Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
         




 BẦY CÁ RÈO RÈO



M ùa đông năm ấy đến sớm hơn mọi năm. Mới gần cuối tháng mười âm lịch mà gió đã lạnh như cắt thịt. Mưa thì cứ dây dứt mãi suốt nhiều ngày đêm không tạnh. Nước giếng thâm đen, nhúng vào là thấy buốt cóng cả mười ngón tay. Đường làng ngõ xóm bùn đất lầy lội nhão nhoét nên ít ai có thể đi lại làm lụng được gì. Hầu như cả làng tôi, nhà nào cũng đành bó gối ngồi nhìn trời nhìn đất. Mây thì nặng như chì, từ  đâu  kéo  về vần vũ suốt ngày trên nền trời đang sà thấp xuống, xám chịch. Đúng là một mùa đông rét mướt.       

   Người xưa có câu “Họa vô đơn chí”. Câu nói đó ứng nghiệm với hoàn cảnh nhà tôi thuở bấy giờ. Do hai vụ trước mất mùa, mỗi sào ruộng chỉ thu được chừng bảy tám thùng lúa tươi. Vì vậy, mới đến đầu tháng mười mà mấy thùng lúa dự trữ của nhà tôi đã đem ra xay ăn hết sạch. Nồi cơm của gia đình gồm chín miệng ăn mỗi ngày mỗi vơi dần đi. Thường, mỗi bửa cơm chị tôi vò năm lon gạo. Rồi ngày đông kéo dài ra, con số ấy ngày càng giảm xuống. Trong từng bửa ăn, cha mạ tôi cứ thắc thỏm nhìn vào chén cơm các con, nhìn chiếc nối trống không khi biết đàn con chưa no bụng mà xót cả ruột gan.        

Đã thế, lúa mất thì rơm cũng kém. Đống rơm nhà tôi những năm trước to đùng, đến mùa đông tha hồ đun bếp. Ánh lửa rơm cháy bập bùng ấm áp trong những ngày giá rét là những ấn tượng khó có thể phai mờ. Tro rơm những năm lúa được mùa đượm lắm, đun xong rất lâu vẫn còn nhúm tro rực hồng ở giữa, lùi khoai lang vào nướng là ngon phải biết. Năm nay lúa mất, rơm bổi, đun hoài mà chỉ có khói phun trắng xóa, ngọn lửa yếu ớt cứ lấp liếm dưới đáy nồi. Chùng như cái đói và cái lạnh đang rình rập đâu đây. Tháng mười một, tháng chạp và cả tháng giệng còn dài dằng dặc ở phía trước.      

   Tôi nhận thấy nỗi âu lo hiện rõ trong ánh mắt cha, trong giọng nói ngày càng nhuốm vẽ buồn của mạ.       

  Chiều hôm đó, khi đong gạo thổi cơm, chị tôi đã vét hết từng hạt cuối cùng trong khạp. Gió rít từng cơn ngoài liếp cửa tre đã hạ thấp xuống cho hơi lạnh khỏi luồn vào, đỡ rét. Sập tối, cả nhà quây quần ngồi ăn trên tấm chiếu cũ trãi trên ổ rơm.  Mạ tôi nhìn cha tôi, giọng âu lo khó tả :   

- Mai hết gạo rồi cha con Thái ơi ! Không biết mần răng đay nữa !   

- Mạ mi đừng lo,tối ni cứ ra o Thước hắn mượn vài thùng vô mà xay ăn cái đã,ra năm từ từ rồi tính!

- Một thùng thành thùng rưởi đó cha con Thái à ! Đong trả thấy xót lắm !  

- Hay mạ mi đem cái áo dạ qua bên o Đội bán đi. Cũng được ba bốn thùng đó, không ít mô !      

  Cả nhà im lặng nhìn nhau.      

  Đó là chiếc áo dạ của quân đội Pháp mà ông nội tôi mua được từ ngày đất nước mới hòa bình. Chiếc áo dày dặn, đính những hàng cúc bằng đồng sáng loáng. Bấy lâu, cha ôi cứ cất làm của, chẳng dám đem mặc, sợ nó sờn đi. Năm thì mười họa, chỉ khi đi đám giỗ nhà nào đó vào mùa đông mới mở rương ra lấy mặc nó vào. Mỗi lầm mặc, bà con ai có tấm tắc, cha tôi thường khoe “chiếc áo mặc vào ấm ghê lắm, ấm đến toát cả mồ hôi chứ  tui không nói  chơi mô”.       

    Mạ tôi chưa đồng ý, bàn ra :    

- Áo của ôn nội cho cha mấy đứa mặc, răng mà bán được ? Cất lại chơ !    

- Con nó đói thì cất mần chi ? Ôn nội thương mấy đứa cháu lắm, không trách chi mô  mà sợ !     

- Thôi, rứa thì chừ tui cầm đi  qua o Đội đổi gạo về, mai nấu cho tụi hắn ăn nghe !     

   Cha tôi dặn dò :   

  - O Đội được lắm. Mạ mi cố kèo nài  một chút cho tụi hắn ăn thêm ít bửa, kẻo uổng nghe !        

Mạ tôi gật đầu, cuốn chiếc áo nặng nề dày cộm lại, rồi khoác áo tơi lom thom bước ra khỏi nhà. Chúng tôi ngó theo mạ, bụng vừa buồn lại vừa vui. Buồn vì cha tôi từ đây không còn áo ấm để mặc, lại vui vì ngày mai nhà mình vẫn có gạo mà nấu cơm ăn. Chúng tôi còn ngây dại lắm !       

  Chiếc áo dạ ấy chỉ làm sự no đủ của chúng tôi kéo dài được hơn nửa tháng.  Bước qua tháng mười một rồi, trời càng hành dữ hơn. Gió rét làm cho thịt da chúng tôi tái mét. Những tấm áo ấm rẽ tiền  của chúng tôi không còn đủ sức chống chọi với cái rét tê tái vào mùa động năm ấy. Đống rơm đã đun gần hết, cha tôi nói phải để dành một ít mà trải ổ, đêm nằm ngủ cho đở lạnh. Nhưng khổ nổi, lấy gì mà đun bếp bây giờ ? Mùa đông chạy rơm củi đun cũng gay go như chạy  gạo.       

  Một buổi trưa, chị tôi nói :   

- Cha ơi, trưa ni hết củi, làm răng mà nấu cơm ?   

- Ừ, từ từ cha tính, lo chi !      

   Nói xong, cha tôi cầm lấy cái rựa đi ra sau nhà. Tôi chạy theo. Cha vừa đi quanh nhà vừa ngắm nghía các cột tre chống đỡ mái hiên sau. Cha chọn một cột, dùng rựa bứt dây mây néo vào kèo, chặt con sẽ, rồi ôm cột lắc mạnh  nhổ bật lên.        

Một lát sau, cây cột nhà đã được cha tôi chẻ thành một bó củi lớn ôm vào bếp.       

  Bếp lửa trưa hôm ấy, củi tre già cháy hừng hực. Chúng tôi bu quanh để sưởi ấm, hai tay cứ đưa gần ngọn lửa rồi xoa xoa vào nhau khoái chí.       

   Suốt mùa đông năm đó, tôi nhớ hình như có tất cả tám cái cột nhà bị cha tôi chặt  làm củi trong những lúc ngặt nghèo nhất như tôi vừa kể. Cột tre khô được cha tôi thay bằng cột tre tươi đốn vội ở sau vườn. 

                                
♣ ♣

  Suốt cả tháng trời, bửa cơm nhà tôi chẳng có chút thức ăn gì ngoài muối, ruốc, thỉnh thoảng mới có ít muối đậu phụng rang. Đến cuối tháng mười một, cha tôi phải nhổ thêm sắn ở trong cồn về  ăn độn với cơm  nên chúng tôi ai cũng gầy xanh đi thấy rõ. Biết chúng tôi thèm thịt cá, cha tôi cứ nhìn lui nhìn tới, đứng ngồi bứt rứt không yên.      

   Sáng hôm ấy, trời vẫn rét như cắt thịt, cha tôi dậy thật sớm, sửa soạn bộ cóng vó rồi nói với cả nhà :   

- Tụi bay ở nhà chờ đó, khoan ăn cơm đã. Chút nữa cha về có cá  kho rồi ăn !     

- Trời lạnh ri, có cá mắm chi mà cha con Thái đi cho cực. Thôi ở nhà cho rồi, ăn chi cũng được !   

  - Kệ hấn. Tui ra đón rớ tủ ở khu bàu, sáng sớm hay có con mại, con cấn vô ruộng, hớt về cho tụi hắn ăn kẻo tội. Cả tháng ni không có chút hơi tanh,  bệnh thì khốn mạ mi nờ !       

  Tôi đòi đi theo. Hai cha con xắn quần, đội áo tơi ra đồng. Từng  cơn  gió  ác nghiệt quất  mạnh vào mặt. Rét đến mức phải nghiến răng mà vẫn run lập cập, ngón chân  tôi cố bấm chặt vào đất, bước đi từng bước một.     

    Ra bàu, trong cái lạnh thấu xương như vậy, cha tôi cay vó, lội xuống một khe nước chảy từ bàu vào ruộng, đặt vó, đứng chờ cá đi qua. Cha cố đứng yên không động đậy, sợ đàn cá nhìn thấy bóng người. Cứ khoảng dăm mười phút cha tôi lại dùng hết sức lực kéo sợi dây, dở nhanh chiếc vó lên.  Mỗi lần cất vó như thế, có độ năm bảy con cá mại, cá cấn lọt vô lưới nhảy lóc bóc. Cha tôi dùng chiếc gáo dừa có cán múc cá đổ vào oi. Kéo lên đặt xuống nhiều lần, cuối cùng cũng bắt được một chén cá đầy.        

  Sáng hôm ấy, cả nhà tôi có nồi cá kho gừng thơm lừng, ăn không biết chán. Chúng tôi ních một bụng cơm cá no kềnh.

 
♣ ♣

Với chín miệng ăn, núi cũng lở. Sau đó, cha mạ tôi phải quyết định bán bớt mấy trăm viên bờ lô đã mua về để chuẩn bị cất nhà sau ngày hòa bình. Tôi còn nhớ số bờ lô này được cha tôi chất quanh căn nhà dưới để chờ ngày thuê thợ về xây. Băng kèo, đòn tay, rui mè gì cũng đã sắm đủ cả, xếp đặt cẩn thận ở mé sau. Nghe cha nói, lúc đó tiền thuê thợ cũng đã có, nhưng rồi vụ mùa năm ấy mất trắng, hụt vốn nên việc cất nhà đành phải hoãn lại.  Rồi đàn con lớn dần lên, chi tiêu nhiều hơn, nên việc cất nhà lại phải tạm gác lại mãi cho đến tận bấy giờ.       

  Và mùa đông này, cha mạ tôi đã phải chắc lưỡi khi bán dần các thứ đã sắm để cho đàn con ăn tạm qua ngày. Bán thứ này thức nọ cũng có tiền, nhưng mạ tôi vẫn hà tiện, cũng chỉ cho chúng tôi ăn dè sẻn, không vung tay được, cốt có cơm no là tốt lắm rồi.           

   Những bận cha tôi đi cất vó sau đó, cá vô ít dần. Đầu tháng chạp, không có mưa lớn, nước bàu đã cạn, không còn chảy vô ruộng được nữa. Chúng tôi lại thèm thuồng, nhớ mùi cá kho gừng đến chảy nước bọt. Ôi, cái hương vị mặn nồng của cá kho gừng sao mà quyến rủ đến thế. Có lẽ mùi vị của những món ăn hương đồng cỏ nội là thứ khó quên nhất trên đời.      

   Một hôm, thằng em út cắc cớ hỏi cha tôi:  

- Cha ơi, ngoài bàu hết cá rồi hả cha ?  

- Ừ, hết có nước rồi !  

- Con thích ăn cá mại, cá cấn kho gừng như bửa trước lắm ! Ngon ghê cha hí ?     

    Nó nuốt nước bọt, tỏ vẽ thèm thuồng .       

Tôi gườm nó, tuy miệng cũng thấy thèm hơn cả nó:

  - Mi chịu khó ăn muối ruốc đi. Có cơm nóng mà ăn là nhứt rồi đó !  

- Tui thích cá hơn! cá kho gừng ngon hơn !      

   Nghe hai đứa tôi nói qua nói lại, cha tôi cứ đi ra sân lại bước vào nhà suy nghĩ đăm chiêu.     

    Một lát sau, cha bỗng nói trống với cả nhà :

- Để tau đi coi thử !           

  - Đi mô rứa cha con Thái ?        

  Sau hai ba buổi lặn lội đâu đó ở các quãng đồng xa để tìm nơi cất vó kiếm cá, buổi trưa hôm ấy, cha tôi trở về, mặt mày trông có vẽ  là lạ hơn mọi ngày. Cha tôi vừa nói vừa như có vẽ dò ý mạ tôi :  

  - Tui có thấy một bầy rèo rèo ở bàu Đưng mạ con Thái à. Nhưng bầy cá mới nở, còn nhỏ quá, tui chưa tính bắt !  

  - Cha con Thái vô tận bàu Đưng à ? Thôi, bắt rèo rèo tội lắm ! Để cho nó lớn kẻo tội !   

- Ừ, tui cũng nghĩ rứa đó. Nhưng mấy đứa hắn đã lâu khôn có chi …   

- Tụi hắn ăn rứa là cũng hơn con nhà hàng xóm rồi. Rèo rèo mới nở tội lắm !   

- Ừ, rứa thì để đó đã ! từ từ tui tính !     

    Thằng em tôi lại từ đâu chạy tới :  

  - Không có chi hết hả cha ?     

    Ánh mắt cha tôi lại trở nên đăm chiêu, ra chiều suy nghĩ dữ lắm.  Dường như trong ông đang có sự dằng co giữa sự sống còn của bầy cá mới nở và cơn khát ăn của bầy con. Tôi đoán, cha tôi đang nhẩm tính bầy cá mới nở li ti đỏ hỏn còn quá dại, hớt hết cả đám cũng chỉ được một chén là cùng. Để sau này đàn rèo rèo ấy lớn lên thì trở thành vô số cá tràu* ( lóc ) bông. ..Nhưng đàn con của mình thì lại đang đói. Tụi nó đang trở nên xanh xao trông thấy. Một bửa cá con thơm ngon, bổ béo sẽ giúp chúng lại sức mau lắm…      

   Cha tôi để tay trên đầu thằng Út, nói :

- Ừ, từ từ cha tính..

- Mai đi bắt về kho ăn đi cha !    

    Chiều hôm ấy, cha tôi lặng lẽ đem bộ vó ra sân sửa soạn. Tôi thấy cha tôi chuẩn bị cả vó thưa và vó tủ. Tôi biết vó tủ là loại vó mắt dày, dùng để bắt cá nhỏ. Chắc là bầy rèo rèo sắp tiêu rồi.     

  Sắp xếp đâu vào đó, cha tôi bàn với mạ :   

- Mai tui đem cả hai thứ vó đi. Nếu không bắt được con cá to mô thì hớt bầy rèo rèo về, mạ hắn hí ?   

     Mạ tôi không  nói gì. Tôi chen vào :   

- Mai cha cho con theo với. Ở nhà buồn lắm.Trời cũng đã ngớt ngớt  mưa rồi, cha nghe !      

     Bàu Đưng là một bàu nước sâu nằm tận ven chân núi, đầu làng An Đô.       

  Tôi lẽo đẽo chạy theo cha tôi, vượt qua mấy cánh đồng hẹp, nhảy qua nhiều khe nước trong vắt, chảy từ chân núi về. Nước khe đã cạn nhưng rất trong vì bây giờ đã qua đầu  tháng chạp rồi, chỉ còn mưa lây rây cho trời thêm buốt lạnh thôi. Nước trong bàu cũng trong vắt. Tuy còn nhỏ nhưng tôi cũng biết nước trong leo lẻo như thế này thì không ai đi bắt cá. Khó ăn lắm.       

  Đến nơi, trong khi cha tôi cay* chiếc vó thưa vào cóng, tôi chạy loanh quanh lui tới trên bờ cỏ ướt cho đỡ lạnh. Nhìn mặt nước tôi nói  :

- Nước trong như ri mần răng bắt cá được ?

- Ừ, từ từ để cha tính ! lo chi !

- Làm răng cha ?        

  Cha tôi không trả lời, bảo tôi :

- Đi lấy bùn non về để đây cho cha nghe !      

   Nói xong, cha tôi bước chân xuống ven mép bàu sục bùn đen lên. Khoảng mười phút sau, cả một khúc nước bàu ven bờ đã ngầu  đục.       

   Cha tôi chỉ đống bùn :  

- Con quăng bùn vớt được ra phía ngoài chổ đục đục ni một chút. Lát nửa cá sẽ lủi tới tìm mồi cho coi !      

   Xong xuôi, cha tôi đặt vó xuống chổ vừa quấy đục rồi đứng chờ, ra dấu cho tôi đừng động cựa.      

    Chừng nửa tiếng sau, mặt nước đã trở lại lặng yên. Một vài nơi bỗng sủi tăm. Cha tôi nói nhỏ vào tai tôi:  

- Cá đang tới ăn đó tề !  

- Thiệt hả cha ? Mà nó vô vó chưa ? Tôi thì thầm với cha tôi.  

- Nó khôn lắm.Từ từ mà đợi. Con mô tham ăn quá mới lọt vô vó chơ ! dễ à ? nó thấy lưới là tránh đi tài lắm ! Cha tôi giải thích.     

     Hôm ấy, dù đã cố hết sức, cha tôi chỉ bắt được hai con rô và một con thác lác, vừa đủ nhém miệng cho thằng Út.       

  Dỡ vó ra khỏi bộ cóng, cha bảo tôi :  

- Về được rồi ! Kho cho hắn ăn bửa cá  tươi, mấy con ni cũng được !

  - Rứa bầy cá rèo rèo ở mô hả cha ?  

- Ở bên tê bàu lận. Con cá mạ khôn lắm. Không dễ hớt bầy con hắn được mô ! Có mấy con là trời cho ăn rồi đó !  

- Thiệt hả cha ? Khó quá thì thôi cha ơi !  

- Ừ, từ từ  lần sau cha tính !  lo chi !     

   Mấy bận sau, theo cách đánh như vừa rồi, cha tôi chẳng kiếm được con cá nào, ngày nào cũng trở về tay không. Vắng mùi cà vài ngày, thằng Út lại cứ nằng nặc muốn ăn cá tươi. Nó đã ăn quen bén mùi rồi. Cha tôi lại trở nên đăm chiêu buồn bã. Đã hai ngày nay, sáng nào cha tôi cũng chuẩn bị cóng vó định ra đi, loay hoay một lát rồi lại đem cất.     

    Ông nói với thằng Út :

  -  Để coi trời đã, rồi cha tính !     

    Tôi biết rõ, đối với cha tôi, việc bắt bầy cá rèo rèo kia chẳng phải là điều không làm được. Điều ông đang phân vân là có nên hớt cả bọn cá nhỏ kia về xào một bửa hay không mà thôi. Chắc là cha tôi đang tìm kế hoãn binh với chính lương tâm của mình, nhưng ông lại hoang mang với nỗi xót xa khi thấy thằng Út đang thiếu thốn miếng ăn, môi nó tái thâm lại trông rất tội nghiệp. Tôi đoán cha tôi trả lời ậm ừ hàng hai là vì lí do như thế.  Cả đêm hôm đó, tôi biết cha tôi thức trắng.


♣ ♣

Sáng hôm sau, khi thức dậy, bầu trời đã ánh lên màu hồng tía đằng sau bụi tre nhà chú Kế. Bầu trời trên đầu không còn xám chịch như mọi khi, đang dần dần chuyển sang màu xanh xám,  để lộ ra  ngôi sao mai lấp ló chênh chếc ở phía trời tây.     

   Cha tôi mừng rỡ gọi cả nhà :  

- Dậy ! dậy đi tụi bay ơi ! Trời sắp nắng rồi đó.

  - Thiệt không cha con Thái ? Răng tối qua tui còn thấy lạnh ghê lắm mà !  

- Kêu mấy đứa dậy nấu nồi cơm, tui với mạ hắn đi ít triên* ( gánh ) củi về mà bán ! Dặn mấy đứa trời hén lên thì mang đồ ra bàu mà giặt.   

         Cả nhà rộn ràng thức giấc, loay hoay với nhiều việc trước mắt.      

     Từ ngày hôm đó, thôn xóm tưng bừng ánh mặt trời, tràn trề sức sống. Cả đồng quê bừng tỉnh giấc sau một giấc ngủ dài. Đầu làng cuối xóm, nhà nhà giặt giũ phơi phóng quần áo mùng mền, giăng đầy khắp ngõ.     

    Đợt nắng ấm kéo dài cho đến hai mươi lăm tháng chạp.       

  Mỗi ngày, cha mạ tôi kiếm được hai gánh củi sống* ( củi còn tươi ). Bốn gánh đầu  tiên được má tôi sắp xếp bó lại cho thật đẹp, gánh xuống An Hòa bán ngay, rồi mua về bao nhiêu là thứ bấy nay chúng tôi thèm thuồng. Tôi thích nhất là những ổ bánh mì con xinh xinh, hơ lại cho nóng rồi cầm đi chơi, lâu lâu bẻ một chút xíu ăn cho lâu hết     

    Còn hơn hai chục gánh củi dựng đứng chật cả vuông sân. Gần tết, trời giăng mưa trở lại nhưng không còn rét cóng như trước kia. Ngày nào không đi vô núi chặt củi được, mạ tôi lại sửa soạn một gánh, gánh về An Hòa. Quà tết, quần áo mới cũng từ những gánh củi đó mà mang niềm vui về nhà tôi những ngày giáp tết        

  Bầy cá rèo rèo không còn được ai nhắc đến nữa.

                                     
♣ ♣ ♣

    

  Ra giêng, trời ấm, cha tôi cùng bạn vó lại rủ nhau  vào bàu Đưng bắt cá.     

    Trên đường đi, Chú Xúy vui miệng kể :  

  - Trong năm, trời mới hơi hén hén, tui vác cần câu ống vô đay, tóm được con tràu mạ bự lắm !       

   Cha tôi giật mình, sợ chú Xúy đã hớt luôn cả đám rèo con nên nóng lòng chạy nhanh tới nơi trước, rảo bước đi quanh bàu, nheo mắt nhìn xuống nước xem sao.

Bên các đám lục bình, bên các đám cỏ năng lún phún ven bờ, lác đác có những chú lóc nhỏ bằng đầu mút đủa đang đứng yên, chăm chỉ rình mồi.      

   Cha tôi nói với bọn chúng :

  - May phước cho tụi bay, to khơ khớ rồi ! Mà mạ bay bị câu mất, không biết tụi bay còn sống được nhiều hay ít hè. Nhờ trời thương trời tha cho đó nghe ! Không phải tau mô !  




VVM.11.7.2021 .

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
vietvanmoinewvietart007@gmail.com