Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      



CÒN ĐÓ SÔNG HỒ




    L ựu lặng lẽ bước qua vuông sân nhỏ, khi ánh nắng chiều như còn muốn níu lại hơi thở ngày trên màu vàng rực rỡ của hoa Vạn thọ đang mùa nở rộ. Bên bờ giậu đầy hoa Dâm bụt đỏ, vẫn như thời con gái Lựu vẫn thường lấy hoa cài tóc, là một chút điểm trang quê mùa mộc mạc. Lu nước màu da lươn đặt ở đầu hồi, chân rêu phủ kín, mái tranh thấp tơi tả, bạc màu vì mưa nắng vẫn che ngang hai cánh cửa mộc thô. Cây khế bên hông nhà đã cao hơn trước, cành nhánh vươn ra như che chở cho mái nhà nhỏ nhoi khiêm tốn mà một thời Lựu đã vào ra. Trong cái tĩnh mịch của chiều tà chỉ còn thiếu khói lam vờn ra từ chái bếp và tiếng chuông nhà Chung không còn ngân xa trong gió. Lựu thẫn thờ đẩy cửa bước vào cái thế giới của chính mình ngày xưa.

Ngày ấy, Lựu là một cô bé sinh ra trên sông nước, sống với gia đình trên một chiếc ghe, hai mùa xuôi ngược mua bán trái cây tươi từ Vĩnh Long, Nha Mân, Vàm Cống lên bến chợ Bình Tây trao đổi hàng hóa hai chiều. Năm lên tám, món quà Ba cho là một cuốn sách học vỡ lòng và chiếc kẹp tóc bằng nhựa chạm hình hoa dâm bụt đỏ.

Từ đó gia sư của Lựu là Cậu Tám Tàng, người duy nhất trên ghe có bằng Tiểu học, chuyên phụ trách việc giao hàng, tính sổ. Lựu thông minh, học một biết hai, thoáng một cái đã biết đọc biết viết, trở thành niềm hãnh diện cho ba mẹ vì cả hai ông bà chưa qua khỏi lớp ba. Sau đó, không hiểu vì tương lai của Lựu hay vì một hoàn cảnh riêng, Ba mẹ Lựu quyết định giã từ sông nước và mang cả gia đình trôi dạt vào Chợ Cầu - Bà Điểm Hóc Môn. Mua đất dựng nhà, theo nghề trồng hoa bán Tết. Từ đó là những ngày vui, trên là vườn cây ăn trái, dưới bến thuyền neo, Lựu nhởn nhơ cùng hoa trái và buồn vui với sông nước bến nhà. Lựu vào tiểu học năm lên mười.

Lê Thị Lựu bây giờ trên giấy Thế vị khai sinh là Lê Thị Ngọc Liên, vừa lấy bằng Trung học Đệ nhất cấp. Huân là gã học sinh lười biếng vừa ghi danh vào trường Luật mộng mơ.

Liên và Huân quen nhau ở bánh mì Bưu Điện. Trước mắt Huân, Ngọc Liên là một thiếu nữ khá đồ sộ, vâng - cô ấy to quá khổ so vơí những người cùng tuổi. Hôm ấy Ngọc Liên đi cùng cô bạn đèo nhau trên chiếc xe Velo Solex mới toanh. Thế nhưng, xe mới mà khi khởi động máy không nổ. Huân lại xuất thân từ Trường dạy máy nổ đường Cao Thắng (Thật ra gia đình Huân làm nghề ấy, riêng chàng thì lại chả biết gì).

Huân vốn thích những gì đồ sộ, chàng bèn làm một đường anh hùng cứu mỹ nhân. Quả thực là chó ngáp phải ruồi, khi Huân thử xem lại máy xe, thì hóa ra chỉ là sợi dây bugie bị sút. Huân chỉ cần cắm vào, đẩy một đoạn lấy trớn là máy nổ. Ngọc Liên cám ơn Huân rối rít và dĩ nhiên là đã có một hẹn hò.

Những chiều thứ bảy, áo muôn màu tung bay trong gió như ríu rít gọi nhau trên vĩa hè Lê Lợi, tay trong tay ngây ngất hương bay. Kem Hà Nội, nước mía Viễn Đông, bò bía lề đường là những niềm vui bất tận. Cinema Vĩnh Lợi thầm chở che cho những nụ hôn ngọt hơn gấp bội mật đường. Cứ thế tình yêu đến không lời bày tỏ mà vẫn là quấn quít không thôi. Những chủ nhật Huân mò lên Chợ Cầu - Bà Điểm chỉ để lén nhìn Liên theo Mẹ đi lễ nhà thờ, những tiếng chuông ngân như dục Huân xưng tội - có tội gì đâu ngoài tội yêu Liên.Và khi Liên thấy Huân thập thò đâu đó nàng vờ quay đi dấu một nụ cười.

Bên phía trái của Nhà thờ Đức Bà (đối diện Bưu Điện) là Trung Tâm Thánh Linh, một cơ sở giáo dục của Công Giáo. Ở đây có một sân cỏ lúc náo cũng xanh tươi được chăm sóc cẩn thận, có hàng ghế đá cho bộ hành dừng chân. Chiều chiều các cụ ông cụ bà thường rủ nhau ra đây ngồi cầu nguyện. Tượng Đức Mẹ đỡ quả địa cầu lúc nào cũng ngước mặt lên trời cao như cầu xin an bình cho nhân thế. Huân và Liên vẫn thường ra đây gọi là ôn bài luyện chữ, thật ra đó chỉ là cái cớ để được gặp nhau. Chàng và nàng thường chọn bãi cỏ sau hàng ghế đá để được kín đáo phần nào. Những nụ hôn tình yêu nở hoa trên thảm cỏ xanh biên biếc và sáng ngời ước vọng. Họ chia nhau từng ổ bánh mì bưu điện, từng ly cà phê, từng cốc chanh đường dưới những tàn me dọc đường Nguyễn Du. Đôi lúc tay trong tay xuôi về đường Cường Để, hạnh phúc choáng ngợp cho một cặp đôi bất xứng thường gợi sự tò mò cho khách nhàn du. Bởi lẽ Liên kém tuổi Huân nhưng lại to cao hơn chàng, bên cạnh nàng Huân như cậu em tinh nghịch lúc nào cũng thích bá cổ quàng vai. Sự tình cờ lại trùng hợp với mơ ước của Huân, chàng vốn thích mẫu người đẫy đà khoẻ mạnh. Liên không đẹp nhưng lại có cái duyên ngầm ở nước da màu bánh mật, nàng lại không hề mặc cảm khi cúi xuống đời Huân. Có lẽ do xuất thân từ sông nước giang hồ, qua nhiều bến bãi đã khiến nàng mạnh dạn hơn trong cuộc sống. Tình yêu của hai người chỉ dừng lại ở những nụ hôn thầm, những vòng tay siết chặt phủ ấm cho nhau, đôi khi Huân cũng muốn đi xa hơn một tí và Liên dường như cũng sẵn lòng. Nhưng không hiểu sao Huân lại cứ lúng túng vụng về quá đỗi.Và cũng chính vì sự vụng về ấy mà dục tình đã không làm lem lấm đời nhau.Thế nhưng với Huân là mãn nguyện còn Liên thì dường như không dấu được những khát thèm.

Mùa đông năm ấy, tự dưng những cơn mưa nhiệt đới không còn là mưa rào chợt đến chợt đi mà là mưa dai dẳng thúi đất ngập sình. Liên gõ cửa nhà Huân vào lúc trời đang mưa nặng hạt, mở cửa Huân không khỏi bàng hoàng. Liên như con mèo ướt run lên vì lạnh và quần áo ướt sũng dính chặt vào da thịt ở những chỗ lẽ ra phải được che kín.Thú thực Huân chỉ liếc qua và vội kéo nàng vào trong không kịp khép cửa cài then.

Liên ôm cứng lấy Huân và khóc ngất. Sau cơn mưa trời không sáng vì đã về đêm. Lúc ấy Liên cho Huân biết Ba nàng vừa bị bắt không hiểu vì lý do gì, mẹ nàng biệt tích đã hai ngày. Còn Liên như đang bị bó cứng trong bộ quần áo ngủ của Huân khi những giọt nước mắt vẫn lặng lẽ rơi xuống bờ ngực căng phồng không cài được cúc. Ngoài kia những giọt mưa còn sót lại từ chiều vẫn gõ nhịp trên mái tôn như một lời thúc dục. Đêm ấy Huân - gã trai tân được nếm mùi trái cấm từ Liên, bằng dâng hiến nhiệt tình và từ Huân với những vụng về non dại. Thực tình Huân đang sợ một điều gì không hiểu. Còn Liên nước mắt đã cạn khô và dường như không có việc gì xẩy ra trước đó, hoàn toàn khác hẳn với những gì Huân biết về yêu đương qua những lời chỉ bảo của đàn anh.

Sáng hôm sau khi Huân thức dậy thì Liên không còn bên cạnh, trên bàn lưu lại một mảnh giấy ghi vỏn vẹn mấy chữ: “Gởi Huân, e rằng chúng ta sẽ không gặp nhau nữa. Liên cám ơn và mãi mãi nhớ Huân, đừng bận tâm suy nghĩ điều gì. Đừng nhớ Liên và cố gắng trở thành Luật sư để mai kia biết đâu còn có dịp giúp Liên. Nhớ đừng tìm Liên và đừng nói với ai Liên đã ở nhà Huân.” Chỉ có thế.

Huân đã ngất ngư những mấy tháng trời, bềnh bồng trong nỗi nhớ, khắc khoải trong kiếm tìm vô vọng. Sông nước giang hồ một lần nữa lại đưa Liên đến bến bờ nào.

Sài Gòn năm ấy, những ngày sôi động, sinh viên học sinh liên tục xuống đường với khẩu hiệu là chống độc tài quân phiệt. Một hôm, ở khuôn viên trường Luật đang có cuộc tranh luận về việc trách nhiệm lãnh đạo Tổng Hội sinh viên. Từ tranh luận đến xô xát, có tiếng súng nổ và một sinh viên ngả xuống. Phát súng ấy lẽ ra do chính Liên bắn ra nhưng nàng không bắn vì trên ban công Liên đã thấy Huân và ai đó đã bắn thay cho nàng. Như vậy nhiệm vụ không phải chỉ giao cho mình Liên. Dĩ nhiên trước tổ chức mà nàng đang tham gia, Liên đã bị khiển phạt nặng nề vì không chu toàn nhiệm vụ. Nàng bị khai trừ nhưng không hiểu do sự can thiệp nào Liên lại được bí mật đưa sang Đông Đức du học.

Khi bức tường ngăn cách Đông Tây Bá Linh sụp đổ, trong dòng người vượt thoát đầu tiên có Liên. Nàng trở thành con nuôi một nhà giáo hiền lành. Sau khi tốt nghiệp đại học, Liên lập gia đình với một kỹ sư cầu cống (cũng là một học sinh du học tại Đông Đức). Nhưng không lâu chồng nàng bị thủ tiêu trên đường phố, vì viên kỹ sư này lại là trùm một băng buôn thuốc lá lậu.

Phần Huân, cũng không khá gì hơn, chưa xong năm thứ nhất đại học thì phải lên đường nhập ngũ. Huân về đồi Tăng Nhơn Phú học đánh nhau. Từ đó đời lính đã đưa đẩy Huân đi khắp bốn vùng chiến thuật cho đến ngày đứt phim. Gia đình Huân theo tàu Trường Xuân ra khơi, còn Huân vì nặng tình đồng đội nên vào tù.

Sài gòn 1985 Huân trở thành phu khuân vác tại bến Hàm Tử. Huân chọn nơi này vì vẫn thầm mong một ngày trên ghe lái trái cây biết đâu lại chẳng gặp Liên. Đó là chút hy vọng cuối cùng của người lính cũ.

Liên bước khá nhanh khi vượt tấm ván nối ghe với bến khiến cậu Tám Tàng theo sau cũng phải hoảng hồn, và vì khá nhanh nên đã không kịp tránh người phu khuân vác đang oằn vai vì một cần xé dừa tươi. Liên loạng choạng, cậu Tám Tàng hốt hoảng nhưng một cánh tay đã kịp níu lấy Liên và cần xé dừa thì rơi xuống nước.

Hai người đối mặt nhau trong một quán lá bên bến sông Hàm tử. Không ai nói được lời gì. Trong mắt Liên dường như có cát chạy, giòng lệ rơi một cách vô tư.Trong khi Huân thẫn thờ cúi mặt, những năm tháng tù đầy và trở về đời cơ cực Huân đã biến dạng khá nhiều, râu tóc mọc đầy, nước da sạm đen và khét nắng, đôi mắt buồn lúc nào cũng nheo nheo như muốn tránh nhìn cảnh đời thay đổi. Chiếc áo nhà binh bạc phếch không cài cúc để lộ những thớ thịt đã săn lại thành gân vì ngày nối ngày phải gồng minh dưới sức nặng hàng hóa. Liên khẽ chạm tay vào ngực Huân, mồ hôi muối dính trên tay nàng. Huân đưa tay chận lại và tay lại trong tay.Trong khi nước mắt Liên vẫn từng giọt vắn dài.

 
♣ ♣ ♣

Liên ạ! Em có biết là em vẫn mãi mãi trong anh, ngày xưa anh vào lính cũng chỉ vì nhớ em, không học được nữa và qua được kiếp tội tù, vì anh vẫn tin có ngày sẽ lại gặp em. Về đời chấp nhận làm phu khuân vác ở bến hàng Bông vì anh vẫn luôn hy vọng sông hồ sẽ gọi em về. Bây giờ tái ngộ anh mãn nguyện lắm rồi, không mơ ước gì hơn. Nhưng khốn nạn thay chúng ta lại trở thành hai thế giới khác biệt, em vui sống ở trời Tây, còn anh đây thực tế là như vậy đấy. Chỉ là người phu khuân vác trên bến sông buồn.

Điếu thuốc trên môi Huân đã được Liên đưa tay nhẹ nhàng lấy xuống. Thay vào đó là bờ môi dày mọng nước, dường như tích lũy những khát khao nay có dịp giải tỏa những dồn nén. Môi tham lam, môi ngọt lịm, bờ môi thương nhớ vẫn như xưa. Đó là câu trả lời của Liên trước những ưu tư mà Huân vừa lên tiếng. Huân biết thế, và máu lính trong chàng trổi dậy. Huân quay ngang người ôm chặt lấy hình hài Liên, đôi bầu vú như hỏa sơn căng lửa ép chặt lấy bờ ngực gân guốc của chàng. Môi lại tìm môi và Huân cúi xuống, giật tung tấm đắp để thấy rõ Liên lồ lộ rạng ngời, đam mê và dục vọng đã thay lời cho nhưng ưu tư.

Anh ạ: em muốn có con- Có con thật ư- Đúng thế để em dạy cho chúng cách nhổ râu cho Bố. Những cọng râu đang làm em nhột đây này.

Dấu chỉ của hạnh phúc thật ra nằm trong những lời đơn giản, nhưng để có được e rằng phải kinh qua nhiều lắm gian nan. Huân nhủ thầm: đoạn đường chiến binh của chính mình sẽ còn tiếp tục.

Anh đang nghĩ gì vậy- Liên hỏi khẽ.

- Anh đang nghĩ xem làm sao rời em ra để đi mua bút chì về vẽ lông mày cho Triệu Minh đây.

- Anh nè, ai dạy anh lẻo mép dzậy.

- Là Đời Lính, đời Lính đã dạy anh đủ thứ. Hơn nữa em phải biết là anh sinh ra và lớn lên bên dòng sông Thạch Hãn Quảng Trị vùng đất nghèo địa đầu giới tuyến. Tuổi trẻ anh lăn theo trái bóng trên sân trường Trung Học Nguyễn Hoàng có lẽ vì thế nên anh như trái bóng luôn bị đời tung hứng. Anh những tưởng anh trưởng thành chai đá, nhưng lại vẫn mộng mơ khiến anh mãi nhớ thương những con đò bến Hạ và thả đời theo em như nhánh lục bình trôi yên ả. Cũng chính vì thế anh yêu em và yêu luôn những đời sông nước miền Nam.

- Nhất định anh mãi yêu em, như người phải biết thương người. Đó chính là lẽ sống là những sắc hoa rực rỡ của đời thường.

Cám ơn em, cám ơn đời, đã cho người gặp lại được người và để cho những con tim được vui trở lại. Hạnh phúc gần vẫn níu được tình xa.





VVM.03.7.2021

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
vietvanmoinewvietart007@gmail.com