Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      





Thiếu Nữ Bên Tà Áo Dài tranh của hoạ sĩ Đặng Mậu Tựu (Huế)



NHỮNG CƠN BÃO ĐI QUA




CHƯƠNG I


N hững ngày cuối năm, bà Vĩnh lần lượt làm các món mứt để chuẩn bị cho ba ngày tết. Năm nào cũng vậy, khi mọi thứ mứt đã làm xong xuôi, bà gói mỗi thứ một ít để riêng cho người gia sư mang về quê, những người dạy kèm cho các con của bà đã thành một nếp quen trong gia đình này từ khi đứa con gái đầu lòng mới học lớp nhì (lớp bốn) cho đến bây giờ lớp đệ tứ ( lớp 9 ). Gần mười sáu năm nay bà Vĩnh chỉ ở nhà chăm sóc bầy con sáu đứa, còn phải nuôi thêm người giúp việc để lo đi chợ nấu ăn, gánh nước, giặt giũ, giữ em…Một mình ông Vĩnh làm ra tiền cũng đủ lo cho cả gia đình, trong nhà chi tiêu thỏa mái.

Tuy suốt năm quanh quẩn trong nhà nhưng không rõ ai chỉ vẻ mà bà Vĩnh biết mời gia sư đến dạy kèm cho mấy đứa con lúc còn tiểu học. Những người dạy kèm thường ở các vùng phụ cận, cách thành phố Huế khoảng vài chục cây số, là học sinh trường Quốc Học. Muốn lên thành phố học thì phải thuê nhà hoặc tìm chỗ dạy kèm, trình độ người dạy kèm cũng phải đệ nhị cấp trở lên.


♣ ♣ ♣

Gia đình ông Vĩnh ở trong Thành Nội, gốc người Quảng Đông bên Tàu, sang Việt Nam từ đời cố đời sơ (là tàn binh của Hồng Tú Toàn thất bại sau trận phản Thanh phục Minh). Người Tàu sang Việt Nam thời đó phần nhiều làm nghề thương mại buôn bán nên khá giàu có, gia đình ông Vĩnh cũng vậy. Riêng ông có mấy chiếc xe hơi, xe chở hành khách và học sinh trong thành phố, xe chở hàng hóa vật dụng… một chiếc xe nhỏ bốn chỗ để đi chơi trong thành phố mỗi khi rãnh rỗi. Ông vừa giàu vừa đẹp trai lại chăm ăn chăm làm, hầu như không có bạn bè, không la cà quán xá, tuy lọt vào mắt xanh của nhiều cô gái ở phố Đông Ba, nhưng ông cứ lơ lơ tỉnh tỉnh, không nói năng chi để biểu lộ ý tình. Mà dù có quen ai thì ông cũng không tán tĩnh miệng mồm như những thanh niên khác vì bản tính của ông rất ít nói. Năm khi mười họa mới nghe ông nói một đôi câu, kèm theo tiếng cười nhẹ đầy ý nghĩa rồi thôi, chẳng mất lòng ai.


♣ ♣ ♣

Cô Loan là tên bà Vĩnh hồi con gái, con quan Thượng thư, ở trong phủ sát cung An Định (phường An Cựu) thường gọi là phủ ngoại từ vì quan Thượng là em ruột của Bà Đức Tiên Cung vợ vua Đồng Khánh. Bà con bên vợ vua còn gọi là Thích lý.

Cô Loan có người em trai con bà dì làm việc bên Đông Ba, biết gia thế ông Vĩnh giàu có, mới làm mai cho cô Loan. Cô Loan có nét duyên dáng quý phái, nhiều thanh niên gần nhà muốn làm quen, trong đám đó có người thư sinh tên Qúy, nghe nói đó là học trò trong Quảng ra thi.Trong giai đoạn giao thời từ thời Pháp thuộc, tam tòng tứ đức đã bớt khe khắt, trai gái giao du có phần cởi mở. Cụ Thượng biết cô Loan có bạn trai, mỗi khi đi đâu về, cụ thường hỏi :“Sửu mô – con Sửu mô rồi ?”. Cô Loan sinh vào năm sửu.

Không biết cô Loan quen biết với Quý khi nào, thỉnh thoảng thấy anh thư sinh thấp thoáng trước cửa phủ, trao đổi trò chuyện đôi câu rồi đi, không dám vào, chỉ đôi lần hò hẹn trên bến sông An Cựu ngay trước mặt nhà dưới ánh trăng thanh.Từ khi ông Vĩnh qua chơi nhà Cô Loan thì không còn thấy chàng thư sinh đó nữa.

Cô Loan không đến trường học, chỉ học ở nhà do các thầy đồ đến phủ dạy cho con nhà quan. Cô học được truyện Kiều, Lục Vân Tiên...do đó càng hun đúc thêm bản tính đa cảm của cô.


♣ ♣ ♣

Được giới thiệu, ông Vĩnh qua nhà cô Loan làm quen, chào mẹ cô rồi nhìn cô với cái mỉm cười xã giao, xong nói chuyện gì đó với mẹ cô, sau đó ngồi chơi với mấy em. Thấy không hỏi han chi mình, cô Loan tránh ra sau cho đến khi ông chào về. Những lần sau cũng vậy, năm ba câu với mẹ cô rồi ngồi như phổng, không cử chỉ âu yếm, không ánh mắt trao thương, cô Loan thấy nãn nhủ thầm “Người chi mà mặt mày khinh khỉnh, ỷ giàu”. Vì vậy, nhiều khi cô để ông ngồi với mẹ và các em, tránh sang nhà bà dì hoặc ông cậu cùng ở chung trong phủ, cảm tưởng như mình là người ngoại cuộc. Ông cũng không nói năng chi, lần sau vẫn đến bằng chiếc xe đạp Dura bóng loáng, nhẹ chỉ xách bằng một ngón tay, đến trước cửa nhà mà không ai nghe thấy.

Cụ Thượng thường ngày ở trên tiền sảnh, các bà vợ ở những gian nhà ngang phía dưới. Cụ chỉ nghe nói đến ông Vĩnh chứ chưa thấy mặt, nhưng cũng sinh lòng quý mến. Thỉnh thoảng ông Vĩnh tặng cụ những món hàng đặc biệt mua được trong những chuyến xe vô Sài Gòn hoặc ra Hà Nội. Và để lấy lòng cô Loan, ông tặng những xấp lụa trắng, lụa hoa đắt tiền, khiến cô ngỡ ngàng, bắt đầu cảm động.

Lúc nầy Loan hết mộng mơ tơ tưởng đến ai, trong đầu chỉ còn biết có ông Vĩnh. Mẹ cô biết rõ tính ý con gái, trước những biến cố chiến sự trong nước đang xảy ra giữa năm 1945, bà muốn con yên bề gia thất khi đã có ông Vĩnh cơ ngơi căn bản, không phải cực nhọc lo toan.


♣ ♣ ♣

Và mọi việc như có sự sắp đặt của số phận chỉ trong một đêm, lúc ông Vĩnh đang ngồi chơi bên nhà cô Loan thì bỗng có tiếng súng liên thanh nổ vang, rồi tiếp theo là tiếng đạn pháo, nghe đâu phía bên kia thành phố, rồi thấy ngoài đường lao nhao người chạy. Mấy mẹ con cô Loan sắp xếp để chạy theo, hoang mang chưa biết chạy đi đâu thì thấy mọi người chạy về phía cống Phát Lát, ông Vĩnh cũng đi theo vì đang có giao tranh thì cầu Trường Tiền không thể qua được. Nghe ngóng suốt đêm không thấy trận chiến lan rộng, súng đạn nổ một hồi rồi thôi, sáng ra tình hình yên tĩnh nhưng chưa ai dám về nhà. Mẹ con cô Loan ở lại mấy ngày chờ tình hình thật yên mới về, sau mới biết là tiếng súng của Nhật đảo chánh Pháp. Gia đình ông Vĩnh chờ trông mấy ngày không thấy, tưởng đã chết hoặc mất tích.

Thời gian sau, ông Vĩnh đưa cô Loan về ra mắt gia đình, đến khi chính thức thành vợ chồng, mẹ ông Vĩnh mua một căn nhà ngoài Đông Ba cho hai người ở riêng.

Vài tháng sau thì Cách mạng tháng 8 thành công, vua Bảo Đại thoái vị, quan lại triều đình tan rã. Đa số quan lại thời đó có năm thê bảy thiếp, sống đầy đủ an nhàn nhờ lộc vua, nhưng khi vương triều sụp đổ thì đời sống trở nên chật vật khó khăn. Ngay cụ Thượng thơ cũng không thấy có của ăn của để mặc dù bà chị là Đức Tiên Cung. Bản tính cụ thanh liêm thật thà, không cất đặt riêng tư nên không chia sớt được gì cho bốn bà vợ với mấy chục người con.

Một số gia đình nhà quan có quen biết hoặc bà con với quân tự vệ, phải sai đầy tớ giả làm người gánh nước thuê cho các trại bộ đội dân quân, để rồi gánh ra vài thùng cơm thừa cơm cháy và thức ăn vụn vặt. Những Cậu Ấm, các cô Tôn Nữ Công Tằng chỉ còn cao sang quyền quý trên danh nghĩa, rồi thì lưu lạc tứ phương.

Trước khi Bà Đức Tiên Cung băng hà, cụ Thượng được cấp cho mấy chục mẫu đất ở Thủy Xuân, cụ chia cho bà nào muốn làm nhà dựng vườn trên đó.

Hiện nay con cháu có người còn sinh sống tại đó, trông giữ lăng tẩm các vua Tự Đức, Đồng Khánh… có người bán đất mua nhà ở phố buôn bán sinh nhai, một số hiện đang sống ở Mỹ, ở Úc …

CUNG NỘI

Không còn Thượng uyển chốn cung loan
Nét son phai dấu tích điện vàng
Long bào - Ấn Chúa còn đâu nữa
Lạnh lẽo lầu hoa giấc phượng hoàng

Ngai vàng lạc lõng giữa Thần kinh
Không vua nên vắng nhạc cung đình
Cung – Tần thầm trách đàn ai oán
Hoàng hậu xa cung nhớ nguyệt đình

Từ buổi xác xao mùa lá ngọc
Cành vàng thất lạc dấu thềm son
Bầy chim soãi cánh ngang Thành nội
Gọi dậy mùa đau giữa đáy hồn.


♣ ♣ ♣

Của cải trong hoàng cung hầu như vô tận, không biết bao nhiêu là vàng bạc châu báu truyền mười mấy đời vua nhưng đều nằm trong ngân khố, niêm phong cẩn mật. Bắt đầu từ thời Pháp thuộc, khi chiếm Kinh thành Huế, quân Pháp đã cướp phá hàng tấn vàng bạc, hàng trăm kim cương hột xoàn và vô số vật dụng nạm bạc nạm vàng có giá trị bạc triệu (đối với giá trị thời đó), phải mất cả hai tháng trời mới chuyển hết xuống tàu đưa về nước.

Chưa kể khi vua Hàm Nghi chạy ra Tân Sở chuẩn bị cuộc kháng chiến cần vương, Tôn Thất Thuyết đã chuyển đi một nửa ngân khố, sau cũng bị Pháp chặn lấy gần hết trong cuộc truy đuổi. Mấy bà Thái hậu còn giữ được ít nhiều nhưng hầu như không chủ quyền sở hữu, không dám hoặc không biết san sớt cho anh em giòng họ. Đến khi Cách mạng nắm chính quyền, Bà ĐứcTừ Cung còn giao cho nhà nước hai két vàng, nói đó là tài sản của nhà nước. Bà Hoàng hậu Nam Phương cũng lấy hết vàng bạc trong thân đưa ra để ủng hộ Cách mạng.

Khi Đức Từ Cung sắp mất, bà lại mời chính quyền Huế giao hết số của cải còn lại. Đến khi Cựu Hoàng lưu vong cũng phải nhờ sự hổ trợ của chính quyền Pháp, không có được đời sống giàu sang phú quý. Cựu Hoàng hậu Nam Phương sống giàu có ở Pháp cũng nhờ của cải cha mẹ sớt chia.

♣ ♣ ♣

Nhung là con gái đầu lòng của ông bà Vĩnh, năm nay vừa đến tuổi trăng tròn. Trong nhà đã qua vài người thầy dạy kèm, người sắp sữa xin thôi là cậu Trung. Vừa rồi Trung nói với bà Vĩnh tết này về quê nhưng sẽ không trở lại dạy kèm nữa, và sẽ giới thiệu một người khác. Bà Vĩnh không mấy bất ngờ trước việc này, người cũ ra đi sẽ giới thiệu người mới là bạn học của nhau, đã mấy lần như vậy rồi.Trung định bụng tối nay sẽ chào ông Vĩnh vào lúc dùng cơm.

Trong bữa ăn, bà Vĩnh nói với chồng :

- Cậu Trung nói về ăn tết rồi nghỉ luôn, không dạy nữa.

- Sao vậy ?- Ông Vĩnh hỏi Trung.

- Dạ chắc là em vào quân đội – Trung trả lời:

- Sao không học tiếp. Tình hình chiến tranh căng thẳng, vô lính cậu không sợ ?

- Dạ cũng đành vậy, tại em thi rớt sư phạm.

- Sao không chờ năm sau thi lại ?

- Dạ, không biết sang năm có đỗ không, rồi cũng phải đi, thà đi trước cho rồi, sống chết cũng có số - Trung đáp lại và cười nhẹ.

Bà Vĩnh nói thêm :

- Nói vậy chứ nhà mình mát tay lắm, cậu Huấn, cậu Sinh, cũng từ nhà này ra lính cả, giờ đã thành ông này ông nọ có sao đâu. Mới đó cậu Huấn đã lên thiếu tá.

- Đi lính mau thành quan – Ông Vĩnh cười phụ họa – Không xanh cỏ thì đỏ ngực.

Mọi người cười vui vẻ. Nhung và hai em Bảo, Bình đang ngồi ăn chung mâm, không hiểu gì nhiều cũng cười theo.

Những người dạy kèm này thường hay nghỉ học sau khi đỗ được một hai tấm bằng Tú tài, vì không đủ điều kiện để học thêm, hoặc thi trượt ngành nghề gì đó, họ phải vào quân đội mặc dù đất nước đang vào thời kỳ chiến tranh cao điểm.

Trung nhìn mấy học trò nhỏ của mình bằng đôi mắt thân yêu :

- Nhung với Bảo, Bình ăn tết xong ráng học chăm nghe. Ra tết sẽ có thầy mới, dạy giỏi lắm.

Người dạy kèm Trung sẽ giới thiệu đến đây là An. Từ khi An đỗ vào đệ thất (lớp 6) trường Quốc Học, An rời quê lên Huế ở nhờ nhà người bà con trên Nam Giao, mọi việc ăn ở sách bút đều do mẹ lo. Đến khi lên lớp đệ nhị (lớp 11), người bạn cùng lớp với An là Chương, giới thiệu An với Trung, vì biết Trung sắp nghỉ dạy kèm và sắp vào lính, từ nhà ông Vĩnh đến trường Quốc học dễ đi hơn là phải lên dốc Nam Giao.


♣ ♣ ♣

Xong mấy ngày tết, mùng sáu đã thấy Trung dẫn An tới. Thoáng thấy, Bảo lẻn ra khỏi nhà, đi biệt cho tới giờ cơm mới về. Còn Nhung bắt đầu thấy không còn thoải mái tự do, nhưng nhớ lại mấy bài toán khó cô giáo ra làm trong mấy ngày nghỉ tết còn nằm chờ đó, ít khi Nhung tự giải được bài nên cũng nhận ra sự cần thiết của người kèm dạy.

Hồi chiều Nhung nghe mẹ dặn :

- Cậu An biểu tối nay Bảo và Bình học xong rồi con lên sau. Mẹ nghe cậu Trung nói cậu An rất thông minh học giỏi, hơn con hai lớp nhưng dạy dư sức. Con coi đó mà bắt chước học hành.

Nhung không quan tâm lắm về sự học giỏi như thế nào của cậu An. Việc cần nhất là giúp cô giải được những bài tập sinh ngữ và toán. Hai đứa em kế đang học cấp hai là Bảo và Bình, đứa lớp tám, đứa lớp sáu, cũng đang cần người giải bài ở trường ra trong mấy ngày nghỉ tết.

Ăn cơm tối xong, hai đứa em lên học trước, Nhung ngồi nghe nhạc dưới nhà. Hơn nửa giờ sau hai em đi xuống, có lẽ là buổi đầu tiên nên hai đứa học mau. Nhung ôm vở đi lên, sự thay đổi đột ngột trong căn phòng khiến Nhung chú ý, bàn ghế được sắp đặt khác vị trí cũ, đến ngồi vào bàn mình, Nhung thấy sách vở xếp thành ba chồng ngay ngắn. Cái huy hiệu Nhung làm rơi rớt đâu đó cũng được đặt trên chồng vở.

An đến bên bàn Nhung :

- Đưa … xem mấy cuốn vở học thêm với cậu Trung.

Nhung đưa chồng vở ba cuốn ra. An lật nhanh mấy cuốn, cuốn nào cũng dừng lại thật lâu ở trang cuối, sau cùng là vở tập Anh văn.

An giữ trang vở đang mở, kéo ghế ngồi đối diện với Nhung, hỏi :

- What are your name ?

- My name is Hồng Nhung.

An cười, buột miệng khen :

- Tên đẹp lắm - Xong hỏi tiếp – How old are you ?

Nhung cười ấp úng :

- Sixteen.

- What school ?

- Trường Đồng Khánh.

An nhắc nhở :

- Khi đối thoại có thể ngắn gọn, nhưng khi làm bài tập thì phải trả lời đủ câu. Tí nữa nhớ dán lên một cái thời khoá biểu. Bây giờ có bài gì khó đưa giải trước, ngày mai mới sắp xếp lại giờ học.

- Dạ có ba bài đại số, ba bài hình học.

- Đã giải được bài nào chưa ?

- Dạ chưa.

An hướng dẫn Nhung giải mấy bài đại số lên bảng, sau đó biểu Nhung chép vào vở. Nhung nhận thấy An có lối giảng nhẹ nhàng dễ hiểu. Cô vui vẻ ghi bài thoăn thoắt. An về ngồi vào bàn của mình, thỉnh thoảng nhắc chừng:

- Nhung xong chưa ?

- Dạ xong rồi.

An bước qua bàn của Nhung, nhìn lại bài ghi trong vở và nói :

- Mốt mới có giờ hình học, mai sẽ giải tiếp mấy bài còn lại.

Ghi bài xong xuôi nhưng lúc nào Nhung cũng có thói quen chờ cho phép mới đi xuống. An thì chưa dứt khoát, nhìn quanh căn phòng một lượt, khi chạm phải ánh mắt Nhung đang chờ mình thì anh hỏi :

- Nhung thấy xếp đặt lại căn phòng như vậy được không ?

- Dạ được.

Mắt An nhìn lên bức tường rộng :

- Tường để trống vậy, nếu có vài bức tranh treo thêm nữa thì vui hơn. À! Nhung thích hoa gì ?

- Hoa hồng .

- Hồng Nhung, hèn gì ! Thôi Nhung xuống đi, đừng làm gì nữa, ngủ cho sớm.


♣ ♣ ♣

Sáng ra, Nhung thấy có sẵn mấy ổ bánh mì xíu trên bàn, cô nói với người giúp việc :

- Chị Rớt đem lên lầu cho cậu An một ổ.

Ăn sáng xong, An đi trước qua trường Quốc Học. Nhung đi sau. Lúc nào trường Quốc Học cũng vô lớp trước trường Đồng Khánh mười lăm phút.

Trưa học về, Nhung phụ với chị Rớt sắp chén đũa ra mâm. Bảo phụ xúc cơm từ nồi lớn ra cái vịm nhỏ.

Gần xong bữa ăn Nhung nói với mẹ :

- Mẹ cho con tiền đi xem phim, mấy đứa nói phim tết vui lắm.

- Lo mà học hành đi, hôm mùng hai đi rồi, giờ còn đòi đi nữa, hết tết rồi.

- Cho con đi lần này nữa thôi. Tối nay thứ bảy mà mẹ.

- Đi với ai ?

- Dạ đi với Lan bạn con.

Chiều đến lớp, Nhung và Lan hẹn nhau tối đi xem phim .

Cơm tối xong, Nhung thay áo quần. Thấy thế chị Rớt hỏi :

- Ủa tối nay sao Nhung không lên học mà đi chơi?

- Ai nói? Tối thứ bảy được nghỉ học mà.

- Sao nghe cậu An dặn thằng Bảo với Bình lên học ?

Nhung lưỡng lự một lúc :

- Mặc kệ, em cứ đi. Lúc trưa khi xin mẹ, có cậu An sao không nghe nói gì.

Chị Rớt xuống giọng :

-Vậy thì thôi, chắc hai đứa làm bài chưa xong nên bị học thêm.

Sáng ra Nhung hỏi Bảo :

- Hồi hôm thứ bảy sao phải lên học?

- Không có học, cậu kêu lên thưởng kẹo rồi xuống.

- Làm gì mà được thưởng kẹo?

- Làm sai toán, sai một bài được thưởng hai cái kẹo, em được tám cái.

- Vậy là sai bốn bài, còn Bình ?

- Cũng tám cái.

- Đứa nào cũng sai bốn bài ?

- Không phải, anh Bảo sai 3 bài chỉ được sáu cái, sau được cho thêm hai cái cho bằng em. Cậu nói nếu lần sau làm sai nhiều cậu sẽ không có tiền mua kẹo. Cậu An hiền quá chị Nhung à, làm bài sai mà được thưởng kẹo.

Nhung suy nghĩ về việc làm của An, mấy người kèm trước không ai làm chuyện này. Tự nhiên cả ba cùng thấy những buổi học tiếp theo không còn nặng nề, bởi trước kia đứa nào làm sai bài hay bị cái cóc lên đầu, hoặc bắt chép phạt không cho đi chơi.

Những ngày sau, trong phòng học có treo thêm một tấm hình tài tử điện ảnh. Nhung nghĩ, con người này mà cũng biết mê tài tử ciné. Tuần sau nữa lại thấy có khung hình nho nhỏ với cánh hoa hồng đỏ thắm, đặt trên bàn Nhung, cô cầm lên ngắm nghía với vẻ thích thú. Cô hiện có mấy tấm card hình phong cảnh và nhiều loại hoa đang ép trong vở học để thỉnh thoảng mở ra xem. Card hoa hồng thì Nhung có nhiều nhưng không biết lồng trong khung ảnh như thế này. Cô rất vui, nhưng An chính là người sung sướng hơn hết, bắt đầu cảm thấy sở hữu một không gian riêng tư, thể hiện được sở thích của mình.

Nhung đặt lại khung hình vào chỗ cũ, mắt nhìn nghiêng qua phía An đang giảng bài cho hai em. Từ trước đến nay, chưa bao giờ cô dám nhìn thẳng mấy thầy kèm, cũng vì mấy bài toán lúc nào cũng trật trầy khó gỡ, không bị gõ đầu nhưng mặc cảm. Những giờ học gần đây ở trường, Nhung tiến bộ rõ rệt, hay đưa tay phát biểu, bài làm được điểm cao. Đó là động lực khiến Nhung hứng thú học hành, mấy em cũng siêng năng, bớt ham chơi. Mấy chị em đứng vị thứ cao trong lớp, mẹ Nhung rất hài lòng. Tối tối thường để sẵn cho An ly chè hoặc vài cái bánh ngọt khi dạy xong.

Thời gian đều đặn trôi qua. Mới đó sắp hết năm học. Nhung đứng cao, có phần thưởng. An cũng mang phần thưởng của mình về, nhiều sách vở bút viết và hai cuốn tự điển Pháp - Anh dày cộp. Sau đó, An tập trung kèm bài vở cho Nhung chuẩn bị thi trung học, và anh cũng học ngày học đêm để chuẩn bị thi tú tài một. Kết quả hai người đều thi đỗ, vui vẻ cả nhà. Thời gian học hành thi cử xong đã mất đi gần nửa kỳ hè, An xin bà Vĩnh nghỉ một thời gian để về quê.

Chiều hôm sau, bà Vĩnh sai Rớt lên cửa Thượng Tứ mua mấy cái bánh ngọt về cho cả nhà ăn mừng. Không hẹn, gần tối ông Vĩnh về cũng mang theo một xâu nhãn lớn, mấy lon vải, có cả hồng khô. Thấy An và con gái thi đỗ, ông vui mừng lắm, nói với An :

- Năm nay mấy em học hành đỗ đạt cũng nhờ có cậu tận tình.

- Dạ mấy em ngoan lắm, biết vâng lời, lại chịu khó học.

- Cậu mà ráng được một vài năm nữa chắc mấy em sẽ đỗ đạt hết. Mấy người dạy trước như bắt cóc bỏ dĩa.

Bà Vĩnh nói thêm :

- Cậu về nghỉ ít lâu, rồi vô sớm bày bài vở cho mấy em sang năm học mới.

Bảo và Bình cấp hai hết rồi. Năm nay bé Thúy lên lớp năm, cả thằng Minh lên lớp ba nữa.

An dạ nhỏ, trìu mến nhìn mấy chị em Nhung.

Ông Vĩnh hỏi :

- Sáng mai cậu đi mấy giờ ?

- Dạ khoảng bảy tám giờ

- Mai xe đi Quảng Trị, đường về làng cậu cũng theo ngã đó, cậu dậy sớm đi theo xe luôn tiện.

Ngẩm nghĩ một lúc, An trả lời :

- Dạ em có hẹn về với người bạn cùng làng. Thôi, để mai em đi xe đò cũng được.

Bà Vĩnh nói thêm :

-Tiền xe đây về đó không bao nhiêu, để cậu đi với bạn cho vui.

Cơm tối xong, An xuống bếp chào hai người làm. Chị Rớt và Lài đang ăn cơm. An chào hai người:

- Mai tôi về nghe chị Rớt. Lài ở lại mạnh giỏi.

- Cậu An về thăm nhà lâu mau? - Chị Rớt hỏi.

- Khoảng mươi bữa nửa tháng.

- Năm nay cậu vô sớm cho vui, mấy đứa nhỏ thích cậu lắm.

- Chớ không phải chị trông anh An vô sớm để khỏi chẻ củi ? - Lài chọc quê chị Rớt.

Chị Rớt trợn mắt :

- Con này nói vậy mà nghe được.

Lài vẫn cười:

- Chủ nhật nào cậu cũng chẻ cho cả đống củi chụm suốt cả tuần, còn giả bộ. Ăn cơm xong lo nấu nồi chè cho rồi.

- Hồi chiều mợ có dặn ngâm đậu rồi, không cần nhắc đâu – chị Rớt nguýt Lài con mắt có đuôi.

Sáng ra, bà Vĩnh biểu Lài đưa tiền xe cho An. Anh lên lầu nhìn quanh một lượt, có cảm tưởng như đây là căn phòng riêng của mình, nó thân thuộc quá, anh chưa muốn rời xa nhưng đâu còn lý do gì để ở lại. Anh phải về thăm mẹ, cứ đến những ngày sắp nghỉ hè là mẹ anh vào trông ra ngóng. Anh phải về sớm để báo tin thi đỗ cho mẹ mừng. Mẹ anh chỉ có hai người con, An và người chị gái. Ba An mất sớm, sau một cơn bạo bệnh lúc An sáu tuổi.

Sau mấy tháng ở nhà này, An thấy rất dễ chịu, từ tình cảm thân thương cho đến cách chăm sóc tận tình của bà Vĩnh khiến anh cảm tưởng thỏa mái như người cùng một gia đình. Thêm nữa là bản tính hiền hòa của An cũng gây được sự quý mến của cả nhà.

Lần này về quê, hình như trong lòng An có vương vấn thêm một điều gì không rõ. Một đôi mắt to ngơ ngác của ai đó. Một tình cảm mơ hồ chưa có tên khiến lòng anh bất chợt lâng lâng như ngọn gió mùa hè nhẹ thổi trong vườn trái quê nhà. Nơi ấy đang có đôi mắt mong chờ của mẹ.


CHƯƠNG II


Đ ỗ xong trung học, Nhung thấy người nhẹ nhỏm, cô cùng các bạn sắp đặt chương trình thư giãn trong những ngày hè. Ngoài thời gian học hè ở trường tư, cứ mỗi chủ nhật là hẹn nhau đến nhà một đứa. Nhiều bạn gái có vườn cây ăn trái ở Nguyệt Biều, Hương Thủy, xa bao nhiêu cũng đạp xe tới nơi. Nhà những bạn ở trên phố không có cây trái thì phải nấu chè hoặc cùng nhau tập làm bánh tai vạc, bánh rơm, thỉnh thoảng rũ nhau đi xem phim. Hè năm nay Nhung và các bạn chơi đùa đằm thắm hơn, không leo cây hái trái đùa giỡn như trước. Có lẽ sợ sướt tay trầy chân trên da thịt con gái mới dậy thì, không dám cười lớn tiếng mỗi lần nhớ đến câu mẹ thường nhắc nhở: “Con gái chưa nói đã cười, chưa đi đã chạy là người vô duyên”. Mà con gái mới lớn có gì xấu hơn làm người vô duyên, khi đã biết bắt chước các chị lớp lớn cách đi dáng đứng, bắt chước gội chanh chùm kết để dưỡng mái tóc thề.

Vui chưa được bao lâu, đã thấy An trở lại. Anh xách theo một giỏ đầy ổi, cam, xoài. Mẹ Nhung để phần cho ông Vĩnh, một ít để cho Nhung, còn bao nhiêu đem chia cho bọn nhỏ. Đến mười một giờ trưa Nhung mới đạp xe về, ngạc nhiên khi thấy An ngồi ở ghế salon, mắt nhìn ra cửa.

An hỏi :

- Học hè sao về trễ dữ vậy Nhung?

- Mấy đứa bạn rũ đi ăn chè - Nhung vừa nói vừa cười.

Chỉ mới một thời gian ngắn, An đã thấy Nhung ra dáng cô gái xinh xắn. Nhung cũng thấy An có phần đổi khác. Thoáng ngạc nhiên qua đi, Nhung vào nhà thay áo rồi hỏi mẹ phần quà của mình. Cô lấy cam, ổi, mỗi thứ một trái, để dành cho bạn Lan ở gần nhà.

Chiều khoảng ba giờ Nhung ngủ dậy, nghe Bảo nói :

- Cậu An biểu chị ngủ dậy lên cậu hỏi chi.

- Sao bắt học sớm vậy ? Nhung hơi nhăn nhó.

- Chắc không phải học đâu, chỉ hỏi việc chi đó thôi.

- Sao em biết?

- Em đoán vậy thôi .

- Làm thầy bói giỏi ghê đi – Nhung đùa.

Nhung ra sau rửa mặt, chải tóc, xong lên lầu. An đang ngồi nhìn ra cửa sổ, trên tay cầm một cuốn truyện gì đó. Nhung định qua phía bàn mình ngồi nhưng An gọi lại. “Nhung qua bên này“. Cô đến đứng trước bàn An. Anh đưa ra một cành cam hai trái còn mấy ngọn lá xanh tươi, cười nhìn Nhung:

- Để dành cành cam này cho Nhung đây - Chờ Nhung nhận cành cam, An hỏi thêm - Hè đi chơi vui không ?

- Vui – Nhung mỉm cười.

- Vui gì… kể nghe với .

- Đi học hè, tới nhà mấy đứa bạn chơi... đi ăn chè.

- Còn gì nữa ?

- Xem phim.

- Gì nữa ?

- Hết.

- Học hè đến khi nào mới nghỉ ?

- Còn hai tuần nữa.

- Có bài vở gì nhiều không?

- Bài không nhiều mấy. Thầy giảng làm được hết. Lâu lâu mới có vài bài tập khó nhưng thầy cũng giảng luôn.

- Nghỉ học gần tháng nay rồi, bữa nay học lại được chưa ?

-Khoan đã, để từ từ -Nhung đáp vội.

Biết tâm lý của Nhung vẫn còn biếng học như Bảo và Bình, An đề nghị :

- Tuy có đi học hè nhưng không bằng học ở nhà, cố gắng ôn những cái căn bản kẻo vô năm không theo kịp.

Nhung không trả lời, biết cô rầu rầu, An tiếp :

- Thôi cũng được, nhưng mà không học mẹ sẽ la. Buổi tối không học, chỉ học buổi chiều, hai ngày một buổi được không ?

Thấy An sắp xếp thời gian có vẻ hợp lý, Nhung đáp nhanh:

- Cũng được.

- Thôi Nhung xuống.


♣ ♣ ♣

Nhập học được mấy tuần thì đến Trung thu. Chiều mười bốn, ông Vĩnh sai người lơ xe mang từ trên xe xuống mấy hộp bánh trung thu của Mỹ. Vì ông có chở vật dụng gì đó cho quân đội Mỹ, nên những dịp tết hoặc Trung thu, thường đem về nhiều kẹo bánh, nho, lê… có khi cả tủ lạnh, máy ảnh, đồng hồ…

Khi cắt bánh sắp lên dĩa cho ba mẹ, Nhung cất dành cho An nửa cái, mặc dù ông Vĩnh vẫn mời An ngồi chung ăn bánh với ông.

Chưa tối, đã nghe tiếng trống tiếng kẻng múa lân từ phía đầu cầu, ông Vĩnh lên lầu treo giải chờ lân đến múa. Nhung và mấy đứa em ra đứng ngoài lan can, mắt không rời ông Địa. Ông lân uốn lượn rất điệu nghệ, quầng trước sân một đỗi rồi đầu lân cao dần, đứng trên vai hai người kênh nhau mới lấy được gói tiền nho nhỏ. Ông Địa cười mãi cười hoài, phẩy quạt liên hồi khiến mấy đứa nhỏ cười thích thú, cho đến khi đầu lân vái chào và tiếp tục sang nhà bên cạnh. Bảo và Bình chạy xuống lúc nào không hay. Nhìn đám đông kéo theo đoàn múa lân, An hiểu khó mà bắt hai đệ tử nhỏ của mình phải học tối nay.

Sáng hôm sau Nhung biểu Bảo đem lên cho An nửa cái bánh trung thu. An ngạc nhiên không ngờ Nhung quan tâm mình đến vậy. Anh cảm thấy lâng lâng, nhận thấy Nhung có ý có tứ. An kéo hộc bàn cất bánh vào.


♣ ♣ ♣

Trời sang thu, sau mấy cơn giông, nắng ráo được vài hôm, chiều nay trời bỗng mưa tầm tã. An về trước gần nửa tiếng nhưng chưa thấy Nhung về, anh vội xuống bếp hỏi chị Rớt thử Nhung có đem theo áo mưa không. Chị Rớt vào chỗ móc áo mưa, thấy áo mưa còn treo, An vội xếp gọn lại rồi đạp xe ngược về trường Đồng Khánh. Vừa đạp vừa trông chừng bên kia đường xem thử có Nhung. Trời bắt đầu nhá nhem, đến giữa cầu Trường Tiền, anh thấy có bốn năm nữ sinh không mặc áo mưa nghiêng nón đạp nhanh, trong đó có Nhung, anh gọi Nhung dừng lại.

Vừa đưa áo mưa, An vừa hỏi :

- Sao không mang theo áo mưa? Trời ơi, lạnh tím…

- Lúc trưa đi gấp, quên mất.

An giúp Nhung mặc áo cho nhanh.

- Thôi đạp mau về kẻo bị cảm –An giục.

Gío thổi mạnh, từng đợt mưa tạt vào người, Nhung cắn chặt môi để khỏi run. Hai người đạp nhanh. Gió càng thốc mạnh, hai người đạp nhanh qua khỏi cầu. Về đến nhà, An tường thuật lại với bà Vĩnh, bà gọi Lài lấy khăn khô cho Nhung lau và dặn lần sau phải mang theo áo mưa đi học trong mùa này. Chị Rớt gọi Nhung xuống, biểu ngồi bên bếp lửa hơ hai tay cho mau ấm.

Sau bữa ăn tối, An nói Nhung có mệt thì ở dưới nhà học bài thôi. Nhưng nửa giờ sau Nhung vẫn lên vì mai có bài tập Anh văn chưa làm.

Chép bài vào vở xong, Nhung ôm cặp đi xuống với một nụ cười, như muốn cám ơn lúc chiều. An cười nhìn theo, nhắc chừng :

- Xuống nhớ mặc áo len ngủ, khi chiều bị mưa.

Sáng mai không thấy Nhung ra rửa mặt, An hỏi Lài sao cô chưa dậy. Lài nói hồi hôm Nhung bị sốt. An biểu Lài vào hỏi Nhung có đi học được không. Nhung nói không.

- Có xin phép không ?- An hỏi.

Nhung uể oải trả lời :

- Qua nhà Tuyết Lan nói xin phép cô giùm.

An ăn sáng vội vàng rồi qua nhà Lan dặn xin phép cô cho Nhung nghỉ bệnh, xong đi học luôn.

Buổi sáng, các giờ học ì ạch như chiếc tàu lửa lên dốc. An không hăng hái phát biểu như mọi khi, tan học đạp xe một mạch về nhà. Mẹ Nhung cho biết buổi sáng Nhung có uống viên thuốc sẵn trong tủ, nhưng đến bây giờ chưa thấy bớt, lại kêu nhức đầu và ho. Bà Vĩnh nhờ An đi mua thêm thuốc.

Đưa thuốc cho Nhung, An dặn :

- Nhớ ăn no mới uống thêm thuốc, biểu Lài khuấy thêm nước chanh. Tối nay chỉ có hai anh em Bảo và Bình lên học. Bàn bên kia vắng Nhung, An thấy một khoảng trống mênh mông. Đến trưa mai thấy Nhung ăn cơm được, anh mừng trong bụng, đưa cho cô mấy viên ô mai và hộp kẹo Kim.


♣ ♣ ♣

Chị Rớt có mặt trong nhà này khi nào không nhớ rõ, lúc Nhung vừa biết khôn, có nghe bà ngoại kể lại, một lần ngồi trên chiếc xe chở khách từ An Cựu sang Đông Ba thăm mấy mẹ con Nhung, ngoại thấy có người đàn bà gánh hai thúng mía, dắt theo một bé gái chừng mười tuổi cùng lên trên chuyến xe này, người mẹ ngồi trên chiếc đòn gánh nhường ghế cho bé gái ngồi. Ngoại hỏi “đi bán mía còn đem theo con nít làm chi”. Người mẹ trả lời “cho con lên phố giúp việc cho người ta”. Ngoại nói sao cháu nhỏ thế này mà cho đi giúp việc, sau đó ngoại hỏi xin con bé làm con nuôi được không, người mẹ hỏi ngoại ở đâu, đường nào. Ngoại trả lời xong thì người mẹ bằng lòng ngay.

Xe tới bến, người đàn bà nói ngoại chờ một chút để vô chợ Đông Ba giao xong gánh mía rồi hai mẹ con đi theo ngoại.

Ngoại hỏi em bé “cháu tên chi” – “Dạ tên Rớt”. Ngoại mua bánh ú cho Rớt ăn và dặn bé chờ mẹ một lúc rồi về nhà ngoại.

Bà Vĩnh thấy mẹ mình về nhà mà sao lại có hai mẹ con ai có vẻ xa lạ. Nghe mẹ giải thích xong, bà Vĩnh hỏi:

- Chị mấy đứa con tất cả?

- Dạ bảy đứa. Có con chị nó mười lăm tuổi đã cho đi ở rồi, bên cầu Gia Hội. Nhà cực quá không nuôi con nổi cô ơi!

- Vậy thì con Rớt ở đây làm con nuôi tôi ?

- Dạ được - Chị vui vẻ ra mặt.

- Hiền ơi - Bà Vĩnh gọi người làm - vô coi mấy áo quần cũ của mợ, cái nào lâu nay không mặc, gói lại đem ra đây.

Bà Vĩnh đưa gói áo quần cũ và một số tiền, nói :

- Số tiền này coi như tôi mua con Rớt, nhưng lâu lâu cũng lên đây thăm cháu, tôi đưa thêm cho chút ít.

- Dạ - nhìn số tiền khá nhiều, ngoài mơ ước của chị. Chị cám ơn, rơm rớm nước mắt.

Khoảng chừng đôi ba tháng một lần, chị lên thăm con và nhận ít tiền của bà Vĩnh. Đến nay, tuổi của Rớt đã trên hai mươi. Gần đây, mẹ Rớt dẫn Lài lên ở với bà Vĩnh để bồng em, khuấy sữa và làm việc vặt, cha mẹ Lài ở cùng làng, làm ruộng đông con. Lài thua Rớt sáu bảy tuổi, Nhung xấp xỉ tuổi Lài nên gọi Rớt bằng chị.

Người chị Rớt tròn chắc, tóc dài chấm lưng được kẹp gọn bằng chiếc kẹp ba lá, da hơi ngăm vì đi chợ gánh nước nhưng trông cũng được người. Tuy ở thành phố mười mấy năm nhưng chị vẫn còn vẻ chơn chất, không như Lài, mới ở quê lên mà mắt môi coi bề lúng liếng.


♣ ♣ ♣

Thời gian trôi nhanh lúc nào không hay. Mới đó thi xong học kỳ một, mấy chị em học chăm chỉ nên kết quả đứng cao. Nhung đứng vị thứ tư trong lớp, cô thầm cám ơn An đã hết lòng. Mùa đông Huế rét căm căm, nhà ở dọc bên sông. hoa sầu đông bên đường nở trắng thoang thoảng hương thơm, thỉnh thoảng rơi lả tả như đàn chim con chớp cánh trong ngọn gió chiều rét mướt. Ban đêm, hơi lạnh từ mặt nước sông tỏa lên càng thêm buốt giá.

Một cái Tết nữa sắp đến. Bà Vĩnh gói ghém vài thứ mứt cho An mang về quê. Sáng hăm bảy anh lên xe và nói mùng bốn tết sẽ vào, dặn Nhung cứ làm bài tập trước, bài nào làm không được để đó, khi vào anh sẽ giải. Bảo và Bình được tự do, thích lắm, mấy bài ở trường ra cũng dễ.

Mùng bốn An vào, mang theo một chục bánh in, một giỏ cam và quít còn tươi, có cả khế ngọt. Trái cây trong vườn ở quê, mẹ luôn để dành trên cây chờ những dịp anh về nhà. Bà Vĩnh lựa những quả tươi tốt dâng cúng lên bàn Phật. Nhung đi đâu chưa về. Chị Rớt nói Nhung lên chơi với bạn tận Kim Long. Đến ba gờ chiều vẫn chưa thấy, gần nửa tiếng sau mới về với hai người bạn. Bỗng An hơi ngạc nhiên nhìn Nhung thật dễ thương trong chiếc áo dài hoa. Lâu nay quen mắt thấy cô chỉ mặc áo trắng.

Có hai người bạn để so sánh, An thấy Nhung xinh xắn hơn nhiều. Hình như lần đầu khi bước vào nhà này, đôi mắt ấy như có nói với anh điều gì. Đôi mắt mà bất cứ người con trai nào cũng ao ước, thầm mơ.

Nhung lấy hạt dưa và mứt kẹo ra mời bạn. An lịch sự chào, xong đi lên lầu thay áo quần định bụng khi bạn Nhung về sẽ rũ cô đạp xe đi chơi một vòng đâu đó, nhưng nghĩ sao lại thôi. Chắc là thấy Nhung mặc áo dài hoa lạ lạ xinh xinh nên muốn cùng đi dạo phố.

Anh dắt xe ra và nói với Nhung đi chơi một tí, rồi đạp xe lên cửa Thượng Tứ thăm người bạn nhưng không có, anh ghé tiệm sách, thấy những tấm card chúc tết còn bày nhiều trên quầy, anh chọn một tấm xong đạp về nhà.

- Sao đi chơi nhanh vậy ? Nhung hỏi.

An nói chỉ Nhung vừa nghe :

- Lát nữa lên lầu, có quà cho Nhung.

Ai mà chẳng thích quà. Nhung lên mau chỉ sau mười phút, An chỉ chiếc ghế đặt sẵn phía đối diện bàn mình, đưa ra mấy cái bánh in gói trong giấy bóng, mười cái bánh hột sen giấy vàng đỏ nhiều màu rất bắt mắt. An biết Nhung thích thứ bánh này nên nói mẹ mua từ quê đem lên.

- Qùa riêng của Nhung đây - Anh mở một cái bánh hột sen đưa cho Nhung – Ăn đi.

Nhung mắc cỡ chưa muốn ăn, mắt nhìn ra phía sông, tay gói lại cái bánh. Biết ý, An hỏi chuyện :

- Mấy ngày tết đi chơi vui không ?

- Vui.

- Đi đâu mà xa dữ vậy ?

- Đến nhà bạn.

- Chị Rớt nói Nhung đi Kim Long, nhà ai trên đó?

- Nhà Ngọc Quế.

- Nhiều bạn vui ghê - Vừa nói, An vừa kéo hộc lấy ra tấm thiệp - Tết không có gì …tặng Nhung tấm hình này.

Nhung cầm tấm ảnh, thấy ngay hai con chim nhỏ thật dễ thương đậu trên một cành cây.

- Thích không ? An hỏi.

- Thích - Nhung cười ra vẻ vừa ý.

Tay cầm gói bánh, tay tấm hình, cô bắt đầu đứng dậy. An nói theo:

- Còn mấy câu viết phía sau, xuống nhà rồi xem.

An muốn xưng anh nhưng còn ngần ngại. Từ ngày đến đây tới giờ, mấy đứa nhỏ gọi anh bằng cậu, còn Nhung thì lấp lững, thấy hơi lúng túng trong cách xưng hô.

Xuống nhà, Nhung lật phía sau tấm thiệp, thấy ghi ở hàng đầu: Chúc mừng Nhung vừa tròn mười bảy tuổi - Và câu dưới: Nhung nghĩ sao về đôi chim này?

Hơi nhăn mày, ý nghĩa của đôi chim nầy có gì mà không hiểu, nhưng chắc chắn Nhung không bao giờ trả lời câu hỏi của An. Cô chưa nghĩ mình sẽ gặp chuyện bất ngờ này.

Buổi cơm tối bình thường như mọi ngày, Nhung tránh ánh mắt của An. Không ai để ý đến thái độ khác lạ của hai người, vì thường ngày trong buổi cơm hầu như Nhung chẳng nói gì. Những buổi học tiếp theo, Nhung vẫn xem như không có gì xảy ra. Sau một buổi học, An sang bàn Nhung, mở cuốn vở nháp, ghi nhanh : “Sao không trả lời?”. Nhung nhíu mày, ghi lại :“ Làm sao mà trả lời”. Nhìn qua thái độ của Nhung, bất chợt An nghĩ ra điều gì, nói thật khẽ: “Nhung đừng buồn nghe”.

Mấy ngày tiếp, anh ái ngại nhận ra hành động của mình có phần vội vàng, nghe lòng băn khoăn, sợ đánh mất tình cảm của Nhung. Nhung không đủ mạnh dạn đối diện trả lời với anh, nếu viết trên giấy thì cũng không đủ lời lẽ. Đằng nào thì anh cũng đã sai. Sau một buổi giảng bài, An nói nhỏ :“Đừng giận nghe”.

Qua cử chỉ đó, Nhung không giận An, những buổi học sau vẫn tiếp tục bình thường, nhưng Nhung ghi nhận sự tận tâm của An, như một hình thức chuộc lỗi. Nhung theo dõi và thấy hôm nào cũng đến chín giờ tối An mới giải quyết bài vở xong cho mấy chị em, rồi bắt đầu lo bài học của mình. Nhiều buổi hơn mười hai giờ khuya An mới tắt đèn đi ngủ, tự nhiên cô thấy cảm mến, tự nhủ sẽ cố gắng nhiều để An đỡ mất thì giờ vì mình.

Tối tối, có gánh chè ngang nhà, cô biểu Lài mua để sẵn cho An một ly. Lâu lâu thêu cái huy hiệu hoặc viền một chiếc khăn tay bỏ trong cặp sách cho anh. Trên bàn học của mình, Nhung thường thấy sách vở được sắp xếp ngăn nắp, đặt lại bình hoa ngay ngắn.


....CÒN TIẾP ....




VVM.10.7.2021

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
vietvanmoinewvietart007@gmail.com