Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      


NHỮNG NGƯỜI MUÔN NĂM CŨ




Q uá khứ tích lũy trong ký ức con người theo năm tháng, theo biến chuyển thăng trầm, nhiều khi ta cảm thấy không đủ sức mang hết nên muốn bỏ bớt đi như những vật mà ta vất hàng ngày -không hẳn là vô ích nhưng vì đầy, vì nặng, vì kềnh càng, vì vướng víu. Ta ném chúng đi, quên chúng đi dưới lớp cỏ, lớp đất, nơi góc vườn, trong xó tối..nhưng một hôm, cuốc mảnh đất trồng vài cộng rau, làm cỏ một khoảnh sân để đặt mấy chậu hoa vừa mua về ta bổng tìm thấy chúng và chợt nhớ ra: này là chiếc khung gỗ mà thằng con lồng ảnh cô bạn gái đầu tiên của nó, này là gọng kính gãy mà ta mang khi khám phá ra rằng mình cận thị năm mười sáu tuổi, này là đầu ông ngư ông bằng sành mà bố đặt trên hòn non bộ, này là chiếc bình hoa vẽ bát tiên mà mẹ rất nâng niu không hiểu vì sao bổng nhiên mất tích (một đứa trong bọn con cái lỡ tay sợ bị mắng nên mang dấu đi chăng?); chỗ hở của cánh cửa, vết bẩn trên trang sách...Những vật nhỏ bé và vô tri ấy nhiều khi có giá trị nhắc nhở hơn trăm trang nhật ký, nghìn giòng lưu bút.

Ông Vương Hồng Sển, nhà khảo cổ của Sài gòn xưa, đi tìm quá khứ qua các món cổ vật, Đạo tìm lại kỷ niệm qua hình ảnh một hòn bi sắt. Hòn bi sắt: đó là tất cá mơ ước của tuổi nhỏ, là mối đam mê không đạt tới, là niềm kiêu hãnh bị chôn vùi. Sung sướng biết bao khi được giữ trong tay khối tròn nhỏ bé, chất sắt giá lạnh. Những hòn bi mới có màu xanh kim khí nhưng cũng có những hòn bi rét rỉ; tuy nhiên dưới lớp rỉ sét ấy Đạo vẫn nhìn ra cái chấm tròn trắng sáng do sự chà xát của nhiều bàn tay và nó biết rằng chỉ cần va chạm sau một vài lần sát phạt là những hòn bi nọ sẽ láng cóong trơn lu. Thật ra Đạo chẳng biết chơi bi trong nghĩa thành thạo, có trình độ đáng kể mà bất cứ ai dù khéo hay vụng, nếu thích và nếu chuyên thì thế nào cũng đạt tới được (điều kiện này, với trẻ con, kể như chuyện tất nhiên: nếu chúng thích, chúng sẽ chuyên; và lúc này, khi tôi bắt đầu câu chuyện, cậu Đạo còn là một đứa trẻ con). Ở trình độ đó, người ta biết cách dùng ngón tay tẩy hòn bi văng xa, chọi trúng phóc vào địch thủ, tống bi địch thủ giang xa khỏi mục tiêu và cùng lúc xoáy mạnh để nương đà xoáy ấy mà dừng lại bên đường kẻ hoặc kề lỗ thủng xoáy trong đất (hai hình thức đều tượng trưng cho mục tiêu) để lần sau, khi tới phiên mình, chỉ cần đẩy nhẹ mà không cần ngắm nghía viên bi cũng ngoan ngoản lăn đến nằm hẳn lên đường kẻ hay lọt vào lỗ tròn. Nhiều khi nhờ may mắn người ta cũng có thể thực hiện cùng một lúc hai việc: đẩy địch thủ đi và lọt vào lỗ tròn nhưng không chắc ai có đủ tài để trăm bận trăm thắng bằng lối đó. Sau này khi lớn lên, Đạo lại tập tò chơi bi-da. Nghệ thuật bi-da tuy có khác nhưng mục đích vẫn là đẩy viên bi tròn lọt vào lỗ bằng cách dùng cây cơ thay vì dùng tay không. Nhưng như đã nói ở trên, hai yếu tố bảo đảm cho sự thành công là thích và chuyên. Không nói đến hạng cao thủ vì hai yếu tố nêu trên chỉ mới là điều kiện cần, phải thêm yếu tố tài ba (cái đó không phải ai cũng có); nhưng nếu chỉ để được cho là hay thì chán vạn tay làm được bởi ở đâu mà chẳng có anh hùng, trong cộng đồng nhỏ nhoi nào mà không có tay trội! Kể về viên bi bằng sắt, trái bi-da bằng ngà, dưới tài điều khiển của tay chơi sành sõi tài ba thì chúng tuyệt lắm: chúng vọt đi như tên bắn, thẳng băng hung hãn, vậy mà tới một khoảng cách nào đó chúng bổng đứng sững lại hoặc nhẹ nhàng len lách, cua quẹo bất ngờ làm như thể chúng có mắt có tai có hồn có trí. Còn chủ của chúng? Họ ung dung lặng lẽ, khi trang nghiêm khi kênh kiệu, điếu thuốc chếch đầu môi, ly bia trên tay hờ hững, mắt nheo nheo trông dễ giận lắm, nhưng phải nhận là họ có một phong cách, một nét đẹp, một duyên dáng, một... cao sang nào đó so với lúc bình thường (trong trường hợp ta đã biết họ, đã từng bắt gặp họ xử sự ở những hoàn cảnh khác khi họ có những hành động khó coi, chẳng hạn moi cứt mũi hoặc sớn sác vạch quần đái vất vào hàng rào nhà người).

Dường như Đạo được sinh ra bằng hơi thở ngắn: nó thiếu bền bỉ, nó thiếu kiên nhẫn và nó thiếu cả đam mê; cho nên cái gì nó cũng nhúng tay vào nhưng sẽ bỏ cuộc sớm hơn ai. Hồi nhỏ vào giờ ra chơi ở trường, thấy nó tụ họp với vài đứa cùng cỡ định làm một ván bi thì thế nào cũng có tay trội nhơn nhơn mò đến đuổi chúng đi chỗ khác vì nơi ấy đất phẳng phiu sạch sẽ, phải để dành cho các đàn anh xứng đáng hơn. Lớn lên, Đạo vào bàn bi-da hoặc ping-pong, định lựa cây vợt tốt, cây cơ vừa tay thì sẽ có kẻ lên tiếng ngăn cản: "Cái vợt ấy tớ đặt cọc rồi đấy", hoặc "Cây cơ nâu nâu tao thường chọn, đứa nào cầm nhầm thì mang lại đây cho ông". Trong một trăm bận thì có đến chín mươi chín bận Đạo ngoan ngoản trả lại cho kẻ lên tiếng mà nếu bận thứ một trăm Đạo có phản đối chăng thì cũng chẳng đi đến đâu. Rốt cuộc Đạo vẫn cứ là kẻ ở sân sau, ở bàn bên; nếu lấy hình ảnh của sân khấu để tượng trưng thì Đạo không bao giờ đứng giữa mà chỉ thậm thò thậm thụt cạnh tấm màn che hậu trường. Thét rồi phải nhận rằng mình vụng về, Đạo đành đóng vai kẻ quan sát, lùi lại vòng ngoài xa tầm với tấm bàn bọc nhung mầu cẩm thạch. Đạo tin rằng trong khi sống, mỗi người đều nhằm đạt tới một cái đích, một giới hạn, một chỉ tiêu nào đó; nhiều khi không những chỉ đạt tới mà còn vượt qua - như chiếc phản lực vượt bức tường âm thanh; riêng Đạo, Đạo chỉ tới nửa chừng, chỉ làm nửa việc. Tựa trong bữa rượu người ta phải uống đến say sưa đến gục ngã (còn Đạo thì không); trên chiếu bài người ta phải chơi bạo phải tố liều, một ăn lớn hai thua sạch (còn Đạo thì không); trên giường ngủ người ta phải làm tình đến kiệt sức để nghe kẻ kia rên rỉ lăn lộn (còn Đạo thì không); trên chiến trường người ta cầm súng xông tới nổ như điên vào địch thủ và có thể sẽ gục ngã như một anh hùng (còn Đạo thì không). Ấy thế mà Đạo lại sợ hãi cái gọi là nhàng nhàng có lẽ vì Đạo là hiện thân của cái nhàng nhàng đó. Nhàng nhàng ngay cả nơi Đạo sinh trưởng, xin lỗi, trước nhất là nơi mà Đạo sinh trưởng. Đó là vấn đề gọi là chính danh. Nơi đó là phố, là thành phố. Nói đến thành phố là đã có chỗ không chỉnh rồi. Bao nhiêu phố bao nhiêu đường bao nhiêu nhà bao nhiêu dân, đế xứng đáng được gọi là thành phố? Dân Sài gòn nói đến Sàigòn với tất cả hãnh diện, dân Hà nội đối với Hà nội, dân Huế đối với Huế; ngay cả một thành phố nhỏ như Nha trang người Nha trang cũng khoe khoang về nó: nào Cầu Đá, nào Hòn Chồng, nào bãi biển xinh đẹp, nào không khí mát mẻ.. nhưng thành phố của Đạo thì ngay cả chức quyền cũng dè dặt cho nên có lúc cho nó cái tên nửa mùa là...xã châu thành. Có ai nghe thuận tai không? Dù sao đấy cũng là thủ phủ của một tỉnh, nói cách khác, là tỉnh lỵ. Tỉnh lỵ mà không là thành phố ư? Thậm vô lý!

Đạo chào đời khi thực dân Pháp còn trên đất nước. Đạo biết đọc rất sớm không phải vì thông minh mà vì ham ngọt. Mẹ Đạo dùng khuôn bánh bích-quy hình các chữ cái, Đạo buộc lòng phải nhớ để được phép bỏ bánh vào mồm. Do vậy ký ức Đạo còn ghi rõ hình ảnh những gian nhà cửa nửa khép nửa mở có mang tấm bảng ghi R.O hoặc R.A, các tiệm bán thuốc phiện hoặc rượu có giấy phép của nhà chức trách Pháp. Thành phố có hai ngả tư, vài ba ngả ba, ba bốn con đường chính và một ngọn tháp Hời. Có con sông mùa nắng cạn ráo, mùa mưa tràn ngập nước mầu đỏ phù sa và trên cao, con cầu dài hơn cây số bắc qua nối những vũng nước nhỏ với những cồn cát mà nhà nông sẽ lợi dụng trồng dưa hấu, mướp, mía và các loại ngũ cốc khác khi mùa nước lũ chưa tràn về.

Tất nhiên thành phố cũng gồm một số khuôn mặt đáng phải nhắc đến. Về phía chính quyền gọi là bảo hộ có lẽ kẻ có chức sắc hơn hết là ông một. Phải ca tụng cái khả năng đơn giản hoá mọi sự của người bình dân Việt-Nam. Cấp hiệu của hàng sĩ quan quân đội Pháp rất dễ hiểu. Sĩ quan cấp thấp nhất, thiếu úy mang một vạch; trung úy hai vạch, đại úy ba vạch.. Người bình dân thấy vậy bèn gọi ông quan một, ông quan hai, ông quan ba cứ thế mà lên đến quan sáu, ông đại tá. Cấp tướng lãnh thuở ấy hiếm và người bình dân chẳng mấy khi có dịp nhìn thấy bèn cho qua. Tóm lại quân lực thành phố được đặt dưới quyền ông thiếu úy ấy. Không rõ quân số được bao nhiêu nhưng ông một cũng có doanh trại, có chú lính vát súng đứng canh ngoài cổng và chiều chiều, một toán lính diễu qua thành phố (chẳng biết để làm chi) gồm bốn năm người mặc quân phục vàng, chân quấn xà-cạp (tức một mảnh vải dài quấn quanh ống quần để giữ quần sát vào bắp chân cho gọn), người đi đầu thổi kèn, những kẻ đi sau bước theo nhịp, đấy là một quan cảnh khá hấp dẵn đối với bọn trẻ con. Vế phía dân sự dường như không có một chức sắc nào ở cấp thấp này mà phải lên đến tỉnh mới có vai trò ông sứ, đại diện cho cơ quan hành chánh cấp tỉnh. Về phía triều đình Việt-Nam, ông tri phủ là cán bộ có trách nhiệm quản lý một lúc vừa thành phố vừa một số xã phụ cận. Những nhân vật kể trên ngó vậy chứ chẳng phải là những kẻ luôn có mặt trên sân khấu địa phương; ngược lại giai cấp kế tiếp sẽ là giai cấp làm đình làm đám: ông cò (giám đốc cơ quan an ninh của thành phố), ông đốc học (tức hiệu trưởng trường tiểu học -dân ta vốn trọng chữ nghĩa nên ông rất được kính nễ), ông đốc (lại đốc, nhưng là đốc tờ, giám đốc bệnh viện), các thầy thông thầy phán (các công chức trong bộ máy hành chánh), thầy trợ (giáo viên dạy học), tùy quyền chức, tùy tư cách, mỗi kẻ sẽ gây ra những phản ứng đối với đám dân đen: kính phục, sợ hãi, khinh ghét, chế diễu. Con người có nhiều cái tham; có cái tham thiết thực như tham ăn ngon mặc đẹp ở sướng, tham dục tham sắc.nhưng cũng có cái tham ảo, hơi.trừu tượng siêu thực một chút, như tham chức tước, tiếng tăm. Tiền bạc giàu sang đã cho con người một chút ưu thế nhưng dưới thời Pháp thuộc, người ta có thể chính thức hoá phần nào cái ưu thế đó bằng cách mua tước hiệu. Bỏ ra một số tiền lớn bạn sẽ nhận được một phẩm trật, phẩm trật ấy không thực sự cho bạn quyền hành nhưng ít ra bạn được ăn trên ngồi trước. Giai cấp mua phẩm tước ấy nhận những tấm mề-đay đeo lên ngực áo trong dịp đón rước lễ lạc, được xếp ngồi tại các ghế trên và nếu may mắn sẽ được bắt tay làm quen với những kẻ có quyền tước thật sự. Như vậy xã hội có hai giai cấp trên, giai cấp thật và giai cấp ảo, họ cùng nhau chia chác quyền lợi.

Vì nhà Đạo nằm trên một trong những con phố chính nên chị em Đạo biết hầu hết mọi khuôn mặt quan trọng của thành phố cùng những thói quen của họ. Đó là đề tài cho những diễu cợt trong vòng gia đình. Lối giáo dục nghiêm khắc, không khí nghèo nàn và tù đọng khiến chị em Đạo tìm lối thoát nhờ những trò đùa ấy. Thường ngoài giờ học, những đứa con phải có trách nhiệm trông nhà cho bố mẹ, có nghĩa là ngồi đấy chờ tiếp khách đến mua hàng. Đó là một hiệu buôn có hai cửa: một bên bán phụ tùng và lắp ráp xe đạp, bên kia bày các hàng tạp hoá khác. Các đứa con thay phiên nhau trông hàng trừ đứa con trai út quá nhỏ là Đạo. Thí dụ chị cả ngồi ngoài hàng từ mười một giờ trưa khi vừa ở trường về đến hai giờ chiều, trước lúc sửa soạn đến trường lần nữa, buổi tối sẽ có một đứa em khác thay thế. Buổi chiều, trên đường đi học về, chị mách với các em: "Sáng nay chị thấy ông neuf pêche mua cái hộp gì to tướng".. Neuf pêche là ông Chín Đào, cựu công chức ngành đạt điền. Ông mặc sơ-mi ngắn tay trắng, thắt cà-vạt đen và luôn luôn choàng một chiếc vareuse màu cháo lòng dù trời nắng chang chang. Chị thứ kể: "Cô Anh hôm nay gây với thầy Paul dữ dội là vì thày Paul giảng bài to tiếng quá từ bên lớp ba vang qua tận lớp nhì của tụi em. Cô không dạy được bèn sai một đứa học trò chạy qua cửa lớp của thầy đứng đấy chờ khi thầy nhìn ra thì vòng tay dạ thưa thày rồi chạy về ngay, tự khắc thầy sẽ hiểu. Thầy Paul hiểu thật và vì vậy thầy qua ngoắc cô Anh ra ngoài nói nho nhỏ những gì không biết nhưng cô sụ mặt từ đấy. Tụi nó nói thầy Paul với cô Anh đó". Thời ấy người ta có thói quen gọi tên người kèm chức tước, chẳng hạn anh trợ Đức (anh Đức làm giáo học), anh thừa Thành (anh Thành làm công chức) nhưng có trường hợp đến giờ này Đạo vẫn chưa hiểu ra. Ông bang Hùng, ông ta là giám đốc nhà máy đèn, lẽ ra phải gọi là ông đốc Hùng chứ, tại sao là bang? Đạo biết hồi đó có chức bang tá, tức người phụ trách hành chánh một đơn vị nhỏ hơn thành phố (ví dụ thị trấn hay quận) hoặc đối với người Tàu sang cư ngụ bên ta thì bang là kẻ đứng đầu một cộng đồng của những kẻ cùng một quê (bang Triều châu, bang Phúc kiến) phải chăng ông Hùng đã từng làm bang tá? Sao đó rất lâu, khi ông Hùng không còn có mặt trên diễn đàn thành phố nữa, Đạo bổng nghe giải thích rằng ông từng làm giám đốc một đoàn hát bộ; vây thì ban ở đây không có chữ g - ban hát, cũng như ban nhạc, ban kịch..Nhưng trường hợp ấy chưa đáng cho Đạo thắc mắc bằng trường hợp ông trợ Mốt. Như trên đã nói, trợ là từ để chỉ thầy giáo vậy ông trợ Mốt là cựu giáo viên chăng? Nếu bạn đọc biết ông trợ Mốt làm gì hẳn bạn đọc sẽ chia xẻ với thắc mắc của Đạo: ông trợ Mốt...đổ thùng! Ngày trước hệ thống nhà vệ sinh chưa được hoàn chỉnh, người ta sử dụng những phương tiện hết sức đơn giản. Nhà vệ sinh được xây cao như nhà sàn xứ thượng, sàn nhà được nâng lên cao, giữa có một lỗ tròn, ngay nơi đó người ta hứng một cái thùng thiếc, khi cần đại tiện, bạn nhằm vào lỗ tròn mà khai hoả. Cứ một hoặc hai đêm thì ban vệ sinh ghé qua nhà bạn kéo chiếc thùng đầy ra mang đi như kiểu người ta mang rác đi hiện nay và cùng lúc đặt một chiếc thùng khác vào thay chỗ. Tất nhiên ông trợ Mốt không trực tiếp làm việc ấy, có kẻ khác thay ông nhưng dù sao danh ông vẫn mang mùi kỳ cục, tại sao cựu giáo học lại thay nghề đổ phân? Dù vậy, hình ảnh ông trợ Mốt đối với Đạo vẫn có chỗ êm đềm. Ký ức về ông trợ Mốt dính liền với hình ảnh mỗi đêm thức giấc, vì đít đầy ghẻ nên hễ vào giường là Đạo lặng lẽ cào cấu cho đến khi máu chảy dầm dề. Mẹ, trong chập chờn giấc ngủ, chiếc quạt trên tay thỉnh thoảng phất vài cái rồi xuội đi theo cơn mê, nhưng trước sau gì rồi mẹ cũng choàng tỉnh, sờ vào mông Đạo thấy nhớp nháp, phát nhẹ cho nó tỉnh, dựng dậy mang ra khỏi giường rửa ráy và rắc thuốc bột. Khi mọi sự đã xong xuôi, để an ủi con, bà mở hộp bánh bích-quy LU phát cho Đạo hai chiếc cùng lúc vỗ về để nó trở lại giấc ngủ. Đúng vào lúc đó Đạo nghe tiếng bánh xe gỗ nghiến lên mặt đường, chiếc xe đổ thùng của công ty ông trợ Mốt diễu qua nhà, nặng nề chậm chạp như đêm đen oi nồng quẩn quanh tù đọng.

Bất cứ một thành phố nào có tuổi đời dài đều được xây dựng bên một giòng sông hay bên bờ biển. Phương tiện giao thông chưa có, con người phải nhờ giòng nước làm trục đi lại, chuyên chở chính rồi mới dần dần khai phá đường đất và cuối cùng thì thênh thang với phương tiện hàng không. Khi Đạo ra đời, than là nhiên liệu chính trong hoạt động vận chuyển. Tiếp vận từ Pháp ra các thuộc đîa hải ngoại hoàn toàn bị cắt đứt bởi cuộc chiến tranh thế giới. Người ta không còn sử dụng xăng, mỗi chiếc ô tô mang theo sau hậu bộ nó một bình đựng than, chú phụ xe vất vả với cây sắt đâm đâm thụt thụt để than xuống đều. Cả ba phương tiện chuyên chở đều nhờ than: tàu thủy, tàu hoả và ô tô. Đấy là phương tiện cho những chuyến đi dài, còn di chuyển ngắn thì có xe ngựa lọc cọc, xe kéo (tiền thân của chiếc xích-lô, nặng nhọc và thiếu nhân vị, nói theo ngôn ngữ của ông bà Ngô đình Nhu). Di chuyển cá nhân nhờ xe đạp, trừ trường hợp có phương tiện tài chánh dồi dào hơn thì dùng mô tô, người bình dân gọi đơn giản là xe bục bịch , nhại theo tiếng nổ của động cơ xe. Có hai chiếc bục bịch như vậy, trong thành phố, một của ông Nguyễn Văn Xuân chủ hiệu sách và một của ông chủ hiệu sửa xe. Nhân vật sau có hỗn danh là ông củ hành chỉ vì ông có một búi tóc sau ót. Mới nghe qua cách đặt tên có vẻ mất dạy thế nào ấy nhưng nghĩ cho cùng thì chỉ là một việc hợp lý thôi. Cả một giải Á đông thuộc vùng ảnh hưởng văn hoá Trung-Hoa thảy đều bị lối giáo dục của thầy Khổng chế ngự. Lễ nghĩa quá nhiều, chúng ta đâm ra kỵ húy quá chừng. Thét rồi chúng ta hết dám gọi tên người vì cái-gọi-là lễ phép. Sự lẩm cẩm đó chẳng khác xa lắm với cái lẩm cẩm của xã hội tiêu thụ ngày nay, thí dụ anh tạo ra cái xì-líp để bao bọc hạ bộ, phần da thịt tuy quan trọng nhưng lại rất dễ... sinh mùi: tốt! hợp lý! Nhưng anh không chịu dừng lại ở mức độ tốt và hợp lý đó; anh thừa thắng xông lên sản xuất ra tấm giấy nhựa thẩm thấu lót vào trong. Ơ hơ, nếu vậy thì bao giờ màn mới chịu hạ đây? Một ngày đẹp trời sẽ có anh tinh ranh vặt khác bảo phải có một cái gì để hút cái mà tờ giấy thẩm thấu kia bài tiết ra, rồi một cái gì khác để tiêu hủy tờ thẩm thấu nọ lẫn cái vật chưa phát minh ra kia vân vân và vân vân. Giản dị biết mấy trong xã hội văn minh và thừa thải này là vất chìếc xì-líp quách đi sau khi dùng hoặc thay đổi hàng ngày, thậm chí nửa ngày thôi. Vấn đề đặt ra sẽ là tìm cách hạ giá thành sản phẩm hoặc vẫn sản xuất hàng tốt nhưng nghiên cứu cách giặt giũ sao cho tiện lợi gọn gàng có phải hơn không? Chúng ta sắm cái ghế để ngồi, tấm nệm lót lên trên cho êm bàn tọa; rồi vì phải bảo vệ tấm nệm nên phải có cái bao nệm (cho đỡ dơ và đỡ mòn); nhưng nếu cứ như vậy mà tiến lên theo phương pháp.. biện chứng thì rồi phải có cái-bao-cái-bao nệm rồi cái bao cái bao cái bao (ba lần!) nệm, cho tới lúc ta ngồi lên tấm vĩ sắt vì như vậy mới bảo vệ được tấm nệm. Kết cục ta mất ghế để ngồi, mất nệm để cảm thấy êm ái. Khùng luôn! Tương tự với điều trên kia, đặt tên là để gọi, ta không dám gọi buộc lòng phải tìm một cách khác thay thế. Lẩn quẩn ơi là lẩn quẩn! Nhỏ, Đạo ra đường có người chận hỏi mày con ai? Nó đáp, người kia không hiểu, nó bèn tìm cách chỉ phố nó ở, nhà nó buôn bán gì...mãi lâu kẻ kia mới rõ, chỉ vì chúng ta không có lệ dùng tên thật. Trở lại vấn đề ông củ hành: con người là một con thú, mỗi loại thú thường có một vài giác quan nhuệ hơn những giác quan khác. Với con người hình như thị giác đóng vai trò quan trọng. Tất nhiên chúng ta còn bộ óc để tổng hợp mọi nhận thức do các giác quan khác thông tin về, nhưng điều này cần có thời gian quan trọng để cân nhắc, rút tỉa, phân tích, tổng hợp vân vân, duy chỉ có thị giác là đập tức khắc vào ý thức ta. Gặp một kẻ lạ chúng ta không đưa mũi ra nghích nghích đánh mùi như con chó, trái lại ta nhìn chầm chập vào mặt khách tìm đặc điểm. Tùy trình độ giáo dục và văn minh, chúng ta có thể cười toé vào mặt khách, hoặc tủm tỉm, hoặc chỉ cười thầm trong trí, nhưng dù sao chúng ta cũng ghi nhận những đặc điểm, những cá tính và nhất là những điều ta cho là dị hợm về nhân dáng hay cung cách của kẻ đối diện ( theo quan điểm của ta. May thay, kẻ kia cũng có quyền nhìn ta và cho ta là dị hợm theo quan điểm của hắn! / ) Ông củ hành nhận biệt danh ấy chỉ vì ông có một búi tóc sau ót. Với cái nhìn lùi lại bốn mươi năm trước, tôi phải công nhận rằng ông có một thái độ sống can đảm và đi trước thời đại. Nếu tôi không lầm thì đầu tóc dài của người đàn ông có trước rất lâu thời ông củ hành; phải là thế hệ đàn anh của ông kia. Rồi thì sau đó người Pháp đến, chúng ta cắt tóc, cạo trắng răng (tập tục cũ là răng đen), nếu tiến bộ hơn thì khoác âu phục. Hãy tưởng tượng rằng trong khi cả một xã hội tìm cách Âu hóa, ông củ hành vẫn lội ngược giòng với cái búi tó, không phải là can đảm sao? Ngày xưa và nhất là đối với người Á đông câu nệ lễ nghĩa, ít ai trong chúng ta dám biểu lộ nhân cách cá biệt của mình. Sống trong xã hội Á đông là cam lòng bỏ quên cá tính, là luồng cúi, là xuôi theo giòng nước chảy, là hoà tan trong tập thể, là mất biệt chìm đắm trong vô danh. Phải chờ đến hậu bán thế kỷ hai mươi, sau những náo loạn tại các nước Tãy phương vào thập niên sáu mươi, ở nước Việt-Nam nhỏ bé của chúng ta mới thấy xuất hiện những đầu tóc dài, những chiếc áo hoa, những ống quần chân voi bẩn rách thênh thang lết phết. Tôi không ca tụng lối ăn mặc như vậy nhưng tôi tán thưởng thái độ can đảm dám áp đặt và tuyên xưng cá tính của những người trẻ đó.

Một nhân vật khác được chị em Đạo đặt tên là ông point-virgule (tương tự trường hợp ông củ hành) bị một tật nhỏ bên chân trái, mỗi bước đi ông đưa chân mặt ra chịu đựng trong khi chân trái nhấc lên chậm chạp và không đặt xuống được ngay tức khắc, ông ngoắt bàn chân một cái rồi mới có thể lấy đà đẩy thân thể về phía trước; tất cả mọi động tác đều chỉ ăn nhờ chiếc chân mặt tuy còn vững vàng nhưng gầy gò khổ sở; chín mươi phần trăm những cố gắng để thực hiện việc chuyển dịch đó diễn ra nhanh chóng, còn lại mười phần trăm chậm chạp ca múa là phần của chân trái. Kẻ quan sát có cảm tưởng rằng ông đã sử dụng hết mọi quyền hạn và khả năng ông để sự thể lố bịch đừng kéo dài quá lâu nhưng ông hoàn toàn bất lực. Vì thất thế như vậy nên ông point-virgule phải cậy nhờ chiếc ba-toong khi thong thả dạo phố mỗi chiều.

Đối với chị em Đạo,khung cửa phố là sân khấu hí trường, trên đó mọi nhân vật của thị trấn qua lại, trình diễn vai trò của họ mỗi ngày, bền bĩ, đều đặn tưởng như không gì có thể xáo trộn đổi thay được. Sinh hoạt của mọi người đúng đắn chính xác như kim đông hồ: buổi sáng, lúc bố ra mở cửa là nhất định anh phu xe Luyến phải ngồi ngoắc ngoẻo trên càng xe trước cửa nhà, lên tiếng "chào cậu", bà hàng cháo lòng vừa mở chiếc vung nồi đưa vá nếm thử cháo có vừa ngon không, con bé con của ông Quảng Hòa tay túm lưng quần (vì sợ tụt) tay cầm dĩa tìm hàng bánh hỏi, và chỉ một hoặc hai phút sau, ông thông Lý sẽ đủng đỉnh tay bỏ túi quần tay kẹp điếu thuốc đi về phía sở thương chánh; buổi chiều khi chị em họ ở trường về thì cũng là lúc ông point-virgule cầm can dạo phố, ông củ hành làm một vòng xe bục-bịch, thầy Paul thay sọt trắng, giày vải trắng, bít tất trắng tay cầm vợt xuống sân tơ-nít, ông đốc học hai tay chắp sau đít đi hứng chút gió chiều mà vẫn trang nghiêm đạo mạo như đi thanh tra...Và đêm đến, sau khu nhà của nhóm công chức, các ông tham ông phán các cụ các mệ tụ họp nhau lại đàn hát, giọng nam bình nam ai oán thán thở than. Không ai ngờ rằng cuộc sống tuy độc điệu nhưng êm đềm ấy sắp chấm dứt, mây đen đã lừng lững tụ lại ở một góc trời, sấm chớp đã gầm gừ đâu đó.

Biến cố đầu tiên là việc anh Thiện bị bắt. Không ai biết anh Thiện từ đâu đến (không ai biết, ít ra là mọi đứa con, trừ bố: biết đâu đấy?) chỉ thấy một buổi sáng anh đến nhà dọn một chiếc bàn máy may singer ra ngoài hiên nhà, may quần áo. Kẻ may thuê quần áo thì gọi là thợ may chứ gì? Trông anh Thiện chẳng ra một anh thợ may. Mặt anh ta luôn đăm chiêu (không lẽ may một chiếc áo chiếc quần lại đòi hỏi ta nhiều nổ lực tri thức đến vậy?), anh ta cũng chẳng chăm làm; thỉnh thoảng lại nghỉ biến đi một vài hôm. Những ngày cuối cùng trước khi bị bắt anh cũng vắng mặt. Trưa hôm ấy lính "mật thám" đến, dắt theo anh Thiện tay bị còng, mặt mày hốc hác. Mật thám mang hết cơ sự của anh ra: chiếc bàn máy may, vải vóc, áo quần và cái nắp gỗ dùng che đầu máy cho khỏi bụi: a, cái nắp gỗ ấy thế mà nhiều chuyện! Người ta tưởng anh chỉ có một cuốn sổ để ghi kích thước khách hàng là người ta lầm. Anh Thiện có vô số giấy tờ, mật thám thu tóm hết, còn ngó quanh quất ý muốn vào lục soát tận trong nhà Đạo nữa đấy. Sau đó, anh Thiện bị đưa ra xe bít bùng, xe hú còi chạy mất.

Không ai để ý rằng bố cũng vắng mặt lúc lính đến nhà bắt anh Thiện.

Đạo là con út nên được quyền nằm cùng giường với bố mẹ. Đạo có nhiều ghẻ nên thường thức giấc nửa đêm khi bị cơn ngứa hành hạ. Một lần thức giấc như vậy Đạo nhận ra nhà có khách. Ông khách là một người tầm thước rắn rỏi đang bàn chuyện rất hăng với bố. Nói bàn thì không đúng vì bố hiếm khi góp tiếng, chỉ mình ông tham Ca nói (mọi người gọi ông như vậy, vì nguyên ông là công chức của sở hỏa xa) và bố nghe, nghe một cách nghiêm trang, trịnh trọng. Ông tham Ca nói chuyện với bố nhưng tưởng như đang nói với đám đông. Ông không ngồi vào ghế, ông đi qua đi lại suốt bề dọc căn phòng, hai tay ông đưa lên đưa xuống khi nắm lại thành nắm đấm tỏ lòng uất ức, khi vung ra đầy khí thế phẩn nộ, tầm nhìn phóng ra xa, xa lắm, nhằm vào những nhân vật tưởng tượng ngồi ít nhất cũng phải năm bẩy hàng ghế sau lưng bố (là nói thí dụ mà nghe ấy chứ thật ra sau lưng bố là đã sát tường rồi!). Đạo hãi quá cứ nằm in thin thít trố mắt nhìn ông tham. Sau đó, Đạo mệt mỏi, thiếp đi, và sáng hôm sau khi thức giấc, mơ hồ nhớ lại chuyện đêm trước nó nghi ngờ không hiểu có thật hay không một ông tham Ca nói chuyện giữa đêm khuya. Sự việc ấy không chỉ xảy ra một lần, đã giúp Đạo mất nổi nghi ngờ về khả năng thị và thính giác của nó. Có điều ông tham chỉ xuất hiện giữa đêm khuya không bao giờ vào lúc sáng trời. Lần cuối cùng Đạo nhìn thấy ông (và bên ông là một người đàn bà, người ta bảo là vợ ông) là ngày ông bị một toán lính Nhật bắt trói dẫn đi diễu ngoài phố; khi ngang qua nhà Đạo ông tham dừng lại và nói rất nhiều, nói với cái đám đông thập thò lấp ló sau những cánh cửa khép; bọn lính Nhật nhượng bộ để ông dằng dai như vậy trên đường phố... Ấy thế mà mọi người kể rằng lúc đầu chính ông tham Ca đã từng hợp tác với người Nhật...

Hai mươi năm sau, Đạo gặp lại ông tham Ca từ bắc trở về tìm thăm bố và chú của Đạo: ông không gặp họ ở nhà mà tại một nghĩa trang nắng, gió, cát, vây quanh bởi đám bàn chải và xương rồng cùng một giống hoa tím lì lợm sống cùng khí hậu khô rốc cằn cỗi trên vùng đất trần truồng gầy guộc. Ông đốt mấy nén hương bùi ngùi tỏ lòng tiếc thương hai người bạn đã không may mắn sống thêm một thời gian nữa để nhìn thấy đất nước được giải phóng như ước mong của họ lúc sinh tiền.





VVM.10.7.2021

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
vietvanmoinewvietart007@gmail.com