở:

- Rốt cuộc, thầy khám phá một điều: Vợ chồng thầy chưa thật sự yêu nhau. Người nào cũng ích kỷ, chỉ biết sống cho riêng mình.

Không nén được, Thương chen vào:

- Nhưng con đường thầy chọn đúng hơn! Em nhớ có người đã viết rằng “Quê hương nếu ta không nhớ, sẽ không lớn nổi thành người”.

Tôi cũng lý sự:

- Thầy mới là người tìm thấy hạnh phúc! Chẳng biết cô tìm thấy gì bên kia bờ đại dương?

- Có lẽ cô rất hạnh phúc vì hiện giờ cô đạt được điều mình mơ ước là rất giàu và sắp só chồng khác.

Chúng tôi ồ lên kinh ngạc. Tài chém tay vào không khí! “Tệ quá!”

Tôi gầm lên:

Cô không xứng đáng với tình yêu của thầy. Thầy đừng yêu cô nữa! Không thèm nhớ! Phải trả thù! Cưới vợ khác đi thầy!

Thầy phì cười khi thấy chúng tôi nhảy nhót, la hét rùm trời “Cưới vợ khác! Cưới vợ khác!...” Chờ cho cơn kích động qua đi, thầy ôn tồn bảo chúng tôi:

- Các em à, đâu phải muốn quên là lòng mình không nhớ! Với thầy mọi thứ đâu dễ đổi thay. Biết ai xứng đáng hơn ai? Yêu mà phải trả thù là loại tình yêu thầy không quen biết! Thầy không làm vậy được đâu.

Thương bất bình nói lớn:

-Nếu vậy thói ích kỷ lại thắng lòng vị tha sao thầy? Chẳng lẽ cô lại được sung sướng hơn thầy?

Chắc để chúng tôi an tâm, Thầy ngồi thẳng dậy, giọng quả quyết:,

- Không! Chưa hẳn là cô thắng thầy! Cô đã không quyến rũ được thầy đi theo khát vọng của cô. Còn thầy, thầy có tất cả những gì thầy muốn. Đó là quê hương và các em. Thầy có đất nước lẫn con người. Có các em, những đứa học trò lúc nào cũng yêu quí thầy, lắng nghe từng lời giảng của thầy. Và rồi các em sẽ trở thành rường cột của đất nước. Thầy hài lòng lắm! Mãn nguyện lắm! Như thế thì có thể nói là đã hạnh phúc. Thầy rất hạnh phúc, các em biết không? Cô có cách nghĩ về hạnh phúc của cô. Còn thầy, hạnh phúc là như thế đó, các em ạ.

Tôi bỡ ngỡ, kinh ngạc, lặng lẽ nhìn thầy với dáng vẻ tiều tuỵ, bộ đồ mặc nhà cũ kỹ và đôi dép mòn dẹt. Thảng thốt khi bắt gặp khuôn mặt bừng sáng, ánh mắt ẩn chứa một điều bí ẩn mà khi soi vào tôi bắt gặp hình ảnh bọn tôi cúi gập đầu trên trang vỡ và quanh chúng tôi ánh nắng trưa chói lọi như hào quang. Và tôi chợt hiểu về hạnh phúc của mẹ tôi, điều mà bấy lâu cứ ám ảnh, gợi thắc mắc trong tôi hoài mãi. Tôi hiểu vì sao mẹ tôi đã chọn đôi thúng và quang gánh. Chọn cách sống oằn lưng cõng nắng, đội mưa tần tão để nuôi sáu miệng ăn thay vì dắt tôi và em trai theo cha lên tàu tìm một bến bờ quyến rũ với ảo tưởng ấm no, giàu có chờ sẵn ở đó. Tôi đã hiểu! Đối với mẹ tôi thì cha mẹ già và đứa con gái đầu lòng, đứa con với người chồng trước cũng là một phần đời sống của mẹ. Là máu, là hơi thở của mẹ. Mẹ không thể bỏ rơi họ dù cho ba có doạ rằng nếu mẹ quay về thì ông sẽ từ bỏ cả chúng tôi, ông sẽ có vợ khác , sẽ có con đàng cháu đống khác. Nhưng vô hiệu! Mẹ lạnh lùng đeo túi quần áo lên vai, hai tay dắt hai đứa con bươn bả ra bến xe về quê. Bỏ mặc hạnh phúc vợ chồng lại phía sau lưng. Về đến cửa, ba mẹ con ùa vào nhà, mẹ oà khóc, quỳ xuống ôm lấy chân bà ngoại đang ngồi vá áo trên bộ ván dựa tường. Mẹ thì thầm trong tiếng nấc “ mẹ ơi, con đã về rồi!” Bà tôi đánh rơi cái áo xuống sàn nhà, bà ôm lấy đầu con gái, nước mắt tuôn lả chả. Ông ngồi đầu ván đàng kia, rít vội vàng điều thuốc khiến đốm lửa rực đỏ, khói mù mịt, ông ho sặc sụa, những giọt nước đục ngầu từ khoé mắt ông rơi ràn rụa xuống đôi má hóp. Chị hai dang tay ôm chầm lấy tôi và thằng út. Cả ba đứa khóc rống lên những tiếng hú hú, hu hu, hụ hụ...trầm bỗng như một khúc nhạc bi thương của đoàn viên. Sau đó, như phát rồ! Mẹ đứng bật dậy, kéo vạt áo lau nước mắt, mỉm cười với ông bà ngoại, lễ phép “ Giờ để con đi chợ mua đồ cho kịp bữa bán ngày mai . Ba mẹ nghỉ trưa đi nghen, chút con về nấu cơm chiều.” Bà ngoại vội nói “ con mới về mệt, nghỉ vài bữa cho khoẻ đã con...” Mẹ xắn tay áo vừa đi vừa nói” không sao, con khoẻ mà, đi bán kẽo mất mối. Ngày mai chắc phải nhờ ba vào trường xin cho hai đứa nhỏ đi học lại. ..”Nhanh gọn, rõ ràng, chu đáo vốn là tính của mẹ tôi. Mẹ xách cái giỏ hối hả bước ra đường, hoà vào dòng người xuôi ngược. Nắng đỗ chấp chới trên vai, trên lưng áo bạc màu của mẹ. Trong này, năm người nhìn theo thầm lau nước mắt.

Vậy đó, hạnh phúc của mẹ tôi vậy đó. Là cho, là hy sinh, là nhẫn nhục triền miên. Sáng sáng chiều chiều chạy chợ lo ăn, lo mặc cho cả nhà. Lo việc học hành cho ba đứa con thơ. Mẹ quên ghen, quên giận, quên thù hằn khi hay ba cưới vợ khác. Tin dữ ấy chỉ làm mẹ sụt sùi vài đêm rồi thôi. Tôi chợt nhận ra mình cũng hạnh phúc lắm. Nhà rất nghèo nhưng chiếc áo dài lụa trắng bóng mượt, mềm mại, mát rượi mà mẹ và chị hai đã nhín nhút, chắt mót bao ngày để sắm nó vào đầu năm học mới. Thêm nữa là đôi guốc vẽ hình mặt trống đồng. Nó có hai cái quai đính lên hai đoá hoa cúc bằng vải nhung màu vàng sậm. Khi tôi bước, chúng gõ lên mặt đường những âm thanh rộn rã, giòn tan, tươi vui, kiêu hãnh và hạnh phúc. Em trai tôi cũng được chăm chút từng li từng tí. Nhà tôi đúng là một tổ ấm tràn đầy yêu thương và vì nhau. Lúc nào nhà tôi cũng rộn tiếng cười vui dù có hôm chỉ ăn cháo thay cơm do mưa hoài, mẹ bán ế. Như vậy không hạnh phúc thì là gì chứ. Tôi bật cười mà nước mắt giọt dài giọt ngắn tuôn ràn rụa.

Tài phát hiện ra trước tiên, nó kêu lên:

- Ủa, bà Tím, bà khùng rồi sao mà lúc cười lúc khóc....

Tôi phì cười, giải thích:,

- Tại tui thấy hạnh phúc quá chứ bộ.

- Tui thì thấy bà hình như....khùng rồi chứ bộ! Hà hà....

Cả nhóm cười rộ. Tôi nghĩ các bạn chắc cũng đang hạnh phúc vì biết sự cần thiết của một học sinh đối với người thầy quan trọng đến vậy.

Trên đường về, tôi siết chặt tay Hồng Lém:

- Bây giờ, mình thích học môn Địa Lý lắm!

Hồng đưa một ngón tay lên môi làm duyên:

- Nhưng trước tiên bọn mình phải học bài cho thuộc đã!

Hai đứa cười vang. Tôi bảo:

- Như thế chắc thầy hạnh phúc lắm!

Hồng Lém lý sự:

- Tất nhiên! Và, làm cho người khác hạnh phúc thì chính mình sẽ hạnh phúc gấp đôi.





VVM.15.8.2021

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
vietvanmoinewvietart007@gmail.com