B uổi sớm Kon Tum, trời se se lạnh, cái lạnh thật dễ chịu, làm chỉ muốn nằm lười thêm. Phải đến 10g, cái nắng mới bắt đầu lấn át, làm phố xá có vẻ nóng hơn, nhưng không hề ngột ngạt như Huế hay Sài Gòn.
Không chỉ riêng Huế, Kon Tum hoa bằng lăng cũng đang khoe sắc tím, có những cây như đang độ tuổi xuân thì nở ngợp cả cây, phố núi trông dễ thương hơn. Bằng lăng trắng phố núi hình như chỉ có vài gốc cây, 3 trong số đó được bứng gốc mang từ rừng về trồng tại Nhà thờ Gỗ, mười mấy năm qua giờ đã to lớn, và gần đó, góc bên đường gần toà giám mục cũng có một cây cao vút, đang nở trắng vào mùa này. Ngày trước ba cũng mang từ rừng về một gốc, thi công làm đường phải chặt bỏ đi. Cây rừng vốn quen mạch đất, đặt trong chậu bức bí nên mãi không chịu phát triển lên, rồi số phận nó chưa hết long đong chuyển sang tay người khác, giờ chẳng biết ra sao.
***
Khu vườn cây trái giờ thôi không còn đơm hoa kết quả, chúng già nua theo tháng năm, sống phần đời nhàn hạ còn lại trong mảnh vườn nhìn tháng ngày qua. Chỉ cách đây chừng hơn 10 năm, ngày chúng hãy còn non trẻ và đang ra những đợt quả đầu tiên, những cây non nớt hơn cũng háo hức chờ ngày được như những đàn anh đàn chị của chúng, được ra quả, để được bọn con nít trong nhà đu bám lên rồi dò xét, xem quả đã đến đợt hái chưa. Những cây bơ trái tròn hay quả dài đều được bón nhóc chăm chút nâng niu ngày ngày. Khi quả lớn một chút, bọn chúng đã bắt đầu trèo lên thăm hỏi, chọn những quả to to rồi cầm lắc, quả nào hạt lung lay là có thể lìa cành, vào giỏ. Bọn nhóc thích nhất là khâu này, hồi hộp và đầy thú vị, nên có những quả bọn trẻ chắc lắc đến chục lần. Đó là bơ đầu mùa, đến khi vào mùa thì bọn trẻ bớt háo hức hơn, cũng lắc hột, nhưng đa phần quả nào cũng kêu. Khi đó chúng lại có thú vui mới vào mỗi sớm mai: chưa kịp đánh răng đã ùa ra vườn xem có quả rụng hay không… Với nhãn thì có thú riêng khác, hái và ăn ngay trên cây. Đôi khi để dành rồi lên ăn dần. Nỗi sợ duy nhất của bọn nhóc là chạm trán với lũ sâu róm đầy lông, chúng luôn hiện diện trên cây bơ, cây nhãn. Nên khi leo lên chúng đều phải quan sát thật kỹ để triệt hạ và không bị đụng vào.
Khu vườn vào hè ngợp bóng mát và tiếng ve, không gian của các chú ve hoà vào sắc xanh của cây lá, bước chân ra vườn mới nghe trọn âm thanh veveee dày đặc. Dường như những chú cây đã có thú vui nhàn nhã khi về hưu, khi bọn trẻ đã lớn và bỏ chúng ra đi…
***
Sông Dakbla mùa này nước thấp, đoạn qua cầu Dakbla nước nông, đất lộ ra hai bên bờ một mảng dài. Ruộng lúa đang vào mùa thu hoạch. Vườn nhà ai mít chín đến thâm nâu mà chẳng màng đến việc hái ăn. Về ngang qua chợ tìm mua ít mắm và bơ, thấy vài chị đi chợ mặc đồ rườm rà như đi dự tiệc cưới, trông đẹp mà hơi dì dị. Kon Tum vẫn còn đó những người đồng bào vác rau ra chợ bán, có những bé trên tay, trong rỗ chỉ đơn giản là bó rau nhỏ tung tẩy trên đường, trong khu vực chợ để tìm người mua…
Về, khi Kon Tum đang có hội chợ. Cũng bon chen ghé vào xem. Các gian hàng khách chỉ đảo qua một lượt rồi đi, đa phần dừng lại ở sân khấu nơi có chương trình hài kịch, ca nhạc, nhất là các fan tuổi teen. Các anh ca sĩ bảo “quẫy lên”, các em quẫy đến độ làm tắt nguồn điện trên sân khấu, và khi hát xong, các anh xin các em vỗ tay thì bên dưới thấy im re, cậu bạn tếu: riêng ở Kon Tum thì các anh phải quỳ lạy các em mới vỗ tay cho, xin vẫn còn bèo lắm…
***
Mới chỉ xế chiều, cơn lạnh đã ùa về làm mát lạnh phố phường, để đêm về người dân phố núi có cớ để diện áo khoác đi chơi khi trời vừa vào hạ…
[30.4.2015]Kon Tum, không biết tự bao giờ đã có “gánh” hát rong bán dạo… Đoạn đường ngắn trước chợ vào đêm, chiếc xe chậm qua, một người đẩy xe, 1 người cầm mic hát, và một người cầm rỗ đựng bày các món đi chào, dường như chẳng ai mua…
Kon Tum vào mùa gặt, hương lúa tràn vào từ những bờ ruộng, từ những con đường đang phơi hạt lúa, từ những chiếc máy tuốt đang ình ịch nổ chạy bên đường, từ những đống rơm đang phơi khô…
Về, gặp lại người bạn hơn 8 năm rồi chưa gặp, giờ cô bạn đã 2 đứa con, một đứa đến 7 tuổi. Chuẩn bị về, nghe mùi mít chín cây, sau khi thử dùng sào thọc không thấy hiệu quả, bèn giở võ leo trèo, chừng 5 phút sau đã lên gần đến đỉnh, vặt hai quả mang xuống, một ăn tại chỗ, một gói gém mang về…
Về, như một cuộc trốn chạy tạm thời với những công việc đang dang dở và đối diện với những buồn vui. Đi, lại là một cuộc đảo chiều. Và dù về hay đi đều đối diện với sự né tránh tâm…
[3.5.2015]
…
Về gặp lại cô, lâu lắm rồi mới nghe lại câu “Ông già Nghi của tui.” Chả là trong mấy anh em chỉ có 1 người có nét giống ông nội, nên ngay từ bé đã được gọi như vậy. Ngồi chuyện trò về chuyện mưa gió, cô nói mới biết có thể dự đoán thời tiết nhờ vào kiến, khi nào thấy chúng khiêng trứng đi đàn đàn thì hôm ấy trời sẽ có mưa to.
Mùa này, hoa sữa đôi nơi vẫn còn sót lại, hương thơm toả ngát vào đêm.
Trưa ngày cuối cùng lang thang phố núi, ghé vào thăm thú các thôn trong xã Chư Hreng. Nằm gần thành phố nên những thôn này có phần ảnh hưởng, đường sá, nhà cửa khang trang, đến cả nhà sàn lớp mái lợp bằng tôn. Xe chạy sâu vào một cung đường đất ngoằn nghèo như đang leo lên đỉnh đồi, đến một khoảng đất, khựng lại vì cảnh đẹp-điêu tàn, bên phải là mảnh đồi còn sót lại vài cây chừng như đã chết vì đốt cháy, giữa đồi còn lại những gốc cây. Bên trái ngay lề đường là một tấm bảng cảnh báo treo trên thân cây: “cấm lửa”, phía sau là mảnh đồi trọc, lởm chởm vài gốc cây, xa xa là những mảnh đồi xanh mướt… thẳng lên một đoạn chừng trăm mét là một nghĩa trang… Dọc đường đi từ Chư Hreng vào lại TP từ phía cầu treo sẽ gặp không ít những quả đồi đang bị cắt xẻ để lấy đất đắp vào khu vực đang quy hoạch gần cầu Dakbla. Có con đường bị giẫm nát bởi những chiếc xe. Tình cờ gặp một đám cưới đang mượn tạm phần đất chung của thôn để dựng rạp và tổ chức lễ, trông dáng dấp như của người Kinh, mở màn, một chị hát ca khúc Việt, chất giọng khàn khàn rất lửa, giữa trưa…
Chiều ngồi bên bờ kè, chờ đi, thấy mưa đang trút xa xa phía bên kia sông làm vùng trời phân ra ba màu rõ rệt: xanh, xám và chút ửng hồng của ánh nắng cuối ngày. Tạm biệt Kon Tum.