Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      

MỘT ĐOẠN TRONG THÁNH KINH




"M a sơ à.”

“Gì con?”

“Ma sơ đừng đọc Thánh Kinh nữa được không?”

“Được chứ. Thôi thì dì để cuốn Kinh Thánh đây, lúc nào buồn con mở thử một trang đọc xem sao nhé. Một đoạn cũng được nữa. Nghe Tâm.”

Dì phước ra về. Cuốn Kinh Thánh nằm lại trên mặt chiếc bàn gỗ cạnh đầu giường. Cuốn sách bìa đen, cạnh giấy mạ vàng có sợi chỉ đỏ để đánh dấu đoạn đang đọc. Sợi chỉ đỏ nằm ở trang nào hắn cũng không buồn để ý tới. Dì phước dặn thì cũng cố ngoan ngoãn gật đầu cho bà vui chứ thời buổi này làm gì có ai làm phép lạ mà mơ tưởng. Ngày nào dì phước cũng lại, quanh quẩn bên những giường bệnh, giúp đỡ lặt vặt đám người đã mang bản án tử hình. Nhưng hôm nay dì phước không đến. Mà trời thì cứ mưa rả rích. Mẫu đối thoại hôm qua cứ chạy đi chạy lại trong đầu hắn như đoạn băng nhựa cũ kỹ. Ma sơ đừng đọc Thánh Kinh nữa được không? Được chứ. Thôi thì dì để cuốn Kinh Thánh đây, lúc nào buồn con mở thử một trang đọc xem sao nhé. Một đoạn cũng được nữa. Nghe Tâm. Hắn thở dài âm thầm, rồi thở dài ra tiếng cũng chẳng ai đoái hoài. Trời ơi, mưa gì mà mưa hoài. Chán bỏ mẹ! Chả lẽ mở thử cuốn sách bìa đen ấy ra, đọc một đoạn cho đỡ buồn. Hắn nhoài người ra trước, lật những trang sách, rồi mở hẳn cuốn Thánh Kinh, đặt ngửa trên mặt bàn ngủ, bên cạnh chiếc ly thuỷ tinh mẻ và cái bình thuỷ màu xanh lá mạ.

Mùa này, những cơn mưa rào tưới xanh cây cỏ. Hôm nay hắn than trời không biết bao nhiêu lần rồi. Nhưng mùa mưa, đến trời cũng chả cách nào làm khác được. Hắn nhìn quanh quất những mặt người chằng chịt da khô. Những khuôn mặt buồn chán. Biết làm sao được. Hắn nhìn ra ngoài khung cửa. Mưa tung tóe nền xi măng lở lói. Hắn mở nắp bình thuỷ, tìm chút nước nóng pha sữa. Khuôn mặt xương xẩu hiện ra chớp nhoáng trên nền nhôm bóng của cái nắp. Khuôn mặt gồ ghề những góc cạnh. Hắn dốc ngược bình nước. Vài giọt nước long tong chảy xuống cái ly mẻ.

“Mẹ kiếp!” Hắn lẩm bẩm.

“Mưa hoài, chán hở mầy!” Ông già nằm kế bên nói vọng qua.

Hắn lặng thinh đặt cái bình thuỷ xuống bàn. Hai cánh mũi phập phồng đo cái mùi ẩm ướt của mưa bập bềnh trong không khí. Cái mùi mang mang đeo nặng lấy bầu không khí trầm uất của trại bệnh.

“Sao không thấy ai vào thăm mày vậy, Tâm?” Ông già lại hỏi.

Hắn giả điếc. Hắn ghét nói về mình. Con mắt ánh lên một nét nhìn không mầu sắc. Chút giận dữ, chút hả hê, chút oán trách, bao nhiêu thứ ấy quấn vào nhau, nhào nắn thành một hợp chất nhiều mầu trộn trong lớp thạch cao mềm nhão, đóng lại trên ánh nhìn. Thế nên cái nhìn bao giờ cũng mỏng dòn, tưởng chừng sẽ vỡ vụn bởi một cái nhíu mày vô nghĩa.

“Thằng này kín miệng thật, mày đi làm tình báo được.” Ông già châm chọc.

Mắt phải hắn giật giật. Hắn ấn cái nắp tròn vào miệng bình thuỷ, ngấu nghiến vặn chặt lại rồi đưa ngón tay đè cái mí mắt động kinh.

“Làm gì mà nháy vậy Tâm?” Ông già tiếp tục làm tình làm tội hắn.

“Máy mắt ăn xôi, máy môi ăn thịt. Mày có số ăn đó con.”

“Ăn cái con mẹ tôi ấy!”

Ông già cười khẩy. Tiếng cười vón lại; khô dòn như cục đất sét mới nung, bật ra khỏi cái miệng nhăn nhúm, rơi xuống, lăn lông lốc trên nền xi măng. Cái cười không vướng một chút hờn giận.

Hắn ngồi bên cạnh giường, nhìn đăm đăm cuốn Kinh Thánh. Ma sơ à. Gì con? Ma sơ đừng đọc Thánh Kinh nữa được không? Được chứ. Thôi thì dì để cuốn Kinh Thánh đây, lúc nào buồn con mở thử một trang đọc xem sao nhé. Một đoạn cũng được nữa. Nghe Tâm. Lúc buồn, lúc giận, hắn gọi “ma-sơ” nghe cho xa một chút, như người ngoài; lúc lòng lắng xuống, hắn gọi “dì”, như người trong dòng tộc. Chỉ có vậy. Dì phước không nói gì thêm. Cái nhẫn nhịn của người tu hành đôi khi làm hắn bực mình. Phải như dì hỏi hắn thêm một câu thôi, cõi lòng hắn sẽ mở bung ra như cái bọc chứa đầy vấn nạn rắn rết của cuộc sống. Ừ thì cứ hỏi cái câu đơn giản này xem dì có giải đáp nổi không rằng Chúa ngày xưa chữa người què, người mù, người câm, người điếc… nhưng biết Chúa có chữa nổi chứng bệnh của con không. Chúa; vâng Chúa của dì đó, có chữa nổi bệnh của tôi không; chứng bệnh mà cách đây chưa đầy một tháng, ông bác sĩ chuyên khoa đã gật gù kêu án rằng còn được may lắm là sáu tháng; có thể ngắn hơn. Cái câu có thể ngắn hơn ông ấy nói thật nhẹ, thật mơ hồ, như thể sợ người ta nghe thấy.

“Sao hôm nay dì Têrêsa không vào hở Tâm?”

“Ai biết!”

“Vắng bà ấy cũng buồn.”

“Buồn mẹ gì!”

“Mày nói dóc!”

“Nói dóc với ông thì ăn cái giải gì?”

Tới phiên ông già lặng thinh. Chẳng phải ông già giận hắn đâu. Hàng xóm láng giềng bấy lâu nay, hai người đã quá quen tính khí của nhau. Tính hắn vậy. Ăn nói thô lỗ không biết từ lúc nào. Cái tính trời sinh. Ngày xưa mẹ hắn vẫn mắng hắn nói năng dùi đục chấm nước mắm. Ngôn ngữ cộc cằn như cái tên ngắn ngủn hai chữ trong khai sinh; như nơi chôn nhau cắt rốn nghèo nàn chỉ lẩn quẩn mấy mươi nếp nhà bên một bờ sông vắng. Xứ sở có những con đường ngoằn ngoèo đất đỏ. Ngày mưa, nước cuồn cuộn những con thác vòng vèo đỏ ngầu dòng máu, đổ xuống những ao chuôm cạn lòng để khi lội xuống, nước không đầy quá mắt cá chân.

“Cái thứ vô gia đình như tao với mày lúc bệnh không ai lại thăm, lúc chết, chết một mình.”

Ông già nói một mình. Cả phòng chả ai để ý. Những xác người vặt vẹo, những thân thể khô đét không còn chút vướng bận chuyện cõi sống này. Chỉ còn hắn. Nhưng hắn làm bộ không nghe. Vậy mà từng chữ ông già nói ra bám cứng lấy óc hắn bằng những đôi chân của một loài rết độc.

Có Chúa, có Đức Mẹ và dì thăm mỗi ngày cũng được rồi phải vậy không nào? Câu nói vang vang trong trí tưởng. Dì phước Têrêsa vẫn an ủi như vậy mỗi lần hắn bị ông già trêu chọc. Hôm nay dì phước không vào, chẳng còn ai đỡ cho hắn một câu.

Hắn quay qua ông già, gằn từng chữ, “Ông già rồi, có chết cũng đâu còn tiếc gì, chỉ có tôi mới nên tiếc…”

“Tao đâu đã già mấy, mày.”

“Gần bẩy mươi mà còn không già à? Ở cái đất nước nghèo đói, bất an này thì ông thuộc loại thọ lắm rồi còn than thở mẹ gì nữa. Ông kể là ông được đi đủ chỗ, từ Hoàng Liên Sơn tới…” Hắn ngập ngừng, suy nghĩ. “Tới… tới núi Sam Châu Đốc, từ Sông Bến Hải tới mũi Cà Mau. Ông đã thấy tận mắt bao nhiêu là đổi thay. Còn tôi, tôi mới chỉ biết vài con đường ở Sài Gòn và cái viện Ung Thư này…”

Hắn ngưng nói, ì ạch thở ra bằng miệng. Hơi thở khô và nóng như toát ra từ miệng lò hâm hấp lửa than. Nghe tiếng bao ny lông loạt xoạt, không cần nhìn qua, hắn cũng biết ông già đang làm gì. Rồi tiếng dép ông già kéo lê trên nền xi măng. Và hắn đoán đúng từng chữ cái câu ông già sắp sửa nói ra.

“Phải chi ông trời đừng bắt mình đói bụng, khỏi ăn, thì tao đâu có cần đeo cái bọc khốn nạn này!”

Bóng ông già lướt qua chân giường hắn. Mùi thum thủm tỏa ra trong không khí. Mỗi ngày, ông già phải mấy lần thay cái bọc gắn bên cạnh sườn, chỗ lỗ ruột già mở cho phân thoát ra ngoài. Cục bướu ruột già lớn quá, bít hết cả lối ra của phân. Ung thư đã chuyển di khắp nơi. Giai đoạn chót rồi. Nhưng ông già sống vậy cũng là quá đủ. Chứ ai như hắn, mới hai mươi tám tuổi đầu.

Bên ngoài, mưa vẫn xốn xang. Giờ này dì Têrêsa còn chưa vào thăm. Vậy mà dám nói có Chúa, có Đức Mẹ, có dì thăm là đủ rồi. Hắn cay đắng nghĩ thầm. Và hắn ngồi, khô cứng như xác chết, nghe mưa rả rích bên ngoài. Rồi thân hình hắn đổ xuống mặt nệm. Những giọt nước ứa ra hai khóe mắt.

Xế trưa, khi cơn đau vừa dấy lên từ hai bên thái dương hắn thì dì Têrêsa đến. Nghe cái giọng khàn khàn hỏi thăm sức khỏe đám người liệt giường liệt chiếu ở cuối dãy, lòng hắn nhói lên cái mừng vui của một đêm mất điện chợt có lại ánh sáng. Nhưng hắn cố ghìm cái tở mở xuống tấm nệm thô và nằm co quắp như thây người rũ liệt. Bàn tay mềm mại đặt lên vai hắn. Cái reo vui réo rắt trong giọng nói trầm, khô, “Hôm nay con đọc Kinh Thánh hở Tâm?”

Hắn lặng thinh ôm đầu. Cuốn sách bìa đen hồi nãy quên gấp lại. Thôi thì cứ để cho bà ấy mừng. Có chết ai đâu. Hơn nữa, cơn đau đã về. Trận nhức đầu nhùng nhằng như cơn bão rớt. Trời vẫn mưa bên ngoài. Dì phước ngồi xuống cạnh giường, bóp trán cho hắn. Chỗ nào nhức nhiều nhất đâu. Hắn chỉ bằng ngón tay trỏ. Ngón tay trỏ chạy vòng quanh đầu. Ngón tay hắn chạy đến đâu, hai bàn tay khô lạnh của dì phước Têrêsa bám theo đến đấy.

Hắn nằm nghiêng phải, nghiêng trái, nằm sấp, nằm ngửa. Cái nhức kéo chằng theo cổ xuống cả hai vai rồi co cụm lại thành vòng sắt bắt vít chung quanh đầu. Hai con mắt đổ lửa. Hắn quằn quại, rên rỉ. Mười phút, mười lăm phút, nửa giờ, rồi một giờ chắc cũng đã trôi qua, và cơn đau dịu xuống.

“Sao hôm nay ma-sơ vào muộn thế?”

“Dì bận chút việc.”

“Ma-sơ làm gì mà bận?”

“Cho dì xin lỗi.”

“Mai dì đừng vào muộn thế này nữa.”

“Dì hứa.”

Hắn mở mắt, nhìn lên trần nhà trắng nhạt. Khuôn mặt xương xẩu của người nữ tu treo trên đó, như pho tượng choàng khăn trắng. Cơn giận nguôi ngoai. Bây giờ hắn mới ngước lên, nhìn vào đôi mắt – hiền như mắt bồ câu – của dì phước.

“Tại sao ngày nào cũng đau vậy?” Hắn hỏi trống.

Dì phước mỉm cười.

Hắn moi trí nhớ, lấy ra câu trả lời quen thuộc, đặt trước mặt người nữ tu, “Lại thánh ý Chúa, phải không ma-sơ?”

Dì phước gật đầu.

Hắn hằn học liếc tượng Chúa đóng đinh treo trên tường, “Chúa của ma-sơ… ngu bỏ mẹ!”

Những ngón tay của dì phước sựng lại trên trán hắn, “Con đừng nói thế chứ…”

“Nếu không tại sao Chúa không bắt những người…” Hắn ngập ngừng xoáy tia nhìn vào cái nhân từ rực sáng trên khuôn mặt gầy gò của người nữ tu. Rồi những lời sôi sục trào ra, “Sao Chúa không bắt những người già như ma-sơ bị ung thư. Ma-sơ chán đời, bỏ đi tu thì có ung thư cũng là hợp lý. Tôi còn trẻ; tôi chưa đầy ba mươi tuổi; tôi còn ham sống.” Giọng hắn chợt nhão đi, “Dì ơi, con còn ham sống…” Nước mắt dàn dụa trên má hắn. Dì phước lau vội nước mắt cho hắn bằng những ngón tay xương.

Hắn gạt tay dì phước ra, vồ hai bàn tay lên đầu mình, vò nát những sợi tóc khô. Hắn vầy vò mái tóc thô cứng. Rồi hai bàn tay mở ra trước mắt, bày ra trước mặt hắn những sợi tóc gẫy khúc; những sợi tóc nửa đen, nửa bạc, những sợi tóc không có chân.

“Dì ơi, mới hai mươi tám tuổi mà sao tóc con rụng thế này!”

“Tại thuốc đó con; tại tác dụng phụ của thuốc đó Tâm ơi…”

“Chúa bất công. Chúa của dì bất công!”

Hắn nhìn sững vào mắt người nữ tu. Và hắn thấy hai cánh mũi dì phước phập phồng như thể dì đang cố nuốt ngầm cơn xúc động.

“Chúa bao giờ cũng công bằng, Tâm ơi! Chúa bao giờ cũng công bằng…”

Chợt từ hai lỗ mũi dì phước bò ra hai dòng máu. Những giọt máu cam theo nhau rụng xuống. Hắn vùng người dậy tránh né. Nhưng những giọt máu đã lốm đốm bám vào manh áo cũ, loang rộng ra thành những vòng tròn có răng cưa. Hắn giận dữ gầm lên không thành câu kệ. Dì phước luống cuống, loay hoay đứng dậy. Máu vẫn đổ ra đỏ loang chiếc áo tu hành. Cô y tá đi ngang, thấy vậy, nắm vội lấy bàn tay trắng bệch ngoằn ngoèo những vết gân xanh và kéo cái vóc dáng mỏng như miếng mo cau phơi khô của dì phước vào phòng thuốc.

Dì Têrêsa bịt tay vào một bên mũi, chúi đầu về phía trước lảo đảo bước đi. Hắn cau có nhìn theo dáng người thấp bé với cái lưng còng ấy. Trời ơi, hắn thầm nghĩ, bà này sao mà giống mụ phù thuỷ trong truyện Bạch Tuyết và bẩy chú lùn quá!

Hắn ngểnh cổ lên nhìn những vệt máu loang trên ngực áo. Chiếc áo này mai mốt chắc cũng sẽ theo hắn xuống mộ. Bây giờ có vết máu người khác, chắc phải bỏ lại mất thôi. Hắn là tử tội đã được kêu án. Còn sống được “… khoảng sáu tháng nữa. Có thể dài hơn một chút.” Ông bác sĩ đã lên giọng, mắt nhìn hắn đăm đăm, ngừng một chút rồi hạ thấp giọng nói, như cố tình không để hắn nghe thấy, “Cũng có thể ngắn hơn.” Và hắn còn nhớ như in cái ông bác sĩ còn sót lại từ thời tây ấy, khi định bệnh xong, đã gật gù nói “bon!”

Dì Têrêsa vừa đi khỏi, một cô y tá đem cái hộp đựng đồ nghề tới bên giường, nhỏ nhẹ bảo hắn là cô phải lấy máu thử.

“Thử gì hoài vậy?” Hắn hằn học.

Cô y tá dịu dàng, “Bác sĩ bảo phải theo dõi xem thuốc có kết quả không.”

“Kết quả gì nữa. Ung thư thì cầm bằng như lãnh án tử hình rồi còn hy vọng mẹ gì nữa!”

Cô y tá lặng thinh nhúng miếng bông gòn vào đầu chai cồn chín mươi. Mùi rượu nồng sộc vào mũi hắn, thốc lên tận óc như cơn lốc xoáy. Hắn nheo mũi khụt khịt. Buồn, giận thì nói vậy thôi, chứ trong lòng, hắn không ngừng trông chờ phép lạ, bởi vì ngay sau đó hắn đã vội băn khoăn, “Liệu rồi có hết không cô?”

Cô y tá vừa đâm kim vào mạch máu hắn vừa tìm câu nói lảng, “Cũng phải bớt chứ.”

“Sao tóc tôi rụng hết trơn vậy cô?”

Hắn hỏi cho có. Bác sĩ đã nói với hắn cả chục lần rồi.

Ông già kế bên xía vào theo thói quen, “Mày biết rồi mà sao cứ hỏi cô ấy hoài vậy? Mấy cái thuốc men này xài mãi rồi khỏi làm ăn gì luôn.”

Hắn nhìn chăm chú bảng tên đeo trên ngực cô y tá. Rồi cái nhìn chằm chặp ấy dán lên đôi vú nhọn hoắt của cô ẩn hiện sau lớp áo blouse trắng mỏng. Cô y tá ngọ ngoạy cái đầu. Đôi môi hồng mím lại, như thể cầm cái ống chích là một công việc cực kỳ khó nhọc. Cô lúc lắc cái đầu. Những lọn tóc rủ xuống hai vai. Đôi má đỏ bừng. Hắn bỏ hình ảnh người con gái lại đó, nhìn lướt ra cửa. Mưa vẫn tung tóe ngoài hiên. Những bong bóng bung nở rồi vỡ trong chớp mắt. Chập chờn trong óc hắn lời ai đó ví von rằng đời người mong manh như bọt nước.

Ông bác sĩ chuyên khoa đã từng nói về tác dụng của thuốc. Có cả chuyện xài thuốc lâu bị bất lực. Giảm sự thèm muốn đàn bà. Hắn muốn thử xem có đúng không. Hắn nhìn lướt qua cái khoảng lõm xuống ngay phía dưới cái cổ thon, trắng muốt. Vệt da trắng kéo tia nhìn xăm xoi xuống cái núm vú tưởng tượng mờ mờ sau hai ba lớp áo. Cô y tá lúng túng thấy rõ. Chắc thuốc không có tác dụng rồi. Bởi vì vừa uống vừa chích cả tháng trời mà hắn vẫn thấy cô y tá khêu gợi. Từ cái cổ trắng ngần này chạy tuột xuống một tí là tới ngực. Vậy là thuốc không có tác dụng rồi. Thân hình cô gái còn quẫy động cơn thèm thanh niên trong thẳm sâu tâm can hắn.

Hắn vẫn nhớ như in câu nói của ông bác sĩ chuyên khoa. Lâu lắm là sáu tháng. Có thể ngắn hơn. Cái khúc có thể ngắn hơn ông ta nói vội, nói nhỏ, như sợ người ta nghe thấy. Ông bác sĩ thập thò như thằng ăn trộm. Ông nói vội, nói nhỏ, nói nuốt giọng cho xong, cho qua, rồi ông quày quả bỏ đi như bận rộn ghê gớm lắm. Nhưng miệng cũng không quên cái chữ tiếng Tây, “Bon!”

Thiệt tình!

Lấy máu xong, cô y tá bỏ đi như chạy trốn. Hắn gập khuỷu tay, kẹp miếng bông gòn chặt ở nơi kim chích, nhỏm dậy ngóng cổ ra cửa sổ. Mưa sủi bọt tung tóe ngoài hiên. Cô y tá đi rồi, còn để lại mùi hương đàn bà dìu dịu. Cơn điên trong lòng hắn dịu xuống. Cô y tá cũng dễ thương. Và gợi tình nữa. Bệnh vậy mà vẫn còn thèm. Giời ạ! Hay là không phải bệnh. Hắn thầm nghĩ. Bác sĩ cũng nói sai được chứ.

Mấy ông ung thư chung phòng vẫn ghẹo hắn rằng cái bướu sẽ lớn dần mãi lên, sẽ ăn mòn hết sinh lực hắn. Hắn sẽ liệt bại dần từng phần cơ thể. Cái bộ phận tí teo kia chắc cũng rũ liệt thôi. Nhưng lúc này thì chưa. Cơn thèm muốn vẫn còn. Những người nữ còn gợi tình. Khuôn ngực cong cong; khoảng hông uốn khúc và vũng tối lập lờ còn gợi lên thấp thoáng trong lòng hắn ít nhiều xớn xác.

Cơn đau bỗng lại dấy lên trong đầu. Hắn gò cong người chịu đựng. Bàn tay mềm mại của dì phước không còn. Hắn rống lên thống khổ với vòng kẽm gai siết quanh đầu, rồi tung giường, thọc chân vào đôi dép Nhật, chạy ra hành lang. Mưa đổ tung tóe trên nền xi măng vãi bọt trắng xóa. Bụi nước văng cả lên người hắn. Mát rượi thịt da. Hắn nhìn trước nhìn sau. Hắn muốn lẻn xuống nhà bếp, lấy trộm đá trong tủ lạnh chườm hai bên thái dương. Làm vậy nhiều lần rồi. Nhiều khi giữa đêm khuya, hắn đẩy cửa nhà bếp, rón rén bước đến bên cái tủ lạnh cũ rì rầm tiếng mô tơ, đút đầu vào ngăn đá. Cái lạnh đè cơn đau xuống thấp, như trấn nước, bịt miệng một con thú gào thét điên cuồng.

Hắn còn nhớ cái lần đang ướp đầu trong ngăn đá thì bà y tá già từ đâu hiện ra như bóng ma. Bà la toáng lên, nhắc hắn chuyện giữ vệ sinh. Trong cơn đau, hắn chẳng còn biết sợ ai. Giờ này nhà bếp đông người, hắn đành khổ sở bước ra mái hiên, khom người kê đầu vào máng xối. Nước túa lên đầu tóc, chảy tuột xuống cổ, nhột nhạt. Nước mát lạnh làm tê buốt làn da và cũng làm cơn đau dịu xuống. Hắn trở về phòng với cái đầu ướt nhẹp. Dì phước vẫn chưa trở lại. Có vậy mà cũng đi lâu lắc. Hắn gầm gừ. Lát nữa bà trở lại, hắn sẽ mắng vào mặt cho biết tay.

Hắn vật vã nằm ôm cứng cái đầu tóc ướt sũng. Hai tai nhập nhằng những tiếng động không tên vọng đến từ khắp chung quanh. Rồi nổi hẳn lên trên đống thanh âm hỗn độn như chiếc phao trồi lên mặt nước là giọng sang sảng của một người đàn bà. Hắn nhận ra tiếng nói của bà y công. Chắc bà vào làm ca tối.

“Bữa nay thiếu chút nữa là tui hổng đi làm được.”

“Sao vậy?” Ông già nằm bên cạnh hắn hỏi. Vẫn cái thói quen hóng chuyện thiên hạ.

“Nhỏ con gái tui đi làm chưa dìa. Mắc đứa cháu ngoại hổng bỏ thí đó được.”

Hắn liếc thấy ông già ngước nhìn cái đồng hồ trên tường, “Giờ này cô ấy mới đi làm về à?”

Bà y công không trả lời vào câu hỏi, “Có lần mẹ nó buộc chân thằng nhỏ với con chó vào chân giường để con chó chơi với con nó cho có bạn.”

“Vậy chồng cổ đâu?”

“Thằng trời đánh đó hả? Nó bỏ đi mất tiêu hồi thằng nhỏ còn trong bụng mẹ lận!”

Giọng nói của người đàn bà xoáy vào từng chân tóc hắn. Hai tai hắn ù đi. Hắn không còn muốn nghe những chuyện không đầu không đuôi của người đàn bà nữa. Hắn chỉ chờ nghe một giọng nói khàn khàn, đã quen thuộc từ mấy tuần lễ nay. Hắn ngồi mém lên tấm nệm cứng có khăn trải giường mầu trắng, hai tay chống lên mép nệm, đầu cúi xuống rã rời. Hai con mắt nhắm chặt. Trời đất tối sầm trong trí tưởng. Cái bà phước này đi đâu mà mất biệt! Chỉ có chùi chút máu cam mà cũng lâu đến như vậy sao!

Hai bàn tay hắn siết quanh cái đầu ướt mèm đang nhoi nhói cơn đau. Những ngón tay bấm vào thái dương. Nước mưa ứa qua những kẽ tay, thấm vào tay áo lành lạnh. Tưởng tượng cái bướu ấy như con giun, con dế, đang tỉ mẩn đào hang trong những nếp cuộn trắng tinh của óc hắn. Trời ơi, những ngón tay thèm được đào sâu vào từng mảng óc trắng xanh như đậu hũ, để vớt ra những con giun, con dế vùng vẫy điên cuồng.

Thấy hắn ôm đầu vật vã, ông già nằm bên cạnh băn khoăn, “Phải mẹ mày cưới vợ sớm cho mày thì giờ này có người vào bóp đầu cho mày rồi, Tâm nhỉ.”

Hắn nghiến răng. Khóe môi bên phải nhếch lên, giật giật. Chỉ cần lão già nói thêm một câu nữa thôi, là hắn sẽ nhào sang giường lão, siết hai bàn tay này lên cái cổ gà xương xẩu, nơi trái táo ông Adam chạy lên chạy xuống theo từng câu nói ái ngại mà hắn nghe ra trăm ngàn lời mỉa mai, cay độc.

Cũng may ông già không nói thêm câu nào nữa.

“Chúa ơi, sao mà tóc tai ướt hết thế này!”

Cái giọng khàn khàn hắn mơ ước. Hắn gầm gừ, “Mụ phù thuỷ trở lại rồi!”

Hắn mở choàng hai mắt. Dì phước đứng bên cạnh hắn, đôi cánh tay xương xẩu thả xuôi xuống từ hai vai khô khốc. Hắn nhìn cái lưng gù của người nữ tu. Sao giống quá, cái lưng gù của mụ phù thuỷ trong truyện Bạch Tuyết Và Bảy Chú Lùn. Hắn không dám nhìn vào mắt người nữ tu. Bởi đôi con mắt đăm đăm ấy trải ra một tia nhìn mềm mại, êm ái. Rồi tia nhìn mềm ấy vạch xuống những vệt máu lấm tấm trên áo hắn, “Thay áo ra, dì giặt cho.”

Dì phước hăng hái tháo cúc áo cổ hắn. Hắn gạt tay dì ra. Dì đưa tay vuốt ve cái đầu tóc bù xù ướt sũng. Hắn vùng dậy giận dữ giật tấm khăn choàng trên đầu dì xuống. Một cái đầu trọc, lơ thơ những sợi tóc ngả mầu, khô như lá thông mục hiện ra trước mặt hắn.

Dì phước cuống cuồng giật vội cái khăn ra khỏi tay hắn, “Lạy Chúa tôi, con đừng làm vậy chứ!” Và run rẩy giắt vội những nếp gấp chiếc khăn choàng nữ tu lên đầu. Hắn sững sờ nhìn người đàn bà. Môi hắn mấp máy không thành lời, nhưng trong đầu hắn, ngôn ngữ chạy vòng quanh, diễu cợt. Ô, cái bà này đầu trọc, ta ơi!

Ông già nằm bên cạnh ngóc đầu dậy, nhăn nhó, “Mày làm gì kỳ vậy, Tâm?”

Hắn không thèm trả lời. Bởi hắn còn bận tâm vì một khám phá mới lạ. Như đứa bé vén lên được tấm màn bí mật. Hắn nhìn đăm đăm làn da mướt xanh trên khuôn mặt xương xẩu. Hắn nhìn thật kỹ khuôn sọ tròn lưa thưa tóc mục. Hắn nhìn xuống hai cánh môi mỏng run rẩy không thành lời. Chút áy náy rụng xuống trong lòng hắn. Nhưng rồi hắn tự nhủ chắc những nữ tu thường phải xuống tóc, vì thế mà đầu dì phước trụi lủi. Mài dao đánh kéo gọt đầu đi tu. Thì ra vì vậy mà ca dao tục ngữ có câu ấy đấy!

“Mày tội lỗi quá Tâm ạ! Xin lỗi dì ấy đi!” Ông già láng giềng rầy hắn.

Hắn lầm lì ngồi yên như bị thôi miên. Khóe môi bên phải lại nhếch lên, giật giật.

Sửa khăn choàng xong, dì phước mở ngăn tủ ở đầu giường, lấy ra tấm khăn mặt mầu xanh nước biển. Dì trùm tấm khăn ấy lên đầu hắn. Hắn ngồi bất động như đứa bé cứng đầu trong cơn hờn dỗi. Dì phước đứng sát bên hắn. Từ thân thể gầy guộc của dì toả ra mùi băng phiến dìu dịu. Bất chợt, nỗi bâng khuâng xâm chiếm lòng hắn; cùng lúc với cơn đau ở một bên thái dương.

“Nhức đầu lắm phải không Tâm?” Giọng nói dịu dàng xoáy vào tai hắn. Sự hiền từ, dịu ngọt của dì Têrêsa, cái thứ làm khổ hắn trên thế gian này, thứ dấu vết cao cả của lòng nhân ái; cái thứ biết bao nhiêu lần lộ liễu như cái mỉa mai, ngạo nghễ của đấng toàn năng trên thân phận hắn bỗng dưng làm trái tim cứng như đá cuội của hắn mềm nhũn.

Hắn lặng lẽ gật đầu.

“Lấy thuốc uống rồi nằm xuống dì bóp trán cho.”

Hắn nhìn những vết bầm trên cổ tay dì phước, “Sao người dì bầm tím nhiều chỗ vậy?”

“Ốm đau xoàng ấy mà. Dì lớn tuổi rồi Tâm ơi, người nào lớn tuổi cũng vậy hết.”

“Hồi con mới vào, đâu thấy dì bầm tím nhiều thế này.”

Dì Têrêsa cười nói hồn nhiên, “Người lớn tuổi thì vậy đó, ốm đau, bệnh tật, nhức mỏi lúc trái gió trở trời. Đó là chuyện tự nhiên. Những con chiên của Chúa thì biết rõ việc mình phải làm, đường mình phải đi. Chúa đã vạch sẵn con đường, mình chỉ việc đi theo thôi.”

Hắn kéo dì về với nỗi bận tâm của hắn, “Mai dì có đến nữa không?”

“Đến chứ.”

Mưa chưa tạnh hẳn, nắng đã trải thảm vàng trên những vách tường gạch nâu bên ngoài khung cửa. Đầu óc nhẹ tênh, hắn lẩn thẩn nhìn theo đôi bướm chập chờn trong nắng. Hắn nghĩ ngợi lông bông. Đời sống lâng lâng. Lạ lùng và khó hiểu.

Hôm sau dì Têrêsa không đến. Hắn đứng ngồi không yên. Hắn bực bội vì phải tự bóp đầu, phải lê xuống nhà bếp xin đá lạnh chườm đầu, phải tự lột vỏ trái chuối trước khi ăn… Hắn thầm nguyền rủa người nữ tu bê trễ. Có lúc hắn nghĩ dì phước giận hắn vì chuyện ngày hôm trước, nhưng hắn bỏ ngay ý tưởng ấy. Hắn tự nhủ, ngày mai bà ấy đến mình sẽ cho một trận. Những kẻ may mắn như bà có bổn phận; vâng, bổn phận săn sóc, hầu hạ, phục dịch những con người bất hạnh như hắn. Thượng Đế bất công với hắn thì sứ giả của ngài là vị nữ tu phải đền bù cho hắn. Số mạng của bà cũng phải giống như phần số của tên sứ giả đem tin đến nước thù nghịch. Bị bắt, bị hành hình tới cỡ nào cũng cố mà chịu đựng. Cho dù hắn có nổi điên lên mà giết thì bà cũng đâu có thể vì vậy mà trốn đi, bỏ hắn lất lây như thế này. Hắn hẹn ngày mai bà tới, hắn sẽ trả thù đích đáng. Suốt đêm, hắn nặn óc tìm cách hành hạ để trả thù. Nếu cơn nhức đầu không dạt về, ngắt ngang những ý tưởng cay độc, chắc đầu hắn sẽ bạc vì suy nghĩ suốt một đêm dài.

“Ông già có biết chừng nào dì Têrêsa vào không?” Hắn hỏi ông già nằm giường bên cạnh.

Ông già ung thư ruột già chẳng những đã không thèm trả lời lại còn nhắc nhở hắn cư xử tử tế với người nữ tu, “Mày làm vậy ai còn muốn tới pha sữa, bóp trán, đổ bô cho mày nữa!”

Hắn làm như không nghe ông già nói gì. Lúc này chỉ còn những cơn đau viền quanh đầu hắn như vòng gai ngày xưa lính La Mã gài lên đầu Chúa. Ấy cũng nhờ dì phước kể cho hắn nghe về vòng gai trên đầu Chúa. Những mảnh đau móc xuống da đầu, cày sâu vào xương sọ. Vặn cong những mạch máu, làm ứa ra trong não bộ những cơn đau đinh đóng. Ừ, hắn nghĩ, cái đau của Chúa lúc đội vòng gai trên đầu đã thấm thía gì với thứ đau gò siết của cái bướu đang lớn dần trong đầu hắn.

Hắn cố tìm hiểu vì đâu vị nữ tu luôn đáp lại những cơn cuồng nộ của hắn bằng sự dịu dàng. Có phải cũng nhờ sự bao dung, cao cả đó mà những đứa con hoang đàng luôn luôn quay trở về với mẹ hiền sau những tháng ngày lang thang, phiêu dạt. Những lúc bình tâm, hắn hỏi lòng như thế. Hắn còn nhớ hoài đoạn Kinh Thánh nào đó dì đã đọc cho nghe hôm nào, về đứa con trai hoang đàng.

Đêm, hắn nằm chiêm bao gặp dì phước. Dì bóp trán cho hắn và cơn đau dịu xuống. Như đứa trẻ hoàn hồn sau cơn ma hành, hắn thành con người khác. Hắn cầm lấy bàn tay mỏng mảnh của dì phước, tẩn mẩn vuốt ve những vết bầm như vết mực tím loang trên ngón tay học trò thời thơ ấu. Tay dì sao vậy? Dì cười. Đôi môi khô bật máu nơi những vết lở như vết nứt trên mặt ruộng khô hạn. Sao dì không uống thuốc? Đau ốm xoàng ấy mà! Dì vừa nói vừa lật cuốn Thánh Kinh. Hôm qua mình đọc tới đâu rồi nhỉ? Lúc dì lật những trang giấy mỏng manh sột soạt, hắn thấy hai bàn tay trắng bệch, nổi ngoằn ngoèo những vệt gân xanh. Ma sơ à. Gì con? Ma sơ đừng đọc Thánh Kinh nữa được không? Được chứ. Thôi thì dì để cuốn Kinh Thánh đây, lúc nào buồn con mở thử một trang đọc xem sao nhé. Một đoạn trong Thánh Kinh, nghe Tâm.

Chuyện trong giấc chiêm bao mà giống hệt như chuyện xảy ra ở đời thường. Nhưng rồi dì cứ nhắc hoài tới những đoạn Kinh Thánh làm hắn nổi giận. Hắn thấy dì phước là con kiến cần cù. Hắn thành đứa bé tinh nghịch. Hắn thèm ngắt từng chiếc chân con kiến cho đến khi nó chỉ còn là phần thân thể uốn éo, tuyệt vọng. Rồi hắn gặp ông bác sĩ. Hắn bị ung thư. Ông bác sĩ chuyên khoa bảo vậy. Ông ấy cũng ghi cả vào hồ sơ bệnh lý của hắn cái hàng chữ dài ngoằn ngoèo tên chứng bệnh không thuốc chữa. Ông bác sĩ đâu cũng ngoài năm mươi. Mập nhưng nhanh lẹ như con chuột. Coi hồ sơ hắn xong, sau khi ngẫm nghĩ thật lâu, ông đã buột miệng bảo là hắn còn sống được đâu khoảng sáu tháng nữa. Có thể dài hơn chút xíu. Ông bác sĩ lên giọng, mắt nhìn hắn đăm đăm, làm hắn phải nhìn lệch đi chỗ khác, dù trong lòng hắn náo nức chờ từng câu từng chữ sẽ thoát ra từ đôi môi khô lờ mờ những vết nứt. Hắn nhìn lệch qua sợi dây nhựa mầu đen của chiếc ống nghe ông quàng quanh cổ. Rồi con mắt hắn vạch tia nhìn xuống cái nắp bút máy mầu đen thò ra trên mép túi áo blouse trắng. Ông ngừng một chút rồi hạ thấp giọng, như cố tình không để hắn nghe thấy. Cũng có thể ngắn hơn. Định bệnh xong, ông bác sĩ nói bông!

Phán quyết đã tỏ tường. Căn bệnh ập xuống như bản án bất ngờ, hắn làm sao thỏa hiệp ngay được với số mạng. Hắn giẫy dụa vô vọng, hắn phản kháng hung hăng. Hắn xô ông bác sĩ thật mạnh. Ông bác sĩ biến vào khoảng không. Hắn xoay qua, ôm lấy bàn tay gầy guộc của dì phước, áp những lóng xương khô lên má mình mà khóc tức tưởi. Dì làm con nhớ tới mẹ con, dì biết không. Con là con trai út. Mẹ con bỏ con đi sớm sủa. Mẹ con ngày xưa cũng gầy ốm giống dì thế này… Dì ôm đầu hắn. Những lóng xương ngón tay khô chùi những giọt nước mắt đầm đìa trên má hắn. Hắn nuốt nước mắt, nước mũi. Hắn nuốt hết mọi thứ xuống dạ dày. Rồi hắn vòng hai cánh tay rã rời, ôm lấy thân hình mỏng gầy, xơ xác. Khuôn mặt xương xẩu của dì phước nhập nhòe trước mặt hắn. Nước da trắng xanh. Rồi hắn cầm lấy bàn tay của dì. Hắn nhìn đăm đăm vào những vệt gân xanh ngoằn ngoèo trên làn da trắng bệch. Cố gắng đi con. Rồi Chúa sẽ sắp xếp mọi chuyện. Giọng nói khàn khàn phù thuỷ, nhưng những lời nói ra là mật ong. Hắn nhìn vào mắt dì phước. Hắn bắt gặp trong đó nỗi niềm gì đó không tên gọi, như thể niềm hy vọng, nỗi ước mơ. Bao nhiêu thứ. Nhưng người ta có thể mong đợi gì ở những con bệnh ung thư. Liệu Chúa có sắp xếp được không hở dì. Môi hắn mấp máy. Nụ cười tin yêu nở ra trên đôi môi khô, nứt nẻ của dì phước. Không một lời nào được nói ra, nhưng hắn nghe thấy thật nhiều. Bởi vì dì có đôi mắt biết gợi lên trong tâm hồn kẻ đối thoại niềm mơ ước thâm sâu, tia nhìn của dì phước chuyên chở đức tin và niềm hy vọng. Khi nụ cười phai đi, một vệt máu mảnh như sợi chỉ vạch ra trên đôi môi khô hạn. Có phải làn da nhiều khi phải rách ra cho nụ cười được tròn đầy. Hắn bâng khuâng nghĩ ngợi. Môi dì chẩy máu rồi kìa. Dì phước cười bằng mắt. Hắn vuốt ve những vết bầm trên cổ tay, trên cằm, trên gò má. Dì bị gì mà bầm tím khắp nơi thế này? Đau ốm xoàng ấy mà! Dì lại chỉ trả lời cho qua đấy thôi. Hắn thầm nghĩ.

Tiếng rên, tiếng ho và tiếng người mê ngủ dựng đầu hắn dậy giữa nửa khuya. Dường như cơn đau sắp trở về. Giờ này chỉ còn cách xuống phòng trực, xin cô y tá viên thuốc an thần. Hắn lắng nghe tiếng bụng mình sôi. Nước miếng ứa ra khóe miệng. Giờ này có dì Têrêsa ở đây, hắn sẽ nhờ bà xuống nhà bếp xin dùm một bình nước sôi, pha ly sữa uống đỡ lòng. Hắn vùi đầu vào chiếc gối ẩm mồ hôi để trốn cơn đau. Không dám bước ra ngoài đi tiểu sợ khích động cơn nhức nhối. Hắn đái vào cái bô nhựa. Sáng mai, dì Têrêsa sẽ mang đi đổ.

Hôm nay, cô y tá trực quên tắt đèn. Căn phòng như sáng hẳn lên trên nền đen của đêm đặc quánh bên ngoài khung cửa sổ chữ nhật. Tiếng giun dế râm ran.

Hắn nằm ngửa, nhìn đăm đăm lên trần nhà. Cái quạt trần uể oải xoay vòng quanh, hắt xuống chút hơi gió mỏng, lay động cánh màn trắng. Tiếng muỗi vo ve bên tai. Người nào đó trở mình lắc thanh giường cọt kẹt. Tiếng ho khan, tiếng rên, tiếng ngáy, tiếng ú ớ mê ngủ. Tiếng ai đó ở cuối phòng đi tiểu vào bô tồ tồ.

Giờ này khó lòng ngủ lại được. Đêm sẽ dài và sự chịu đựng sẽ dai dẳng. Hắn dụi mắt nhìn cuốn Kinh Thánh ở đầu giường. Bỗng dưng cuốn sách gợi lên trong óc hắn sự tò mò. Từ bao lâu nay, hắn không đụng tới cuốn sách có gáy mạ vàng ấy. Nhưng hôm nay cơn bồi hồi sót lại từ giấc chiêm bao thúc dục hắn đưa tay ra khỏi màn, kéo cuốn sách vào giường, lật đại một trang, cố mở to con mắt để đọc những chữ viết li ti trên trang giấy mỏng.

Đoạn Kinh Thánh nói về phép lạ của Chúa. Lại phép lạ. Chúa chữa bao nhiêu thứ; chữa người mù, người què, người điên. Không nghe Kinh Thánh nói về bệnh ung thư. Chẳng biết Chúa có chữa được bệnh của hắn không. Nếu có thì tìm Chúa ở đâu bây giờ. Hắn dự tính ngày hôm sau sẽ hỏi dì phước những câu hỏi đó.

Ừ, không nghe nói Chúa chữa bệnh ung thư. Chắc thời đó không có bệnh này. Hay là có mà Chúa không chữa được nên người ta không chép vào Kinh Thánh.

Hắn ngồi dậy, bần thần nhìn quanh. Hắn thấy chóng mặt. Cái quạt trần quay chậm, chỉ khẽ làm lay động cánh màn trắng mỏng. Những ngọn đèn vàng vọt hắt xuống thứ ánh sáng nhão nhoẹt. Con muỗi đói vo ve bên tai.

Viện ung thư lớn chia thành nhiều khu. Hắn nghĩ chắc có ở đây cả đời cũng không thể nào thuộc hết những lối đi tít tắp có mái che trên đầu. Bên ngoài, những vách tường gạch mầu xám tối. Bên trong quét vôi vàng loang lổ. Vòi nước ở một góc bên hông viện. Những tảng gạch lót nhẵn lì. Vách tường rêu xanh biếc. Rạch nước nhỏ ẩn khuất giữa rêu xanh và cỏ rậm. Con nòng nọc quẫy đuôi. Con ếch nhỏ nhảy chồm chồm làm rung rinh bụi cỏ. Con chuồn chuồn bay trong nắng, đôi cánh lấp lánh bẩy sắc cầu vồng. Con chim nào đó hót trên cây ríu rít. Buồn, hắn đi lang thang trong vườn đầy một loài cây trứng cá. Đời sống lao xao bên ngoài bức tường gạch. Tiếng động cơ xe xích lô máy phành phạch. Tiếng máy xe lam dòn tan. Tiếng trẻ con khóc. Tiếng đàn bà rao hàng lảnh lót. Tiếng radio loáng thoáng. Hắn dừng lại bên khoảng tường vỡ vá víu bằng dây kẽm gai. Hàng cây bên đường vẫn xanh. Mùi khét của khói xe quyện trong không khí vẫn nồng và tiếng ve sầu rên rỉ nghe vẫn nỉ non, xáo xác. Đó là đời sống; cái đời sống hắn sắp phải buông cho trôi đi, tuồn tuột khỏi hai bàn tay bạc nhược.

Giờ ăn, người y công đẩy xe đem thức ăn tới giường. Khay thức ăn hờ hững trên chiếc bàn nhỏ, chênh vênh. Củ cà rốt đỏ cam. Ly nước có cặn trắng ở đáy. Ngăn súp lõng bõng. Miếng thịt nổi lềnh bềnh. Cơm gạo đỏ rời ra từng hạt. Muỗng, nĩa ngu ngơ. Miếng kẹo lạc rang tráng miệng nằm trơ trẽn trong lòng khay. Hắn nhìn một lượt những món ăn trước mặt. Mùi súp thơm khuấy động cơn đói, nhưng sao hắn chẳng muốn ăn chút nào.

Chiều, rồi đêm lướt qua. Hắn lại lang thang trong vườn. Sau những cơn mưa vồn vã, trời trong, và trăng xanh huyền hoặc lấp ló sau tàng cây trứng cá. Khu vườn trong khuôn viên bệnh viện. Những bệnh nhân thất thểu. Những chiếc bóng trong áo choàng thùng thình lướt đi dưới trăng.

Một bóng trắng lùng nhùng bước từ đầu kia hành lang về phía hắn.

“Ai đó?” Hắn làm quen.

“Tôi.” Giọng đàn ông.

“Bị gì vậy?”

“Gan; ung thư gan.”

“Còn nước còn tát chứ hở?” Hắn lập lại câu nói của ông già láng giềng.

“Sắp đi rồi đấy! Còn chú?”

“Cũng vậy.”

“Cũng gan à?”

“Không. Bướu óc.”

“Thế à.”

Một tiếng ho khan ngắt ngang mẩu đối thoại. Cứ thế. Những câu nói trao đổi rời rạc cho tới khi cả hai cùng mất hút vào bóng tối. Mỗi người một phía. Như cuộc đời. Hắn lẩn thẩn nghĩ ngợi. Trời đất sinh ra làm chi cái chứng bệnh kỳ quái.

Hắn đi qua bao nhiêu là phòng bệnh. Tiếng ho khan, tiếng rên rỉ, tiếng người nói mê nói sảng vọng ra qua những khung cửa lờ mờ ánh đèn. Rồi hắn trở về phòng, đầu óc nặng nề như thể óc não đã trương sình trong huyệt lạnh.

Chẳng biết Chúa có chữa được bệnh hắn không. Hay là ngày xưa ít có ung thư. Nghe nói khoa học kỹ thuật càng phát triển, người ta càng dễ bị ung thư. Tại quang tuyến, tại chất phóng xạ. Nghe người ta nói hoài. Nhưng biết Chúa có chữa được bệnh ung thư không. Ngày mai dì Têrêsa đến, hắn sẽ hỏi cho ra.

Chưa nằm nóng chỗ, hắn đã lồm cồm bò dậy, lết đôi dép mòn ra cửa, bật công tắc đèn. Nhưng ánh sáng vừa nhá lên thì tiếng gầm gừ cũng chồm dậy như con thú giật mình.

“Tắt đèn cho người ta ngủ chứ!” Lại ông già ung thư ruột già.

Hắn toan chửi thề theo thói quen, nhưng kềm lại được. Vậy là tối nay không tìm được xem ngày xưa Chúa có chữa bệnh cho người ung thư không nữa.

Người láng giềng bên trái vẫn còn thức. Người đàn ông ung thư cuống họng ra dấu như muốn nói gì với hắn. Trời tối quá rồi, ai có thì giờ đi tìm giấy tìm bút cho ông ta nữa. Hắn thì thào cho qua, “Ngủ đi ông ơi, khuya rồi tìm đâu ra giấy bút cho ông nói chuyện bây giờ!”

Hắn không ngờ mình vẫn sống sót được sau một tuần lễ ướt sũng những cơn mưa lê thê. Cho dù không mấy tin Thượng Đế, sáng Chúa nhật hắn cũng lần xuống nhà nguyện nghe kinh. Nhưng những bài thánh ca không làm dịu được chút nào cơn phẫn nộ. Hắn không còn mong ngóng bất kỳ điều gì và cũng không chờ đợi bất kỳ ai. Dì phước Têrêsa ư? Bây giờ hắn chả cần cái bà phù thuỷ đầu trọc ấy nữa.

Sáng thứ hai, bác sĩ vào thăm bệnh. Vẫn ông bác sĩ mập mạp nhưng nhanh nhẹn như con sóc và có tật hay bon ở cuối câu. Cô y tá có bộ ngực gợi tình ôm chồng hồ sơ đứng bên cạnh. Hôm nay hắn không buồn để ý đến khoảng lõm xuống ngay phía dưới cái cổ thon trắng muốt của người con gái nữa.

Chờ ông bác sĩ ghi xong mấy dòng trên hồ sơ, hắn ra vẻ hững hờ, “Bác sĩ có biết sao dì Têrêsa không đến nữa không?”

Ông bác sĩ ngập ngừng nhìn hắn, “Bà ấy chết rồi cậu không biết sao?”

Những tiếng kêu bàng hoàng từ đám bệnh nhân đồng loạt réo lên từ đầu đến cuối phòng. Hắn lao đao một giây như người bước hụt. Nhưng rồi cái tính cộc cằn lại choàng ôm lấy hắn, như những ống hút của loài bạch tuộc.

“Sao vậy?” Hắn sẳng giọng, “Tai nạn xe hơi hay súng đạn? Hay tự sát?”

Rồi hắn lẩm bẩm cho một mình hắn nghe bằng cái giọng mỉa mai, cay độc, “Đã chán đời đi tu mà không lẽ cũng chán đời tự sát như người đời nữa sao?”

Không thèm để ý tới những điều hắn nói, ông bác sĩ bâng khuâng nhìn bức tượng Chúa đóng đinh treo trên tường, giọng gẫy khúc, “Tội nghiệp dì phước Thérèse, bà ấy bị ung thư máu…”

Hắn điếng người. Vị bác sĩ ký tên vào xấp hồ sơ, đưa cho cô y tá, rồi bước qua giường bên cạnh. Hắn đưa tay áo màu cháo lòng lên sát mặt, săm soi. Những vệt máu cam của dì phước bữa hôm nào đã ngả qua màu gạch nhạt, cái màu ù lì, nhàm chán.

Bỗng dưng những vệt máu loang lổ nhòa đi, trôi bập bềnh trong mắt nhìn của hắn. Và câu dì phước nói hôm nào mang mang trong trí. Chúa bao giờ cũng công bằng, Tâm ơi. Chúa bao giờ cũng công bằng…

“Bác sĩ ơi,” hắn nghẹn ngào. “Bác sĩ có biết mộ dì ấy ở đâu không?”

“Cậu hỏi làm gì?”

“Tôi muốn đặt lên đó…” Hắn ngập ngừng suy nghĩ. Biết đặt gì lên mộ người quá cố bây giờ, bởi hắn chả có gì để cho ai. Sau cùng, hắn nghĩ ra. “Tôi muốn đặt… một nắm đất… ơn nghĩa…”

Giọng ông bác sĩ chuyên khoa chậm rãi, “Dì ấy tặng thân thể mình cho khoa học…”

“Ở đâu vậy bác sĩ?” Hắn ngắt lời.

“Cậu vào phòng Cơ Thể Học trong trường Y khoa mà tìm…” Nói xong, ông bác sĩ lạnh lùng xoay qua giường bên cạnh, “Bon, bác này sao rồi?”

Sinh nhật, 14 tháng 05, 2001





VVM.15.8.2021

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
vietvanmoinewvietart007@gmail.com