Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      


VỀ NƯỚC LẤY VỢ



T ommy hết đi ra rồi lại đi vào, hết ngồi xem truyền hình lại nghe nhạc. Nhưng anh có xem được gì, có nghe được gì đâu.  Căn nhà trống vắng làm sao.  Bốn phòng ngủ ở tầng trên chỉ có một phòng được xử dụng.  Cả tầng trệt không dùng làm gì cả.  Thường thì Tommy chỉ loanh quanh ở phòng ăn, xem truyền hình, nghe nhạc, ăn uống, hay làm việc gì cũng chỉ ở trong đó. Phòng khách và family room để cho bụi tha hồ bám.  Còn cái full basement đã finished nữa.  Cả căn nhà chỉ có mình Tommy hết vào rồi lại ra.  Chán nản thật!

Trước năm 1975 Tommy là anh chàng lính thuỷ có tên là Tám; ngày 29 tháng 4 năm 1975, Tommy theo tàu của anh đi luôn qua đảo Guam rồi cuối cùng thì anh đến Hoa Kỳ định cư ở vùng phía Bắc tiểu bang Indiana.  Lúc đó anh mới 18 tuổi, cái tuổi ‘ăn chưa no lo chưa tới.’

Những ngày đầu ở đây, anh nhớ nhà, nhớ Sài Gòn chịu không nỗi, chỉ muốn về ngay bên nhà mặc cho sự việc xãy ra thế nào cũng được.  Tiếng Anh thì không biết, bạn bè cũng không, ngay cả người Việt cũng chẳng có một ai.  Ăn uống thì chỉ có đồ ăn Mỹ, không có lấy một giọt nước mắm, chẳng ai bán một hạt gạo.  Ở cái tuổi mười tám với bao nhiêu mộng mơ mơ mộng vậy mà phải sống lẽ loi một mình trên một xứ sở xa lạ, mùa đông tuyết phủ, mùa thu úa vàng.

Rồi Tommy cũng đã được sự giúp đở của những người trong nhà thờ và tìm được nghề thợ hàn trong một hãng sản xuất RV.  Lúc làm thuỷ thủ trên tàu, Tommy cũng đã làm thợ hàn rồi nên công việc cũng không lấy gì làm khó đối với anh.  Bận bịu trong công việc khiến anh thấy đỡ buồn chán phần nào.

Đến tuổi hai mươi, Tommy quen với một cô bạn Mỹ và rồi hai người kết hôn.  Vợ anh, Jane, mới mười tám tuổi, còn quá trẻ để hiểu biết thế nào là cuộc sống gia đình.  Năm sau anh có đứa con trai không có một chút nào hơi hướng của người Việt.  Anh cũng đổi tên Tommy từ ngày anh cưới vợ, và anh cũng bắt đầu sống như một người Mỹ chính cống mặc dù da anh vẫn vàng và mũi anh vẫn tẹt!

Cuộc hôn nhân dị chủng chỉ tồn tại hơn hai năm.  Anh và Jane ly dị để rồi hàng tuần cái paycheck của anh phải trích ra một phần gọi là ‘child support’.  Trở về với cuộc sống độc thân một lần nữa, Tommy lại ra ngẫn vào ngơ và tự nguyện với lòng sẽ không bao giờ lấy vợ Mỹ nữa.  Nhưng nếu không lấy vợ Mỹ thì lấy ai bây giờ?  Mới hai mươi lăm tuổi đầu không lẽ ở vậy mãi?  Mà con gái Việt Nam thì tìm đâu ra?  Một vài gia đình thuyền nhân lác đác đã tới thành phố này, nhưng toàn là những người đã có gia đình.  Anh chờ đợi và hy vọng.

Đến năm 1992, một số người Việt trong vùng đã lục tục về nước thăm gia đình.  Anh được một người bạn ở tiểu bang California giới thiệu để về Việt Nam cưới cô em họ.  Sau bao nhiêu lần thư từ và hình ảnh qua lại, anh thấy cần phải làm một chuyến “hồi hương”.  Vậy là anh cưới được một cô vợ Việt Nam như ý anh mong ước.  Vợ anh, cô Thanh, mới hai mươi hai tuổi trong khi anh đã ba mươi lăm, cũng không đến nỗi quá chênh lệch.

Sau thời gian bảo lãnh, rồi vợ anh cũng qua đến.   Anh bèn mua một căn nhà mới để xoá vết tích của người vợ Mỹ và cũng để làm vừa lòng người vợ trẻ mới đem sang.  Vì đã quen với nếp sống Mỹ, anh không thích đi xe mới, nhất là loại xe Nhật, quần áo anh thì xuề xoà, không thích ăn diện theo thời trang ‘Hàn Quốc’ trong khi cô vợ trẻ thì quen với nếp nghĩ của người Việt trong nước, thích chưng diện, thích nữ trang, ham đua đòi xe cộ.  Những xung đột bắt đầu từ đó.  

Sau năm năm chung sống, vợ anh cũng cho ra đời được hai cô con gái hoàn toàn Việt Nam và rất xinh. Có lẽ chúng giống vợ anh nhiều hơn.  Anh rất vui sướng và hạnh phúc nên cũng cố gắng chiều theo ý vợ ít nhiểu.

Vợ anh sau khi đã vào được quốc tịch Mỹ bắt đầu làm giấy bảo lãnh mẹ.  Anh cũng rất vui mừng tiếp đón vào ở chung nhà.  Nhưng chính vì vậy mà những xung đột trước kia chỉ âm ỷ nay càng ngày càng bùng phát dữ dội hơn.  

Đến một lúc không còn giảng hoà được nữa, hai người ra tòa làm giấy ly dị để anh một lần nữa lại phải phân chia tài sản và trả tiền child support cho hai đứa con gái. Và lại thêm một lần nữa Tommy trở lại cuộc sống độc thân.  Lần này thì anh thấy trống vắng nhiều hơn vì căn nhà anh tạo dựng cho cả một đại gia đình năm người bây giờ chỉ còn mình anh.

Bây giờ thì người Việt đã có khá nhiều ở vùng anh đang cư ngụ.  Có cả những người từ Việt Nam sang thăm gia đình, và có một người giới thiệu với anh một người bà con từ Việt Nam mới sang ‘du lịch’ và có ý định ở lại, họ nhờ anh làm giấy hôn thú.  Sau khi gặp nhau, anh thấy cô ta cũng có ít nhan sắc nên tính chuyện cưới hỏi thật sự và cô ấy cũng đồng ý.  Vậy là một lần nữa Tommy lại có vợ.

Sống với nhau gần một năm, cô vợ than thở với anh ràng vùng này quá buồn và lạnh rồi đòi Tommy phải dọn về California để sống cho vui!  Làm sao anh lại có thể bỏ công việc, bỏ nhà cửa, bỏ con cái để rời cái quê hương thứ hai của anh được?  Một cuộc phân ly nữa lại xãy ra và bây giờ thì Tommy lại trở lại với cái lý lịch ‘single again!’  Quả là ‘sự bất quá tam!’  Vợ Mỹ cũng chẳng yên, về nước lấy vợ cũng không xong, làm ơn cho người rồi cũng toi công.  Bây giờ đã trên năm bó mà cũng không đâu vào đâu, còn phải hàng tuần trả tiền nuôi con mọn!

Gặp anh tôi hỏi bây giờ anh tính sao đây thì Tommy cười méo xệch bảo với tôi rằng ‘còn nước còn tát’ anh sẽ về nước lấy vợ nữa.  Không bao lâu rồi cũng đến ngày xuôi tay nhắm mắt thì tội gì mà cứ phải ra ngẫn vào ngơ một mình như thế này?  Thật đáng phục thay.





VVM.01.7.2021

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
vietvanmoinewvietart007@gmail.com