Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      



QUÊ NGOẠI



    N ăm nay, tôi mười bảy tuổi, cái tuổi “bẻ gãy sừng trâu”, đã khá trưởng thành và có thể hiểu một phần cuộc sống. Nhưng không hiểu sao, tôi lại rất thích là trẻ con. Tôi bị bà và mẹ mắng nhiều về tính “le te trẻ con” ấy mà vẫn không chừa được. Nhiều khi ngồi trong phòng học, ngắm bầu trời bao la rộng lớn qua khung cửa sổ, tôi mỉm cười một mình. Tôi cảm thấy thật may mắn khi được sinh ra trong một gia đình hạnh phúc. Mọi người đều dành cho tôi tình cảm yêu thương hết mực vì tôi là “con gái rượu” trong nhà. Chính vì vậy, tôi có những kí ức tuổi thơ thật đẹp.

       Đã trở thành một thiếu nữ nhưng trong suốt mười bảy năm qua, trong tâm trí tôi luôn hiện lên những ngày tháng tuổi thơ ngộ nghĩnh. Tôi còn nhớ ngày bé, mẹ tôi thường cho tôi lên nhà ngoại chơi. Mặc dù khoảng cách khá xa nhưng chủ nhật nào mẹ tôi cũng đèo tôi trên chiếc xe đạp cũ, thong dong về nhà ngoại. Tôi thích cái cảm giác ngồi sau xe mẹ, bon bon trên đường và nghe mẹ kể chuyện suốt dọc đường đi.

       Mẹ là chị cả trong gia đình ông bà ngoại. Tôi cũng là đứa cháu đầu tiên của ông bà nên ông bà, các dì, các cậu đều rất quý tôi. Mỗi lần cả nhà thấy mẹ và tôi đến là chạy ra đón, bế tôi lên và hỏi han rối rít: “Hôm nay, Bống ăn cơm với gì?”. Tôi không sao quên được câu trả lời ngộ nghĩnh, đặc chất giọng quê hương chùa Thầy của tôi: “Con ăn cơm với su hào”. Cho đến tận bây giờ, mọi người vẫn cứ trêu tôi, nhại giọng tôi.

       Nhà bà ngoại tôi gần giếng làng. Tôi không quên những ngày tháng được tắm thoải mái bên bờ giếng, chẳng có quần áo gì cả, mà cũng chẳng ái ngại khi mọi người đi qua. Cứ thế tôi “quẫy” trong chậu nước, được bà kì cọ cho từ đầu đến chân. Lúc ấy, tôi nhìn bà không chớp mắt và thấy bà hiền hậu biết nhường nào. Tiếc rằng giờ tôi đã lớn và không còn những cơ hội như thế nữa.

       Quên sao được mỗi buổi sáng dậy, bà ngoại dỗ dành tôi với bài hát “Meo meo meo, rửa mặt như mèo...”. Bà kể ngày còn bé, tôi bướng bỉnh và rất hay khóc. Có lần tôi khóc nhiều quá bà phát cho tôi một cái vào mông đến là đau. Nhưng rồi bà lại dỗ dành tôi, hát cho tôi nghe và mua kẹo cho tôi. Ngày hôm nay, những cái kẹo của lũ trẻ con làm tôi nhớ về những kỷ niệm ấy.

       Quên sao được những lần tôi và dì Út thi nhau nhặt hoa bưởi. Câu thách đố của dì Út: “Nào dì với Bống thi xem ai nhặt nhiều hơn”, làm tôi hứng khởi, nhặt nhạnh từng chiếc hoa bưởi rơi trên sân để chơi trò “bán hoa” kiểu trẻ con.

       Thời gian đã làm cho cuộc sống có nhiều đổi thay. Giờ đây, ông bà ngoại đã có hơn mười đứa cháu nội, ngoại. Tôi đã lớn khôn và trưởng thành, ra dáng là một đứa chị của đàn em nhỏ. Nhưng điều làm tôi càng khâm phục, quý mến ông bà, ấy là tình cảm của ông bà dành cho những đứa cháu thân yêu, không phân biệt nội, ngoại.

       Hôm trước về thăm quê ngoại, tôi rủ dì Út ra nhặt hoa bưởi và chơi trò bịt mắt bắt dê quanh gốc cây. Dì nhìn tôi phì cười: “Con bé này, còn bé bỏng gì nữa đâu. Lớn rồi không chơi trò trẻ con, nghe chưa?” Lúc nào tôi cũng ao ước một lần được quay trở về tuổi thơ yêu dấu để tận hưởng cảm giác vui sướng khi ngồi sau xe mẹ, khi được bà tắm và được cảm nhận hương thơm nồng nàn, tinh khiết của hoa bưởi.

       Cho đến tận bây giờ, tôi vẫn thích lên ngoại vào mỗi chủ nhật mặc dù không được mẹ đèo như ngày xưa. Vì sao ư? Bởi lẽ tình cảm nồng ấm của mọi người dành cho tôi. Tôi yêu quê ngoại vì quê ngoại là nơi chứa đựng bao ký ức đẹp đẽ thời thơ ấu. Mai đây, dù có đi trăm nẻo đường của cuộc sống những kỷ niệm ấy sẽ mãi khắc sâu trong trái tim tôi, giúp tôi đi tới thành công trong cuộc sống.




VVM.20.7.2021

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
vietvanmoinewvietart007@gmail.com