Tặng anh Trần Tử Quán, Đoàn Văn Khánh, Nguyễn Sông Ba
1.
Ông Trần nói:
-Anh em tứ xứ, Á, Âu, trắng, vàng… hùn tiền mua đất.
-Còn xây dựng?
-Xin phép với bản thiết kế chuyên nghiệp -cũng tự anh em vẽ- rồi thuê nhà thầu xây dựng.
Tam tán thán:
-Hèn nào…đẹp quá.
-Đẹp à?
-Dạ, không gian thoáng, cây lá xanh và nhất là...
-Là gì nào?
-Trước sau đều có balcon.. nhìn rõ đất trời.
Ông Trần trầm ngâm:
-Càng nhìn rõ đất trời, càng thấy quê hương xa vời.
Đó là cao ốc có 4 tầng, gồm hai bloc, mỗi bloc chia cho 8 gia đình, một thang máy.
-Cánh đàn ông lo Đất, Thiết Kế, Xây Dựng…Cánh đàn bà lo nội thất, cho nên căn hộ nào cũng sêm sêm như nhau.
Ông Trần -bốc thăm- được căn hộ đầu hồi, có đến 3 mặt tiền, đẹp nhất bloc số 1. Hai phòng ngủ, một phòng khách, bếp, phòng ăn, wc. Phòng nào cũng có cửa mở, nhìn ra khu vườn.
-Vợ chồng Quang ngủ ở đây.
Ông Trần mở cửa phòng ngủ lớn nhất, được chuẩn bị mọi thứ thật ngăn nắp, mền gối, tủ áo, bàn viết… làm bằng gỗ sồi thật đẹp.
Nguyễn nhìn vợ chồng Quang, cười:
-Tha hồ tâm sự.
Ông Trần nhìn Tam và Nguyễn:
-Ưu tiên cho cặp đôi rồi, bây giờ hai ông chọn đi.
Tam nhìn Nguyễn:
-Bọn tôi chi cần có chỗ ngã lưng là tốt rồi.
Như không nghe lời phát biểu của khách, ông Trần tiếp:
-Một ngủ với tôi, một ngủ ở phòng khách, hai anh tự “thương lượng” và quyết định.
Tam ngủ ở phòng khách, trên cái sofa màu đỏ, ngắn không đủ chiều dài để chứa chiều cao, Tam phải ló hai ống quyển ra ngoài.
Ông Trần bê tới một cái đôn:
-Anh gác chân lên đây.
-Cám ơn anh.
Phòng khách là phòng lớn nhất của căn hộ, có một dàn cửa kính chạy suốt chiều ngang, bên ngoài, một balcon cũng dài bằng chừng ấy, trồng hoa và cây xanh. Nếu ngồi ở sofa, sau lưng là cái bàn dài 8 ghế, vách liền kề là tủ hẹp chứa sách và vật lưu niệm. Máy vi tinh cũng để ở đây.
Trước mặt là dàn máy nghe nhạc, tivi 42 inches, một piano hiệu Yamaha đời UH1, và chiếc ghế đọc sách.
Ông Trần, người Hà Nội chính gốc, được người cha “có một quyết định can đảm” như lời ông Trần nhận định, đưa ông Trần sang Châu Âu học tập từ thập niên 50 với nhiều ước vọng đặt lên vai đứa con trai còn trong thời thơ dại. Kẻ khác học kỹ sư, bác sĩ, còn ông Trần chọn âm nhạc và trở thành giáo sư âm nhạc của một nhạc viện của Roma –Ý. Ông viết giao hưởng, đa số nhạc cho những phim về Công Giáo và dịch thuật các tác phẩm văn học nghệ thuật của các nước sang tiếng Ý và Pháp. Có cả tác phẩm của nhà văn Việt nam, đặc biệt, tác phẩm của Nhà văn T được hai giải thưởng ở Pháp và Ý từ bản chuyển ngữ của ông.
Cầm dĩa Audio-CD, nhạc ông Trần trong Film S’ Cabrini vừa tặng, Tam nhẹ giọng:
-Anh chơi lại tác phẩm này..
Ông Trần buồn buồn:
-Không chơi được nữa…ngón cứng, cánh run..
Ngưng một chút, như tiếc nuối:
-Một thời ..đã qua ..đã xa..
-Nhưng không mất.. đâu anh.
-Không mất ?
-… Nó còn mãi trong tâm hồn..
Ông Trần xa vắng:
-Phải…trong tâm hồn.
Hai niềm đam mê: âm nhạc và dịch thuật.. ông tâm sự:
-Bây giờ thì không còn đam mê nào nữa.
-Tại sao ?
-Vì nhiều lý do…nhưng có lẽ đến một lúc nào đó con người bỗng thấy mọi thứ trôi xa..thật xa.
-Cả....
-Phải, cả cái mình đam mê theo đuổi cả một đời người..
Lúc đó, ông nhìn ra khung cửa với đôi mắt xa vời, buồn vời vợi. Một đời người, xa quê, xa nơi đã chôn cái nhau của kiếp người, xa mẹ, xa cha, xa tất cả dấu yêu... Giờ đây chợt thấy ngậm ngùi.
Ông Trần lấy vợ người Ý, bà sinh được cho ông hai đứa con trai, đã thành nhân, một đã lập gia đình, ông đã có cháu nội. Cả hai cùng sống xa Roma, xa ông. Vợ mất, con xa. Bây giờ ông sống một mình, y như một chiếc bóng, âm thầm, lẻ loi trong căn hộ đầy kỷ niệm của một đời người. Niềm vui của ông chỉ còn:
-Lâu lâu anh em đến như thế này, tôi vui lắm.
Trong con người thấp, ốm, mong manh kia đã chịu đựng một sức nặng cô đơn đến quặn lòng.. Đôi tay đã run khi đặt lên phím đàn.. Cây đàn lặng câm với bao ngày tháng. Đời người lặng câm với niềm trống vắng mênh mông.
Tam va Quang tặng ông Trần tập thơ, Nguyễn tặng cuốn tiểu thuyết .
-Cảm ơn các anh đã mang một món quà quí từ quê nhà….vượt trời mây…
Tam đề nghị:
-Rảnh, anh đọc cho vui.
-Nhất định rồi…đọc như thấy SaiGon.. thấy Hà Nội…
Nguyễn nói:
-Cám ơn anh.
Dù ở nơi đâu, xa tận phương trời nào, quê hương vẫn mãi mãi trong
trái tim người xa xứ. Đêm đó, ông Trần ngồi trên chiếc ghế đọc sách,
bên ngọn đèn nhỏ, lật từng trang cuốn tiều thuyết Ngôi Nhà của
Nguyễn vừa tặng..
2.
Buổi sáng, như thói quen Tam thức dậy thật sớm, khi tất cả còn ngủ,
căn nhà còn chìm trong tĩnh lặng… Tam mở cửa bước ra balcon, một màu
nắng rất mong manh đã dần dần đầy lên không gian, bình minh sắp lên,
một ngày mới sắp bắt đầu. Tam vươn vai, hít thở và tập bài tập thể
dục thường nhật sau đi bộ… Ánh sáng tỏ dần, tiếng chim trong khu
vườn bắt đầu ríu rit. Sương cũng dần tan. Cảnh vật được bình minh
phủ lên màu áo mới, rực rỡ…
Dưới tầm mắt là cánh đồng hẹp bị cắt làm hai bởi một hàng cây, phần ở gần balcon là đồng trồng cỏ đã được gặt và cuốn lại thành những vòng tròn, như những chiếc bánh xe máy cày. Tam nhìn thấy con chồn đuôi dài đang rình, qua những gốc rạ, bắp, chú gà lôi đang tìm những hạt cỏ. Sự sống này chết đi để sự sống kia sinh tồn, sự đấu tranh sống còn tiếp diễn ở mọi nơi, dưới mọi hình thức, của tất cả muôn loài.
Ở bên hàng cây có hai căn nhà, trệt, lợp tôn, y như những căn nhà ở đồng quê Việt Nam, cũng bên một đống rơm, cũng có đàn vịt, đàn ngỗng, con chó… Tam nhớ từ phi trường về đây, hai bên đường nhà cửa, đồng ruộng, ao nước… cũng y như vậy. Y như những nước mà Tam đã đi qua, y như Việt Nam, Tam nghĩ, tại sao nhân loại lại chia ranh giới, đặt tên Quốc Gia làm chi cho thêm nhiều chuyện. Thống nhất một khối “đại đồng” có hơn không [?]
Hắn quay vô, khi con chim chích chòe trổi khúc chào nắng mai, cứ y như sáng chủ nhật, cũng giọng chim này vang lên ở Sân Chim trong vườn Tao Đàn SaiGon..
-Tôi nấu món Ý…các anh dùng thử..
Ông Trần thức dậy còn sớm hơn Tam, ông chuẩn bị bữa ăn sáng cho 5 người. Quang lúc nào cũng muốn làm vừa lòng chủ nhà, nên tấm tắc:
-Ngon thật.
Rồi tiếp:
-Anh nấu .. rất ngon miệng..
Tam và Nguyễn phụ họa:
-Tuyệt..
Mà tuyệt thật chứ không phải khen suông. Món mì Ý mà ông Trần nấu hao hao giống món mí Ý các tiệm ở Saigon nấu, rất ngon và hợp gu.
Tam mở cánh cửa phòng ăn, bước ra đứng ở balcon. Phía trước, bên dưới là cái sân rộng, bên tráí làm chỗ đậu xe, bên phải có khóm hoa, thân cao, đang ra hoa màu tím. Phía trước, chính diện là cổng ra vào của hai bloc cao ốc. Phía ngoài là con đường dẫn ra con đường chính, nơi có trạm xe Bus chạy đến Tòa thánh Vatican. Bên kia đường là ngọn đồi thấp, ở đó có hai villa nhỏ, chung quanh là mảng cỏ xanh, nghiêng thoai thoải, như mảng cỏ trước khách sạn Palace, nghiêng xuống bờ hồ Xuân Hương Đà Lạt.
Trạm dừng xe Bus bên lề phải. Bốn người bước xuống. Người được Quang hỏi, trả lời:
-Tòa Thánh ở bên kia.
Tám con mắt nhìn theo tay chỉ của người vừa trả lời.
Bên kia tức bên trái đường, bên kia dãy nhà cao, bên kia những vòm mái tròn có cây anten chỉ thẳng lên trời. Muốn qua đó phải đi tới, cách trạm Bus non 100m, cúi xuống đường hầm cắt ngang, qua đường và chẳng mấy chốc Tòa Thánh hiện ra trước mắt.
Điều đầu tiên cảm nhận là người, đông ơi là đông, không biết từ đâu kéo đến, mỗi lúc một nhiều thêm. Người và người, đủ màu da, đủ kích cỡ, đủ giai cấp, đủ trẻ em người lớn cùng về đây, đứng chật cả Quảng Trường, lấn ra bên ngoài.. Tam, Nguyễn và vợ chồng Quang tranh thủ chụp mấy bô hình. Cả 4 cùng cười, lòng cùng vui trước cảnh mọi người…vui, chờ đón, hớn hở..
Không biết đây là cổng chính hay phụ để vào bên trong Quảng Trường, chỉ biết trước khi bước qua cổng phải qua một hàng tượng bằng đá trắng.. Cả bốn, không ai đến gần được hàng tượng, chứ đừng nói bước được qua cổng.
Khoảng sân trước cổng, dày đặc người. Bên trái có dựng một hàng rào sắt, không qua được. Bên phải có con đường nhỏ, ngang 8m trải nhựa, ôm quanh hệ thống ngăn Quảng Trường với bên ngoài. Người ta đổ về con đường này. Vợ chồng Quang đi trước, Tam và Nguyễn phía sau, cùng dòng người, lũ lượt bước tới.
Trong Quảng Trường, hình như Đức Giáo Hoàng đã xuất hiện, tiếng hoan hô chào đón Người vang trời. Tam nhón chân nhìn, thấy một rừng cờ phất qua phất lại. Ở thật xa, có cái màn hình TiVi thật lớn, nhưng cũng chỉ nhìn được bóng của Người lờ mờ...Mỗi lúc tiếng hoan hô một cao vang cả một vùng đất trời. Hôm nay là ngày Người xuất hiện ban phước lành cho muôn dân..
Cha đang ban xuống phước lành.
Lô nhô tay níu mong manh ơn Người.
Nào cờ, nào tiếng hoan hô.
Như rằng kiếp nổi bên bờ tử sinh.[1]
3.
Bỗng Nguyễn ôm cứng cánh tay Tam:
-Mình bị rồi..
-Sao..
-Lạnh quá Tam ơi.
Cánh tay Nguyễn run bần bật.
-Ngồi xuống đây thôi.
Tam lo lắng:
-Ở nhà có bị như thế này không?
Nguyễn không trả lời, quỵ xuống, níu theo Tam. Hai đứa ngồi xuống bên lề đường. Người người đi qua như trãy hội. Nguyễn run một lúc một nhiều hơn, răng đánh lập cập. Lúc này Tam thấy lo đến hoảng hốt, hỏi gì Nguyễn cũng không trả lời được. Nguyễn vốn ốm, nhỏ con lại chẳng để ý gì đến ”sắc đẹp”. Khi ra đi, năn nỉ “ông nhuộm tóc giùm tôi” cũng chỉ ờ ờ cho qua chuyện. Không bao giờ cầm lược chải tóc mà chỉ lấy tay quào. Bây giờ lại khoác cái blouson màu đen đã mốc. Tam khá hơn, nhưng giữa chốn này, cảnh này, thì giống hệt hai kẻ ăn mày. Hai khuôn mặt cúi gằm, chỉ còn nhìn thấy những đôi giầy đủ kiều, đủ cở, đủ màu, cao thấp, lớn nhỏ… lướt qua.
Bỗng trong cơn sốt, Nguyễn cất giọng:
-T..T..a..a.m..m [Tam]
Tam hỏi:
-Nguyễn cần gì ?
Yên lặng, hình như Nguyễn chờ cơn sốt đi qua:
-..la..y no..on..[lấy nón]
Tam ngạc nhiên:
-Để làm gì ? Nón đây.
Đó là cái bê-rê của họa sĩ SB tặng Nguyễn năm rồi …
-X..x.i.i..n ti..en. [xin tiền]
Tam bất ngờ, xao động... rồi thương bạn:
-Ông đi qua, bà đi lại cho nhà văn ”nhớn” N.M xin 1 euro.
Tam chọc tiếp:
-Còn nhà thơ nhỏ CT thì không xin.
Nguyễn không cười, cơn sốt vẫn chưa giảm, trong cơn run lập cập:
-S..s.a..ao cc.o 1 e e rô hê [sao có 1 euro hê] ?
-1 euro mà chẳng ai cho… Nguyễn muốn xin bao nhiêu ?
Nguyển yên lặng, như lấy “sức”mới cất giọng :
-O..on tha..o s.s.e.n oro [one thousand euro].
-Trời ạ, 1 euro chẳng ai cho, bây giờ còn xin 1000.. Ai cho?
Yên lặng, cánh tay Tam bị cánh tay Nguyễn ôm cứng. Đầu tựa hẳn vào vai.
-Ch..u co..ai tay tr..ai cầ..m no..n xi..n ti..en, tay phai câm laptop giá m..mu.oi la.m tri eu không [chứ có ai tay trái cầm nón xin tiền, tay phải cầm laptop 15 triệu không] ?
Nguyễn nói được một câu dài, có nghĩa là đã hạ sốt, nhưng chưa đứng lên nổi. Giễu cợt với sự sống còn, hay muốn làm yên lòng người bạn đi cùng ? Nguyễn đến với cuộc đời như tham dự một trò chơi, hạnh phúc là được ngửi mùi mực in và tiếng máy in chạy. Mê văn chương chữ nghĩa. Lẽ sống là những trang viết của người và của mình. Ngay cả khi đứng bên bờ vực, đứng giữa sự sống và cái chết, Nguyễn vẫn khôi hài.
Thời gian ăn xin khá lâu. Đoàn người vẫn lũ lượt đi qua, không dừng
lại. Bên trong Quảng Trường tiếng hoan hô vẫn vang dội đất trời:
"Các con hãy thương kẻ khác như thương chính bản thân mình" và
"sự sẻ chia tình thương mang đến hạnh phúc và hòa bình.”
Có phải Đức Giáo Hoàng đang nhủ thế không
? Người ta nghe lỗ tai
trái, dường như sẽ lọt sang lỗ tai phải, bay mất. Còn nếu nghe cả
hai tai, lời nói sẽ bay qua.. lỗ mũi ? Hoàn cảnh này xác định
được lòng người và tình người. Trong nỗi thất vọng bỗng cả hai
cùng nhìn thấy có đôi bàn chân nhỏ, trong đôi giầy nhỏ, ngập ngừng
rồi…dừng lại.. Tam và Nguyễn cùng ngước lên, một đứa bé chừng 7 tuổi
với đôi mắt xanh mở lớn, ngạc nhiên, ngơ ngác, thương cảm, thắc mắc…không
đủ từ để nói về đôi mắt lúc ấy.. Người cha, hơn hai lần kéo con đi
tiếp, cũng hơn hai lần đứa bé rị lai, đôi mắt xanh, xoe tròn …
Tâm hồn thơ ngây trong sáng bao giờ cũng là tâm hồn đẹp. Hai con mắt
như chiếc máy ảnh đã ghi lại phút giây đau khổ đầu tiên của kiếp
người.
Lúc đủ sức đứng dậy, bám cánh tay của Tam bước đi, Nguyễn thì thầm:
-Đôi mắt..
-Đôi mắt..
-Đôi mắt làm mình nhớ đôi mắt của Doctor Zivago thời thơ ấu…
Theo dòng người trở lại hầm chui, Nguyễn bớt run dần, nhưng bước rất chậm, từng bước từng bước, đầu dựa hẳn vào vai Tam.
……Hè Thu 1953,Tam Giác gần như là vùng xôi đậu, Ta và Địch, Việt Minh và Giặc Pháp, thay nhau kiểm soát. Đối với Giặc Pháp thì đây là vùng bắn giết tự do. Ở Ninh Thuận, Hàm Chính, ban đêm, trai thanh niên phải đi ngủ ở Rừng Già, Rảy Nổ , Bàu Dạo…Tờ mờ sáng hôm sau mới trở về.
Một buổi sáng, khi họ vừa qua khoảng rừng chồi bìa làng, bỗng có tiếng súng máy:
-Tành ..tành tành..tành.
Rôi đạn lum đum:
-Cắt..đùng. Cắt..đùng. Cắt.. đùng.
Súng tiểu liên:
-Chóc chóc chóc……chóc chóc..chóc....
Và nhiều người ngã xuống. Người ta ngạc nhiên là tại sao tiếng nổ của địch lại từ rừng bắn ra ? Tại sao địch lại có mặt nơi ta lập chiến khu ? Có mặt lúc nào và bằng cách nào ?
Những thắc mắc trên được giải trình.
Bị đánh tan tác trong chiến dịch Tây Bắc, co cụm về Nà-Sản, cứ điểm cuối cùng này cũng bị tróc nã, một đám tàn quân di chuyển vào Nam chọn Tam Giác để trả thù. Đó là 8 tiểu đoàn lính Âu-Phi, đa phần là lính Châu Phi, bọn da đen Gạch Mặt, hợp cùng 5 tiểu đoàn địa phương, bao vây Tam Giác, một vùng đất non 70km2.
Phía Tây, Ma Lâm-Mường Mán, chúng rải quân kín đoạn đường sắt, bằng Xe-bọc-thép, Xe-lửa-một [2]. Từ Phía Nam, đường sắt Mường Mán-PhanThiết, Phía Đông, QL8 PhanThiết-MaLâm, địch dàn quân kín mít. Tam Giác bị bao vây và chúng càn, như cày rồi bừa, bắn phá, chém giết, đốt nhà, cướp của.. và hãm hiếp từ đứa bé gái đến cụ già. Bắn sạch. Đốt sạch. Giết sạch… Chúng quần đi đảo lại suốt 3 ngày liền. Súng nổ khắp nơi, khói bốc mù trời.
Một số ít dân ở phía Bắc Hàm Chính, thoát qua Hàm Phú, chạy vào Rừng tròn, Đá bàn. Còn lại, gần như kẹt giữa làn tên mũi đạn.
Thay vì “tây bố thì chạy lên rừng”, bây giờ Tây trên rừng tràn xuống. Chạy qua hướng Đông bị Ql8, chạy xuống hướng Nam bị chận ở Xuân Phong Đại Nẫm.
Gia đình Tam là một trong ba gia đình chạy theo sự hướng dẫn của một người lính Việt Minh. Lúc chạy phía sau, bên hông địch, lúc chạy ra tận QL 8, rồi ngược lên Bàu Sẻ, có khi thâm nhập vào trận địa còn bốc khói…
Đến sáng ngày thứ ba, tiếng súng vẫn chưa giảm, khói vẫn bốc cao mọi nơi.. Tam chạy đến một ngôi làng vừa bị bọn Gạch Mặt càn qua, những căn nhà tranh đang cháy, xác trâu bò, heo gà lẫn với xác người… Bên xác người đàn ông cụt đầu, xác người đàn bà lõa lồ là một khóm chuối ngã nghiêng. Từ gốc đám chuối này có đứa bé gái, cũng chừng tuổi của Tam, mở hai con mắt tròn xoe, kinh hãi… nhìn Tam. Đôi mắt đã chứng kiến cảnh quân Gạch Mặt bắn chết cha và hãm hiếp mẹ. Chứng kiến cảnh bom đạn, lửa cháy, điêu tàn. Đôi mắt chứa hết nỗi kinh hoàng.
Đôi mắt đen của người bạn năm xưa, ở quê nhà và đôi mắt xanh hôm
nay, ở nơi này, sẽ theo Tam suốt đời.
-Nguyễn a..
-Mình nghe hết … Thương cảm quá.
-Khỏe hơn chưa ?
-“Trụ” được…rồi, nhưng đói quá.
Tam mua cho Nguyễn ổ bánh mì jambon “kiểu Ý” và cho mình 20 cái móc khóa có hình Đức Giáo Hoàng và hàng chữ “PaPa Francesco”, với ý định mang về làm quà các bạn, như chuyển lời chúc phúc mà sáng nay Ngài đã ban cho mọi người..
4.
Con đường chính có bến xe Bus đến nhà ông Trần chừng 300m, độ
nghiêng không lớn, nhưng Tam nghe cánh tay Nguyễn bám vào tay mình
chắc hơn. Bước đi chậm hơn.
Nguyễn chỉ qua cơn sốt chứ chưa dứt bệnh..
Sau bữa cơm trưa Nguyễn khỏe hơn một chút, và đến 16 giờ thì có thể cùng theo đoàn đi tham quan cảnh đẹp Roma do ông Trần lái xe kiêm hướng dẫn viên.. Vừa lái xe ông Trần vừa thuyết minh những cảnh mà xe đi qua. Ông dừng lại trên ngọn đồi cao, ở đó có thể nhìn gần hết Roma.. Kia là.., đây là…màu xanh kia ..màu trắng xa xa…ông nói, giải thích, nhưng Tam thì không nghe thấy gì, cánh tay Nguyễn đã bắt đầu run lên.
Khi đến quãng trường giác đấu.., chụp vài bô hình là Nguyễn vào xe và từ đó cho đến lúc về đến nhà, như thiếp trên chiếc ghế bên tay lái ông Trần.. Có lúc ông Trần dừng lại, đưa vợ chồng Quang đi tham quan đây đó, Tam và Nguyễn ngồi trong xe chờ.. Cảnh vật cây cỏ nhà cửa nhuộm trong màu vàng hoàng hôn, vài cánh chim bay về tổ.. Tam ló đầu nhìn ra bên ngoài, cảnh vật yên lặng đến buồn tẻ.. Tam quay lại nhìn Nguyễn, thì thầm:
-Ngủ đi…ngủ đi…Nguyễn ơi.
Bỗng dưng, nước mắt rơi ra. Khóc vì thương bạn ? Khóc vì thương chính cuộc đời mình? Khóc vì cảnh đìu hiu? Khóc vì nhớ ai? Khóc vì đôi mắt xanh ngơ ngác, hay vì đôi mắt đen hãi hùng năm xưa.. ? Tam không biết, chỉ biết là nước mắt tràn ra không cầm lại đựơc.
-Anh C T không đi….uổng quá, vợ của Quang gọi Tam như vậy.
-Đẹp lắm ..hả em ?
-Dạ.. tuyệt vời.
Ngưng một chút, rồi tiếp:
-Có cái lỗ nhỏ xíu…nhưng khi ghé mắt vào là thấy cả thành phố Roma.
Và kết:
-Bất ngờ và hay lắm, anh C T à.
-Hay lắm ?
-Dạ….hay lắm.
Quang phụ họa vợ:
-Kiến trúc quá đẹp..
Quang còn nói thêm màu trắng của đá cẩm thạch dùng xây đền thờ, phân tích sắc thái hài hòa của công trình và kết luận:
-Đây mới là công trình của thế kỷ 20!
Vừa nói Quang vừa nhìn và như chờ sự đồng tình của Ông Trần.
Ông
Trần mím môi de xe ra khỏi chỗ đậu, ôm vô lăng quẹo phải, xe chạy
lại con đường đã đến, qua cây cầu bắc qua một dòng sông…
Trước khi ra cửa cái của căn hộ, phải qua một phòng nhỏ, trong phòng
chỉ để duy nhất một cái bàn cũng nhỏ xíu, thờ người vợ quá cố. Đêm
khuya thứ hai Tam đứng trước tắm hình người đàn bà Ý, khuôn mặt phúc
hậu nhưng hơi buồn. Tâm đốt một cây nhang, lâm râm khấn vái.
-Xin Bà linh thiêng ..
Tam nghĩ những điều muốn nói trong đầu, giữa tâm linh, trường hợp này, yên lặng dễ thấu rõ hơn.[?] Tam vái ba vái rồi cầm cây nhang cắm vào cái lư đồng đã đầy chân nhang.
Trở lại bếp, lấy đũa đảo đều xoong gạo đang sôi, phải nhừ nhưng thật lỏng, may ra Nguyễn mới ăn được. Từ lúc về đến giờ này Nguyễn nằm nhẹp, ăn vô là ói ra, ói tới mật xanh mật vàng. Ông Trân phải mang cái bô từ wc vô để bên đầu giường cho Nguyễn ói.. Ói toàn nước, ói khan. Trong cơn gần như hôn mê, Nguyễn gọi rất nhỏ.. Tam ơi… Tam ơi.
-Mình đây…mình đây…cố lên Nguyễn ơi.
Bên cái bếp nhỏ có cánh cửa kính ra balcon, Tam bước ra, trời đêm xoe lạnh, mù mịt. Bên kia đường, hai villa trên đồi hiện lờ mờ dưới ánh đèn vàng.. Xa xa, đâu đó, Tam nghe tiếng côn trùng bắt đầu rả rích. Sương đã rơi kín bầu trời đêm.
-Nguyễn a..
Phải gọi và lay vai nhiều lần Nguyễn mới tỉnh lại.
-Ăn một chút cháo lỏng..
-Phải…
-Nguyễn nằm yên.. mình đút cho..
Vừa run vừa cố mở miệng, nhưng hàm răng cứ đánh lập cập, những muỗng cháo đút vô, chảy ra ngoài hơn nửa. Tam cầm sẵn giấy lau.
-Cố nuốt ..
-Phải… mình đang cố…
Nguyễn ăn được chừng 4 muỗng cháo rồi khoát tay:
-Thôi.
-Cố chút nào ..
-Thôi….
Tam bón cho Nguyễn hai muỗng nước, xoa dầu nước xanh lên trán, lưng, rốn..và đắp mền kín từ đầu đến chân Nguyễn.
-Cố ngủ đi..
Tam quay ra bếp, dự định dọn dẹp và hong lại xoong cháo, thì Nguyễn ói… Tam chạy vô thấy Nguyễn đang nghiêng người nhổ bọt vào cái sô để ở đầu giường.
-Nước.. nước..
Nguyễn ăn vô, tíc tắc là ói ra, không còn hạt cháo nào trong bụng.
Sức xuống rất rõ, hốc hác, teo tóp. và không còn chút sinh khí nào.
Phải nhiều lần ăn, nhiều lần ói. Cuối cùng Tam tính chỉ còn chừng 3
muỗng cháo trong bụng theo giấc ngủ của Nguyễn.
Trong phòng khách, nơi Tam ngủ, trên vách bên cửa ra vào có treo một
khung gỗ hình chữ nhật, mà chiều dài gấp 3, 4 lần chiều ngang. Trên
mặt gỗ gắn một bức tượng bằng đồng, bức tượng nhỏ đã hút Tam từ đêm
đầu tiên ngủ trong căn phòng xa lạ này…
Trong căn phòng vắng, qua khung kinh một màu đen bao trùm không gian bên ngoài, hình như có tiếng gió rít, hình như có âm thanh của đêm trường, hình như nơi lòng Tam có niềm thổn thức, mơ hồ, xa vắng. Tình yêu, đó là dòng chảy trôi mãi về tận cuối trời. Làm sao ta có thể níu lại những gì đã trôi xa…
Mẹ ơi!
Tam gọi nhỏ và khoanh tay đứng nhìn bức tượng.. Đó là thánh nữ Phanxica Xavie Cabrini. Mẹ sinh thiếu tháng, nhưng lòng thương yêu con người đã làm nên sức mạnh cho Mẹ tồn tại và đi hết con đường đã chọn. Con đường nhân đức. với lòng từ thiện bao la. Mẹ có đức khiêm nhu và luôn theo đuổi “ơn gọi từ trời’. Nằm trên cỏ khô, nguyện kinh trong đêm tối, Mẹ đem thân mình hiến dâng cho muôn người nghèo, khổ đau, cho tha nhân trên thế gian này... Mẹ đã nhìn thấy Chúa Kitô và bình an tâm hồn.
Tam đứng đó, trong bóng tối.
-Mẹ ơi! Xin giúp chúng con vượt qua mọi gian nan này.
Buổi sáng, tiếng chim kêu rộn rã quanh nhà, trong khu vườn phía sau có tiếng chim cu. Tam ra balcon nhìn đồng cỏ phía xa, từng đàn chim bay lượn trên bầu trời, con chồn đuôi dài, đàn gà lôi, những vòng cỏ khô, cả mái nhà ven hàng cây.. như cảnh đồng quê, hao hao giống làng Phú Bình nơi Tam sinh ra. Nơi còn những nấm mồ của cha, mẹ, chị, em. Nơi có ngọn gió ban mai mang đầy mùi thuốc súng...
Một, rồi hai cánh bướm, bay chập chờn bên chậu hoa vừa nở. Cảnh thật thanh bình ..
-Anh C T !
Tiếng vợ Quang gọi.
-Anh đây.
-Anh Nguyễn đỡ không anh ?
-Đỡ.. Ăn được ít cháo và ngủ từ giữa khuya.
-Hôm nay anh ấy có thể đi tham quan không ?
-Ô.. không .. không đi được đâu.
-Tụi em...
Tam nói nhanh:
-Hai đứa cứ đi đi ..
-Dạ.
-Phải tranh thủ thôi.. biết bao giờ mới…trở lại..
Tam cười động viên:
-Anh ở nhà với Nguyễn .. đi cẩn thận và thật vui nhé.
Vợ Quang nói:
-Dạ… tụi em đi…anh C T...
-Cứ an tâm. Anh chăm sóc anh Nguyễn được mà..
Vợ chồng Quang đi tham quan tiếp thành phố Roma. Ông Trần đến Tòa đô Chính khu vực giải quyết ít việc cần. Nguyễn vẫn chìm trong giấc ngủ nặng nề. Tam nghe tiếng thở rất yếu.. Mọi việc đều rất nhẹ, tránh gây tiếng động. Giấc ngủ của Nguyễn cần được duy trì, càng lâu càng tốt.
Tam vào bếp, đổ chỗ cháo còn vào một cái tô, rồi đem ra để ở balcon. “Sẽ có chim đến ăn”, ông Trần nói với Tam như thế trước khi rời khỏi nhà. Tam bắt lên xoong cháo mới, tự pha một ly G7 Trung Nguyên.
-Tam…Tam..
Tam chạy vô phòng, nhìn hai mắt Nguyễn trũm lơ.
-Mình đây..
-đói.. đói quá.
-Có uống chút Trung Nguyên không?
-Mình.. wc..
Tam dìu Nguyễn vào phòng vệ sinh, mở vòi pha nước, rồi xuống bếp pha thêm ly cà phê. Thỉnh thoảng khuấy đều xoong cháo đang sôi..
Nguyễn uống được cà phê và ăn non nửa chén cháo. Buổi sáng đã rõ, những con chim màu xám, đậu quanh tô cháo, chúng ăn một cách nhường nhịn, hòa thuận.
Nguyễn cười như mếu.
-Phẻ rồi..
Tâm cũng cười:
-Thật không đó ?
-Thật 100%.
-Bảnh rồi.
Như thường lệ, sau một cơn bệnh, Nguyễn thường dùng câu ”bây giờ có em nào đồng ý.. tớ bồng lên giường… ngon lành” và bổn cũ có thể lập lại.
Tam chận họng:
-Đừng nói.. “bồng lên giường..” nghe …mệt lắm.
Nguyễn méo xệch:
-Cái …ông này.
Và buổi sáng thật sự có ánh bình minh. Hai đứa nhìn chim và bướm
nhảy nhót, bay lượn ngoài balcon, nghe lòng yên vui, rộn ràng..
Từ đó đến khi mọi người trở về đông đủ, Nguyễn ăn được một miếng
fro-mai nhỏ đem theo từ Pháp với chút bánh mì. Tam quan sát, lòng
thấy lo. Khuôn mặt Nguyễn vẫn tái mét. Và nhất là không thấy Nguyễn
tếu cho mọi người cười như mọi khi.
Sau bữa cơm trưa, ai về phòng nấy.. 15g giờ ông Trần sẽ lái xe đưa bốn người ra phi trường về lại Pháp.
5.
Tay lái 80 tuổi, chiếc xe thuộc loại để trong viện bảo tàng hơn là
chạy trên đường phố. Nhưng thực tế thì.. xe vẫn bon bon, tay lái vẫn
đều đều hướng dẫn, chỉ chỏ, chỗ này chỗ kia hai bên đường..
Nguyễn nẳm ngoẹo đầu và thở, những hơi thở của người đang cố gắng giữ nhịp cho trái tim, cố vượt qua cơn bủa vây của ngọn triều cường muốn nhận chìm hơi sự sống. Rõ ràng Nguyễn đang chống chỏi với cơn sốt không cho nó bùng phát lúc này..
Xe vào chỗ đậu, ông Trần đi trước, bốn người theo sau, phi trường Ciampino nhỏ, nhưng lưu lượng người đến và đi rất đông. Ông Trần đưa bốn người qua cửa sổ 2 thì bị chận lại. Người đàn ông Ý, to tê, dềnh dàng, mặc bộ y phục khá đẹp nhưng hơi cầu kỳ, túi và dây nhiều quá, đó là người Cảnh Sát Phi Trường.
Ông ta chỉ cho ông Trần tấm bảng nhỏ ghi hai dòng chữ Ý và xổ một tràng dài. Âm của tiếng Ý nghe không êm tai, nhưng nhẹ hơn tiếng Đức. Chỉ có tiếng Pháp và tiếng Việt là nói như hát, có âm, có điệu ..nghe êm …tai mà thôi.
Ông Trần gọi mọi người quay lại, định chụp thêm một bô hình, nhưng laị bị chận, không cho bấm máy. Cả bốn cùng đưa tay vẫy chào tạm biệt. Khi đến tận cánh cửa vào phòng chờ, bốn người quay lại Ông Trần vẫn còn đứng nhìn theo.
Tam hình dung, một mình ông lái xe trên đường về, chỉ còn gió và nắng nhạt của buổi chiều. Như một chiếc bóng trở lại với hiu quạnh và cô đơn. Niềm thương cảm dâng đầy.
Chỉ sống với nhau ba ngày hai đêm, những tâm hồn đồng điệu đã sớm sẻ chia hòa nhập. Biết nói gì với anh đây, anh Trần ơi.
Phòng chờ đã đông người, Nguyễn ngồi ở chiếc ghế đầu còn trống. Vợ chồng Quang cũng ngồi gần đó. Tam đứng xớ rớ bên Nguyễn vì tất cả ghế đều có người ngồi.
-Ta..am..ơi ..
Nguyễn bắt đầu lên cơn sốt.
-Nguyễn..
Tam ngồi xuống, choàng tay ôm. Nguyễn run bần bật hơn cả hôm qua ở quảng trường.
Và bắt đầu ói, oẹ, mửa…âm thanh rất lớn làm mọi người trong phòng chờ đều nhìn lại, ái ngại.
-Nguyễn ơi…
-Tam.. Tam..
-Mình đây.
-Nước.. nước..
Và ba người, ở ngực có dấu chữ thập đỏ, xuất hiện. Họ thăm khám rồi viết gì đó trong một tờ giấy in sẵn nội dung. Họ đưa và yêu cầu vợ Quang ký tên vào tờ giấy.
Vợ Quang lắc đầu, và:
-Anh C T.. đừng ký nhe.
-Sao?
-Rất nguy hiểm.. đừng ký.
Tam lắc đầu, Nguyễn cũng không còn ói. Ba người nhìn Nguyễn vẻ thất vọng rồi bỏ đi. Nguyễn dịu lại vài phút rồi đột ngột ói, ói dữ dội hơn trước, một tay ghì cứng cánh tay Tam, nghiêng đầu ói vào cái thùng rác mà Tam chuẩn bị đặt một bên. Nước mắt nước mũi ràn rụa.
Hai người trong ba người có dấu chữ thập trước ngực lại xuất hiện, thật là may đúng lúc đó Nguyễn ngừng ói. Họ nói gì đó với nhau và với hai thanh niên hành khách, người nhiệt tình đi báo cho họ có người bệnh nơi phòng chờ. Hai thanh niên tốt bụng nhưng không biết rằng, nếu Nguyễn bị chận lại ở phi trường thì đó là một khó khăn to lớn, một thảm họa không thể giải quyết nổi của bốn người.
Khi Nguyễn dừng ói, Tam đút chai nước vào miệng Nguyễn.
-Hớp rồi nhổ ra.
Tam lấy khăn giấy lau quanh miệng toàn nước nhớt của bao tử theo thức ăn trào ra và vỗ nhẹ vào lưng Nguyễn.
-Gắng lên.. Nguyễn nhé.
-Mệt quá Tam ơi.
-Mình biết.
Nguyễn tựa hẳn đầu vào vai Tam, thiếp đi.
-Anh C T…chuyến bay…cửa số 3.
-Nguyễn, gắng lên, đến cửa sổ 3.
Một tay làm điểm tựa cho Nguyễn, còn một tay, một vai để mang xách hành lý, mà hành lý thì thêm của Nguyễn.
-Nguyễn, ngồi xuống đây. Mình quay lại mang tiếp hành lý.
-Tam đi đi.
Nguyễn dựa vào cây cột lớn ở gần cửa số 3. Tam trở lại kéo hành lý. Vợ chồng Quang đứng xếp hàng, giữ chỗ. Vừa mở miệng "Nguyễn, khoẻ không ?" thì Nguyễn lại quặn người, ói và ói. Tam kéo cái thùng rác nhưng nó cao quá đầu khi Nguyễn ngồi. Tam bỏ thức ăn ra, lấy túi nylon đưa vào miệng cho Nguyễn ói. Và cả ba người có dấu chữ thập đỏ trước ngực xuất hiện. Trước khi đứng lên tiếp họ:
-Nguyễn này, khi mình ra dấu..
-Sao..Tam ?
-Nguyễn đưa ngón tay cái.. number one nghe.
-Mình biết rồi…
Tam nói bằng miệng và bằng tay.. rằng thì là.. bạn tôi ở nhà vẫn thường bị như vậy nhưng chỉ 30 phút là khỏe, tôi cam đoan với quí vị là tôi đưa bạn tôi về Pháp an toàn.
Tam ra dấu. Nguyễn dùng bàn tay phải, chỉa ngón cái lên trời, đưa cánh tay ra. Cánh tay run lên bần bật rồi rơi xuống, ngón cái chúi đầu thành number ten. Ba người khách không mời mà đến đều đồng loạt lắc đầu, bỏ đi.. Rất may, Nguyễn yếu, run, nhưng không ói.
Khi dìu Nguyễn qua khỏi cửa số 3, đi trên đường dẫn ra máy bay:
-Nguyễn ơi, thoát rồi.
-Ổn rồi.. phải không Tam ?
-Phải, ổn rồi.
Cánh tay Nguyễn vẫn nặng trĩu bên vai Tam. Tam giận cuộc đời này.
trời đầy, đất đọa, ta ơi
vung tay đập nát cuộc đời này thôi
ta hề, chẳng sợ chia phôi
vỗ tay vang tiếng cười rồi, khóc sau.
Ciampino, xin chào
Dang đôi cánh rộng bay cao, ta về [1]
6.
Khi máy bay lên cao tận mây trời, Tam nghiêng người tháo dây an toàn
cho Nguyễn. Nhìn Nguyễn nằm co và như đang chìm trong cơn mê, Tam hứa với lòng là sẽ đem Nguyễn và đôi mắt xanh của đứa bé nơi Quảng
Trường về đến quê nhà../.
[1] Nhật Ký viết ở Rome - thơ Chu Trầm Nguyên Minh
[2] Xe lửa một toa, một đầu máy