Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      

MỘT ĐÊM HUYỀN DIỆU

       

Nguyên tác : Una Serata Magica của Elena Pucillo Truong


- "T ối nay mình được mời cơm ở nhà bạn nhé.

Đó là một lời mời mà tôi đón nhận với nhiều niềm vui và cũng là lần đầu tiên mà tôi sẽ được gặp Paul Đức tại nhà anh ở Hànội.

Đối với một người sống xa nhà như tôi, hơi ấm của tình bạn là một điều rất quý nên tôi rất trân trọng lòng hiếu khách của những người quen.

Trên nước Ý, nhất là ở miền Nam, khách mời là thiêng liêng! Cho đến vài năm trước cửa nhà luôn mở rộng, sẵn sàng tiếp đón một người bạn hay một người quen nào đó có dịp đi ngang, và một chỗ ngồi vào bàn ăn luôn có sẵn. Chính tôi cũng đã từng tiếp đón rất nhiều bạn trong căn nhà của mình ở Milano và lần nào tôi cũng cố gắng đáp ứng những nhu cầu của bạn với một thái độ thân thiện và vui cười.

Vào năm 1985, trong chuyến về thăm Việt Nam lần đầu, tôi và chồng cũng đã có một chuyến đi xa cùng với gia đình. Và đó là cơ hội đầu tiên mà tôi có thể quan sát và cảm nhận về hơi ấm chân tình và lòng hiếu khách của người Việt.

Tôi còn nhớ là trong chuyến đi từ Nha Trang lên Đà Lạt xe bị chết máy nên phải dừng lại để chờ tài xế đón xe khác để đi mua một bộ phận về thay. Tôi nghĩ, thôi thì kiên nhẫn chờ đợi, nghỉ ngơi và uống một chút gì nhưng trời mưa lất phất nên chúng tôi phải nép vào một mái hiên của một căn nhà nhỏ. Bỗng tôi nghe có tiếng lục đục rồi có một bà cụ bước ra mời chúng tôi vào trong nhà nghỉ ngơi cho ấm. Lát sau tôi nghe có tiếng gà đập cánh và kêu lên quang quác. Con gà có thể là của để dành của bà nhưng bà cụ đem ra nấu cháo mời chúng tôi mà chẳng chút đắn đo. Cho đến hôm nay tôi vẫn còn nhớ như in bóng dáng bà: nhỏ con, chiếc áo bà ba màu nâu phủ lên một thân hình mảnh khảnh và nhất là nụ cười hiền hậu, thương quá, hai khóe miệng còn thẫm đỏ màu trầu.

Từ đó về sau tôi còn được nhiều bà con và bè bạn tiếp đón và lần nào tôi cũng cảm thấy vui thích vì vừa được trải nghiệm thời gian bên họ vừa còn được thưởng thức những món ăn đặc sản vùng miền của nền ẩm thực phong phú và nhiều màu sắc của văn hóa Việt Nam. Hầu như ai cũng đều muốn giúp tôi thõa mãn sự tò mò nên mời tôi nếm đủ thứ và tôi nhận ra là họ sẽ rất vui nếu đó là món ăn đặc biệt mà tôi được ăn lần đầu. Bằng cách đáng mến đó, những người thân đã dạy tôi cách thưởng thức những món đặc sản Việt Nam, bắt đầu từ...hột vịt lộn, bánh tráng, sầu riêng, bánh xèo... đến cả tiết canh cho đến mắm tôm, mắm ruốc...

Tôi còn nhớ là ở nhà hai nhà văn Dạ Ngân và Nguyễn Quang Thân tôi đã được ăn món bánh xèo và bánh khọt thật tuyệt vời, sau khi tò mò nhìn thấy mấy cái khuôn đặc biệt. Chị Dạ Ngân là một người đàn bà tài hoa và cực kỳ hiếu khách, sau khi mời tôi ăn những thứ khoái khẩu, uống nước chanh dây và khi ra về, lần nào chị cũng bỏ thêm vài trái xoài chua, thật giòn...thứ mà chị biết tôi rất...mê.

Ở Nha Trang còn có một đôi vợ chồng rất thân và họ xem tôi như ruột thịt, nhà thơ Từ Sâm và Duyên. Chính Duyên đã giải thích cho tôi tường tận về phong tục và lễ cúng cô hồn, cầu nguyện cho những linh hồn vất vưởng... rồi Duyên còn hướng dẫn tôi nhiều cách chế biến cá và truyền cho tôi một số kiến thức về Đông y.

Còn ở Hà nội thì có vợ chồng anh Phú và chị Sinh mà chồng tôi rất thân thiết nên mỗi lần ra Hà nội là họ đón tiếp vợ chồng tôi rất niềm nỡ...

- Em chuẩn bị xong chưa? Mình đi được rồi chứ?

Trong lòng tôi reo vui vì với lời mời này tôi sẽ được gặp lại mấy người bạn trong một bầu không khí thư giãn và thân tình chứ không phải trong những quán cà phê ồn ào.

Chúng tôi mở cửa và bước vội vào chiếc taxi đang trờ tới để tránh cơn mưa nhẹ nhưng liên tục của buổi chiều tháng ba. Một cơn mưa xuân, giọt nước nhẹ như hạt bụi rơi đều đều như một màn sương, làm mờ những cửa hiệu và khách đi đường. Chiếc taxi lầm lũi chạy trên những con đường có bảng hiệu chiếu sáng, nhưng cũng có khi để tránh kẹt xe, lách vào những con hẻm nhỏ chạy nép sát vào những bức tường.

Cuối cùng rồi chúng tôi cũng đến nơi, chồng tôi nói chỉ còn một đoạn ngắn nhưng phải đi bộ mới vào được. Bước xuống taxi và chồng tôi chưa kịp gọi điện thì đã thấy từ một con hẻm nhỏ Bùi Quang Minh đang đi bộ ra đón. Sau vòng ôm thân tình Minh dẫn chúng tôi đi chừng vài mươi mét thì đến trước cửa nhà Paul Đức. Trong bóng tối lờ mờ của con hẻm, ánh sáng từ bên trong nhà Paul Đức chiếu xuyên qua cửa kính và soi sáng nơi chúng tôi đang đứng trước hiên.

Vừa mở cửa Paul Đức đã chào đón chúng tôi bằng lời chào tiếng Pháp “ Bon Soir” cùng với một nụ cười. Chúng tôi vừa chào anh vừa bước vào nhà. Và chỉ thoáng nhìn quanh mà tôi đã vô cùng sửng sốt.

Tôi có cảm giác như không phải mình đang ở trong một căn nhà ở Hà nội, Việt nam. Tôi tưởng mình là cô bé Alice đang đứng trước chiếc gương thần để khám phá ra một thế giới khác. Tôi tưởng mình đang ở Paris, trên tầng nhà áp mái của một họa sĩ, một nghệ nhân bohémien, đang ở vùng Montmartre hay ở khu Quartier Latin. Tôi đứng ngây người nhìn những bức tranh treo trên tường, những tủ sách, ôi chao cơ man là sách, nhiều lắm và những bản nhạc mở rộng đặt trên chiếc dương cầm, như thể chàng nghệ sĩ vừa dạo đàn trước đó và trong không gian vẫn còn vang vang những nốt nhạc du dương của Beethoven, của Liszt hay Chopin..

Tôi không thể nào rời mắt khỏi những thứ đồ vật vây xung quanh mình. Trên một bức tượng bán thân có phảng phất nét mặt của Paul Đức, được lập lại trong một bức chân dung được phóng cọ theo phong cách hiện đại, anh xuất hiện như một chiến binh tân thời.

Nhưng sự ngạc nhiên của tôi vẫn chưa chấm dứt. Với niềm vui của một đứa bé gái tôi dõi theo những cử chỉ của Paul Đức trong khi anh thắp sáng những ngọn nến đặt trên một chân đế đèn mạ bạc có nhiều ngọn. Ngọn này và ngọn khác được thắp lên phản chiếu ánh sáng ra xung quanh tạo nên một không khí thật kỳ diệu.

Trong khi Paul Đức và Bùi Quang Minh đang mở nút chai rượu vang Bordeau thì cô bạn Nguyên Hương tiếp tục đặt thêm những món cuối cho buổi tiệc, dù trên bàn đã có rất nhiều thức ăn. Tôi nhận ra là có rất nhiều món mà mình ưa thích và được chế biến rất công phu: Chả giò, đậu phụ mắm tôm, cá salmon cắt lát và nước sốt chanh để ăn với wasabi, món sashimi, tôm nướng và còn nhiều thứ khác..

Nhưng còn hơn cả những món ăn phong phú chính là những câu chuyện mà chúng tôi nói và trao đổi với nhau. Từ những điều thường nhật đến các vấn đề triết học, về các tác giả Pháp cận đại đến các nhà văn thời trước. Năm người chúng tôi ngồi quanh bàn ăn, quấn quít vì được ở gần nhau, giữa những chuyện gẫu, tiếng cười, suy tưởng hay kể lại những chuyện vui buồn trong đời.

Suốt buổi tối có tiếng nhạc nhè nhẹ của Richard Clayderman làm nền trong khi ăn uống và sau khi ăn xong còn có thêm phần trình diễn của Paul Đức trên chiếc dương cầm. Âm thanh hòa nhạc bắt đầu tràn ngập căn phòng và tôi như ngây ngất thả hồn mình hòa vào tiếng nhạc, miệng khe khẽ nhẩm ca theo những giai điệu quen biết.

Thời gian lẳng lặng trôi mà chúng tôi đều như không nhận biết trong lúc những ngọn nến từ từ đốt cháy đã gần tàn. Một không khí chân tình và thân mật để từ biệt sau một buổi tối rất đặc biệt. Lúc bước ra khỏi nhà tôi có cảm giác là mình đang mang theo hơi ấm, cái quầng sáng ấm áp của những ngọn nến trong lúc bắt đầu nghe một nỗi nhớ về những giây phút đặc biệt, mà những giác quan đã mang tôi về một hiện thực khác.

Bỗng nhiên tôi có một cảm giác lạ lùng, dường như, có lẽ, chỉ cần quay lưng lại là tất cả đều tan biến, căn nhà, những bức tranh, bàn ăn dọn sẵn, đế đèn và những cây nến, chiếc dương cầm và những người bạn... như thể mình vừa trải qua những phút giây trong câu chuyện cổ tích... thế nhưng đó lại là một hiện thực tuyệt vời.

   Sàigon 3-2016





VVM.05.7.2021

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
vietvanmoinewvietart007@gmail.com