L àng Đò thuộc tổng Ba Đông Phù Dung, trấn Sơn Nam Thượng,(Nay là thôn Tần Tiến, xã Minh Tân, huyện Phù Cừ tỉnh Hưng Yên) có một người là Trần Huy Tôn.Cả làng đều quý trọng chàng trai thuộc ngành I chi 2 của tộc Trần bởi hơn hai mươi năm cầm chèo trên sông nước, trải bao mưa lũ, sóng to, gió cả đò của anh vẫn về bến bình an. Mỗi lần vượt cơn nguy hiểm dân làng lại đến chúc mừng.Tôn chỉ cười hiền lành: “Phải biết lựa dòng!”. Những dịp làng vào hội: nhiều đô vật nổi tiếng về đây thi tài nhưng chỉ sau mấy đường “vờn” đã bị chàng trai có thân hình nhỏ thó quật ngã trắng bụng. Dân làng đến chia vui, Tôn nói đơn giản đến khó tin: “Dùng nhu chế cương!”. Ở cái làng bốn phía đều là sình lầy mà chưa ai thấy đò của Tôn bị khê bao giờ. Tôn thường tâm sự với các bạn: “Phải biết cắm sào!”
Từ khi cụ Nguyễn Thiện Thuật chọn vùng đầm lầy Sơn Nam Thượng làm căn cứ thì người dân làng Đò thường thấy đò của Tôn nhiều lần vắng bến mấy ngày liền. Có người dò hỏi, Tôn nửa nạc nửa mỡ : “ Đi tìm bến mới!”
Một lần trên bến Từ Ô, Tôn đang buông chèo cho đò xuôi dòng thì có hai người khách lạ gọi đò.
- Các anh sang ngang hay xuôi dọc? -Tôn hỏi
- Cứ theo dòng cho xuôi chèo mát mái!
Đò đi được một quãng hai người khách chỉ tay vào một bãi lau sậy um tùm rồi nói như ra lệnh:
- Cho chúng tôi vào chỗ này!
Tôn hóm hỉnh:
Nơi đây không bến,
Chỉ có sình lầy.
Lau sậy ken dày
Nhiều muỗi, lắm đỉa?
Chưa nói dứt câu đã thấy phía sau có tiếng quát tháo: “Đuổi bắt, bắt b..ắt…đu…ôi…”.
Tôn như rõ sự tình, liền ém đò vào những bụi lau rồi quay lại lẩm bẩm như thách thức bọn trên bờ và làm yên lòng hai người khách:
Có giỏi thì đuổi
Xuống sông mà bơi
Vào đây làm mồi
Cho đàn đỉa đói!
Khi trên bờ im ắng trở lại hai người khách mới nói:
- Chúng tôi là Cương và Cường ở bên Ba Tổng tỉnh Đông vì căm tức bọn cường hào ác bá ức hiếp dân lành đã chống lại chúng, nên chúng truy đuổi.
- Ở đâu chẳng thế,
dân khổ quá rồi!
Muốn được làm người,
phải vùng đứng dậy.
- Nghe nói: Cụ Nguyễn Thiện Thuật đang chiêu hiền đãi sỹ, triệu tập dân cày? Tôn nói ngay:
“Muốn lên căn cứ,
Đường còn khá xa,
Xin mời về nhà
Sáng mai rồi tính!”
- Cho anh em chúng tôi nghỉ lại làng Đò để mục sở thị cảnh: “Đỉa làng Đò cắn chết bò làng Nội”
Ba người cùng cười vui, vừa đi vừa gỡ đỉa trên đường .
Đêm ấy Cương và Cường được Tôn thết cơm rượu. Cả ba cùng luận bàn thế sự:
- Có phải nghĩa quân Bãi Sậy dựa vào địa thế hiểm trở, dùng lối đánh tỉa,làm cho quân quan triều đình đứng ngồi không yên?
- Đấy là chủ trương của cụ Nguyễn Thiện Thuật “Lấy đoản binh chế trường trận”
- Bọn cường hào ác bá như ngồi trên đống lửa!
- Dân cày “xuất quỷ nhập thần” …
Chủ khách ý hợp tâm đầu đến khi trời sáng.
Mấy năm sau: Vào một đêm tiết thu Trăng tỏ, Lãnh Cương, Đốc Cường trở lại làng Đò.
Vừa mới lên bến hai ông đã hỏi thăm về người lái đò năm xưa.
- Có phải người có đôi mắt sáng, da xạm đen, hay nói chuyện bằng thành ngữ không!
- Đúng rồi.- Anh Tôn lái đò !
- Thế thì các bác phải gọi là Ông Quản! “Quan quản đò” của chúng tôi đấy! Lãnh Cương , Đốc Cường nhìn nhau im lặng.
- Cái chức “quản đò” Triều Đình thí cho “Hữu danh vô thực” nhưng :
Ông Quản yêu quý dân mình
Làm việc Triều Đình để giúp nghĩa quân!
Người lái đò chưa nói dứt câu thì Quản Đò chạy tới:
- Chào Quan Lãnh, Quan Đốc. Các quan về sao không báo để tôi mời dân làng ra đón?
- Chúng tôi muốn bất ngờ ! nâng chén rượu mừng cùng quan quản!
- Hai Ngài lần này trở lại tỉnh Đông, lấy quân, mở rộng căn cứ thì làng Đò còn nhiều lần được uống rượu mừng!?
- Ông Quản nói cứ như chủ trương của chủ tướng ấy?
- Bên ấy có Đốc Hân, Đề Bạn hoạt động cũng thanh thế lắm. Hai ông về hợp sức thì bọn hào lý ở Ba Tổng lớp này chẳng thằng nào giám ho he!
- Vạn sự khởi đầu nan! Muốn thành việc lớn anh em chúng tôi còn phải cảm phiền Quan Quản nhiều đấy!
- Cứ được lòng dân thì chẳng lo gì.!Ba người vừa đi vừa trò chuyện, chả mấy chốc đã tới đầu làng. Nhìn sang Ba Tổng Lãnh Cương khẳng định:
- Chỗ ta đứng đây từ nay sẽ là điểm hẹn đi, về..
- Chọn đây làm trung quân là thượng sách nhưng phải hỏi ý Quan Quản đã
- Có sợ đỉa làng Đò không?!
Sau một ngày mệt mỏi phải hầu quan Phủ, Quản Đò định bụng về nhà làm một tuần trà cho lại sức. Vừa bước chân lên đò đã hay tin: Lãnh Cương, Đốc Cường, Đề Bạn, Đốc Hân đang chờ ở đầu làng (xóm trung quân) .Quản Đò vội tới chỗ các tướng đang đợi.
- Xin chào quan anh! Chúng tôi lại đến làm phiền anh đây!
- Phiền gì thì cũng gác lại! Lâu lắm mới gặp nhau! Phải để cho ta và dân làng được nâng chén rượu mừng chiến công của Xứ Đông đã chứ?
- Sao Huynh biết?
- Hôm nay Tuần phủ về Phù Dung tiết lộ: Các ông đã mở rộng căn cứ Bãi Sậy về phía đông sang đến Thanh Hà, xuống tận Ninh Giang!
- Cũng chỉ là khởi đầu thôi!
- Chúng đang lợi dụng tôi theo dõi hoạt động của nghĩa quân vùng này để dễ bề đối phó đấy!
- Ý quan huynh thế nào?
- Cứ dùng “gậy ông đập lưng ông” chứ còn thế nào nữa!?
Tất cả cười vang, cùng vào bàn tiệc. Rượu chưa hết tuần, Đốc Cường đã nói:
- Anh em chúng tôi cướp của nhà giàu chia cho người nghèo được dân đồng thuận lắm!
- “Tích cốc phồng cơ” nuôi quân; mua thêm vũ khí, thuyền đò các quan anh đã tính đến chửa?
- Bắt cóc trẻ con đòi tiền chuộc là kế hữu hiệu lắm! Quản Đò ghé vào tai Đề Bạn thì thào. Đề Bạn gật đầu lia lịa rồi vỗ đùi .
- Hay! Tuyệt chiêu! Nói rồi Đề Bạn cho người nấu một nồi cháo thật to . Lại sai người đưa bọn trẻ con bắt được ở dưới thuyền lên., cho chúng ngồi một vòng quanh miệng giếng trong khu đất trung quân. Cháo chín Quản Đò nói với bọn trẻ:
- Các cháu ăn cháo đi! Cháu nào ăn xong trước thì xuống thuyền trước để trở về với bố mẹ trước!
Lãnh Cương, Đề Bạn, Đốc Cường, Đề Hân nhìn rõ những đứa trẻ con nhà nghèo đều biết “Cháo húp vùng quanh” liền quay sang Quản Đò chắp tay “Bái phục! Bái phục!.”
- Có gì đâu - Quản Đò nhỏ nhẹ - chẳng qua chỉ là cái mẹo của người từng húp cháo thôi mà!
Từ khi đám đất Trung quân của làng Đò trở thành địa điểm hội tụ của nghĩa quân thì làng Đò lúc nào cũng vui như ngày hội! Lý trưởng làng Nội đánh hơi được liền mật báo cho quân Triều Đình.
Sáng hôm ấy cả làng Đò còn chìm trong sương lạnh. Lãnh Cương Đốc Cường và nghĩa sỹ còn đang ngon giấc sau một đêm luyện binh thì hay tin quân của Triều Đình do Lý Thừa chỉ huy đã bao vây bốn mặt. Lãnh Cương, Đốc Cường cho quân dàn trận định một phen sống mái. Cụ Quản Đò thong thả nói:
- Thế giạc đông, thế ta bất lợi, có mở đường náu thoát thân thì thương vong nhiều là không tránh khỏi! Chủ tướng đã dặn: “ Lấy bảo toàn làm trọng, phải biết lấy “biến ứng biến”.
- Vậy tính thế nào? – Hai tướng hỏi.
- “Cứ làm như thế…như thế!”
Hai tướng liền lệnh cho nghĩa quân đem hết binh khí thả xuống giếng (sau này có tên là giếng Trung Quân) rồi nhanh chóng cải trang thành dân thường lên đò, mang theo thanh la, chuông mõ, cờ dong , trống mở đón quân của Lý Thừa.
Cụ Quản Đò dẫn đầu đoàn quân ra đón. Lý Thừa tỏ vẻ hãnh diện ra mặt:
- Sao Cụ Quản biết chúng tôi về mà ra đón?
- Bẩm quan trên: Dân làng Đò chúng tôi nghe danh ngài đã lâu! Nay được Ngài tới giúp đuổi đám giặc cỏ ai cũng muốn lên đò để sớm được mục sở thị dung nhan !
- Quân ta đông, khí giới nhiều, vừa nói Lý Thừa vừa liếc sang hàng quân như có ý thị oai . Muốn tiến nhanh nhưng qua làng Đò thì thậm khó! Cụ Quản có kế gì hay?
Chỉ chờ có thế cụ Quản liền hạ lệnh cho “dân làng” xuống đò . Mỗi đò chỉ để lại một người lái và một người đẩy sào còn nhường chỗ cho lính của Thừa lên đò vượt đầm lầy. Trước đám đông dân chúng đứng đón đợi ở sân đình, cụ Quản dõng dạc:
- Tướng quân đây là của Triều Đình đi dẹp giặc cỏ bên Ba Tổng! Nay mọi người đã mục sở thị “Binh hùng tướng mạnh” của quan Lý Thừa khác hẳn lũ giặc cỏ “ quân hồi vô phèng” mấy hôm trước tràn qua! Bà con mau về mổ trâu giết bò úy lạo tướng quân !
Lý Thừa xốc lại tay áo rồi ra lệnh:
- Thôi! Thôi ! Chúng tôi cần thực thi nhiệm vụ đã! Nói rồi Y đốc thúc quân sỹ lên đò nhằm hướng Ba Tổng hợp binh.
Trong khi các tướng của Nguyễn Thiện Thuật cùng dân làng uống rượu mừng Đốc Cường nói với mọi người:
- Không có cụ Quản đây thì…
Cụ Quản vội xua tay:
- Cũng là “Vạn bất đắc dĩ” mới dụng đến kế của Tôn Tử. Vả lại tôi cũng chỉ thực hiện lời căn dặn của Chủ Tướng: “ Bảo toàn lực lượng mà thôi!
Khi địa bàn hoạt động của nghĩa quân Bãi Sậy lan sang phần lớn tỉnh Đông, bao trùm cả phía bắc Thái Bình Nam Định (trấn Sơn Nam Hạ) cụ Quản bàn với các tướng lĩnh:
- Nay thế nghĩa quân đã đủ, ta nên kéo giắc ra khỏi sào huyệt của chúng mả diệt!
Tháng chạp năm ấy người dân khắp vùng thì thào kháo nhau “Nghĩa quân Bãi Sậy đang chuẩn bị một trận đánh lớn”. Lính của Triêu Đình dò la được tin về bẩm báo:
“Dọc theo hai bờ sông Sậy, và sông Nghĩa Trụ cũng như sông Cửu An thấy có nhiều súng lớn, có nghĩa binh canh phòng cẩn mật…”(thực ra là những cây chuối được bọc vải theo kế của cụ Quản Đò).
Cũng theo đề nghị của cụ Quản: Nghĩa quân đốt nhiều đống lửa trong bãi lau sậy dọc theo các triền sông vào buổi trưa và chiều tà. Những đụn khói bay lên cao khiến quan quân khắp vùng đều tin rằng Nghiã quân dang tụ về đây. Trong lúc sự đồn thổi “bán tin bán nghi” thì cụ Quản lên Phủ bẩm báo “ Giặc cỏ đang tụ họp” làm cho sự “đoán già đoán non” càng trở nên rõ ràng…lập tức Lý Thừa đốc thúc các cánh quân của Triều Đình tạo thành hai gọng kìm khép vòng vây chỉ chờ quân tiếp ứng từ Bình Giang tới là xiết lại. Khốn nỗi quân tiếp viện Bình Giang cũng rơi vào kế nghi binh: thấy hai bên bờ sông Kẻ Sặt có rất nhiều “súng thần công” (bằng cây chuối) của nghĩa quân nên không giám tiến quân.
Lý Thừa còn đang khoa chân múa tay thì được cấp báo: Các sào huyệt đều bị đánh úp. Hắn vội vàng lui binh, lại rơi vào thế phục kích của nghĩa quân Bãi Sậy:
Giặc đến đóng ở Tổng Ba (Ba Đông)
Ở làng Cao Xá đi ra Phố Từa
Cao Xá có tướng Lý Thừa
Để cho ông Phủ mắc lừa Nghĩa quân
Quản Đò nức tiếng xa gần
Lý Thừa bị đánh như dần thua to.*
Những câu ca như thế cứ lưu truyền mãi trong dân gian .
Ngày nay phần mộ của cụ Quản Đò đang được con cháu của dòng họ Trần lưu giữ, tôn tạo trong nghĩa trang của dòng họ ở thôn Tần Tiến, xã Minh Tân, Huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên.
Hằng năm cứ vào ngày giỗ cụ Quản Đò 11-7 (âm lịch) dòng tộc họ Trần cùng nhân dân quanh vùng lại đến dâng hương để tôn vinh công lao người con của Làng Đò và ôn lại tích xưa .
Nguồn:
- Tài liệu “SỬ ĐỊA PHƯƠNG” của sinh viên ĐHSP Hà Nội sưu tầm 1967
- Gia phả họ Trần và lời kể của nhà giáo Trần Vưu.
* Câu ca lưu truyền trong dân gian