Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
         



NGƯỜI ĐÀN BÀ LANG THANG



    Đ êm cũng đã khuya, cả ngày hôm nay chẳng có lấy được một người khách.
        Căn phòng ẩm đọng nồng nặc mùi đậu nành đang lên men. Lũ chuột , ở căn bên cạnh, tẩng dỡn inh ỏi.

Ngồi cạnh chiếc lò bằng đất nung đã ở vào một tình trạng thảm thương, bà chủ nhà - một goá phụ cô đơn sống với một người con trai - ngồi trầm ngâm suy nghĩ với hàng ngàn điều vừa nặng nề vừa buồn thảm chất chứa trong đầu bà.
Gió lạnh luồn qua lỗ cửa, thổi ngả nghiêng ngọn lửa mong manh muốn tắt của chiếc đèn dầu làm mờ hẳn mọi vật trong gian phòng. Bà chủ nhà với tay, lấy một chiếc vớ cũ bị thủng lỗ , nhẫn nhục lấy ra từ một chiếc giỏ mây, dưới chân ngọn đèn, một chiếc kim khâu.
        Sự tẻ nhạt của mùa thu đang chiếm ngự hoàn toàn vùng quê này. Những chiếc lá úa rơi từ những cành cây làm hàng rào che trước, che sau sân nhà. Tiếng rơi của lá làm người ta có cảm giác là chúng rơi ngay bên tai. Nhưng cái khó chịu nhất, đó là âm thanh ám ảnh của nước, sau khi đã uốn éo dọc theo chiều dài của thung lũng, chảy thành tiếng, phóc! phóc ! phóc ... phóc! phóc ! phóc ...

Bên ngoài, có tiếng chân người đi. Bà già hối hả đứng dạy mở cửa. Thò đầu ra ngoài cửa liếp để đón con trai, bà cất tiếng hỏi :

- Thanh phải không ? . Song, đáp lại bà là một sự yên lặng.

Gió lạnh thổi trong sân quét thốc lên mặt bà những chiếc lá khô. Ngọn lốc ra sức đập vào mái hiên. Chắc hẳn bực bội vì những cơn gió, một con chó sủa văng vẳng từ xa. Khép lại cửa bà quay trở lại chỗ ngồi , nhưng đúng ngay lúc bà định ngồi xuống để tiếp tục việc làm dở dang, thì nghe có tiếng người ở mé ngoài lên tiếng hỏi :

- Có ai trong nhà không ?

Bà đứng phắt dạy mở lại cửa :

- Ai đó ? Chuyện gì vậy ?

Ngay trước cửa, một người thiếu nữ mà bà chưa bao giờ gặp. Khuôn mặt cô gái đen xạm , nhợt nhạt dưới ánh trăng. Chắc hẳn là thiếu phụ này lạnh lắm !. Do dự , rụt rè, người thiếu phụ cầm trong tay chiếc khăn mặt mà cô vừa gỡ trên đầu xuống, tay kia cố vén lại mái tóc bù xù.

- Bà có thể... xin bà vui lòng cho tôi tạm trú đêm nay được không ?

Bà già chủ nhà vô cùng ngạc nhiên khi nhìn thấy một thiếu nữ xuất hiện giữa đêm hôm khuya khoắt để hỏi xin tạm trú, hơn nữa, một cô gái mang dép rơm, không vớ... Nhưng việc gì mà phải đặt vấn đề ?

- Vào đi, vào bên trong này đi cho ấm!

Cô gái bước vào, ngần ngừ một chút rồi ngồi xuống gần ngọn lửa, thu mình lại nhỏ xíu. Kẽ hở giữa chiếc váy và chiếc áo cộc mà cô ta đang mặc để lộ một chút lằn da trắng phếu. Bằng một cử động vặn lưng thật nhẹ, cô ta chỉnh lại quần áo. Người thiếu nữ vẫn im lặng. Bà chủ lúc này chỉ ngồi nhìn cô, một lúc sau hỏi cô có cần một chén cơm ăn không. Cô gái vẫn không lên tiếng.

Bà già bưng lại cho cô một chén cơm với một ít củ cải muối. Người thiếu phụ nở nụ cười vẻ biết ơn. Chỉ thoáng một chốc, chén cơm cạn tới đáy. Khi cô gái đặt chiếc muỗng ăn xuống, bà già bắt đầu hỏi. Bà đặt nhiều câu hỏi. Bà hỏi như không biết chán nhưng vẫn cố gắng tỏ ra tế nhị. Thiếu nữ mới xuất hiện trả lời bà không một chút ngần ngại và cũng chẳng có vẻ vui thích gì. Cuối cùng thì cô ta cho biết một cách rất tự nhiên là cô ta không có chồng, không còn ai là họ hàng thân thích gì nữa.

- Tôi sống khất thực rày đây mai đó, cô gái nói thêm trước khi cúi cầm gục vào lồng ngực mình.

Mãi tới khi tiếng gà gáy thứ nhất thì Lâm Thanh, con trai bà, mới xuất hiện - anh ta vừa từ dưới làng trở về. Anh không thể tin được lúc đẩy cửa chui cái đầu bù xù của anh vào để thấy một người đàn bà lạ mặt đang ngồi trong nhá. Ngọn gió thốc qua cửa thổi mạnh dập tắt ngọn lửa làm căn phòng đột nhiên tối om. Mẹ bước ra, đập vào vai con trai :

- Mày hãy quay xuống làng tìm chỗ ngủ, sáng mai hãy về.
       

Bà nói thế vì thấy rằng không tiện khi để con trai ở lại ngủ chung phòng với một người đàn bà lạ.



Nhờ vào vụ mùa đang nhập kho, những chiếc tuí tiền trở nên phồng lên thêm một chút. Tuy thế trong cái quán trọ này chẳng hiểu tiền đi đâu nhưng bà chủ quán chẳng khi nào nhìn thấy được. Bán một hũ rượu to bà cũng chỉ kiếm lời được từ 20 hay 30 đồng . Vào lúc cao điểm nhất, bà cũng chỉ bán được 3 hoặc 4 ngày một hũ . Nhưng trong lúc này, bà không trông thấy được bóng dáng một thân chủ nào của bà. Đấy là chưa kể những người uống chịu cũng chẳng còn nghĩ đến việc tới đây trả tiền nợ cho bà nữa. Bà lặn lội từ sáng sớm, tìm những người thiếu chịu đó để yêu cầu họ trả nhưng kết cuộc cũng chỉ nhận được những lời hứa hẹn có vẻ rất thành thực của họ mà thôi. Về phần bà, bà buộc lòng phải yêu cầu họ trả vì chính bà cũng chẳng còn gì nhiều để cầm cự qua ngày được nữa : những người bỏ mối cho bà cảnh cáo là họ sẽ xử dụng biện pháp nếu bà không trả , biện pháp gì thì bà cũng không thể biết được.

Vào lúc bà goá chủ quán sắp sửa đi tìm những con nợ của bà thì người thiếu phụ lang thang cũng đứng lên :

- Tôi phải đi bây giờ .

Bà già cầm tay người đàn bà trẻ rồi lên tiếng, đề nghị :

- Cô có vẻ mệt nhọc lắm rồi, hãy nghỉ lại ở đây vài ngày.

Người thiếu phụ từ chối :

- Tôi mang ơn bà nhiều , tôi không dám...

- Nếu chỉ có như thế thì đừng quan tâm cô ạ.

Dứt lời bà lão bảo thiếu phụ ngồi xuống và nói thêm nếu có cần nằm cho thẳng lưng thì cứ vào phòng ngủ của bà lên giường mà nằm. Bà ngẫm nghĩ : như thế là thiếu phụ cũng trông nom nhà bà được, sự hiện diện của cô ta cũng hữu ích chớ đâu phải chơi !.



Sau khi vượt qua đèo Rù Rì, bà góa đến làng. Suốt cả ngày bà đi tìm hết con nợ này đến con nợ khác, khi đến được những nhà cuối cùng thì mặt trời cũng xuống bóng. Bà góa lả cả người về được đến nhà thì trời cũng đã sụp tối một lúc khá lâu. Kết qủa cuộc đòi nợ ngày hôm nay là 4 kí lô kê. Có mấy người thiếu nợ , thay vì trả thì họ đe doạ sẽ không bao giờ đến qúan bà để uống nữa. Bao giờ cũng vậy, bà tự nhủ, thôi thì 4 kí lô kê cũng tạm đủ ăn qua loa được vài ngày. Bà rửa kê, thiếu nữ lang thang nhóm bếp rồi cả hai vội vàng sửa soạn bữa ăn.

Ngay lúc hai người đang ăn, khách ở đâu bất ngờ kéo tới. Trước tiên là một người đàn ông còn trẻ , đi một mình, rồi tới lượt ba người đàn ông khác, rồi thêm hai, tất cả đều cũng còn trẻ. Bà goá lên tiếng xin lỗi phân bua xin lỗi vì quán quá nhỏ không thể tiếp họ riêng rẽ được. Tất cả những người đàn ông này đều trả lời với bà rằng điều này không quan trọng vì họ cùng là người một làng với nhau. Bà goá mừng rỡ nghĩ rằng cuối cùng thì điều may mắn cũng đã đến với bà. Bà chủ quán rót rượu vào bình rồi bảo người thiếu nữ hâm cách thủy lại cho nóng trong một chiếc nồi . Người thiếu nữ chuẩn bị mấy món đồ nhậu một cách hăng hái làm việc với những tà váy tung lượn. Trên mâm thức ăn món cải kim chi , dưa chuột chua ngọt, thịt bò khô và hột dẻ nấu mà em bà chủ quán cho bà để dành vào những dịp tiệc tùng lớn.

Căn phòng đầy tiếng người ầm ĩ. Một người khách vừa hát một bản dân ca vừa đập nhịp tay vào vách nhà, người khác bông đùa về một câu gì đó mà anh ta vừa nghe người khác nói, những người còn lại càng như tranh nhau lớn tiếng ầm ĩ trò chuyện. Khi bà già chủ quán vừa bưng chiếc mâm lên thì mọi người làm như đã hẹn trước, tất cả đều ngồi vào chỗ một cách thật trật tự. Một người trong bọn - khuôn mặt rộng với mái tóc cắt theo kiểu tây phương - đứng lên, đưa tay hứng chiếc mâm và nói nho nhỏ vào tai bà chủ :

- Hình như bà vừa kiếm ra được một cô gái giang hồ? Bà làm ơn gọi cô ấy ra đây với bọn tôi .

Bà chủ quán không biết ất giáp gì , hỏi gặng lại :

- Gái giang hồ? Ông muốn nói điều gì vậy ?

Sau khi hỏ người khác, bà tự nhủ không có lửa làm sao có khói . Một nụ cười tinh nghịch làm mắt bà nhăn lại. Quay vào bếp, bà đặt nhẹ hai tay trên đầu người đàn bà trẻ rồi tự nhủ, chắc chắn là cô ta, vì thế mà bọn khách này kéo nhau tới...ta đã giúp cô, ta biết rằng làm vậy cũng không hẳn là điều hay nhưng đã hơn mười lăm ngày nay chẳng có một con ma nào tới quán, hẳn cô sẽ giúp lại ta...Rồi với một giọng cao, bà nói với người đàn bà trẻ :

- Hầu rượu mấy ông khách cũng chẳng có gì xấu xa phải không ? Ra giúp tôi việc đó đi.

Dứt lời bà giải thích với cô gái về tình trạng tiền nong mà bà đang gặp phải và sự mong đợi của bà ở cô.
        Khuôn mặt người đàn bà trẻ không một chút gì ngạc nhiên hoặc xúc động. Rất có thể là cô ta đã quen thứ công việc như vậy. Dù thế nào đi nữa thì cô cũng gật đầu nhận lời không một chút nhăn nhó .
        Men rượu xâm chiếm đầu óc những người khách và làm họ càng lúc càng tỏ ra mạnh dạn hơn...10 đồng một chén rượu, giá thật đắt nếu chỉ uống mà thôi, họ tự nghĩ. Người đàn ông có búi tóc nắm chặt cổ tay người đàn bà trẻ và kéo vào lòng mình:

- Đừng đứng như trời trồng như vậy nữa, trông em như một kẻ vụng về thô lậu! Hãy hát cho bọn anh nghe một bài hát về uống rượu đi!

- Cái gì chớ? Bài hát uống rượu ?

- Sao ? Cô ấy không biết gì là bài hát uống rượu! Thực là một cô gái giang hồ kỳ cục, ha!ha!ha!

Dứt lời, anh ta đưa chiếc cầm cạ cạ vào má người đàn bà trẻ, lúc này bất động như cảm thấy bị sỉ nhục, đầu cúi xuống dầu cho anh ta có cố tình làm như vậy một lúc thật lâu cũng chẳng làm người đàn bà trẻ thay đổi được chút nào mà chỉ cắn răng chịu đựng. Như thế là người đàn bà trẻ này không biết hát. Tuy nhiên, dù một bông hoa không biết hát nhưng bông hoa cũng vẫn đẹp và rồi , người đàn bà trẻ phải ngồi trên đùi hết người đàn ông này sang người đàn ông khác trong bọn họ để phục vụ cho họ uống hay nâng ly rượu đưa lên môi họ.
        Sau cùng, cả bọn say. Những giấc ngủ chập chờn đến với họ, hai trong số đó đã ngáy khò khò. Tới khi, ngồi trên đùi người đàn ông có mái tóc kiểu tây phương để châm điếu thuốc đang trên môi mà anh đang ngậm, bất thình, bị anh ta vừa cười khấy vừa đặt hai bàn tay tổ bố của anh lên bụng thì người đàn bà nhẩy dựng lên , thét lớn:

- Ê ! Đâu phải chỉ có một mình mày trả tiền, người đàn ông có búi tóc ngồi cạnh vừa càu nhàu vừa lôi người đàn bà trẻ sang đùi mình. Người đàn bà trẻ phản đối, vùng vãy . Những giọt lệ ứa ra bên khoé mắt, rồi chảy dài trên đôi gò má . Căn nhà đột nhiên inh ỏi :

- Hãy nhìn này, quân khốn kiếp, đồ đểu giả trơ trẽn ... !

Dù rằng rất khiếp hãi với sự kiện đang xảy ra, bà gìa chủ quán vẫn tiếp tục mang rượu. Cho tới khi nhìn được bên ngoài ánh mờ mờ của buổi rạng đông bà mới tạm yên tâm.

Tiếng chim líu lo hót inh tai. Trên nền đất ngổn ngang những mẩu củ cải muối, đờm rãi, mẩu thuốc , tàn thuốc, tất cả cũng quyến rũ hệt như một khuôn mặt đầy những mụt nhọt. Bà chủ quán, trước hết, dọn dẹp một góc, rồi bắt đầu tính sổ sách. Bà đã bỏ túi được 250 đồng mà còn cho 2 người khách trong bọn ghi nợ 50 đồng. Hai trăm hai mươi đồng là tiền mặt mà bà đang cầm trên tay : bà đếm đi, rồi lại đếm lại, chưa bao giờ mà chỉ trong một đêm bà bán được ngần này tiền .

Ngoài sân, người đàn bà trẻ, trên đầu lưỡi, đang chào từ giã những người khách :

- Tạm biệt các ông.

- Lại đây người đẹp, phải hôn tạm biệt chứ, tiếp đó là những tiếng "chụt, chụt ..."!

- Tao cũng vậy !...tiếng một người khác.



Cộc ! Cộc ! Bụp ! ...

- Cái chày có nặng lắm không ? Hay mình ngừng lại ?...

- Hình như kê chưa được khô lắm, phải gĩa lâu hơn.

- Tại sao nó lại chưa về nhỉ ?

Dù rằng trời đã tối, Lâm Thanh vẫn chưa từ dưới làng trở về. Vừa thu nhặt những hạt kê vung vãi quanh chiếc cối, mẹ anh ta lo lắng. Khi trời lạnh như bữa nay, lũ chó sói và cọp thường lảng vảng về gần làng xóm. Nếu giữa đường mà gặp phải con nào, về ban đêm, thì thực chẳng còn biết làm sao...

Người đàn bà trẻ đặt chiếc chầy qua một bên để vét kê vừa giã vào một chiếc nia đan bằng mây. Bà gìa luồn tay dưới mái tóc để buộc tấm tạp dề trên đầu người đàn bà trẻ. Vào cái tuổi mười chín một người đàn bà đáng lẽ ra phải tràn trè sức sống, nhưng người đàn bà trẻ này lại có đầy gầu trên mái tóc , khuôn mặt hõm xuống, da dẻ héo hon. Chắc hẳn là vì những gì mà cô ta đã phải hứng chịu.

Người đàn bà trẻ không nhăn nhó với công việc làm nào, xông sáo với tất cả sự uyển chuyển của cái thân thể còn trẻ trung của cô ta, làm hết việc này sang việc khác. Bà gìa thấy rằng cô ta thật dễ thương nhưng khi nhìn cô gái làm việc, bà tự nghĩ lang mang về phận số của cô ta. Nếu như cô ta có thể ở lại đây, sống với bà như con gái của chính bà thì hay biết mấy. Nếu như bà được quyền giữ cô ấy, chẳng có gì có thể đổi chác được với bà, bà tự nhủ, dù rằng đổi lấy một con bò đi nữa .

Đơn chiếc với người con trai của bà, cuộc sống của bà thực lẻ loi. Người trong làng nhiều khi lên tiếng hỏi có thực rằng bà muốn cậu con trở thành anh trai già hay không. Cái lý do chính yếu về chuyện này là vì tình trạng tiền của trong nhà không cho phép bà thực hiện việc cưới xin cho người con trai. Vào mùa Xuân, chuyện cưới hỏi gần như đã thành sự thực được sau khi bà quyết tâm tìm vợ cho anh con trai. Sự việc diễn ra không qúa rắc rổi như bà e ngại. Bà nói chuyện tìm vợ cho con trai với nhiều người và kết qủa người ta đánh tiếng với bà cô về con gái thứ hai của Nam Chung, một nông dân trong vùng. Thế là bà lên đường tìm đến nhà cha mẹ cô gái để xem mặt nàng dâu tương lai. Cầm tay cô gái và lập đi lập lại nhiều lần , cho phải phép, trước mặt cha mẹ cô ta :

- Cháu xinh xắn qúa !

Bà đi vay mượn để sẵn sàng cho ngày quan trọng của hai mẹ con bà. Nhưng rồi chỉ hai ngày trước khi cử hành hôn lễ thì mọi việc không còn tròn vẹn nữa . Gia đình cô gái, lúc đầu chẳng đòi hỏi gì, bấy giờ lại đòi phải có một chiếc nhẫn bạc thay vì một chiếc rương mà chàng rể tặng cho cô dâu vào ngày cưới. Bà đã hứa là sẽ bỏ ra 6000 đồng - 2000 bà đi vay nợ - là tiền cho người mối lái và qùa cáp; chỉ còn lại vỏn vẹn hai nghìn dành cho tiệc tùng cưới hỏi thế mà bấy giờ họ đòi thêm tới ba nghìn đồng thì làm sao bà có thể lo liệu được !. Như ngây như dại, bà đã trằn trọc suốt đêm chẳng tài nào nhắm mặt được lấy một giây ...

- Mẹ ơi, thức ăn sáng đã dọn xong...

Ôi! những nói tiếng này... nếu như bà được nghe chính từ cửa miệng cô con dâu của bà thì thực là hay biết là bao ! Bà đâu có mơ uớc gì hơn ...

- Cháu không mỏi chân sao ? Ta đã làm cho cháu phải cực nhọc quá ...

Người đàn bà trẻ chuẩn bị bóc vỏ kê cho bữa ăn tối. Bà lão nhìn cô bằng đôi mắt ước mơ. Chiếc chày qúa nặng đối với cái thân thể mảnh dẻ của cô ta nên chày không lên cao nổi được. Máu như đâng lên đôi gò má của người đàn bà trẻ đang hổn hển thở. Chiếc váy của cô đã qúa sờn và chiếc áo ngoài làm bằng loại lụa rẻ tiền cũng đã rách lớn bằng một bàn tay ở một bên vai. Phải bảo thằng Lâm Thanh đi mua một thước rưỡi vải , trước hết để khâu đồ lót cho cô ta, những đồ lót cô đang mặc với những lỗ lũng thực to trông thật thảm hại. Phần còn lại, sẽ tính sau.

- Tôi phụ giã tiếp với cho cô .

Bà già đứng lên chiếc chày , bàn tay đặt trên tay cô gái, như một sự tình cờ. Nếu mà mình có được cô dâu như nó, phải là đúng như nó ! bà nghĩ . Khi đôi mắt bà bắt gặp đôi mắt người đàn bà trẻ, bà ngoảnh nhìn chỗ khác rồi lên tiếng nói trống không :

- Ở đây thực là hiu quạnh...

Bằng cử chỉ của một bàn tay, bà đưa chỉ cảnh vật chung quanh hai người với một vẻ bối rối. Mặt trời về chiều váng vất một màu nâu sáng như màu hạt dẻ trên sân nhà. Đồi núi đầy màu sắc dội lại tiếng chày gĩa trong cối đá, cộc cộc cộc !
        Bà đối xử với người nữ khách hệt như một cô công chúa. Bà cho cô ta quần áo - dù rằng chính trong chiếc rương của bà cũng chẳng có bao nhiêu. Ban đêm, bà chui vào chăn cô ta đang đắp rồi ôm lấy thân thể cô hệt như chính cô là con gái của bà. Dù vậy, bà cũng không dám nói với cô những điều bà đang nghĩ trong đầu vì rằng nếu cô ta ưng chịu thì không nói làm gì, ngược lại thì qủa thực là phiền phức cho cả hai.

Rồi mọi việc cũng tự xếp đặt lấy một cách giản dị hơn là ba đã tưởng tượng. Tính tới bữa nay người đàn bà trẻ đã ở lại với bà được 4 ngày rồi. Bà già đi lựa thóc ở nhà Dũng Khanh, trên núi cao . Bà đi một mình, để người đàn bà trẻ ngũ vì tối hôm trước cô đã phải làm việc đến khuya.
        Buổi chiều trở về, bà lão lê đôi chân vì mệt mỏi, bụi bậm bám đầy người, bà ngừng lại trước cửa, ngạc nhiên, trước thềm cửa : một đôi giầy cỏ thực to nằm bên cạnh một đôi nhỏ, của người đàn bà trẻ. Rất có thể là con trai bà đã về, dù rằng anh ta không được phép của bà vào trong phòng bây giờ là dành cho người đàn bà trẻ. Từ bên trong, một giọng nói nho nhỏ. Bà già tiến lại gần cửa đang khép kín.

- Nhưng cái gì chớ, sao lại như vậy ? Bộ cô sợ rằng chúng mình sẽ không có gì để ăn hay sao chớ ?

- ...

- Bà ấy thật dễ thương, mẹ tôi...Nếu năm nay chúng tôi làm việc siêng năng thì sang năm sẽ có thể tậu được một con bò. Mỗi năm, nếu cứ nhập kho mỗi năm 4 bao luá, 6 bao kê, là qúa đủ cho mình rồi... hay là cô không thích thế ?

- ...

- Nhưng dù sao đi nữa, nếu cô mất chồng rồi thì cô cũng phải lấy chồng khác chớ ?
       

Rồi tiếng cởi quần áo sột sạt thực lâu.

- Á! làm ơn ...

Sự im lặng trở lại. Một nụ cười rộng nở trên khuôn mặt , bà già ngước nhìn những chiếc lá vàng đang quay trong sân nhà. Bà nhẹ nhàng, kín đáo quay đi.

Bữa ăn đã xong, làm như không biết gì, nhưng bà dò xét trên khuôn mặt người đàn bà trẻ, một lát sau bà nhẹ nhàng nói với cô ta :

- Đối với một người đàn bà trẻ, đi lang thang hết nơi này qua nơi khác cuộc sống chẳng thể dễ dàng gì... nếu như có một người đàn ông nào đó...

Bà tiếp tục , bằng những lập luận rất chặt chẽ, sau cùng bà bộc lộ rõ ý định hỏi người đàn bà trẻ nghĩ sao nếu cô ta trở thành con dâu của bà. Người đàn bà trẻ ngồi nghiêm chỉnh, yên lặng, đầu cúi xuống, cắn vạt áo. Đôi má cô đỏ au. Một người đàn bà trẻ chẳng bao giờ lại dám nói thẳng rằng mình muốn lấy chồng. Như thế thì, bởi sự im lặng của cô, người đàn bà trẻ này đã ưng thuận lời ngỏ ý vừa rồi của bà già ...

Bà già, với những món qùa dự tính cho đám cưới vào mùa Xuân vừa qua mà bà đã cất giữ, cảm thấy rất sung sướng. Áo quần thì chỉ cần điều chỉnh cho vừa văn thân thể cô con dâu tương lai này và chỉ cần thêm 200 đồng nữa là bà gìa có thể tặng cho cô một chiếc nhẫn cưới và một cây kẹp tóc bằng bạc...

Những chuyện như thế, thường thường, càng chậm bao nhiêu thì càng thêm phức tạp bấy nhiêu, vậy thì nên làm ngay cho xong. Bà già ấn định ngày cử hành hôn lễ.

Trong một góc nhà, cô dâu mới sửa soạn bột để làm mì nấu cho khách khứa ăn. Họ, những người khách được mời ăn cưới, vừa ngốn ngấu thức ăn vừa tán tụng rằng cô dâu qủa thực là đẹp. Bà già cảm thấy rất sung sướng đến nỗi bà tự cho phép bà ực một ly rượu đầy ắp. Đấy qủa là một biến cố lớn đối với bà. Bà không ngừng đi tới đi lui thăm hỏi từng bàn để chắc chắn mọi việc đâu vào đó như ý bà muốn.

- Ê! con dâu bé nhỏ của mẹ ơi, mang lại đây thêm một tô mì nữa!

Khi tự nhận ra rằng những tiếng này chưa quen thuộc đối với bà nên bà lập lại :

- Con ơi, mang lại đây thêm một tô mì nữa.


Búi tóc của Lâm Thanh, cuối cùng vào tuổi ba mươi, Lâm Thanh có búi tóc của người thành niên lập gia thất - hơi lệch vì việc này qúa mới mẻ với chàng ta. Sau đêm tân hôn, chàng ta tự cảm thấy có một sức mạnh nào thật mới lạ trong người . Chàng ta đã đập tới ba bó lúa trong khi những người khác mới chỉ đập được có hai bó. Nhún vai, nhổ nước bọt vào tay, xoa xoa trước khi túm lấy bó lúa khác để đập.

- Nào, làm đi nào, bịch, bịch, bịch.

Ngày hôm đó, Lâm Thanh làm việc cho một trong những người bạn của anh ta. Đứng thẳng hàng ngang, bốn hay năm người nông dân trẻ với nước da màu đồng đập luá đều đặn theo nhịp. Tiếng thở hào hển hệt như người đang bị cảm sốt. Đập xong, họ dồn thóc vào chiếc cối xay.

- Sao mày chẳng cho bọn tao uống rượu mừng tân hôn của mày nhỉ ?

- Cô ấy đẹp thật đấy , vợ mày đó, bọn mình phải uống rượu mừng mới được. Mày cho bọn tao ăn gì nào : gà quay, rượu, mì ?

- Mày, mày chẳng còn biết thứ gì khác ngoài món mì thôi sao chớ!

Đám bạn của Lâm Thanh lên tiếng đùa cợt. Cả bọn bỏ rơi những bó luá trong chốc lát để lau mồ hôi bằng vạt áo của họ. Một luồng gió tốc thổi từ thung lũng xuống làm bay tung những cọng rơm bám quanh chiếc cối xay lúa? Một chú chim trĩ từ đau trên cao bay qua, phực , phực, phực...tiếng vỗ cánh sát ngay trên đầu. Ty " chổi xể " đặt chiếc cào lúa đang cầm trong tay rồi nhẩy chồm lên người Lâm Thanh, với sự trợ giúp của những người bạn, tống vào miệng Lâm Thanh chiếc giầy vải đế cói đan cũ dù " nạn nhân " cố vùng vãy ngậm chặt miệng cũng không được. Lâm Thanh bị túm hai tai, đầu cúi thật thấp, bị lôi về phía trước chiếc mâm cối rồi bị cả bọn bạn anh ta ép buộc anh phải sụp đầu sát đất gật lạy tam phương tứ hướng.

- Úi chà ! Úi chà ! Lâm Thanh rên rỉ đau đớn vì hai tai bị vặn chặt.

- Mày phải nhớ rằng nếu mày lấy vợ, mày phải báo cáo với thần núi. Nếu không làm vậy, thần linh sẽ không hài lòng và thần sẽ sai một con thú có đôi mắt to tổ bố đến tìm mày đấy.

Cả bọn cùng phá lên cười. Rất có thể vì họ nhìn thấy đũng quần của Lâm Thanh có một lỗ lủng to tướng- qủa nhiên anh chàng mới có vợ ăn mặc thật thảm hại. Nhưng, bằng một nụ cười, Lâm Thanh sửa lại chiếc búi tóc, búi tóc của một người đàn ông có vợ, rồi đốt thuốc trong chiếc tẩu dài của anh. Quần áo đẹp anh có ở nhà. Một chiếc áo gilet và một chiếc áo veste bằng lụa nhân tạo, một chiếc quần dài bằng cô tông hai lớp...tất cả đều có nhãn hiệu , để giữ gìn Lâm Thanh xữ dụng chúng càng ít bao nhiêu càng hay. Khi đi làm anh ta mặc những bộ quần áo đã cũ nhưng lúc ở nhà anh lấy quần áo mới ra mặc. Khi đi ngủ, Lâm Thanh cởi ra, xếp lại để ở ngay đầu giường. Khi người ta mặc quần áo cũ sờn bẩn là vẻ xấu xí hiện rõ ra ngay . Khi người ta vừa lấy vợ, nhất là cô vợ lại dễ thương nữa, phải cẩn thận để cô vợ đừng chán ngấy mình. Kể từ ngày có vợ, Lâm Thanh đã bắt đầu lấy muối để chà những chiếc răng cáu vàng của anh, điều mà lúc chưa chưa bao giờ anh làm .

Vào lúc Lâm Thanh nhặt một bó lúa lên để đập, Tuấn " khều " tiến lại, cầm cánh tay anh, lên tiếng :

- Này, ngày mai mày tới phụ tao một tay được không ?

- Cái gì chớ ! Lâm Thanh la lớn, da mặt căng lên , vẻ tức giận. Bây giờ mày dám xưng mày ta với tao hả ? Mày có muốn bị tao đá đít cho một phát không ? Cho tới bữa qua, thôi thì cứ cho là mày xưng hô mày tao với tao còn được đi, nhưng hôm nay, đâu có thể như vậy được nữa vì tao đã có búi tóc của người đàn ông có vợ , bộ mày không thấy sao chớ ?



Vào giữa đêm hôm sau, cảnh vật đang chìm trong một sự im lặng hoàn toàn, mẹ Lâm Thanh bị lôi ra khỏi cơ mê ngủ.

- Mẹ ơi, nó đi rồi. Con không tìm thấy quần áo của con nữa...

- Mày nói gì chớ ? bà già vừa hỏi lớn vừa vội vã, chập choạng bước vội vào phòng con trai bà. Bà vội vã thắp sáng ngọn đèn dầu.

- Nó đi đâu nhỉ ? bà già hỏi với giọng nóng nảy , con trai mình. Phần anh ta, trần trục như một con nhộng, đang dấu mình dưới tấm chăn. Anh đang sắp sửa khóc. Cạnh anh, chiếc gối trống.

Sau một ngày lao động vất vả, anh thuật lại, anh ngủ thật say. Anh quả quyết rằng chính mắt anh đã nhìn thấy vợ mình thay quần áo lên giường nằm cạnh anh. Như thường lệ, vợ anh nhìn tròng chọc trần nhà, vẻ lạnh lùng một chút. Rồi cả hai quay ra ngủ, cạnh nhau. Khi anh buồn tiểu giật mình thức dạy, bảo vợ đưa chiếc bình tiểu, lúc đó mới biết được là vợ anh đã đi đâu mất rồi. Anh lên tiếng gọi nhiều lần nhưng vô vọng. Anh vớ quần áo để ở đầu giường định mặc vào, nhưng áo quần của anh cũng biến mất. Vợ anh ta đã ôm đi tất cả , đến ngay cả đôi vớ nữa...

- Con ăn cắp...

Bấy giờ căn nhà sáng rực bằng những cành thông khô được đốt lên, hai mẹ con bà già chủ quán xục xạo hết góc này đến kẽ khác để tìm. Từ trong bếp, ngoài chòi chứa , ngay cả sau đám củi chất để trong sân... tuyệt vô âm tín.

- Hãy thử xem lại trong phòng một lần nữa đi !

Bà già không thể chấp nhận được ý nghĩ con dâu bà lại là một con ăn cắp, bước vội vào nhà, lảo đảo, đôi giòng nước mằt trào tuôn trên khuôn mặt nhăn nheo. Khi lục tìm, bà đụng nhằm cây trâm cài đầu bằng bạc mà bà đã mua tặng con dâu. Nếu mà nó là một con ăn cắp thì tại sao nó lại để lại chiếc trâm có giá trị này được nhỉ ?...

Chắc hẳn phải có chuyện gì nghiêm trọng lắm xảy đến với con dâu bà . Nghĩ tới đây, bà nắm chặt cánh tay con trai :

- Phải tìm ra nó, nhanh lên, nhanh lên...

Con đường rừng khúc khủy, từ làng ra, dọc theo đám rừng cây dưới chân ngọn núi. Một con sông, nước sâu màu xanh thẫm uốn éo trong những rãnh hốc, chảy dưới chân một vách đá trước khi chìm mình dưới dòng Mỹ giang khoảng hơn bốn cây số ở mé dưới . Những tảng đá lớn bị nước đánh bóng nằm chìm dưới cát. Một lối đi thật nhỏ, rất khó đi , luồn giữa những tảng đá bắt buộc người đi phải bước xuống nước lội qua và những chỗ thật nguy hiểm bên sườn núi. Ở mé xa, con đường thẳng dẫn tới một túp lều rách nát hoàn toàn biệt lập , một nơi xay lúa cũ nhưng cũng là nơi tiện lợi cho những kẻ không nhà cửa, lang thang, có nơi để nghỉ ngơi.
        Phiá trong, tất cả chỉ còn lại giản dị bốn bức vách và chiếc cối xay nằm chổng chơ dưới nền đất. Ngay cạnh chiếc cối đá cục mịch, dưới ánh sáng nhợt nhạt của vầng trăng lạnh rọi vào, một người đàn ông lang thang đang nằm co ro trên chiếc chiếu rơm dưới một chiếc mền mỏng. Người ta nghe được tiếng thở khàn khàn của anh ta, hừ , hừ, hừ.

- Bộ anh còn ngủ sao ? thức dạy nhanh lên chứ !

Nghe tiếng người đàn bà nói, anh chàng nằm dưới đất giật mình ngồi dạy. Anh ta có đôi gò má thật trũng, thò tay khép lại cổ chiếc áo mong manh mà anh ta đang mặc, lập cập run vì lạnh.

- Phải đi sao ? Anh lên tiếng hỏi người đàn bà .

Mười phút sau, ăn mặc quần áo mới và dựa vào một cây dạy, anh chàng lang thang rời chiếc chòi xay lúa cũ dưới ánh sáng của bóng trăng. Người đàn bà, con dâu của bà gìa chủ quán - đi ngay ở phía sau, luôn trong tư thế sẵn sàng để giúp anh ta.

- Bộ quần áo qúa rộng. Nếu như mà nó nhỏ lại được thì hay biết mấy...

- Không phải là lúc chê, khen... Phải nhanh lên. Nào, đi nhanh lên chứ...

Người đàn bà giục gĩa, thường xuyên ngoảnh nhìn lại mé sau lưng . Cả hai lấy ngả giòng sông chảy. Khi đã vượt được sông, ngay lúc sắp sửa biến mất sau ngọn núi ngang, cả hai người đều nghe có tiếng huyên náo, ở phía dưới, xa xa sau lưng vẳng lên. Trong những tiếng nói đó, cho dù không nghe được, nhưng có tiếng của Lâm Thanh .

- Nhanh lên, nhanh lên một chút chớ anh !

Đột nhiên người đàn bà trở thành nóng nảy, chụp cổ tay người đàn ông, lôi anh ta đi nhanh. Anh chàng đàn ông quả nhiên thật yếu, bệnh hoạn ... Cả hai biến mất trong sự dầy đặc của rừng cây.

Nước vẫn tiếp tục nhẩy nhót , xủi bọt trên những hòn đá. Tiếng kêu rú của đám chó sói xa xa , gần như từ bốn phía vẳng lại.

Serenité Troyes - 02.01.2009 - 10 giờ 58'.
Phóng dịch từ truyện của KIM-YU-JONG .





VVM.17.7.2021

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
vietvanmoinewvietart007@gmail.com