S au vụ “mang bầu” của con Câm thì chuyện gây xôn xao nhất ở vùng quê này có lẽ chính là… quyết định lấy chồng của tôi.
Một người nữ lấy chồng, có gì ghê gớm mà “gây bão” đến vậy? Vì tôi đã vào đoạn cuối của “hàng băm”, số tuổi mà ai ai cũng đinh ninh đã “quá lứa lỡ thì”, đã “ế vĩnh viễn” rồi chăng? Hay chỉ vì người tôi sắp lấy… là Thanh? Có lẽ cả hai!
“Bão dư luận” từ trong nhà ra ngoài đường khiến tôi vô cùng mệt mỏi, đôi lúc tôi tưởng mình phải bỏ cuộc. Dường như tôi không tìm ra một ủng hộ hay nâng đỡ nào, chỉ có chỉ trích, phản đối, xúc xiểm… tiếp nối nhau, như muốn vùi dập, cuốn trôi cho tôi chìm nghỉm, biệt tích khỏi cuộc đời nhiễu nhương này.
Gia đình Thanh quyết liệt phản đối thì tôi hiểu được lý do. Vì họ đinh ninh tôi chỉ nhòm ngó gia sản của họ chứ chẳng hề thật lòng muốn làm vợ Thanh. Nhưng còn gia đình tôi -kể cả bà dì ghẻ chưa một lần tỏ ra quan tâm hay tử tế với tôi- cũng quyết liệt phản đối không kém, tôi không hiểu tại sao. Vì quá yêu thương tôi nên sợ tôi khổ hay vì nghĩ lấy được Thanh là tôi giống “chuột sa hũ nếp” nên họ ganh tị?
Yến -em họ Thanh và là người bạn thân nhất của tôi từ nhỏ- nói:
-Hai chục năm trước bà đã nhiều lần từ chối ông Thanh. Tôi không tin bây giờ bà lại đột ngột yêu ông ấy.
Và ngay chính Thanh cũng phản ứng:
-Anh không chấp nhận đám cưới này.
-Vì anh không còn yêu em à?
-Anh không thể… Anh sắp chết rồi, em không hiểu sao?
Nắm lấy bàn tay lạnh giá và run rẩy của Thanh, tôi mỉm cười dịu dàng nói với anh rằng tôi hiểu chứ. Tôi hiểu rất rõ. Chính vì hiểu nên tôi càng không muốn bỏ phí chút thời gian ngắn ngủi còn lại. Tôi nhắc cho Thanh nhớ: tôi và anh chỉ sống kiếp người một lần thôi, sao không vận dụng hết khả năng mà tận hưởng?
-Đừng thế, em ạ!... Anh không muốn thành gánh nặng quá sức cho em…
-Chỉ cần anh xác nhận vẫn yêu em như trước kia thì gánh nặng nào cũng thành êm ái, nhẹ nhàng…
Nước mắt đàn ông từng giọt khô nóng lăn dài, rơi ướt bàn tay tôi, Thanh nghẹn ngào:
-Anh yêu em… Anh mãi yêu em… còn hơn trước kia nữa.
Tôi xúc động, lại chỉ muốn được ôm anh, ôm thật chặt rồi vùi mặt vào ngực anh, cùng khóc.
Tôi học chung lớp chung trường với Yến từ đầu bậc Trung học cơ sở. Càng lên cao, cả hai đứa càng đuối các môn tự nhiên nên tuần ba buổi phải nhờ Thanh -anh họ Yến- kèm cặp Toán Lý Hóa. Đều đặn như thế cho tới khi thi xong Tú Tài.
Chỉ một thời gian ngắn, qua thái độ và ánh mắt Thanh, tôi biết anh có cảm tình với tôi. Nhưng khi đó, phần đặt hết tâm trí vào chuyện học hành, phần tôi đã mặc nhiên xem anh cũng như anh họ mình -giống Yến- nên tôi tảng lơ như không biết. Tôi luôn kè kè cạnh Yến, không cho anh cơ hội riêng tư nào. Thậm chí khi anh kín đáo bỏ một lá thư vào cuốn vở của tôi, tôi cũng làm như đã vô ý để rơi mất ở đâu rồi nên chưa đọc thấy. Nhìn mặt Thanh đầy thất vọng, tôi cũng có chút áy náy nhưng biết làm sao hơn khi tôi chỉ cảm mến chứ không yêu… Tôi không yêu ai cả, vì tôi đã chọn cho mình một hướng đi riêng
Sáu tuổi đã mồ côi mẹ, quãng đời thơ ấu của tôi xám xịt một màu và ướt đẫm nước mắt. Cha khá vô tâm còn dì ghẻ cay nghiệt nên tôi chịu không ít đau khổ, bất công. Da dẻ chi chít sẹo do đòn roi, tâm hồn thì hằn sâu thương tổn, tôi sợ hãi đời sống hôn nhân. Tôi thấy tất cả sao mà mong manh, giả dối…
Càng lớn, tôi càng nung nấu ý định làm tu sĩ để đứng ngoài mọi gánh nặng gia đình trói buộc. Tôi chỉ có một ước ao: dốc toàn tâm toàn lực phục vụ những đứa trẻ côi cút, thiếu thốn tình thương của cha mẹ, như tôi. Tôi cảm thấy hạnh phúc mỗi khi nghĩ đến bàn tay mình được chăm chút, lo từng miếng ăn giấc ngủ cho những thiên thần nhỏ bé đáng thương ấy.
Không nói với một ai, tôi âm thầm tính toán bước đi cho mình. Nhưng có lẽ tôi thiếu chút cơ duyên nào đó nên kế hoạch luôn bị phá sản vào giờ thứ 25. Ba lần tôi đã ghi tên xin theo khóa tìm hiểu ở ba dòng tu khác nhau thì cả ba lần -như một định mệnh- cha tôi bất ngờ nhập viện: một lần do sự cố nghề nghiệp, một lần do tai nạn giao thông và lần sau cùng, cha đột quỵ do tai biến. Dì ghẻ bận với mấy đứa con nhỏ nên tôi phải gác mọi chuyện riêng lại để vào bệnh viện nuôi cha, hàng mấy tháng dài.
Sau ba lần như thế, hiểu mình không duyên phúc, tôi bỏ ý định đi tu. Nhưng tôi đã quyết sống độc thân trọn đời, đợi khi cha không còn thì tôi sẽ xin vào phục vụ ở một nhà nuôi trẻ mồ côi nào đó, như tâm nguyện.
Nhiều năm trời, Thanh không nản, vẫn theo đuổi tôi. Là con duy nhất trong nhà, anh gặp rất nhiều khó khăn khi gia đình liên tục thúc hối cưới vợ. Nhiều cô gái vây quanh Thanh, thấy anh là một người chồng lý tưởng. Trước mặt là tương lai vững vàng, sau lưng thêm gia sản không hề nhỏ, Thanh dễ dàng chọn ai chẳng được. Thế mà như nợ nần tự bao giờ, anh chỉ hướng về tôi. Dù tôi đã nói mình tôn thờ chủ nghĩa độc thân nên không nghĩ đến chuyện yêu bất cứ người con trai nào.
Tôi giục Thanh cưới vợ cho mẹ anh yên lòng, anh buồn rầu trả lời:
-Anh chỉ cưới người anh yêu. Anh yêu em…
Tôi cắc cớ hỏi:
-Giả sử bây giờ em chết thì anh có cưới vợ không?
Thanh im lặng nhưng mắt bỗng ướt khiến lòng tôi mềm đi. “Tha lỗi cho em…”, tôi chỉ biết thầm kêu.
Sau ngày bị đột quỵ, cha tôi thành phế nhân, không đi đứng sinh hoạt bình thường được nữa. Ngày đêm, tôi có bổn phận túc trực chăm sóc ông, như chăm trẻ. Dì ghẻ giao việc đó cho một mình tôi, vì dì còn bận thay cha quán xuyến cửa hàng, còn các con của dì với cha ngoài bận học, còn bận… đi chơi.
Nhiều lần thấy tôi vất vả quá, cha bật lên khóc hù hụ, nắm tay tôi, mếu máo:
-Con ơi, cha làm khổ con quá… Tại cha mà đến giờ con vẫn…
Tôi biết cha ân hận vì nghĩ do phải chăm sóc ông mà tôi không dám đi lấy chồng. Cha không bao giờ hiểu càng nhìn tấn tuồng diễn ra hàng ngày trong nhà mình, tôi càng sợ hãi hôn nhân. Tôi bằng lòng được sống một mình và chăm sóc cho cha như thế này. Cha -cũng như mọi người khác- không hiểu, vì tôi chưa bao giờ nói thật ý nghĩ của mình. Ngay từ bé, tôi đã thường câm lặng, âm thầm nuốt giấu đi những cảm xúc thật nhất, để rồi đêm đêm mới từ từ lật giở ra mà gặm nhấm một mình…
Mấy năm sau, cha mất thì mơ ước của tôi cũng không đúng như tôi muốn. Tôi không xin vào được cơ sở nuôi trẻ mồ côi nào mà lại làm việc trong một nhà dưỡng lão, ở tỉnh khác. Thay vì làm mẹ hiền của những đứa bé bất hạnh, tôi nhập vai đứa con gái chăm sóc các bà mẹ già gần đất xa trời và cũng mang những bất hạnh không nhỏ. Toàn tâm toàn lực vào công việc, tôi không về nhà và dĩ nhiên cũng không có tin tức gì về cuộc sống của Thanh.
Cho đến một ngày tình cờ gặp lại Yến, tôi mới biết chỉ với vài năm xa vắng đó, bao biến cố đã đến với Thanh.
Khi tôi đi rồi, Thanh cũng bỏ lên thành phố làm việc. Yến bảo chắc anh tưởng tôi ở đấy nên muốn đi tìm. Nhưng tôi nghĩ không phải thế, có thể Thanh buồn nên muốn có một thay đổi thôi.
Ít lâu sau, Thanh cưới vợ. Ngày hôn lễ, trong khi mẹ anh vui cười hớn hở vì cưới được con dâu đúng theo ý bà, thì Thanh uống say mất hết tỉnh táo, vừa khóc vừa lảm nhảm nhắc tên tôi. Cuộc hôn nhân ngay giây phút đầu tiên đã manh nha mầm mống một bất hạnh.
Rồi một ngày kia, khi đang đi kiểm tra trên giàn giáo cao ngất, Thanh sẩy chân ngã xuống, thương tích nghiêm trọng, phải nằm liệt một chỗ.
Chỉ thời gian rất ngắn sau đó, vợ Thanh trả anh lại cho bà mẹ chồng giờ cũng đã mang nhiều bệnh tật trong người. Không con cái nên chị chia tay chồng một cách dễ dàng, không chút vướng víu.
Nuốt từng lời kể của Yến, tôi chỉ biết khóc, nghẹn ngào, đau đớn. Nghẹn ngào cho bất hạnh của Thanh. Đau đớn như chính tôi đang mang thương tích của anh vậy.
Nhất là khi nhìn tận mắt Thanh nằm co quắp, lọt thỏm trên giường bệnh, tôi không còn tìm ra chút hình ảnh nào của anh ngày trước: khỏe khoắn, vui tươi, đầy sức sống. Giờ đây, với hai chân teo tóp, cơ thể xanh xao gầy héo, Thanh già đi nhiều, tàn tạ quá. Nỗi đau hằn trong đáy mắt khiến anh thêm bạc nhược như không còn sinh khí.
Mặc tôi đứng chết trân, nước mắt như mưa, Thanh lẳng lặng quay mặt vào tường, không nói một lời. Tôi không biết cử chỉ trốn chạy đó là do anh mặc cảm hay oán ghét đến không muốn nhìn thấy tôi nữa?
Lúc ra ngoài, Yến nói:
-Lúc nào anh ấy cũng yêu bà, tôi biết. Thỉnh thoảng bà chịu khó đến thăm để anh ấy vui sẽ mau khỏe lại…
Thỉnh thoảng à? Không, tôi đến mỗi ngày đấy chứ.
Tôi xin nghỉ việc ở nhà dưỡng lão, quay về đây, giả tảng như không biết thái độ hằn học khó chịu của dì ghẻ, để mỗi ngày được đến thăm Thanh, xúc cơm cho anh ăn, lấy thuốc cho anh uống, đọc sách ru anh ngủ…
Tôi nhận ra rằng: người đang cần tôi lúc này chính là Thanh. Tôi còn đi xa xôi tận đâu đâu phục vụ cho ai khác khi mà người ở gần đây đang rất cần tôi? Người ấy gắn bó với tuổi học trò xa xưa của tôi và đã nhiều năm yêu tôi trong vô vọng. Tôi nghĩ mình mắc một món nợ ân tình khó đền trả cho cân.
Mẹ Thanh thừa điều kiện thuê hẳn một y tá ngày ba buổi đến chăm sóc Thanh, nhưng chỉ thế thôi, sao đủ? Tôi vẫn đọc được tất cả những đau khổ, u uất chất chứa trong lòng Thanh, khiến anh tuyệt vọng, buông xuôi. Nằm lâu ngày, phần lưng Thanh lở loét thường xuyên tiết dịch, chữa mãi không lành. Tôi không phải là nhân viên y tế để chăm sóc bài bản như người y tá kia. Nhìn anh đau đớn cả tinh thần lẫn thể xác, tôi chẳng biết chia sẻ thế nào, ngoài những giọt lệ cảm thương.
Tôi càng bị dằn vặt ghê gớm sau câu nói như trách móc của Yến:
-Giá ngày đó bà đừng từ chối anh ấy, chắc đời anh ấy không ra thế này.
Tôi ngớ ngẩn hỏi lại:
-Bộ lấy tôi thì anh ấy không gặp tai nạn này hay sao?
Yến nhún vai:
-Tôi không biết. Nhưng có gặp tai nạn, chắc chắn anh ấy cũng không bất hạnh như vậy.
Tôi chết lặng, chẳng nói được gì. Lời Yến không phải không có cái lý của nó, tôi không cãi được.
Tôi miên man suy nghĩ để tự kết tội mình sau khi tự đặt câu hỏi: “Nếu tôi là vợ Thanh, tôi có bỏ rơi anh trong tình trạng này mà ra đi biền biệt hay không?”
Phải mất nhiều thời gian và bằng tất cả chân thành, nhẫn nại, tôi mới thuyết phục được Thanh, trước khi đối mặt nhiều thách thức khác.
Mẹ Thanh dội nước lạnh vào tôi khi thẳng thắn đến tàn nhẫn, bảo:
-Tôi đã viết sẵn di chúc tặng phần lớn tài sản của tôi cho các cơ sở từ thiện rồi. Lấy nó, cô chỉ thoát khỏi tiếng ế chồng chứ đừng mơ “ngồi mát ăn bát vàng”…
Vị cha xứ thì nhỏ nhẹ khuyên tôi:
-Con nên suy nghĩ kỹ trước khi quyết định chuyện hệ trọng cả đời. Liệu con có thể sống bên người chồng tật nguyền như thế lâu dài không? Đừng vì lòng thương hại mà làm khổ anh ấy thêm, nếu sau này con cũng bỏ anh ấy mà đi… Cha ái ngại cho con quá…
Còn nhiều lắm những lời không can ngăn cũng xuyên tạc. Tôi chỉ đáp lại tất cả bằng hai hàng nước mắt lăn dài. Tôi không biết giải thích làm sao, mà có giải thích cũng vô nghĩa. Tôi hiểu mình muốn gì, tôi hiểu Thanh cần gì.
Cũng may cuộc hôn nhân trước của Thanh không có bí tích tôn giáo cũng không có chứng nhận kết hôn của chính quyền nên thủ tục của tôi và anh bớt được một cản trở.
Ngày cưới, người ta sắp xếp một chàng trai khỏe mạnh phụ trách đẩy xe lăn và giúp đỡ khi Thanh cần di chuyển nhưng tôi không cho, tự nhận lấy công việc ấy. Trong bộ áo cưới trắng tinh khôi, tôi đẩy xe đưa Thanh đến nhà thờ. Dọc đường, người ta rủ nhau ra xem, xì xào không ngớt, như một sự kiện gì ghê gớm lắm.
Sức khỏe Thanh không tốt nên buổi tiệc diễn ra cũng đơn giản, nhanh gọn. Nụ hôn đầu đời vợ chồng tôi trao nhau thấm đẫm nước mắt, xúc động và hạnh phúc.
Sau đám cưới, Thanh mau chóng hồi phục như có phép lạ. Sức sống quay lại khiến anh tươi tỉnh, trẻ hẳn ra một cách diệu kỳ. Đến thăm chúng tôi, Yến ngạc nhiên bảo không tin người anh tàn tạ, tuyệt vọng trước kia giờ thay đổi ngoạn mục đến thế. Tâm hồn cũng như vết loét ở lưng Thanh đã khô miệng, kéo da non. Nhìn anh mãn nguyện và phấn chấn yêu đời, tôi cảm thấy hạnh phúc hơn anh rất nhiều lần.
Tiếc rằng những ngày vui qua mau. Chưa đầy ba tháng sau thì Thanh ra đi, rất nhẹ nhàng trong giấc ngủ đêm không thức dậy. Nhẹ nhàng đến nỗi tôi nằm cạnh mà cũng không hay.
Thanh đi rồi, bỏ lại mọi buồn vui trần thế, không còn mảy may vướng bận nợ nần gì. Bỏ lại sau lưng những lời đồn đãi rất khó nghe mà thiên hạ rỗi hơi trút hết vào tôi:
-Hừ, người ta đã bệnh hoạn ốm yếu mà còn “cố đấm ăn xôi” nhào vào bằng được. Chồng không chết sớm mới lạ!
-Thì ông bà đã bảo“tốt mái hại trống”… Anh chồng bệnh tật chịu đời sao thấu?
-Giờ mặc sức hốt trọn gia tài của chồng… Sướng nhé!
-…
Tang lễ cho Thanh xong, tôi từ biệt mẹ anh, ra đi. Đến với anh thế nào thì tôi ra đi như vậy, không đem theo bất cứ thứ gì không phải là của riêng mình.
Tôi định bụng đi thật xa, không bao giờ quay lại nữa. Tôi không muốn mọi người gặp tôi lại thêu dệt những câu chướng tai. Chẳng cần thanh minh với bất cứ ai, tôi giữ làm một kỷ niệm thánh thiêng cho chính mình: rằng tôi thật tâm muốn có một đám cưới với Thanh bởi chỉ đời sống hôn nhân mới cho phép tôi chăm sóc Thanh trọn vẹn mà không mắc tội, kiểu “nam nữ thụ thụ bất thân”.
Nghe những lời dèm pha vớ vẩn một cách ác nghiệt, tôi không buồn cho mình, chỉ xót xa thương Thanh. Nếu linh thiêng nghe hiểu, nhất định anh đau lòng lắm. Vì từ ngày bị tai nạn nằm một chỗ, anh vĩnh viễn mất khả năng đàn ông của mình rồi.