C
hiều sùm sụp, mây đùn về phía tây mang cái đen kịt úp chụp lấy khu phố huyện. Những chiếc xe thồ chở đầy lọ hoa nặng trịch ậm ạch leo dốc trở về nhà sau một ngày đi rong.Tiếng dép lê mài mòn đường nhựa. Gió cứ lồng lộn thổi lẫn trong tiếng gào bức bối của trời đất. Sau ánh chớp xiết ngang mái nhà rồi ngoằn ngoèo sau núi là tiếng sấm ầm ập. Trời như người đàn bà ghen chồng. Trời điên cuồng như trinh nữ vừa bị đánh cắp tình yêu. Vặn vẹo, quằn quại rồi cuối cùng thì trời cũng rạch bụng ra xổ tung nỗi ghen tức, ẩm ức xuống trần thế. Những hạt mưa sắc lạnh xối xuống mặt đường đặc quện hắc ín, một mùi khét độc cứ hầm hập phả vào mặt người. Sông Hưng Long nghèo nàn, quanh năm như con trăn hoa ghẻ lở, cóc cáy với những ghét rác, giờ nó oằn mình vằn vèo, trương lên, trương lên, phô hết sự bẩn thỉu,
ô tạp của nước thải phố huyện.
Tôi chạy vội về nhà, nhìn sang thấy chị đang luống cuống thu nốt mấy chiếc móc quần áo chất lên cái giường ọp ẹp rồi chị vội vã đội mưa lao ra ngõ.
Tôi đánh tiếng: " Chị ra chợ dọn hàng cho bác à?". " ừ, tối rảnh sang chơi". Nói rồi chị tất tả chạy. Tôi đứng nhìn theo dáng xeo xéo của
chị đang chạy về phía những cơn mưa. Bà Thu đang loay hoay với đống hàng vặt ế ẩm; Túi thuốc lào, lá trầu quả cau, bọc bánh đa Bắc Giang
đen nhánh vừng dừa bóng nhẫy, mấy cái điếu tre, dăm bò lạc, hàng quà của những khách bình dân.
Thấy chị Tâm ra bà thả bịch lạc xuống đay nghiến:
- Chết trân ở đâu giờ mới ra, hàng hoá ướt hết cả rồi mai ăn cám cả lũ.
Chị không nói, không rằng cúi xuống buộc túm gạo nếp, xách lên cho vào bao tải. Cái dây cói mục quá, đứt vỡ tung toé, bà Thu nghiến hai hàm
răng như nhai mãnh thuỷ tinh.
-Trời ơi là trời! Cá không ăn muối cá ươn, giờ thấy trắng mắt trắng mày ra cha con ơi! Đấy nó đi Nga đã mấy tháng giời rồi mà có đoái hoài
thư từ gì đâu. Như không kiềm chế được, chị buột miệng.
- Mẹ hay thật, đang chuyện nọ xọ chuyện kia.
- Vâng tôi chuyện nọ xọ chuyện kia, mày bôi do trát trấu vào mặt mẹ mày chưa đủ sao. Đúng là nòi nào giống nấy, thằng bố mày vì con Điệt mà mất
hai trái đồi, bao nhiêu công sức, tiền của giờ thì mất hết. Bố con nhà mày đúng là đồ ăn hại.
Mưa xối mặt đường. Chị câm nín, đôi mắt đong đầy nước, u uẩn sập xuống, mái tóc đen dầy bết mưa rũ ngang vai.
Chị Tâm- con gái lớn trong nhà- đành phải bỏ học, đi phụ bán quán cà phê. Lâu, tôi về thăm nhà. Tối bà Thu sang chơi, hăm hở:" May ra cái số nó sướng". Té ra là vậy, Tâm ra bán hàng được một thời gian thì gặp Khanh. Chàng trai ở tận trong Cần Thơ ra, nghe bảo nhà giàu có lắm. Khanh đến thị trấn chơi với người họ hàng vài tháng hè. Bà Thu hồ hởi:" Coi bộ thằng Khanh nó hiền lành, ăn nói nhẹ nhàng lịch sự, cái mặt dễ gần". Cả xóm biết họ yêu nhau. Biết tôi về, chị Thu đem Khanh sang giới thiệu. Dáng Khanh cao, sang, nhưng môi thâm, mắt lờ đờ như người ngái ngủ. Hôm sau, tôi nói với chị Tâm, có cả bà Thu ngồi nghe:
-Nhà người ta ở tận đẩu tận đâu, gặp nhau dăm bữa nửa tháng, hiểu nhau chưa mà chị yêu, nhất là trai thành phố, khó tin họ lắm. coi chừng dân nghiện. Bà Thu bảo:
- Mày đi học ở phố giờ hoá phố, nhìn ai cũng nghi ngờ, đâu phải cứ con nhà giầu là hư hỏng, là nghiện!
Cũng nghĩ: "Bán chị em xa mua láng giềng gần". Nhưng nghe bà nói vậy, tôi không biết nói gì thêm.
Bẵng đi một thời gian do bận công tác tôi không về thăm nhà. Chiều nay, muốn tránh cái oi nồng của chốn đô thị, tôi trở về phố huyện. Xuống xe, chưa muốn về nhà vội, tôi ngồi lại bên quán cóc, ngắm phố huyện khi chiều xuống. Mới chờm chân vào quán đã nghe mấy người xóm xì xầm: " Cái cổ nó cao mà xanh rớt, mặt thì bung bủng đầy nước." "Hôm qua ra chợ, tôi thấy nó nôn ọe, đường mày giãn ra, cặp ngực sề sệ, thằng kia thì lâu không thấy lại". Nghe thêm một vài câu nữa tôi biết họ đang nói đến chị Tâm. Chẳng lẽ điều đó là sự thật? Chẵng lẽ linh cảm của tôi buổi đầu gặp Khanh đã đúng? Tôi nhìn quanh phố huyện, quán karaôkê, cà phê nhạc sống, cà phê vườn, mọc nhanh như nấm sau mưa. Xa hơn một tý là đường đê vắng. Bất giác tôi nhớ lại lời bố khuyên chị em tôi: " Khi đi chơi, nhất là đi với bạn trai thì phải thắt dây lưng thật chặt". Tôi bỗng thấy lạnh xương sống. Cũng may trong hai năm trời yêu Tuấn, tôi chưa bao giờ phải dùng đến thắt lưng. Mà muốn dùng cũng khó, thời này toàn quần cạp trễ, hở rốn, mặc như vậy dễ chịu hơn nhiều, vả lại có đai đâu mà thắt. Em Thương- em gái tôi- cứ thắc mắc mãi về chuyện thắt lưng hay không thắt. Bố bực mình gắt: "Vì thắt nó khó tháo chứ còn làm sao, chỉ cần cái cúc quần bung ra là xong, xong hết con ạ!" Nó xuỳ một tiếng rõ dài, nói chấm chẳng: "Tại người chứ tại gì quần áo, ngày xưa các cô gái toàn mặc quần chun, váy đụp có sao đâu, lại còn cái yếm đào hở hết cả lưng. Quần bây giờ khuy đồng hẳn hoi, vải tốt hơn ngày xưa cơ mà."
Tôi về đến nhà, gặp chị ở đầu ngõ. Đúng là trông chị khang khác, người có vẻ béo ra. Tôi chào chị và cố xua đuổi những suy nghĩ lung tung trong đầu, để nghĩ về điều trong trẻo khác nhưng không được. Hôm sau tôi sang nhà chị, vừa lúc cụ Hồng - bà ngoại chị - đi chợ về ghé qua chơi, chị Tâm ra đuổi chó cho bà. Vừa thấy chị, bà ngó sững rồi hỏi:" Sao mà máu dồn xuống chân sưng múp míp vậy Tâm, hay là.. mày có chửa rồi cháu ơi!" Đúng là kinh nghiệm của người già, chẳng cần bắt mạch hay sờ nắn, chỉ nhìn thoáng đã biết. Chẳng gì cụ cũng đã có tám lần sinh nở chưa tính một lần sẩy. Bà Thu như con gà mái mất con, sấp ngửa chạy đi tìm Khanh. Trở về, trông mặt bà còn đau đớn hơn khi biết tin mất chồng về tay người đàn bà khác. Thói đời, khi người đàn bà đã có những đứa con, cho dù biểu hiện bề ngoài mỗi người một khác, nhưng trong tâm khảm họ, tình yêu đối với những đứa con là trên hết. Bà thất vọng, Khanh đã trốn về Cần Thơ.
Đúng là tôi không muốn nghe, không muốn thấy điều tồi tệ đó xảy ra ngay trước mắt mình. Tôi thương chị Tâm, thương bà Thu, những người đàn bà chân chất nơi phố huyện, họ chỉ có vũ khí mạnh mẽ nhất đó là niềm tin, và đó cũng chính là điểm yếu nhất của họ. Tại sao kia chứ, chẵng lẽ đến bây giờ, thời đại này mà con người chưa thể nâng chuyện quan hệ nam nữ lên một tầm, đó là tầm cao của văn hoá. Đến bây giờ, không ít người con trai chỉ một phút muốn chiều theo những đòi hỏi bản năng có từ thời hồng hoang của con người mà nỡ tước đi cái quý giá nhất của một đời con gái. Cho dù nghĩ đễn, nói đến cái màng trinh vật chất và không ít người lấy đó làm quy chuẩn cho đạo đức, cho sự đoan chính của một người con gái. Tự trong sâu thẳm, tôi vẫn thấy gợn lên một nỗi bất công, tuy nó đang mơ hồ, chưa định hình nhưng quyết liệt và mạnh mẽ. Tại sao không ít đàn ông mải mê ong bướm phương trời lạ, nhưng sau đó có vợ thì đi xét nét, đêm tân hôn trải giấy trắng trên giường. Quy luật của tạo hoá, cơ bản tỉ lệ giữa hai giới là cân bằng. Điều đó dĩ nhiên anh đã lấy phần của người khác thì tất có người khác hưởng phần của mình. Như Khanh chẵng hạn, rồi anh ta sẽ lấy vợ, liệu anh ta có chấp nhận một người vợ đã từng một lần lầm lỡ như chị Tâm!? Tôi bấm bụng nói theo những gì bà Thu nhờ vả: "Chị còn một tương lai ở một phía trước, đẻ rồi ai nuôi, ông bà nội không nhận, cứ cho là đứa trẻ đẻ ra sẽ rất giống anh, nhưng liệu nó có được hạnh phúc hay không khi tất cả sự việc tồi tệ đã xảy ra hôm nay. Đứa trẻ sẽ có một khuôn mặt buồn và một tâm hồn u uẩn..."Nghe tôi nói, chị chỉ tấm tức khóc. Cuối cùng chị buông một câu: " Thôi thì tuỳ ý mọi người". Tôi lạnh toát cả sống lưng: Mình đã tiếp tay trong việc tước bỏ quyền sống của một sinh linh! Trời về khuya, bóng đen nặng nề kéo xuống ngôi nhà chật chội những toan tính.
Sáng hôm sau chị mặc một chiếc áo thô rộng cùng bà Thu lên thành phố, ở đó họ không biết mẹ con bà là ai. Bác sỹ khám, siêu âm rồi lắc đầu: " 22 tuần!" Trời ạ, đã gần bảy tháng rồi thì để đẻ chứ làm sao nữa, có cáp vàng bác sĩ người ta cũng không dám làm chuyện thất đức đó. Suốt dọc đường về bà Thu cúi gầm mặt vào lưng ghế. Hết thở dài rồi thở ngắn, hết nhìn xa rồi lại nhìn gần. Cái bụng chị Tâm cứ thập thò nhô ra, rồi nay mai thôi không buộc, không bó, nó sẽ phưỡn ra hiên ngang đem lại trăm ngàn lời đàm tếu. Tâm bảo: "Mẹ đừng nghĩ ngợi nhiều, rồi lại ốm, chuyện đã như thế rồi". Tức thì bà gắt : "Mày còn nói được à!" Bà khóc:" Người ta bảo thủ thỉ như mẹ với con, khi mới còn non tháng sờ vào bụng con thấy có cái cục gì chăng chắc sinh nghi ngờ. Vừa tính hỏi thì nó gắt gỏng rồi gạt phắt đi. Mẹ thì tinh mơ mở mắt đã đi chợ, lúc trở về nhà con gà chuẩn bị ngóc cổ gáy tiếng đầu tiên cho một ngày bắt đầu. Giờ thì người ta cười vào mặt mẹ nó chứ: "Thế mà cũng làm mẹ. Mẹ gì mà con gái chửa đến tháng thứ bảy mới biết". Trời ơi! sao ông trời lại đày đoạ tôi thế này kia chứ!" Nước mắt bà túa ra chát chúa, tủi hổ, đau đớn. Giận mà thương con đến se sắt. Tâm tấm tức: " Con sợ mẹ lo lắng nên không dám nói." " Có thương thì mày không làm thế, không nói cho mẹ thì nói cho ai mới đựơc chứ! chúng nó đúng là quân ác ôn, cả họ nhà nó khốn nạn, thằng cháu đã thế, con cô còn vênh cái mặt: Biết có phải của thằng Khanh không, biết tay ai bắt được?! Nhục lắm con ạ! Thằng cha mày nữa, rặt một lũ mặt người, dạ quỷ". Chửi là chửi vậy, nhục là nhục vậy, nhưng khi về đến nhà, bà Thu và Tâm lại cúi lúp thúp, dấu mặt trong cái nón đi lên nhà bà Toan- cô của Khanh - Bà Thu cố rặn ra sự thịnh tình, thẻ thọt nói: "Thôi thì con dại cái mang, thai gìa quá rồi không phá được, chị thương lấy giọt máu của giòng họ mình". Giọng bà Toan se sẽ: "Em nói với chị nhé, em thì bị bệnh đau tim, sức yếu, không ngồi ở đây lâu được, mấy hôm nay toàn phải ngậm sâm, đứa trẻ trong bụng chắc gì đã là cháu em chứ, nói gì đến họ với hàng. Tôi đã chịu xuất tiền cho mà phá đã là có nghĩa lắm". Chỉ thiếu nước quỳ xuống lạy, bà Thu mếu máo: "Thôi vậy không cưới thì ta làm mấy mâm cơm mời làng xóm chung quanh nhà gọi là, rồi hôm đó cho thằng Khanh chạy qua chạy lại, để con Tâm nó đẻ danh chính ngôn thuận. Sau khi cưới, cháu Khanh hết trách nhiệm." " Không được, Chị muốn cho con chị đẻ thì chị tự đẻ, tôi không thể bàn gì thêm, còn tương lai của thằng Khanh, làm thế nó mang tiếng đã một đời vợ". Không còn nhẫn nhục thêm được nữa, bà Thu đứng dậy phủi đít đánh bạch nói: "Đã thế con Tâm đẻ cho tao!". Nói xong hai mẹ con lại lúc túc ra về. Lúc giận thì nói thế chứ khi bình tâm trở lại bà Thu ngồi thờ thẫn như người bị ma bắt mất hồn. Thằng út mon men đến:" Mẹ cho con tiền học thêm tháng này." Bà gắt: Nộp gì mà nộp lắm thế, mới nộp lại nộp" " Cuối tháng rồi mà mẹ ". Bà sực nhớ ra điều gì đó, cuối tháng, ừ trước đây cứ đến cuối tháng bà lại phải gửi gạo lên cho chồng. ừ, đúng! cho con Tâm lên đó đẻ, chẳng lẽ ông Cá lại không cho ở, mà không cho cũng cứ ở. Trên đó đồi núi xanh xậm, cả tháng may ra có một hai người qua đó kiếm củi, đẻ rồi con cho đi, con Tâm vào Nam làm với thằng Ba. Nghĩ được đến đâu làm đến đó. Chiều sùm sụp, chị Tâm với bọc quần áo đeo lệch vai, lủi thủi ra khỏi nhà hướng về phía xóm Trại bước.
- Em vẫn cương quyết về sao?
- Em không thể làm chỗ đó, trông cái mặt gã trưởng phòng không thể tin được.
- Chỉ là làm tạm thôi mà, với lại trong phòng còn nhiều người làm, có gì mà sợ.
- Riêng chuyện này anh để cho em từ từ, có thể em sẽ xin một việc gì đó ở quê, có thể nơi đó hợp với em hơn.
- Em thật...người ta bươn ra thành phố không được, em lại về nơi...
- Em không muốn nghe nữa. Nơi chó ăn đá, gà ăn sỏi chứ gì? Nhưng nơi đó con người được ăn cái thật thà, tự do.
Tôi không muốn tranh luận thêm với Tuấn. Tôi sợ, tôi yêu anh nhưng tôi luôn có ác cảm với những người thành phố, những người đàn ông. Anh hào nhoáng và đủ đầy, tôi quê mùa và nghèo túng. Tôi sợ tình yêu của chúng tôi sẽ chết khi về sống với nhau. Tôi luôn có mặc cảm là mình lép vế trước anh, tôi cố gồng lên để tạo sự cân bằng. Anh cũng không tranh luận gì thêm, lẳng lặng chất rương quần áo của tôi lên xe chở ra bến, tôi bắt một chiếc xe ôm theo anh. Thấy anh im lặng, lầm lũi làm, thấy mà thương. Tôi nghĩ: "Cứ về quê thời gian, để xem tình cảm của anh ra sao, thỉnh thoảng phải tạo khoảng cách để mà nhìn lại mình, nhìn lại mọi người." Tôi chia tay anh khi mặt trời vừa ngoi ngói nơi đằng đông.
Tội nghiệp cái Thương- em gái tôi- năm nay vào đại học, tính tình con bé đểnh đoảng, lại giao lưu bạn bè rộng rãi, mẹ lo lắm nên lúc nào cũng răn dạy đủ thứ, làm cho nó phát sợ, thường lánh mặt mẹ. Nhớ lại ngày xa bố mẹ cũng giặn dò mình như thế, tôi tủm tỉm cười. Bố tôi hay nói: " Chỉ cần tiếp xúc với một người bạn của con khoảng thời gian nhất định, bố sẽ biết bạn đó là người như thế nào, có được dạy dỗ chu dáo hay không, ý tứ của người con gái là công lao của người mẹ, còn sự chững chạc của người con trai là ảnh hưởng từ bố. Phố hay quê cũng vậy thôi, gia đình, nói cách khác là nếp sống của cha mẹ quyết định rất lớn đến mọi mặt của con cái. Bên cạnh đó, môi trường sống, bạn bè cũng có ảnh hưởng không nhỏ."
Bố xin cho tôi vào làm việc ở toà án nhân dân huyện. Tuấn thỉnh thoảng điện thoại về nói mong tôi ra lại thành phố, anh bảo không có tôi anh chẳng làm được việc gì. Tôi ậm ừ cho qua chuyện. Chắc anh nghĩ là tôi không nhớ anh chắc. Lần đầu tiên leo lên xe ô tô về quê một mình, tôi có cảm giác lòng trống hơ trống hoác như lỗ chuột ngoại đồng vào mùa khô. Con đường mê mệt ôm những bánh xe xoay tít, cứ nhắm nghiền mắt lại là có cảm giác chiếc xe đang hút dần về phía thành phố, nơi đó có anh. Nhưng cứ mở mắt ra chiếc xe lại lao vùn vụt vội vã trở về ngôi nhà thoang thoảng hương hoa trong vườn. Tôi chạy trốn chính mình, chạy trốn những định kiền do mình tạo ra.
Chị Tâm dạo này trông trắng ra. Sau lần đẻ không thành - đứa bé chết lưu trong bụng- chị ở nhà phụ giúp mẹ bán hàng, thằng Ba cũng không đi kinh tế mới nữa, nó ở nhà chăm lo vườn nhãn, mấy năm nay nhãn được mùa, cuộc sống gia đình bà Thu bớt nặng nề. Ông Cá- chồng bà Thu- ở hẳn trên xóm Trại với vợ bé. Tôi nghĩ: ừ thì âu cũng là số phận, trời có bắt ai chết bao giờ, lẽ thường, cứ hết đêm lại sang ngày thôi.
Trăng rằm đã lửng lơ trên ngọn cau, tôi dẫn anh sang nhà bà Thu chơi, bên đó đang làm đám liên hoan cho chị Tâm ngày mai đi bộ đội, chị đã đạt được ước mơ từ nhỏ. Ngày mai chị sẽ mặc quân phục chắc là đẹp lắm, chị cao như vậy, da lại trắng nữa.
Từ nhà chị Tâm ra, tôi và anh vòng lên quãng đường đê, gió đưa hơi bùn ngai ngái từ ruộng lên làm gợn trong tôi một điều gì đó như là luýên tiếc, ngày mai tôi lại phải xa phố huyện. Tôi nép sâu vào ngực anh tìm sự chở che.