Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      

 CÕI NHÀ


T âm và cô con ngồi ghé trên ghế đá ngôi nhà vắng chủ, dưới tàn cây trứng cá. Tiếng cô con than thở: “Tối nào ba cũng chở dì đi phố tới gần hết truyền hình mới về. Mẹ chờ nổi không?”.

Thì chờ, đành phải chờ chứ! Sương đêm thấm lạnh, cái lạnh không chỉ từ sương, từ ghế đá. Đại lộ tất bật đèn, những luồng đèn như xoi mói. Dù sao cũng phải cảm ơn chiếc ghế và tàn cây đã giúp hai mẹ con chị đỡ lựng xựng trước cửa nhà ba nó. Thật là đỡ, đỡ cực đã đành, còn đỡ được những ánh mắt tọc mạch lúc nào cũng sẵn ở chung quanh.

Tâm dựa hẳn vào lưng ghế, khoanh tay như giữa công viên những chiều cô độc. Chị nhìn rõ dáng đi tới đi lui bồn chồn của đứa con trai trước cửa nhà ba nó gần bên. Nó còn sốt ruột hơn cả Tâm và cô chị. Vụt, nó rời ngay chiếc cổng rào ngôi nhà, chạy tới thào thợt báo tin. Nó đã nhận ra tiếng xe ba nó bằng đôi tai thính nhạy của đứa con.

Luồng đèn sáng loá thói vào mắt Tâm nhưng hình như họ không nhận ra chị đang ngồi như thể mai phục đằng nầy. Tiếng xe tốp máy êm ru, tiếng bánh lăn trên đá hè rào rạo. Chị nhìn thấy quanh vòng bụng bắt đầu chảy xệ của anh chàng một vòng tay thật trắng, thật tình tứ.

Cô con nhấp nhỏm đứng dậy, thấy mẹ còn ngồi nán nên thôi. Vội gì! Tâm tiếp tục quan sát. Chị chàng đã nhảy xuống mở khoá rào, anh chàng ngồi nguyên trên xe choi nó qua cổng. Những cử động của họ thật nhịp nhàng, ăn ý của thứ hạnh phúc bình thường không có gì đáng nói nếu như, phải, nếu như cả hai hạ cố dừng lại nhìn qua thằng bé. Như nó là đứa ăn mày lảng vảng không bằng!

Người như bốc cháy, Tâm đứng vụt dậy. Lại nghe: “Em nói hồi ba lên cup, cup đầu vuông hẳn hoi nghe, em chưa được ngồi lên cho ba chở lần nào. Ti-vi, cát-xét gì ba cũng để trong phòng hai người khoá lại. Có bữa ở nhà một mình, không có gì xem em ngồi em khóc trước cửa. Thì mẹ biểu chỗ đâu học? Phòng em chớ bàn cũng chớ đèn, như ba cố ý vậy để em chạy về đằng mình hay sao ấy!”.

Tâm bước sải tới, rõ ràng cảm giác xung trận. Cô con lẽo đẽo với chiếc xe đạp theo sau. Thằng nhỏ vẫn còn lớ ngớ với chiếc xe đạp tàng của nó bên cánh cổng. Chị gắt sao không chạy vào cho hay còn ở đó? Nó quýnh quáng chạy đi, cái lưng dài dài, cái dáng lừng khừng, trời, sao mà giống như thể chơi khăm vậy?

Để chủ nhà kịp nhận thông tin, Tâm buộc lòng dừng lại. Chị đưa mắt bâng quơ và bắt gặp những chùm bông đong đưa của bụi quân tử uốn thành vòm bên trên trụ rào, thứ bông càng dễ hồng lộng khi nắng già như để chứng tỏ, để thi gan. Chị nhớ sực và những muốn kêu lên bởi có lần: “Anh dọn tới cơ quan đi, anh đi là phải”, khi không khí ly thân tại gia hồi ấy của hai người đã trầm trọng đến mức hai đứa nhỏ cũng có triệu chứng tâm thần. Anh bỗng cao giọng: “Đi hả? Cô đi thì có! Nhà đất tịch thu nầy người ta cấp cho tui chớ cô là cái thá gì?” Tâm bật cười tê tái: “Vậy mà tôi tưởng anh sẽ quân tử vì các con. Được rồi! Ba mẹ con tôi sẽ không chết vất ở vỉa hè đâu. Nhưng xin được nhắc anh: Luôn luôn có danh nghĩa ba chúng tôi trong cái giấy cấp nhà này, nhớ đó!”. Thế rồi, trong nỗi khinh không còn chỗ cho giận dỗi hay căm thù, chị cắp hai con tới nhà tập thể cơ quan, chịu cảnh cửa chung, nước chung và vô số phiền toái khác. Không ngờ sau gần mười năm trở lại mảnh đất bị tường rào kiên cố làm thay đổi gần như tất cả, chị chạm trán ngay với quân tử. Anh ta đã thành, sắp thành hay chỉ mới mơ ước qua giàn bông như biểu tượng trước cửa nầy? Nếu vậy sao mới đây thằng con chị còn: “Mẹ lại nói chuyện với ba đi. Mẹ thuyết phục thì ba mới chấp nhận con!”. “Trời, ai lại phải chờ người khác nói thì mới chịu thương, chịu cưu mang con mình, hả con?”. Nói vậy nhưng Tâm vẫn săm sắn ra đi để xem con đang lâm cảnh nước sôi gì từ cái hôm tự cuốn đồ chạy về ba vì “nhà ba mới đã!”. Nổi xung trước giàn quân tử như thách thức mình, chị bước xộc vô, không đợi chủ nhà có mời hay không.

Đã được các con mô tả thường xuyên, Tâm không thấy lạ với những gì thuộc về ngôi nhà không còn chút vết tích ngày xưa. “Ba phá banh nhà cũ - có lần thằng nhỏ hổn hển khoe sau khi tạt qua chỗ ba nó - Thợ làm cái phòng khách hổng vừa ý ba bắt đập ra làm lại luôn. Bữa dời nhà, lính của ba tới lau từ trước ra sau, lau từng viên gạch”. Chị buột miệng: “Tới mức đó lận à?”. Nhưng nó thản nhiên: “Vì ba có chức. Mẹ thì có chức không?”. Một cái tát thật thản nhiên. Tâm không thèm chấp, ai lại đi chấp nhứt con mình, đứa con dù ít hay nhiều cũng bất hạnh rồi.

Ngồi xuống chiếc salon gần cửa, chị cảm thấy ánh mắt mình nhọn hơn, gò má nhô cao, cùi chỏ, đầu gối sắc cạnh ra trong tâm trạng phừng phừng. Chị chiến đấu với ai, với cái gì, không rõ, nhưng đang dọn mình như là chiến đấu. Vọng ra tiếng họ lào xào như thể ngạc nhiên và tiếng bật ti-vi thật khẽ.

Phòng khách thênh thang, không thiếu tiện nghi của một phòng khách danh giá. Tuy vậy, sao có mấy nhánh trường sinh cháy héo trên nóc tủ buyp-phê, bụi ám đầy chiếc máy điện thoại màu đen trong góc, màu đỏ gắt từ những chiếc rèm cửa bằng soire và phông lịch hình ông tiên nhuộm vàng đỏ loè loẹt trên tường? Tức khắc, Tâm tóm lược được chất lượng bà chủ mới. Chị đưa mắt sang phòng kế, qua con, chị biết trước nó là phòng thừa. Căn phòng tối om, không thể thấy gì qua tấm tuyn đong đưa phủ khung cửa sổ giả thông với phòng khách. Và, chị biết, phòng tiếp kia là phòng ngủ của họ với đèn màu hông, tủ kiếng, bàn trang điểm loại tân thời, quạt ngoại và tất cả, qua lời mô tả từ lâu của hai con. Thứ đến, chỗ khoảng trống cạnh khung cửa nối hai gian nhà là khu phụ kiểu tây cho cả việc phơi phóng, cuối cùng là nhà bếp nằm ngang, nhìn thấy chiếc nồi điện Nhật thời chị để lại và chiếc bàn ăn bằng phoocmica chị còn thuộc từng vết xước. Thế đã đủ hình dung về họ, cuộc sống dù có bồng lai so với cuộc sống của mình cũng chẳng liên can gì đến mình, nghĩ vậy, chị quay lại với hai con đang xếp hàng trên đivăng trước mặt. Thuộc về mẹ trọn vẹn từ cặp mày sắc, mắt như có lửa, tính khí không biết đến nhún nhường, lại già trước tuổi, cô con thiếu nữ của Tâm như một người lớn thực thụ trong nhiệm vụ hộ tống mẹ. Cô ngồi đong đưa, khi nhìn xuống ngón chân, khi trợn trạo nhìn chỗ này chỗ khác, phẫn uất, khổ tâm, như cô đang vô cùng khó xử. Cô đứng về phía mẹ trong mọi chuyện, như mình Tâm sinh ra cô và lúc nào cũng là chỗ dựa trung thành của mẹ. Còn nhớ hôm Tâm được phân nhà sau gần mười năm chịu cảnh nhà tập thể, nó, cô con cương cường, cô con sôi nổi chạy ào vào nhà mới, mở toang các vòi nước để nghe tiếng nước chảy. Bái chào cảnh cấu chí như cơm bữa bên vòi nước công cộng cạnh cầu thang. Bái chào cảnh vác quần áo ngồi lê trước cửa phòng tắm mỗi chiều. Chào cả cảnh nhứt cử nhứt động gì cũng bị người bên cạnh chõ mắt vô. Vậy mà, khác hẳn với con chị, thằng em thả lơn tơn dọc căn hộ mới của mẹ, trũng cái môi yếu ợt xuống, lạnh lùng: “Nhà vầy cũng nhà! Vừa chật, vừa hổng lót gạch, hổng làm trần. Coi nè, động gót chưn xuống, nền xi-măng bể như bánh tráng nướng, còn thua cái chuồng heo đằng ba!”. Và không để mẹ kịp chạy tiền làm sân rào, cất thêm bếp để dựng phòng cho con, nó vọt về với ba ngay. Giờ, nó, thằng bé luôn coi ba là thần tượng, chỗ của ba là thiên đường đang ngồi đó hoang mang, khép nép như bị cáo đang chờ toà phán quyết sau khi tốc chạy về đằng mẹ đưa mẹ và chị tới làm “thuyết khách”.

Anh chồng cũ của Tâm bước ra trước, huỡn đãi trong bộ pygiama màu cà phê sữa viền nâu và tờ Nhân Dân kẹp bên gói Jet. Gương mặt trắng bột, to ngang, được bia bọt tẩm bổ phị ra, xềm xệp chảy xuống cằm. Anh ta đưa mắt đối phó Tâm, mím môi quẳng tờ báo và gói thuốc xuống bàn, tréo ngoảy trên chiếc salon bên kia, chờ đợi. Hình ảnh tấm lưng dài cong như dấu ngoặc đơn mỗi khi đánh trần ngồi xổm trên ghế để viết diễn văn, văn kiện được thay bằng bộ dạng thuần thục trong salon, kèm theo vẻ lơ đãng nhấp râu cằm, lơ đãng cầm lên tờ báo, như một cấp trên đang chờ nghe cấp dưới báo cáo chuyện gì.

Tâm mím miệng nhìn lướt đi, thẳng thừng đề nghị mời “dì nó” ra luôn. Anh chồng nhíu mày nhưng vẫn ra hiệu cho thằng nhỏ chạy vào. Lát sau người phụ nữ ấy xuất hiện, người mà ba chúng nó không hề ra mắt các con hồi tổ chức cưới. Trẻ hơn Tâm – dĩ nhiên rồi – trơn mềm, no đủ, vết tích cuốc đi phố ban nãy còn dày nguyên trên gương mặt nhìn qua cũng biết là mẫu người của sơn quét. Anh chàng sợ những người hay lời lẽ rồi chăng? Không vậy sao dừng lại với người phụ nữ chỉ toàn trơn với trắng nầy sau khi đã tai tiếng chán với những người được coi là “chức sắc” trong giới anh ta? Đập vào mắt Tâm đôi bông tai áng là hột xoàn, sợi dây chuyền đủ sức chọc tức bọn giựt dọc và hai cánh tay tròn lẳn dưới lần áo muosseline màu hông phấn. Quả, thời sống với Tâm anh chàng cứ ao ước chị “nhiều thịt” hơn, ước một tấm nệm dày, giờ thấy anh ta đạt được những thứ đó chị lại không ngạc nhiên, cũng không se buồn. Chị nhớ: “Thấy cái phòng ngủ của tụi nó má càng thương con”, đó là lời bà nội sắp nhỏ khi bà ghé qua chị thăm, tỉ tê, tiếc nuối và khóc như đứa trẻ.

Chị chàng ngồi sà xuống góc đi văng, bộ ngồi ngoách sang bên, tuyên chiến.

Tâm bình tĩnh:

- Tôi biết việc thằng nhỏ không chịu ở yên đã làm khó cho hai nhà. Khó tôi tôi chịu vì từ lâu tôi đã tự nguyện nuôi con và tôi nuôi con là phải. Nhưng con cái là chuyện của lịch sử, không ai chối bỏ lịch sử được, anh Liêu với dì nó đây chắc cũng thấy như vậy, đúng không?

- Muốn gì nói đại đi, vòng vo mẹ gì! – anh chàng bực bội ngắt lời.

Tâm nhìn trân trân tới trước cay đắng: thì ra vẫn nguyên vẹn vẻ cụt lủn thô thiển ngày nào, còn những thứ Tâm ghi nhận đều của bề ngoài, do bối cảnh cho phép! Chị kiên nhẫn:

- Thì tôi đang nói đây thôi!

- Sao hổng chịu huỵch toẹt là tại tụi nầy thằng nhỏ mới chạy về đằng đó? Muốn lên án thì lên án đi.

- Đừng nóng! Chính tôi đang muốn nghe hai người nói về nó trước. Để chúng ta còn rầy dạy nếu lỗi thuộc về nó!

Chị chàng ngồi lùi vô trong, ngúng nguẩy vòng tay qua gối, bất mãn sâu sắc. Anh chàng đốt thuốc và lấy giọng nghiêm trọng, bắt đầu đưa thằng nhỏ ra vành mòng ngựa. Nào cóc chịu học hành, nào mê bạn, nào vô lễ với khách, nào không hoà thân với dì, nào thích giả giọng lãnh đạo trên điện thoại với mấy đứa bạn nhà có điện thoại riêng. Vân vân và vân vân.

Tâm buồn rầu nhìn con trai. Nó đó, đứa con hoàn toàn của hoà bình, thanh phẩm của những đêm ba nó xong một bài diễn văn lời lẽ ngút trời cho các vị lãnh đạo tại những cuộc mít tinh, liên miên hồi mới giải phóng. Cũng nó, đứa con chị sinh một mình trong bệnh viện vì ba nó bận đi giảng bài “Thế nào là đạo đức tác phong của con người mới” cho cánh thanh niên chuyên mặc quần loe và để tóc dài. Cũng nó, khi chị “xớt” lại có tính tạm thời cho anh chàng trong ngôi nhà không còn chị để chàng ta được thăng bằng thì nó bị tha đi hết bữa nhậu này sang bữa nhậu khác để làm vật tế lòng trắc ẩn của người đời, đến nỗi chị phải “thu” nó. Nó đó, nó đang ngó chăm chăm vào người luận tội nó, thống khổ, long lanh, rồi tái dần. Đoạn bật nói:

- Ai biểu khách tới nhà hỏi con là ai, dì nói cháu dưới quê lên ở nhờ đi học? Ăn cơm dì hổng thèm nói chuyện, ba cũng hổng nói luôn, còn…

Nó cắn môi nín chịu và lặng lẽ quẹt nước mắt. Anh chàng đưa mắt cho Tâm như nói: Tại cô, cái khổ nầy cô phải lãnh đủ, nghe chưa! Chị chàng cũng đưa một đường mắt cho chồng, ngồi nguýt vô trong chút nữa, ý bảo: Anh làm sao thì làm. Tui hết chịu nổi rồi đây!

Im lặng như nghẹt thở. Anh chồng của Tâm dịu giọng:

- Thôi, con về đằng mẹ để ba yên, ba tạo dựng sự nghiệp cho con. Cả sự nghiệp của ba là của con chớ ai vô đây nữa!

Cô con gái nhà họ đưa tay bụm miệng định cười nhưng bị mẹ trừng mắt nên thôi. Đây không phải lần đầu ba nó thị oai trước mặt nó mấy từ “sự nghiệp” trong khi anh chàng không nhớ nó đang học lớp mấy, tuổi gì, cô con khác thường ấy.

Tâm đứng vụt dậy, cũng chính vì hai tiếng sự nghiệp, chị đi lướt qua hai vị chủ gia, dừng lại trước cửa phòng dành cho thằng bé. Giờ, qua ánh đèn phòng ngoài, chị nhìn thấy chiếc giường sắt thời xưa, chiếc chiếu rách góc, chiếc gối trần bên cạnh những cuốn tập vương vãi, chiếc tủ con cóc, chiếc máng đèn mất bóng nom đầy vẻ phế thải và giá áo treo bằng sợi nilong xộc xệch dính với cây đinh trên tường. Một cái phòng bị chối bỏ! Chị bước trở ra ngay, đanh giọng:

- Tôi phải đường đột xộc vô phòng thằng nhỏ để xem nó có lỗi tới mức nào.

- Cô định cầm quyền cái nhà nầy nữa sao? – anh chàng nói áp đảo đoạn bỏ vào trong, Tâm biết, phản ứng quen thuộc đó là để qua truông, để chạy nạn và chị không cách nào truy kích được. Vọng ra tiếng máy catxet thật to, át đi tất cả.

- Chị thấy đó – cô vợ mới của anh chàng cùn quằn lên tiếng – Có gì ảnh bỏ ngang, tui chịu đựng hết!

Chị ta lại lùi sâu, lại trở bộ để bày tỏ sự “chịu đựng hết” của mình.

Như quả bóng xì hơi, Tâm đứng rũ nhìn con trai, chỉ thấy buồn, buồn thấm thía. Giọng chị ỉu xìu:

- Đi, về với mẹ cho yên, con! Ba cũng có quyền yên bề, chớ!

- Con…con muốn ở với ba hà! - thằng nhỏ bật nói chói lói, bất ngờ như tiếng hét.

Cô chị bật dậy, cong người ghé vô mặt em:

- Cưng mê muội lắm. Cưng có mắt không, có tự trọng không? Giữa cái ăn, cái đầy đủ với cái tinh thần cưng chọn cái nào? Chị hả, chị chỉ thích ấm cúng, ăn muối mà vui vẫn hơn!

Bà dì tím mặt vì những lời búa bổ của cô gái nhưng đấu dịu:

- Về đi con! Về bên mẹ đi! Muốn gì nói đại ba với dì ráng lo!

Tâm biết, đó là cơ hội ngàn vàng mà thằng nhỏ mong đợi. Điều kiện được nó đặt ngửa ra ngay. Đó là chiếc xe đạp toàn đồ ngoại nhập, có gắn líp, nhứt thiết phải màu đỏ và inox từ yên sau đến vành bánh, ghi-đông. Sự thoả thuận diễn ra trôi chảy. Nó theo mẹ ra về, vẻ đắc thắng hiện rõ trên gương mặt xúc động.

Cuối cùng, dù có lâu lắc, chiếc xe cũng đã ra đời, cụp lạc, bằng một chỉ vàng, tức bằng bảy tháng lương của người mẹ, bằng chục bài báo của Tâm trên báo nhà, nghĩa là bằng khoảng ngần ấy tháng làm thêm của chị. Mỗi khi thấy con bỏ cả nghỉ trưa cặm cụi đánh từng chiếc căm sau buổi học, chị cứ tự hỏi có phải chị đã hạ sanh nó không? Nó, đại biểu hồn nhiên và ưu tú của thế hệ cứ muốn phắt sướng, lớn lên phải phắt giàu hoặc phắt thành lãnh đạo. Giờ thì cứ phắt nổi điên!

Những tưởng thời gian sẽ đủ mạnh để đặt con người ở yên trong trật tự. Lần đó, thằng nhỏ lại tạt qua chỗ ba, khi về lại hào hển khoe: “Ba lên lắm rồi mẹ. Ba có chế độ đi làm bằng xe con rồi!”. “Mẹ thì mẹ nhổ vào thứ xe đó!”. “Xì – nó xệ cái môi trũng xuống nhưng đã biết kiềm chế hơn - Tại mẹ nói túng đó thôi. Vậy chớ dưới quyền mẹ có bao nhiêu người, mẹ có điện thoại riêng không? Đó, nội  chuyện điện thoại mẹ cũng thua đứt ba rồi!” Và lần nữa: “Ba có đầu máy video rồi. Người ta đem tới tận nhà luôn. Con nói mẹ đừng buồn nghe. Ở với mẹ thì phủ phê tình cảm nhưng riết con đâu biết thịt heo là gì, trái cây là gì. Còn đằng ba hả, người ta phóng hon-đa tới đưa quà nườm nượp riết dì hổng thèm hỏi tên người đó luôn. Mẹ cho con về đằng ba đi!”

Tâm không biết trả lời con thế nào vì chị đã thức đến rạc người, đã gõ máy chữ ê cả vai, nhưng quả tình lâu nay ba mẹ con chị đã không còn biết thịt heo là gì, trái chuối là gì. Chị định nói với con rằng chị đang cố làm người lương thiện để làm gương cho nó nhưng sợ tiếng xì, sợ cái môi hay trũng xuống và sợ cả những cơn hỗn đầy ấm ức trong nó. Rồi chị lại muốn viện tấm lòng và lương tâm ra nhưng đó là những thứ vô hình nhấtt, trừu tượng và cũng dễ khoe loè nhất.

Bấy giờ nó nhốm lớn, đã vỡ giọng để chuẩn bị thành chàng trai, vì vậy chiếc xe có líp không là cái thá gì nữa. Nó sang với ba thường hơn, lần nào về cũng có cái để khoe, để khích bác mẹ. Lần đó, nó sà xuống chỗ mẹ nằm, không giấu được vẻ toan tính trong bộ điệu, ánh nhìn, giọng nói: “Mẹ chịu khó đi nói cho con về đằng ba đi. Không thì… con nghỉ học!”.

Với Tâm mấy tiếng nghỉ học cũng bằng với bụi đời, đi tù, có nghĩa là tự sát! Chưa để mẹ phân trần, giác đác, nài nỉ hay làm mặt giận, nó đùng đùng cuốn đồ đi, thanh thản, quyết liệt lạ lùng.

Tâm thường nằm dài để hình dung con tự xoay sở với căn phòng bỏ xó, những bữa ăn lạnh lùng, những buổi tối tha thẩn dưới vòm cây quân tử. Không, hình như nó cóc cần mọi thứ và sẽ chống lại bằng cách chộp lấy chiếc xe cub để phóng bạt mạng ra đường vừa trả thù số phận, vừa ve vuốt tính háu thằng trẻ con, cũng vừa ra vẻ ta đây con Ông Lớn. Những muốn lao đến với con nhưng chị đã bất lực hoàn toàn.

Chị hay tự vấn mình có lỗi gì trong chuyện này và trong những giấc ngủ thiếu vắng chập chờn, bao giờ cũng là hình ảnh đứa con trai với đủ kiểu tai ương vây quanh nó. <

Cần Thơ 1/4/1992





VVM.24.7.2021

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
vietvanmoinewvietart007@gmail.com