Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      




TẤM CHÂN TÌNH



M ỗi lần nhớ đến cái tên của mình, tôi lại hờn dỗi má, vì má chính là người đã chọn tên đó cho tôi.

Khi sinh anh Sáu, má đã gọi anh là Út. Hai năm sau má sinh chị Bảy, thế là anh Sáu được má “nâng cấp” thành Út Anh để phân biệt với chị Bảy là Út Em. Liên tiếp mấy đứa con nữa ra đời, mang những cái tên nôm na diễn tả nỗi lòng má: Út Thêm, Út Dư, Út Thôi và cuối cùng là tôi: Út Ngán!

Má thường nói nhờ cái tên mà hồi nhỏ tôi ít bệnh hoạn. Trong khi các anh chị lây nhiễm nhau hết quai bị đến ho gà, trái rạ rồi ghẻ lác thì riêng tôi, tụi vi trùng cũng… ngán! Tôi mạnh khỏe cùi cụi như con trai, lũ bạn trong xóm chẳng đứa nào dám ăn hiếp.

Nếu đúng như lời má nói thì đây là cái tên “phản chủ”! Vi trùng ngán, tôi càng sống khỏe, bạn bè ngán, tôi càng khoái, nhưng bây giờ cả anh Điền cũng “ngán” thì thật đau khổ cho tôi!

Tôi, anh Điền và chị Phấn là hàng xóm cạnh nhà nhau từ bé nên yêu mến, khắng khít với nhau cách đặc biệt. Tôi nhỏ tuổi nhất nên được anh Điền thương nhất. Buồn thay, đó chỉ là tình thương của anh trai dành cho đứa em nhỏ nhít trong nhà.

Tôi không thích vậy, tôi mong muốn có với anh mối quan hệ khác kia. Chẳng biết có hiểu tâm sự thầm kín của tôi không mà anh Điền mãi vô tình, dửng dưng với tôi, đôi khi khiến tôi phát khóc vì tủi thân. Trong mắt anh, tôi cứ mãi là đứa bé “hỉ mũi chưa sạch”! Ừ, thì cứ cho là vì trước kia anh Điền có chị Phấn rồi nên chẳng thèm chú ý tới tôi, nhưng chị Phấn đã đi lấy chồng Đài Loan mấy năm nay rồi còn gì?

Chị Phấn mồ côi từ bé, sống với người cô - là má thằng Son. Nhà tôi nghèo, nhà chị còn nghèo hơn. Chị chịu thương chịu khó, vất vả làm thuê, bươn chải buôn bán chẳng nề hà. Dầm mưa dãi nắng mà chị vẫn trắng trẻo xinh xắn, với anh Điền siêng năng tháo vát quả là một cặp đẹp đôi.

Vậy mà không hiểu sao, một ngày kia, thình lình chị Phấn theo ai đó lên thành phố mấy ngày, rồi quyết định theo chồng sang Đài Loan. Báo hại anh Điền như mất hồn, ủ ê sầu thảm, hết cả tinh thần làm việc. Tối tối, tôi thấy anh trải chiếu ra trước sân, mua rượu lai rai với thằng Son. Chẳng biết anh buồn cỡ nào chứ chứng kiến anh như thế, tôi xót xa quá đỗi. Tôi đứng tựa cửa bên này nhìn sang, lòng héo như dưa.

Tôi biết nhậu là cái cớ, thật ra anh Điền chỉ muốn được nghe thằng Son kể chuyện. Thằng này lạ lắm, toàn kể chuyện chị Phấn thôi:

- Chị Phấn mới gọi điện về cho má em sáng nay.

- …

- Chị Phấn có bầu rồi. Bác sĩ nói con trai. Chèng ơi, cả nhà chồng mừng hết biết, cưng con dâu như U Vương cưng Bao Tự…

Tôi lầm bầm chửi thầm thằng Son: “Đồ ngu, ví von kiểu gì dốt như bò!”. Chắc nó mới xem vở cải lương Tiếng Cười Bao Tự tối qua đây mà!

- Chồng chị Phấn có một tay thôi mà làm ruộng giỏi lắm, nuôi hết cả nhà. Ờ, một tay thì mai mốt làm sao bồng con được, há?

Mặt anh Điền như sẫm lại. Thằng Son ngu quá đỗi, nó đang hồn nhiên khoét mũi dao vào vết thương lở loét trong lòng anh Điền. Tôi thương anh quá, những lời vô tình của thằng Son đang làm anh nhức nhối. Một tay đã bồng nổi chị Phấn thì đứa con bé tí sao không bồng được?

Một lúc sau, thằng Son say mèm nằm lăn ra chiếu, sải tay ngáy pho pho. Anh Điền chưa say cũng không buồn ngủ cứ ngồi lặng thinh, buồn hiu hắt.

Tôi bước sang, khẽ khàng nhắc nhở:

- Khuya rồi, vào nhà ngủ thôi anh!

Anh Điền nhìn tôi đăm đăm. Ánh mắt anh đêm nay thật lạ, như lửa đốt, như gió xoáy khiến tôi bối rối. Tôi cố làm tỉnh, giục:

- Kêu thằng Son vô nhà luôn, nằm đây lỡ trúng sương trúng gió thì khổ.

Bất ngờ, anh Điền nắm cánh tay tôi lắc mạnh:

- Út Ngán, em nói cho anh nghe đi: sau này em sẽ chọn người chồng như thế nào?

Câu hỏi đột ngột làm tôi ngây mặt ra, lúng túng:

- Em… không biết. Em… chưa chọn ai… Mà anh đừng uống rượu nữa. Phụ nữ không thích đàn ông uống rượu đâu.

Anh Điền thả tay tôi ra, giọng nghèn nghẹn:

- Ngày ấy… anh cũng đâu có uống rượu bao giờ…

“Lại nhớ chị Phấn rồi”, tôi nghĩ và thầm ghen với chị. Chị Phấn đang ở đâu đó tận đất Đài Loan xa xôi mà cứ quanh quất rất gần bên anh Điền, còn tôi ở cạnh đây mà lại như muôn trùng xa cách.

♣ ♣
      

Đột ngột, chị Phấn trở về, bồng theo đứa con nhỏ gần thôi nôi. Từ hôm đó, tôi không còn thấy thằng Son sang uống rượu với anh Điền nữa, có lẽ chị Phấn cấm nó.

Có ai hỏi chuyện về những năm tháng lấy chồng ở Đài Loan, chị Phấn không nói, chỉ thở dài hoặc lảng sang chuyện khác. Người ta thi nhau râm ran bàn tán, quả quyết chị Phấn đã ly dị người chồng khuyết tật ấy rồi. Người đoán do ông chồng vũ phu quá, đánh đập vợ tàn nhẫn nên chị chịu không thấu phải bỏ trốn về nước. Lại có người tỏ ra thông thạo kể rằng ở Đài Loan, chị Phấn cùng lúc phải làm vợ cho cả ba anh em trai lẫn người cha già khụ của chồng…

Nhưng tất cả chỉ là lời đồn, thực hư thế nào mình chị Phấn biết, mà chị lại nhất quyết không hé răng, ngay cả với người trong nhà. Nếu không, cái miệng thằng Son hớt lẻo làm sao ngậm kín được những chuyện hấp dẫn như thế?

Từ ngày chị Phấn trở về, anh Điền không còn ủ ê nữa. Anh vui lắm, cười với tôi luôn. Nhưng anh càng cười tươi, tôi càng sầu thảm. Hễ gặp tôi là anh lại nói chuyện thằng Bèo: “Thằng Bèo thế này… thằng Bèo thế kia…”. Bây giờ chỉ có thằng Bèo là số một! Cái thằng hết sức tham lam và tột cùng độc địa! Nó chiếm hết tâm hồn anh Điền rồi, chẳng chừa lại cho tôi một thẻo xíu xiu nào! Thằng Bèo? Thì con chị Phấn chứ ai!

Tới hôm nay, thằng Bèo đã lững chững bước đi và tập nói vài câu rời rạc. Lạ thật, sao nó chẳng có nét nào giống mẹ cả? Mẹ nó xinh xắn trắng trẻo thế kia còn nó xấu xí, da đen thui lại ghẻ lở thường xuyên. Những nốt mụn mọng đầy mủ xanh bốc mùi tanh tưởi, mọc chi chít khắp người nó làm tôi không dám đến gần. Đâu phải chỉ mình tôi, cậu Son nó cũng thế.

Vậy mà anh Điền không sợ, không chê thằng Bèo xấu xí, dơ bẩn hay tanh tưởi. Anh vẫn ôm hôn như mưa lên mặt nó, đến chừng nó đau quá khóc ré lên, mới buông ra. Rảnh đôi chút là anh sang nhà Son chơi đùa với thằng Bèo. Anh công kênh nó lên vai, vừa hát nghêu ngao vừa rảo đầu làng cuối xóm. Có hôm anh còn gội đầu, cắt móng tay cho nó. Nhiều lần tôi bắt gặp anh Điền đặt thằng Bèo ngồi lên đùi, lấy kim nhẹ nhàng khêu từng nốt mụn ghẻ của nó cho chảy hết mủ xanh mủ vàng ra, rồi xức thuốc lên. Nó xót, vừa khóc hù hụ vừa giãy tê tê, còn anh thì luôn miệng hít hà, cứ như chính anh đang bị đau chứ không phải là nó.

Thằng Son có lần đã hỏi:

- Thằng Bèo ghẻ lở thấy ghê quá, anh không ớn hả?

Anh ngạc nhiên nhìn sững Son, hỏi lại:

- Sao ớn? Là da là thịt của Phấn mà!

Anh trả lời tỉnh queo làm tôi uất nghẹn đến trào nước mắt. Rõ ràng anh vẫn còn yêu chị Phấn đến dại cuồng, hẳn anh đang mong mỏi tái hợp với chị.

Nhưng chị Phấn lúc này lạ lắm, cứ im im lạnh lạnh, làm như tim chị đã sượng ngắt, thành sỏi đá mất rồi. Thấy anh Điền lò dò sang là chị tránh đi nơi khác, để mặc anh cứ việc ôm ấp, chơi đùa với thằng Bèo, đến khi chán chê thì lại lầm lũi về.

Tôi nghĩ mãi cũng không hiểu nổi chị Phấn. Trước kia, hai người đã từng rất yêu nhau mà? Có phải cuộc hôn nhân sai lầm đã làm chị sợ đàn ông? Hay chị đang mặc cảm? Hoặc chị chỉ giả bộ thế thôi?

Chị Phấn đã khó hiểu, anh Điền còn khó hiểu hơn. Ngày trước người ta đã phụ bạc bỏ đi lấy chồng xa xứ rồi bây giờ trở về lại tiếp tục làm khổ anh, mà anh chẳng trách móc lời nào, cũng chẳng nản lòng, vẫn âm thầm theo đuổi. Trời ạ, phải chi vai trò của chị Phấn đổi sang cho tôi?

- Chính anh cũng không hiểu mình nữa, Út Ngán ạ. Trong lòng anh, anh thấy Phấn vẫn y như hồi xưa. Vậy mới chết!

Nói tiếng  “chết” mà mắt anh Điền sáng lên, mặt mày hí hửng.

Tôi biết mình luôn luôn là người bị đẩy ra ngoài lề trái tim anh Điền. Sẽ chẳng bao giờ anh yêu tôi đâu, bởi trong lòng anh mãi mãi chỉ có một mình chị Phấn, dù chị có ra thế nào đi nữa.

♣ ♣
      

Thằng Son chạy sang nhà tìm tôi, báo tin:

- Hồi đêm, chị Phấn đem thằng Bèo bỏ đi rồi.

Tôi chưng hửng:

- Đi đâu?

- Lên thành phố. Có người làm mai cho chị lấy chồng Hàn quốc.

- Trời đất! Thật không cha nội?

- Thề đó. Xạo chết liền!

- Đem thằng Bèo cùng đi lấy chồng luôn hả?

- Thì ông Hàn quốc kia cũng chịu vậy mà.

- Anh Điền biết chưa?

- Mới biết tức thì.

- Nói gì không?

Thằng Son chỉ nhún vai, bỏ đi. Tôi chẳng cần nghe nó trả lời cũng đoán được.

Một lần nữa, cái tin thắt tim này giáng cho anh Điền một đòn ngất ngư chí tử. Anh đổ bệnh nằm cả tháng, hốc hác bơ phờ, râu ria tua tủa. Nhìn anh già sọm mau quá, tôi không khỏi nhói lòng.

Thằng Son cũng bị sốc, nó cảm thấy xấu hổ vì chị Phấn. Mọi người đang râm ran bàn tán cười chê làm nó thêm mặc cảm. Nó cũng đồng tình với dư luận. Một lần lấy chồng Đài Loan nếm mùi cay đắng rồi tưởng phải khôn ra chứ, có đâu lại…

Nhìn bộ dạng anh Điền, thằng Son vừa thương vừa tức. Nó hậm hực xúi:

- Quên phứt đi anh ơi. Con người xấu xa tồi tệ đến nước đó còn tiếc làm chi nữa?

Anh Điền nghẹn ngào:

- Cô ấy độc ác quá… đem cả thằng Bèo đi… Nỡ nào cạn tình với anh đến thế?

“Người ta cạn từ lâu rồi, giờ anh mới nhìn ra”, tôi hờn dỗi nghĩ.

Khác với lần chị Phấn lấy chồng Đài Loan, lần này trong nỗi đau của anh Điền còn có thêm thằng Bèo nữa. Anh nhớ nó quay quắt, đến khổ sở, đến ứa nước mắt khi nghe ai nhắc đến nó. Thì ra nó đã là tim, là máu thịt của anh mất rồi.

Bây giờ thì tôi đã đủ để hiểu: yêu chị Phấn bao nhiêu thì anh Điền yêu thằng Bèo bấy nhiêu. Nó từ chị Phấn tách ra mà! Trong mắt anh, chị Phấn luôn đẹp tuyệt vời nên thằng Bèo cũng tuyệt vời đẹp, dù nó xấu xí, ghẻ lở “thấy ớn” như thằng Son nhận xét.

♣ ♣ ♣
      

Thêm ba năm từ khi chị Phấn bỏ đi lấy chồng lần thứ hai. Không hề có một tin tức gì của chị đưa về, có lẽ mẹ con chị đã yên phận ở Hàn quốc rồi.

Ba năm cũng đã phần nào hàn gắn lại trái tim tan nát của anh Điền nhưng nó càng chai lì, đóng kín hơn. Vì thế Út Ngán hàng xóm vẫn cứ mãi ôm mối tình đơn phương bế tắc. Tôi buộc phải chấp nhận sự thật đó, dù không dễ dàng gì.

Sau nhiều ngày tháng buồn tủi vì thất vọng, tôi cũng dần bình tĩnh lại, thấy lòng yên ả hơn, thôi dậy sóng, buồn mà không còn đau, thương mà không còn nhớ. Chị Phấn và thằng Bèo ngủ yên dần trong trí nhớ của tôi.

Cho đến một ngày, tôi có việc lên thành phố. Buổi trưa, tôi ghé vào một quán cơm bình dân. Quán nhỏ chỉ có vài cái bàn thấp, khách lưa thưa, nhìn mộc mạc tuềnh toàng nhưng sạch sẽ. Thật bất ngờ, chủ quán lại là chị Phấn.

Thấy tôi, chị sửng sốt kêu lên:

- Út Ngán, em đấy à?

Tôi ngỡ ngàng không kém:

- Ủa, sao chị ở đây? Chị từ Hàn quốc về khi nào?

Nhìn chị Phấn gầy nhom và già đi ngoài tưởng tượng, tôi không khỏi ngậm ngùi. Không cần hỏi, tôi cũng hình dung ra được cuộc hôn nhân thứ hai của chị cũng bất hạnh chẳng kém cuộc hôn nhân đầu.

Hôm đó, tôi đã ở lại một đêm với mẹ con chị. Thằng Bèo năm nay học lớp Lá,* lanh lợi bảnh bao, da dẻ trơn láng khác hẳn ngày thơ bé.

Hai chị em thức trắng rì rầm tâm sự. Thì ra mọi chuyện không như mọi người vẫn nghĩ. Chị Phấn có lấy chồng Hàn quốc bao giờ đâu. Chị không lấy ai cả. Mấy năm nay lên thành phố, chị bươn chải nhiều nghề nuôi con: làm công nhân, giữ trẻ rồi mướn mặt bằng mở quán cơm.

Tôi kể chuyện anh Điền cho chị nghe, trách chị vô tình đến tàn nhẫn. Chị bật khóc:

- Chị hiểu lòng anh Điền lắm chứ, vì thế mà chị quyết định đem thằng Bèo đi. Nếu chị còn ở gần bên, anh ấy sẽ vì chị, vì thằng Bèo mà quên hạnh phúc riêng anh. Chị đâu xứng đáng với tấm chân tình ấy.

Chị Phấn bảo rằng chị tin rồi anh Điền sẽ yêu tôi vì chị đâu ngu ngốc đến nỗi không đọc được tình cảm đơn phương của tôi. Muốn thế, chị phải rứt thằng Bèo - phiên bản của chị - ra khỏi anh.

- Ngày trước cũng vì nhẹ dạ cả tin mà chị mắc sai lầm không thể sửa chữa được. Đã sai một lần, có đâu chị còn để lặp lại sai lầm lần nữa? Mấy năm nay, chị tưởng em và anh Điền đã…

Tôi gượng cười mà nước mắt ứa ra. Phải, chị Phấn đã tưởng về chúng tôi cũng như chúng tôi đã tưởng về chị. Cuộc đời và tình yêu đâu đơn giản như thế, dễ dàng xuôi theo sắp đặt của con người? Dù chị cố tình làm cho mình xấu xa đi thì anh Điền cũng không vì thế mà thôi yêu chị, bởi chỉ có chị mới là chiếc chìa duy nhất mở được ổ khóa trái tim anh.

Lúc từ giã, chị Phấn xiết tay tôi, tha thiết dặn:

- Xin em giữ bí mật giùm chị, đừng nói cho ai biết mẹ con chị ở đây. Chị tin sớm muộn gì cũng có ngày anh Điền hiểu lòng em, sẽ…

Tôi buột miệng hỏi:

- Chị Phấn, chị còn yêu anh Điền không?

Thay cho câu trả lời chỉ là những giọt nước mắt lăn dài.

Lời yêu cầu của chị Phấn cứ ám ảnh tôi suốt đường về. Liệu tôi có nên giữ bí mật tin tức của chị? Để vùi chôn chị vĩnh viễn vào mớ tro tàn quá khứ trong sâu thẳm trái tim anh Điền? Để tôi còn le lói hy vọng một ngày nào đó sẽ được anh yêu? Ngày đó là ngày nào? Đã bao nhiêu ngày trôi qua rồi và còn bao nhiêu ngày trôi qua nữa? Năm năm, mười năm hay mãi mãi?

Nghĩ đến tấm chân tình của hai người, tôi bồi hồi xúc động. Chị Phấn thật sự muốn tác thành cho tôi còn anh Điền luôn tử tế với tôi. Hai người thương tôi như thương một đứa em ruột thịt, nhỏ bé…

Tôi có quyền im lặng không? Tôi có quyền chứ, vì chính chị Phấn đã khẩn khoản đề nghị mà! Nhưng như thế, tôi sẽ càng nhận rõ hơn tại sao mà tôi mãi mãi nhỏ bé!

* Lớp LÁ: lớp dành cho trẻ 5 tuổi, lớp cuối của bậc mầm non.




VVM.17.7.2021

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
vietvanmoinewvietart007@gmail.com