T in “con Câm có bầu” náo động làng trên xóm dưới. Con nhỏ gầy khẳng kheo như cây tre, đã câm lại thiểu năng trí tuệ mà cũng có một gã đàn ông thèm khát đến làm nó mang bầu ư? Tên “cha căng chú kiết” nào độc ác thế? Con Câm không có mẹ… À, không phải không có. Ai mà chẳng có một bà mẹ sinh ra? Nói chính xác là mẹ con Câm bỏ đi từ lâu lắm rồi, lúc nó đang vịn giường chập chững tập đi. Nó sống với cha là Lộ và ông nội là lão Vược. Được cái nó cũng dễ nuôi, nước cơm nước cháo thay sữa nhiều lần rồi cũng lớn, ít bệnh hoạn. Dĩ nhiên chỉ lớn xác chứ đầu óc nó vẫn là một đứa trẻ lên ba.
Lão Vược đi phụ hồ cho người ta còn Lộ lên thị xã chạy xe ôm, bỏ con Câm ở nhà một mình cả ngày, tránh sao không bị kẻ xấu xâm hại? Nó chỉ biết ú ớ, có kêu la được đâu? Gia cảnh như thế mà giờ nó lại “đeo ba lô ngược”, cả nhà xoay xở ra sao? Hai người đàn ông mù tịt chuyện sinh đẻ, biết gì mà chăm sóc nó?
Ai cũng chép miệng thương con Câm. Thương nó một thì giận kẻ hại nó mười. Nhẫn tâm! Độc ác! Thú tính! Súc sinh!... Người ta thi nhau gán cho kẻ xấu xa giấu mặt vô số từ nặng nề.
Nhưng kẻ đó là ai thì không ai biết! Mỗi người chỉ đoán mò theo suy diễn riêng của mình thôi. Mà suy diễn thì mênh mông lắm, đôi khi rất ngớ ngẩn, như trẻ con. Ấy thế mà cũng có nhiều lỗ tai bị hút vào vòng xoáy suy diễn ấy, biến thành lời chứng hùng hồn.
Từ miệng người này rỉ vào tai người khác, chẳng bao lâu ai ai cũng thì thào một câu giống hệt nhau: Này, biết tin sốt dẻo gì chưa? Con Câm: thiểu năng trí tuệ, con gái Lộ xe ôm, cháu nội lão Vược phụ hồ í mà… Nó chửa hoang rồi đấy!!!
Có người còn bỏ thời giờ để tỉ tê hỏi con Câm, một cách vô ích. Đã câm thì làm sao nói được mà hỏi? Ngay cả không câm đi nữa, bộ óc lên ba của nó cũng chẳng thể hiểu những tiếng “xâm hại, chửa hoang, có bầu” nghĩa là gì? Thế mới chết!
À, không phải con Câm chết, mà là nhiều anh đàn ông trong làng tự nhiên… mang vạ lãng nhách. Đã có không ít ông chồng bị vợ nghi ngờ, tra khảo. Đã có cả chục đám vác ghế phang nhau ngay trong bữa nhậu. Đã có nhiều mối tình đang nồng thắm bỗng mấp mé bờ vực thẳm. Lại đã có cặp đôi vất vả đi từng nhà xin lại thiệp cưới lỡ gửi tuần trước. Xóm làng chẳng còn êm đềm, bình an nữa. Nghi kỵ. Dèm pha. Tan nát…
Có người quay ngược thời gian, truy tìm ai là người đầu tiên loan ra tin giật gân đó, mới biết là mụ Tích.
Mụ Tích kể rằng: Hôm qua mụ đi chợ về ngang nhà lão Vược, con Câm đang đứng bên trong hàng rào tre, nhìn ra. Nhác thấy mụ từ xa, nó như phát cuồng, hai tay vẫy rối rít, miệng ú ớ gọi.
Rồi con Câm một tay giằng lấy cái giỏ đi chợ của mụ Tích, một tay vỗ đồm độp lên bụng. Mụ Tích hiểu ngay nó đang đói, muốn xin mụ thứ gì đó ăn được. Trong giỏ lèo tèo mớ rau và mấy khúc cá, còn vài quả chuối với trái bắp luộc là quà mụ mua cho hai đứa con ở nhà.
Con Câm thò tay vào giỏ, khoắng loạn lên. Mụ Tích nghĩ thế nào nó cũng xin quả chuối hay trái bắp. Nhưng không phải. Sáng mắt lên khi lôi từ đáy giỏ ra chùm me xanh, con Câm hí hửng bỏ ngay vào miệng nhai gau gáu, mặt rạng rỡ như đang được ăn bào ngư, tổ yến của nhà vua. Chỉ một loáng chùm me biến mất.
Mụ Tích trợn mắt nhìn nó:
-Chết thật, mày thèm ăn chua hả, Câm? Từ khi nào thế?
Dĩ nhiên chúng ta không thể chờ đợi câu trả lời từ một người không thể nói. Con Câm cứ ngẩn mặt nhìn xuống giỏ, như còn thèm thuồng lắm. Mụ Tích thương hại đưa ra quả chuối thì nó giận dỗi gạt phắt đi. Thôi đích thị rồi, nó không thích đồ ngọt, chỉ thèm của chua thôi!
Mụ Tích vén áo nó lên, đặt tay xoa xoa bụng nó. Mụ giật nảy người, kêu:
-Sao bụng mày to thế?
Mụ Tích ấn nhẹ tay, khám phá ra bụng con Câm không chỉ to mà còn là một khối tròn lẳn, dắn chắc nữa. Với kinh nghiệm hai lần làm mẹ, mụ Tích kết luận ngay: “Ít nhất cũng bốn tháng rồi!”
Mụ Tích nhíu mày, vỗ vỗ trán, cố nghĩ xem bốn tháng trước có gì khả nghi? Và mụ sáng mắt lên, nhớ ra hồi đó con Câm còn được tự do muốn đi đâu thì đi, chưa bị nhốt trong nhà như lúc này. Nó thích đi lang thang lắm, nhiều phen ham vui lạc đường về, làm cha con lão Vược phải chạy đôn chạy đáo đi tìm, vô cùng vất vả. Sau, lão Vược lấy tre đóng ngang khung cửa nhà, làm thành hàng rào không cho con Câm tự do đi lung tung nữa. Nó cứ việc đứng bên trong, tay níu những thanh tre mà ngóng ra ngoài.
Mụ Tích cũng nhớ thời điểm đó, trong làng cùng một tuần mà có tới hai đám cưới và một đám ma. Đám nào cũng đầy khách, ăn uống tưng bừng từ sáng đến đêm. Đích thị có một kẻ xấu xa trên đường về đã tạt vào nhà lão Vược, lúc hai cha con lão còn bù khú trong buổi tiệc, chưa về.
Khi say bí tỉ rồi, còn chuyện gì không dám làm chứ? Lúc tối lửa tắt đèn “nhà ngói cũng như nhà tranh”, con nhỏ thiểu năng trí tuệ, gầy nhẳng, xấu xí cũng thành “nghiêng thùng đổ nước” kém gì một nàng Công Chúa? Khuyết tật của nó lại hóa hay: thủ phạm không sợ bị nó tố giác.
Nhưng mụ Tích không cam tâm. Mụ nhất định phải tìm ra kẻ xấu xa đó để trừng trị thẳng tay, bắt gã phải có trách nhiệm với hai mẹ con nó. Đợi con Câm sinh xong, mụ Tích sẽ xúi lão Vược đem đứa trẻ đi xét nghiệm tìm cái ADN, ADM hay AMD gì gì đó… mụ không nhớ. Chỉ nghe nhiều người kể xét nghiệm ấy kỳ diệu lắm, biết chính xác ai là cha thật sự của đứa bé. Phải tìm bằng được chứ không thì chỉ vì một kẻ làm bậy mà tình làng nghĩa xóm hao hụt, nhiều gia đình tan nát, vợ chồng nghi kỵ đánh chửi nhau loạn hết lên.
Thí dụ như vợ chồng anh Mè ấy.
Hôm ấy, như mọi ngày, vợ chồng anh Mè cùng đi chợ. Bên trong cửa nhà lão Vược, con Câm đang thò đầu khỏi hàng rào tre, ngóng ra đường. Thấy có người đến gần, nó mừng rỡ vẫy rối rít. Hai anh chị chẳng buồn ngó ngàng đến nó, đi thẳng. Nhưng đi được quãng ngắn, chị Mè bỗng bật hỏi:
-Anh “có gì” với con Câm không mà nó mừng thế? Hai mắt nó đắm đuối nhìn theo anh mãi?
Anh Mè đỏ ngầu mắt, tức cành hông, chỉ muốn đạp cho vợ một phát văng xuống ruộng. Anh vốn lầm lì ít nói, lúc giận lại càng ú ớ không nói ra lời, chỉ hầm hầm nhìn vợ.
Chị Mè dại quá, chồng đã giận tím mặt thì nên biết im đi, nếu cần còn phải dạt xa ra mới là khôn. Đằng này thấy chồng im lặng, chị càng tăng nghi ngờ, hỏi sát ván:
-Có phải con Câm mang bầu với anh không?
Hỏi thẳng đuột thế, khác gì cầm dao xoáy vào tim anh Mè? Vừa giận vừa thấy nhục quá, anh gầm gừ:
-Im ngay! Nói bậy, ông đấm cho vỡ mõm!
Vì không phải là người đàn bà khôn ngoan nên chị Mè chẳng vừa, lập tức ngửa cổ, cong môi lên thách thức:
-Đây, mõm đây! Mõm đây!... Thử đấm vỡ mõm xem… Ối làng nước ơi!...
Không chờ vợ xong câu, anh Mè đấm thật, nhưng không nhắm vào mõm mà vào gò má vợ. Hai mắt tóe hào quang, chị Mè ngã văng ra đường. Thế là vừa lăn ra đất ăn vạ, chị vừa gào làng nước toáng lên, như cháy nhà. Tình hình thập phần nguy ngập.
Vừa may có anh Lực từ đâu chạy đến, nắm tay anh Mè lôi đi:
-Thôi nào, cho tôi can hai ông bà... Ai lại đánh nhau giữa đường thế, người ta cười kìa… Vào quán uống với tôi ly nước cho hạ hỏa rồi tính.
Ngồi trong quán, vẫn nghe rõ mồn một tiếng chị Mè tru tréo:
-Ối ông Đẹt ơi là ông Đẹt ơi!...
Anh Lực tủm tỉm cười, liếc bạn:
-Giờ tôi mới biết thì ra ông còn có tên Đẹt đấy?
Anh Mè cau mày, buông sõng:
-Đẹt là bố tôi!
-Ô hay, vợ ông gào tên bố chồng làm gì vậy?
-“Nó” gọi bố tôi về để mách tội tôi vừa đấm “nó”. Tính “nó” thế!
Tiếng chị Mè lại ngân nga thảm thiết hơn:
-Ối bà Sò ơi!...
Anh Lực gật gù:
-Tôi biết rồi. Bà Sò là mẹ ông.
-Không phải mẹ tôi. Là mẹ “nó”. Tính “nó” thế!
Bây giờ thì anh Lực không thắc mắc nữa. Anh đã hiểu: chị Mè gọi cha mẹ hai bên về để chứng kiến cho thảm cảnh của chị hôm nay.
-Ối Bìm Bìm ơi!...
Anh Lực ngạc nhiên:
-Kìa, còn Bìm Bìm là ai?
-Là tên “nó”… Thôi, cám ơn ông nhé. Tôi phải đi đây. Thế nào “nó” cũng sắp…
Anh Mè bỏ lửng câu nói, xô ghế đứng phắt dậy, cùng lúc với tiếng vợ anh thống thiết:
-Ối Cò ơi!...
Anh Lực ngạc nhiên quá nhưng chẳng còn ai giải đáp thắc mắc cho anh nữa. Anh Mè đã đi thẳng một mạch khá xa rồi.
Con Câm cứ đứng bên trong “đắm đuối” nhìn ra thế kia thì không chỉ gây họa cho mình anh Mè mà còn nhiều người khác nữa. Chẳng hạn như bác Sửu trai. Vì bác Sửu gái cũng có thắc mắc y hệt chị Mè, rằng: nếu “không có gì” sao con Câm nhìn thấy bác Sửu trai lại mừng đến thế?
Các bà vợ này thật quá quắt. Chẳng ai chịu hiểu ra điều đơn giản: con Câm bị nhốt trong nhà cả ngày, tù túng lắm. Nó thích đi chơi nên thấy bất cứ ai thong dong xuôi ngược là nó thèm. Mà đâu chỉ người, nhìn con chó con mèo chạy giỡn, nó cũng thèm thuồng ước ao được tự do chạy nhảy như chúng.
Bác Sửu trai một phen khốn khổ vì lòng đa nghi của vợ. Đến nỗi bác xách túi quần áo tuyên bố bỏ nhà đi luôn, “thề chết không về”. Tưởng lúc giận nói cho sướng miệng, ai dè bác đi thật, một tuần rồi hai tuần cũng không một tung tích gì.
Lúc đó bác Sửu gái mới quýnh lên, nước mắt lưng tròng, nhờ hàng xóm làm ơn đi tìm chồng hộ bác. Giờ thì bác ân hận lắm, đã tin chồng trong sáng rồi. “Người ta” trong sáng mà cứ bị tra vấn như khảo tù, hỏi sao “người ta” chẳng nổi điên, “tung hê” tất cả? Lỡ có con nào “nước đục thả câu”, sẵn sàng mở cửa đón “người ta” thì sao? Thì bác mất chồng, các con bác mất cha, chứ giăng sao gì nữa?
Trên đây chỉ là trường hợp của anh Mè và bác Sửu trai thôi, còn nhiều nhà khác cũng xảy ra lục đục tương tự. Sẽ còn nhiều bi kịch cho đến khi con Câm đẻ xong và lão Vược đưa đứa bé đi xét nghiệm mới trắng đen rõ ràng, “ra ngô ra khoai”. Các bà vợ thì thào bảo nhau thế. Nhưng trong lòng bà nào cũng âu lo mất ăn mất ngủ: Lỡ xét nghiệm ra, đứa bé đích thị là sản phẩm của “ông chồng yêu… vấu” nhà mình thì ăn nói làm sao? Chẳng lẽ phải bỏ quê tha phương cầu thực cho… bớt nhục?
Bụng con Câm hôm nay đã lùm lùm. Nó có vẻ mệt, hay vòng tay ra sau đấm lưng rồi nhăn nhăn nhó nhó. Mụ Tích mấy lần giục cha con lão Vược đưa nó đi khám thai nhưng cả hai cứ lờ tịt. Không biết có phải sợ tốn tiền hay chỉ đơn giản như lời lão Vược:
-Nó vẫn ăn ngủ bình thường, khám khiếc làm quái gì? Người ta bảo siêu âm hại lắm, lỡ ra “lợn lành thành lợn què” thì khốn!
Mụ Tích càng sinh nghi: con Câm chửa hoang mà sao cha con lão Vược “tỉnh như ruồi” thế? Phải đi trình báo cho người ta truy tìm thủ phạm chứ? Hay lão Vược đã biết thủ phạm là ai rồi? Là ai? Là ai nào?
Mụ Tích bứt tóc nhéo tai nghĩ… nghĩ mãi, mấy ngày liền. Sau cùng, mụ trố mắt, kêu lên một mình: Không chừng chính là lão Vược hay thằng Lộ đấy? Thôi, đích thị rồi! Còn ai “trồng khoai đất này” nữa?
Mụ Tích gật gù, phân tích thêm: Thời buổi bây giờ chuyện loạn luân không thiếu. Hai cha con lão Vược đều sống cô độc, thiếu vắng hơi đàn bà từ lâu, ra vào chỉ có một đứa con gái đang tuổi dậy thì. Dù thiểu năng trí tuệ thì nó vẫn là con gái. Cả lão Vược, cả Lộ lại đều nghiện rượu, chiều nào cũng thấy “ngồi đồng” ngoài quán nhậu đến nửa đêm. Ai biết khi nào “ma ăn cỗ”? Lúc đã say bí tỉ rồi thì còn lý trí đâu mà không làm bậy?
Thế là cũng từ miệng mụ Tích, người ta đổ hết tội lỗi lên đầu cha con lão Vược. Họ bảo nhau tẩy chay: không nói thẳng ra miệng nhưng cứ lảng tránh dần, không chuyện trò, không lui tới, không ngồi chung bàn, như thể cha con lão là một giống virus thập phần nguy hiểm.
Lão Vược uất lắm. Đã già chừng này tuổi rồi, lẽ nào lão ngu si không hiểu thái độ của người ta? Họ xa xôi bóng gió, mỉa mai, giễu cợt lắm điều đến nhục. Lão cắn răng chịu đựng. “Con dại cái mang”, biết làm sao?
Nghe nhiều tiếng động lạ bên nhà lão Vược, mụ Tích hoảng hốt chạy sang, thấy con Câm đang nằm dưới đất giãy đành đạch, miệng ú ớ liên hồi. Mồ hôi vã ướt áo, mặt nó tái xanh mà tay chân thì lạnh ngắt.
Mụ Tích đỡ nó ngồi lên, hỏi dồn dập:
-Làm sao thế, Câm? Đau bụng à? Đã đến tháng đẻ đâu?
Nhìn bộ dạng con Câm, mụ biết nó đang đau lắm, đau đến sắp ngất lịm mất rồi. Mụ vội dìu nó xuống đò, chèo qua khỏi khúc ngã ba sông mới có xe lên bệnh viện thị xã.
Lúc Lộ hay tin, bỏ dở cuốc xe ôm chạy vào bệnh viện thì con Câm đã được người ta đưa đi làm các xét nghiệm cần thiết xong xuôi rồi, đang chờ bác sĩ hội chẩn.
Khoảng nửa giờ sau, một cô điều dưỡng ra gọi người nhà vào gặp bác sĩ.
Lộ vừa dợm đứng lên thì mụ Tích đã nhanh nhảu giành lấy:
-Để tao! Mày đàn ông đàn ang biết gì chuyện sinh đẻ?
Lộ thấy có lý, ngồi lại chờ.
Một lúc, mụ Tích quay ra, chìa cho Lộ tờ giấy, bảo:
-Đi đóng tiền ngay. Bác sĩ sắp mổ cho con Câm.
Lộ sửng sốt:
-Sao phải mổ? Nó bị gì nặng lắm à?
Mặt mụ Tích tiu nghỉu:
-Bác sĩ bảo nó bị u xơ tử cung, thêm nang buồng trứng xoắn. Phải mổ cấp cứu liền.
Lộ ngớ ngẩn, hỏi thêm:
-Còn đứa bé… có khỏe không?
Mụ Tích cau có:
-Chẳng có đứa bé nào cả. Con Câm bị khối u thôi, mổ cắt bỏ là xong.
Lộ trố mắt như không tin vào tai mình, lắp bắp:
-Không phải… nó… chửa hoang à? Thế mà…
Mặt buồn hiu, mụ Tích buông tiếng thở dài:
-Tao cũng vừa hỏi bác sĩ thế, bị bà ấy mắng cho xấu hổ. Bảo con bé không chửa đẻ gì cả. Nó vẫn còn nguyên si!
“Nó vẫn còn nguyên si”! Chỉ một câu gọn gàng thế thôi mà làm Lộ muốn khóc tu tu lên quá. Như trút bỏ được hàng tấn đá xanh vác trên lưng mấy tháng nay, hắn đứng thần mặt ra.
Mụ Tích lại gắt:
-Còn không đi đóng tiền à? Nhanh lên!
Vừa lúc lão Vược vào đến. Lão vồ lấy thằng con, hỏi dồn:
-Con Câm sao rồi? Đẻ chưa? Trai hay gái?
-Nó bị khối u thôi, không đẻ chửa gì cả. Bà bác sĩ bảo nó còn nguyên si!
Lão Vược khác nào vừa lọt vào… thiên đàng. Mắt mi đỏ ửng, tim đập như trống trận, lão xúc động nhìn con trai:
-Thế mà tao lại nghĩ… mày bậy bạ với nó…
Lộ trợn mắt nhìn cha, cơn giận bốc lên hừng hực. Hắn ước gì có thể đấm cho lão Vược vài cái mới hả. Nhưng hắn là con, đánh lão thế nào được? Sao cha hắn có thể nghĩ ra chuyện kinh khủng ấy? Chẳng lẽ hắn tệ hại hơn súc vật hay sao?
Lộ cố nuốt cơn giận xuống, để “trả thù” cha bằng một câu nhẹ nhàng:
-Thì tôi cũng thế… Tôi tưởng… ông loạn luân…
Như vừa bị cao thủ võ lâm phóng một chiêu Giáng Long Thập Bát Chưởng ngay hồng tâm, lão Vược nhảy dựng lên, thộp lấy ngực áo con trai vừa đấm thùm thụp vừa ngoác miệng gào:
-Thằng bất hiếu!... Thằng súc sinh!... Thằng trời đánh!... Mày nghĩ tao khốn nạn đến thế à?
Rồi lão buông Lộ ra, ngồi thụp xuống, hai tay bưng mặt khóc ồ ồ. Bao nhiêu uất ức, nhục nhằn dồn nén trôi theo dòng lệ, lòng lão mỗi lúc một nhẹ thênh thênh.
Từ từ bình tâm lại, lão Vược thấy con trai không đáng trách nữa. Thì ngay chính lão cũng đã nghĩ xấu cho hắn đấy thôi. Lẽ ra lão phải tự trách chính mình trước, “thượng bất chính, hạ tắc loạn”. Nếu ghép tội thì tội lão khác gì Lộ? Thôi, dù sao cũng tai qua nạn khỏi, trắng đen minh bạch rồi, từ giờ không còn ai xì xèo nữa.
Lão Vược thầm tính toán: đợi con Câm xuất viện về nhà, thế nào lão cũng phải làm một bữa ăn mừng, mời đông đủ làng trên xóm dưới. Dù có phải đi vay nợ lãi suất cắt cổ, lão cũng tổ chức bằng được. Để giữa “ba quân”, lão sẽ dõng dạc nói to lên rằng:
-Cha con tôi nghèo hèn thật nhưng vẫn là con người. Có phải họ nhà tôm đâu mà lộn c… lên đầu?!