Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      




MÙA HẠ BUỒN TÊNH



C ó lẽ suốt đời tôi không biết đến hương vị dịu êm của mùa Hạ là gì.

Tôi sinh ra và lớn lên trong thời loạn ly. Ngoài việc chạy bom chạy đạn thuở bé tại quê nhà, kể cả khi được đi học ở trường Quận Đông Triều cũng mấy lần tôi xém chết vì bom mìn trên Quốc lộ 18.

Vào Miền Nam, tôi là thứ thằn lằn đứt đuôi tự nuôi mình lớn. Nên, cũng chẳng bao giờ có mùa Hạ để nghỉ ngơi nói chi đến việc đi núi, đi biển như các bạn cùng lớp, cùng lứa ở tuổi thiếu niên lắm mơ nhiều mộng.

Phải tự nuôi thân, tôi lại không chăm chỉ học hành đã để cho niên học nào đi thi cũng trượt, chỉ quá dư điểm để thi lại kỳ hai. Nhiều gia đình bằng hữu có xe hơi và nhà mát tại Đà Lạt, Nha Trang, Vũng Tàu ... thương mến tôi có nhã ý cho tháp tùng để biết thế nào là phú quý. Thế mà chả bao giờ tôi có dịp đáp ứng lòng tốt của bằng hữu và gia đình họ.

Thời tôi vào đời có câu cách ngôn mới :”Kẻ có, lấy của che thân. Người không, lấy thân làm của”. Cả “Có” lẫn “Không” tôi đều thiếu nên phải bó thân bằng ba thước Kaki màu cứt ngựa đậm là chính đáng thôi.

Tôi đã cho là “Đời tàn trên cánh nhạc chơi vơi” từ khi vào đây. Nhưng khi nghe loa phóng thanh Trại nhập ngũ số 3 đọc họ tên cùng số quân với lời phán :”Đủ sức khỏe” vẫn thấy như trời long đất lở. Sân trại sỏi đá bụi mù, không một bóng cây một ngọn gió, trời nắng chang-chang sao trước mắt tôi lại đen xì đen xịt ...

Những người tuân hành lệnh gọi nhập ngũ và những kẻ bị cảnh sát “tuyển” đẩy lên xe cây ở “tám nẻo đường thành” đưa đến Quân Vụ Thị Trấn rồi bây giờ ở đây cũng có chung một thủ tục : “Vào hàng dọc, thẳng” nếu như đủ sức khỏe.

Mỗi người trong hàng được các bậc lính cũ phát cho một xấp giấy tờ là Hồ Sơ Quân Bạ có cả Y bạ với ba chữ đỏ lòm ĐSK. Ai có nó là Đời Sẽ Khổ. Mà, khổ vì không cố học thật giỏi để đi Du học cái hay cái mới về làm nhân tài phụng sự tổ quốc hoặc chui vào các cơ quan công quyền với nghề nghiệp chuyên môn để được miễn hoãn dịch là tôi thua cạn láng rồi.

Đau đớn và nhục nhã cho tấm thân nam nhi bảy thước của mình lại mắc cở với anh em bằng hữu. Câu cách ngôn mới “Thua thầy một vạn không bằng thua bạn một ly”. Khi “Đời Sẽ Khỗ” chỉ có ba tiếng ngắn lại rút gọn tối đa lúc khắc dấu đóng vào Y bạ cho tiện việc nhà binh là ĐSK đã xác định một thân phận : “Tôi sinh ra đời với một ngôi sao xấu”, tôi tự biết mình đã thua bạn bè cả tỉ lần về tất cả mọi phương diện.

Thua thầy, kém bạn cứ cho là số phận đi, tôi còn thua cả tụi láu cá vặt. Những đứa to khỏe hơn tôi nhiều lần, có cả mấy bạn cũ của tôi trong đó. Chỉ có vài ngày mà chúng nó cấy được vào thân thể cơ man nào là bệnh như Ho Lao, Sơ Gan Cổ Chướng, Đau Tim ... tất cả đều ở giai đoạn hết thuốc chữa, phải ra khỏi Trại cấp kỳ để tránh lây lan cho những người Đủ Sức Khỏe phục vụ Quân đội.

Những ngày luân lạc tại Miền Trung, cái nắng ngốt người ở Quảng Trị, mỗi cơn gió Lào thổi qua hắt cái nóng hừng hực vào mặt cùng với cát trắng tung bay mịt mù, cả bầu trời biến thành màu sữa loãng. Mùa Đông, lạnh thấu xương tủy tại Đồng hà, Gio Linh, Cam Lộ ... mưa phùn gió bấc nếu không thì sương mù dày đặc làm tê cóng cả không gian.

Một lần ra Quảng Trị, tôi gặp Nghiệp, ngưởi bạn không thân thiết lắm ở sân Tòa Tỉnh Trưởng. Đến khi vào họp ở Tiểu Khu tôi mới biết Đại Úy Nghiệp đang là Quận Trưởng Quận Hương Hóa. Nghiệp đã nhận Ngưu Canh Điền Khí về cấp phát cho dân là đồng bào thiểu số. Trâu bò được trực thăng vận xuống quận chờ cấp phát thì bị pháo kích. Có con bị mẻ sừng què chân nên dân chê trâu gầy bò ốm. Họ đang khiếu kiện về tỉnh. Đại Úy Nghiệp về xin hướng giải quyết. ...

Sợ báo chí biết sẽ làm rùm beng là không tốt cho tỉnh địa đầu vốn được nhiều ưu đãi của cả nước nên ông Đại tá Tỉnh Trưởng khuyến khích tôi lên Hương Hóa ngủ một đêm qua lời mời thân thiết của Nghiệp và đi bằng đường bộ ngắm cảnh núi đồi cho đã mắt.

Ngồi ở ghế trưởng xa cho anh bạn Nghiệp lái, xe chạy theo tốc lực đoàn “Công Voa” của Thủy Quân Lục Chiến Mỹ có xe tăng và trực thăng võ trang hộ tống. Lần đầu tiên trong đời tôi mới nhìn thấy từng mảng nắng vàng chảy xuôi theo từ đèo cao xuống lũng thấp rồi lại chảy ngược từ khe sâu lên đỉnh những ngọn núi chót vót. Màu nắng màu rừng núi khe suối biến hiện như bảy sắc cầu vồng. Nắng cứ tà tà khuất dần ở những nẻo núi đồi xa xa ở trước mặt ở sau lưng, ở bên trái ở bên phải. Thời gian đi vào hoàng hôn, vài tia hồi quang đã tắt lịm là lúc chúng tôi về đến quận đường Hương Hóa.

Những cây số cuối cùng tôi ngước lên đỉnh cao thấy những ngọn núi xa thâm u pha tí rùng rợn của “Vàng và Máu” khi Nhà Văn Thế Lữ tả núi Văn Dú, truyện của người lớn nhưng trẻ con như tôi ngày xưa còn bé đọc xong đêm không dám đi đái.

Chuyến đi chẳng làm gì này cho tôi cảm nhận thơ Tản Đà hay hơn, kỳ thú hơn khi ngâm nga lúc đối cảnh sinh tình mà bản thân không đủ thi tài. Thi sĩ đúng là bậc Thi Thánh khi ngược Bắc xuôi Nam vào một buổi chiều tà nào đó như chiều hôm ấy, tôi tâm đắc hai câu thơ của bậc Thánh trong bài Cảm thu tiển thu :

“Sắc đâu chuộm ố quan hà
Cỏ vàng cây đỏ bóng tà tà dương”

Đêm Hương Hóa ấy tôi còn được nghe thấy gió hú lê thê vang vọng từ hang này kéo qua động khác như tiếng ma gào quỉ khóc oán than cho thân phận mình hay đó là tiếng tức tưởi hờn căm của những người như tôi ở hai bờ sông Bến Hải đã gục xuống, đã nhân gió trăng rừng như đêm nay hét lên những lời phản đối với Lão Tặc Thiên nào đó?

Càng về khuya. Gió hú càng mạnh. Gió hú cả bốn phương tám hướng như hý lộng thần oai. Gió từ hang này thổi qua động khác, từ động nọ thổi qua hang kia đã gặp nhau ở hẻm hốc nào đó để tạo nên những tiếng nổ lớn có lúc liên hoàn có khi cách quãng và những tiếng ù ù bốc thẳng lên trời cao vang vọng khắp cả núi đồi.

Ai đã ở Trường Sơn ngoài miệt Hướng Hóa, cứ vào dịp cuối Hạ đầu Thu vào những buổi chiều vàng, vào những đêm trăng sáng cũng đã có những cảm nhận như tôi.

Mùa Hè Đỏ Lửa là tên một tác phẩm của Nhà văn Phan Nhật Nam và Đại Lộ Kinh Hoàng là tên chung cho những bài phóng sự về việc Di Tản khỏi Quảng Trị của dân chúng trong mưa bom lửa đạn pháo kích là điềm báo trước cho việc cáo chung của một chế độ, một quốc gia.

Những tháng năm dài phải một mình ôm xô nhiều cơn mộng dữ về Mùa Hạ sao mà thê thảm quá! bây giờ đến thế hệ con cháu tôi. Những đứa trẻ đang còn học cấp 1 cấp 2 và cấp 3 cũng không biết Mùa Hạ là gì. Đất nước không còn binh lửa, những đứa con em nhà khá giả cũng không được hưởng hương vị của Hạ Hồng Hạ Trắng ... Vì bắt buộc phải học Hè dù muốn hay không, vì tiên học Phí hậu học Văn. Chỉ khổ các Trần Minh Khố Chuối nguyên tử thôi.

Vậy, chẳng lẽ Mùa Hạ mãi mãi Buồn Tênh. Đến bao giờ mới là: “Thuở thanh bình ba trăm năm cũ”?

Thanh Đa, 20/5/2002  




VVM.17.7.2021

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
vietvanmoinewvietart007@gmail.com